Ác Hán

Chương 307: Những Chuyện Năm Kiến An



Trời sáng, mặt trời từ phía đông nhô lên, sương sớm làm ướt người Đổng Phi, y nhẹ nhàng gập sách lại, cẩn thận cho vào trong bọc, đứng dậy.

Có được một bộ khúc như thế, thực sự là phúc của Đổng Tây Bình y.

Đổng Thiết lặng lẽ đứng gác một bên, thấy Đổng Phi đứng dậy liền đi tới.

- Viện Dung, ngươi nói xem Lão Hoàng làm thế là vì cái gì?

- Ti hạ không biết, có lẽ là vì Lão Hoàng cảm thấy, chủ công có thể đem lại hi vọng cho nhiều người hơn nữa.

Hi vọng sao?

Đổng Phi chắp tay sau lưng, đứng bên bậc thềm chói nghỉ, hồi lâu không nói, y nghĩ rất nhiều, từ lần đầu gặp Hoàng Thiệu rồi những khuôn mặt sau đó dần hiện ra trước mắt: Đường Chu, Giả Hủ, Trần Đáo ...

Người còn sống, người đã chết, bọn họ tới bên cạnh mình, chẳng phải truy cầu thứ gọi là "hi vọng" rất mơ hồ xa xôi đó sao? Còn mình, sau khi báo được thù, sống quá tiêu cực, làm sao xứng với người dâng hiến sinh mạng cho mình? Sao xứng với người vì mình một dạ trung thành vào nam ra bắc.

- Tiểu Thiết, có phải gần đây ta rất suy sụp không?

- Cái này, hình như ... Hình như có một chút.

Đổng Phi xoay người lại, nụ cười sáng láng:

- Ta thề sau này sẽ không bao giờ như thế nữa, ta sẽ để mỗi người theo bên ta thấy được hi vọng của bọn họ.

Cái khuôn mặt ngàn năm vô cảm của Đổng Thiết cũng nở nụ cười.

************************

Hán đế Lưu Hiệp được văn thần võ tướng tháp tùng, qua ba ngày trai giới, tiến hành đại điển tế trời ở ngoại thành Hứa Xương.

Hôm nay ngày lập xuân, từ triều Chu tới nay, có tập tục tới phía đông tám dặm nghênh xuân.

Từ khi tới Hứa Xương, Hán đế mặc dù không hề có quyền bính gì, nhưng cuộc sống tựa hồ tốt hơn rất nhiều.

Tào Tháo không đi theo nghênh xuân, mà ở trong thư phòng đọc Nguyệt lệnh thất thập nhị tập giải, thi thoảng khẽ gật đầu, lời lẽ bên trong tuy thô tục, nhưng lại mang thâm ý.

Mắt thấy trù mưu chiến sự Quan Trung đã triển khai thỏa đáng, tâm tình Tào Tháo rất nhẽ nhõm.

Đến Kinh Trập ( 5 -6 tháng 3), Viên Thiệu, Trương Lỗ sẽ xuất binh. Nhớ lại kế hoạch lớn của Đổng Tây Bình làm mình hoảng sợ, tiếp đó tin về cái chết của Lư Thực, vội vàng lui khỏi Hàm Cốc Quan, thật là đáng tiếc.

Lần này thế nào cũng không bị ngươi dọa nữa.

Tào Tháo nghĩ tới đó không khỏi đắc chí, vừa đặt sách xuống thì thấy Tuân Du, Quách Gia, Trình Dục vội vã đi vào.

- Chủ công, chuyện không hay rồi.

- Xảy ra chuyện gì?

Ba người này thêm vào Tuân Úc có thể nói là tứ đại mưu chủ của Tào Tháo, dù đem so thì Trình Dục có vẻ hơi kém một chút, nhưng rất được Tào Tháo tín nhiệm.

Trong lòng Thào Tháo sinh ra cảm giác không lành, vội bảo bọn họ ngồi xuống, hỏi lại:

- Phụng Hiếu, ba người các ngươi có chuyện gì mà gấp gáp ...

Tuân Du không đợi Tào Tháo hỏi xong đã đáp ngay:

- Thanh Xà chết rồi.

