AQ Chính Truyện

Chương 7: Không làm cho Cách mạng



Tình hình làng Mùi dần dần êm đềm trở lại. Theo những tin đồn gần đây người ta biết rằng: tiếng là bọn cách mạng đã vào huyện nhưng cũng chẳng có gì thay đổi khác trước. Quan huyện vẫn là quan huyện cũ, chẳng qua bây giờ gọi là quan gì gì ấy, mà cụ Cử cũng làm quan gì gì ấy! ... Những chức tước mới, ở làng Mùi chả ai hiểu gì hết. Còn ông lãnh binh thì cũng vẫn là ông lãnh binh ngày trước. Duy có một điều đáng sợ là trong đó có mấy người cách mạng không tốt xen vào làm rối loạn cả lên. Ngay ngày hôm sau, chúng nó đã đi cắt đuôi sam của người ta rồi. Nghe đâu bác Bảy Cân làm nghề chèo thuyền trên làng trên đã bị chúng cạo trọc, thành thử trông không thành hình người nữa! Tuy nhiên, việc đó cũng chưa đáng sợ, bởi vì dân làng Mùi chẳng mấy khi lên huyện, mà dẫu có việc lên huyện thì họ cũng không lên nữa, khỏi nguy hiểm. Chính AQ lâu nay vẫn có ý định lên huyện thăm người quen, sau lúc được tin này, cũng thôi.

Nhưng ở làng Mùi thì không thể nói không có chút gì thay đổi. Mấy hôm sau, dần dần có người đem đuôi sam quấn vòng quanh lên đỉnh đầu ngày một thêm nhiều. Như trên kia đã nói, người đầu tiên thi hành việc này cố nhiên là cậu Tú Triệu. Kế theo là hai chú Triệu Bạch Nhẫn và Triệu Tư Thần. Sau đến là AQ. Giá về mùa hè mà đem đuôi sam quấn ngược lên đỉnh đầu buộc kết lại thành búi tó đằng sau thì cũng không có gì là lạ. Nhưng bây giờ, mới đầu thu, cho nên cái chính sách "thu hành hạ lệnh" (đem lệ mùa hè ứng dụng vào mùa thu) của mấy "nhà quấn đuôi sam" cũng phải kể là một cao kiến, và như thế, đối với làng Mùi, không thể nói đó không phải là một cuộc cải cách.

Bác Triệu Tư Thần, gáy trống thông lổng, bỗng ở đầu đằng kia chạy tới. Những người trông thấy đều la to lên:

- Ồ! Ông cách mạng đã tới kia kìa!

AQ nghe, tỏ ra rất phục. Y đã biết chuyện cậu Tú quấn đuôi sam lên, nhưng không hề nghĩ rằng những người như y cũng có thể quấn đuôi sam lên được như thế. Bây giờ thấy Triệu Tư Thần làm như vậy, y mới nghĩ đến việc bắt chước và quyết chí thi hành. Y lấy một chiếc đũa, đem đuôi sam dốc ngược lên đỉnh đầu, ngần ngại hồi lâu ... rồi mới mạnh dạn bước chân đi ra.

AQ đi qua trên con đường làng, người ta nhìn thấy, nhưng cũng chẳng ai nói gì. Lúc đầu AQ buồn bực, sau y phát cáu. Gần đây, y bỗng trở thành gắt tính. Kỳ thực, không phải đời sống hàng ngày của y lâu nay có khó khăn gì hơn ngày chưa đi "làm giặc". Người ta đối với y cũng lễ độ. Lão chủ quán cũng không đòi tiền mặt ngay nữa. Nhưng y vẫn thấy bực bội trong lòng.

Đã "cách cái mạng" đi rồi, thì không thể chỉ có như thế này. Nhất là có lần gặp thằng cu D. y lại càng tức lộn ruột.

Thì cả thằng cu D. nó cũng đem đuôi sam quấn ngược lên! Hơn nữa, nó cũng nghiễm nhiên dùng một đoạn đũa giống như y. AQ không thể nghĩ rằng thằng cu D. cũng làm như y được.

Y quyết không cho phép thằng cu D. lăng loàn như vậy. Thằng cu D. là cái thá gì! Y đã định tóm ngay lấy thằng oắt con, bẻ cho gẫy nát chiếc đũa tre trên đầu nó đi, xả ngay cái đuôi sam xuống, rồi tát vào mặt nó mấy tát tai để trị cái tội không biết thân phận mà dám táo gan làm cách mạng. Nhưng cuối cùng, AQ cũng tha cho nó đi, chỉ lườm nó bằng một cặp mắt dữ tợn, rồi nhổ một bãi nước bọt đánh "tách" lên một tiếng mà thôi!

