Ba Đường Luân Hồi

Chương 4



Sáng hôm sau, Tông Hàng cầm lịch sắp xếp thực tập tuần đầu tiên.

Long Tống suy tính rất chu đáo: “Cậu không thể chơi không ở đây mãi được, rồi cũng sẽ đến ngày phải trở về. Đến lúc ấy ba cậu hỏi về khách sạn mà cái gì cậu cũng không biết thì cậu không may, tôi cũng xui xẻo.”

Y sắp xếp thực tập rất khoa học và hợp lý, ăn nghỉ chơi học đều đâu ra đấy.

Tuần đầu tiên.

Buổi sáng thực tập tại bộ phận lễ tân, không cần làm việc, chỉ cần quan sát xem nhân viên đón tiếp khách thế nào, sắp xếp phòng ra sao, biết được công việc có những gì, có tính toán trong lòng là được.

Buổi chiều đi tham quan Angkor Wat. Ở đây có nhiều thắng cảnh, đền Bayon, đền Beng Mealea, Banteay Srei gì đó, tuy nói mỗi nơi một vẻ, nhưng kẻ không có chuyên môn nhìn thì toàn thấy kiến trúc bằng đá, đi xem hết một lượt sẽ dễ khiến khiếu thẩm mĩ bị mệt nhọc quá độ nên mới phải chậm rãi, chia ra mỗi ngày ngắm một chỗ.

Buổi tối đến khu chợ cũ, đó cũng là một cái wat, Ăn-chơi Wat (*), quán bar, chợ đêm, quán ăn, gì cũng có. Lựa những nhà hàng quán bar được liệt kê trong cuốn cẩm nang du lịch “Lonely planet” trước đã, mỗi ngày thể nghiệm một quán, cố gắng đừng bỏ sót, đánh phá từng nơi.

Cầm lịch thực tập mà Tông Hàng cảm khái vô vàn. Hắn cảm thấy con mắt nhìn người của Tông Tất Thắng vẫn còn tốt chán, Long Tống đúng là một nhân tài.

(*) Trong tiếng Trung, Angkor Wat được phiên âm là 吴哥窟 (Ngô Ca Quật), trong đó chữ 窟 (Quật) có nghĩa là động/ổ. Ở đây Vĩ Ngư đã chơi chữ với chữ này, ý rằng ngoài động Ngô Ca thì khu chợ cũ cũng là một cái động, động ăn chơi đốt tiền; nhưng kỳ thật “wat” trong tiếng Khmer có nghĩa là “đền/chốn thờ cúng” nha bà con, mình hơm phải dân Tàu, hơm có phiên âm nên sang Cam chơi đừng lôi chữ “wat” của người ta ra chơi chữ đùa giỡn kiểu này nha, cẩn thận bị dân bản địa úp sọt hội đồng đấy, toi dịch nên toi phải làm sao cho sát nghĩa xuôi tai nhất vậy hoy:v

***

Việc thực tập buổi sáng trôi qua vừa khẩn trương vừa phong phú.

Biết được thân phận đặc thù của Tông Hàng, mọi người đều khách sáo với hắn. Khách sạn chủ yếu nhắm vào đối tượng khách hàng người Trung Quốc nên có yêu cầu về ngoại ngữ đối với nhân viên. Rất nhiều nhân viên quầy lễ tân cũng đang tự học tiếng Trung. Họ thường xuyên nhờ Tông Hàng chỉ cho từ này đọc thế nào, đánh vần ra sao. Tông Hàng lần đầu trải nghiệm cảm giác được cần đến và coi trọng. Hắn dương dương đắc ý, vui vẻ làm giáo viên cho người ta, cảm thấy thực tập thế này thêm chục năm nữa cũng không chán.

Long Tống nắm bắt thời cơ, chụp ảnh Tông Hàng được quần chúng vây quanh rồi gửi cho Tông Tất Thắng, còn viết ghi chú ảnh: Tông Hàng dạy nhân viên học tiếng Trung.

Nhận được ảnh, Tông Tất Thắng cực kỳ vui mừng nói với Đồng Hồng: “Thằng ranh này cuối cùng cũng còn có chút tác dụng. Dẫu chuyến này nó ra ngoài không học được gì thì giúp nhân viên của tôi nâng cao trình độ tiếng Trung cũng tốt.”

