Ai Hát Giữa Rừng Khuya

Chương 11: Ðẹp duyên cầm sắc



Hồi ấy, nghĩa là cách đây đúng 56 năm, mùa Xuân năm giáp Thân (1884) ngày 16 tháng 2, thành Bắc Ninh thất thủ, về tay Pháp. Hai đạo binh, dưới quyền chỉ huy của hai thiếu tướng de Négrier và Brière de L’Isle, một mặt qua sông Hồng Hà, theo dọc sông Ðuống một mặt ở Hải Dương, đi tàu tới Phả Lại rồi đổ bộ, cùng men bờ sông Nguyệt Cầu tiến đánh Bắc Ninh.

trận ấy, quân Pháp chỉ mất độ tám tên binh và độ vài chục khẩu súng. Quân Tàu Cờ Ðen, núng thế, rút cả về Yên Thế, còn trơ quân An Nam thế cô, phải cởi giáp lai hàng. Một vị quan binh đứng đầu cai quản đội binh ta hồi ấy trong thành Bắc Ninh là Lãnh binh Lê Vũ Khúc. Ông là dòng dõi cựu thần nhà Lê, tuy không phải tôn thất, song tổ tiên ông đã làm quan tới chức Công Khanh, ba bốn đời nối tiếp nhau trong hàng tứ trụ. Sau bốn năm thế hệ văn quan, trong họ bỗng đổi nghề nghiên bút sang nghề cung kiếm, tổ phụ Lê Lãnh Binh xuất chân cử võ, làm tới Ngũ Quân Ðô thống, thân sinh ông làm Sơn Nam Ðề Ðốc, đến đời ông khí nhuệ nhụt đi chút ít, ông chỉ làm tới Chánh Lãnh Binh thôi.

Khi thành Bắc Ninh có cuộc xung đột binh đao, Lê Công đứng trên mặt thành đốc thúc quân sĩ, hợp với quân Cờ Ðen khánh chiến cùng binh Pháp.

Phải một tốp lính phía dưới thành bắn lên, ông bị một phát trúng dưới xương vai, một phát trúng tay phải, rơi mất ba ngón tay. Biết mình khó lòng chống cự được nữa, Lê Công bèn nhảy vào trong thành, theo đường hầm chạy vào chiến trường, rồi lên ngựa phóng thẳng một mạch về chỗ đất phong ấp của ông, ở cách thành Bắc Ninh hơn một dặm. Gia đình ông ở cả trong ấp đó. Ông vừa phi ngựa tới cửa chưa kịp vào đến sân thì ngã gục xuống, lịm đi. Vực vào nhà ông cứ thế thiếp dần, máu chảy ra lênh láng, không trối trăng câu nào cả.

Lê phu nhân hồi đó mới non bốn mươi tuổi; bà sống với hai người con trai đã khôn lớn, một người mười bốn, một người mười hai. Cậu cả tên Lê Mạnh Khôi, cậu em là Lê Trọng Việt. Hai anh em được chứng kiến cái chết thảm thương của thân phụ lấy làm đau đớn lắm, tuy còn thơ ấu nhưng cũng đã cảm thấy sự tử biệt sinh ly là một nỗi thương tâm thống thiết nhất trên đời. Hai anh em giúp mẹ tắm rửa cho cha, khâm liệm tử tế và an táng cho người bị chết nạn chiến tranh vì tận tâm báo quốc.

Thành Bắc Ninh bị hạ rồi, khi loạn lạc đã yên, ba mẹ con thu thập đồ đạc, bỏ đất phong ấp ở Bắc Ninh rút về an cư lập nghiệp ở núi Gôi, là quê quán tổ tiên hai anh em Khôi và Việt.

