Vết thương của Duy nằm ở vị trí rất nguy hiểm. Bác sĩ bảo chỉ cần lên trên hai centimet nữa thôi thì sẽ khó mà cứu vãn. Mọi người trong phòng thở phào sau khi nghe kết luận của vị bác sĩ rằng tình hình đang chuyển biến tốt và hiện tại không có dấu hiệu để lại di chứng.
Sau khi tiễn vị bác sĩ ấy rời đi, bà Liên ngồi xuống bên giường bệnh nắm lấy bàn tay đang buông thõng một bên của Duy đặt vào lòng mình. Bà không nói một lời, ánh mắt đượm buồn nhìn gương mặt cậu một cách kĩ càng.
So với bảy năm trước, quả thật cậu đã trưởng thành hơn nhiều. Điều đó không chỉ thể hiện qua vóc dáng mà còn ở đường nét trên gương mặt. Như được tháng năm tỉ mỉ gọt dũa từng chút một, chúng trở nên mạnh mẽ hơn, toát ra vẻ lạnh lùng, sắc bén thuộc về một chàng trai đang đứng bên bản lề ngưỡng cửa mười tám. Nhất là ở đôi mắt. Vẫn là đôi mắt đẹp, dịu dàng như hồi lên mười nhưng giờ đây nét ngây thơ non nớt đã phai nhạt, thay vào đó là sự điềm tĩnh nhiều lúc đến mức lạnh nhạt, không phù hợp với lứa tuổi.
Khi bé, Duy là một cậu nhóc rất lạc quan. Nhóc con được chào đời trong sự hân hoan của hai bên nội ngoại và tình yêu chân thành của bố mẹ. Người ta vẫn thường nói con cái là kết tinh tình yêu của bố mẹ. Cho tới bây giờ, bà Liên vẫn còn nhớ những giọt nước mắt hạnh phúc và nụ cười mãn nguyện của ông chủ ngày mà Duy cất tiếng khóc chào đời, được bế bồng hình hài nhỏ bé ấy trên tay. Thế nhưng bà cũng nhớ những vết roi tím bầm chồng chéo lên nhau trên khắp lưng, bắp tay, bắp đùi của một thằng nhóc mười tuổi vì bị dây nịt quất. Những vết roi đã biến mất từ lâu nhưng thương tổn trong tâm hồn của cậu nhóc hẳn là chưa bao giờ hết.
Ngọn lửa tình yêu một khi cháy hết chỉ còn lại đống tro tàn thù hận. Thời gian vừa là một liều thuốc tiên, vừa là một liều thuốc độc. Đứng trước sự vô hạn của thời gian thì đời người hữu hạn nhỏ bé đến vô ngần. Và rồi họ đổi thay. Cả tình yêu giữa họ cũng vậy. Có người chọn cắt đứt mọi thứ khi đặt dấu chấm hết cho tình yêu nhưng có người lại mang theo nỗi căm giận và oán hờn sâu sắc để đọa đày những gì mà họ đã từng tha thiết yêu, chân thành yêu.
Con cái có lỗi gì trong cuộc hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ không? Chắc chắn là không. Nó không được lựa chọn nơi mình sinh ra và càng không thể lựa chọn bố mẹ cho mình. Nhưng bố mẹ hoàn toàn quyết định được cách họ nuôi nấng, dạy dỗ, yêu thương con mình. Những đứa trẻ không phải là nơi để các ông bố bà mẹ trút hết thảy giận dữ, bất lực của bản thân vào. Nếu không thể yêu thương và quan tâm đến chúng cũng đừng biến tuổi thơ của chúng thành cơn ác mộng phải dùng cả cuộc đời để quên đi.
- Bác sĩ đã nói không sao rồi, bà đừng lo lắng quá làm cháu lo theo.
Đôi mắt già nua đỏ lên, bà Liên bùi ngùi cảm thán:
- Sao vẫn cứ làm bà lo như hồi nhỏ thế này.
- Cháu xin lỗi.
- Cháu có lỗi gì đâu, đừng nhận hết về mình như vậy. Cũng tại bà không ngăn bố cháu lại.
