Dịch Táp tóm lấy lưng quần Đinh Ngọc Điệp, thành công ngăn cản hắn đi tiếp, sau đó hỏi Tông Hàng: “Vì sao?”
Hiếm khi có cơ hội giải thích nghi hoặc cho Dịch Táp, tuy cả người đều ướt đẫm nước bùn nhưng tinh thần Tông Hàng vẫn tăng vọt, bẻ từng ngón tay ra liệt kê.
Thứ nhất, khu thắng cảnh có truyền thuyết, trước đây Hoàng Hà không đi qua chỗ này, là Đại Vũ dẫn tới, dẫn bằng cách nào? Lấy búa bổ ra Hồ Khẩu nghe quá khoa trướng, nhất định là dẫn dắt rất nhiều dân lao động, tùy theo địa thế mà đào đường mở kênh.
Thứ hai, lao động ắt sẽ mệt mỏi, mệt mỏi thì phải thư giãn, lúc dân lao động nghỉ ngơi đã gửi gắm tình cảm vào vẽ vời, dùng phương thức biểu đạt nghệ thuật để kỷ niệm công trình vĩ đại này – nhìn bức tranh này mà xem, rõ ràng là miêu tả công trình trị thủy.
Thứ ba, một trong hai người đứng trên đài đất, đầu đội nón lá đi mưa, tay cầm bồ cào, rất phù hợp với hình tượng Đại Vũ. Hắn nhớ bất kể là phim hoạt hình hay truyện tranh khi còn bé từng xem, Đại Vũ đều có tạo hình như vậy.
Dịch Táp hỏi hắn: “Đại Vũ xây lối đi này để làm gì? Còn nữa, trên đài đất còn một người khác, là ai?”
Vì sao Đại Vũ xây lối đi thì Tông Hàng không biết, nhưng với người còn lại này thì hắn quả thật có chút ý tưởng: “Có khi nào là tổ sư gia của các cô không, ông tổ họ Đinh?”
Có thể, nhưng bích họa về Đại Vũ trong ấn tượng có rất nhiều, có cái vẽ ông cao cao tại thượng, cũng có cái vẽ ông chỉ dạy cho người khác trị thủy như thế nào, còn có cái vẽ ông dẫn một đám người anh dũng xông lên phía trước – có người đứng bên cạnh cũng là bình thường, nhưng miễn cưỡng nói là ông tổ họ Đinh thì hình như hơi gượng ép quá rồi.
Thông tin có thể nhìn ra từ bức tranh này quá ít, cái quan trọng hơn chắc còn ở phía sau. Dịch Táp buông Đinh Ngọc Điệp ra: “Đi thôi.”
Đinh Ngọc Điệp đã giậm chân tại chỗ cả nửa ngày, rốt cuộc cũng được buông ra, thân mình hơi lảo đảo, tiếp tục cứng ngắc đi về phía trước.
Tông Hàng muốn lấy máy ảnh ra chụp, thoáng lưỡng lự, hay là cứ đi trước đã: cuộn phim trong máy tối đa có thể chụp ba mươi tấm, không thể lãng phí được.
Lối đi này rất dài, trên trần lối đi cứ cách một đoạn lại có một cái “đèn”, chất liệu có vẻ là tức nhưỡng, thân “đèn” mỗi cái một kiểu, đều là những cái đầu hình thù kỳ quái, có cá, cũng có rùa, ba ba, thuồng luồng, còn có vài cái giống như đầu của một đứa trẻ dị dạng, Dịch Táp hoài nghi đó chính là “trùng đồng” trong truyền thuyết, vốn sống ở vùng thượng du Hoàng Hà, dân gian còn gọi là “khỉ nước”.
Xem ra những cái “đèn” trên này đều là hình ảnh những sinh vật sống trong Hoàng Hà, hoặc là từng sống nhưng hiện giờ đã tuyệt chủng. Ánh sáng của tức nhưỡng vốn dao động bất định, có ánh sáng chiếu rọi, từng khuông mặt đều rất sống động, không để ý sẽ có ảo giác như những cái đầu này đang “cử động”.
Dọc đường cứ cách một đoạn là có thể nhìn thấy nham họa, có lúc là người, có lúc là động vật, có khi lại là mặt trời biến hình, nói chung đều cùng một phong cách nguyên thủy mộc mạc, nhìn nhiều lại thấy hơi mệt với mỹ học. Tông Hàng dần không yên lòng, lại sợ lối đi này quá dài, đang định kiến nghị Dịch Táp đi nhanh hơn, Dịch Táp bỗng “ơ” một tiếng, khựng lại, cũng không biết là trông thấy cái gì hiếm có, cũng quên luôn không giữ Đinh Ngọc Điệp lại.
Tông Hàng vọt lên hai bước, túm lấy cổ áo Đinh Ngọc Điệp rồi quay đầu lại nhìn Dịch Táp: “Sao vậy?”
