Âm Thầm Bên Em - Tại Đào Bạch Đào

Chương 94: Bên cạnh



Văn Tư Hoàn bắt đầu thường xuyên đến khu vực tự học của thư viện đợi Ninh Hảo, đồng thời mượn sách giống cô.

Không phải ngày nào Ninh Hảo cũng đến thư viện tự học, nhưng cô đi rất thường xuyên, một tuần đi ít nhất ba ngày, sắp bằng thời gian trực ca của nhân viên quản lý thư viện rồi.

Năng lực học tập của cô vốn đã có thừa, nên sách cô đọc đều là “sách giải trí” trong miệng giáo viên.

Văn Tư Hoàn đọc hết “Kazuo Ishiguro (*)” và năm tập “Bí kíp quá giang vào Ngân hà (*)” theo cô.

(*) Kazuo Ishiguro: Là một tiểu thuyết gia, nhà biên kịch, nhà văn người Anh gốc Nhật Bản.

(*) Bí kíp quá giang vào Ngân hà: Là phần đầu tiên trong số sáu quyển thuộc “bộ ba” tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hài Bí kíp quá giang vào Ngân hà của Douglas Adams. Tiểu thuyết này được chuyển thể từ bốn phần đầu tiên trong loạt chương trình phát thanh cùng tên của Adams. Tiểu thuyết được xuất bản lần đầu tại Luân Đôn vào ngày 12 tháng 10 năm 1979 và bán được 250.000 bản trong ba tháng đầu tiên.

Có đôi khi cô cũng đọc tiểu thuyết tình cảm, cuốn sách trông cũ lắm rồi, cho nên ban đầu anh tưởng là tiểu thuyết 18+ gì đó, không dám mượn. Anh đứng trước kệ sách đọc như ăn tươi nuốt sống, cũng may chỉ là truyện ngắn.

Câu chuyện kể về chuyến du lịch đến Tây Tạng của mấy thanh niên thành phố, nữ chính bị bạn trai phản bội tình cảm, bạn trai mới lại đối xử lạnh nhạt với cô ấy. Cô ấy bị bệnh, bạn bè đồng hành cùng để cô ấy ở Lhasa (*) một mình, còn họ thì đi tiếp. Mà người cưỡi ngựa tình cờ quen biết ở Tây Tạng mới là người chân thành cầu phúc cho cô ấy, dập đầu nằm lạy (*) suốt cả đêm. Nhưng kết quả vẫn không có kỳ tích xảy ra, cô ấy trở về thành phố của mình, còn chàng trai thì ở lại trên thảo nguyên của anh.

(*) Lhasa: Là thủ đô truyền thống của Tây Tạng, và hiện nay là thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nó ở chân của đỉnh Gephel.

(*) Dập đầu nằm lạy: Là một nghi thức bái Phật thành khẩn của các tín đồ Phật giáo ở Tây Tạng. Cứ đi được ba bước thì chân, tay, ngực, trán,... một lần chạm xuống đất lạy một lạy.



Sau khi đọc xong, Văn Tư Hoàn bật cười, Ninh Hảo đúng là một cô gái văn nghệ và lãng mạn.

Cô tin rằng vẫn còn một nơi vui vẻ tươi đẹp cách biệt với thế giới hiện thực bên ngoài, cô quan tâm đến vũ trụ bao la và sinh mạng con người.

Nhưng sự lãng mạn của cô được xây dựng trên cơ sở logic thực tế, không tồn tại những câu chuyện cổ tích sáo rỗng.

Anh có thể tưởng tượng được thế giới trong mắt Ninh Hảo giống như lồng ghép thêm AR (*) vậy, điểm xuyết những vẻ đẹp hư cấu vào trong thế giới thực.

(*) AR (Augmented Reality - Thực tế Tăng cường): Là một công nghệ cho phép lồng ghép thông tin ảo vào thế giới thực (và ngược lại), nó giúp người sử dụng tương tác với những nội dung số trong thực tại (như chạm vào, phủ vật thể lên trên - nói dễ hiểu là ghép ảnh theo dạng 3D).