Duy cảm động mỉm cười. Chuyện giữa cậu và bố vượt ngoài khả năng can thiệp của bà. Dù cho bà có mặt trong phòng khi ấy cũng chỉ có thể trân mắt nhìn bố ném thẳng cái gạt tàn thuốc vào đầu cậu mà thôi.
- Lần sau phải biết mà tránh đi. Bố cháu cứ nhậu nhẹt về say xỉn là chẳng biết nặng nhẹ.
Duy gật đầu tỏ ý mình đã biết.
- Ơ, mày không bị mất trí nhớ à? - Nhật Anh vô tri hỏi.
Lúc này, Duy mới chú ý đến cậu ta:
- Đoán xem.
- Ôi cái thái độ này thì không mất trí nhớ một trăm phần trăm.
- Cậu... cậu đói chưa? Tụi mình có mang cháo này. - Đến tận bây giờ Lam mới tìm được cơ hội lên tiếng.
Hôm nay Lam mặc một chiếc váy dài qua gối màu vàng nhạt, tay áo rộng rãi thoải mái. Mái tóc được buộc lại gọn gàng kiểu đuôi ngựa ở phía sau để lộ vầng trán trắng mịn. Vẻ mặt nó có một chút ngại ngùng.
Duy gật đầu:
- Tôi cảm ơn nhiều nha.
Từ khi hôn mê đến khi tỉnh dậy đã gần mười hai tiếng đồng hồ. Vừa rồi cảm xúc dâng trào nên không có cảm giác gì, bây giờ Lam nhắc đến cậu mới cảm nhận được sự oanh tạc của cơn đói. Dạ dày âm ỉ khó chịu.
Đúng như dự đoán, cháo cho bệnh nhân thật sự là thứ thức ăn kinh khủng nhất trên đời. Không phải vì nó không ngon nhưng mỗi thìa cháo nuốt suốt đều là một sự tra tấn tinh thần. Mùi cháo thịt bằm lan tỏa trong phòng bệnh, Duy cố gắng nín thở ăn hết để lấp đầy dạ dày đang đánh trống biểu tình.
Bà Liên đột xuất có việc nên phải về trước, Nhật Anh thì có lịch học thêm toán, khi Duy ăn xong ba bát cháo thì trong phòng chỉ còn lại mỗi Lam. Nó ngồi lên chiếc ghế nhựa cạnh giường bệnh, mở ghi chú trên điện thoại học từ vựng tiếng anh. Trong phòng thoáng chốc trở nên thật im lặng, chỉ còn nghe tiếng rì rì của máy quạt và tiếng tích tích đều đặn của đồng hồ treo tường.
Giữa trưa, bên ngoài oi bức như một cái lò lửa khổng lồ. Cửa sổ mở một bên. Từ giường bệnh nhìn ra có thể thấy một mảng màu xanh rất dịu mắt, tạo cảm giác mát mẻ một chút. Rèm cửa màu xanh nước của bệnh viện thỉnh thoảng lay động như những con sóng lăn tăn trên bờ biển.
- Cậu có muốn nghe kể chuyện không?
Lam ngẩng mặt lên nhìn Duy. Ánh mắt của cậu bình tĩnh nhưng giọng điệu lại hơi run. Trong lòng nó đã có suy đoán mơ hồ nhưng không hỏi cậu kể chuyện gì. Nó chỉ gật đầu, như là đồng ý làm một người nghe kể chuyện đơn thuần.
Không ngạc nhiên, không hồi hộp, không mong đợi. Không có một cảm xúc dư thừa nào hiện hữu vào thời khắc này. Lam bình thản lắng nghe câu chuyện của người con trai đối diện một cách nghiêm túc nhất từ trước đến giờ. Duy kể thật chậm rãi. Cậu không sắp xếp ngôn từ một cách cẩn trọng cũng không dùng những từ ngữ hoa mỹ, phức tạp. Cả câu chuyện dài như một quyển nhật kí xưa cũ mà cậu chưa từng đặt bút, nó được lưu lại trong trí nhớ.
