Mưu xa vốn không phải sở trường của Đổng Phi. Y giỏi lắm là gặp chuyện gì giải quyết chuyện ấy, đi một bước nhìn thấy bước thứ hai là tốt lắm rồi.
Hương học ba năm, Huyện học ba năm.
Nhưng giữa đó đúng là tồn tại một khoảng cách lớn, làm sao kết nối hai học, thậm chí Tam học.
Học thứ ba, chính là Thái học, do đám Dương Tự, Lưu Hồng lập nên.
Câu hỏi của Mã Kiệu rất hay, tức thì làm khó Đổng Phi:
- Điều Bá Lương nói rất trọng yếu, ừm, à ... Ừm, hay là thế này, chúng ta dùng khảo thí.
Mã Kiệu chỉ muốn thăm dò một chút, không nghĩ Đồng Phi cho đáp án thật.
- Khảo thí sao?
Có câu một sự thông, vạn sự thông!
Đồng Phi nói ra hai từ "khảo thí", suy nghĩ đột nhiên trở nên thoáng đạt.
Trong ký ức kiếp trước không phải có khảo thí sao? Hương học Huyện học, nghĩ kỹ giống khái niệm tiểu học trung học kiếp trước. Đương nhiên tiểu học trung học ở thời đại này không thể dạy loại môn học như đời sau. Nhưng bách gia chư tử cũng có thể phân ra đẳng cấp, dựa vào trình độ khác nhau để soạn ra tài liệu dạy học, chứ không phải làm tùy ý như hiện nay.
Ừm, phải rồi, khảo thí là điểm mấu chốt nối liền Hương học và Huyện học.
Nếu như có thể nối liền Tam học, chẳng phải một hệ thống giáo dục chưa từng có xưa nay đã hình thành sao?
Đổng Phi tức thì thao thao bất tuyệt nói ra suy tưởng của mình, hết điều này tới điều khác, từ định ra tài liệu ra sao, dùng tới từng học thế nào, làm Mã Kiệu há hốc mồm.
Loại ý tưởng kỳ quái này chưa bao giờ nghe thấy, vừa nghe lại vừa gật đầu, tới khi Đổng Phi nói xong, ở cửa truyền tới tràng vỗ tay.
Tiếng vỗ tay không to lắm, ngẩng đầu lên thấy Hoàng Thiệu được Hoàng Thị dìu từ ngoài cửa đi vào trong đại sảnh.
- Chủ công cao minh, thực sự rất cao minh.
Hoàng Thiệu tất nhiên biết người thường cầu học vất vả gian nan thế nào, Đổng Phi đã mở ra một con đường cho sĩ tử thiên hạ cầu học. Đương nhiên muốn thực thi chẳng phải là dễ dàng.
Tài liệu, tiên sinh, rồi làm sao nối liền tam học, vẫn đề còn rất dài.
Thế giới này là thế, khi ngươi có ý tưởng, có khái niệm, có được đường lối, tất cả không còn quá khó khăn nữa.
Hoàng Thiệu quỳ xuống, nước mắt như mưa:
- Thiệu vì học tử thiên hạ tạ ân điển chủ công.
Mã Kiệu cũng nghe ra manh mối, nếu đúng như suy nghĩ của Đổng Phi thiết lập trườn học, như thế học thức vốn bị thế phiệt lũng đoạn sẽ không còn uy hiếp được vị Hổ lang chi tướng, mặt mũi xấu xí nhưng tâm tư tinh tế này nữa.
Có lẽ Tam học không thể dạy ra được đại gia học vấn như Thái Ung, Dương Tự, nhưng thế cũng đủ rồi. Đem sao ra, người được tam học đào tạo, càng chuyên nghiệp hóa hơn.
Mã Kiệu mãi chưa hạ được quyết tâm, lúc này không còn do dự gì nữa! Tam học được kiến lập lên, chướng ngại cuối cùng của Đổng gia bị loại trừ.
Nếu như hiện giờ còn không quy thuận Đổng Phi, đợi tương lai tam học hưng thịnh mới quy thuận thì không thu được lợi ích gì nữa rồi, liền quỳ xuống theo Hoàng Thiệu:
- Việc này của chủ công đại lợi cho thiên hạ, tuy không phải thánh nhân, nhưng vượt qua thánh nhân, học sinh nguyện theo chủ công dốc sức khuyển mã.
Đổng Phi choáng luôn.