Về đến tổ hương, mẹ dệt cửi vá may để nuôi cho hai con ăn học, theo các trẻ con trong làng. Sang đình thụ giáo của một ông đồ. Hai anh em họ Lê rất nhác, chẳng bao giờ thuộc bài vở sử kinh, chỉ toàn trốn thầy đi với lũ trẻ con du thủ du thực, tìm đến chân đồi chơi đánh trận giả và tập dượt quyền cước. Thầy đồ nhiều phen đánh đòn rất đau, mà hai anh em vần không chừa, cứ ham mê nghề võ hơn nghề văn. Bà từ mầu ngày ngày hết sức khuyên răn, Khôi và Việt thờ mẹ rất hiếu thảo nên lại quỳ xuống xin lỗi mẹ và hẹn sẽ ra công chăm chỉ học, nhưng đến hôm sau, vắng mặt mẫu thân thì chứng nào tật nấy như thường.

Dần dần, bà mẹ biết rằng máu truyền thống chảy trong huyết mạch hai đứa con mình còn sôi nổi hăng hái lắm, nên cũ chỉ bảo ban lấy lệ mà thôi, còn mặc hai anh em Khôi và Việt được tự do luyện tập gân cốt, không ngăn cản nữa. Thành thử đến sáu năm sau, cả hai cùng to lớn khỏe mạnh; rõ ràng một đôi lực sĩ hùng dũng, oai phong. Từ khi góa chồng, Lê mẫu làm lụng chăm chỉ, để dành để dụm, thu xếp tảo tần, khi bỏ ấp ở Bắc ra đi, cứ bao nhiêu của cải thu vén đem cả về Nam Ðịnh; nhờ thế cũng có ít nhiều ruộng nương phong phú, đủ túc dụng một đời. Hai anh em Khôi, Việt, kịp đến tuổi trưởng thành, bà chưa có thì giờ lo bề gia thất cho hai con thì tự nhiên lâm bệnh, rồi lúc khỏi, liệt mất cả hai chân, không làm ăn gì được nữa. Hai anh em phải ở nhà lo liệu công việc giúp đỡ mẹ già. Tuy nói là giúp đỡ, nhưng kỳ thực hai cậu ấm chả được việc gì có lợi, cả bà mẹ ngồi một chỗ mà vẫn phải để tâm coi sóc đến công chuyện hàng ngày. Ruộng nương thì bà ấy cho cấy rẽ, cứ đến vụ là có gia đinh đi thu thóc lúa về, hai cậu ấm chỉ phải trông lũ người nhà, đừng để chúng ăn bớt ăn xén, thế là đủ. Lúc bán lúa cho hàng sáo, thì cũng đã có các vú bõ đếm tiền đong thóc, chả bận gì đến cậu ấm cả và cậu ấm hai.

Những buổi tối không phải coi sóc người nhà, ngoài vụ mùa màng và vụ bán chác, hai anh em lại chia nhau, anh ở nhà với mẹ già ba tháng, em đi ngao du săn bắn nơi xa; rồi em lại trở về nhà ba tháng trong khi anh được tự do đi chơi đây đó. Cậu hai Việt hay vào mạn Ðồng Giao săn bắn, mồi khi cậu đi vắng thì cậu cả có thèm thuồng lắm cũng không dám rời mẹ đi chơi nốt, chỉ quanh quẩn vào chợ Ghềnh lùng hươu nai hay chồn cáo một hai ngày mà thôi. Nhưng hễ cậu hai quay gót trở về, lại tha hồ cho cậu ấm Khôi muốn vượt bể băng ngàn được tới đâu mặc sức.

Một buổi sớm, cậu Việt về nhà bỗng thấy vẻ vui mừng tươi tỉnh, song chỉ vung mừng tươi tỉnh được ít hôm đầu. Vui tươi xong, cậu bỗng đâm ra thẫn thờ, vớ vẩn, tựa hồ thần hồn thần trí bị một cái gì ám ảnh; có ngày cậu buồn thỉu buồn thiu chẳng nói một câu nào, bà mẹ có hỏi thì cậu gượng cười chốc lát, nhưng phút sau, lại trầm ngâm mơ tưởng nhớ nhung ai. Thấy anh cả đi vắng lâu, cậu lộ ra vẻ sốt ruột lắm, chỉ ngong ngóng ra đứng cửa chầu chực, đợi cậu Khôi về suốt mấy ngày.

