Kể đến đây, Trung úy Mamiya nhìn đồng hồ. - Và như ông thấy đó, tôi đang ngồi đây. - Ông lắc đầu như cố xua đi những sợi tơ vô hình của ký ức. - Đúng như ông Honda đã nói, tôi không chết ở Trung Hoa đại lục. Và trong số bốn người chúng tôi khi đó, tôi là người sống lâu nhất. Tôi im lặng gật đầu. - Xin ông thứ lỗi cho, chuyện tôi kể dài quá. Phải nghe một lão già vô dụng lảm nhảm liên tục bất tận về những ngày xa xưa thế này hẳn là ông thấy chán lắm. - Trung úy Mamiya đổi thế ngồi trên ghế sofa. - Trời ạ, nếu tôi nán lại thêm nữa thì sẽ nhỡ tàu mất. Tôi vội tìm cách giữ ông lại. - Xin ông đừng ngưng câu chuyện như thế, - tôi nói. - Sau đó thì thế nào? Tôi muốn nghe nốt phần còn lại. Ông nhìn tôi một lát.
- Thế này vậy. Thật sự là tôi muộn tàu mất rồi, hay ông đi bộ với tôi đến trạm xe buýt nhé? Trong khi đi tôi có thể kể vắn tắt cho ông. Tôi ra khỏi nhà, cùng ông đi bộ đến trạm xe buýt. - Đến sáng ngày thứ ba, tôi được hạ sĩ Honda cứu thoát. Ông ấy đã cảm thấy rằng đêm hôm đó đám lính Mông Cổ sẽ tấn công chúng tôi, nên đã lẻn ra khỏi lều và nấp kỹ suốt thời gian đó. Ông ấy đã lấy bản tài liệu trong túi của Yamamoto mà mang theo mình. Ông ấy làm vậy bởi vì ưu tiên số một của chúng tôi là phải làm sao cho tài liệu đó không rơi vào tay thù, dù có phải hy sinh đến đâu. Hẳn ông đang tự hỏi, nếu hạ sĩ Honda đã đoán được quân Mông Cổ sẽ đến thì tại sao ông ấy bỏ chạy một mình mà không đánh thức mọi người để tất cả cùng thoát. Vấn đề đơn giản là chúng tôi không hề có hy vọng thắng trong hoàn cảnh đó. Quân Mông Cổ biết chúng tôi đang ở đâu. Bọn họ quân số đông hơn, súng ống nhiều hơn. Và họ, tìm ra chúng tôi, bắn chết chúng tôi và lấy tài liệu đi là việc dễ như bỡn. Tình huống đã vậy thì hạ sĩ Honda không có cách nào hơn là trốn thoát một mình. Trên chiến trường, hành vi của ông ta có thể là một trường hợp đào ngũ rõ ràng, nhưng với một nhóm đặc nhiệm như chúng tôi thì điều quan trọng nhất là khả năng tùy cơ ứng biến. Ông ấy đã chứng kiến mọi việc. Ông ấy đã quan sát chúng lột da Yamamoto. Ông ấy đã thấy đám lính Mông Cổ điệu tôi đi. Nhưng ông ấy không còn ngựa nên không thể đi theo ngay lúc đó được. Ông ấy chỉ còn cách cuốc bộ. Ông ấy đào chỗ thức ăn thừa mà chúng tôi đã chôn trong sa mạc lên rồi chôn dấu bản tài liệu cũng ở đó. Sau đó ông ấy đi tìm tôi. Tuy nhiên, để tìm ra được tôi dưới cái giếng kia, ông ấy phải mất nhiều công sức lắm. Thậm chí ông ấy không biết đám lính dẫn tôi về hướng nào kia mà. - Làm sao ông ấy phát hiện ra cái giếng? - tôi hỏi. - Tôi không biết, - Trung úy Mamiya nói. - Ông ấy không nói gì nhiều về chuyện đó. Chắc chỉ có thể nói là ông ấy biết, vậy thôi. Khi tìm thấy tôi, ông ấy xé quần áo thành từng mảnh làm thành một sợi dây dài. Đến khi đó tôi hầu như đã bất tỉnh, khiến ông ấy lại càng vất vả hơn mới kéo được tôi lên. Thế rồi ông ấy tìm đâu được con ngựa, liền đặt tôi lên lưng nó. Ông ấy đưa tôi qua các đụn cát, vượt sông về chốt tiền tiêu của quân đội Mãn Châu quốc. Ở đó người ta chữa các vết thương cho tôi rồi cho tôi lên một chiếc xe tải do bộ tham mưu cử đến. Tôi được đưa tới bệnh viện Hailar. - Còn cái tài liệu, bức thư hay cái gì gì đó thì sao?
