Ba Trăm Năm Không Gặp Thượng Tiên

Chương 57:



Mười hai tiểu đồng tử vừa nghe hai chữ “làm khách” thì mắt sáng rỡ lên —

Làm khách thì được nha!

Làm khách tức là không muốn đuổi tụi nó đi rồi á!

So với hành vi của vị đại nhân nào đó, đàn nhóc con này xem chừng còn… sống động hơn người sống. Thậm chí không thua gì con hát thành tinh.

Vừa thấy chúng nó âm u như mây đen mịt mùng mà loáng cái đã lập tức cười toe toét đến cong cả đôi mắt.

Tiêu Phục Huyên vừa không để ý một chút, mười hai tiểu đồng tử này liền mất tăm không một tiếng động.

Khi giương mắt lên lần nữa thì thấy bọn chúng xếp thành hai hàng trước hai bên cửa Toạ Xuân Phong, mỗi bên đứng sáu đứa rất mực nghiêm trang, chúng vừa chắp tai vừa cất giọng non nớt, “Bẩm đại nhân, xin mời —”

Tiêu Phục Huyên: “…”

Ô Hành Tuyết lẳng lặng nghiêng mặt đi, thấy dường như mình táy máy hơi lố tay rồi.

Còn hai nhóc tiểu đồng tử nhà chàng trợn mắt còn to hơn, một hồi lâu sau mới ngẩng mặt lên nói, “Thưa đại nhân, đây là —”

Chúng nó còn chưa dứt lời, ngón tay Ô Hành Tuyết đặt sau lưng đã di chuyển.

Hai nhóc con kia đang tính nói “đây là ‘hoạt bát, ưa diễn’ theo lời ngài đấy ạ?”, nhưng lời ra khỏi miệng đã bị biến thành “đây là đồng tử nhà Thiên Túc đại nhân đấy ạ? Ồ!”

Tiểu đồng tử: “…”

Hai đứa cúi đầu sờ sờ miệng, thấy cái cửa này bị ma ám rồi.

Ô Hành Tuyết liếc cái đỉnh đầu của hai nhóc, nhủ thầm trong bụng hai đứa này cái gì không biết chứ khoản bán đứng chủ nhân thì số dách.

Mà còn thích bán đứng trước mặt đúng một người…

Hai đứa bây đổi người khác không được hả?

May mà Tiêu Phục Huyên cũng mải đặt sự chú ý trên thân mười hai nhóc đồng tử đang đứng xếp hàng trước cửa rồi nên dường như không hề nhận ra sự náo động bên này.

Ô Hành Tuyết cảm thấy an tâm hơn.

Mười hai tiểu đồng tử chắp tay hành lễ cả buổi mà không thấy chủ nhân nhà mình nhúc nhích, bèn nhao nhao ngóc đầu lên và hô, “Thưa đại nhân?”

Ai ngờ vừa ngóc đầu lên đã thấy gương mặt chết lặng của đại nhân nhà mình.

Tiểu đồng tử lẳng lặng cúi gằm mặt xuống, tặng cho Thiên Túc hai mái đầu sáng láng.

Ô Hành Tuyết hoàn toàn quên mất mình chính là đầu sỏ phạm tội, mải mê nhìn cuộc vui mà cười tít cả mắt.

Chàng nói với Tiêu Phục Huyên, “Nếu còn không vào cửa thì bọn chúng lại diễn thêm một tuồng nữa bây giờ.”

Vừa dứt lời, chàng đã thấy một làn gió phất qua trước mũi, chớp mắt liền thấy Tiêu Phục Huyên đứng bên trong sân Toạ Xuân Phong.

Ô Hành Tuyết mỉm cười đóng cửa và sải bước vào trong.

Tiêu Phục Huyên bước bên cạnh người chàng, thả lỏng một bên vai.

Chỉ cách vài bước chân thế thôi mà Ô Hành Tuyết đã cảm nhận rành rành lời người trên Tiên Đô thường nói — dù Thiên Túc thượng tiên có im lặng vẫn tạo ra cảm giác tồn tại rõ rệt lạ thường.

Trước cửa nhà có treo một tấm mành sương thật dài, hai tiểu đồng tử đã nhuần nhuyễn công việc, tức tốc chạy đến vén mành sương sang hai bên.