Sau bữa trưa, A Phạ chạy xe tuk tuk tới trước cửa khách sạn đợi chở Tông Hàng đi thăm Angkor Wat.

Vừa ngẩng đầu, cậu ta liền bắt gặp Tông Hàng đang bước ra khỏi vòng vây của mấy nhân viên phục vụ nữ.

Chẳng phải đi đâu xa xôi mà cũng chẳng phải là không biết đường, cần gì phải đưa tiễn long trọng vậy chứ.

Cậu ta “hừ” mũi một tiếng, nhìn hai chai bia tươi và cua hấp trong cái túi đang xách trên tay: Đây là của cô gái quầy lễ tân ban nãy vừa mang tới, thay mặt mọi người nhờ cậu hỏi thăm xem Tông Hàng có bạn gái chưa?

A Phạ hờ hững: “Các chị không biết tự đi mà hỏi à?”

Cô gái đáp: “Mới ngày đầu tiên thôi mà, còn chưa thân quen.”

Sớm đã đoán Tông Hàng sẽ được chào đón rồi: Người nước ngoài này, trắng trẻo đẹp trai này, cao to này, tốt tính này, không vênh váo này, còn là cậu chủ này.

***

Tông Hàng lên xe, rất chi là bệ vệ nằm ườn ra.

Xe tuk tuk của Xiêm Rệp có điểm khác biệt so với xe điện ba bánh ở trong nước. Phần thân xe điện ba bánh thì gắn liền, còn xe tuk tuk nơi này thì có thể tháo rời. Nói một cách đơn giản nó là xe mô tô kéo theo đằng sau một thùng xe có bánh. Khi nào muốn chạy mô tô thì vặn ốc vít chỗ mối nối ra là có thể gọn nhẹ phóng như chớp giật.

Trong thành phố xe cộ đông đúc, xe tuk tuk không phóng nhanh được, vừa vặn có thể ngắm cảnh đường phố: Ở đây lắm Tây ba lô thật đấy, họ cũng giống Tông Hàng, đều đang ngả nghiêng trên xe tuk tuk đến Angkor Wat hoặc từ Angkor Wat trở về.

A Phạ lái xe rất vững: “Cậu chủ, nhiều người bảo tôi hỏi thăm cậu đã có bạn gái chưa…”

Ánh mắt Tông Hàng trộm liếc qua tay mình.

Xe tăng tốc, gió chiều êm dịu đưa tới nửa câu sau của A Phạ: “Hẳn là có nhỉ! Cậu đẹp trai thế này cơ mà… Đến như tôi cũng từng hẹn hò với ba cô rồi cơ mà.”

Tông Hàng bảo: “Tôi…hẹn hò cũng không nhiều lắm, năm người!”

Đây không chỉ là cuộc đọ sức giữa đàn ông mà còn là cuộc thi giữa các quốc gia: Đúng vậy, con người ta khi đã ở nước ngoài thì mọi sự đều phải gắn kết với danh dự quốc gia.

A Phạ ngưỡng mộ lắm. Thật ra, đến một cô bạn gái, cậu ta cũng từng chưa có.

***

Vào Angkor Wat, đầu tiên là phải mua vé, Tông Hàng mua vé bảy ngày, ra vào nhiều lần còn phải chụp một bức ảnh thẻ nữa.

Lấy vé xong thì chạy đến Angkor bé nhỏ nổi tiếng nhất trước tiên. Theo thông lệ thuê xe ở đây, thường thì du khách sẽ tự vào trong ngắm cảnh, tài xế thì chờ bên ngoài.

Kỳ thực, Tông Hàng chẳng có hứng thú với cảnh quan lịch sử văn hóa gì mấy, ngắm trong nước thì còn có thể hiểu được tí bối cảnh chứ xem ở nước ngoài thế này thì hoàn toàn bối rối.

Đi hết con đường thần linh đã mệt muốn đứt hơi rồi. Bóng của năm tòa tháp sen trên mặt hồ nghe nói là hình ảnh phản chiếu đẹp nhất trên đời, nhưng hai ngày nay hồ nước vẩn đục, bóng ảnh cũng chẳng thể đẹp nổi. Trên bức tường hành lang bao quanh dài cả trăm mét vẽ những bức bích họa đồ sộ tuyệt đẹp, nhưng hắn xem không hiểu. Trái lại thì kiểu tàn tích đổ nát của những khối đá khổng lồ tràn ngập cảm giác thăng trầm này rất thích hợp để chụp ảnh, nhưng đó lại không phải sở thích của hắn.