Dịch Táp cứng người mấy giây rồi mới giơ tay lên, chỉ về một chỗ chếch lên bên trái lối đi.
Tông Hàng nhìn theo, cái đập vào mắt khiến hắn thoạt đầu thì buồn cười, rồi lại cười không nổi, trong đầu ngơ ngác, một luồng khí lạnh từ đáy lòng bốc lên.
Mẹ ơi, hình vẽ này…không phải là máy tính đấy chứ?
Hẳn là vậy, một cái màn hình vuông vắn, còn có đế, hai bên màn hình mọc ra hai cái tay, đang bắt lại một người, trông như muốn nhét vào mồm, đầu người kia đã vào trong màn hình, chỉ còn lại từ cổ trở xuống là ở bên ngoài.
Bức vẽ này nếu là trông thấy ở bất kỳ một chỗ nào khác, Tông Hàng đều sẽ cảm thấy không có gì đặc biệt: chỉ như tranh châm biếm mà thôi, cố gắng khuyên nhủ người trẻ đừng chìm đắm vào internet, ý tưởng này lỗi thời lâu rồi.
Nhưng xuất hiện ở đây thì quả thực không thể tưởng tượng nổi, phong cách khác hoàn toàn những bức vẽ chung quanh khác thì đã đành, lại còn vẽ một cái…máy tính?
Tông Hàng không cam lòng, đưa tay lên sờ sờ: đây không phải là khắc mà là vẽ, không biết dùng vật liệu nguyên thủy gì nữa, có khả năng là hỗn hợp mỡ động vật, tổng thể có màu đỏ sẫm.
Dịch Táp nhỏ giọng lẩm bẩm: “Bò rừng Altamira.”
Cái gì? Danh từ này khó đọc quá, Tông Hàng không nhắc lại được đầy đủ: “Bò rừng An gì cơ?”
Dịch Táp giải thích: “Là một di chỉ hang động của người viễn cổ do một người Tây Ban Nha phát hiện ra, có niên đại hơn mười ngàn năm, trong hang động vẽ rất nhiều bò rừng, màu sắc vừa tươi tắn vừa táo bạo, phối cảnh chuẩn xác, hình dáng vô cùng sinh động, so với những hình vẽ cùng thời kỳ, thậm chí là với thủ pháp hội họa của người nguyên thủy sau đó mấy ngàn năm cũng hoàn toàn khác biệt, phong cách vô cùng hiện đại. Thế nên lúc người Tây Ban Nha kia công bố những hình vẽ này với công chúng, không ai tin anh ta, cảm thấy là một trò đùa. Tới nay vẫn có người cho rằng hình vẽ đó căn bản không phải do người viễn cổ vẽ mà là do người khác vẽ lên.”
Bản thân ba họ đã là một sự tồn tại quái dị và siêu nhiên nên vẫn luôn rất quan tâm đến những bí ẩn chưa lời giải đáp cổ kim nội ngoại khác, không dám xưng là tinh thông nhưng chỉ cần nhắc tới thì về cơ bản đều có thể nói được khác quát.
Tông Hàng nhìn chằm chằm bức vẽ kia, ngẩn ra.
Hắn chưa từng thấy hình vẽ bò rừng Tây Ban Nha gì gì kia, nhưng bức vẽ trước mắt này thì hắn khẳng định không phải do người nguyên thủy vẽ.
Có lẽ là người ngoài hành tinh vẽ, hoặc là…
Tông Hàng bật thốt: “Dịch Táp, có khi nào lão tổ tông ba họ các cô thực ra là từ tương lai…xuyên không về không?”
Càng nghĩ càng thấy giống.
——Tổ sư gia ba họ nghe thì như có khả năng tiên tri dự đoán tương lai nhưng nếu những lời như “Không phải lông vũ mà bay, Không có mặt lại có mặt hay chăng” đối với họ không phải tương lai mà là quá khứ thì sao?
——Họ có bản lĩnh, lại không vào triều, không làm quan, có khi nào là do họ hiểu rõ lịch sử, biết từng lần thay đổi triều đại và sự tàn khốc của nó, nay làm tướng mai làm tù binh, lên tới chức vụ cao còn chẳng bằng ẩn nấp trong dân gian, dựa vào tay nghề kiếm ăn bí truyền mà bền vững dài lâu.
——Khoa học kỹ thuật hiện thời đã rất lợi hại, có thể sử dụng tế bào sinh dưỡng nhân bản ra dê bò mèo chó, còn suýt nhân bản ra được người, trước đây còn từng thấy tin tức, hình như phẫu thuật đổi đầu cũng có khả năng thực thi rồi, tương lai thì sao, e rằng khởi tử hoàn sinh căn bản cũng chẳng phải việc gì khó, nhất là đối với những người chết ngoài ý muốn, chỉ cần rót vào thi thể mới chết không lâu chút tế bào có khả năng chữa trị cực mạnh là được, “chúng nó” mà Đinh Bàn Lĩnh nói e rằng chính là những tế bào chữa trị như vậy.
