Sau khi nghe câu hỏi của y xong, gương mặt vốn đã nhuốm hơi lạnh vì hành động mạo phạm của y, nay tiếp tục hạ nhiệt độ ngay tức khắc.
Đúng là trở mặt thật rồi.
Lúc đầu không phản ứng kịp vì đột nhiên bị tập kích, chưa chuẩn bị sẵn sàng, không hiểu ý tứ của Thẩm Độc, nhưng ngay lúc y hỏi câu “nam sắc thì sao”, hắn sao có thể không hiểu?
Nhưng rốt cuộc hắn vẫn là người xuất gia.
Mặc dù không thích hành động của Thẩm Độc, nhưng tâm địa hắn từ bi, nên không thể làm gì được y. Quả thực đứng không được, ngồi không xong.
Mùi đàn hương trắng phả vào mặt, chớp mắt đã đi xa, lẫn vào không khí lạnh lẽo, chậm rãi ngưng tụ thành luồng khí trong trẻo luẩn quẩn trong lòng người.
Trái tim Thẩm Độc loạn nhịp rồi.
Dù lừa trọc tính tình ôn hòa, nhưng lúc làm việc vẫn có nguyên tắc và giới hạn. Lúc thật sự xảy ra chuyện, không hề do dự thiếu quyết đoán, mà xử lý rất gọn gàng nhanh chóng.
Giống như lúc này đây.
Quay người đi chính là quay người đi, không hề ngoảnh đầu nhìn lại.
Nói đúng hơn là, hơn mười ngày ở trong nhà trúc, mỗi lần hòa thượng rời đi, y đều đứng sau lưng nhìn theo, nhưng chưa từng thấy hắn ngoảnh mặt nhìn lại một lần nào.
“Hôn một cái thôi mà? Làm cứ như bị ta đè không bằng…”
Trong miệng lầm rầm mấy lời bậy bạ, Thẩm Độc ngồi một mình tại chỗ, ánh đèn hắt lên người y tạo thành một cái bóng ngả trên mặt đất. Nhìn ra màn đêm đen ngòm tăm tối, lông mày y từ từ xoắn lại, cảm thấy thực nan giải.
Cháo và thuốc đặt trên bàn.
Đã nguội từ lâu rồi.
Y suy tư nửa ngày, cuối cùng tạm thời đặt tất cả ý nghĩ trong đầu qua một bên, đứng dậy đi tới bên bàn, uống cạn chén thuốc, sau đó mới bắt đầu húp cháo.
Uống xong y quay người trở về giường nằm.
Bức hoa lan được y treo thẳng trên đầu giường, mắt nhìn chằm chằm cứ như muốn đục hai cái lỗ trên người con bươm bướm, một lúc sau cơn buồn ngủ từ từ kéo đến, chậm rãi chìm vào mộng đẹp.
Mấy ngày tiếp theo, y và hòa thượng, không cần nghi ngờ gì đã về tới “băng điểm”(*).
(*) Điểm đóng băng của chất lỏng. Ví dụ của nước là 0 độ C.
So với lần y nghiền chết con kiến còn lạnh lẽo hơn.
Hòa thượng vẫn tới tầm trưa và tầm tối, vẫn mang cháo, thỉnh thoảng có thêm thuốc, nhưng không còn trưng nét mặt ôn hòa như trước nữa.
Sắc mặt dù bình tĩnh nhưng Thẩm Độc vẫn nhận ra khí lạnh ẩn giấu bên trong.
Ngày thứ nhất, y xán lại gần giải thích với hắn, nói rằng ngày đó chỉ là chuyện ngoài ý muốn.
Hòa thượng không phản ứng.
Ngày thứ hai, y ca thán rằng cháo không ngon, dưa muối không ngon, muốn đổi món khác.
Hòa thượng cũng không phản ứng.
Ngày thứ ba, y dùng trăm phương ngàn kế phọt ra một câu kinh phật, nói mình đọc không hiểu, mong hòa thượng giải thích cho mình.
Hòa thượng vẫn không thèm phản ứng.
Liên tiếp ba ngày liền, hết lần này tới lần khác!
Không cần biết y nói gì, bịa lý do nào, đối phương vẫn cứ hững hờ.
Thẩm Độc không phải hạng người kiên nhẫn, đến mức này thực sự tức điên lên rồi, cũng lười chơi tiếp với hắn. Biết rõ không làm gì được hòa thượng, y quyết định tập trung, một lòng một dạ nghiên cứu “Bàng môn tả đạo” của mình.
Đừng nhìn y bề ngoài làm trò, suốt ngày trêu chọc hòa thượng.
Chuyện y ngấm ngầm làm vẫn không hề thiếu.
Hòa thượng đến thì y nói, hòa thượng vừa đi khỏi y lập tức tu luyện. Càng tới gần ngày phản phệ, tu vi khôi phục càng nhanh, qua ba ngày đã khôi phục được bảy phần mười so với thời kì toàn thịnh.
Có thể nói, vào lúc này, chỉ cần không gặp phải mấy vị cường địch hàng đầu trên giang hồ thì y đã có thể nghênh ngang đi ra ngoài.
Cũng vào buổi sáng hôm đó, y thừa dịp hòa thượng không ở đây, cắt một mảnh giấy nhỏ, viết một bức mật thư cỡ chữ bé xíu. Sau đó lấy U Thức hương giấu trên người ra, lặng lẽ đứng sau nhà trúc đốt lửa.
Hương được đốt là hương trắng.
Xế chiều, một con chim U Thức toàn thân trắng muốt bay đến, hạ cánh xuống sau nhà.
Kích thước của chim U Thức to hơn so với chim bình thường, thân hình dài chừng một thước(*), màu lông trắng thuần tươi sáng, trên đầu còn có một nhúm lông vểnh lên, trông có vẻ cực kỳ thần thánh.
(*) Một thước = 1/3 mét = 33,33 cm.
Con mắt xanh thẫm lóng lánh như đá quý.
Tốc độ bay rất nhanh, lúc nhanh nhất giống hệt một tia chớp xẹt qua.
Thẩm Độc ngồi xếp bằng trên giường La Hán luyện công, ngay lúc chim U Thức hạ cánh, y tức thì nghe thấy tiếng động, mở bừng mắt, đứng dậy xuống đất.
Đẩy cửa sổ, y thấy ngay con chim kia.
Duỗi tay về phía trước, y cất tiếng: “Lại đây”.
Chim U Thức cũng không sợ người.
Nghe thấy âm thanh, nó ngúc ngắc cái đầu, vỗ cánh bay tới, đứng trên bệ cửa.
Thẩm Độc lấy mật thư đã chuẩn bị kĩ càng ra, đút vào trong ống trúc nho nhỏ, sau đó quấn trên đùi chim U Thức, vỗ vỗ đầu nó: “Đi đi. Giúp ta chuyển bức thư này cho Cố Chiêu.”
Không biết là có nghe hiểu hay không, chim U Thức rầm rì kêu một tiếng, giương hai cánh bay đi.
Cái bóng trắng vụt ra từ trong rừng trúc bay về phía chân trời xa xôi, nhanh chóng hóa thành một chấm trắng nhỏ nhoi, từ từ mất dạng.
U Thức hương trắng tuyết, gọi chim U Thức phương Bắc đến.
Chim U Thức phương Bắc, bay tới Bồng Sơn, bay đến nơi Bồng Sơn đệ nhất tiên – Cố Chiêu, chuyển bức thư này tới tay hắn.
Về phần kết quả ra sao, còn phải dựa vào vận may.
Đứng bên cửa sổ ngóng nhìn chốc lát, từ đầu đến cuối Thẩm Độc chỉ cảm thấy mỉa mai thay.
Rơi vào đường cùng, người y chọn tin tưởng, không phải bất cứ một tên thuộc hạ Yêu Ma đạo nào hết, ngay cả Bùi Vô Tịch cũng không phải, mà chính là người bề ngoài là kẻ thù chính đạo một mất một còn của y.
Không biết khi Cố Chiêu nhận được bức thư này, sẽ có cảm tưởng gì nhỉ?
“Ỷ thiên tuyệt bích.
Trực há giang thiên xích
Thiên tế lưỡng nga ngưng đại.
Sầu dữ hận,
Kỷ thì cực!”
“Mộ triều phong chính cấp.
Tửu lan văn tái địch”
“Thí vấn Trích Tiên hà xứ?”
“Thanh sơn ngoại.
Viễn yên bích.”(*)
Ngón tay nhẹ nhàng gõ trên bệ cửa, thanh âm Thẩm Độc trầm thấp ngậm đầy ý cười, ngâm nga đầy thích thú, hòa vào không khí ngày đông giá rét, dần dần không còn nghe thấy nữa.
(*) Bài thơ “Sương thiên hiểu giốc” – Đề Thái Thạch Nga My đình
Dịch thơ – Nguyễn Đương Tịnh:
“Đỉnh cao chạm trời
Nghìn trượng vách cao vời
Chân mây như đôi mày đậm
Mối sầu hận
Đến bao nguôi?
Giận sóng xô gió cuốn
Tỉnh men địch thổi hoài
Lý Bạch đâu rồi? Chỉ thấy
Ngoài non biếc
Khói lam bay”
Trích Tiên – tương truyền Lý Bạch say rượu rồi chết đuối ở sông này, ông được hậu bối tôn làm Thi Tiên (詩仙) hay Thi Hiệp (詩俠). Giới thi nhân bấy giờ thì rất kính nể tài uống rượu làm thơ bẩm sinh, nên gọi Lý Bạch là Tửu Tiên (酒仙) hay Trích Tiên Nhân (谪仙人). Hạ Tri Chương gọi ông là Thiên Thượng Trích Tiên (天上謫仙).