Andersen Của Tôi

Chương 7:






Liễu Du Bạch được biết đến nhiều nhất với vai trò là nhà sản xuất.

Công ty truyền thông điện ảnh và truyền hình mà anh có cổ phần, hoạt động kinh doanh gồm các lĩnh vực hoạt động của các nghệ sĩ, sản xuất phim truyền hình và điện ảnh, quảng bá và phát hành phim điện ảnh, phim truyền hình, hoàn toàn xứng đáng là một quái vật lớn.

Mỗi bộ phận đều có người phụ trách riêng, ngày thường duy trì hoạt động bình thường của công ti, phần lớn công việc đều tự quyết định, một phần nhỏ sẽ báo cáo với Liễu Du Bạch để đưa ra quyết định cuối cùng.

Trên cơ bản, việc cần Liễu Du Bạch tự mình hỏi đến rất ít, việc phỏng vấn người mới hàng năm là một trong số đó.

Người phụ trách bộ phận quản lý nghệ sĩ Viên Bội, năm đó từng là đạo diễn casting, nhìn người rất chuẩn, có cô ấy ở đây, Liễu Du Bạch hoàn toàn không cần lo lắng gì hết, tự mình đến hiện trường chỉ vì cảm thấy hứng thú thôi.

Đương nhiên, trợ lý Molly lén mắng thầm: “Thói quen xấu thì đúng hơn.”
Cuộc phỏng vấn người mới năm nay, Liễu Du Bạch vẫn để trống lịch trình như thường lệ.

Viên Bội đã ngồi trong phòng họp, trong tay cầm một chồng sơ yếu lý lịch.

Cô ấy không có hứng thú lật xem lắm, chỉ nhìn ảnh thì không có gì đặc biệt đáng mong đợi, đến lúc đó xem trực tiếp vậy.

Dựa theo nghiệp vụ mà Bộ phận quản lý nghệ sĩ cũng được chia nhỏ thành hai bộ phận nhỏ, là Bộ phận quản lý ngôi sao và Bộ phận quản lý sự nghiệp biểu diễn.

Nhân viên và cách hoạt động của hai bộ phận này cũng hoàn toàn khác nhau.

Nói một cách đơn giản và trực tiếp thì Bộ phận quản lý ngôi sao chịu trách nhiệm đào tạo các ngôi sao và thần tượng, có một bộ tiêu chuẩn đánh giá KPI nghiêm khắc; Còn Bộ phận quản lý sự nghiệp biểu diễn lại là nơi triển khai hoạt động cho các diễn viên và ca sĩ phái thực lực.

Bên cạnh một số nhân vật cấp thần có trạng thái ổn định và gần như sắp bước vào trạng thái nghỉ hưu, ở đây còn có một số diễn viên mới được gọi là “hàng bồi thêm”.

Người ký hợp đồng với Bộ phận quản lý sự nghiệp biểu diễn không nhiều, bởi công việc ở đây không thuộc kiểu “việc tốt ngày nào cũng kiếm ra tiền” như bên Bộ phận quản lý ngôi sao, nhưng đây quả thực là nơi tập hợp danh tiếng của công ty và cũng là chỗ chứa lượng tài nguyên ẩn không thể đo đếm được.

Thứ Liễu Du Bạch nhắm vào thật ra chính là nhóm “hàng bồi thêm” này.

Đáng tiếc là, cho dù là “hàng bồi thêm” thì cũng chỉ có thể gặp chứ không thể cầu.

Xét về dung mạo, dáng người và khí chất thì nhóm người đến phỏng vấn năm nay đều đạt chuẩn, một vài người trong số họ đã ký hợp đồng với Bộ phận quản lý ngôi sao, lượng lớn tài nguyên được đổ vào họ, chỉ cần qua hai đến ba năm, bọn họ lại sẽ trở thành cái cây hái ra tiền.

Năm nay Viên Bội và Liễu Du Bạch vẫn không thể gặp được gương mặt nào biết kể chuyện.

Viên Bội bảo sáu bảy người bạn nhỏ đến phỏng vấn hôm nay về chờ thông báo trước.

Sau khi đóng cửa lại, Viên Bội cười nói: “Cũng không biết có phải bởi vì những đứa trẻ học nghệ thuật bây giờ đều xuất thân từ gia đình danh giá hay không mà chúng đều có khuôn mặt chưa từng trải qua khổ cực.