——Cả tức nhưỡng nữa, có thể nó là một loại vật chất năng lượng nào đó, như máy tính vậy, có thể thực hiện thao tác theo trình tự đã cài đặt trước, tỷ như làm sạch ứ đọng dưới Lão Gia Miếu, tiếp đón, thu thập xác chết, tống người đi lầm, không làm đúng quy định trình tự vào động ngao sò “báo hỏng”, mà sau khi hắn nổ mạch máu, đám ngao sò không tấn công nữa, có phải là do coi hắn thành người sống lại trong tổ tức nhưỡng không?
Dịch Táp nói chuyện gì cũng gán cho người ngoài hành tinh được, kỳ thực cùng một đạo lý ấy, gán lên người tương lai cũng hợp lý: giống như Khương Xạ Hộ cuối triều Minh không thể tưởng tượng được thế nào là máy bay, video, thanh toán điện tử thì người hiện đại cũng không tưởng tượng được tương lai có bộ dáng như thế nào.
Da đầu Tông Hàng căng lên, cảm thấy mình như đã khám phá ra một bí mật to lớn khó lường nào đó.
Hắn giơ máy ảnh lên, chụp lại bức vẽ này.
Lúc đi tiếp, Tông Hàng trở nên đặc biệt quan tâm tới những hình vẽ hai bên vách đá này, rất sợ bỏ sót cái gì quan trọng. Quả nhiên, không bao lâu sau, lại phát hiện ra một bức khác. Nội dung bức này không bạo lực như bức trước, nhưng càng xem càng khiến lòng người phát lạnh: đó là một người đưa lưng về phía máy tính, không biết đang bận làm gì, dáng vẻ cái máy tính sau lưng trông hơi dữ tợn, nhếch miệng nhoẻn cười.
Người trong hai bức vẽ này đều có vẻ rất không thích máy tính: mấy cái máy tính cái trước thì ăn thịt người cái sau thì cười khẩy, như thành tinh vậy.
Tông Hàng chụp cả bức này lại, một lần nữa nhấn mạnh kết luận của mình với Dịch Táp: “Xuyên không, nhất định là xuyên không.”
Hắn đột nhiên cảm thấy rất vững dạ: Xem ra mình không phải thứ gì quái dị mà là kết quả của khoa học kỹ thuật tương lai, một người hiện đại như hắn đó giờ chỉ là đang hưởng thụ nền khoa học kỹ thuật tương lai chưa được hoàn mỹ lắm mà thôi.
Dịch Táp trầm ngâm.
Cô cảm thấy bằng chứng này quá yếu ớt, chỉ bằng hai bức vẽ mà đã có thể xác định được tính chất của cả sự kiện?
“Tổ sư gia là người tương lai xuyên không về”, cách nói này đúng là có thể giải thích được một số việc, nhưng bản thân chuyện xuyên không này cũng có quá nhiều nghịch lý, hơn nữa, quan trọng hơn là…
Dịch Táp nói: “Từ xuyên không này tôi hiểu, nhưng nhiều nhất cũng chỉ xuyên về vài chục năm, sửa chữa lại chút sai lầm năm xưa thôi chứ. Còn như xuyên một cái xuyên thẳng về thời thượng cổ, sau đó tốn công tốn sức xếp đặt ma nước, canh vàng, luân hồi gì đó thì thật… Cậu xuyên luôn tới năm nay không phải còn tốt hơn sao?”
Lời này đánh đúng vào trọng điểm, Tông Hàng chưa từ bỏ ý định, vẫn tiếp tục ấp úng: “Có khi nào, lúc họ xuyên không xảy ra trục trắc, đặt đồng hồ xuyên không bị quá tay, lỡ làng một cái trở về thời Đại Vũ trị thủy, lúc này mới tính việc lâu dài?”
Dịch Táp dở khóc dở cười.
Còn “đồng hồ xuyên không” nữa chứ, thật không nhìn ra Tông Hàng lại biết sáng tạo từ ngữ đến thế. Hơn nữa, “tính việc lâu dài” này không khỏi tính quá dài rồi.
Cô có một cảm giác xác thực đang từ từ lộ ra, nhưng trước sau vẫn còn thiếu chút gì đó.
***
Đoạn đường kế tiếp không xuất hiện thêm bức vẽ kỳ quái nào khác.
Cuối lối đi là một bức tường.
Trên mặt tường cũng giống với trần lối đi, chằng chịt phủ kín các loại đầu của những sinh vật dưới nước, nhưng không cố định bất động: lúc nhô lên lúc lặn xuống, vị trí lộn xộn, như một mặt nước dựng đứng có đủ loại thú nước hung dữ đang tranh nhau thò đầu ra vậy.
