Ai Hát Giữa Rừng Khuya

Chương 9: Thần trùng hổ



Ông Cai Móm lại ngừng lại một lượt nữa để uống rượu và hút thuốc lào. Biết tính ông hay hãm câu chuyện bằng những món sở trường ấy, Lệ Thi và tôi đành đăm đăm ngồi chờ nghe nốt, không dám giục ông nữa, sợ nếu làm cuống quýt lên, ông sẽ bị tinh thần rối loạn, quên đoạn mạch rồi làm cho sự tích kém hay đi. May sao, ông không để cho hai vợ chồng tôi đợi quá lâu. Ông hút thuốc lào xong, vội vã kể tiếp: "Bấy giờ Oanh Cơ trở lại đất Ðồng Giao làm lụng khâu vá như thường. Bỗng một đêm, tự nhiên nàng thấy trong lòng bồn chồn khắc khoải, tuy nằm tận sàn trên, cửa ngõ đóng kín chặt và chặn kỹ lưỡng và thang cũng rút lên rồi, cửa gác đóng xuống, thế mà nàng vẫn thấy lo ngại hồi hộp quá chừng.

Nàng cố dỗ giấc ngủ, thế mà không sao ngủ được, từ mấy tháng nay, có đêm nào nàng nhắm mắt được đâu. Nàng cùng cháu mỗi người ngồi một góc phòng, thám thính. Lúc bấy giờ vừa hết canh hai. Bỗng nghe có tiếng đập cửa thình thình, cấp bách lắm:

- Mở cửa cho tôi với, mau lên cô Oanh Cơ ơi. Mở mau!

Ðầu tiên, nàng nghe rõ cả, nhưng bấm cháu, cố làm thinh không trả lời. Tiếng đập cử lại càng gấp hơn.

- Tôi đây mà, tôi là Lê Trọng Việt đây! Mở cửa mau cho tôi, tôi bảo cái này cần gấp lắm. không thì chết cả bây giờ. Mau lên!

Nghe đến tên Lê Trọng Việt, nàng mới sai cháu thắp đèn lên, xuống từng sàn nhà dưới dựng liếp, mở rèm, giơ đèn ra ngoài rọi xem. Quả nhiên là Lê Trọng Việt thực. Người cháu nhanh trí khôn, gọi Việt lại mé song, vứt xuống cho Việt một cái chạc lớn, bảo tráng sĩ nắm vào chạc và đu lên, còn một đầu thì người cháu cố sức kéo. Hì hục một lúc, tráng sĩ lần mò lên được, vội vàng cùng người cháu đóng liếp thả rèm cẩn thận, lấy gỗ chắn ngang cả cửa song, rồi cùng lên cả từng trên, rút thang lên, đóng sập cửa gác lại, bắc ghế để lên trên cho chắc.

Tráng sĩ vừa lên đến nơi, bỗng thấy Oanh Cơ rên một tiếng, rồi ôm bụng la ó vang lừng, lăn từ trên giường xuống mặt sàn, giẫy giục khóc lóc. Hỏi nàng, nàng kêu đau bụng lắm, vừa nói vừa quằn quại dưới chân tráng sĩ, ôm lấy bụng mà kêu van.

Người cháu lại nâng đỡ cô, đấm lưng cho cô và lần trong bao, có một miếng mộc hương, bắt Oanh Cơ phải bỏ vào mồm nhai nuốt đi, mặc dầu nó đắng hơn mật gấu. Nuốt mộc hương rồi nàng vẫn kêu đau; được một lúc, đòi xuống nhà, ra vườn đi đại tiện. Tráng sĩ vội ngăn nàng lại nói rằng:

- Cô điên đấy hay sao? Bây giờ mà đòi xuống nhà, cô không sợ chết ư? Cô cứ phải ngồi đây, chả được đi đâu cả. Tôi không cho cô xuống!