Ngờ đâu giữa khi vị khách nhân vén rèm bước qua thì bỗng dừng bước, đứng gần kề chàng và quay đầu sang, hé miệng hỏi, “Những tiểu đồng tử sau lưng ta là bút tích của Linh Vương?”

Giọng người nọ thật thấp, dù đang hỏi chuyện nhưng lại trầm trầm hạ thấp điệu, không hề mang dáng dấp của lời thắc mắc mà giống với một câu trần thuật hơn.

Linh Vương phủ nhận ngay, “Không phải.”

Tiêu Phục Huyên nhướng mày.

Linh Vương lại nói, “Ta dây vào đồng tử của ngài làm gì.”

Tiêu Phục Huyên không cử động, chỉ nhìn chàng một lúc lâu mới gật đầu.

“À, thế à,” chất giọng trầm thấp vang lên, còn người đã bước vào bên trong.

Không biết cớ gì mà Ô Hành Tuyết cứ thấy ba chữ này sao mà có ẩn ý sâu xa. Thế nhưng nhìn qua, gương mặt Thiên Túc vẫn thờ ơ không tỏ rõ cảm xúc, chẳng có vẻ như y định làm gì cả.

Hẳn là chàng cả nghĩ rồi.

Rủi thay chẳng bao lâu sau, chàng đã phải âm thầm nuốt ngược những lời này trở lại.

Không phải chàng cả nghĩ, chính xác là chàng nghĩ chưa thông…

Thiên Túc thượng tiên nào có ghé qua làm khách, y đến đây chơi chàng một vố thì có…

Chàng sai tiểu đồng tử dâng rượu lên và rót một chung đầy cho Tiêu Phục Huyên. Người nọ nâng ly vô cùng khẳng khái, dốc một lần cạn chung. Tiếp đó mới cất giọng lành lạnh với tiểu đồng tử đứng bên cạnh, “Rượu ngon, đến tạ đi.”

Ô Hành Tuyết đang cầm chung rượu, còn chưa kịp hiểu “đến tạ đi” là sao thì mười hai tiểu đồng tử kia đã ngoan ngoãn chủ động đứng xếp thành một hàng thẳng tắp, rầm rập bước tới trước mặt chàng…

Tiểu đồng tử đứng đầu hàng cúi người thật sâu, chắp tay lạy chàng một lạy, nếu bổ sung thêm ba nén nhang thì không khác gì hành động “vái ông bà” trong từ đường dưới nhân gian.

Ô Hành Tuyết: “?”

Tiểu đồng tử lạy xong xuôi mới nói, “Cảm tạ Linh Vương đã khoản đãi!”

Cảm tạ xong, nó cong đít lên chạy.

Tiểu đồng tử đứng sau lưng nó bước lên trước, lạy tạ lễ với tác phong kiểu mẫu xong lại tiếp lời, “Cảm tạ Linh Vương đã khoản đãi!”

Kính tạ xong lại đổi sang đứa thứ ba.

Tiếp nữa là đứa thứ tư, thứ năm…

Một đợt cảm tạ liên tục mười hai lần.

Linh Vương còn chưa uống được nửa hớp rượu mà nhìn thôi đã ngà ngà say.

Nhưng hoá ra đó chỉ mới là khởi đầu.

Thiên Túc thượng tiên Tiêu Phục Huyên quả thật là một người kiệm lời, số câu nói tính ra không nhiều, rõ ràng là một vị khách lịch lãm và trầm tĩnh. Thế nhưng nhờ phước mười hai đứa đồng tử này mà Toạ Xuân Phong không có một giây bình yên.

Mười hai đứa đồng tử sợ Thiên Túc đại nhân không cần chúng nó nữa nên tích cực vận động cả một đêm. Ban đầu ra lệnh mới tuân lời, về sau thì không cần ra lệnh cũng tự hiểu ngầm —

Cụng ly với Linh Vương là phải cụng một lượt mười hai lần.

Rót rượu cho Linh Vương là phải có mười hai bầu rượu kính cẩn chờ sẵn, vừa cạn một ly là rót đầy ly khác, vừa uống hết lại rót đầy tiếp một ly.

Ngọc tử mới mới ủ dưới hầm rượu hơi nồng, uống vào nóng lây cả người, ngay lập tức bên cạnh chàng xuất hiện mười hai cây quạt phiến.



Đến hai tiểu đồng tử nhà Ô Hành Tuyết cũng không có cửa can thiệp. Lúc đầu, chúng còn cố chen chân vào giữa với ý đồ muốn cản sức công phá. Nhưng song quyền đấu không lại bốn tay, đằng này có đến tận hai bốn tay cùng lúc. Cuối cùng, hai nhóc tì cũng đành chào thua, chỉ đành ngoan ngoãn đút tay vào ống tay áo và nép mình sang một bên nâng hộ rượu nhấc hộ quạt.

Ô Hành Tuyết vừa ngoảnh đầu sang đã thấy cái dáng vẻ cầm quạt phiến phẩy phần phật của hai đứa nó, tức đến mức cười gằn.

Một nụ cười này ném bay sạch lễ nghi đãi khách gì gì.

Chàng đặt chung bạch ngọc lên mặt bàn rồi lên giọng, “Tiêu Miễn!”

Thuở đó, trên Tiên Đô gọi người nọ đều kính xưng hai chữ “Thiên Túc”, bởi đấy là tôn hào danh dự. Khi nói chuyện trực tiếp còn phải đặt thêm phụ tố “đại nhân” chứ không một ai gọi thẳng họ Tiêu của y cả.

Đã vậy còn gọi với ngữ khí thế kia.

Trong hoàn cảnh bình thường, hành vi như vầy ắt đã bị liệt vào hàng “thất lễ”. Linh Vương ra đời từ thần mộc, được trời sinh trời dưỡng, có gọi tuỳ gọi đại thế nào cũng không mấy bận tâm. Nhưng Thiên Túc thì khác…

Trong lời người ta, Thiên Túc lạnh lùng và đanh thép, không thân thiện với mọi người, đoán chừng không thích bị “thất lễ”.

Nhưng người nọ nghe hai chữ “Tiêu Miễn” xong vẫn ngẩng đầu uống cạn chung rượu. Trái cổ lung lay theo động tác nuốt xuống, bấy giờ y mới dời mắt nhìn sang Ô Hành Tuyết và cất giọng trầm thấp, “Ừm.”

Ngọc tử rất dễ làm người tuý luý, vậy mà người nọ đã uống khá nhiều nhưng ánh mắt vẫn sáng ngời như tinh tú giữa đêm đông quạnh quẽ.

“Linh Vương tức,” y nói.

Tiểu đồng tử vừa nghe rằng Linh Vương tức lên rồi, liền lập tức biến sắc, quay mặt ngước nhìn Ô Hành Tuyết. Không ai phẩy quạt nữa mà cả đám cứng đờ tại chỗ. Chẳng mấy lâu sau, ánh mắt tròn xoe đen láy như quả nho rơm rớm nước rồi tràn ra hai dòng nước mắt.

Ô Hành Tuyết: “…”

Mười hai tiểu đồng tử vây quanh người chàng, đứa nắm đứa kéo vạt áo choàng mạnh nhau bù lu bù loa, chàng nôn nóng không biết làm sao liền nhắm mắt lại…

Sau đó, quơ móng một phát nắm lấy Thiên Túc.

Thiên Túc thượng tiên vừa hoàn thành công việc dưới nhân gian, vận một thân trang phục tối màu thêu viền vàng khói trên cổ tay áo bó. Ngón tay thon dài của Linh Vương đang đặt bên trên càng tôn thêm sự khẳng khiu trắng trẻo. Thật khó lòng nhìn ra đây là đôi tay siết chặt lưỡi kiếm đặng chém giết chẳng mảy may lưu tình.

Tiêu Phục Huyên rủ hờ ánh mắt xuống những ngón tay chàng, hồi lâu sau mới nâng mắt trở lên.

Ô Hành Tuyết mỉm cười đầy tao nhã, tiếp đến đột ngột rút tay về với nét mặt thẫn thờ. “Ngươi đừng làm khách nữa. Mau dắt tiểu đồng tử trở về Nam Song Hạ đi.”

Khi đó, khuôn mặt Linh Vương đã hoàn toàn thay đổi, nhìn vào như phản chiếu lại gương mặt khóc lóc inh ỏi của đám nhóc đồng tử.

Tiêu Phục Huyên lia mắt sang bọn họ rồi quay mặt đi.

Đôi mắt y khẽ rung, để rất lâu về sau, Ô Hành Tuyết vẫn mãi khắc ghi khung cảnh ấy, và luôn ngỡ rằng đó là nét cười hiếm hoi chợt thoáng qua.

Cũng vì thế mà giây lát đó, chàng ngẩn người đôi chút, rồi chợt mở miệng hỏi, “Vì sao hôm đó ngươi nhận ra ta?”

Tiêu Phục Huyên vừa toan đứng dậy lấy kiếm thì nghe được, cánh tay duỗi ra giữa chừng chợt ngưng lại, y ngoái đầu nhìn Ô Hành Tuyết. “Hôm nào?”

Ô Hành Tuyết: “Còn hôm nào nữa.”

Lúc này Tiêu Phục Huyên mới nhận ra. “Trên thềm ngọc?”

Ô Hành Tuyết gật đầu. “Đúng vậy.”

Tiêu Phục Huyên thấp giọng trả lời, “Trên Tiên Đô có bao nhiêu Linh Vương, sao lại không nhận ra.”

Câu này nghe vào thì không sai, tuy nhiên…

Đúng là Tiên Đô chỉ có một Linh Vương, nhưng bọn họ đã đụng mặt nhau bao giờ đâu. Cho dù y có nghe chúng tiên kể về “Linh Vương” đến mức nào đi nữa, thậm chí có tả y đúc cũng đâu thể nào vừa nhìn đã nhận ra được.

Nếu gặp tận mặt, thì ắt vẫn phải tìm những điểm đặc trưng mới nhận ra được.

Nhớ lại lời tiểu đồng tử ngày hôm ấy, chàng thắc mắc, “Hôm đó ta không đeo mặt nạ, không mang bội kiếm, trên cổ cũng không có danh tự được ban, thế thì làm sao ngươi —”

Ba chữ “nhận ra được” còn chưa nói xong, tiếng leng keng chợt vang lên trong phòng.

Ô Hành Tuyết dừng lời, ngước mắt nhìn nơi phát ra tiếng động thì thấy thanh trường kiếm tựa bên thành trường kỷ vì đâu đó mà chợt rung lên và rơi xuống đất.

Chàng giơ tay từ xa, thanh linh kiếm vạch một nét cung thanh thoát và rơi vào tay chàng.

Kiếm tiên có linh nên có khả năng cảm ứng với người và vật, việc chúng bất chợt dịch chuyển cũng không có gì lạ thường. Huống hồ thanh kiếm này mang tinh chất bạch ngọc xưa kia được tạo thành từ máu của Tiêu Phục Huyên.

Còn Tiêu Phục Huyên đang đứng cách đó một bước và hỏi, “Kiếm làm sao thế?”

Ô Hành Tuyết khẽ “À” lên, hạ mắt nhìn thanh kiếm trong tay rồi xoay nó một vòng và nói, “Không sao cả, nó khá là… linh.”

Người dùng kiếm vô cùng nhạy cảm với sự thay đổi của kiếm, chỉ cần lướt nhìn có thể chỉ rõ ưu khuyết điểm. Mà đây còn là thanh kiếm của Linh Vương.

Tiêu Phục Huyên nói, “Thanh kiếm của ngươi không phải làm từ thiết.”

“Thiên Túc có đôi mắt thật tinh tường, thanh kiếm này quả đúng không đúc từ thiết,” Ô Hành Tuyết nhỏ nhẹ nói. “Nó được làm từ… tinh chất bạch ngọc.”

“Tinh chất bạch ngọc?”

“Đúng thế, dưới nhân gian có một nơi tên là Lạc Hoa Đài, không biết ngươi đã từng nghe qua chưa?” Ô Hành Tuyết nói. “Ở nơi ấy có tinh chất bạch ngọc.”

Khi nhắc đến Lạc Hoa Đài, chàng ngước mắt nhìn qua nét mặt Tiêu Phục Huyên.

Biểu cảm Thiên Túc không mảy may thay đổi mà vẫn tĩnh lặng như thường lệ, chừng như chỉ đang nghe đến một nơi hoàn toàn xa lạ.

Quả vậy…

Không còn nhớ rõ.

Ô Hành Tuyết tự ngẫm trong lòng.

Đoạn chàng thu tầm mắt về, bất giác cảm thấy không cần thiết thốt lên lời vừa bồng bột muốn hỏi nữa.

Nhưng lạ thay, trước đây có lẽ chàng sẽ cảm thấy mất mát đôi phần. Mà giờ phút này, dường như đã có Tiêu Phục Huyên đứng ngay trước mặt chàng, nói “đến làm khách” và bước vào Toạ Xuân Phong. Những mất mát kia cũng bởi vậy mà tan biến vào thinh không.

Chàng đang đưa tay ra sau lưng cầm kiếm và nháy mắt ra hiệu với hai tiểu đồng tử kêu tiễn khách, thì chợt nghe được Thiên Túc nói, “Ta từng thấy ngươi dưới nhân gian.”

Cánh tay đặt sau lưng Ô Hành Tuyết chợt căng siết, chàng giương mắt nhìn lên.

Một lát sau, chàng mới nhận ra Tiêu Phục Huyên đã nghe thấy và đang trả lời câu hỏi bồng bột không cần thiết thốt lên lời ban nãy.

– Ngươi làm sao nhận ra được?

– Ta từng thấy ngươi dưới nhân gian.

***

“Nơi nào dưới nhân gian?” Ô Hành Tuyết hỏi.

Đôi mắt dài của Tiêu Phục Huyên thoáng nheo lại như đang thất thần, sau đấy mới đáp, “Rất lâu về trước, ở Kinh Quan.”

Ngón tay Ô Hành Tuyết khẽ khàng thả lỏng.

Câu trả lời này không ngoài dự kiến, nhưng cũng ngoài dự kiến.

Không gặp ở “thần mộc trên Lạc Hoa Đài” là không ngoài dự kiến.

Còn gặp ở “Kinh Quan” lại ngoài dự kiến.

Kinh Quan là tên gọi về sau, cách gọi này ra đời muộn hơn Lạc Hoa Đài, nhưng sớm hơn Tiên Đô bấy giờ khoảng vài thập kỷ.

Nơi đó không phải một toà thành, một ngọn núi, hay một châu một đảo gì. Kinh Quan trước đây là một dải đất hoang không gì đặc sắc, nằm ở ranh giới của vùng đất sau này trở thành Mộng Đô.

Sở dĩ dải đất hoang không gì đặc sắc kia để lại ấn tượng và có một cái tên là vì nơi đây từng có những cuộc chiến tranh triền miên kéo dài tận mấy trăm năm. 

Những cuộc chiến tranh đó đã đưa đến cái chết của cơ man là người từ thế hệ này sang thế hệ khác, thậm chí chừng như còn dằng dẵng hơn cuộc sống của một người bình thường.

Theo hệ luỵ của chiến tranh, xác người chất chồng như núi, mẩu vụn tứ chi đứt lìa ngổn ngang, máu bùn trộn lẫn. Sau khi khói lửa phai tàn, người ta không cách nào phân rõ ai là ai được nữa, thêm cả đa phần người sống ở những năm tháng ấy đều tan cửa nát nhà, không ai đến nhặt xác.

Bởi vậy mà những xác chết nọ được chuyển dời đến một vùng đất hoang vu ít người qua lại, người ta lấp đất với cát và đá để lập nên một ngôi mộ tập thể khổng lồ.

Mỗi ngôi mộ trong đấy đều chứa xác của hàng trăm ngàn người vong mạng.

Sau thời gian dài, vùng đất hoang vu kia trở thành khoảnh đất chuyên chất chứa thi thể vô danh, nó được đặt cho cái tên là Kinh Quan.

Có lẽ đấy là nấm mồ tụ tập số lượng đông đảo người đã từ giã cõi đời nhất, chỉ cần ai có dụng tâm sẽ dễ dàng biến nó thành một cơn lốc hung sát tột độ.

Muôn sự thế gian đều mang tính tương đối — nếu đã tồn tại một ngôi mộ như vậy, ắt hẳn nên có người giữ mộ cho nó.

Người có thể bảo vệ cho cái chốn như kia, chí ít cũng phải có bản lĩnh đôi chút. Nghe đâu người đã định cư xây phủ nơi ấy là một vị tán tu không nhà không phái.

Vì những người thân thương có kết nối với anh ta trên thế gian đều đã từ trần và chôn thây giữa Kinh Quan, thế nên anh ta đã ở lại đó và trở thành người giữ mộ Kinh Quan. 

Người tán tu đó xây một căn tháp cao tại ranh giới Kinh Quan và sống bên trong căn tháp ấy.

Trên đỉnh tháp có treo một chiếc chuông cổ.

Mỗi đêm, người tán tu đó sẽ rảo một vòng khắp Kinh Quan, nếu không có gì xảy ra thì anh ta sẽ tự mình bước l3n đỉnh tháp và rung chiếc chuông kia.

Có một thời, tất cả những người sống quanh vùng lân cận đều nghe thấy tiếng chuông ấy —

Tiếng chuông vang lên đại biểu đêm ấy vạn sự bình yên.

Về sau, người tán tu đó nhận nuôi một vài đứa trẻ vô gia cư, những đứa trẻ có thể sống trong tháp cao ở Kinh Quan đều có một vài nét đặc trưng…

Bọn chúng sinh ra với mệnh cách cực hung cực sát, nhờ vậy mà tương hợp với đặc tính hung sát của Kinh Quan nên đỡ bị chết yểu hơn.

Thế nhưng sinh hoạt lâu ngày ở một nơi như vậy vẫn gây bất lợi ít nhiều cho người sống. Thế nên người tán tu đã dạy cho lũ trẻ một số thuật pháp để sống còn.

Người ấy vừa là một người cha, vừa là một người thầy.

Câu chuyện thế ấy đáng ra nên trở thành một truyền thuyết hoặc một giai thoại được lưu truyền nhiều đời ở nhân gian.

Tiếc tay, sự đời không may mắn đến vậy.

Người tán tu sống một thời gian dài, chịu ảnh hưởng từ cái nơi hung sát tột độ mà không hay biết. Đến một lần, anh ta hơi bất cẩn trong lúc luyện công nên đã va vấp vào khí hung thần nơi đấy và tẩu hoả nhập ma.

Để rồi sau đó, người tán tu hoàn toàn thay đổi, anh ta bắt đầu có những suy nghĩ vô cùng rùng rợn. H@m muốn máu thịt, h@m muốn thịnh vượng, từ từ nảy lòng căm ghét thân thể phàm trần đang già đi theo năm tháng.

Dù vậy, anh ta không hề thể hiện ra bên ngoài.

Thêm vào đó, anh ta vẫn tiếp tục bảo vệ nơi ấy bình yên, những người quen biết anh ta không bao giờ sinh lòng hoài nghi anh ta có khả năng làm chuyện gì đó trái với lẽ thường.

Không một ai hay biết, những đứa trẻ được anh ta nhận nuôi và dạy dỗ đã dần trở thành tế phẩm trong toà tháp cao của anh.

Máu, thịt, da, xương…

Một khi đã bước lên con đường tà đạo, hết thảy những thứ ấy đều trở thành khao khát mong mỏi của anh ta. Để không bị người ta phát hiện, anh ta giết những đứa trẻ kia vô cùng cẩn trọng đến mức gần như âm thầm lặng lẽ —

Đầu tiên là đứa gần gũi với anh ta nhất, vì nó không đề phòng anh ta nên dễ xuống tay nhất.

Anh ta chọn lựa từ đứa có sức kháng cự yếu nhất và khả năng gây náo động thấp nhất để tránh tiêu hao sức lực.



Và anh ta tận hưởng chúng thật chậm rãi, chuyên chú bồi bổ bản thân vô cùng tỉ mỉ.

Hệ quả là người sống trong tháp cao càng lúc càng ít, và xác chết biết đi mỗi lúc một nhiều. Vậy nhưng mãi vẫn không ai phát hiện ra.

Sau đó, người tán tu càng lúc càng lún sâu hơn, thứ anh ta khao khát cũng càng lúc càng đa dạng hơn, và biện pháp chầm chậm tỉ mẩn đã không còn phù hợp để sử dụng nữa.

Số người sống sót ít ỏi còn lại không đủ để chặn lại sự thay đổi của anh ta — anh ta tiếp tục già đi, thối rữa, ngày ngày đều có thể ngửi được thứ mùi héo hon và tàn lụi trên cơ thể.

Anh ta chừa lại ba tên đệ tử khó xử lý nhất để làm đường lui. Tiếp đó mày mò những phương thức mới. Anh ta không thể kiểm soát những xác chết biết đi kia mà cũng không kiểm soát nổi những đệ tử còn sống.

Nếu có việc cần xử lý mà anh ta không thể xuất hiện thì để bọn nó đi thay — nếu cần người chết thì dùng lũ xác sống, nếu cần người sống thì dùng ba tên đệ tử kia.



Cứ thế nhiều năm trôi qua.

Người tán tu tìm thấy một thuật pháp âm tà giúp mở ra một “con đường” bằng hàng ngàn vạn xác người đã lìa đời ở Kinh Quan, nhờ đó mà thu vén được một cành gãy của thần mộc lúc bị phong ấn.

Theo lẽ thường, rất khó để giấu cành gãy của thần mộc trong phố xá nhân gian, nhưng Kinh Quan là ngoại lệ…

Nơi đây chất chứa hằng hà những nấm mồ khổng lồ, chôn cất vô vàn người đã khuất, nghi ngút thi khí sát khí ám ngợp không trung. Nơi hung tà tột độ này dễ dàng che đi linh khí của cành thần mộc.

Nhờ vậy mà tán tu đã bước lên con đường mà rất nhiều người không cách nào cưỡng lại được.

Anh ta cùng dùng cành gãy của thần mộc để quay ngược về trước không biết bao bận —

Trở về thời điểm anh ta xuống tay giết đứa nhỏ đầu tiên và đuổi toàn bộ những đứa mình đã nhận nuôi. Anh ta nhẫn nhịn chịu đựng tà tâm nhiều năm cho đến ngày nó bộc phát, khiến anh ta phát khùng đến mất kiểm soát và tàn sát sạch sẽ những thành trấn lân cận, một bước không cách nào vãn hồi…

Rồi anh ta lại quay về thời điểm trước lúc tẩu hoả nhập ma với ý định tự phong bế bản thân, khổ nỗi nảy lòng lưu luyến tu vi mình dày công bấy lâu và cảm giác sung sướng và thoả mãn khi có thể muốn làm gì tuỳ thích.

Rồi anh ta quay về thời điểm sớm hơn cả khi đó, muốn né tránh Kinh Quan, muốn tìm một căn phủ khác. Thế nhưng anh ta không cam lòng khi nhìn thấy vong hồn phá rối ở Kinh Quan, cuối cùng lại quay về đường cũ.

Con người ta thật phức tạp lắm.

Tán tu kia cứ quay ngược lại rất nhiều lần, nhiều đến mức chính bản thân anh ta cũng không biết tột cùng mình là thiện hay ác, không phân rõ vì sao mình từng hành thiện nhiều như vậy mà sao sau đó lại gây ra biết bao tội ác?

Vì sao sau này giết người ăn thịt không chớp mắt mà khi trở lại quá khứ, nhìn thấy vong hồn hoành hành lại không kiềm nổi lòng mà ra tay giúp đỡ?

Cứ lặp đi lặp lại mãi như thế đã khiến anh ta tê liệt.

Mấy chục năm cuộc đời không ngừng diễn đến diễn đi, làm cách này không được anh ta lại thử cách khác. Bởi thế mà đôi khi anh ta sinh lòng hoài nghi rằng chính bản thân mình mới là người đã khuất duy nhất không chốn nương thân, bị mắc kẹt trong thế cục có giới hạn mấy thập kỷ đó.

Về sau nữa, anh ta thậm chí đã quên mất duyên cớ mình không ngừng trở về quá khứ, tất thảy chỉ còn duy một chấp niệm “muốn trở về”.



Đó là thiên chiếu rối rắm nhất mà Linh Vương từng tiếp nhận.

Vì người tán tu nọ đã quanh đi quẩn lại quá nhiều lần, chỉ riêng một mối là anh ta mà đã sinh ra hàng mấy chục ngã rẽ khác nhau.

Ô Hành Tuyết hãy còn nhớ như in…

Vào thời điểm bắt đầu mỗi dòng rẽ, chàng đều đích thân bước tới Kinh Quan, đứng bên dưới toà tháp cao trong bóng mờ không ánh sáng và ngửa đầu nhìn chiếc chuông treo trên đỉnh tháp.

Chàng luôn duỗi tay khép mặt nạ vân bạc để che kín mặt mày, kế đến vuốt chuôi kiếm và cất bước vào màn sương xám lạnh.

Xuyên qua sương mù lạnh giá là khi chàng đặt chân đến một dòng rẽ.

Nhìn người tán tu bước trên con đường đã vạch sẵn ấy, chàng chờ thời điểm nhân quả chuyển dời đặng tuốt kiếm và trảm sạch sẽ.

Mỗi lần cắt đứt một dòng rẽ, chàng lại phải cẩn trọng rà soát một lần để lau dọn một số sai lầm nhỏ không đáng kể và đảm bảo mọi thứ đều ổn thoả rồi mới chuyển sang một dòng rẽ khác.

Đảm bảo mọi thứ đều ổn thoả ở đây ngụ ý chàng phải chứng kiến tất cả những chuyện trọng yếu xảy ra…

Đó là một chuỗi gập ghềnh những chém giết, lau dọn, rà soát trong các dòng thời gian rối loạn.

Mỗi một lần, chàng đều nhìn người tán tu nọ cầm đèn đuổi linh, lặng lẽ rảo một vòng vùng mộ hoang rộng lớn rồi bước l3n đỉnh tháp và rung chiếc chuông cổ.

Nhìn anh ta giúp người, cứu người, sau lại hại người, giết người.

Nhìn anh ta đi từ thiện đến chí ác.

Rồi chàng phải hết lần này đến lần khác đảm bảo những đứa trẻ được nhận nuôi kia lần lượt rơi vào miệng cọp, từng đứa từng đứa một lìa đời và biến thành xác sống mặc người thao túng.

Đôi khi chàng sẽ đứng bên cạnh thi thể chúng thật lâu, nhưng khó lòng mà nói khi ấy tâm tình chàng ra sao.

Đôi tay cầm kiếm vẫn vững vàng muôn thuở, dáng người cao dỏng nghiêm trang chưa một lần thay đổi. Trên mặt chàng đeo mặt nạ, và không một ai biết biểu cảm của người bên dưới mặt nạ kia.

Chàng chỉ đứng yên như thế một lúc lâu rồi mới vẩy bùn hoặc máu trên thân kiếm, đoạn xoay người và biến mất vào màn sương mù dày đặc.

Sau nữa, chàng đã nhìn cuộc đời người tán tu cơ man lần, nhìn những đứa trẻ lìa đời không kể xiết, nhìn những đồi xác người chẳng đếm xuể, và chính tay chàng đã nắn chúng về lại như cũ.

Vì vậy mà một thoáng chốc nào đó, chàng cảm thấy thật kinh tởm.

Cũng không biết cái cảm giác kinh tởm bất giác tuôn trào ấy bắt nguồn từ đâu và hướng về người nào, liệu đó là sự kinh tởm những người hành sự không màng hậu quả, hay liệu đó còn bao gồm cả người giắt kiếm thờ ơ đứng nhìn như một kẻ ngoài cuộc.

Sau khi dọn sạch những dòng thời gian rối loạn, chàng quay về khí hậu bình thường nơi nhân gian bình thường. Vừa hay khi đó đúng dịp tháng ba, chàng bèn đánh một chuyến đến Lạc Hoa Đài.

Phố núi Lạc Hoa vừa mở, ánh đèn dầu thắp dài mười hai dặm, sắc đỏ nhuộm sáng cả một vùng núi đồi.

Chàng bước đi trong vô định, chỉ muốn đưa mình vào biển người xôn xao, muốn nhìn ngắm những gánh hàng rong nhộn nhịp và phố thị ngập tràn khói sương lam. Chàng tựa mình vào cột cửa nhà trọ và lắng nghe vị tiên sinh giảng sách phun phèo phèo như ngựa, nghe mấy vở đậm đà tiếng trống chiêng ồn ã, và trêu chọc em bé nhí bằng xâu tò he đường với hình dạng đáng yêu.

Đó là đợt chàng lưu lại nhân gian lâu nhất.

Tuy nhiên, chàng phải bước qua rất nhiều nhánh thời gian rối loạn chứ không ở trong dòng thời gian hiện thế, nên trong mắt mọi người, Linh Vương chỉ rời khỏi Tiên Đô vỏn vẹn hai ngày, và cả hai ngày đó đều ở Lạc Hoa Đài.

Không một ai biết chàng đã trải qua quãng thời gian đó ra sao, đã làm những gì, và cũng không một ai biết vì sao chàng yêu mến khu chợ sôi động kia đến vậy.

Tiêu Phục Huyên là người đầu tiên, và duy nhất, nói rằng đã từng nhìn thấy chàng ở Kinh Quan.