Cậu sinh ra đã là một đứa trẻ ngậm thìa vàng đúng nghĩa, từ bé đến lớn chưa từng thiếu thốn vật chất. Gia đình trước năm mười tuổi là gia đình kiểu mẫu trong quảng cáo truyền hình. Đó từng là niềm tự hào nhất của cậu.
Mỗi khi trường mẫu giáo tổ chức hoạt động, bố và mẹ đều có mặt từ rất sớm dù công việc bận rộn đến mức nào và đồng hành cùng cậu cho đến cuối giờ. Cậu học võ và học bơi tại nhà văn hóa thiếu nhi của thị xã, bố mẹ luôn đưa đón đúng giờ. Theo như lời bố nói khi đó, ông không muốn cậu phải đứng đợi một phút nào vì sẽ rất cô đơn. Lớn hơn một chút, cậu được chọn đi thi Olympic Toán Tiểu Học, bố luôn bên cạnh giúp đỡ cậu ôn tập ở những vòng thi trực tuyến hằng tuần. Nền tảng toán học của cậu khá vững vàng là nhờ vào những năm tháng đầu đời khi ấy.
Có một kỷ niệm mà Duy nhớ mãi về kỳ thi Olympic Toán Tiểu Học. Đó là vào năm học lớp bốn. Vào ba năm trước, cậu đều đạt giải nhất tỉnh nên cậu rất tự tin. Chính vì tự tin nên khi chỉ đạt giải nhì cậu đã rất thất vọng. Duy nhớ rằng sau đó bố đã dành cả một buổi chiều để động viên, an ủi cậu. Khoảnh khắc đó với cậu ấm áp vô cùng.
Trước đêm định mệnh ấy, gia đình là tổ ấm của cậu. Cậu chưa từng nếm trải nỗi cô đơn, lạc lõng. Nhưng về sau mọi chuyện dần trở nên tồi tệ. Cậu bắt đầu nảy sinh sự sợ hãi cùng bất lực mỗi khi trở về nhà, đối mặt với bố mẹ. Cậu như một con côn trùng bay trong đêm tối, biết phía trước có cạm bẫy nhưng không cách nào né tránh, cuối cùng chỉ có thể ngột ngạt giãy giụa trong những sợi tơ.
Có lần, Duy học bơi xong, như mọi ngày đứng đợi bố mẹ tới đón ở cổng nhà văn hóa thiếu nhi. Nhưng đợi mãi, từ lúc bốn giờ rưỡi chiều đến bảy giờ tối vẫn chưa ai đến. Cậu nhìn các bạn học được bố mẹ đưa về hết lần này đến lần khác, đôi mắt đỏ hoe từ khi nào chẳng hay. Duy đứng nép ở một góc khuất, sợ có ai đó nhìn thấy mình đến hỏi sao giờ này chưa về nhà, cậu không biết trả lời thế nào. Mỗi khi có một chiếc xe dừng lại trước cổng nhà văn hóa thiếu nhi ánh mắt cậu lại sáng rực lên rồi nhanh chóng ảm đạm khi thấy những gương mặt xa lạ bước xuống xe.
Ngày mẹ mất, thế giới của cậu như sụp đổ. Cảnh vật xung quanh như bị biến dạng sau màn mưa. Tiếng mưa rơi bên tai như tiếng tâm hồn vỡ nát. Cái lạnh thấm qua da thịt, đông cứng cả trái tim nhỏ bé. Nước mắt trên mặt hòa lẫn với nước mưa. Cậu gọi mẹ đến khàn giọng nhưng không có một lời hồi đáp. Cậu bất lực khóc mãi cho đến khi kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần rồi bất tỉnh.
Duy nhớ rằng mình đã mơ một giấc mơ rất dài. Trong mơ, gia đình cậu vẫn còn hạnh phúc như trước kia. Hình ảnh trong mơ lúc mờ lúc rõ, chắp vá thành một giấc mơ đẹp. Đẹp đến mức cậu ý thức được rằng tất cả chỉ là mơ.
Khi Duy tỉnh dậy trong bệnh viện, bố vẫn ở nước ngoài chưa về. Truyền thông liên tục đưa tin về cơn bão X. Cậu không rõ cơn bão kéo dài bao lâu, chỉ nhớ rằng mùa hè năm ấy vừa ẩm ướt vừa lạnh lẽo.