Mong ròng rã ba tháng, cũng chả thấy, mãi gần sáu tháng mới gặp cậu ấm anh trở lại, tải về một xe gạc hươu nai và hai ba tấm da báo, một tấm da cọp và một bộ hổ cốt. Anh em chả kịp hàn huyên nữa; cậu hai thấy có anh về thì mừng quýnh vội vàng thu xếp hành lý ra đi ngay. Lần này cậu đi chơi có non nửa tháng đã về, đem theo một người con gái mặc tang phục, và một đứa trẻ độ 15 tuổi.

Từ trước tới nay, có nhiều nhà phú hộ và danh giá trong vùng Gôi, thấy hai anh em họ Lê con nhà võ tướng , và rất khôi ngô tuấn tú, có ý muốn gả con cho. Mối lái có đến nhà hai cậu ngỏ lời cho Lê mẫu biết, bà cụ hỏi ý kiến hai con, song cả hai cậu, chẳng cậu nào bằng lòng lập gia đình cả.

Lạy mẹ, anh em chúng con còn ít tuổi có đi đâu mà vội! Mẹ còn trường thọ nữa, vì lão niên đới tật là một số rất tốt. Nếu mẹ cho phép chúng con, thì chúng con sẽ tự chọn lấy người bạn trăm năm chăn gối, như thế sau này chúng con chẳng oán than nỗi gì. Duyên số là một sự tình cờ mà thành, chớ biết thế nào mà chọn lựa.

Lê Mẫu nghe hai con trình bày như vậy, cũng vui lòng chiều ý không có ép uổng nữa. Hai anh em vì trọng võ thuật, cũng chả nghĩ đến sự lấy vợ. Tới khi Việt thình lình đem một người con gái ở đâu về, cả nhà đều kinh ngạc hết sức. Cậu hai đem nàng ấy vào lạy mẹ và lạy anh, rồi đầu đuôi sự thể thế nào, thú thật cả một lượt cho mẹ và anh rõ. Lê mẫu mới hay thiếu nữ đó là nàng Oanh Cơ, quê ở Bàn Thạch tỉnh Thanh Hóa, mồ côi cha mẹ và hiện không còn ai thân thích họ hàng. Bà và cậu ấm cả thấy Oanh Cơ thùy mị dịu dàng lại thướt tha kiều diễm, nên rất vui lòng đẹp ý, nghỉ ngay đến sự cho phép nàng được cùng cậu hai Việt sánh đôi. Cậu hai cũng chỉ mong ước có thế thôi, lú nghe mẹ và anh nói trúng tâm can mình, cậu bất giác đỏ mặt tía tai, phần vì thẹn, phần vì mừng, phần vì thương anh thương mẹ đã nghĩ đến hạnh phúc trăm năm của mình, không hề cản trở ý định của mình một chút cỏn con nào cả.

Cậu Việt vội bẩm mẹ là nàng Oanh còn có anh chị nàng bị chết trong khi vào rừng gặp cọp, phải đợi nàng trừ phục đã mới sẽ bàn đến chuyện thành hôn. Từ đó, hai cô cháu Oanh Cơ ở hầu hạ Lê Mẫu như hầu hạ mẹ già, không có lòng muốn đi đâu nữa. Mà cậu ấm hai cũng nhường anh đi xa săn bắn; về phần cậu, cậu chỉ muốn ở nhà thần hôn định tỉnh bên gối huyên đường mà thôi.