Oanh Cơ hết sức khóc, một mực đòi ra vườn, nếu không thì chết mất. Tráng sĩ nhất quyết giữ chặt lấy nàng, mặc nàng kêu la khan cổ. Mãi sau cùng, nàng đau dữ dội kịch liệt quá, cuống cuồng cả lên, xé cả áo yếm, toan đập đầu vào vách tự tử nếu ngăn cấm không cho nàng toại ý xuống gác. Tráng sĩ bất đắc dĩ, phải tìm một kế hoạch mới, bảo nàng rằng:

- Cô cần kíp đi sông quá, mà không thể nào xuống được, thì âu là tôi mở liếp ra, cô ngồi vào bực cửa này, thế cũng được chớ gì! Tôi chỉ có thể cho phép cô làm như thế mà thôi, nếu cô không thuận nữa thì mặc cô, tôi cứ bắt cô ở đây.

Lần này, Oanh Cơ bằng lòng, nhưng nàng không chịu cho ai sờ đến nàng cả, muốn cho hai người đàn ông, cháu nàng và tráng sĩ, để mặc nàng một mình ra cửa sổ, không ai được đến gần. Nàng chỉ rình cho tráng sĩ vô ý là lao mình xuống đất.

Tráng sĩ gần như hiểu biết cả, chàng ghé sát mồm vào tai người cháu nói vài câu nhỏ, rồi giả vờ cho phép Oanh Cơ muốn làm gì thì làm. Người cháu lại gần Oanh Cơ bảo rằng:

- Nào! Cháu đỡ cô lại cửa sổ nào. Khi nào cô an vị rồi, cháu sẽ buông cô ra. Kỳ thực, cậu ta giả vờ nói thế, nhưng lại gần đến liếp thì cứ nắm chặt lấy dây lưng và dải yếm của cô không buông. Oanh Cơ giằng co, mắng cháu tàn tệ, bắt cháu phải thả mình ra. Giữa lúc hai cô cháu đang xung đột ấy, nhanh như chớp, tráng sĩ đã nhận được ngay dưới cửa sổ một cái bóng đang thu hình ngồi đợi, rình hễ Oanh Cơ văng mình xuống là đỡ lấy đem đi. Chàng giả vờ lại mé cửa song, can ngăn hai cô cháu:

- Thôi! Cậu bỏ cô ấy ra, mặc cô ấy ngồi một mình.

Mồm tuy nói thế, nhưng chàng đã dang cổ tay sắt chặn ngang tấm cửa, bấm vào vai Tiêu. Người cháu biết ý, chạy đem cái đèn dầu lại. Oanh giãy nảy:

- Ô hay! Ðem đèn lại làm gì thế này. Tôi thẹn đến chết mất thôi. Ô kìa! Sao lại thế?

Rồi nàng mắng Tiêu, chửi Tiêu thậm tệ. Tráng sĩ chả nói gì cả, mặc nàng la ó; chàng khẽ hơi né đầu qua cửa sổ, xem xét tình hình một chút, nhận rõ đích xác tọa vị của bên địch, rồi rút trong lưng ra cái pháo địa lôi cùng hai chiếc dùi đồng. Nhanh như chớp, chàng dí ngòi pháo vào đèn, luồn tay qua vai Oanh Cơ ném mạnh quả pháo xuống thềm, ngay dưới cửa sổ.

Tiếng pháo nổ thiêng kinh động địa xen với một tiếng hổ gầm rung chuyển cả một vùng lặng lẽ giữa đêm khuya. Tiếp những tiếng huỳnh huỵch nặng nề tỏ rằng có một vật bị thương đương chạy bán sống bán chết. Oanh Cơ nghe tiếng nổ ngã gục về đằng trước, cháu vội vàng giơ tay đỡ và dìu nàng lại nằm nghỉ trên giường. Hồi lâu nàng tỉnh dậy, hỏi nàng vừa làm trò gì khi nãy, nàng chối rằng mê đi chả biết đã xử sự ra làm sao. Thì ra nàng bị hồn ma ám ảnh ốp vào nàng để chực đưa nàng vào tử lộ. Bấy giờ tráng sĩ mới ngỏ cho nàng rõ chàng đã tình cờ cứu mạng nàng một lần thứ hai. Chàng ngồi kể:

- Tôi vào đây hồi chiều hôm nay, định lại thăm cô trước khi vào thung lũng như mọi ngày để săn bắn. Song không hiểu vì đâu tôi lại nghĩ rằng: "Mình ở Nam vào, chả có quà bánh gì, lại chơi thì khó coi quá: âu là ta hãy vào rừng kiếm con cầy, con cái, may ra nếu vớ đuợc con hoẵng con nai, mai đem lại làm quà, nấu nướng đánh chén với nhau thì vừa lịch sự vừa thú vị!" Tôi nghĩ thế nên đi thẳng vào rừng, lại chỗ nhà sàn của tôi. Tôi thắp hương đốt vàng khấn thần linh thổ địa và các vong linh, rồi theo lệ thường, nằm chèo kheo ngủ một giấc dưỡng thần, đợi đến đầu canh hai thì dậy. Không hiểu thế này tôi chỉ chợp mắt đi có một chốc, khi tỉnh dậy, thấy một sự rất kỳ lạ.

Trước lúc tôi còn ở đây săn bắn, cây cổ thụ chỗ tôi đóng đô tuy có nhiều rễ từ trên cành mọc xuống, song chưa có rễ nào mọc từ cành liền qua cành kia. Ðến nay có nhiều rễ như thế lắm, trĩu xuống là là mặt đất, trông như một cái võng. Mới có sáu tháng mà rễ ấy đã chóng tốt thế. Tôi mở mắt dậy, lúc ấy vừa cuối canh một mà thôi, chưa qua canh hai. Tôi nhìn xuống gốc cây, thấy một con hổ đương phủ phục nằm đó, hình như ngủ. Song không phải nó ngủ, bởi chỉ một chốc, thấy nó vẫy đuôi, rồi chồm đứng dậy hai chân trước víu vào thân cây, tựa hồ muốn đứng thẳng bằng hai chân như người. Quả nhiên nó muốn thế thật. Mới đầu tiên nó phải dùng thân cây làm chỗ dựa để đứng lên, sau nó tập quen thì đứng vũng được, đặt đít ngồi lên những rễ cây uốn cong như võng, còn hai chân thì víu vào những rễ ở là là ngang mặt nó. Tôi ngồi trên cây, lấy làm kinh ngạc lắm, cố ngồi yên không cựa quậy, thủ xem con quái vật kia giở trò gì mà càng ngày càng bí hiểm lạ lùng như vậy.

Con hổ an vị rồi thì lấy đuôi đập mạnh xuống đất, co chân sau lên khỏi mặt cỏ, làm cho mấy cái rễ cây lung lay, đưa đi đưa lại như võng. Hình như nó cho sự bắt chước loài người như thế là thú lắm, nó ngồi chễm chệ, vênh váo, có vẻ tự tôn tự đại và đắc ý vô cùng. Nó ngồi như vậy trong giờ lâu, gầm gầm gừ gừ tỏ ra vẻ khoái lạc sung sướng tuyệt điểm. Bỗng thấy nó gầm lên một tiếng, nhưng gầm be bé thôi, không há hốc mồm ra "à uôm" như mọi ngày đâu. Có lẽ nó ra một mệnh lệnh nên khi vừa thét xong, có ngay hai cái bóng hiện ra ngồi dưới đất, trước mặt nó: một người là đàn ông, áo thâm, quần trắng tay ôm một cây đàn dài, còn một người là đàn bà, áo thâm, váy thâm, khăn mỏ quạ, cầm một đôi gỗ phách. Một kép một đào. Tôi mới thấy, cũng đoán đó là ông cả và cô hai nhà ta vậy. Gia dĩ mặt trăng lưỡi liềm lúc đó lại không bị mây che khuất; dưới ánh trăng mờ, tôi thấy rõ ông cả và cô hai ngồi ngay ở chỗ cả đôi bị tuẫn nạn ngày hôm trước. Ông cả lên dây đàn rồi gẩy, cô em theo nhịp gõ phách hát. Tiếng đàn ca nghe rõ mồn một, vang cả một vùng thung lũng. Lần này, thứ tiếng tôi nghe, nó y như tiếng đàn hát của hai người, không có cái vẻ âm thầm xa lắc xa lơ như tiếng ma ngày nọ, cái thứ tiếng mà tôi gọi là "bóng lời nói" ấy mà.