Đi tới núi Meru, trông thấy một hàng dài các du khách đang vươn tay trèo lên đàn cúng chữ vàng, dốc núi thẳng đứng, ngẩng đầu lên nhìn mà hoa cả mắt.

Tông Hàng túm lấy một ông chú người Đài Loan vừa mới đi xuống, hỏi thăm xem trèo lên đó có gì xem, ông chú đáp: “Thì xem phong cảnh chứ gì nữa!”

Có quái gì đẹp mà xem, chẳng phải chỉ toàn đá thôi sao. Tông Hàng phủi mông bỏ đi.

Xem giờ, vào còn chưa được nửa tiếng. Bình thường tới thăm “Angkor bé nhỏ” ít nhất cũng phải mất hai tiếng, cứ thế đi ra thì không cho thắng cảnh nhà người ta thể diện lắm, với lại cũng thật có lỗi với giá vé.

Tông Hàng tìm cho mình một cái cớ.

Sau khi ra ngoài tìm được A Phạ, Tông Hàng bảo: “Kiến trúc nổi tiếng như vậy, tôi cảm thấy cứ đi vào dạo chơi không thế này thì đáng tiếc quá. Tôi muốn quay về đọc mấy mấy cuốn lịch sử cổ đại của Campuchia trước đã, hiểu thấu đáo rồi lại đến.”

Hắn nghĩ cái cớ này đúng là tuyệt vời, còn tỏ được vẻ bản thân mình rất có chiều sâu văn hóa.

A Phạ nói với hắn: “Cậu chủ, cậu khỏi phí công, chúng tôi không có lịch sử đâu.”

Tông Hàng liếc xéo cậu ta: “Bản thân cậu không học hành tử tế, môn lịch sử bết bát chứ gì? Lại còn không biết xấu hổ lấp liếm nước nhà không có lịch sử.”

A Phạ rất nghiêm túc mà rằng: “Cậu chủ à, cậu thật sự không biết đấy thôi. Chúng tôi không giống các cậu, các cậu phát minh ra giấy từ rất sớm. Những thứ của tổ tiên các cậu, đến chuyện ăn cơm, đi vệ sinh của người xưa như thế nào cũng đều có ghi chép cả. Nhưng chữ của chúng tôi lại viết trên lá chuối. Nơi đây khí hậu nóng bức, chẳng dễ bảo tồn, lại thêm côn trùng cắn phá nên lịch sự bị gặm sạch cả rồi.”

Còn có chuyện lịch sử bị gặm sạch này à, quả thật chưa từng nghe thấy. Song, A Phạ nói trông rất thật, không giống như đang bịa đặt. Tông Hàng móc di động ra: “Cậu đừng có lừa tôi! Giờ đã có Internet, tra gì mà chẳng ra.”

A Phạ hất cằm một cái, dáng vẻ rất “Ông cứ tra đi”.

Tìm kiếm một hồi, vậy mà lại là thật. Chỉ biết đại khái đất nước Campuchia được thành lập vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, ban đầu tên là Phù Nam, về sau gọi là Chân Lạp. Nhưng thật sự không có những ghi chép lịch sử chi tiết. Cuốn sách cổ được viết sớm nhất có thể tham khảo cũng là do người Trung Quốc viết – Khi đó Trung Quốc thuộc triều Nguyên, hoàng đế đại khái là muốn nuốt trọn Chân Lạp nên đã cử một người tên Chu Đạt Quan tới khảo sát. Chu Đạt Quan ở đây hơn một năm, viết nên cuốn “Chân Lạp phong thổ ký” còn chưa đến một vạn chữ nhưng lại trở thành “tài liệu quý giá” và “ghi chép duy nhất” về lịch sử của Chân Lạp.