Đẹp thì có đẹp đấy, nhưng cũng thật nhàm chán.”
Năm đó, trong hàng vạn cô gái đến thử vai, Viên Bội đã tìm ra nữ chính cho bộ phim mới của đạo diễn nổi tiếng Mục Vĩnh Niên và ra sức tiến cử người đó.

Khi ấy thật ra Mục Vĩnh Niên đã chọn một ứng cử viên khác nhưng cuối cùng vẫn tin vào phán đoán của cô ấy.


Sau đó bộ điện ảnh kia đã lưu danh trong lịch sử điện ảnh, nữ chính đã trực tiếp giành được giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng năm đó với tư cách một diễn viên nghiệp dư.

Với thành tích to lớn như vậy, Viên Bội có đủ tư cách để đưa ra phán đoán đó.

Viên Bội không nghe thấy câu trả lời, quay đầu lại thì thấy ông chủ đang chống tay lên thành ghế ngẩn người.

Liễu Du Bạch: “Thật ra tôi đã gặp một người không nhàm chán.”
Viên Bội hứng thú: “Ai? Từng đóng phim sao? Tìm đến đây cho tôi xem thử.”
“Là người ngoài giới giải trí.” Liễu Du Bạch lười biếng dựa vào lưng ghế, nhớ lại những gì nhìn thấy tối hôm đó, giống như quá trình các vì sao vụt tắt: “Nhưng cũng chỉ có đôi mắt là có chút thú vị, kỹ năng diễn xuất, đoán chừng không tốt lắm.”
“Vậy cũng hẹn gặp cho tôi xem một chút.”
Liễu Du Bạch trầm tư một lát: “Quên đi.

Công việc chúng ta làm cũng không phải là công việc tốt, không đáng để chiêu mộ tất cả mọi người vào giới giải trí.”
Là một người thường sống bình yên cũng không có gì là không tốt.

-
Sau đó Lương Tư Nguyệt đã vài lần theo Trì Kiều đi làm mấy việc làm thêm tương tự, không phải vì tiền mà hoàn toàn là vì hứng thú.

Cô lớn lên ở một thị trấn nhỏ, môi trường xung quanh bao năm chẳng thay đổi.

Hiện tại cô mới biết được, việc có năng lực, có cơ hội quan sát và tiếp xúc với nhiều kiểu người khác nhau đồng thời đảm bảo được cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, điều đó thật sự rất thú vị.

Càng tham gia nhiều, lời mời đi làm cũng kéo đến như những bông tuyết.

Cô sàng lọc rất cẩn thận, không để cho trạng thái căng bằng của sở thích và cuộc sống bị phá vỡ.

Vì thế, tuy rằng Trì Kiều mãnh liệt đề nghị, cô vẫn quyết định không mở tài khoản Weibo.

Tích lũy sự yêu thích trên mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc phải sẵn sàng đón nhận phản hồi tiêu cực.

Cô cũng không phải là người kiếm sống bằng nghề này, sao phải quan tâm đến sự yêu thích và chán ghét của người xa lạ chứ.

Loại cân bằng này cô cẩn thận duy trì được nửa năm, vào một ngày nghỉ nào đó, cô nhận được một cuộc điện thoại.

Cuộc điện thoại đến từ người phụ trách của một công ti văn hóa nào đó, nói rằng có ý định ký hợp đồng với cô, thành lập một nhóm nhạc thần tượng nữ với một số nghệ sĩ hiện có của công ty, sau khi cùng nhau ra mắt sẽ tiến hành các hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Đương nhiên, công ti không có thâm niên nên cũng không có ý định cạnh tranh với các nhóm thần tượng tiêu chuẩn công nghiệp hóa, bọn họ định quảng bá ở thị trường nhỏ hơn…
Lương Tư Nguyệt không để anh ta nói hết lời, lập tức cắt ngang: “Xin lỗi, tôi không có kế hoạch ra mắt công chúng…”
“Cô Lương có thể đến công ti chúng tôi xem thử một chút, trực tiếp gặp mặt nói chuyện.”
Lương Tư Nguyệt từ chối lần nữa: “Tôi nghĩ tôi sẽ không thay đổi suy nghĩ của mình nên cũng không lãng phí thời gian của anh.”
“Được rồi…” Người phụ trách không phải không có tiếc nuối: “Vậy cô Lương kết bạn Wechat với tôi đi.”
Cuộc điện thoại này, đương nhiên là Trì Kiều cũng nhận được.