Đang nói chuyện tử tế, sao đột nhiên nhận chủ công rồi?
Có điều trong lòng rất cao hứng.
Đợi bệnh Hoàng Thiệu khỏe rồi, nhất định phải đón về Hán An điều dưỡng, nhưng truân điền cũng cần người có tài năng tiếp nhận. Hoàng Thiệu tiến cử hai người, một là Phí Ốc, một là Mã Kiệu. Nhưng trước đó Mã Kiệu không tỏ thái độ, Đổng Phi cũng không tiện nói. Mà Phí Ốc tuy có đại tài, nhưng một người sao phân thân làm hai được?
Hít sâu một hơi, Đổng Phi đỡ hai người lên:
- Tằng Thứ, có Bá Lương ở đây, ngươi có thể yên tâm theo ta về Hán An rồi.
Mặt Hoàng Thiệu nổi lên màu hồng bệnh tật, gật đầu liên hồi:
- Thiệu yên tâm rồi, yên tâm rồi.
Mã Kiệu nói:
- Chủ công, có điều chuyện tam học còn cần trù tính cẩn thận, Quảng Nguyên có chút nghiên cứu ở phương diện này, sao không để hắn tham gia. Còn về tài liệu, có thể mời Thái Bá tiên sinh và Hưng Tổ tiên sinh ra mặt. Chủ công không cần nói chuyện xác nhập tam học, chỉ cần nói rõ đại khái, mời bọn họ biên soạn là được. Đây là chuyện tốt lưu danh sử sách, tin rằng hai vị tiên sinh đó sẽ không cự tuyệt, hơn nữa có hai vị tiên sinh đó đứng ra, có thể làm thanh danh tam học vang dội.
Đổng Phi thấy Mã Kiệu nói rất có đạo lý, lập tức gật đầu đồng ý.
Mã Kiệu nói tiếp:
- Còn một chuyện riêng, gia quyến của Kiệu nay còn ở Tương Dương. Điền sản không quan trọng, nhưng có năm đứa con, khiến Kiệu không thể không nhớ nhung. Không biết chủ công có thể phái người tới Tương Dương một chuyến không?
- Điều nà có gì khó? Ta sẽ bảo Lâm Hương đình hầu xử lý chuyện này.
- Bá Lương tuổi không chênh với ta là bao, không ngờ có năm con trai cơ à, bao tuổi rồi?
Mã Kiệu bỏ được một tâm sự xuống, trở nên thoải mái hơn nhiều, nghe Đổng Phi hỏi, trả lời ngay:
- Làm chủ công cười rồi, trưởng tử của Kiệu tên Lương, năm nay chín tuổi. Thứ tử tên Tĩnh, tam tử tên Quý, tứ tử tên Thông, chúng là thai sinh ba, cách nhau mấy canh giờ, đều bảy tuổi. Con út tên Tốc, cũng chính là đứa láu lỉnh, hiện mới sáu tuổi.
Đổng Phi vốn chỉ thuận miệng hỏi, không để tâm lắm. Trưởng tử tên Lương, vậy là Mã Lương rồi, nghe quen tai lắm, nhưng không nhớ ra xuất sứ.
Lại còn sinh ba, Mã Quý, Mã Tĩnh, Mã Thông? Đều rất xa lạ.
Con út tên Mã Tốc.
Hả? Mã Tốc?
Đổng Phi từ thì tròn mắt.
Chậm đã, Mã Lương Mã Tốc ... Mã thị ngũ thường, bạch mi tối lương? ( Nhà họ Mã có 5 người, mi ai trắng nhất là Lương)
- Không ngờ lại là Mã thị ngũ Thường?
Nói ra thì Đổng Phi gặp quá nhiều danh nhân, sớm đã nhàm rồi. Nhưng vô tình phát hiện người trước mắt là cha của danh nhân, không nhịn được thốt lên.
Những lời ấy làm Mã Kiệu giật mình.
Vì sao chứ?
Đây là cổ nhân nhiều người đặt tên chiếu theo tộc phổ định trước từ lâu.
Theo tộc phổ của Mã thị, trong tên chữ của đám con Mã Kiệu có chữ "Thường", dựa theo truyền thống sớm định tên chữ của năm đứa con lần lượt là Bá Thường, Trọng Thường, Thúc Thường, Quý Thường, Ấu Thường.
Tên chữ này thật ra có quy luật để suy luận.