- Cái gì?

Tào Tháo cả kinh thốt lên:

- Vậy là sao, chẳng phải Thanh Xà đi Từ Châu à? Sao lại chết>

Dưới trướng Tào Tháo có một nhóm nhân mã bí mật, tên là Bàn Xà. Vì sao gọi là Bàn Xà? Vì rắn giỏi ẩn nấp, độc tính mạnh, cắn ắt làm thương người.

Bàn Xà là đội nhân mã Tào Tháo thành lập sau trận chiến Quan Đông, khi đó Sử A lưu láng tới Sơn Dương, Tào Tháo biết sự lợi hại của kẻ này, nên giữ lại, bảo hắn thành lập Tử sĩ doanh, chuyên phụ trách ám sát.

Sử A vốn tinh thông ám sát, hơn nữa lại có tình sư đồ với trưởng tử Tào Tháo là Tào Ngang, nên không cự tuyệt. Đồng thời do năm xưa hắn tại Lạc Dương ám sát Đổng Trác thất bại, khiến Anh Hùng lâu do ân sư gây dựng nhiều năm bị phá hủy, người chết trong đó không thiếu đệ tử do Sử A nhiều năm bồi dưỡng, tất nhiên căm hận Đổng Phi.

Vì thành lập Tử sĩ doanh, Sử A bỏ rất nhiều công sức, chẳng những tự mình huấn luyện tử sĩ còn mời rất nhiều kiếm khách Quan Đông gia nhập, nhưng bên ngoài ít ai biết.

Về sau Tuân Du gia nhập dưới trướng Tào Tháo, tiếp quản Tử sĩ doanh, hắn là người tâm tư thâm trầm, trí mưu sâu xa, liền đổi tên là Bàn Xà.

Tính chất của Bàn Xà hơi giống với Ám bộ của Đổng Phi, có cả giả trẻ gái trai, do thám, ám sát, mật thám ... Đủ cả. Mặc dù những thủ đoạn này trong con mắt đời sau rất ấu trĩ, nhưng ở thời đại đó mà nói, đó là sự tồn tại vượt thời đại.

Đương nhiên bất kể là Ám bộ hay Bàn xà đều không tránh khỏi mang đặc điểm của người đương thời.

Ký thực mỗi một hào môn thế tộc đều có dạng tử sĩ như thế, ví như trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tôn Sách giết Hứa Cống, môn nhân của Hứa Cống khi giết Tôn Sách nói cho hắn biết là ai giết hắn.

Tử sĩ không thiếu tâm tình anh hùng lãng mạn.

Nhiệm vụ của Thanh Xà là lấy thân phận tỳ nữ theo bên người Lưu lão phu nhân cùng tới Từ Châu, đợi thời cơ ám sát Lưu Bị, kế hoạch này được đám Quách Gia mưu tính.

Tào Tháo giảng hòa với Lưu Bị chính vì có mưu tính này.

- Vậy Lưu lão thái quân sao rồi?

- Chết rồi.

Tào Tháo hít sâu một hơi:

- Ai làm?

Tuân Du lấy ra một tờ giấy bên trên viết "Gián, 26", làm Tào Tháo hoang mang.

Quách Gia nói:

- Sử giáo úy dẫn người tới Sơn Cốc phát hiện ra thi thể, tất cả mọi người đã chết. Theo phán đoán của Sử giáo úy, tất cả trúng độc rắc vào trong thịt nướng, có điều Lưu lão thái quân và Thanh Xà thì chết bởi một thứ nỏ chế tạo đặc thù.

Nói rồi đặt một cái nỏ lên bàn.

- Chúng tôi đã xem qua, loại nỏ dùng cơ quan bắn ra này lực đạo rất mạnh, nhưng không thể nói được nguyên lý của nó, chỉ có thể nói, loại cơ quan này xuất phát từ Tây Vực.

- Đổng Tây Bình sao?

- Đúng thế.

Tuân Du nói:

- Chữ "Gián, hai mươi sáu", này là tin tức Thanh Xà đề lại trước khi chết, tựa hồ nhắc chúng ta chuyện gì. Du và Phụng Hiếu, Trọng Đức thảo luận với nhau, khả năng lớn nhất ...