Xung quanh tiếng người không dứt, Tông Hàng cầm di động, lần đầu tiên cảm thấy tạo ra giấy viết thật sự là một phát minh quá mức vĩ đại. Bệnh hay quên của con người nặng vậy, chỉ dựa vào truyền miệng thì có thể truyền lại bao nhiêu thông tin đây? Lịch sử Trung Quốc phải đến năm ngàn năm, trong suốt khoảng thời gian đó, nhiều chuyện xảy ra như vậy, nếu không có giấy viết ghi lại thì hậu nhân biết hỏi đâu cho biết.

Ngẫm lại, xã hội loài người cũng thật mong manh, có bao nhiêu năm được văn tự ghi lại đâu chứ, không ghi chẳng lẽ lại là chưa từng xảy ra?

A Phạ huơ huơ tới trước mặt Tông Hàng: “Ê, ê, cậu chủ ơi! Cậu không đi dạo nữa à? Vậy chúng ta đi đâu giờ?”

Về ngay khách sạn cũng không ổn, khó ăn khó nói với Long Tống lắm, còn muốn tới quán bar chợ đêm thì lại chưa đến giờ.

Hai người Tông Hàng và A Phạ bèn giải quyết luôn bia tươi và cua hấp, rồi một trái một phải ngủ gật trên xe. Tông Hàng còn nằm mơ thấy mình lái xe tuk tuk phóng vèo vèo cả một đường, “Angkor bé nhỏ” đuổi theo sau, vừa đuổi vừa gào khóc: “Anh thật không có lương tâm! Anh nhìn em đi! Nhìn em chút đi mà!”

Đúng là đang mơ cũng bị chọc cười tỉnh cả ngủ.

***

Buổi tối mới được coi là phương thức đích thực mở ra cuộc sống hạnh phúc.

Tông Hàng cảm thấy mỗi ngày Xiêm Rệp đều tiến hành “cuộc di dân về quê ăn Tết” quy mô lớn: Ban ngày, khách du lịch đủ mọi quốc gia từ những khách sạn muôn màu muôn vẻ đổ xô tới Angkor Wat, buổi tối lại như chim non về tổ tề tựu cả ở khu chợ đêm.

Nhiều người là tốt, nhiều người mới náo nhiệt. Các nền văn hóa và mức độ tiêu dùng của du khách mang tới những yêu cầu vô cùng kỳ quặc, sản sinh ra đủ kiểu cung cấp, đâu đâu cũng thấy cảnh ăn chơi trụy lạc, đâu đâu cũng mới mẻ, đâu đâu cũng khác lạ. Mỗi ngõ phố đều anh mua tôi bán chật như nêm, sức nóng chỗ nào cũng bắn tung đốm lửa ra khắp phía, khiến lòng người ngứa ngáy, không thể kiềm nổi muốn mặc sức vui vẻ, buông xõa một phen.

Bản thân A Phạ cũng chưa từng dạo hết nơi này, nên chỉ có thể nói sơ qua với Tông Hàng: Đồng tiền của Campuchia là riel, nhưng Xiêm Riệp là thành phố du lịch quốc tế nên đô la Mỹ được dùng rất phổ biến; kia là phố quán bar mà dân Tây thích nhất, mấy em Tây sau khi “Dzô!” xong sẽ kéo ông đi múa cột; phố bên này chuyên dành cho ăn uống, nhất định phải nếm thử món amok với côn trùng xào lá húng quế…

Cậu ta còn trịnh trọng nhờ hắn một việc: Gặp được thành viên tàn tật của ban nhạc địa lôi thì tốt nhất là nên cho họ một, hai đô la tiền boa.

Chiến tranh trước đây đã chôn vùi hàng triệu quả địa lôi xuống Campuchia, đến nay cũng vẫn chưa dọn sạch được. Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đã thống kê, ở đây trung bình cứ năm phút lại có một người chết hoặc bị thương bởi bom mìn. Người bị thương tật quá nhiều, nhưng vẫn phải ăn cơm nên chính phủ Campuchia đã tổ chức cho họ học âm nhạc, thành lập các ban nhạc kiếm miếng ăn.

Tông Hàng vội gật đầu.

Thoạt tiên hắn còn bám sát theo A Phạ, về sau gan to dần lên: Dù sao cũng chẳng lạc được, có Google Map trong tay, có lạc cũng chỉ cần dò tí là xong. Nhìn đâu cũng thấy tài xế tuk tuk, nói tên khách sạn Angkor ra ai mà chẳng biết chứ, đưa về chỉ mất có hai đô, vớ đại cũng được một ông khách Trung Quốc, cảm giác có khác gì quê nhà đâu…

Cõi lòng nhẹ nhõm nên chẳng mấy chốc, hắn và A Phạ đã tách khỏi nhau.