- Chắc hẳn nó vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất, gần sông Khalkha. Đối với hạ sĩ Honda và tôi, quay trở lại suốt quãng đường đó để đào nó lên là một việc thậm vô lý, mà chúng tôi cũng chẳng tìm được lý do nào để phải nhọc công làm vậy. Chúng tôi đi đến kết luận rằng truớc hết một vật như vậy lẽ ra không bao giờ nên tồn tại. Chúng tôi quyết định sẽ thống nhất lời khai khi bị quân đội tiến hành điều tra. Cả hai chúng tôi sẽ khăng khăng rằng chưa bao giờ nghe nói đến tài liệu tài liếc gì hết. Nếu không, người ta sẽ buộc tội chúng tôi đã không đem tài liệu đó từ sa mạc về. Người ta bắt chúng tôi ở hai phòng riêng biệt được canh phòng cẩn mật viện cớ để chữa trị, rồi ngày nào cũng thẩm vấn chúng tôi. Các sĩ quan cao cấp ngày nào cũng đến, buộc chúng tôi kể đi kể lại mãi chuyện đã xảy ra. Họ hỏi những câu rất tỉ mỉ và rất thông minh. Nhưng dường như họ tin chúng tôi. Tôi kể cho họ đến từng chi tiết nhỏ những gì tôi đã trải qua, nhưng cẩn thận lược bỏ bất cứ điều gì tôi biết về bản tài liệu. Họ ghi lại tất cả, sau đó thì cảnh cáo tôi rằng đây là chuyện tối mật không được phép ghi vào hồ sơ chính thức của quân đội, và tôi không bao giờ được kể cho bất cứ ai, bằng không tôi sẽ bị nghiêm trị. Hai tuần sau tôi được đưa về vị trí ban đầu, còn hạ sĩ Honda chắc cũng được quay về đơn vị cũ. - Có điều này tôi vẫn chưa rõ, - tôi nói. - Sao họ lại phải cất công đưa ông Honda từ đơn vị của ông ấy sang nhóm đặc nhiệm này? - Ông ấy chẳng bao giờ nói nhiều với tôi về chuyện đó. Có lẽ người ta cấm ông ấy kể, và tôi ngờ rằng ông ấy cũng nghĩ tôi không biết thì hơn. Tuy nhiên, xét theo những lần nói chuyện với ông ấy, tôi có thể đoán rằng có một mối quan hệ cá nhân nào đó giữa ông ấy với người tên Yamamoto, mối quan hệ đó có liên quan tới năng lực đặc biệt của ông ấy. Tôi thường nghe nói quân đội có một đơn vị riêng chuyên nghiên cứu các hiện tượng huyền bí như vậy. Nghe bảo người ta tập hợp những người có khả năng tâm linh hay ngoại cảm đó từ mọi miền đất nước lại rồi tiến hành thí nghiệm trên họ. Tôi ngờ rằng ông Honda đã gặp Yamamoto trong hoàn cảnh đó. Dù thế nào đi nữa, nếu không có những năng lực đó thì ông Honda hẳn đã không bao giờ tìm được tôi ở dưới giếng và đưa tôi đến đúng vị trí tiền đồn của quân đội Mãn Châu quốc. Bản đồ không, la bàn cũng không, thế mà ông ấy biết chính xác hướng đi không một chút phân vân. Cứ suy theo lối thường thì không thể có chuyện đó được. Tôi là chuyên gia vẽ bản đồ thật đấy, tôi khá rành địa dư vùng đó, nhưng tôi chẳng bao giờ làm được như ông ấy. Có lẽ chính vì năng lực đó mà Yamamoto mới phải tìm đến ông Honda. Chúng tôi đã tới trạm xe buýt và dừng lại đợi xe. - Dĩ nhiên, có những điều không rõ đến bây giờ vẫn hoàn toàn không rõ, - Trung úy Mamiya nói. - Có những chuyện đến giờ tôi vẫn không hiểu. Tôi vẫn tự hỏi gã sĩ quan Mông Cổ đi một mình mà chúng tôi đã gặp trong sa mạc là ai. Tôi lại tự hỏi nếu chúng tôi mang bản tài liệu đó về bộ tham mưu thì sự thể sẽ ra sao. Tại sao Yamamoto không để chúng tôi lại trên hữu ngạn sông Khalkha rồi vượt sông một mình? Nếu làm vậy hắn sẽ có thể đi lại tự do hơn nhiều chứ. Có lẽ hắn có ý định dùng chúng tôi làm mồi nhử quân Mông Cổ để hắn có thể thoát một mình. Chuyện ấy có thể lắm. Có lẽ Honda nhận ra điều đó ngay từ đầu nên ông ấy chỉ đứng nhìn khi người Mông Cổ giết Yamamoto. Dù thế nào đi nữa, mãi rất lâu sau đó tôi với hạ sĩ Honda mới có cơ hội gặp lại nhau. Ngay từ khi đến Hailar chúng tôi đã bị cách ly, người ta cấm chúng tôi nói chuyện với nhau, gặp nhau cũng không được. Thậm chí tôi muốn gặp để cám ơn một lần cuối, người ta cũng không cho. Ông ấy bị thương trong trận Nomonhan và được đưa về nước, còn tôi ở lại Mãn Châu đến hết chiến tranh, sau đó thì bị đưa đi Siberia. Mãi mấy năm sau khi được thả khỏi trại tù ở Siberia và hồi hương, tôi mới tìm lại được ông ấy. Sau đó chúng tôi gặp nhau vài lần nữa, còn lại thì viết thư. Nhưng hình như ông ấy tránh nói về những gì đã xảy ra với chúng tôi bên bờ sông Khalkha, chính tôi cũng chẳng hào hứng nhắc lại chuyện đó lắm. Với cả hai chúng tôi, những gì đã trải qua đó thật lớn lao quá sức, chúng tôi cùng chia sẻ nó bằng cách không nói gì về nó hết. Ông hiểu tôi chứ? Chuyện hóa ra rất dài như vậy đó, song điều tôi muốn truyền đạt cho ông là, tôi cảm thấy cuộc sống thật của mình đã chấm dứt dưới cái giếng sâu trong sa mạc Ngoại Mông kia. Tôi cảm thấy như thể, trong cái ánh sáng cường liệt mỗi ngày chỉ rọi vào đáy giếng trong mười đến mười lăm giây đó, tôi đã đốt cháy cốt lõi của sinh mệnh mình cho đến khi chẳng còn lại gì nữa. Với tôi cái ánh sáng kia huyền bí đến như vậy đó! Tôi không giải thích được rõ lắm, nhưng nếu cố nói một cách thật trung thực và giản dị, thì từ đó trở đi, dù tôi có gặp chuyện gì, dù tôi có trải nghiệm gì đi nữa, tôi cũng không còn cảm xúc nào trong đáy lòng tôi. Ngay cả khi đối diện với những đơn vị xe tăng Xô Viết khổng lồ kia, ngay cả khi mất bàn tay trái, ngay cả những trại tù Siberia chẳng khác gì địa ngục, trong tôi chỉ có sự vô cảm. Nói thì nghe lạ, nhưng tất cả những chuyện đó chẳng quan trọng chút nào hết. Một cái gì đó bên trong tôi đã chết rồi. Khi ấy tôi nghĩ, lẽ ra tôi nên chết trong ánh sáng đó thì hơn, cứ tan biến đi trong ánh sáng đó thì hơn. Đấy mới là giờ chết của tôi. Song, như ông Honda tiên đoán, tôi đã không chết ở đó. Hay có lẽ phải nói rằng tôi đã không thể chết ở đó.
Tôi trở về Nhật khi đã mất một bàn tay và mất đứt mười hai năm quý báu. Khi tôi về tới Hiroshima thì cha mẹ và em gái tôi đã chết từ lâu. Người ta điều động cô em gái nhỏ của tôi vào làm việc ở một nhà máy, khi bom nguyên tử rơi thì cô ấy đang ở đó. Cha tôi lúc đó đang trên đường tới thăm cô ấy nên cũng mất mạng. Cú sốc khiến mẹ tôi nằm liệt giường, rốt cuộc bà cũng từ trần năm 1947. Như tôi đã kể với ông, cô gái mà xưa kia tôi bí mật cầu hôn đã lấy người khác và có hai đứa con. Ở nghĩa trang, tôi tìm thấy mộ của chính mình. Tôi chẳng còn gì hết. Tôi cảm thấy thực sự trống rỗng, biết rằng mình lẽ ra không nên trở về đây. Từ đó đến nay tôi sống như thế nào, thật khó mà nhớ được. Tôi trở thành thầy giáo dạy môn xã hội, dạy sử địa ở trường trung học, nhưng tôi không sống theo đúng nghĩa của từ này. Tôi chỉ đơn thuần thực hiện những nhiệm vụ đời thường người ta giao cho, hết cái này đến cái khác. Tôi không có ai thực sự là bạn, không hề có mối quan hệ bình thường như giữa con người đối với các học sinh mà mình phụ trách. Tôi không hề yêu bất cứ ai. Tôi không còn biết yêu một người khác là như thế nào nữa. Hễ nhắm mắt lại là tôi thấy Yamamoto đang bị lột da sống. Tôi nằm mơ thấy cảnh đó hàng bao nhiêu lần. Mơ đi mơ lại. Tôi thấy người ta lột da sống anh ta, biến anh ta thành một đống thịt. Tôi nghe rõ tiếng thét xé ruột xé gan của anh ta. Tôi cũng thường mơ thấy mình mục ruỗng dần dần, khi vẫn còn sống, ở dười đáy giếng. Đôi khi tôi cảm thấy dường như đó mới là những gì đã xảy ra trong thực tại, còn cuộc sống của tôi hiện giờ chỉ là giấc mơ mà thôi. Lúc ông Honda bảo tôi trên bờ sông Khalkha rằng tôi sẽ không chết ở Trung Hoa đại lục, tôi đã mừng khôn xiết. Vấn đề không phải là tin hay không tin - đơn giản là khi đó tôi cần bám víu vào một cái gì đó, gì cũng được. Hẳn ông Honda biết vậy nên nói thế chỉ là để an ủi tôi. Nhưng hóa ra chẳng có gì đáng để tôi vui. Trở về Nhật rồi, tôi sống như một cái vỏ rỗng. Sống như cái vỏ rỗng thì không phải là sống, dù kéo dài bao nhiêu năm đi nữa. Con tim và xác thịt của một cái vỏ rỗng chẳng sinh ra gì khác hơn là cuộc sống của một cái vỏ rỗng. Đó mới là điều tôi hy vọng làm ông hiểu, thưa ông Okada. - Vậy có phải là sau khi về Nhật ông không hề lấy vợ? - tôi đánh bạo hỏi. - Dĩ nhiên là không, - Trung úy Mamiya đáp. - Tôi không vợ, không cha mẹ, không anh chị em. Tôi hoàn toàn cô độc. Lưỡng lự một hồi, tôi hỏi: - Ông có lấy làm tiếc đã nghe lời tiên báo của ông Honda không? Lần này đến lượt Trung úy Mamiya lưỡng lự. Im lặng một chút, ông nhìn thẳng vào mặt tôi. - Có thể, - ông nói. - Cũng có thể rằng lẽ ra ông ấy không nên nói những lời đó. Có thể rằng lẽ ra tôi đừng bao giờ nghe những lời đó. Như ông Honda đã nói khi ấy, vận mệnh con người thì chỉ có thể về sau nhìn lại chứ không thể nhìn trước được. Tuy nhiên, nay thì tôi nghĩ: đằng nào cũng vậy thôi. Giờ đây tôi chỉ đang thi hành nghĩa vụ của mình, ấy là tiếp tục sống.
Xe buýt đến, Trung úy Mamiya cúi chào tôi thật thấp. Rồi ông xin lỗi đã lấy mất của tôi nhiều thời gian quý báu. - Thôi tôi đi đây, - ông nói. - Xin cảm ơn ông về mọi chuyện. Tôi rất vui vì đã trao được cho ông gói quà của ông Honda. Thế nghĩa là rốt cuộc việc của tôi đã làm xong, tôi có thể yên tâm trở về nhà rồi. Bằng cả bàn tay phải lẫn bàn tay giả, ông khéo léo rút mấy đồng lẻ thả vào hộp thu tiền vé. Tôi đứng nhìn cho tới khi chiếc xe buýt khuất dạng sau góc phố. Khi xe đi rồi, tôi thấy một cảm giác trống rỗng kỳ lạ trong lòng, cảm giác vô vọng như đứa trẻ bị bỏ rơi một mình ở một nơi xa lạ. Về nhà, tôi ngồi trên sofa trong phòng khách mở gói quà đựng kỷ vật của ông Honda. Tôi phải toát mồ hôi mới mở được hết lớp giấy gói này đến lớp giấy gói khác đến khi lộ ra một hộp các tông vuông vức. Đó là một hộp whisky Cutty Sark dùng làm quà tặng, nhưng sao nhẹ bỗng, như không hề đựng chai rượu nào. Tôi mở ra thì thấy bên trong chẳng có gì hết. Hộp trống trơn. Tất cả những gì ông Honda để lại cho tôi là một cái hộp rỗng. -------------------------------- 1 GPU: cơ quan mật vụ Liên Xô trong thời kỳ 1922-1923, viết tắt từ tiếng Nga Gosudarstvennoe politich eskoe upravlenie, tạm dịch Vụ Chính trị Quốc gia, tiền thân của Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) và Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) sau này - ND.