- Chẳng lẽ trong quân doanh của ta có hai sáu tên tử gián.

Mọi người khẽ gật đầu làm sắc mặt Tào Tháo trắng bệch.

Quách Gia tiếp tục:

- Ngoài ra còn có một vấn đề nữa, Lưu lão thái quân chết rồi. Chúng ta vốn muốn thể hiện thành ý, không ngờ xảy ra loại chuyện này. Lưu Bị sao có thể để yên, nhất định liều chết với chúng ta.

Tào Tháo không lên tiếng, với hắn mà nói đây là thất bại lớn, ở thời điểm này xuất hiện chuyện như thế, nếu đúng là do Đổng Phi làm thì mục đích không nói cũng rõ.

Đặc biệt chữ "gián, hai mươi sáu", càng làm Tào Tháo có cảm giác khủng khiếp, thử nghĩ xem, trong quân doanh có tới hai mươi sáu tên tử gián, vậy còn bí mật gì nữa, hơn nữa lúc nào cũng có khả năng nguy hiểm tới tính mạng.

Với thứ vũ khí đặc sản của Tây Vực cùng đám tử gián không sợ chết kia ...

Tào Tháo hỏi:

- Có thể giải thích rõ với Lưu Bị không?

- Khó nói lắm.

Trình Dục trầm giọng nói:

- Lưu Bị là kẻ dã tâm bừng bừng, nhưng dù sao người chết là mẹ hắn, chẳng biết hắn sẽ có phản ứng gì. Hơn nữa chuyện này không thể dấu lâu, cần mau chóng giải quyết cùng Lưu Bị, nếu không ắt tạo thành phiền toái lớn ... Có điều như vậy chuyện xuất binh phải trì hoãn rồi.

Tào Tháo vỗ mạnh bàn:

- Giỏi cho Đổng Tây Bình. Phía Lưu Bị thì do Trọng Đức phụ trách. Công Đạt, chuyện gấp hiện nay là tra ra gian tế, tất cả những người tới từ Tây Vực, Lương Châu, Quan Trung, Sóc Phương đều tra xét, còn nữa tên Đổng Hi đó tra xét kỹ có ta.

- Vâng.

Tào Tháo day huyệt thái dương, Đổng Tây Bình ngươi ác lắm, không được, ngươi làm ta khó sống, ta cũng không để ngươi yên:

- Công Đạt, thả rắn vào Quan Trung, có mấy phương diện cần chủ ý: Động tĩnh dùng binh của Đổng Phi, các loại chế độ y sắp thực thi cùng Tượng tố doanh ... Còn nữa, ta đoán chừng trong tay Đổng Phi có một lực lượng tương tự Bàn Xà, moi ra cho ta, nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Tuân Du và Trình Dục rời đi, nhưng Quách Gia thì ở lại.

- Phụng Hiếu, có chuyện gì?

Quách Gia mỉm cười:

- Chủ công, gần đây Gia đi thăm một vị đại hiền, không biết chủ công có muốn gặp một phen không ?

Lỗ Túc Lỗ Tử Kính, người thành Hoài Đông Từ Châu, tuổi hai sáu, là người ngay thẳng, giỏi về ăn nói, người này rộng rãi, biết mình.

Gia cảnh khấm khá, rất có tiền lương, ở hai vùng Từ Dương rất có danh khí, Đào Khiêm mấy lần muốn mời hắn, nhưng hắn đều khéo léo từ chối, cuối năm ngoái Lưu Bị công chiếm Từ Châu, Lỗ Túc bất mãn với thanh danh của người này, cho nên chuyển nhà tới Trường Xã.

Tào Tháo biết Quách Gia là người tâm cao khí ngạo, trong toàn bộ mưu thần Hứa Xương, có thể được hắn nhìn trúng chỉ có một hai người, người khác chỉ là tàm tạm.

Chẳng phải nói là bản lĩnh Quách Gia lợi hại cỡ nào, mà sở trường của hắn ở mưu kế, có thể tổng hợp hoàn thiện các phương diện, nhưng không hợp làm chủ soái.