Ví như ba anh em Đổng Trác, dựa theo quy luận này, là Bá Dĩnh, Trọng Dĩnh, Thúc Dĩnh, điều này chẳng có gì lạ, nhưng làm sao Đổng Trác lại biết con mình có chữ "Thường"?
Mã Kiệu cũng há hốc mồm hồi lâu không nói lên lời.
Đổng Phi sống ở cái thời đại này lâu rồi, nói lỡ lời là ý thức được ngay, định giải thích nhưng không biết phải nói sao, nên không giải thích nữa, nhìn sang Hoàng Thiệu chờ hắn giải vây.
Hoàng Thiệu thì theo Đổng Phi lâu rồi, tất nhiên hiểu ý của y, vội chuyển hướng:
- Chủ công, nếu tiểu nhi tới Hán An thì đừng cho nó vào thái học ngay. Theo ý Thiệu, cứ để nó vào Hương học đã, tương lai có thành tựu không phải xem bản lĩnh của nó.
Câu này làm Mã Kiệu hổ thẹn, hắn muốn cho con vào thẳng Thái học, nhìn lão Hoàng rồi lại nhìn bản thân, ài ...
Chủ đề chuyển đi, quên luôn chuyện vừa rồi, ba người ở thư phòng nói chuyện rất lâu, dần dần vẽ lên bóng dáng của tam học. Đổng Phi thở phào, bất kể thế nào thì cũng xong một việc.
Sức khỏe Hoàng Thiệu dần dần chuyển biến tốt, đó là kỳ tích ngay Mã Chân cũng không ngờ tới, mặc dù thi thoảng cảm thấy đau bụng, hơn nữa khi đau còn cảm giác như rách ruột, nhưng vẫn sống được.
Nguyên nhân à?
Mã Chân nói không rõ.
Có lẽ là chuyện tam học khiến Hoàng Thiệu sinh vương vấn với cuộc đời.
Có điều khỏe rồi, Hoàng Thiệu liền kéo Mã Kiệu và Đổng Phi thảo luận chi tiết vấn đề tam học, biên soạn tài liệu ra sao, phải sửa đổi tới mức độ nào ...v..v..v.. Làm Đổng Phi đầu to như cái đấu, đa số thời gian là y giữ im lặng, không phải là y làm bộ gì, mà vì y không biết đáp án.
Kiếp trước, các cụ từng dạy, khi ngươi không biết nói gì thì hãy im lặng.
Im lặng chính là vàng.
Đổng Phi làm như thế.
Hay một cái là cho dù y im lặng, nhưng thường thường một động tác vớ vẩn, một ánh mắt lại khiến Hoàng Thiệu, Mã Kiệu sinh ra rất nhiều linh cảm. Làm Mã Kiệu ngày càng cảm thấy :" Chủ công nhà mình đúng là có phong phạm cao nhân, thâm sâu khó lường!"
Đổng Phi dở khóc dở cười.
Hoàng Thiệu khỏe rồi, liền theo Đổng Phi xuất phát.
Mã Kiệu tiếp tục ở lại quản lý chuyện truân điền, còn gánh một trọng trách, đó là đem thành quả bọn họ thảo luận, cố gắng tổng hợp thành hệ thống, dùng hình thức công văn gửi tới các hộ phủ, tiến hành thương thảo.
Nói chung là không liên quan gì tới y nữa rồi.
Đổng Phi vội vàng đưa Hoàng Thiệu tới Hán An.
Lần này tới Hán An một mặt là để Hoàng Thiệu nghỉ ngơi cho khỏe, mặt khác còn phải thuật chức với Lưu Biện.
Đương nhiên, đó không phải là điều Lưu Biện yêu cầu. Ngược lại, để Đổng Phi tới Hán An là kiến nghị của Giả Hủ và Lý Nho. Nói trắng ra là vấn đề thể diện, bất kể nói thế nào thì hiện Đổng Phi là Hán thần, thể diện phải làm cho trọn vẹn.
Thành Hán An cao sáu trượng, diện tích chẳng hề thua kém Lạc Dương.
Là vương thành của Lưu Biện, tất n hiên không thể xem nhẹ, dù hiện nhân khẩu còn chưa tới mười vạn, nhưng Đổng Phi tin, thế nào cũng có một ngày nó sẽ thành vương thành phồn hoa nhất Tây Vực.
Điều này không chỉ Đổng Phi tin mà tất cả mọi người, kể cả Lưu Biện cũng tin.