Hơn một năm sau, nàng Oanh Cơ mặc áo quần hồng, quấn khăn vành dây, che quạt lượt đỏ, lạy Lê Mẫu hai lạy để trở nên mợ Hai Việt. Lứa uyên ương mới cả ngày chỉ quấn quít lấy nhau, yêu nhau cực điểm, khiến mẹ già trông thấy cũng vui lòng. Trong gia định họ Lê từ đó, càng ngày càng thêm vui, thêm thịnh; Oanh Cơ đã từ lâu, đem về cho Lê Mẫu sự an nhàn thư thái, đem về cho cậu hai sự hạnh phúc êm đềm. Từ ngày có nàng, Lê Mẫu không phải nai lưng cáng đáng công việc trong nhà nữa. Bao nhiêu việc tần tảo thu vén gặt lúa, bán thóc, một tay nàng coi sóc được hoàn hảo, vẹn toàn.

Nàng là người không những có thanh, có sắc, nàng còn khéo léo đủ đường, tề gia nội trợ đảm đang khôn xiết. Nhà họ Lê có nàng thì phòng ốc cửa ngõ ngăn nắp đâu vào đấy; thềm gạch, sân hầu bao giờ cũng sạch sẽ tươm tất; đồ đạc giường chiếu bao giờ cũng ngay ngắn chỉnh tề; cơm bao giờ cũng ngon, canh bao giờ cũng ngọt; trong gia đình bao giờ cũng êm thắm yên vui. Lê Mẫu, nhiều phen ngồi bên ngọn đèn dầu đọc sách xem con dâu dệt cửi, thỉnh thoảng gấp sách ngường đọc trông Oanh Cơ một cách yêu thương âu yếm, bảo nàng rằng:

- Này nhà hai! Mày về làm dâu mẹ, mẹ chả còn có điều gì trách móc được. Mẹ bình sinh không có con gái, nay được con mẹ quý mến biết bao. Nhất là tất cả mọi chuyện trong nhà, con một tay thu xếp gọn gàng yên ổn cả, khiến mẹ được ăn không dưỡng lão, thực mẹ không ân hận oán than gì nữa! Sau này nếu mẹ thác đi, buổi lâm chung anh con chưa có vợ, vợ chồng con chưa có con, nếu hai sự ấy nhất đán nhờ Trời Phật, đều được như lòng mẹ ước, thì mẹ dù nhắm mắt cũng sẽ mãn nguyện đủ trăm bề.

Bà cụ mong như vậy, ai ngờ ước mong của bà có linh hiệu làm sao. Chẳng bao lâu, nàng Oanh thụ thai, khiến bà thiếu chút nữa mừng quá mà chết. Mãn nguyện khai hoa, Oanh cho ra đời một đứa con gái nhỏ giống mẹ như tạc, lại được cái vẻ khảng khái lẫm liệt của cha. Trong gia đình, nhờ có đứa trẻ càng tăng thêm hạnh phúc êm vui; cậu Việt, từ buổi có con, chỉ quấn quít chung quanh mình vợ, hầu hạ con như một ông bõ trung thành tận tụy.

Riêng chỉ có Khôi thì vẫn không quên nghề nguy hiểm, ở nhà không săn bắn tập luyện là thấy bồn chồn khó chịu vô cùng. Chàng thường đi đây đó suốt năm, ở nhà nhiều nhất chỉ được độ vài ba tháng. Mỗi kỳ ở nhà, Khôi lại bắt Việt theo mình ra chân đồi múa võ, sợ em lâu ngày không rèn tập thì gân cốt yếu kém đi. Bởi thế, cứ độ nào có Khôi, thì Việt phải tạm xa vợ xa con một ngày hai buổi, cùng anh ra dượt võ ở ngoài đồng. Lâu dần thành một thói quen, hễ cứ anh đi vắng thì thôi, lúc nào anh có ở nhà, Việt lại cùng anh đối thủ. Hai anh em tựa hồ rất có tín ngưỡng trong nghề quyền cước; họ thi nhau trổ tài, không phải để cố ý đánh nhau, cũng không để khoe khoang tài nghệ mình trước mặt công chúng. Công chúng đây là vài ba người nhà quê hiền hậu, chất phác chả hiểu cung kiếm là gì. Lắm khi hai anh em họ Lê rượt nhau chạy bên mình họ, họ cũng thản nhiên điềm tĩnh cày bừa, không buồn để ý đến. Tuy họ không chú ý ngắm nhìn hai cậu ấm luyện võ, mà trong làng, từ trên chí dưới, chẳng ai là người không rõ hai anh em họ Lê là một đôi tráng sĩ hùng dũng, săn bắn rất giỏi, có sức địch nổi muôn người. Tiếng đó đồn đại rất xa, quanh một vùng từ Bình Lục cho đến chợ Ghềnh, Ðồng Giao, rất nhiều tay hào kiệt, rất nhiều đảng lục lâm, đều mộ tiếng cả hai chàng Khôi, Việt.