Nếu dùng lời đời sau, Quách Gia là một tham mưu, hơn nữa còn là một tham mưu cực kỳ lợi hại.

Lỗ Túc được Quách Gia khen như thế, hẳn không kém, Tào Tháo liền hỏi ngay:

- Phụng Hiếu, ta làm thế nào để mời hắn xuống núi.

Song Quách Gia lắc đầu:

- Phàm là người có tài năng đa phần tính tình cổ quái, Gia quan sát Lỗ Túc lâu rồi, không thích tục vật, hơn nữa tính tình cao sang, không dễ mời. Thế nhưng người này cực trọng tình nghĩa, chủ công chỉ có cách đích thân tới nhà, kết giao với hắn, làm hắn cảm động tới tận phế phủ, mới có thể mời hắn xuống núi.

Tào Tháo nhíu mày, tên Lỗ Túc này đáng để mình bỏ công sức thế sao? Phải biết rằng từ khi hắn lập nghiệp chỉ tự mình mời hai người, một là Hí Chí Tài đã chết, còn lại là Quách Gia.

Mà nghe ý tứ của Quách Gia thì muốn mời Lỗ Túc xuống núi còn hao phí tâm tư nhiều hơn.

Quách Gia không khuyên thêm nữa, chỉ mỉm cười nhìn Tào Tháo, khẽ phe phẩy quạt, đợi câu trả lời.

- Lỗ Túc này thích cái gì?

- Người này đam mê đọc sách, dù cưỡi ngựa cũng cầm sách trong tay. Chủ công chẳng phải đang chú thích Tôn Vũ thập tam thiên, sao không lấy làm mồi nhử, mời hắn xem.

Tào Tháo đúng là đang chú thích Tôn Vũ thập tam thiên, hơn nữa trên cơ sở đó còn phát triển rất nhiều. Bộ sách này đời sau gọi là Mạnh Đức tân t hư, là một bộ tác phẩm đắc ý của Tào Tháo.

Nghĩ một lúc Tào Tháo nói:

- Ta vốn đang định mời người đánh giá, lời của Phụng Hiếu đúng là nhất cử lưỡng tiện.

Ý lời này là chấp nhận lời của Quách Gia, quyết định mưu tính một phen, mời Lỗ Túc xuống núi.

*****************

Tào Tháo mời Lỗ Túc xuống núi ra sao thì tạm đặt sang một bên đã.

Nói tới trong thành Hán An Tây Vực, Thái Ung ngồi trong hoa viên nhà mình, nhìn xuân sắc đầy vườn, uống mỹ tửu, gẩy đàn, tiếng đàn du dương như tiên âm vẫn vít bầu trời, bộ dạng ung dung vui vẻ.

Ngồi bên cạnh ông ta có một mỹ phụ mặc cung trang, tuổi chạc tứ tuần, tóc vấn cao, trên phượng sai một viên dạ minh châu óng ánh, làm bà thêm phần quyến rũ.

- Thái Ông, vì sao không theo đám Chiêu Cơ tới Trường An?

Mỹ phụ nhân chính là Hà thái hậu, mẫu thân Tây Hán vương Lưu Biện, từ sau khi Hán Linh đế Lưu Hoành chết, Hà thái hậu ở góa trong cung, trải qua nhiều đau khổ, nhưng không làm dung nhan bà tiều tụy mà khiến bà càng thêm đoan trang tú lệ.

Đừng xem thường Hà thái hậu xuất thân nhà mổ lợn, nhưng tố dưỡng bản thân không hề kém chút nào, thậm chí so với rất nhiều danh sĩ chỉ có hư danh càng xuất chúng hơn. Dĩ nhiên rồi, con gái một nhà mổ lợn, gả vào cung đình, thành mẫu nghi thiên hạ, không phải chỉ dựa vào khuôn mặt và cơ thể là có được. Những thứ yêu cầu trong đó, không phải dùng một lời mà nói hết.

Từ sau khi tới Tây Vực, Hà thái hậu sống rất thoải mái, dù gió Sóc mãnh liệt, nhưng không phải tranh đoạt, suốt ngày nơm nớp như ở trong cung.