A Phạ nhắn Wechat tìm hắn, hắn trả lời: Ai tự dạo đường người nấy đi, lát gặp ở Nhà Bếp Khmer.

Nhà Bếp Khmer là quán ăn địa phương rất nổi tiếng trên mạng, vị trí bắt mắt, đoán chừng A Phạ cũng cảm thấy không có vấn đề gì to tát, sẽ không tìm hắn nữa.

Tông Hàng tiêu một đô mua một cốc hoa quả dầm. Hắn chậm rãi thả bước không mục đích, vừa nhâm nhi đồ uống, vừa đi loanh quanh ngó nghiêng: tiệm massage Thái cũng ngó, chợ cóc cũng lượn qua, đứng bên ngoài quán bar xem người ta múa thoát y, còn bỏ hai đô vào thùng quyên góp của ban nhạc địa lôi.

Khu vực chợ đêm ngõ phố ngang dọc nhưng có chính có phụ. Không phải ngõ nào cũng đông vui, đôi khi không chú ý một cái là sẽ ngoặt vào ngõ tối thưa người. Tông Hàng đi mãi đi mãi, rồi cũng nhận ra mình đang đi vào chỗ khuất, nhưng chẳng muốn quay lại lối cũ nên nhìn quanh một lượt, có ánh đèn tỏa ra ở một ngã rẽ đằng cuối, hiển nhiên lại là một chỗ có hi vọng là náo nhiệt.

Hắn hớn hở đi về phía ngã rẽ.

Mới đi được nửa đường thì một cánh cửa bên cạnh đột ngột mở ra, ánh đèn sáng choang tràn xuống những bậc thềm, theo đó, một người đàn ông lăn lông lốc từ trên bậc xuống.

Tông Hàng đang định ngó vào xem thì ánh đèn lại khuất mất. Hai bóng người dũng mãnh một trước một sau từ trong cửa đi ra, nói tiếng Khmer, tuy không hiểu nhưng giọng điệu này có thể nghe ra là đang chửi bới.

Chưa ăn thịt heo cũng từng thấy heo chạy, chắc chắn là đụng phải hiện trường đánh lộn rồi. Từ bé, Đồng Hồng đã truyền thụ cho hắn: Nhất định không được hóng hớt náo nhiệt, dẫn náo nhiệt vào thân thì phiền lắm.

Tông Hàng rụt cổ, chuẩn bị không nhìn không nghe, nhanh chóng vòng qua.

Đúng lúc ấy, người đàn ông lăn xuống từ bậc thềm xoa xoa cái gáy, rên hừ hừ ngẩng đầu lên.

Chết tiệt, người quen, chính là ông già họ Mã từng gặp ở sân bay, họ MA, tên DUOC PHI…

Khi bốn mắt nhìn nhau, ánh mắt có lẽ đã toát ra chút nội dung nên vẻ mặt hai gã người Campuchia kia hiện lên vẻ nghi ngờ.

Đáng lý ra thì đồng bào nên giúp đỡ lẫn nhau, song Tông Hàng lại chẳng phải chiến binh sói, không có năng lực chém giết bốn phương, hơn nữa, con gái vượt biên trái phép, kẻ làm cha cũng chưa chắc đã là dân lành, bị đánh thì cũng chịu thôi…

Tông Hàng nặn ra nụ cười thân thiện và nhiệt tình với hai gã đàn ông kia, đôi chân tăng tốc gần như chạy bước nhỏ.

Gã người Cam đứng trước bước xuống một bậc, dõi mắt nhìn theo Tông Hàng, tuy trong lòng vẫn hơi lừng khừng, nhưng người qua đường mà…

Thông thường đều sẽ không làm khó người qua đường.

Chính vào lúc này, ông già họ Mã bỗng nhào về phía gã.

Ông ta dùng hết sức bình sinh, ôm thật chặt lấy chân gã đó, quay đầu hét toáng về hướng Tông Hàng rời đi: “Con trai! Chạy mau! Mau đi báo cảnh sát đi con!”