Đinh Ngọc Điệp chậm rãi giơ tay phải lên.
Thủ pháp của hắn hoàn toàn khiến người ta không nhìn ra quy tắc: Lúc thì vỗ, một chưởng vỗ cho đầu cá nheo lặn vào tường; lúc thì kéo, túm lấy sừng thuồng luồng, kéo cho thân thuồng luồng dài ra hơn nửa mét – chiều dài này hẳn là có lưu ý, tăng giảm một phân cũng không đúng yêu cầu; khi thì xoay, năm ngón tay bấm lên đầu trùng đồng, xoay ngược chiều kim ba cái rồi lại xoay sang phải hai cái.
Giống như lúc Khương Tuấn “đẩy nước” vậy, là một mật mã phức tạp, trực tiếp được xuất ra từ bài vị ông tổ, Đinh Ngọc Điệp chỉ tiếp nhận như con rối, sau đó nghe theo.
Tông Hàng xem mà tròn mắt, không quên giơ máy ảnh lên chụp một tấm.
Cũng không biết thao tác lặp đi lặp lại bao nhiêu lần, bức tường bỗng mở vào trong như cửa ra vào hai cánh.
Trước mắt xuất hiện một không gian rộng lớn, dù quy mô không thể so với hang canh vàng dưới đáy hồ Bà Dương nhưng là rất lớn rồi, nhưng bên trong không bánh tổ, cũng không có thi thể.
Ngược lại, trống trải đến dị thường.
Toàn bộ không gian có dạng hình trụ, sát đáy có rất nhiều cánh cửa, giống như cánh cửa trước mắt, đều là mở ra, dọc theo mép các cánh cửa đều là những lối đi dài hướng khắp bốn phương tám hướng.
Mà ở trung tâm đáy là một cái đài hình tròn có mười bậc, càng lên càng cao, trên bậc thứ nhất bày rậm rạp những chiếc đầu lâu hai mắt hướng ra ngoài.
Trong đầu Dịch Táp lóe lên ánh chớp, gấp gáp quay đầu nhìn lại về lối đi lúc tới, lại nhìn cái đài này: “Đàn tế? Đàn tế Mặt Trời?”
Cô giải thích cho Tông Hàng: “Trung Quốc thời thượng cổ có tập tục sùng bái Mặt Trời, cậu xem, trong thần thoại của chúng ta có Khoa Phụ đuổi theo Mặt Trời, có Hậu Nghệ bắn rơi Mặt Trời, có Hi Hòa Vọng Thư, Đại Vũ sống trong hệ thống văn hóa ấy nên thời Đại Vũ cũng tôn Mặt Trời làm thần mà sùng bái.”
“Cậu nói không sao, toàn bộ công trình này e rằng là do Đại Vũ dẫn đầu xây dựng, cái động trung tâm này có hình trụ, đài cao lại có hình nón cụt, lối đi chúng ta vừa vào thật ra là một tia tỏa, đầu này có nhiều lối đi như vậy, chính là vô số những tia tỏa. Cậu hợp tất cả các đường nét lại xem, có giống một mặt trời đang tỏa ra những tia sáng không?”
Dẫn Hoàng Hà vào Long Tào, ở thời thượng cổ, là một công trình khổng lồ, với tính khí của người cổ, tất phải lập đàn cầu thần. Nếu Đại Vũ muốn dẫn nước qua đây thì nhất định đã khảo sát địa thế từ trước, trùng hợp làm sao lại phát hiện ra một động vòm thế này, có thể sửa lại thành đàn tế: một là để cúng tế, hai là để sau khi dẫn nước thành công, đàn tế chôn sâu dưới nước, rất có cảm giác “trấn” được con rồng vàng này.
Nhưng hiện giờ, những gì tai nghe mắt thấy vẫn chưa đủ để chứng minh ông tổ họ Đinh đã cùng Đại Vũ mở đàn tế này: hoàn toàn có thể có đàn tế trước rồi sau đó, lúc ông tổ họ Đinh đi tìm động vòm thích hợp đã phát hiện ra nơi này, sử dụng tức nhưỡng tiến hành củng cố và cải tạo – dù sao nơi này cũng chôn dưới nước, mấy ngàn năm cát vàng trầm tích, lòng sông nâng lên, hơn nữa bên trên còn là thác nước dòng xiết, tổng thể có thể nói là một hệ thống phòng thủ kiên cố, hệ số an toàn so với Lão Gia Miếu chỉ có cao hơn chứ không có thấp hơn.
Chỉ có điều, chỉ có một đàn tế thế này… Đến cả một thi thể để chiết cành cũng không có, làm bến đò luân hồi thế nào được đây?