Luận bối phận, Thái Ung là thầy Lưu Hoành, nhưng không trở ngại thiện cảm của Hà thái hậu với ông.

Ông già sau khi tới Tây Vực, sinh hoạt cực kỳ dễ chịu, con gái có chốn về tốt, con rể tài cán, chỗ thiếu duy nhất là ở Tây Vực này người có thể đàm đạo với ông thực sự là quá ít.

Hà thái hậu là một thính giả tốt.

Luận học vấn Hà thái hậu và Thái Ung một trời một vực, nhưng Hà thái hậu ở lâu trong thâm cung, hiểu xem mặt đoán ý, nói chuyện khéo léo, người thường sao bì nổi? Thường thường nói câu nào là trung tâm khảm Thái Ung. Đừng xem thường Thái Ung tuổi cao, dầu gì năm xưa cũng là mỹ nam tử, nay mặt vẫn hồng hào, có một phong độ khác biệt.

Hai người này một có lòng, một có ý ... Dù sao mối quan hệ này chỉ cần không công khai, chẳng ai có thể nói được gì.

Tây Hán vương sắp bãi giá đi Trường An rồi, Thái Diễm cũng đi, nhưng Thái Ung không muốn về.

Nghe Hà thái hậu hỏi, ông đáp nhỏ:

- Về làm cái gì? Sống ở đây tiêu dao biết bao, về làm gì cho người ta xem thường, lão Lư đã đi, Nguyên Trác cũng bệnh, bàn bè năm xưa người chết người tàn, còn lại không phải là kẻ thù thì cũng là người xa lạ, về có gì hay? Ha ha không khoái hoạt bằng nơi này.

- Vậy ai gia ....

Hà thái hậu định nói "ai gia thì sao?" Nhưng lời này quá ám muội, nên ra tới miệng liền sửa thành:

- Vương nhi của ai gia thì sao?

- Chẳng phải còn Hưng Tổ sao?

Thái Ung uống một ngụm rượu, trầm ngâm hỏi:

- Phải chăng thái hậu lo Tây Bình bất lợi với Tây Hán vương?

Hà thái hậu đúng là có chút suy nghĩ như thế, thời buổi này kiêu hùng nổi lên khắp thiên hạ, hiện Đổng Phi nay không có gì, nhưng chẳng may tương lai ... Có Thái Ung, ít nhiều còn kiềm chế được y, Lư Thực đã đi, Thái Ung mà không còn, ai làm gì nổi y nữa? 

Thái Ung thở dài:

- Thái hậu, lão thần rất hiểu tính Tây Bình, nó trọng tình nghĩa, cũng biết nặng nhẹ. Nhưng thời gian qua Tây Hán vương qua lại rất gần với những tăng nhân kia, sợ tương lai có phiền phức.

Tăng nhân mà Thái Ung nói tới từ Quy Tư và Quý Sương quốc.

Thực ra Phật pháp truyền vào Trung Nguyên từ lâu, tận triều Chu, thông qua con đường phi chính thức đã lục tục tiến vào Trung Nguyên, chỉ là khi ấy ảnh hưởng của Phật giáo không mạnh lắm, thời Minh đế đã có tăng nhân Trúc Pháp Lan và Nhiếp Ma Đằng phiên dịch Tứ thập nhị chương kinh.

Hán thất còn chuyên môn thiết lập Hồng Lư tự cho Phật giáo, cũng chính là Bạch Mã Tự vang danh thiên hạ đời sau.

Mặc dù nói không phải lưu truyền rộng lắm, nhưng ở mức đó nhất định bắt đầu mở rộng rồi.

Thái Ung tự cho rằng rất hiểu Đổng Phi, hơn nữa ông ta cũng nghe con gái nói thái độ của Đổng Phi với tôn giáo.

Không thể phủ nhận Phật giáo có sức mạnh mê hoặc lòng người, tuy khuyên người ta hướng thiện, song chung quy là thứ phiêu diêu hư vô.

Ông ta biết, năm xưa tăng nhân Quy Tư dựa vào tin đồ cung phụng, vơ vét không ít tiền bạc, mà đây lại chính là điều Đổng Phi ghét nhất, y căm ghét những kẻ không làm vẫn có cái ăn, ghét đem hi vọng đặt vào kiếp sau. Nếu như tương lai Đổng Phi và Lưu Biện có xung đột thì chính là ở điểm này.