Khác với câu trả lời của cô, Trì Kiều đã chủ động đề nghị đến thăm công ti khảo sát và trực tiếp nói chuyện.


Lương Tư Nguyệt không ngạc nhiên trước phản ứng của Trì Kiều, nhưng vẫn có chút thất vọng buồn bã, bởi vì cô đột nhiên nhận ra rằng, nếu Trì Kiều lựa chọn ra mắt thì quỹ đạo cuộc đời của hai người chắc chắn sẽ rẽ sang hướng hoàn toàn khác.

Nhưng không lâu sau, một chuyện xảy ra đã khiến Lương Tư Nguyệt thay đổi quyết định.

Ngày hôm đó, Lương Tư Nguyệt nhận được một tin nhắn Wechat.

Cậu hai đang ở Vân Nam xa xôi gửi đến, nói rằng bệnh cũ của bà ngoại tái phát và phải nhập viện.

Sau khi Lương Tư Nguyệt và Lương Quốc Chí bàn bạc, lập tức đến thăm bà ngoại.

Cũng may tình huống lạc quan hơn rất nhiều so với tưởng tượng của cô, cô ở đó chăm sóc hai ba ngày, bà ngoại đã xuất viện.

Bây giờ bà ngoại ở nhà cậu cả.

Đã lâu không được đoàn tụ, Lương Tư Nguyệt ở lại thêm hai ngày, quan sát thấy bà ngoại không được thoải mái lắm khi sống trong nhà của cậu cả.

Cậu cả và mợ cả đều bận rộn, phải ra ngoại ô thành phố nhập hàng, cứ đi là lại đi mấy ngày không về nhà.

Còn anh họ cả và chị dâu cả lại rất thích ăn chơi, buổi tối đi ra ngoài ca hát ở quán bar, thường xuyên sáng sớm với về.

Bà ngoại ngủ không sâu, thường xuyên bị tiếng ồn ào bên ngoài đánh thức.

Con của anh họ cả và chị dâu cả vừa tròn hai tuổi, sức phá hoại kinh người, hai người họ không tự mình trông mà bỏ mặc cho bà ngoại chăm sóc.

Chỉ thương cho bà ngoại, cả đời chăm sóc con cái, rồi lại chăm sóc con của con trai, giờ lại phải chăm con của cháu trai.

Gần đây, bà ngoại phải nhập viện, bọn họ mới thuê một bảo mẫu tạm thời.

Bảo mẫu cũng không làm tốt công việc của mình, trẻ con bò lổm ngổm dưới đất, nhặt đồ ăn bậy, bà ta nhìn thấy cũng chưa từng ngăn cản.

Bà ngoại nhìn không vừa mắt, kêu bảo mẫu nên trông chừng nhiều hơn.

Bảo mẫu trợn mắt một cái, nhấc đứa trẻ từ dưới đất lên, thô lỗ lấy đồ vật trong miệng đứa nhỏ ra.

Đứa bé hét lên, không muốn bà ta bế chỉ muốn đi tìm bà cố.

Bà ngoại cũng không để ý đến việc mình mới xuất viện, bế đứa trẻ lên liên tục dỗ dành, mà đứa nhỏ này cả người toàn là thịt chắc nịch, người lớn khỏe mạnh bế lâu còn thấy mệt.

Lương Tư Nguyệt nhìn không vừa mắt, tự mình bế lấy đứa trẻ.


Kết quả là đứa cháu họ này sợ người lạ, không muốn cô bế, đụng vào liền khóc, ai dỗ cũng không được, trừ bà ngoại ra.

Bà ngoại không có cách nào khác chỉ có thể tiếp tục bế, vừa đung đưa vừa dỗ.

Trừ lần đó ra, còn có một việc khiến Lương Tư Nguyệt rất khó chịu.

Chiếc ghế mát xa cô tặng kia, chị dâu ngại chiếm chỗ nên không lâu sau đã ném đi, còn bản thân lại mua một cái máy chạy bộ đặt ở trong nhà.

Đáng nói là cái máy đó cũng không dùng được mấy lần, bây giờ đã phủ đầy quần áo.