Hán An xây dựng theo phong cách thành Lạc Dương, đường lớn lát đá, có tổng cổng mười hai cổng thành, cái lớn nhất gọi là Thú môn, nối liền với nó là đường Ngọc, sở dĩ gọi như thế là vì Đổng Phi tưởng niệm đại tỷ của mình, Đổng Ngọc.
Nói ra con đường lớn Ngọc này gây ra một phen tranh luận.
Khi đặt tên cho nó, Dương Tự muốn dựa theo đường chính Trường An, đặt là Chu Tước, Thái Ung lại muốn đặt tên theo đường ở Lạc Dương, nói chung là mỗi người một ý, các vị tiên sinh đều muốn để lại dấu tích của mình trên con đường đó.
Khi tranh luận không ngừng, Lưu Biện thỉnh giáo mẫu thân.
Hà thái hậu nắm tay Lưu Biện:
- Đại vương, tên đường là gì không quan trọng, quan trọng là chúng ta phải nhớ, tòa thành to lớn này là ai dựng lên cho chúng ta.
Lưu Biện lập tức tỉnh ra:
- Ý mẫu hậu nói phải lấy tên Đổng khanh?
Hà thái hậu lắc đầu:
- Không được, như thế chưa nói tới Đổng khanh nhất định sẽ chối từ, còn khiến người ta sinh ra suy đoán không hay. Đại vương, người sắp thành thân rồi, có một số việc phải tự mình suy nghĩ. Phải cảm ơn Đổng khanh mà không đẩy y lên đầu sóng ngọn gió. Dù sao có Đổng khanh ở đây, người mới có khả năng về Trung Nguyên.
Lưu Biện không phát hiện, Hà thái hậu dùng từ "người", mà không phải "chúng ta".
- Cô nhớ Đổng khanh kính trọng nhất là tỷ tỷ của y, không bằng dùng tên tỷ tỷ của y.
- Điều này tùy đại vương quyết định.
Thế là con đường chính đó tên là Ngọc, còn về phần hàm nghĩa trong đó, Lưu Biện không phải là trẻ con nữa, tự nhiên có thể bịa ra đạo lý.
Đổng Phi đang giới thiệu cho Hoàng Thiệu căn hào trạch có thể chứa ngàn người.
Đây vốn là trạch viện Lưu Biện để lại cho Đổng Phi, nhưng Đổng Phi thấy mình không thường ở Hán An, không bằng tặng cho Hoàng Thiệu.
Phong Hoàng Thiệu làm thái thường, hưởng bổng lộc hai nghìn thạch, sai nhân mã mua hơn hai trăm nô lệ làm nô bộc cho Hoàng Thiệu.
Hoàng Thiệu cảm kích vạn phần.
Chỗ ở của Đồng Phi an bài phía tây Hán vương phủ, đó là cử động mang tính tập quán, trong lòng Đồng Phi, Lưu Biện còn là đứa trẻ cần bảo hộ, ở gần một chút, nói không chừng làm Lưu Biện thấy vui vẻ.
Mọi chuyện xử lý xong, Đổng Phi mỗi ngày ở bên cạnh Lưu Biện,
Y dùng sáp ong đặc sản của Tây Vực làm cho Lưu Biện một cái thương lớn, đương nhiên thứ này dùng để chơi thôi, chẳng có tác dụng gì. Nhưng với Lưu Biện mà nói, món quà này làm hắn rất vui, như trở lại thời ở Lạc Dương vậy.
Lưu Biện mỗi ngày mang Hạ Hầu Lan tới nhà Đổng Phi múa kiếm luyện thương, đôi khi một lời khen của Đổng Phi làm hắn rất cao hứng. Còn Đổng Phi kể cho hắn phong tình Tây Vực.
Trong mắt người ngoài Đổng Phi và Lưu Biện quan hệ cực tốt.
Cho dù Dương Tự hồi đầu còn thấy ngứa mắt với Đổng Phi cũng bắt đầu có thái độ cởi mở hơn, hắn thậm chí ra mặt thuyết phục Lưu Hồng làm cho Đổng Huân chút việc, bất kể Lưu Hồng nể mặt Dương Tự hay Lưu Biện, dù sao cũng chính thức thừa nhận địa vị chủ đạo của Đổng Phi, vì y san sẻ không ít phiền não.
Tất cả mọi việc tựa hồ đều không tệ.