Hà thái hậu nghe vậy cau mày lại, bà không thấy Phật giáo có gì không hay, ngược lại khuyên người ta hướng thiện chẳng phải việc tốt sao?

- Thái Ông, chuyện này nghiêm trọng như vậy à?

Thái Ung cười khổ:

- Cái này à, nói nghiêm trọng thì nó nghiêm trọng, nói không nghiêm trọng thì nó không nghiêm trọng. Hà hà, lão thần cũng khong nói rõ được, nhưng lão thần tin Tây Bình có chừng mực, thái hậu đừng lo, tục ngữ nói rất hay xe tới núi ắt có đường.

Đúng thế, vì con trai nhọc lòng cả đời, Hà thái hậu cũng cảm thấy mệt rồi.

- Ngày mai sau khi mọi người lên đường, lão thần sẽ đi tới Khang Cư, nghe nói đám Tử Du ở bên đó làm không tệ, sắp đánh tới vương đô Khang Cư rồi. Tây Bình nói, qua Khang Cư là An Tức, tiếp tục đi về phía tây còn có trời đất rộng lớn. Lão thần muốn đi xem phong thổ nhân tình nơi đó, ở Trung Nguyên cả đời rồi mới biết trời đất lại rộng như thế. Nhân lúc còn đi lại được, lão thần muốn đi khắp thiên hạ mới không phụ dời này.

- Ngươi muốn rời Tây Vực à?

Hà thái hậu giật mình, khẽ cắn môi hồng lộ vẻ suy nghĩ.

Thái Ung mỉm cười, uống hết rượu nho trong chén ngọc, gẩy đàn hát:

- Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi ....

Tiếng ca khàn khàn, mang một vẻ tang thương, thấu triệt tình người trên thế gian.

Hà thái hậu ở bên cạnh lặng lẽ nghe, bất giác có chút ngây dại.

Trở về Hán An vương cung thì trời đã tối rồi.

Trong vương cung đèn đuốc sáng rực, cung nga ai nấy bận rộn vô cùng, mai phải lên đường tới Trường An rồi, nhưng phát hiện ra đồ đạc chuẩn bị bao nhiêu cũng không đủ.

Người đã từng sống ở Trường An tất nhiên hết sức phấn khởi, người chưa tới Trường An cũng vô cùng vui vẻ, đó chính là trung tâm vương triều đại hán mà, nghe nói nơi đó vô cùng phồn hoa, nghe nói nơi đó ....

Nhìn những người đó vui mừng, trong lòng Hà thái hậu lại chẳng có chút niềm vui nào, lần này đi, không biết tới bao giờ mới gặp lại được Thái Bá?

- Hán vương điện hạ đâu?

- Khởi bẩm thái hậu, điện hạ đang ở Khánh An cung nghe Ma Lan đại sư giảng giải, còn có Dương thái phó ở cùng.

Hàng mi liễu của Hà thái hậu nhíu lại, không khói nhớ tới những lời Thái Ung nói buổi chiều, Biện cần Đổng Phi khôi phục Hán thất, Đổng phi cũng cần Biện lập công trạng. Hai người vốn là đối tác cực tốt, nhưng hiện giờ ...

- Ma Lan đại sư là ai?

- Khởi bẩm thái hậu, Ma Lan đại sư là tâng nhân Quy Tư, Phật pháp tinh thâm, điện hạ mỗi ngày trừ tập luyện văn võ bình thường thì đại bộ phận thời gian nói chuyện với Ma Lan đại sư. Nô tỳ nghe nói, vị đại sư này thần thông quảng đại ...

- Câm mồm!

Hà thái hậu nổi giận, Ma Lan chỉ e là một tên mê hoặc lòng người, sao Biện lại ở cùng hắn? Chẳng lẽ nó quên rồi? Tên Trương Giác đáng chết gây ra cái họa Thái Bình đạo ra sao?

- Bãi giá Khánh An cung.