Ca hát lâm ly não ruột, tôi nghe cũng còn nhẹ nhàng khoan khoái cả tâm trí nữa huống gì là hổ. Nó nghe tiếng du dương hình như ngồi ngủ gật gà gật gưỡng, vừa mơ màng vừa rung rinh đưa võng theo nhịp đàn phách. Nghe như thế đến gần giữa canh hai, tôi bỗng thấy con hổ bỏ võng, nhảy chồm lại cào cấu ông cả, rồi cô hai. Vẳng nghe có tiếng than khóc và kêu van:

- Lạy ông vạn lạy! Ông sinh phúc tha cho chúng tôi. Ông đã biết nhà em nó ở đâu rồi, ông cứ việc lại bắt nó, hà tất phải cần đến chúng tôi. Lạy ông vạn lạy.

Hổ nhảy lên chồm chồm, gầm gừ như thất ý, hành hạ hai kẻ bạch mệnh một lần nữa. Lại than khóc, cầu xin:

- Em nó còn nhỏ dại, ông tha cho nó. Vả nó xấu xí, hát còn kém cỏi lắm, dở hơn tôi nhiều, ông bắt nó làm gì. Nó còn thơ, da thịt hôi tanh, lại là đàn bà, bẩn thỉu, ông xơi mà làm chi? Ông tha cho nó.

Ðó là lời cô Huyền, hổ nghe nói thế thì gầm thét lên, đánh, tát, cào cấu túi bụi. Hai oan hồn vừa tránh, vừa né, vừa xin:

- Lạy ông muôn vạn lạy! Tha cho chúng tôi, chúng tôi xin dẫn ông lại bắt nó.

Hổ hất hàm, nhìn chõ vào mặt hai oan hồn, như hỏi cách bắt ra làm sao. Có tiếng thưa lại:

- Canh ba đêm nay, giờ Tý, ông ngồi ở dưới thềm. Chúng tôi đến, làm cho nó đau bụng, run rủi nó xuống sàn, ra vườn đi nữa, ông sẽ vồ nó đem đi. Nếu nó không chịu xuống, chúng tôi làm cho nó phải đâm đầu qua cửa sổ phía Tây nhảy xuống hiên, ông cứ việc chờ ở đó, đỡ lấy nó là yên việc. Ông có bằng lòng không?

Hổ gật đầu, lại ngồi ở võng. Ðàn hát nữa.

Tôi xem chừng kíp giờ lắm, chả mấy chốc đến canh ba; nếu tôi không về ngay, e mạng cô nguy lắm. Tôi sờ tay nảy, đến xem có bao nhiêu chiếc pháo địa lôi, thì ra tôi đem đi tất cả hơn chục cái. Tôi theo phương pháp hôm nọ, đốt hai cái ném xuống cạnh hổ, nó vùng cẳng chạy mất, mà hai oan hồn cũng biến theo. Tôi chẳng quản đêm khuya trời tối, thu thập một vài khí giới giắt vào lưng, rồi cầm mã tấu trèo xuống. Muốn cho ác thú đừng theo tôi quấy phá, cứ cách vài chục bước, tôi lại đốt một chiếc địa lôi cho vang động cả vùng. Ðốt xong tôi chạy, chạy được quãng xa, lại ngừng lại đốt, như thế về mãi tận đây sờ lưng chỉ còn mỗi một chiếc pháo. Tôi vừa về kịp nên mới cứu cô thoát nạn, cũng là một sự may mắn. Bắt đầu từ ngày mai, cô nên nghe theo tôi, đừng ở nán lại đây làm gì nữa. Cô và cậu em hãy theo tôi cùng về Gôi, ở với mẹ tôi là hơn. Cô nghĩ thế nào?