Cuối cùng cũng có thể giải thích tại sao cô lại chấp nhận cách giao tiếp với anh như vậy, làm bạn với người mình chưa từng gặp mặt, giúp đỡ lẫn nhau.

Văn Tư Hoàn không hề mắc bệnh nhận thức về bản thân quá độ (*).

(*) Nhận thức về bản thân quá độ: Là tình huống cực đoan của nhận thức về bản thân, biểu hiện của nó là quan tâm đến bản thân quá đáng. Khi con người cảm thấy mình đang bị người nào đó (hoặc một số người nào đó) nhìn chằm chằm, sẽ sinh ra một cảm giác bản thân tồn tại thiếu tự nhiên, cảm giác này chính là nhận thức về bản thân quá độ.

Nếu không anh sẽ cho rằng trình tự mượn sách của Ninh Hảo là thiết kế riêng cho mình.

“Đừng để tôi đi” khiến lòng anh u ám suốt một tuần.

Anh hòa mình vào vai nam chính cô đơn, Ninh Hảo là người bạn duy nhất mà anh tha thiết muốn có được.

Đọc xong bộ “Klara và mặt trời (*)”, anh cũng có cảm nhận riêng.

(*) Klara và mặt trời: Là một trong những tác phẩm của Kazuzo Ishiguro, một tác phẩm đầy sức hút với câu chuyện tuyệt vời về Klara - một người máy thông minh đặc biệt, và hành trình của cô trong tương lai không xa. Trong thế giới đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Klara đã dành cả cuộc đời của mình để phục vụ cho Josie - một cô bé tinh tế và nhạy cảm.

Anh nghĩ, quan hệ giữa anh và Ninh Hảo giống như Klara và Josie, ở một khía nào đó, anh chính là người máy thông minh đồng hành cùng Ninh Hảo, không mong cầu gì ở cô, chỉ luôn lo lắng sẽ bị người máy khác tốt hơn thay thế.

Thông qua cách này, anh giống như đã có thêm nhiều tần số chung với cô hơn.

Anh không cố tình liên lạc với Hứa Gia Văn.

Hứa Gia Văn chủ động đưa cho anh chín tấm thẻ mượn sách “vứt đi”.

Khi kết thúc học kỳ, Hứa Gia Văn hỏi xin anh số điện thoại di động.

Anh muốn tránh những phiền phức không đáng có: “Tớ không có di động.”

Hứa Gia Văn nói: “Học kỳ sau người trực thư viện sẽ đổi sang học sinh lớp mười mới vào. Tớ không thể thu thập thẻ mượn sách giúp cậu được nữa.”

Không phải chuyện gì quá nghiêm trọng, Văn Tư Hoàn nghĩ thầm, anh có thể nhờ học sinh lớp mười mới vào giữ lại giúp mình, nếu cứ qua tay một người mãi, ngược lại sẽ khiến anh lo lắng bị bại lộ mục đích.

Nhưng ngoài miệng anh vẫn nói chuyện khách sáo, qua loa với đối phương: “Vậy thì tiếc quá.”

Ba năm cấp ba, thực ra anh đã thu thập được 36 tấm thẻ mượn sách, bên trên vừa có tên của Ninh Hảo, vừa có tên anh.

Cuộc sống thường ngày của Văn Tư Hoàn rất đơn giản, đến tối mới trở nên thú vị đôi chút.

Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net

Sau khi học xong bài, anh lại đến sân thể thao nhìn cô chạy bộ.

Có một vị trí quan sát tuyệt vời, là đồi cỏ cao ở hai bên khán đài, rất gần cây cối.

Anh thích ngồi trên chạc cây (*) không thể nào bị người ta phát hiện, mắt nhìn theo cô, nghe tin tức bằng tiếng Anh trong tai nghe.

(*) Chạc cây: Là chỗ cành cây bị chẻ ra nhiều nhánh.

Chớp mắt đã tới mùa hè.

Kỳ nghỉ hè, cả nhà cô của Từ Tiếu ra nước ngoài du lịch, anh không có cơ hội đến làm thư đồng của Thái tử nữa.

Cuộc sống không gặp được Ninh Hảo kéo dài hơn năm mươi ngày, rất nhàm chán, khó chịu.

Anh muốn gửi tin nhắn cho cô nhưng lại không tìm được lý do thích hợp.

Anh chỉ đành đọc lại vài lần những cuốn sách mà cô đã từng đọc.

*

Tháng chín khai giảng, ngoại trừ kỳ thi tháng ra, hoạt động quan trọng nhất là đại hội thể thao.

Ninh Hảo tham gia chạy 100m, 400m và 3000m.

Khi Văn Tư Hoàn nghe thấy hạng mục thi cuối cùng phát loa gọi người, anh còn tưởng mình nghe nhầm.

Nhưng nghĩ lại, anh đã luyện thành thói quen rồi.





Mỗi tối Ninh Hảo đều chạy bộ hai nghìn tám trăm mét, tham gia thêm những hạng mục khác cũng hiểu được, bởi vì trước giờ cô là người hiếu thắng.

Hai hạng mục trước không hẳn được nhiều người theo dõi, chỉ có Văn Tư Hoàn là quan tâm có chủ đích. Ninh Hảo lần lượt giành được hạng ba và hạng nhất nhóm, thứ hạng này trong phạm vi toàn trường khá bình thường, cô chỉ là giỏi về thể dục, chứ không coi nó là sở trường.

Hạng mục chạy 3000m cuối cùng thì được toàn trường chú ý, là phần thi áp chót, nhưng anh lại không xem.

Lòng bàn tay anh toát mồ hôi lạnh, khi cuộc thi kết thúc anh nghe thấy bạn học nói về thứ hạng, Ninh Hảo giành được hạng nhất toàn trường, bởi vì số đông trong đó đã từ bỏ giữa chừng, số ít người thì lựa chọn ngừng chạy, đi bộ tới đích, chỉ mình Ninh Hảo chạy suốt quá trình chưa từng dừng lại, thể lực rất tốt.

Lúc này, anh chợt hối hận vì đã không nghiêm túc làm khán giả rồi.

Đại hội thể thao diễn ra trong hai ngày cuối tuần, sau khi kết thúc thì trên khán đài trở thành bãi chiến trường, mỗi lớp chọn ra vài người dọn dẹp rác, Văn Tư Hoàn bị giữ lại trực nhật. Anh nhìn sang lớp một nhưng không thấy Ninh Hảo.

Lúc anh vứt rác xong, quay lại lấy cặp sách thì nhìn thấy Ninh Hảo và Lục Chiêu Chiêu nắm tay nhau đi khắp nơi, dọc đường mắt cứ nhìn đông nhìn tây suốt, hình như đang tìm gì đó. Mỗi khi phát hiện trên khán đài có đồng phục thu đông của trường mùa thì sẽ chồm tới xem.

Văn Tư Hoàn nghĩ, ai trong hai người họ mất đồng phục à?

Lục Chiêu Chiêu mặc đồng phục trường mùa hè. Buổi sáng lúc Ninh Hảo chạy 100m anh thấy cô mặc áo thun polo đồng phục mùa hè màu xanh nhạt, ở dưới mặc quần thể thao ngắn, trên hông có buộc một cái áo khoác đồng phục thu đông, bây giờ cô đang cầm áo khoác trên tay.

Anh lấy cặp sách, đi theo sau hai người từ xa, hai người đang đi về nơi phụ trách thu đồ.

Văn Tư Hoàn thấy Ninh Hảo miêu tả quần áo của mình với cán sự ban thể thao của Đoàn thanh niên: “... Size 165. Không biết có ai cầm nhầm hay không, áo này là size 160.”

Bạn học ở ban thể thao chỉ về một đống quần áo trong rổ: “Bên kia đều là quần áo tạm thời không có ai nhận, cậu qua đó xem thử có đồ của mình không.”

Ninh Hảo đưa áo khoác size 160 trong tay cho Lục Chiêu Chiêu cầm, còn mình ngồi xổm xuống cẩn thận sàng lọc quần áo trong rổ. Bên trong phần lớn là size của học sinh nam, nhỏ nhất là size 175.

Cuối cùng cô đứng dậy nói: “Chỗ này cũng không có của tớ.”

“Vậy thì hết cách rồi.” Bạn học ban thể thao nói: “Chắc người nhặt được vẫn chưa đưa qua, ngày mai cậu quay lại xem thử? Lát nữa bọn tớ phải tháo dỡ khán đài rồi, ngày mai cậu đến phòng làm việc của ban thể thao hỏi nhé.”

Ninh Hảo lại nhận lấy áo khoác size 160 trong tay Lục Chiêu Chiêu, do dự hỏi: “Vậy áo này…”

Bạn học ban thể thao tiện tay chỉ: “Để vào trong rổ đi.”

Ninh Hảo để lại áo, cùng Lục Chiêu Chiêu trở về khu dạy học.

Văn Tư Hoàn thầm thở dài trong lòng, cô vẫn trong sáng quá, trong tay cầm áo khoác kia thì ít nhất có thể một đổi một với bạn học cầm nhầm đồ, còn đã nộp áo lên, muốn tìm lại đồ của mình trong đống đồ lộn xộn kia chẳng khác nào mò kim đáy bể. Huống hồ có một số học sinh bị mất quần áo sẽ chạy tới phòng thông báo tìm đồ để nhận đại một món, cho dù biết rõ không phải của mình, vậy nên đến cuối cùng ắt hẳn quần áo sẽ rơi vào cảnh đổi chủ thôi.

Văn Tư Hoàn đổi tuyến đường, vội vàng trở về phòng học.

May thay, Từ Tiếu đang rề rà sắp xếp cặp sách, vẫn chưa kịp về nhà.

Anh nói thẳng vào vấn đề: “Cho tớ mượn áo đồng phục mùa xuân của nữ đi, mượn ba ngày thôi.”

Anh suy nghĩ chu đáo, tính luôn cả thời gian gặp rắc rối trong quá trình tìm áo.

Yêu cầu này thật kỳ lạ, Từ Tiếu nhíu mày ngạc nhiên: “Cậu mượn làm gì?”

“Cậu đừng quan tâm, nói chung không phải làm chuyện xấu.” Văn Tư Hoàn không muốn để cô ấy biết quá nhiều.



Từ Tiếu cười hờ hững: “Nhìn bộ dạng của cậu là tớ biết lại có liên quan đến Ninh Hảo rồi. Bỏ đi, tớ không quan tâm.” Cô ấy xua tay: “Mượn ba ngày cũng được. Thứ sáu tuần sau tớ phải xách vali về nhà, cậu lên lầu năm khiêng xuống giúp tớ.”

“Chuyện nhỏ.” Văn Tư Hoàn làm dấu tay “OK”, cầm lấy đồng phục của Từ Tiếu chạy về chỗ thu đồ.

Người ở chỗ thu đồ vẫn chưa rời đi hết, Văn Tư Hoàn lấy lý do “chạy vặt giúp bạn nữ”, dùng đồng phục của Từ Tiếu để đổi lại cái áo size 160 kia.

Thực ra, muốn tìm được đồng phục của Ninh Hảo không khó.

Lớp 11/1 của Ninh Hảo nằm ở phía Nam của khán đài, gần với nó chỉ có lớp 11/2, nếu như thật sự có tình huống lấy nhầm của nhau, có khả năng nhất là cầm nhầm với học sinh nữ nào đó của lớp hai. Hoặc cũng có thể là cầm nhầm của bạn nữ cùng lớp, nhưng Văn Tư Hoàn tin Ninh Hảo đã tìm ở lớp mình trước khi đến nơi thu đồ rồi.

Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net

Anh gấp cái áo lại, cũng may màu sắc và kiểu dáng đồng phục của nam nữ giống nhau, anh cầm trong tay sẽ không khiến người ta chú ý.

*

Hai ngày liên tục Văn Tư Hoàn cẩn thận quan sát những học sinh nữ có dáng người thấp bé ở lớp hai trong thời gian tập thể dục nhịp điệu.

Thứ hai không thấy vấn đề gì.

Thứ ba phát hiện một đối tượng đáng ngờ trọng điểm, có một cô gái thấp bé, chiều cao khoảng 1m55 đến 1m58, với chiều cao này thì phạm vi số đo đồng phục thường mua là size 160, đồng phục mặc vào trông sẽ hơi rộng, nhưng đồng phục của cô gái này thì lại rộng quá mức, áo trên phủ đến tận bẹn, đã sắp che hết chiếc váy luôn rồi.

Thực ra Văn Tư Hoàn không nhìn rõ, bởi vì nhìn chằm chằm con gái không lịch sự cho lắm.

Anh cũng coi như may mắn, trên đường từ sân thể dục về phòng học có người đuổi lên từ phía sau và gọi tên cô ấy là “Trần” gì đó, để anh nắm được thông tin liên quan đến họ tên.

Áo size 160 kia lúc vừa mới cầm về, anh đã kiểm tra xem nó có đặc điểm gì không.

Bên cạnh nhãn mác hướng dẫn giặt có thêu một chữ cái C.

Xem ra phù hợp với chữ cái đầu tiên trong họ (*) của cô ấy, đây là một khởi đầu tốt.

(*) Họ Trần: Phiên âm tiếng trung là Chén, cho nên chữ cái đầu tiên trong họ là chữ C.

Buổi trưa Văn Tư Hoàn đến phòng máy tính tìm danh sách học sinh toàn khối trong file được chia sẻ chung khi giáo viên dạy Excel, lớp 11/2 chẳng có mấy người có chữ cái đầu tiên trong họ là C cả, nhân tiện anh cũng biết luôn họ tên hoàn chỉnh của cô gái này, tên là Trần Tử Khiết.

Trong áo có làm dấu mà cô ấy còn cầm nhầm được, hơn nữa có vẻ đến nay cô ấy vẫn chưa phát hiện đã cầm nhầm, đúng là một người hồ đồ.

Nam nữ khác biệt, Văn Tư Hoàn không muốn hết lần này đến lần khác phải giải thích tại sao mình lại có đồng phục nữ và áo đồng phục size 165 kia là đổi lại cho ai.

Anh buộc phải nhờ Từ Tiếu lộ mặt nói chuyện lần nữa: “Giúp người giúp cho chót đi.”

Từ Tiếu nhận lấy áo hỏi: “Vậy chủ nhật tuần sau tớ kéo vali về trường…”

Văn Tư Hoàn vui vẻ trả lời: “Tớ giúp cậu khiêng lên lầu lần nữa.”

Nhưng sau khi mọi chuyện xảy ra, anh phát hiện mình thiệt lớn rồi.

Từ Tiếu không hề lộ mặt nói chuyện với Trần Tử Khiết, cô ấy nhân lúc Trần Tử Khiết cởi áo đồng phục bỏ trên ghế để đánh cầu lông trong giờ nghỉ ngơi thì đổi hai cái áo luôn, dù chưa được sự cho phép.

Đơn giản và cục súc.

Văn Tư Hoàn chứng kiến toàn bộ quá trình thì rất phê bình chuyện này.

Từ Tiếu còn đường hoàng chế nhạo anh xử lý vấn đề không linh hoạt: “Thêm một chuyện chi bằng bớt một chuyện, hiểu không? Lỡ như cậu ấy muốn cái áo size lớn, cố ý cầm nhầm không chịu trả lại cho chủ thì phải làm sao?”

Văn Tư Hoàn không thể cãi lại.