Hà thái hậu đi nhanh ra ngoài, nhưng bước được hai bước thì đột nhiên dừng lại, Biện đã lớn rồi, ta xông vào như thế có phải quá không nể mặt nó không? Không được, chuyện này cần phải suy nghĩ kỹ đã mới nói tiếp.

- Chậm đã, ngươi đi mời Lâm Hương đình hầu tới gặp ai gia, nói ai gia có chuyện cần thương lượng với ông ấy.

- Dạ.

Hà thái hậu ngồi xuống, tĩnh lặng suy nghĩ, rất lâu sau đã có chủ ý, Biện đã 18 rồi, nhưng chỉ có hai mỹ nhân, trong đó một còn là vương nữ Đại Nguyệt Thị, nếu như ở Trung Nguyên thì nó nên có vương phi rồi. Nên kiếm cho nó vương phi rồi.

Đang suy nghĩ thì thị tỳ bẩm báo, Lý Nho cầu kiến.

Hà thái hậu liền cho vào:

- Lâm Hương đình hầu, ai gia hôm nay mời khanh tới đây là muốn khanh giết một người.

Lý Nhi đâu ngờ Hà thái hậu tìm mình vì một việc như thế, không khỏi ngớ ra:

- Dám hỏi thái hậu muốn giết ai?

- Ma Lan.

- Thái hậu nói ...

Lý Nhi sửng sốt, lập tức hiểu Hà thái hậu nói tới kẻ nào, thân là người nắm giữ Ám bộ, Lý Nho tất nhiên biết sự tồn tại của Ma Lan, chỉ là hắn không để ý lắm, một tăng nhân thì có gì nguy hiểm?

- Chính là tên tăng nhân Quy Tư? Ai gia hi vọng vương thượng làm quân chủ trùng hưng, chứ không phải hôn quân chỉ biết ăn chay niệm phật. Hơn nữa Đổng khanh cực kỳ phản cảm với yêu tăng, ai gia không muốn tương lai vương thượng và Đổng khanh xung đột vì chuyện này. Cho nên ai gia muốn giết tên tăng nhân đó, bất kể là dùng phương pháp gì, giết hắn đi!

Đôi khi tâm tư nữ nhân chu đáo xa nam nhân, nói thực Hà thái hậu nghĩ tới chuyện xa xôi như thế, trước đó Lý Nho cũng không nghĩ tới, lòng thầm nhủ :" Đúng rồi, sao ta lại quên béng mất chuyện này chứ? Tên yêu tăng đáng chết!"

- Thái hậu yên tâm, thần nhất định không để cho tên yêu tăng đó sống quá đêm nay.

- Chuyện này chỉ có trời biết đất biết, ai gia biết, ngươi biết. Tóm lại phải xử lý thỏa đáng, đừng để lại hậu họa.

- Vâng.

Lý Nho lĩnh mệnh rời đi, Hà thái hậu đi tới cửa cung, nhìn bầu trời, có một ngôi sao rất sáng, lấp lánh trong đêm.

Lưu Nguyên Trác nói vương nhi của ta mệnh đế tinh, đế tinh sáng, báo ngày sau vương nhi sẽ lên ngôi hoàng đế. Bên cạnh đế tinh có một ngôi sao nữa cũng rất sáng. Lưu Nguyên Trác bảo đó là sao mạng của Đổng khanh, là tướng tinh phò tá đế tinh. Đế tinh và tướng tinh soi sáng lẫn nhau, khí vận Hán thất sẽ kéo dài mãi. Nếu một ngày đế tinh và tướng tinh .... Ai gia sẽ không cho phép chuyện này xảy ra.

Hà thái hậu vẫn ngả về phía con mình một chút.

Quay người lại nhìn vương cung trống không, trong lòng bà đột nhiên cảm thấy cô đơn chưa từng có, ai gia đã chăm vương nhi 18 năm, nó đã lớn rồi, nhưng ai gia thì sao? Chẳng lẽ ai gia phải sống cô đơn tới già?

- Người đâu mau mời Chiêu Dương phu nhân tới đây.

Chiêu Dương phu nhân là Thái Diễm.

Hà thái hậu thở dài, vương nhi, điều có thể làm cho con, ai gia đã làm hết rồi! Sau này đi thế nào, phải xem lựa chọn của con.