Chuyện này, bà ngoại chưa bao giờ nhắc đến trong điện thoại, bà chỉ luôn khen người trong nhà đối xử với bà tốt như thế nào, bà đã hạnh phúc như thế nào.

Trở về sau chuyến thăm, Lương Tư Nguyệt càng nghĩ càng lo lắng.

Lương Tư Nguyệt được sinh ra không lâu, mẹ đã qua đời, về cơ bản cũng xem như cô được bà ngoại nuôi lớn.

Khi đó trong nhà nợ nần chồng chất, ở quê lại không tìm được việc làm phù hợp nên Lương Quốc Chí chỉ còn cách giao con gái cho mẹ vợ, bản thân ra ngoài tìm cơ hội.

Lương Tư Nguyệt được đưa đến nhà bà ngoại khi mới năm tuổi, sống với gia đình nhà cậu hai.

Cậu hai vẫn luôn là người đàn ông không có tiền đồ gì, hơn ba mươi tuổi vẫn chưa mua được một căn hộ trong huyện, chỉ có thể đưa vợ đến ở cùng mẹ, mẹ chồng và con dâu sống chung dưới một mái nhà, quan hệ tất nhiên là vô cùng căng thẳng.

Mợ hai hầu như ngày nào cũng cãi nhau với cậu hai, trong lời nói lúc nào cũng quanh co lòng vòng nhắc đến mẹ của Lương Tư Nguyệt.

Bà ta nói rằng vì mẹ Lương bị bệnh nhiều năm như vậy, giống như cái hố không đáy, đào rỗng nhà chồng lại đến nhà mẹ đẻ, nên bây giờ mới hại một người vô tội như bà ấy về đây chịu đựng sự khổ cực như này.

Mợ hai sinh hai người con trai, ba thế hệ năm miệng ăn, lại thêm một Lương Tư Nguyệt, trong nhà chật chội gần như không ở được nữa.

Đương nhiên, “đứa con ghẻ” như Lương Tư Nguyệt ở nhà bà ngoại không hề có cuộc sống quá thoải mái.

Anh chị họ lúc nào cũng trêu chọc cô, mợ hai không những không ngăn cản mà còn âm thầm khuyến khích.

Sau khi bà ngoại biết cũng thay cô nói mấy câu, mợ hai thấy vậy liền bắt đầu lau nước mắt nói cháu trai và cháu ngoại gái, nếu đã khác nhau một chữ “ngoại” thì hẳn phải thân sơ khác nhau, tại sao đến phiên bà ngoại lại chỉ biết bao che khuyết điểm? Rốt cuộc vẫn là người sống không bằng người chết mà…
Bà ngoại tức giận đến nỗi không nói được lời nào, nhưng cũng không thể làm gì mợ hai được.

Lúc đó cậu hai phải khó khăn cỡ nào mới cưới được cô con dâu này, bà không thể vì tranh hơn thua mà làm người ta tức giận rời đi, khiến gia đình tan nát.

Lương Tư Nguyệt không cần học cũng biết cách quan sát cảm xúc và lời nói của người khác, không muốn để bà ngoại bị mắc kẹt ở giữa hai người.

Sau đó khi Lương Quốc Chí ở bên ngoài kiếm được tiền, một phần trả nợ, một phần gửi đến nhà bà ngoại, cuộc sống của Lương Tư Nguyệt mới trở nên thoải mái hơn.

Lúc cô học năm nhất trung học cơ sở, Lương Quốc Chí đã giúp cậu hai một khoản tiền, cậu hai đến chỗ cậu cả tìm nơi nương tựa, hợp tác làm ăn và định cư ở bên ngoài luôn.

Lúc này Lương Tư Nguyệt mới hoàn toàn có được không gian của riêng mình.

Nhưng sống một mình với bà ngoại được vài năm thì bà ngoại lâm bệnh nặng.

Trong thời gian nằm viện, hai người con trai từ đầu đến cuối không xin nghỉ được một ngày để về thăm.

Hàng xóm xung quanh bàn tán rất nhiều, nói hai người con trai này của bà ngoại vô cùng bất hiếu.


Hai người không chịu được áp lực dư luận mới đón bà ngoại về bên đó dưỡng lão.

Lương Tư Nguyệt không muốn xa bà ngoại nhưng cô cũng biết nếu bản thân khăng khăng ở lại nhà cũ thì chỉ cản trở bà ngoại hưởng phúc mà thôi.