Chỉ là .
Ngày hôm đó Lưu Biện vừa đi, Đổng Phi đang chuẩn bị hành trang về Thú huyện, đã rời Thú huyện gần bốn tháng rồi, trong thời gian này trừ Tây Vực, cũng xảy ra rất nhiều việc.
Viên Thiệu tấn công U Châu, sau khi chiếm cứ hai châu U Ký, hắn bắt đầu nhòm ngó sang Thanh châu.
Mà trước khi đoạt Thanh Châu, hắn cần phải giải quyết quyết Lữ Bố ở U Châu. Dùng lời Điền Phong mà nói :" Lữ Bố là ác hổ trên đời, không thể để nó nằm kè kè bên cạnh. Lấy Thanh Châu tức là chính thức trở mặt với Tào Tháo, cho nên muốn lấy Thanh Châu thì phải lấy U Châu trước. Không bình U Châu, hậu phương của chủ công luôn có ẩn họa."
Đúng thế, đem so với Tào Tháo, Lữ Bố mới có được U Châu một năm hiển nhiên là yếu hơn nhiều.
Viên Thiệu nghe lời Điền Phong, chia binh năm ngả, tấn công U Châu. Có điều hắn lại từ chối một kiến nghị khác của Điền Phong là nghênh đón thiên tử ở Trường An.
Cùng lúc đó Tào Tháo đột nhiên ngừng tấn công Từ Châu, binh mã ba châu Thanh Duyệt Dự điều động liên tục.
Đổng Phi thầm nghĩ, hẳn đây là chuẩn bị đón thiên tử, dùng thiên tử lệnh chư hầu. Viên Thiệu không phải không biết lợi ích trong đó, nhưng hắn quên, uy nghiêm Hán thất đã mất sạch, có điều ai có được Hán đế, người đó có được đại thống. Tào Tháo nhìn ra đó là cơ hội, còn Viên Thiệu chỉ coi Hán đế thành củ khoai nóng.
Đôi khi y nghĩ vẩn vơ: Nếu Viên Thiệu đóng thiên tử thì có kế quả gì?
Đúng lúc y đang nghĩ vẩn vơ thì Hà Nghi vào bẩm báo:
- Khởi bẩm chủ công, Lư công ở ngoài phủ cầu kiến.
Đổng Phi vội thu lại suy tư, nói:
- Mau mau mở nghi môn, theo ta nghênh tiếp.
- không cần nữa.
Lời chưa dứt thì Lư Thực đã đi vào đại sảnh.
Bên cạnh ông ta có một thiếu niên môi hồng răng trắng, cực kỳ tuấn mỹ là con trai Lư Thực, Lư Dục.
- Nghe nói ngày mai Tây Bình về Thú huyện, ta liền tới thăm. Dục Nhi, đi tìm Đổng Ký chơi đi, ta có chuyện phải trao đổi với đại đô đốc.
Đổng Phi nghe ra Lư Thực có chuyện quan trọng, sai người đưa Lư Dực đi tìm Đổng Ký và Đổng Tiết, lại sai Vương Nhung, Việt Hề gác ngoài cửa, không cho người không liên quan tới gần.
- Lão sư, có chuyện gì mà phải tự mình tới đây?
Lư Thực tỏ ra có chút khó xử, tầm ngâm một lúc ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mắt Đổng Phi:
- Tây Bình, ngươi nói thực cho ta biết, ngươi có tâm tư thay thế Hán Vương không?
Câu này như tiếng sấm nổ bên tai Đổng Phi:
- Lão sư sao lại nói lời ấy? Phi đã bao giờ có tâm tư đó?
Lư Thực cười:
- Ngươi không có suy nghĩ đó, không đại biểu người khác tin ngươi không có suy nghĩ đó. Tây Bình, ngươi đánh hạ Tây Vực, mở cương thổ ba ngàn dặm, Đại Hán ta chưa bao giờ có công tích hiển hách như thế. Nhưng ngươi không biết, vì thế mà ngươi thành cái đích cho người khác nhắm vào. Tây Hán vương vô cùng tín nhiệm ngươi, nhưng ngươi phải hiểu một chuyện.
- Chuyện gì?
- Tây Hán vương đã trưởng thành.
Câu nói này bao hàm rất nhiều ý tứ, Đổng Phi chợt phát hiện, đứa bé nhút nhát luôn nấp sau lưng mình đã tới tuổi nhược quan: