Báu Vật Của Đời

Chương 49



Kỷ Quỳnh Chi đã mở mày mở mặt cho Kim Đồng. Vào một ngày hoa đào nở rộ, chị dẫn toàn thể quan viên thành phố Đại Lan, còn đặc cách mời Giám đốc các ngân hàng Xây dụng, Công thương, ngân hàng Nhân dân, ngân hàng Nông nghiệp cùng đi. Hồi ấy, Lỗ Thắng Lợi ăn mặc giản dị, không hoa hòe hoa sói, nhưng ngươi tinh mắt có thể nhận ra, giản dị về màu sắc cũng là một loại trang điểm, vì quần áo cô ta đều mác MAX STUDIO cực đắt tiền. Hơn bốn mươi chiếc xe du lịch nhập khẩu loại đắt tiền, đậu trước cổng chính Trung tâm nuôi chim Phương Đông. Cổng chính treo hai đèn lồng đường kính ba thước, bên trong chứa ba trăm con sơn tước có giọng hót véo von. Đã được Hàn Vẹt huấn luyện thành thực, khi nghe thấy tiếng ô tô, ba trăm con sơn tước cùng cất tiếng hót chẳng khác một dàn hợp xướng du dương trầm bổng, khiến người nghe không muốn rời đi. Trên vòm cổng, Hàn Vẹt phù phép thế nào mà có hơn bảy mươi tổ yến, loại yến lông vàng, bên cổng có biển ghi rõ tên chúng bằng tiếng Anh, kèm theo giới thiệu sơ lược bằng hai thứ tiếng Anh và Trung Quốc, đặc biệt nhấn mạnh tổ yến trong suốt này giá trị dinh dưỡng rất cao, mỗi tổ giá ba nghìn tệ. Hôm nay, trong những lùm cây của Trung tâm nuôi chim, Cảnh Liên Liên đã ắc nhiều loa điện bí mật, phát băng ghi âm tiếng nói của các loại chim. Khoảng giữa cổng chính và hòn non bộ dựng tấm biển gồm bốn chữ to tướng Vang tiếng hoa chim. Lúc đầu, mọi người tưởng rằng dùng sai chữ Vang nhưng lập tức hiểu ra dùng chữ Vang ở đây quả thật tuyệt diệu. Trung tâm nuôi chim Phương Đông đầy ắp tiếng chim, hình như mỗi đóa hoa ở đây đều biết vẫy đuôi ca hát. Một đàn gà rừng đã được huấn luyện đang múa điệu nghênh tân ở giữa sân, lúc kề cổ ôm nhau, khi quay tít như chong chóng, nhất cử nhất động đều khớp với tiết tấu của âm nhạc. Như vậy đâu còn là gà rừng, mà là một đoàn thân sĩ (để cho đẹp, Hàn Vẹt chỉ huấn luyện gà trống), toàn loại công tử ăn chơi. Đây quả là múa ra múa, màu lông rục rỡ của chúng khiến quan khách mê mẩn. Cảnh Liên Liên và Kim Đồng hướng dẫn quan khách vào đại sảnh xem lũ chim biểu diễn. Hàn Vẹt mặc lễ phục thêu hoa, tay cầm gậy chỉ huy đúng nghiêm đợi khách. Quan khách vừa buộc vào, cô phục vụ lập tức đóng cầu dao, đèn được sáng một lượt. Trên một cây sào bắc ngang cửa, hai chục con vẹt lông vằn như hổ đồng thanh reo lên: Hoan nghênh hoan nghênh, nhiệt liệt hoan nghênh, hoan nghênh hoan nghênh, nhiệt liệt hoan nghênh! Các quan khách thích thú vỗ tay khen ngợi.

Tiếp theo, một bầy sẻ vàng bay ra, miệng ngậm giấy hồng điều thả xuống từng tay quan khách. Các quan khách mở giấy ra, trong đó viết: Hoan nghênh thủ trưởng tham quan chỉ đạo, đề nghị góp nhiều ý kiến quí báu! Các quan khác xì xào, cho đây là chuyện lạ. Tiết mục tiếp theo là hai con chim sáo mặc quần đỏ, đội mũ xanh, lạch bạch đến bên mi cờ rô, chào rất điệu: Chào các bà, chào các ông! Hai con sáo này nói xong, tám con sáo khác liền dịch ra tiếng Anh. Hoan nghênh các vị tới thăm Trung tâm nuôi chim Phương Đông, đề nghị góp nhiều ý kiến quí báu. Lại dịch ra tiếng Anh. Ông cục trưởng Cục Ngoại thương thành phố thông thạo tiếng Anh nhận xét: phát âm rất chuẩn!

Sau đây xin giới thiệu đơn ca giọng nữ, bài Phụ nữ giải phóng ca, do chim biểu diễn. Một con yểng mặc váy liền quần màu hồng, lách chách đến trước mi cờ rô, cúi chào sát đất để các quan khách trông rõ mào đỏ chảy xuống tận sau gáy. Con yểng nói: Hôm nay tôi hát bài ca lịch sử này kính tặng bà Thị trưởng Kỷ, đề nghị các vị cùng thưởng thức, rất mong được làm đẹp lòng các vị, xin cảm ơn! Con yểng lại cúi rạp chào lần nữa để mọi người lại trông thấy chiếc mào. Lúc này, mươi con sẻ vàng tập hợp thành một tốp nhạc công, tấu khúc dạo đầu cho con yểng. Con yểng lắc lư cất tiếng hát:

Xã hội cũ như giếng sâu vạn trượng, dưới đáy giếng là quần chúng nhân dân, đáy của đáy là chị em phụ nữ, phụ nữ ơi phụ nữ!Xã hội mới như vầng dương chói lọi, phụ nữ vùng lên giải phóng rồi, giải phóng rồi là giải phóng rồi?

Các quan khách nhiệt liệt vỗ tay. Cảnh Liên Liên và Kim Đồng lén nhìn Kỷ Quỳnh Chi. Chị tỏ vẻ thản nhiên, không vỗ tay, cũng không khen ra miệng. Cảnh Liên Liên chột dạ, hích Kim Đồng hỏi khẽ:

- ý tứ bà ấy ra sao?

Kim Đồng lắc đầu.

Cảnh Liên Liên dọn giọng, nói:

- Tiếp theo xin mời các thủ trưởng đi dùng cơm. Trung tâm nuôi chim Phương Đông chúng tôi mới thành lập, khả năng tài chính có hạn. chỉ chuẩn bị được món Bách điểu yến, mời các vị thưởng thức?

Hai con sáo điều khiển chương trình lại nhảy tới bên mi cờ rô, cùng cất tiếng đọc: Bách điểu yến, bách điểu yến, của ngon vật lạ không thể nếm, muốn ăn chim lớn có đà điểu muốn ăn chim nhỏ có chim ong. Vịt cổ xanh, gà lôi biếc, sếu đầu đỏ, trĩ đuôi dài. Cú vọ, diều hâu, đại bàng, chim cắt, giang mốc, bồ nông, uyên ương, gõ kiến, họa mi, vàng anh, ngỗng trời, bắp chuối...

Không đợi chim sáo kể hết thực đơn, Kỷ Quỳnh Chi quay ngoắt bỏ đi, mặt lạnh như tiền. Các cán bộ dưới quyền tỏ ý tiếc rẻ nhưng không dám cưỡng, lần lượt theo Quỳnh Chi ra về.

Kỷ Quỳnh Chi vừa chui vào ô tô, Cảnh Liên Liên đã giậm chân chửi:

- Con yêu già, đồ chết tiệt!

Ngày hôm sau, nội dung buổi giao ban của thị trưởng đã đến tai Liên Liên, không sót một ý. Kỷ Quỳnh Chi chửi trong cuộc họp:

- Trung tâm gì mà trung tâm, gánh xiếc rong thì có? Tôi còn làm thị trường ngày nào thì gánh xiếc rong này đừng hòng vay tiền!

Cảnh Liên Liên cười hì hì, nói:

- Mụ già kia, bọn ta sẽ tự biên tự diễn, hãy đợi đấy!

Cảnh Liên Liên sai Kim Đồng đem đến từng nhà các vị có mặt hôm tham quan trung tâm những túi quà đã chuẩn bị sẵn, tất nhiên trừ Kỷ Quỳnh Chi. Quà gồm có: tổ yến một cân, lông công một bó. Nhưng vị khách đặc biệt quan trọng như giám đốc các ngân hàng thì tổ yến là hai cân.

Kim Đồng ngần ngừ, nói: - Cháu ơi, việc này tôi... làm không nổi!

Cặp mắt xám của Cảnh Liên Liên thoắt cái đã trở thành mắt rắn. Cô ta nói, giọng lạnh nhạt:

- Không nổi thì đề nghị cậu có cao kiến gì thì dề xuất. Có lẽ vị ân sư của cậu sẽ kiếm cho cậu một chiếc mũ ô sa cũng nên?

Hàn Vẹt nói: - Để cậu làm nhiệm vụ gác cổng gì đấy cũng được.

Cảnh Liên Liên nổi đóa: - Anh câm miệng cho tôi nhờ. Ông ấy là cậu anh chứ không phải cậu tôi! Đây không phải là viện dưỡng lão!

Hàn Vẹt lầu bầu:

- Đừng có ăn cháo đá bát!

Cảnh Liên Liên ném tách cà phê vào đầu Hàn Vẹt. Mắt cô lóe lên những tia màu vàng đất. miệng chành ra, rít lên:

- Cút, cút, cút! Cút hết đi! Trêu vào bà, bà thì róc thịt các người cho điều hâu nó ăn!

Kim Đồng sợ đến nỗi hồn xiêu phách lạc, anh chắp tay vái lia lịa, nói:

- Cháu dâu ơi, tôi thật dáng chết, thật đáng chết! Tôi không phải là người, xin cô đừng giận cháu ngoại tôi. Tôi đi đây, đi đây! Tôi sẽ đi nhặt đồng nát sắt vụn, gom đủ tiền trả cô về khoản ăn mặc của tôi ở đây.

- Khí khái gớm! - Cảnh Liên Liên mỉa mai - Ông là một tên đần độn! Cái loại bám vú phụ nữ như ông, thì sống khác gì con chó! Tôi mà như ông thì tôi treo cổ lên cành cây chết quách từ lâu! Malôa trông giống rồng, nhưng thu hoạch thì được bọ chét! Không, ông không bằng bọ chét! Bọ chét một cú nhảy cao nửa thước, ông quá lắm chỉ là đồ giòi bọ, không, còn kém xa giòi bọ, ông chỉ là con giòi bọ đói rã họng đã ba năm!

Kim Đồng bịt tai chạy khỏi Trung tâm nuôi chim Phương Đông. Anh chạy thật nhanh. Những lời còn sắc hơn lưỡi dao cạo của Cảnh Liên Liên khiến toàn thân anh như ứa máu. Anh loạng choạng chạy đến bên vạt đất mọc toàn lau. Những cây lau năm ngoái còn sót lại thì đã chết khô, những cây mới mọc năm nay đã cao nửa thước. Anh rúc sâu trong vạt lau, tạm thời đoạn tuyệt với đời. Lá lau khô sột soạt trong gió. Những mầm lau trên đất ẩm tỏa mùi ngai ngái. Anh cảm thấy tim như muốn vỡ ra, gục đầu xuống đất mà gào thảm thiết, vừa đấm vào đầu bình bịch, vừa khóc vừa kể lể như đàn bà: Mẹ ơi, mẹ sinh ra con làm gì, mẹ nuôi cái đồ vô dụng như con để làm gì? Sao mẹ không dìm ngay vào vại nước đái để con chết ngay từ khi mới lọt lòng? Mẹ ơi, cả cuộc đời con người không ra người, ngợm không ra ngợm, người lớn khinh rẻ con, trẻ nhỏ khinh rẻ con, người chết cũng khinh rẻ con. Mẹ ơi con không thiết sống nữa, con đi trước đây. Trời ơi, trời hãy giáng sấm sét xuống đầu tôi đi! Đất mẹ ơi, hãy nứt toác ra cho tôi rơi xuống mà chết đi! Mẹ ơi, con hết chịu nổi rồi, con bị người ta dí ngón tay vào mũi mà chửi!...

Cuối cùng khóc đã mệt, anh nằm lăn ra đất, mặt đất ẩm ướt khiến toàn thân anh dễ chịu. Anh lồm cồm bò dậy vắt mũi, lau nước mắt trên mặt. Khóc được một lúc, anh thấy trong lòng nhẹ bớt. Trên cây lau còn vương một tổ chim bông lau. Trong đám rễ cói đang ẩn một con rắn hổ. Anh giật mình hoảng sợ, may mà lúc nãy nó không chui vào quần anh. Nhìn tổ chim, anh nhớ đến Trung tâm nuôi chim Phương Đông, nhìn con rắn, anh nhớ đến Cảnh Liên Liên, và thế là lửa giận bùng lên, anh đá cái tổ chim. Không ngờ tổ chim được đan kết bằng những sợi lông đuôi ngựa, tổ chim không bị văng đi trái lại anh suýt ngã vì vướng chân vào đó. Anh xé rách cái tổ chim ném xuống đất, dẫm chân lên, vừa dẫm vừa chửi: Trung tâm nuôi chim Phương Đông khốn kiếp? Đồ khốn kiếp, tao thì dẫm nát mày ra! Dẫm nát cái tổ chim, anh càng hăng, lửa giận càng hừng hục, anh cúi xuống bẻ một thân cây lau, cạnh sắc của lá cứa đứt tay anh. Anh bất chấp, cầm cây lau đuổi đánh con rắn. Nó đang len lỏi giữa những mầm cói màu tím, bò rất nhanh. Anh giơ cây lau lên, chửi: - Cảnh Liên Liên, mi là con rắn độc! Khinh ông không dễ đâu! Ông thì giết mi! Anh thọc mạnh cây lau, hình như trúng con rắn. Nhưng con rắn lập tức cuộn mình lại, vươn cao đầu phóng lưỡi đỏ chót và phát ra những tiếng vè vè. Anh toát mồ hôi lạnh, tóc dựng đứng, toan rút cây lau về thì con rắn đã văng tới. Anh bỏ cây lau, bất chấp những cạnh sắc của lá lau cứa vào mặt, chạy khỏi bãi lau. Ngoảnh nhìn lại thấy con rắn không đuổi theo, anh thở dài nhẹ nhõm. Lúc này, anh mới thấy chân tay bải hoải, mắt nảy đom đóm, không còn chút hơi sức, bụng đói cồn cào. Xa xa, biển hiệu Trung tâm nuôi chim Phương Đông rực rỡ dưới nắng, tiếng kêu của bầy tiên hạc cao vút. Mùi thơm ngọt của sữa bò, mùi bánh bao, mùi thịt gà rừng trong bữa trưa hôm trước, xộc vào mũi anh. Anh bắt đầu hối hận vì những hành động nông nổi của mình. Tại sao ta lại rời bỏ Trung tâm nuôi chim Phương Đông? Đem quà đi biếu thì có gì là xấu? Anh tự vả vào mặt mình một cái, không đau. Anh lại vả cái nữa, hơi đau. Vả một cái thật mạnh, đau tóe nước mắt, má rát bỏng. Kim Đồng, mi là thằng sĩ diện hão để chuốc lấy khổ vào thân! Anh lớn tiếng tự nguyền rủa. Giày bết bùn, anh mặc nhiên đi về phía Trung tâm nuôi chim Phương Đông. Đi, đại trượng phu phải biết tới biết lui, xin lỗi Cảnh Liên Liên, nhận mình sai, đề nghị cô ta lại nhận vào làm việc. Đã đến nông nỗi này thì giữ thể diện làm gì? Sĩ diện, đẹp mặt là dành cho những kẻ giàu có, đâu đến phần mày? Chửi mi là đồ giòi bọ, mi đã thành giòi bọ chưa? Chửi mi là đồ súc sinh, mi đã trở thành sức sinh chưa? Anh tự trách mình sâu sắc, tự đổ lỗi ình, tự thương cho thân phận của mình, tự tha thứ ình, tự mở đường ình, tự thuyết phục, tự giáo dục, bất giác, anh đã đứng trước cổng chính của Trung tâm nuôi chim Phương Đông.

Anh đi đi lại lại trước cổng, anh do dự, mấy lần định vào bừa, nhưng đến phút chót anh lại thôi. Đúng, dại trượng phu đã nói là như dao chém đá. Nơi này không chứa thì có nơi khác chứa, tuấn mã không ăn lại cỏ đã gặm, đói chết cũng không cúi đầu,. rét chết vẫn đứng thẳng, không tranh ăn mà tranh tiếng, nhà nghèo nhưng chí không nghèo? Xua nay không ai là không chết, duy để lưu truyền một tiếng thơm! Sau khi đã vận dụng rất nhiều cách ngôn, châm ngôn như vậy, Kim Đồng định khẳng khái ra đi, nhưng vừa được mấy bước, anh quay trở lại, đi cũng dở mà ở cũng dỡ. Anh mong gặp Hàn Vẹt hoặc Cảnh Liên Liên ở cổng, nhưng khi thấy tiếng gọi của Hàn Vẹt, anh vội nấp sau một thân cây. Anh cứ loay hoay ngoài cổng cho đến lúc mặt trời gác núi. Anh ngước nhìn ánh đèn dìu dịu hắt ra từ căn phòng Cảnh Liên Liên trên lầu mà buồn nẫu ruột. Ngóng hồi lâu, cuối cùng vô kế khả thi, anh đành lê từng bước, nhằm hướng phố xá đông đúc mà đi tới.

Mùi thơm của thức ăn quyến rũ anh, dẫn anh đến phố ăn uống. Nơi này vốn là nơi luyện võ của võ sư Quan Sao Chổi, nay trở thành phố thực phẩm. Các quán ăn hai bên đường chưa đóng cửa, những ánh đèn nê-ông muôn màu nhấp nháy, đổi màu. Một số người bán hàng uể oải đứng tựa cửa cắn chắt hạt đưa, phun vỏ phì phì, đợi khách. Quan cảnh phố xá rất đẹp. Mặt đường lát đá xanh bóng loáng nước. Hai bên vỉa hè căng tạm thời những dây bóng diện màu hồng, ánh đèn dìu dịu chiếu xuống mặt đường trơn bóng. Ông chủ quán mặc áo lễ phục trắng đứng dưới đèn, đầu đội mũ cao, mặt bóng nhẫy. Đầu phố có dựng tấm biển, viết: Im lặng là vàng. ở đây, cái miệng của bạn chỉ dùng để ăn chứ không dùng để nói. Nếu bạn giữ được điều đó, bạn sẽ được thưởng. Không ngờ điều qui định của chợ Tuyết xưa kia lại được áp dụng ở phố ăn uống này. Hơi nước cuồn cuộn bốc lên dưới ánh đèn màu hồng, chủ quán nháy mắt, ra hiệu bằng tay với khách hàng, cả dãy phố đầy vẻ bí ẩn. Một bầy nam nữ ăn mặc lòe loẹt, bá cổ bá vai, đầu mày cuối mắt, nhưng không ai nói ra miệng để giữ đúng qui định. Một bầu không khí quái gở mà vui vẻ, không ra bi cũng chăng ra hài, điệu bộ như chim, lắc la lắc lư, gật gà gật gù, đông cắn một miếng, tây cắn một miếng, ngươi bán và người mua đều đóng kịch một cách nghiêm chỉnh.

Kim Đồng đi trên đường-phố-không-tiếng-nói, trong lòng bỗng trào lên một tình cảm ấm áp của người đi xa trở về quê. Anh tạm thời quên đi cái đói và sự nhục nhã mà anh phải húng chịu, anh cảm thấy trên con đường này, giữa người và người đã xóa đi hàng rào ngăn cách, mà cao nhất là có ý thức kiềm chế bản thân, biến cái miệng thành một cơ quan đơn nhất, không gây ra những chuyện thị phi. Anh bước đi trên những phiến đá trơn nhẵn. Chủ quán bán tôm chiên là một cô gái xinh xắn đang chiên hai con tôm hùm ột cặp nam nữ ôm eo nhau ngồi đèn. Trong chiếc bồn nhựa trước mặt, những con tôm hùm đỏ tía đang bò một cách ngu xuẩn, vỏ chúng ánh lên những tia đẹp mắt. Cô chủ quán ngước cặp mắt biết nói chào anh. Anh đưa mắt nhìn bảng giá, hốt hoảng quay mặt đi. Trong túi anh chỉ có tờ giấy bạc một tệ, không đủ để mua một cái càng của con tôm hùm. Dưới ánh đèn đỏ, một lồng rắn lấp lánh sắc màu của động vật sống, nhưng lũ rắn thì lại nằm khoanh tròn, bất động. Bốn nhân viên cảnh sát ngồi quanh chiếc bàn sơn véc- ni, người nào trông cũng hiền không hề có nét mặt khi làm công vụ gặp tình huống gay cấn. Giúp việc cho chủ quán là một cô gái mắt sâu, lưỡng quyền cao, đầu chít khăn tay màu xanh, có lẽ cô đã có chồng, vì rằng cặp vú cô đung đưa rất dữ, cuống vú các cô gái trinh bao giờ cũng răn chắc. Cô đang làm thịt rắn trên một thớt gỗ. Trong tay cô là con rắn sống, nhưng cô hình như không để ý nó có nọc độc, cô lựa và bắt chúng như chọn củ cải, lôi ra khỏi lồng, chặt phăng đầu, cắm cổ rắn vào đầu dinh, hai tay cầm da cổ kéo lộn ngược ra phía đuôi; vậy là đã lột da xong một con. Con rắn đã mất đầu vẫn quằn quại trên thớt. Với cách thao tác nhanh đến nỗi mắt thường chưa kịp nhận ra, cô đã mổ bụng con rắn, lôi ruột gan ra ngoài, tách bỏ mật, lọc bỏ xương sống, rồi quảng lên mặt thớt đại cho ông chủ, một người đàn ông to béo, dùng sống dao giần cho thịt mềm nhũn, rồi trở lưỡi dao thái thành lát mỏng trong suốt. Trong khoảng thời gian ông ta thái xong một con rắn, thì cô giúp việc đã chặt đầu, lột da, lóc xương năm con khác. Cái lẩu trước mặt các nhân viên cảnh sát đã sôi, cô gái bê đĩa thịt rắn đã thái mỏng đặt trước mặt họ. Bốn cảnh sát nhìn nhau mỉm cười cùng nâng cốc, bia trong cốc có màu vàng, sủi bọt. Họ ngửa cổ uống cạn, rồi gắp thịt rắn nhúng vào nước dùng trong lẩu, đưa vào miệng. Kim Đồng nhìn ngang nhìn ngửa, anh đã đi qua quán ăn chim cút, quán bát bửu hầm hạt sen, cua luộc, quán thịt dê bảy món, quán bán thịt thủ lừa, thịt bê nướng, tinh hoàn dê, quán vằn thắn, quán châu chấu xào chua ngọt, quán giun nướng, ve sầu chiên, nhộng xào, ong mật chiên... gần như các món ăn trong thiên hạ đều qui tụ về đây, nhưng biển hiệu lại viết: Đặc sản Cao Mật. Cái lối du nhập rộng rãi các món ăn khiến Kim Đồng thán phục. Cách đây mười mấy năm chưa từng nghe nói có người dám ăn thịt rắn. Vậy mà bây giờ nghe nói thằng con trai Phương Bán Cầu đánh cuộc rằng, dùng bánh tráng cuốn một con rắn độc, một củ hành tây, chấm trương ớt, rồi rất ngon lành, nó ngoạm từng miếng nhai rau ráu, ăn hết cả con rắn.

Con đường trải đá xanh chật hẹp, chen vai thích cánh mà đi, vì rằng ai cũng im lặng không nói gì, mọi người trở nên thân thiện với nhau, chỉ còn vang lên những tiếng xèo xèo trong chảo rán, tiếng băm thịt bôm bốp trên mặt thớt, tiếng hôn chùn chụt của các cặp môi, những tiếng chiêm chiếp của lũ chim làm thịt tại chỗ, ngay trước mặt khách. Anh trà trộn giữa đám thực khách trong cái thành phố mới xây dụng cố ý giả câm, no mắt bởi những món ăn, điếc mũi bởi những mùi hấp dẫn, còn miệng thì nhạt thếch. Cuối cùng, anh phát hiện ra rằng, uống một bát nước trà rót từ cái bình có vòi hình đầu rồng, mất một tệ. Anh nhích dần về phía bình trà, nước trong bình sôi ục ục, mùi trà vừa chát vừa thơm. Bỗng anh trông thấy Kim Một Vú cùng một người đàn ông đứng tuổi, mặt trắng, ngồi trong quán kề bên chỗ để bình trà, dùng xiên tre xiên đùi gà rán đút cho nhau, anh đút cho chị, chị đút cho anh. Cảnh tượng thân mật ấy khiến Kim Đồng buộc phải rút êm, nấp sau một cột điện có những tờ quảng cáo dán chồng lên nhau, mời mọc những kẻ mắc bệnh hoa liễu. Một mùi khai xộc lên mũi, Kim Đồng hiểu rằng đây là chỗ đi tiểu của cánh đàn ông. Anh ở chỗ tối, mụ Kim ở chỗ sáng. Mụ vấn tóc kiểu đài hoa, tóc mụ đen nhánh, có lẽ là tóc nhuộm cũng có thể là tóc giả. Tóc đen làm cho phụ nữ trẻ lại; đồ trang sức khiến phụ nữ đẹp ra. Thành thử dưới ánh đèn mờ tỏ, mụ Kim má đào môi thắm, mặt như mâm bạc, gò vú nhô cao, như một thiếu phụ phong lưu. Trông kìa, mụ ưỡn ẹo, đưa mắt tống tình mới ghê chứ! Đồ con hoang, đồ tứ chiếng, trốn chúa lộn chồng, đẻ con gái thì làm đĩ, con trai thì đạo tặc. Anh rủa thầm, đồng thời nhìn người đàn ông ngồi bên mụ Kim với vẻ ghen tị. Lúc này anh thấy dưới chân nhói một cái như mèo cào, cúi nhìn thì ra một thằng bé tàn tật lết đi báng hai tay như Tôn Bất Ngôn, Mắt nó màu đen, cổ gầy như cổ đà điểu. Nó giơ bàn tay với những ngón co quắp, ngước nhìn anh cầu khẩn, rất đỗi thương tâm. Anh thấy đau nhói trong ngực, tim anh nhũn ra như một cục bột. Ngay cả đứa trẻ tàn tật này cũng không muốn vi phạm qui định của nợ đêm.

Xúc động sâu sắc, anh thật sự cảm thấy không nên cự tuyệt lời cầu xin của một đứa trẻ còn bất hạnh hơn mình. Không chút chần chừ, anh dúi vào tay đứa trẻ tờ giấy bạc ẩm ướt trong tay anh. Đứa bé lạy anh một lạy rồi nhảy cóc bằng hai tay ra chỗ bình trà. Khi thằng nhỏ bê bát nước trà nóng hổi húp xùm xụp, Kim Đồng hơi tiếc rẻ nhưng lập tức anh gạt bỏ ý nghĩ ấy, dành ột tình cảm cao đẹp ngự trị trong lòng anh. Mụ Kim còn ngồi đó thì anh chưa dám đi ra. Để giết thì giờ và quả thực anh cũng đang có nhu cầu, anh vén quần đi tiểu ngay chân cột điện. Đái được nửa chừng, anh đang nhìn dòng nước tiểu chảy dọc cột điện, thì một bàn tay thô ráp nắm lấy vai anh.

Đó là một bà cụ tóc bạc phơ, nét mặt nghiêm trang nói lên rằng trong con mắt cụ không còn phân biệt nam nữ Cụ deo một bàng dỏ trên cánh tay trước ngực đeo biển Nhân viên giám sát vệ sinh, tay xách xà cột da cũ. Cụ chỉ hàng chữ trên tường: Cấm đái ỉa ở đây! Rồi lại chỉ lên ngực mình, xòe năm ngón tay ra, rút trong xắc cốt tờ biên lai đưa cho Kim Đồng, phạt năm tệ về tội đái bậy. Kim Đồng vỗ túi, dang hai tay. Thái dộ bà cụ vẫn không thay đổi. Anh hoảng sợ lạy cụ một lạy, vái dài, rồi hai tay đấm vào đầu tỏ ý hối lỗi. Bà cụ vẫn thản nhiên nhìn anh biểu diễn. Anh tưởng bà cụ đã bỏ qua, bèn rút theo lối chân tường, nhưng bị bà cụ chặn lại.

Anh đâm ngả nào cũng bị bà cụ đón lõng như không, chẳng vất vả chút nào. Anh chỉ vào túi áo, có ý bảo bà cụ khám túi, nhưng cụ lắc đầu tỏ ý không khám, kiên quyết không khám, vẫn giơ tay ra đòi tiền. Anh gạt bà cụ sang một bên, chạy dọc theo chân tường tối mờ mờ, sau lưng không có tiếng quát theo, nhưng vang lên lảnh lói tiếng còi sắt.

Nửa đêm về sáng, gió đông nam ẩm ướt như cào xước da thịt. Kim Đồng đi loanh quanh, cuối cùng lại trở về chợ đêm. Các quán ăn đang thu dọn. Nhưng ngọn đèn đỏ đã tắt, chỉ còn lại những ngọn đèn đường đỏ quạch và mặt đường thì đầy lông chim và xác rắn. Vài công nhân vệ sinh đang quét đường. Một đám lưu manh đang đánh nhau, khi đánh nhau chúng vẫn tuân thủ nguyên tắc im lặng. Chúng dừng tay khi trông thấy anh. Anh ngẩn người khi trông thấy kẻ đánh đấm dữ nhất lại chính là thằng bé tàn tật xin tiền anh. Nó có đôi chân vạm vỡ, còn chiếc đòn ngồi và hai chiếc ghế đẩu nhỏ thì không hiểu giấu ở đâu Kim Đồng buồn quá, tự xỉ vả mình về tính nhẹ dạ cả tin dể đến nỗi bị mắc lừa, nhưng anh lại thấy thằng nhỏ thông minh, rất đáng yêu. Bọn lưu manh nháy mắt với nhau, thằng nhỏ ra hiệu, bọn chúng hè nhau đè nghiến anh xuống đất, lột lấy bộ âu phục và đôi giày da, chỉ còn lại trên mình chiếc quần xà lỏn. Sau đó, một tiếng huýt sáo chói tai, chúng lặn mất tăm.

Mình trần, chân không giày, Kim Đồng đi dọc theo dãy phố tối tăm tìm bọn lưu manh. Lúc này, anh không còn nghĩ tới luật im lặng, chửi thật to, có lúc lại gào khóc. Gạch vỡ đâm vào bàn chân, chỗ bị phỏng khi tắm hơi đau buốt. Suông đêm lạnh giá cào xé da thịt, nhúc nhối làn da vừa được các cô gái Thái xoa bóp mịn màng.

Anh cảm nhận sâu sắc rằng, người nào cả đời sống ở địa ngục thì không thấy hết cái khổ ở địa ngục, chỉ có những người từng sống trên thiên đàng mới thấm thía nỗi khổ của địa ngục. Anh cảm thấy mình đã rơi xuống tầng cuối cùng của địa ngục, xui đến thế là cùng? Càng nghĩ tới cái ấm nóng trong nhà tắm hơi bao nhiêu thì càng cảm thấy lạnh buốt bấy nhiêu. Anh nhớ lại những ngày cuồng hoan cùng Kim-Một-Vú, cũng trần truồng nhưng là trần truồng trong hạnh phúc. Bây giờ thì chẳng ra sao? Đi trên phố với chiếc quần xà lỏn, ột mét tám, không chỗ nương thân, lang thang như ma cà rồng.

Do có lệnh cấm nuôi chó của thành phố, hàng chục con chó bị chủ bỏ rơi, chó Béc-giê Đức có, chó Tạng như sư tử có, chó ngao giống Sapi trần trụi không một sợi lông, da xếp nếp, trùng trục như khúc dồi lợn khổng lồ có, chó minh tinh lông xù, bờm như bờm sư tư có, tập hợp thành một đội quân chó tây lẫn chó ta, ký ngụ nơi bãi rác, lúc no cành hông, lúc đói lê lết. Chúng mang mối thù không đội trời chung với đội diệt chó của Cục Bảo vệ môi trường. Cách đây ít lâu, Kim Đồng nghe nói con trai của đội trưởng đội diệt chó Trương Hoa Thang bị mấy con chó dữ lôi đi ăn thịt, mặc dù nhà trẻ có đến mấy trăm cháu, vậy mà lũ chó nhằm đúng con trai anh ta? Khi đó lũ trẻ đang chơi đu quay, trong đó có con trai Trương Hoa Thang. Một con chó mực nguồn gốc chó sói bay từ cầu dẫn sang như chim đại bàng rớt đứng ghế ngồi và ngoạm luôn cổ họng thằng nhỏ. Những con chó khác từ chỗ phục kích xông ra, đàng hoàng, không chút vội vã tha thằng nhỏ đi trước sự sợ hãi đến mụ người của các cô bảo mẫu. Tiết mục nổi tiếng Tê giác một sừng của đài truyền hình thành phố đưa hàng loạt tin về sự kiện kinh khủng này, cuối cùng đưa đến kết luận kỳ diệu về những phần tử của xã hội đen đã hóa trang thành đàn chó. Khi ấy, Kim Đồng đang trong cảnh ăn sung mặc sướng coi chuyện này như gió thoảng ngoài tai, không để ý, mà cũng chẳng cần suy nghĩ làm gì.

Nhưng bây giờ thì không thể không nghĩ. Do tháng vệ sinh sạch đẹp thành phố các đống rác đã bị thu dọn hầu hết, đàn chó lâm vào tình trạng đói rã họng. Đội diệt chó của thành phố được trang bị tiểu liên cục nhanh máy ngắm bằng tia la de, lũ chó ban ngày ẩn nấp dưới các khe rãnh, cống ngầm không dám ló đầu lên, đợi quá nửa đêm mò lên kiếm cái ăn. Chúng đã ăn sạch lớp da bọc ghế xô pha của cửa hiệu (đồ dùng gia đình AIWA). Mình trần thân trụi như anh quả thật đang rơi vào tình trạng nguy hiểm. Anh nhìn con chó ngao giống Tây Tạng đầu tròn xoay, mắt thao láo, toàn thân lông dựng đứng, lại nhớ đến hồi đại cách mạng văn hóa, nhà tuyên truyền thiên tài Tê giác một sừng đưa tin: Theo nguồn tin đáng tin cậy, chó ngao Tây Tạng chính là tên tội phạm Tạng Ao đội lốt chó. Anh nhìn kỹ con chó ngao, thấy hình như là người đội lốt chó. Anh vái lia lịa:

- Thưa đại ca Tạng Ao, tôi với đại ca không thù không oán, tôi là con người thật thà, chỉ mỗi tội là thích nhìn vú phụ nữ, quả thật tôi không làm điều gì xấu, xin đại ca hãy tha cho tôi...

Con chó ngao Tây Tạng mà bàn chân to bằng nắm đấm, nặng nề bước tới. Nó nhếch môi trên đầy lông lá để lộ hàm răng trắng nhợt, tiếng gừ từ cổ họng thoát ra như tiếng sấm. Sau lưng nó, hai con sói như cặp song sinh, đi hộ vệ hai bên, một trái, một phải, khuôn mặt dài, ánh mắt thâm hiểm. Sau lưng chúng là một lũ bát nháo, một con không to hơn con mèo là mấy, tai nhọn, đuôi trụi lông, sủa anh ách, tiếng sủa ròn tan nhưng chối tai, vì trong đó không còn nét ngây thơ, mà đầy vẻ ngạo mạn của kẻ cáo mượn oai hùm. Con chó ngao Tạng quật đuôi hộc lên hai tiếng khiến người khiếp đảm. Đây là một bầy thú dữ, đáng sợ gấp mười lần kẻ ác. Tê giác một sừng đúng là nói bậy. Gặp tình huống này mà Kim Đồng vẫn không quên Tê giác một sừng lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng để đơm đặt, nói láo. Đàn chó sắp sửa tấn công, những đám lông trên lưng chúng dựng đứng lên. Kim Đồng cúi nhặt hai hòn đá màu đen cầm tay, lùi từng bước. Anh định bỏ chạy, nhưng chọt nhớ tới lời dạy của Hàn Chim: Gặp thú dữ, điều tối kỵ là sợ hãi bỏ chạy, con người hai chân dù sao cũng chạy không thoát bọn súc sinh bốn chân. Anh chỉ còn mỗi cách là nhìn thẳng vào mắt nó. Hàn Chim kể lại chuyện anh và con gấu đen mắt đấu mắt cho đến khi con thú cụp mắt xuống như cô thiếu nữ cả thẹn. Trời ơi, mình không dám nhìn vào mắt quân súc sinh này, chúng không phải là mắt mà là hai đốm lửa lân tinh, nhìn vào đó anh thấy hai chân tự nhiên nhũn ra, run lẩy bẩy. Anh không dám đứng yên một chỗ, vì xương sống tan ra như tảng băng dưới ánh mặt trời, kẽ mông và phía dưới bẹn dính nhơm nhớp, chính là xương sống đã tan thành nước. Anh vừa lùi lại vừa mong có một điểm tựa, một bức tường hay một gốc cây.

Đàn chó lừ lừ tiến lên. Chúng thừa hiểu thằng cha tồng ngồng trước mặt đã sắp sửa tan rã về tinh thần và rệu rã về thể chất. Nhưng bước chân thụt lùi của anh không còn linh hoạt nữa, chân anh đã lẩy bẩy như lò xo, người anh đã bắt đầu lảo đảo, hòn đá trong tay anh ẩm ướt mồ hôi, chất thải trong người anh đã xổ ra ngoài. Cứ lùi đi, lùi nữa đi, đến chỗ tam cấp kia nhà ngươi sẽ ngã bổ chửng, và bọn ta sẽ xơi tái nhà ngươi!

Kim Đồng mắt đã nảy đom đóm. Anh cảm thấy mình sắp được giải thoát, giải thoát hoàn toàn! Không ngờ Kim Đồng lại rơi vào kết cục bi thảm vùi xác trong bụng chó. Anh buồn rầu nghĩ đến mẹ, nghĩ đến bầu vú độc nhất áp đảo tất thảy đàn ông mà không bị bất cứ người đàn ông nào lấn át được của mụ Kim, ngoài ra, anh chẳng nghĩ gì khác. Sau khi ngồi xuống tam cấp, anh chỉ mong lũ chó thanh toán anh sao cho gọn ghẽ, không nên bỏ lại một cẳng chân hoặc để lại vết tích gì, ngay cả dấu máu. Hãy để cho Kim Đồng biến mất một cách bí ẩn! Một con bê đực chạy tới trở thành kẻ thế mạng cho Kim Đồng. Nó xổng chuồng, từ một lò mổ thịt, béo mũm mĩm, lông mượt như tơ, thịt nó chắc chắn là ngon hơn thịt Kim Đồng. Có cá tươi ai lại ăn cá ươnn? Có gà mái tơ sao lại ăn gà mái già? Người hay chó cũng nghĩ vậy cả thôi. Trông thấy con bê, lũ chó liền bỏ rơi Kim Đồng. Anh trông thấy con bê mắt trợn ngược loay hoay giữa bầy chó. Con chó Tạng chồm lên, ngoạm vào cổ con bê. Nó rống lên một tiếng rồi ngã vật ra. Hai con sói chồm lên, chỉ vài miếng đã xé rách bụng con bê. Bầy chó ùa tới, gần như đội con bê lên, trong nháy mắt nó đã bị xé làm trăm ngàn mảnh.

Có mấy người rón rén chui ra từ lò mổ tối như hũ nút, đếm những tờ giấy bạc bẩn thỉu dính đầy dầu mỡ. Kim Đồng biết đó là những tên trộm, chuyên bắt trộm bò của nông dân rồi bán rẻ cho các lò mổ ngoài thành phố, Nông dân căm thù chúng đến tận xương tủy, tóm được là họ xẻo mũi chúng để trừng phạt nhưng không sao tóm cổ hết bọn chúng. Hơn nữa, năm ngoái, chương trình Tê giác một sừng còn đưa một tin làm chấn động cả thành phố: Một tên trộm bò, sau khi bị xẻo mũi, hắn đã kiện hai người nông dân xẻo mũi hắn. Kết quả là hắn bị xử ba năm lao dịch, hai người nông dân kia cũng bị ba năm lao dịch. Cái lối xử bất kể ất giáp mỗi bên đánh ba mươi trượng ấy khiến nông dân nguyền rủa không tiếc lời, có mấy ông bạo gan, lôi kéo được mấy chục người mất trộm bò biểu tình ngồi trước cửa tòa án. Một ngày một đêm, không ai ngó ngàng đến. Trưởng đoàn biểu tình Vương Thái Đại dùng búa đanh đập nát tấm biển của tòa án rồi châm lửa đốt. Lý Thành Long vốn lỗ mãng, xông vào gian chính của tòa án, dùng gạch đập vỡ chiếc gương cao ba mét dài sáu mét. Kết quả là Vuông Thái Đại và Lý Thành Long bị xích tay tại chỗ, một tháng sau, mỗi người bị xử sáu năm khổ sai.

Trong đám trộm bò đang đếm tiền, có hai tên mất mũi. Tên nào đã bị xẻo mũi thì cực kỳ hung hãn, ban ngày ban mặt mà dám vác đại đao xông vào nhà người ta dắt bò đem đi. Ai dám cản đường, tên trộm quát: Lại đây, lại đây, ông thân tàn ma đại, sống cũng như chết, giết một thằng thì hòa vốn, giết hai thằng là có lãi! Trời ạ, còn ai dám xông lên nữa? Bọn trộm bò đứa nào cũng võ vẽ dăm ba miếng, tay khỏe dao sắc, những thanh mã tấu mà chúng sử dụng đều do ông thợ rèn nổi tiếng cuối đời Thanh làm ra, nước thép tốt, vật mềm vật rắn đều đi phăng, bổ một nhát có thể đứt đôi con bò, phạt ngang có thể đứt đôi thân cây du to bằng miệng bát. Một con bò bằng hai mẫu bông bị sâu phá sạch, bằng một tấn phân đạm mua phải hàng rởm của hợp tác xã cung tiêu, bằng một ông trưởng trấn vơ vét của dân. Đi báo mất trộm ư? Trời ạ, nhất thiết không nên, không báo thì chỉ mất một con bò, đi báo thì cầm bằng mất hai con. Những đội viên đội Liên phòng của Công an trấn, những Hai Cún, Ba Cún ấy đều là con cái nhà lành cướp của giết người rồi đầu thú, ngày ngày ôm cây đợi thỏ, cùng một duộc với bọn trộm bò, ăn chia với bọn chúng. Anh cứ đi báo mà xem. Hay quá, mỡ đến miệng mèo đây rồi, thằng nào thằng nấy nhấp nháy đôi mắt, giọng ngọt như mía lùi: Ông ơi, mất bò hả ông? Cái bọn cụt mũi ấy không biết xấu hổ, quân lưu manh, đồ đê tiện! Đồ sâu bọ kháng thuốc, quân trộm bò lọt lưới. Ông ơi, ông xem đây, cả tiểu đội chúng cháu vì việc chung mà chạy như cờ lông công, đứa nào đứa ấy gầy như que củi, còn hơi sức đâu mà bắt trộm? Ta hãy vào quán kiếm cái gì ăn đi, ăn no rồi mới đủ sức phá án cho ông? Nào thì đi, trước mặt là quán ăn Năm Sao, mùi tái lăn thơm phúc theo gió đưa tới. Ăn, đâu phải chỉ ăn mà thôi, ít nhất phải mười can bia, đụng đến bia là tám tệ tám hào một can, lại còn Nữa nữa nữa nữa nữa! Nữa cái gì, nữa thì phát điên lên mất! Lại còn Hồ sơ phí, trinh sát phí, bổ trợ phí, phí đi xa, bồi dưỡng ngoài giờ, anh phải bỏ tiền ra. Thôi tôi xin các anh, tôi không cần con bò ấy nữa? Không được, đường đường là cơ quan công an mà để cho ông giỡn mặt sao? Không thưa cũng được, nhưng hãy nộp một ngàn tệ tiền rút đơn khiếu tố! Vậy nên anh mất con bò, chứ mất vợ mất con thì cũng đừng đi báo quan, nhất thiết không được báo. Cái gọi là Cục công an bây giờ thật là..., cứ nhắc đến họ là dân lại dựng tóc gáy.

Đầu óc Kim Đồng rối tinh rối mù, chuyện nhỏ chuyện to, trăm thứ bà dằn quấn quít như mớ bòng bong. Trông thấy tên trộm cụt mũi anh đã định bỏ chạy, không dè anh lại sa vào vũng lầy của những liên tưởng. May mà một tên trong bọn khua khua con dao tai trâu trước mặt anh, giọng ồm ồm:

- Mày trông thấy những gì?

Kim Đồng nói:

- Thưa ông, tôi chăng nhìn thấy gì cả. Tôi bị thong manh, mắt mở mà chẳng nhìn thấy gì!

Tên trộm nói:

- Cút đi cho rảnh, thằng ăn mày

Kim Đồng vội vã chạy đi chỗ khác. Anh không dám đi vào ngõ tối. Trời ơi, nếu chẳng may lại bị đàn chó chiếu tướng, thì chắc là không có con bê nào thay thế nữa. Phải đi ra chỗ sáng, họa tày trời mà không chết thế là có phúc! Ra chỗ nhộn nhịp, kiếm bộ quần áo che thân, nếu đã hết cách thì về nhà với mẹ, đi theo mẹ thu gom phế liệu, dù sao thì mình đã hơn bốn mươi tuổi rồi, mấy năm nay bám mụ Kim và Cảnh Liên Liên hưởng đủ vinh hoa phú quí, có chết cũng không ân hận gì nữa!

Quảng trường trung tâm thành phố là nơi sáng sủa nhất. Chính giữa là rạp chiếu bóng, hai bên là nhà bảo tàng và thư viện. Tất cả đều có thềm nhà cao, tường ốp kính xanh chọc thẳng lên trời, những ngọn đèn điện lớn quây thành vòng tròn. Trời ạ, không có ai ở đây mà khâu vá đèn nhiều như vậy để làm gì? Lãng phí bao nhiêu là điện! Trước cửa rạp chiếu bóng có dán một quảng cáo phim bắp vế phụ nữ to bằng thùng chứa nước ẩn hiện sau lần vải mỏng, nòng súng to bằng bắp tay, phun lửa. Máu đổ vung vãi, vàng bạc châu báu, da thịt phụ nữ, những bộ ngực trần, những bầu vú to hơn quả bóng rổ, lông mi phụ nữ to và cứng hơn lông bàn chải đánh giày. Ngày tháng anh cùng Cảnh Liên Liên ngồi xe du lịch qua đây, không cảm thấy chúng to đến thế. Chỉ lúc này, chàng công tử nhà Thượng Quan tâm thần bất định, đi bộ qua đây trong gió rét căm căm mới cảm thấy hết cái mông mênh của quãng trường. Nó được lát bằng những viên gạch xi măng tám cạnh, khoảng cách bước chân là ba viên thì chân trước cảm thấy vất vả nếu là chân trái, cảm thấy nhẹ nhàng nếu chân trước là chân phải. Anh cảm thấy chân đau đến mức không chịu nổi. Giơ bàn chân lên xem thì thấy hơn mười chỗ phỏng tím bầm máu, có chỗ đã vỡ, nước vàng đang rỉ ra. Đau nhói tận óc là từ những chỗ vỡ đó. Trên quảng trường có mấy bãi phân, anh giật mình, tưởng là phân chó. Các viên xi măng đều vẽ chân dung một phụ nữ bằng bột màu, thoạt nhìn hơi quen, nhưng càng nhìn càng xa lạ. Một cơn gió ào tới, những túi ni lông trắng quay cuồng. Nghiến răng chịu đau, anh chạy tới chộp được một chiếc, rồi lại chạy tiếp, đuổi theo những chiếc khác. Cứ cà nhắc như vậy, anh chạy đến rìa quảng trường. Cái túi mắc trên một cành cây Anh ngồi bệt xuống đất, mặc cho cái lạnh xuyên thẳng vào hậu môn, lấy túi ni lông bọc bàn chân, lúc này anh phát hiện còn nhiều túi ni lông mắc trên cây. Anh mừng quá, gỡ hết xuống rồi bọc hết vào hai chân, khiến chúng xù ra chẳng khác chân gấu. Khi đứng lên, anh cảm thấy bàn chân êm ái, rất dễ chịu, chỗ đau giảm hẳn, anh mừng đến ứa nước mắt. Mỗi bước đi phát ra tiếng sột soạt, lan đi rất xa. Khu Bắc vọng lại tiếng thình thình của búa máy, khu này đã đổi tên là khu Hoa Quế, giờ phút này mọi người đang ngủ say. Chỉ còn phía đông nam, ngôi nhà cao tầng Quế Hoa đại lầu mới xây dựng là cửa sổ có ánh đèn, trông như tòa nhà trên không. Ngoài ra, những nơi khác đèn đóm đã tắt hết. Anh đi dọc theo đường lớn về phía đông. Anh đã quyết định trở về với mẹ dưới chân tháp, ai nói gì thì nói cũng không đi đâu nữa. ừ thì bị thịt, ừ thì vô dụng, ở với mẹ thì không được ăn trứng đà điểu, không được tắm hơi, nhưng không bao giờ rơi vào cảnh trần như nhộng, lang thang trên đường phố.

Hai bên đường cửa hiệu san sát. Trong hoàn cảnh khốn quẫn như thế này tốt nhất là anh không nên nhìn thấy cái tủ kính, trong tủ có sáu ma-nơ-canh, ba nam hai nữ, quần áo dệt bằng ráng chiều, nữ được tạc bằng ngà voi, tóc vàng hoặc tóc đen, vầng trán mịn màng đầy trí tuệ, mũi cao, hàng mi cong vắt, cặp mắt tình tứ, đôi môi hồng ấm áp, tất nhiên, với Kim Đồng, hấp dẫn nhất là bầu vú nhô cao của các cô ma-nơ-canh. Anh ngắm mãi và cảm thấy ma-nơ-canh như người bằng xương bằng thịt, mùi vị ngọt ngào của những bầu vú thấm qua lần kính, khiến anh cảm thấy ấm lòng. Khi chạm trán vào mặt kính lạnh giá, anh mới bừng tỉnh. Anh sợ mình nổi cơn điên sẽ không kìm được, nên vội vàng bỏ đi. Anh chạy một vòng, không hiểu sao lại quay về chỗ cũ. Anh giang rộng hai tay, ngửa mặt lên những vì sao nhấp nháy van vỉ: Xin đức Chúa Trời cho con được sờ chúng, cả đời con không cầu xin điều gì khác.

Anh nhào vô đám ma-nơ-canh, trong một thoáng anh cảm thấy tiếng kính vỡ. Tay anh chưa với tới ngực chúng, chúng đã đổ nghiêng đổ ngửa. Rồi tay anh cũng chạm vào một bầu vú, một cảm giác gai lạnh xâm chiếm cơ thể anh: Trời ơi, không có núm vú!

Một chất lỏng nóng hổi chảy đầy hốc mắt rồi tràn xuống miệng anh, không có nỗi tuyệt vọng nào lớn hơn!