Đúng vậy, cô vốn tưởng rằng bà ngoại thật sự đi hưởng phúc như lời bà nói qua điện thoại.

Nếu không có lần đi thăm này, có lẽ cô đã không bao giờ phát hiện ra sự thật.

Bây giờ cô sống một mình với bố, cuộc sống không giàu có lắm nhưng chắc chắn có thể gọi là thoải mái.

Hai bên so sánh, khiến cô rất khó chịu.

Khi Lương Quốc Chí đi làm về, cùng nhau ăn tối, Lương Tư Nguyệt nói với ông về chuyện của bà ngoại, cũng khéo léo hỏi: “…Có thể đón bà ngoại đến đây ở vài ngày không ạ?”
Lương Quốc Chí biết đây không phải là vấn đề ở lại vài ngày, mà là con gái ông muốn chăm sóc bà ngoại.

Ông không nói gì.

Lương Tư Nguyệt cũng không hỏi nữa.

Sau khi ăn xong, Lương Tư Nguyệt dọn hộp cơm, cầm xuống lầu để vứt.

Khi quay lại, Lương Tư Nguyệt thấy bố tìm sổ sách ra, nằm trên bàn ăn lật từng trang từng trang.

Người cha trong mắt Lương Tư Nguyệt, thật ra vẻ ngoài rất ngay thẳng, nhưng lông mày luôn nhíu lại, nhíu lâu rồi, tích lũy theo thời gian nên luôn có một vẻ đau khổ.

Lương Quốc Chí vẫy tay với cô: “Tiểu Nguyệt con lại đây.”
Đợi đến khi cô ngồi xuống đối diện, Lương Quốc Chí cầm một cây bút bi tính toán từng thứ một cho cô.

Nếu bà ngoại đến, chắc chắn phải đổi một ngôi nhà lớn hơn, ít nhất phải có hai phòng, còn phải có bếp, không thể để bà ngoại ăn đồ ăn ngoài giống hai người đúng không? Một căn nhà như vậy, còn không thể cách trường học quá xa, nếu không cô đi học không tiện, tính ra thì chỉ riêng tiền thuê nhà một tháng cũng phải bốn năm nghìn tệ.

Cộng thêm tiền điện nước, tiền gas, chi phí sinh hoạt… còn các khoản chi tiêu lặt vặt nữa, nếu như bệnh của bà ngoại tái phát thì việc tiêu tiền không có giới hạn cao nhất.

Lương Quốc Chí nói: “Tiểu Nguyệt, bố hiểu lòng hiếu thảo của con.

Bà ngoại giúp chúng ta nhiều như vậy, bố cũng muốn góp chút sức, nhưng đón bà ngoại đến ở, bố có tâm nhưng không đủ sức… Con cũng biết, tất cả số tiền mấy năm nay kiếm được đều dùng để trả nợ, không tiết kiệm được đồng nào.

Hơn nữa, bây giờ công việc này, bố cũng không thể đảm bảo rằng luôn có thể tiếp tục làm, con đã thấy Phan Lan Lan là kiểu người như thế nào rồi…”
Lương Tư Nguyệt im lặng một lúc: “Nếu con nhận thêm một ít công việc làm thêm nữa thì sao?”
“Con vẫn đang đi học, ảnh hưởng đến thành tích thì mất nhiều hơn được.

Bố nghĩ, chắc chắn bà ngoại cũng càng hy vọng con chăm chỉ học tập.”
Thật ra Lương Tư Nguyệt chưa từng lo lắng vì tiền bao giờ.

Không phải cô không thiếu tiền, mà là bởi vì cô không quá ham m.uốn vật chất, cũng không bao giờ theo đuổi những thứ vượt quá khả năng chi tiêu của mình.

Từ lúc ở nhà bà ngoại thì có gì ăn cái đó, có thịt ăn thì cũng rất tốt, ăn rau dưa cũng không phải không thể chấp nhận.

Bây giờ chuyển đến sống với Lương Quốc Chí, nhờ đi làm thêm mà kiếm được một ít tiền tiêu vặt, một phần gửi cho bà ngoại, một phần giữ trong thẻ, cần cái gì thì tự mua.

Cô chưa bao giờ biết hiện thực không hề dịu dàng, nó chỉ là từng dãy số lạnh băng..