Oanh Cơ bấy giờ cảm động đến cực điểm, nàng không biết lấy gì để tạ ơn tráng sĩ đã hai lần cứu mạng cho nàng; nàng bèn thành thực thưa rằng:

- Em đội ơn anh rất dày, dẫu gan góc lầy đất cũng không đền đáp được. Ngày nay em không còn ai thân thích nữa chỉ có một đứa cháu, vậy xin tình nguyện theo anh. Nếu anh quả có lòng thương, không cho em là ti tiện, không quản em là con nhà ca kỹ, thì em xin dùng quãng đời sống sót này để hầu hạ anh, nâng khăn sửa túi đỡ đần anh, dù phải làm phận tiểu tinh em cũng cam lòng. Tấm thân băng giá này, em xin đem phó thác cho anh, gọi là đáp lại mảy may tấm lòng trọng nghĩa của anh và ơn anh đã cứu mạng. Có lẽ cũng tại trời xui khiến, nên từ buổi sơ thân, tình cờ đã chỉ bảo cho chúng ta biết, thân em phải chọn anh làm chủ. Em đang lúc thụ tang, nói đến hôn nhân thực là mang tội cùng người khuất; song le, đến nước này, không thưa thực anh bấy nhiêu lời cũng không được. Chỉ mong anh cho biết rõ một điều là anh có ưng thuận hay không, thế là đủ. Em sẽ theo anh về Nam. Bao giờ em hết tang chế rồi, lúc đó sẽ làm vợ anh, anh có đem em vào chốn rừng hoang núi thẳm em cũng cam lòng.

Vài lời tâm huyết phát xuất từ con tim, xin anh chớ cười em là người thô lỗ, không biết đắn đo lời nói, cũng như không biết thẹn thùng. Ðối với anh, là người đã hai lần cứu em, đã săn sóc cho em trên giường bệnh trong nửa tháng trời, em còn phải e lệ ngại ngùng gì nữa? Em một niềm kính cẩn giãi bày tâm sự hầu anh, xin anh định liệu cho em được nhờ, cho em phận nào em xin bái lĩnh phận ấy!

Câu chuyện Oanh Cơ đến đây là hết, chả biết tráng sĩ trả lời nàng ra làm sao, chỉ biết ngày hôm sau chàng đem cả hai cô cháu nàng vượt đèo Tam Ðiệp đi ra Nam Ðịnh. Từ đấy, chả còn ai biết rõ tông tích Oanh Cơ đâu nữa. Cũng chẳng biết nàng sống hay thác, còn hay mất, có thoát được nạn hổ bắt hay đã bị mãnh thú ấy tha đi vào rừng lau sậy để ăn thịt rồi.

Duy có một điều chúng ta biết rõ, là hồn anh chị nàng vẫn thường hiện lên để đàn ca réo rắt, mà đến nay năm sáu chục năm rồi, hai oan hồn ấy vẫn chưa tan...

Ông Cai Móm nói xong câu chuyện, tôi trông đồng hồ trên vách thấy điểm hơn ba giờ. Ông Cai phải ngủ lại trong trại của tôi, không về nhà được. Tôi nghe nói, cũng có phần tin câu chuyện của ông đúng sự thực, vì nó ý vị và rành mạch xem chừng không phải chuyện người ta cố ý bịa đặc ra. Tuy nhiên, tín ngưỡng của tôi cũng chưa lấy chi làm vững vàng lắm. Tấm lòng hiếu sự của tôi xui tôi dò xét xem lời ông Cai nói có đúng không hay chỉ là những chuyện vu vơ mà người quanh vùng này thường bàn tán? Phải trông thấy hai con ma đào kép, thì mới có thể tin rằng chuyện nàng Oanh Cơ có thực, không phải chuyện chơi. Phần nhiều, người trong hạt này, họ chỉ "văn kỳ thanh" mà thôi, rồi xây nặn ra đủ các thứ cổ tích, chưa ai dám có can đảm vào rừng xem bóng ma bóng quỷ nó ra làm sao.

Chỉ riêng một mình tôi có can đảm ấy. Tôi bắt ép ông Cai Móm phải đưa tôi vào cái thung lũng xưa kia làm trường săn bắn cho tay tráng sĩ cứu mạng nàng Oanh. Ông Cai hai ba lần ngăn tôi đừng nên đi, tôi nhất quyết không nghe, bắt ông phải dẫn đi xem cho kỳ được. Bất đắc dĩ, ông phải chiều lòng tôi. Ông bèn sắm sửa đủ khí cụ và khí giới để vào rừng, rồi hai thầy trò nai nịt gọn gàng, rẽ lau vạch cỏ tìm vào thung lũng. Ði mất ba, bốn giờ đồng hồn mới tới một nơi um tùm đầy cây cối, cỏ mọc cao vút, lau sậy trắng xóa, rễ cây cành cây chi chít, phải lấy dao bẩy phạt bờ bụi mới vào được.

Chúng tôi tìm đến một cây cổ thụ, luồn dây qua chẽ cành đánh đu leo lên, rồi lấy dao phạt bớt lá rậm, dọn một chỗ để ngồi. Chỗ đó có hai cành cây to mọc ngang, chỉ việc lấy một ít then tre hay một tấm phên gác lên trên là có một cái sàn sạch sẽ tươm tất, có thể nằm ngủ được. Dọn dẹp chỗ xong rồi, hai thầy trò tháo bỏ các đồ đạc đeo trên vai, ngồi nghỉ một chốc, giở các đồ nguội ra ăn uống. Chẳng bao lâu, mặt trời xế bóng, sương bắt đầu nặng hột, tối đến lúc nào không hay. Hôm đó là một hôm co ‘trăng sáng vằng vặc, ngồi trên cây ngắm xuống thực không còn thú gì bằng. Cái cảnh cánh sương rừng rậm, tôi đã từng quen lắm, hóa nên cũng không sợ hãi chút nào. Lòng hiếu kỳ làm cho tôi nhẫn nại và can đảm thêm, tôi cứ ngồi điềm tĩnh trên ngọn cổ thụ, đợi xem ma sẽ hiện lên như thế nào. Thì giờ bằn bặt trôi, chả mấy chốc hết canh một. Các thứ tiếng chung quanh người tôi nổi lên như một cuộc hòa nhạc âm thầm ảo não, chúng nó gồm đủ các âm thanh cao thấp, khoan nhặt, thực là hết sức lạ lùng. Tôi tuy quen ở đồng rừng, thế mà chưa bao giờ tai được nghe hết mọi thứ tiếng kêu, tiếng hú, tiếng gọi, tiếng gầm, tiếng la, tiếng thét, như trong cái đêm hôm ấy. Giọng nói của rừng hoang là một giọng cực kỳ huyền bí; trong bóng tối âm u, tịch mịch, biết bao giống sinh vật, biết bao loài thảo mộc, giữa cuộc đua tranh vật lộn, phát ra mỗi giống mỗi loài một khẩu hiệu riêng, cái đục cái thanh, có thể ví được với tiếng ầm ầm, lạo xạo, trong một ngày phiên chợ, hoặc trong một ngày hội hè tấp nập ở một chốn đô thành. Khó lòng tả rõ được cái vẻ ồn ào phức tạp ấy, chỉ có thể tưởng tượng ra nó mà thôi.