Trong mấy ngày ấy, chỉ có lão Tây giả là người hay lên huyện. Cậu Tú Triệu tuy vẫn có ý nhân câu chuyện gửi hòm hôm trước đi bái yết cụ Cử một phen, nhưng chỉ vì dọc đường còn có cái nguy "chặt đuôi sam", nên cậu đành rốn lại. Cậu viết một bức thư theo thể cách "lọng vàng" gửi ngay lão Tây giả mang lên huyện và giới thiệu cho cậu được vào đảng "Tchư díu" (Tự do). Lên huyện về, lão Tây giả đòi ngay bốn đồng bạc và đưa cho cậu Tú một cái huy hiệu bằng bạc, hình quả đào, để đeo vào áo dài. Làng Mùi trông thấy, càng lấy làm kính phục. Họ bảo nhau: Đấy là huy hiệu đảng "Tsư díu" (Thị du) (Chú thích người dịch: Tiếng quan thoại, chữ tự do đảng cũng như thị du đảng, đọc na ná giống nhau. Vì vậy mà dân làng Mùi vẫn tưởng rằng đảng Tự do cũng là một bọn buôn dầu hạt thị) đấy. Đeo huy hiệu ấy vào thì được ngang hàng với hàm Hàn lâm. Từ hôm ấy, cụ Triệu lại oai vệ hơn cả lúc cậu con vừa đỗ tú tài nữa kia! Cho nên bây giờ cụ thật là "mục hạ vô nhân", gặp AQ cụ cũng chẳng thèm để ý đến nữa.

AQ đang bất bình nhiều nỗi và thường cảm thấy hiu quạnh ... Nghe câu chuyện huy hiệu bằng bạc này, y mới vỡ lẽ ra vì sao y lại hiu quạnh như thế. Thì ra, làm cách mạng mà chỉ tuyên bố rằng mình "đầu hàng" chưa đủ, quấn đuôi sam lên cũng chưa đủ. Trước hết vẫn phải làm quen với bọn cách mạng đã. Sinh bình AQ chỉ biết có hai người trong bọn đó. Một người ở trên huyện thì độ nọ đã bị chém đầu đánh s... sật rồi! Bây giờ chỉ còn lão Tây giả nữa thôi. Ngoài việc thương lượng với lão Tây giả ra, AQ không còn có con đường nào khác nữa.

Cổng nhà họ Tiền vừa mở thì AQ đã rón rén bước vào. Vừa vào thì y đã hết hồn hết vía, vì y thấy lão Tây giả đang đứng giữa sân, mình bận bộ áo đen, tuồng như là âu phục, trước ngực cũng có một tấm huy hiệu bằng bạc, hình quả đào, tay cầm cái ba-toong mà độ nọ y đã được biết mùi. Cái đuôi sam của lão đã dài được non một thước đã xõa xuống vai y như cụ Lưu Hải Tiên. Trước mặt lão, Triệu Bạch Nhẫn và ba người vô công rồi nghề khác đứng nghiêm, kính cẩn nghe lão nói.

AQ khe khẽ đi tới, nép sau lưng Triệu Bạch Nhẫn trong bụng muốn chào một tiếng, nhưng chẳng biết xưng hô thế nào cho tiện. Gọi là "Tây giả" thì quyết không được rồi, gọi là "Tây - cũng không xuôi, mà gọi là ông "cách mạng" cũng chẳng gọn. Hay là gọi là "ông Tây" vậy?

Nhưng "ông Tây" vẫn không nhìn thấy y, vì ông ta còn đang trợn trắng mắt lên giảng giải rất hăng:

- Chả là tôi thì tôi nóng tính. Cho nên vừa gặp nhau là tôi nói ngay: "Anh Hồng! Ta làm ngay đi thôi! Nhưng anh Hồng lại nói: "No". "No" là tiếng Ăng-lê, các bác chẳng hiểu đâu. Nếu không thì đã thành công rồi! Tuy vậy, xem đó ta cũng đủ biết anh Hồng làm việc cẩn thận như thế nào! ... Anh ấy mấy lần có mời tôi lên Hồ Bắc cho được. Tôi không chịu đi. Đi thì ai muốn đến làm việc trong một huyện nhỏ bé thế này cho!

- Ủa! ... này ! ... này!

AQ đánh bạo thốt ra được mấy tiếng lúc lão Tây giả vừa ngừng lại. Nhưng không hiểu vì sao y lại không gọi là "ông Tây".

Bốn người đang đứng nghe, đều giật mình ngoảnh lại nhìn. "Ông Tây" cũng vừa trông thấy AQ.

- Cái gì?

- Tôi ...

- Ra ngay!

- Tôi định đầu hàng ...

"Ông Tây" giơ cái gậy "đại tang lên:

- Cút lập tức!

Cả Triệu Bạch Nhẫn và mấy lão kia cũng mắng om sòm:

- Ông bảo mày cút đi, mày không nghe hay sao?