Sau cơn mưa không có cầu vồng cho đứa trẻ. Đám rêu xanh dưới bờ tường sinh trưởng mạnh mẽ, có chiếc lá giã từ trần gian.
Ngày trời quang mây tạnh đầu tiên sau cơn bão, Duy cùng bố về quê ngoại. Vùng quê đẹp như một bức tranh thủy mặc nhưng trong mắt cậu giờ đây là một màu xám ảm đạm.
Quan sát trên đường đi vẫn thấy vết tích của cơn bão để lại. Có lúc là cây cột điện bị gãy khiến trụ sắt bên trong trơ ra, có khi là ruộng lúa ngã rạp cả. Những ngôi nhà cấp bốn, nhà thì mất cánh cửa, nhà thì mất mái che.
Vội vội vàng vàng ăn xong một bữa cơm trưa, đưa tiền nhờ ông bà ngoại nuôi cậu, rồi bố bắt chuyến xe sớm nhất rời đi. Bố nói với cậu ông phải tiếp tục đi công tác. Hiểu biết của Duy về công việc của bố khi ấy rất mơ hồ, chỉ biết rằng ông rất bận rộn, mà sau khi mẹ mất ông lại càng thêm bận. Những cuộc điện thoại hỏi thăm chớp nhoáng từ hai ngày một lần thành một tuần một lần, rồi nửa tháng một lần, cuối cùng hoàn toàn biến mất.
Duy ít khi về quê ngoại. Mỗi năm chỉ về hai lần vào dịp tết âm lịch và nghỉ hè. Lần nào cũng chỉ ở lại vài ngày. Đó là lần đầu tiên cậu ở lại quê ngoại lâu đến vậy.
Nếu như vào mùa hè những năm trước, cậu tất bật với đủ lớp học. Từ các lớp phổ thông toán, văn, anh đến các lớp năng khiếu như bơi, võ, cầu lông, piano, guitar. Khi ấy chỉ ước có thể nghỉ học, đến lúc không cần phải đi học nữa lại thấy trống vắng đến lạ.
Nhà ngoại ở quê to gấp ba bốn lần nhà trên phố. Sau nhà có một khu vườn rộng trồng đủ loại hoa trái. Mùa hè là mùa sầu riêng rộ, mùi hương nồng nàn tỏa ra khắp khu vườn vào tới tận trong nhà. Cùng với đó còn có xoài, măng cụt, chôm chôm, nhãn, bơ... vô cùng hấp dẫn.
Nhưng ông bà cấm tiệt cậu ra vườn một mình vì sợ cậu rớt hố bom. Ở vùng này hầu như nhà nào cũng có vài cái cả, hố to hố nhỏ rải rác như bề mặt mặt trăng. Mùa mưa có khi nước dâng cao chạm đến mép hố. Nhiều người mê tín còn đồn trẻ con mười hai giờ trưa đi ngang sẽ bị ma kéo chân, biết bơi cũng không động đậy được, chết đuối lúc nào chẳng hay nên người lớn cấm tiệt bọn trẻ bén mảng đến gần.
Mà bọn trẻ con càng cấm lại càng thích làm. Ở quê hơn một tháng, cậu kết nghĩa anh em được với hai thằng nhóc cùng ấp. Ba cu cậu chia nhau mỗi đứa trấn giữ một phương. Duy (Bột) ở vườn nhà ngoại. Hùng (Gấu) ở quán tạp hóa Thúy Dung (mẹ Hùng là bà chủ). Sơn (Khỉ) ở mỏ đá (bố Hùng làm công nhân ở đó).
Tên cúng cơm của mỗi đứa giống hệt ngoại hình của chúng. Duy trắng trẻo, mềm như cục bột. Hùng thì đô con, như một con gấu Nga. Sơn thì ốm nhom, có đôi mắt lồi đặc trưng không lẫn với ai. Thằng bé lúc nào cũng lẽo đẽo theo sau thằng Hùng. Luôn miệng gọi thằng Hùng là đại ca vì thằng cu giỏi đánh đấm. Tất nhiên đó là trước khi hai cu cậu quen biết với Duy.