Giữa chốn rừng khuya, tôi có cảm giác là chung quanh người tôi có một vũ trụ đông đúc, tôi tuy không nhận được bằng mắt song được nghe bằng tai; thế giới đó bao bọc khăng khí lấy tôi, quanh cuồng múa máy trên đầu tôi, dưới chân tôi, tựa hồn lấy tôi làm đích cho một cuộc khiêu vũ phi thường. Ông Cai Móm và tôi thu hết can đảm và trí tuệ, ngồi chờ xem một cuộc phô diễn hiếm có, sắp sửa xảy ra giữa cái vũ trụ hãi hùng náo động ấy. Óc hiếu sự thực quả xui người ta làm bất cứ việc gì, có khi đến quên cả sinh mạng, chỉ có một ý định duy nhất trong tâm hồn là thỏa mãn được tính tò mò, mà nếu không như nguyện được, thì ngồi đứng không an, bứt rứt khó chịu lắm. Bởi thế, dẫu vào nơi hang hùm tổ rắn, để được thỏa thích thói hiếu sự của mình, ta cũng chẳng từ nan.

Riêng tôi, tính tò mò sôi nổi trong trí não, ngồi trên cây nóng lòng sốt ruột lắm, chăm chăm chú chú nhìn vào chỗ rễ cây uốn cong như chiếc võng, chỉ ước sao ma hiện ngay ra cho xem mới cam tâm. Tôi đợi cũng chả lâu lắm, vào khoảng giữa canh hai, một tiếng gầm to lớn khiến tôi phải giựt nẩy mình. Vừa định thần mở mắt nhìn, tôi đã thấy ngay trên cái võng rễ cây một con cọp xám, to gấp rưỡi con hổ thường, da vằn đen vằn trắng, trông đẹp lắm. Ông tướng ấy ngồi chễm chệ như người, hai chân sau bơi bơi trên mặt cỏ để làm cho võng đong đưa, mau lẹ vô cùng. Hai chân trước thì giơ thẳng về phía trước, không bám vào gì cả. Một chốc như thế, tôi vừa chớp mắt có một khắc cỏn con, trông xuống lại không phải cọp xám nữa, mà là ông cụ già đầu râu bạc phơ, ngồi nghiêng nghiêng trên võng, tay để vào má xem có vẻ trầm ngâm nghiêm nghị, tựa hồ đang nghĩ ngợi sự gì.

Tóc tôi tự nhiên bỗng thấy dựng đứng cả trên đầu, một luồng khí lạnh chạy khắp các mạch máu tôi, luồn vào sống lưng tôi, tôi nắm chặt lấy cánh tay ông Cai Móm. Giữa lúc đó, ông cụ cọp già kêu lên một tiếng, như ra mệnh lệnh. Ông vừa dứt lời, ba cái bóng không biết từ đâu, bỗng phơi phới lướt trên mặt cỏ, lại đứng trước mặt ông rồi quỳ xuống lạy ông cung kính lắm. Ðó là bóng một người, hình như đàn ông thì phải, áo thâm, quần trắng, búi tóc, tay ôm một cây đàn giai; và hai người nữa, tựa hồ đàn bà, quần áo trắng toát, một làn tóc đen bỏ xõa sau lưng gần chấm gót, tay cầm vật gì đen đen, trông giống một cái then gỗ nhỏ. Cả ba cầm tay nhau làm thành một cái vòng, bao bọc lấy ông cụ già ngồi võng, rồi quay cuồng chung quanh ông cụ... Có một sự rất lạ là dưới gốc cổ thụ chi chít những rễ cây giằng buộc lấy nhau, những cành cây, những lá cỏ, không có đủ chỗ cho ba người thường nhảy múa được. Thế mà ba cái bóng kia khiêu vũ như không có gì vướng cả, họ cứ lâng lâng lượn phiêu phiêu trong không khí nhẹ nhàng vô cùng. Họ lượn quanh mình ông cụ một hồi ông cứ ngồi gật gưỡng thưởng thức tấn trò ấy như lấy làm thú lắm. Bỗng ông thét lên một tiếng nữa, to hơn tiếng khi nãy nhiều. Sau mệnh lệnh thứ hai này, trong rừng tự nhiên hiện ra không biết bao nhiêu là bóng, cái trắng lốp, cái xam xám, cái đen xì đều cầm tay nhau thành mười mấy lớp vòng tròn bay lượn mé ngoài tưởng chừng một cuộc hội hè của lũ Mọi châu Phi khi nhảy múa chung quanh thây chết.