Bởi vì xuất hiện thêm hai phiền phức mới. Thứ nhất, anh không thể nào chắc chắn bạn học Trần lấy nhầm áo thật hay vốn dĩ đã mua đồng phục size lớn. Thứ hai, cho dù áo này thật sự là của Ninh Hảo, nhưng đã bị người ta mặc hai ngày rồi, có phải nên giặt sạch rồi mới trả lại cho cô hay không?

Khoan đã… Giặt sạch…

Anh từng thấy Ninh Hảo mua viên giặt quần áo ở cửa hàng tiện lợi.

Mặc dù làm như vậy cảm giác rất giống tên biến thái…

Anh ngửi kỹ, quả thực trên áo vẫn còn lưu lại mùi hoa hồng của nước giặt, khả năng cao là của Ninh Hảo không sai được.

Anh tôn trọng thói quen của cô, Văn Tư Hoàn đi tới cửa hàng tiện lợi mua viên giặt giống mùi giống thương hiệu với cô.

Hơi đắt, cô mua loại đắt nhất trong cửa hàng tiện lợi, giá cả gấp ba lần các sản phẩm giặt khác.

Anh không hiểu tại sao viên giặt lại đắt hơn bột giặt nhiều như thế, ưu điểm của nó nằm ở đâu.

Đồng phục được giặt xong càng khiến anh chắc chắn một điều, chính là mùi hương này. Cụ thể hơn chút nữa thì giống như hoa hồng ướt nước sau cơn mưa mùa hạ vậy.

Giúp Ninh Hảo giặt đồ chỉ mất một viên giặt, năm mươi bảy viên còn lại giữ để mình dùng, duy trì tần suất hai ngày giặt đồ một lần, khoảng tầm một học kỳ có thể ngửi thấy hương thơm thấp thoáng của Ninh Hảo.

Lúc phơi đồ, anh nghĩ, đắt cũng có cái giá của nó.

Ngày hôm sau, sau khi áo đã khô, anh cẩn thận gấp lại, nhân lúc buổi trưa mọi người đều đi ăn cơm thì để áo vào chỗ ngồi của Ninh Hảo.

Đương nhiên anh cũng không quên đến phòng làm việc của ban thể thao để nhận lại đồng phục của Từ Tiếu, nhưng rất không may là có thêm chuyện phiền toái xảy ra. Áo đồng phục của Từ Tiếu tìm không thấy nữa, xem ra suy đoán bị người ta nhận đi đã thành sự thật.

Văn Tư Hoàn nhận lỗi, bỏ ra 180 tệ mua một cái áo mới cho Từ Tiếu.

Từ Tiếu thấy lấy cũ đổi mới nên cũng không có ý kiến gì, nhưng vẫn không quên trêu đùa: “Ninh Hảo mất đồ thì cậu nghĩ đủ mọi cách tìm lại cho cậu ấy, tớ mất đồ thì cậu dùng tiền để giải quyết, làm người mà tiêu chuẩn kép như vậy, viết hẳn chữ “trọng sắc khinh bạn” lên mặt luôn rồi!”

Văn Tư Hoàn lại không thể cãi được.

Anh không cần thiết phải so bì cao thấp với Từ Tiếu, tiền mua viên giặt và tiền mua đồng phục trả lại cho cô ấy đã vượt ngoài dự toán, việc cấp bách trước mắt là bán vở ghi chép phiên bản photo để “hồi máu”.

Trọng tâm cuộc sống của Văn Tư Hoàn đã thoát ra khỏi chuyện này. Nhưng Ninh Hảo lại rất nhạy bén.

Sau tiết tự học buổi tối, anh cầm cuốn sách “Đến hải đăng” mà Ninh Hảo vừa mới mượn trở về phòng ký túc xá thì phát hiện điện thoại có một tin nhắn chưa đọc.

Ninh Hảo: [Áo là cậu tìm lại giúp tớ à? Cảm ơn cậu.]

Một tin nhắn ngắn gọn, nhưng Văn Tư Hoàn đọc đi đọc lại ba lần, cảm thấy mọi thứ đều xứng đáng, cô không hay biết gì cả.