AQ đem hai bàn tay lên che đầu rồi không kịp suy nghĩ, chuồn thẳng. May mà "ông Tây" không đuổi theo. AQ chạy rất nhanh khoảng độ năm sáu mươi bước, mới đi chầm chậm lại. Lúc bấy giờ lòng AQ bỗng lại âu sầu. Muốn làm cách mạng nhưng "ông Tây giả" không cho làm. Y không còn có cách nào khác nữa. Từ nay còn mong gì có người mũ bạch, áo giáp bạch đến gọi! Bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu chí hướng và tiền đồ, thế là đi đời nhà ma! Ấy là chưa kể y sẽ chịu bao nhiêu nỗi nhục nhã khi bọn hiếu sự sẽ đem câu chuyện này đồn đại lên để cho tụi Vương Râu, cu D. có dịp cười cợt!

Tuồng như xưa nay AQ chưa hề bao giờ chán chường như hôm nay. Cho đến cả cái đuôi sam quấn vòng quanh trên đầu, hôm nay y cũng cho là vô vị, đáng khinh bỉ hết sức! Y muốn đem mà buông xuống cho bõ ghét, nhưng rồi cũng thôi, không buông xuống. Y đi rong mãi đến khuya, uống chịu hai bát rượu. Thế rồi tinh thần lại phấn khởi hẳn lên, và y lại mơ tưởng đến những chiếc mũ bạch, áo giáp bạch...

Một hôm, AQ theo lệ thường đi rong mãi đến khuya, lúc các quán rượu sắp đóng cửa, mới trở về đền Thổ Cốc.

Đúng! đúng!

Bỗng có mấy tiếng ầm rất lạ tai, giống tiếng pháo mà không ra tiếng pháo! Vốn tính thích ồn ào và thích xem nhảm, AQ mò ra xem. Đằng trước mặt như có tiếng chân người bước tới. Y lắng tai nghe. Bỗng có người chạy từ đằng kia chạy lại. Chợt trông thấy, AQ cũng theo bóng người ấy chạy nốt. Người ấy chạy quanh, y cũng quành theo. Người ấy đứng dừng lại, y cũng đứng dừng lại. Nhìn lại phía sau chẳng có gì. Té ra bóng người chạy đó chỉ là cu D. Y phát bẳn:

- Cái gì thế?

- Hừ ... nhà cụ Trí ... Triệu mất cướp!

Cu D. vừa trả lời vừa thở hồng hộc.

Quả tim AQ cũng thoi thóp, dồn ngược. Nói xong, cu D. lại chạy. AQ cũng chạy theo, và còn đứng dừng lại mấy lần nữa. Dù sao thì AQ cũng đã làm qua nghề ấy, cho nên y gan dạ lắm. Y nép vào một góc đường nghe ngóng, tựa hồ như có tiếng kêu gào, và nhìn kỹ thì tựa hồ như có vô số người đội mũ bạch, mặc áo giáp bạch, tấp nập khiêng những rương hòm, đồ đạc, chuyển từ trong nhà chuyển ra. Cái giường Hồng-kông của mợ Tú hình như cũng chuyển ra đấy rồi! Nhưng không thấy rõ cho lắm. AQ còn muốn lại gần, nhưng chân vẫn không nhúc nhích.

Đêm ấy không có trăng. Trong bóng tối dày đặc, cảnh làng Mùi vẫn lặng lẽ, lặng lẽ như những ngày thịnh trị đời Hy Hoàng. AQ đứng nhìn, nhìn đến phát chán mà vẫn thấy chúng nó ra ra vào vào, khiêng hoài, khiêng mãi. Hết khiêng rương lại khiêng đồ vật, hết khiêng đồ vật lại khiêng cái giường Hồng-kông của mợ Tú ... Chúng nó khiêng đến nỗi làm cho AQ không tin cả con mắt y nữa. Nhưng y không định lại gần, y trở về đền Thổ Cốc.

Đền Thổ Cốc cũng tối đen như mực. Y khép chặt cửa ngoài, đi lò mò vào nhà, ngả người xuống giường một hồi rất lâu. Lúc đó tâm thần y mới ổn định và y mới bắt đầu suy nghĩ về y. Rõ ràng bọn đội mũ bạch, áo giáp bạch đến rồi, thế mà chúng nó không thèm gọi mình một tiếng! Chúng nó khiêng bấy nhiêu đồ tốt thế mà cũng chả có phần mình. Thôi! Đây lại chỉ là tại cái thằng Tây giả khả ố kia, nó không cho mình "làm giặc"! Nếu không, lẽ nào lần này lại không có phần mình? AQ càng nghĩ càng tức điên ruột lên. Y sẽ gật đầu nói một cách độc địa:

- Không cho tớ làm giặc à! Chỉ có một mình mày làm giặc thôi à! Mẹ cái thằng Tây giả này! Được! Mày làm giặc! ... Làm giặc là tội chết chém. Tớ sẽ viết ngay một lá đơn phát giác để người ta bắt cổ mày, đem về huyện chặt đầu, tru di cả nhà cho mà xem ... S ... Sật! ... S ...Sật!