Hôm sau vương giá lên đường.

Thái Ung mặc áo choàng đứng trên gò núi nhìn đoàn xe mỗi lúc một xa, lòng bỗng có cảm giác buồn bã, tâm ý của thái hậu, sao ta chẳng biết. Nhưng mà dù sao nàng là thái hậu, ta là thần tử. Thôi, sau này trời cao đất xa, không thể gặp lại nhau nữa, bảo trọng nhé thái hậu của ta.

- Chúng ta đi thôi.

Thái Ung lên ngựa, đi xuống núi.

Lần này ông đi chỉ mang theo 50 Kỹ kích sĩ cùng lão quản gia Thái Phúc, ngoài ra còn có mười mấy cỗ xe, là sách vở ông thích.

Xe chầm chậm đi về phía tây, ước chừng mười dặm thì tới một ngã ba, đỗ một cỗ xe, người đánh xe là thái giám, Thái Ung nhận ra đó là nội thị tâm phúc của Hà thái hậu, lòng giật đánh thót, ghìm cương định tới hỏi thì trong xe truyền ra giọng nói quyến rũ.

- Thái Ông, đường đi xa xôi, một mình khó tránh khỏi buồn bã, không biết ai gia có phúc làm bạn với Thái Ông không?

Rèm xe vén lên, Thái Ông ngây người.

*********************

Biện đế sửa năm Hưng Bình thành năm Kiến An, không biết phải có ý kiến thiết an định phồn vinh hay không. Có điều chiến dịch thảo phạt Quan Trung còn chưa bắt đầu thì đã kết thúc trong lặng lẽ, cứ như chưa từng có gì xảy ra, ít nhất với Đổng Phi mà nói, đúng là chưa có gì xảy ra thật.

Đột nhiên nghe tin mẹ bị giết, Lưu Bị gần như nổi điên, lập tức điều động nhân mã Bái quốc, chuẩn bị xuất binh Bành Thành, nhưng cuối cùng nghe Mã Lãng khuyên, chấp nhận Tào Tháo giải thích.

Đổng Hi bị hành hạ không thành dạng người, là đồng mưu giết Lưu lão phu nhân được đưa tới tay Lưu Bị.

Bất kể hắn có phải là gian tế hay không Tào Tháo đều không thể giữ hắn, tặng luôn cho Lưu Bị, coi như một loại thái độ.

Nghe nói Đổng Hi chết rất thê thảm, bị Lưu Bị tùng xẻo, nhưng tới lúc chết vẫn không hiểu tại sao đang tốt đẹp lại thành như thế.

Cùng lúc đó một hành động trừ gian oanh liệt cũng diễn ra trong nội bộ Tào doanh.

Viên Thiệu lần nữa phát động tấn công U Châu, thề không giết Lữ Bố, không đoạt U Châu không thôi. Đúng thế, U Châu đã thành tâm bệnh của Viên Thiệu, không thể kéo dài được nữa.

Trường An tháng hai tắm mình trong gió xuân.

Trên cánh đồng xanh mướt, người dân đã bắt đầu một vụ mùa bận rộn, cây cối nảy chồi, mang sức sống dào dạt. Mọi người đều mong mỏi năm sau tốt đẹp hơn.

Người Quan Trung có lý do để tin như thế, vì chính sách Đổng Phi ban bố thực sự quá tốt.

Ở trình độ lớn thực hành Bình lưu tam sách mà năm xưa Đổng Trác thi hành, một mặt thu hút lưu dân từ Kinh Triệu, một mặt tu sửa Trường An, đồng thời hàn gắn vết thương trong lòng bách tính.

Thuế suất không phải là thấp lắm, nhưng với bách tính Quan Trung từng trải qua thuế má hà khắc của Quách Lý mà nói, thuế một phần mười chắc chắn là mức thuế cực thấp, nghe nói mấy năm nữa triều đình sẽ lại giảm thuế, mức thuế là một phần mười lăm.

Về phần tin tức này là thật hay là đồn thổi vô cớ thì không quan trọng, quan trọng là mọi người có được hi vọng.