Thực là một quang cảnh lạ lùng hiếm có, càng xem sống lưng càng thấy lạnh buốt mà tóc càng dựng ngược cả lên. Ðó mới là bài học hay cho mấy kẻ tò mò hiếu sự như tôi vậy. Tôi cứ bám chặt lấy ông Cai Móm.

Trong khi quá sợ hãi, khuỷu chân tôi bủn rủn, làm tôi gần quỵ xuống, phải lấy gân để đứng thẳng người lên. Ai ngờ tôi hụt chân, bước ra ngoài then tre hụt chân xuống khe sàn, suýt ngã dúi xuống trước mặt ông Hổ xám.

Tôi kinh hồn mất vía, trống ngực đánh như tim sắp vỡ, hoảng hốt kêu lên một tiếng vang trời. Ông Cai Móm phải vội vã đỡ lấy tôi, ôm chặt nách tôi nâng lên, nếu chỉ chậm một khắc tôi sẽ bị lăn xuống đất. Tôi kêu thét lên xong, chết ngất đi, không biết trời đất là gì nữa. Ðến lúc hồi tỉnh, thấy mình đương nằm trong buồng, trên chăn dưới nệm, và trước mặt có Lệ Thi, Thu Nhi, cả hai đều ra vẻ lo ngại. Trong khi ngồi trên một chiếc ghế đẩu ở góc phòng, ông Cai Móm vừa chúm chím cười, vừa nhai bỏm bẻm một miếng trầu đỏ loét:

Nào, thầy đã bằng lòng chưa? Lần sau có muốn vào rừng xem cọp nữa hay không, thì con lại dẫn thầy đi lần nữa!

Từ đấy trở đi, anh xem, tôi chẳng dám không tin lời ông Cai Móm, nhưng quả thực là các vàng cho kẹo, tôi đây cũng hết dám vào rừng. Ðêm đêm tôi chỉ cùng Lệ Thi ngồi điềm tĩnh ở một xó nhà, lắng tai chú ý nghe xem có nhận được điệu hát ả đào mà thiên hạ nhao nhao nói đến. Nhưng tôi vô duyên hết sức; cái lần đáng lẽ được nghe thì chết ngất đi, phải có người nhà cõng về tận trại, còn những lần sau thì thức suốt mấy đêm ròng mà tịnh cha thấy gì. Thế mà ai ngờ mới đến đây lần đầu, anh đã có diễm phút nhận được ngay điệu ca nhạc đó.

Ðấy, điển tích của điệu hát ấy kỳ dị là như thế, bây giờ anh đã rõ rồi. Có một điều tôi đoán được ngay sau khi theo ông Cai Móm vào rừng là có lẽ nàng Oanh Cơ cũng chết vền nạn hổ. Bởi lẽ, đúng lý ra, chỉ có hai bóng ma hiện lên diễn trò hầu cọp, cớ sao tôi lại thấy những ba? Người thứ ba chắc hẳn là Oanh Cơ, theo anh chị chết chung một sự nghiệp. Song chẳng biết nàng chết bao giờ, chết nơi đâu, và có lấy được ý trung nhân là tráng sĩ Lê Trọng Việt hay chăng? Ðiều đó hiện còn mờ ám lắm.