Hai chàng giỏi võ nghệ gần đến nơi tuyệt đích thế mà không bao giờ dùng sức mạnh của mình để làm một sự gì phạm pháp, hoặc mưu công danh tài lợi trong đời. Hai anh em chỉ an cư ở thôn quê, sinh hoạt bằng vài mươi mẫu ruộng và bằng nghề săn hươu, nai, beo, cọp; họ thờ mẹ chí hiếu, đối với anh em vợ con, thân bằng cố hữu, chí tình, tịnh không có một dục vọng cao kỳ nào cả.

Ai ngờ đâu xử thế đến như vậy mà cả hai đều không tránh khỏi dây oan nghiệt đến chằng vào cổ; một ngày kia, Khôi, Việt cùng bị tình nghi, phải bắt giải lên Tỉnh lỵ, rồi chẳng bao lâu, bị ghép vào tội án tử hình. Thực là vạ gió tai bay, chả ai hiểu vì đâu nên nỗi. Có kẻ hiếu sự len lỏi vào gia đình hai cậu ấm, bàn tán rằng chẳng qua chỉ vì Oanh Cơ mà cửa nhà phút chốc tan tành. Họ nói:

Phàm giả những đóa hồng nhan rực rỡ và hoàn hảo quá chỉ toàn là những binh khí giết người. Muội Hỉ làm chết vua Kiệt, Ðắc Kỷ làm chết vua Trụ, Tây Thi xui Phù Sai vong quốc diệt thân và Bao Tự khiến U Vương táng mệnh, còn Quí Phi thì làm Minh Hoàng sống cũng như chết, thực quả đàn bà đẹp là cái mầm tai họa cho đời! Ðến vương bá bị những của vưu vật đó còn thiệt thân mất nước nữa huống chi người thường tránh sao khỏi nạn tan cửa nát nhà!

Câu nói ấy, tuy quá độc địa, song cũng có một phần sự thực. Sắc đẹp nàng Oanh Cơ quả là một duyên cớ trọng yếu khiến chồng và anh chồng nàng bị cái nạn đoản đầu. Hai anh em họ Lê bình sinh hay đem nhau ra thí võ ở chân làng Gôi, đều bị đao phủ hành hình tại chỗ đó.

Oan hồn, sau khi lìa khỏi xác trong một trường hợp cực kỳ thảm thiết, vì uất ức nên không tài nào tiêu tán được, nhất là vì hai tráng sĩ, chết rồi, lại không được họ hàng cầu nguyện cho linh hồn nhanh chóng được siêu thoát. Hấp thụ mãi khí thiêng liêng của non sông cây cỏ, hai vong hồn đó lâu dần hóa ra một thứ ma có đủ tư cách hiện hình về được, hiện về chẳng để dọa nạt hay làm hại ai cả, nhưng chỉ để diễn lại một bài quyền xưa kia họ ngày ngày hằng tập luyện ngõ hầu ghi trong cái thế hệ mới mẻ này vết tích một nỗi thương tâm uất ức của thời dĩ vãng, một nỗi đau thương do "oan nghiệt" dệt thành...