2 Trăng tròn và nhật thực ♦ Về những con ngựa chết trong chuồng Nói cho cùng, liệu người ta có hoàn toàn hiểu nhau không? Chúng ta có thể đầu tư rất nhiều thời gian và công sức hòng hiểu được người khác, nhưng rốt cục chúng ta tiếp cận được tới đâu cái bản chất xấu xa của con người đó? Ta tự thuyết phục mình rằng ta biết rất rõ người kia, nhưng liệu ta có biết được điều gì hệ trọng về một ai đó không? Tôi bắt đầu suy ngẫm những chuyện như vậy một cách nghiêm túc từ khoảng sau khi thôi việc ở công ty luật. Trước đó - suốt khoảng thời gian trước đó của tôi - tôi chưa bao giờ vật lộn với những câu hỏi như thế này. Tại sao nhỉ? Có lẽ vì đối với tôi, nội việc sống thôi, đã đủ lắm rồi. Đơn giản là tôi quá bận bịu nghĩ về bản thân mình. Một sự kiện vặt vãnh đã là cú huých để tôi biết suy ngẫm, nhưng ở đời hầu hết những chuyện hệ trọng nhất đều bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt. Có một buổi sáng nọ, sau khi Kumiko nuốt vội cho xong bữa sáng để đi làm, tôi ném quần áo bẩn vào máy giặt, dọn giường, rửa bát và hút bụi sàn nhà. Sau đó, có con mèo bên cạnh, tôi ra ngoài hiên ngồi đọc các mục quảng cáo tuyển người và rao vặt mua bán. Đến trưa tôi ăn trưa rồi ra siêu thị. Ở đó tôi mua thức ăn dành cho buổi tối rồi mua thuốc tẩy rửa, khăn giấy và giấy vệ sinh ở quầy giảm giá. Lại về nhà, sửa soạn bữa tối rồi nằm xuống ghế sofa đọc sách chờ Kumiko về. Tôi vừa mới thất nghiệp nên cảm thấy sống kiểu này thật thoải mái. Không còn phải tất tả đi làm trên những toa xe điện ngầm lèn cứng như cá hộp, không còn phải gặp những người tôi không muốn gặp. Và hơn hết, tôi có thể đọc bất cứ cuốn sách nào mình thích, bất cứ lúc nào mình muốn. Tôi chả biết cái lối sống phong lưu này sẽ tiếp diễn bao lâu, nhưng ít nhất là lúc này, mới sau một tuần, tôi vẫn còn đang thích thú và cố không nghĩ đến tương lai. Đây là kì nghỉ hè lớn của đời tôi. Sẽ đến lúc nó chấm dứt, nhưng từ giờ tới đó tôi quyết tâm tận hưởng an nhàn. Dù vậy, tối hôm đó tôi không thể đắm mình vào thú vui đọc sách vì Kumiko về muộn. Nàng không bao giờ về muộn quá sáu rưỡi, và nếu cho rằng mình sẽ về muộn dù chỉ mười phút, nàng luôn báo cho tôi biết. Nhưng hôm đó là ngoại lệ. Mãi sau 7 giờ nàng vẫn chưa về, mà cũng không gọi điện. Thịt và rau đã sẵn sàng, chỉ đợi nàng về là tôi sẽ nấu ngay. Chẳng phải tôi định bày vẽ thịnh soạn gì: tôi sẽ chỉ xào mấy lát thịt bò, hành tây, ớt xanh, giá đỗ, thêm ít muối, tiêu, nước tương và một chút bia, đó là món tôi học được từ hồi còn độc thân. Cơm đã chín, xúp miso đương nóng, rau đã thái, xếp gọn từng chồng trên một cái đĩa to, sẵn sàng cho vào chảo. Chỉ còn thiếu mỗi Kumiko. Tôi khá đói nên đã nghĩ đến chuyện tự nấu phần mình rồi ăn trước, nhưng lại thôi. Làm vậy hình như không phải lắm. Tôi ngồi ở bàn bếp, vừa nhấp bia vừa nhai vài cái bánh quy xôđa nhão nhoét tìm được sau tủ bếp. Kim chỉ giờ của đồng hồ nhích tới vị trí bảy giờ rưỡi rồi chầm chậm bò qua. Mãi sau 9 giờ Kumiko mới về. Nàng có vẻ mệt bã người. Mắt nàng đỏ ngầu, sưng húp: dấu hiệu không tốt. Mỗi khi mắt nàng đỏ là y như rằng có chuyện không hay. - Được rồi, - tôi tự nhủ. - Cứ bình thản, đừng nói gì thừa, hãy tự nhiên, hãy làm như không có gì xảy ra. Đừng nổi nóng. - Em xin lỗi, -Kumiko nói. - Cái công việc này thật chẳng ra sao cả. Em đã định gọi cho anh, nhưng chẳng lúc nào bỏ ra được. - Không sao, chuyện vặt ấy mà. Đừng áy náy gì cả, - tôi cố nói bằng giọng càng bình thường càng tốt. Mà thật, tôi cũng chẳng thấy khó chịu gì cho lắm. Chuyện ấy từng xảy ra với tôi hàng bao nhiêu lần. Đi làm đâu có phải là việc nhẹ nhàng gì, đâu có phải an nhàn dễ chịu như ngắt đóa hoa hồng đẹp nhất trong vườn để tặng người bà bị ốm sống cách hai khu phố và nán lại suốt ngày ở bên bà. Hễ đã đi làm, đôi khi ta phải làm những việc tẻ ngắt, phải gặp những người khó chịu, đã thế lại chẳng rảnh phút nào để gọi về nhà. Ba mươi giây là đủ để nói: "Hôm nay anh về muộn", điện thoại thì đâu cũng có, thế mà vẫn không sao gọi được. Tôi bắt đầu nấu nướng: bật bếp gas lên, rót dầu vào chảo. Kumiko lấy một chai bia trong tủ lạnh và một cái cốc trong chạn, nhìn qua những thứ tôi sắp nấu rồi lẳng lặng ngồi xuống bàn bếp. Xem vẻ mặt thì biết nàng uống bia mà chẳng thấy ngon lành gì. - Đáng lẽ anh cứ ăn, đừng đợi em, - nàng nói. - Chả sao cả. Anh cũng không đói lắm. Trong khi tôi xào thịt và rau, Kumiko đi tắm. Tôi nghe tiếng nàng rửa mặt và đánh răng. Lát sau nàng ra khỏi buồng tắm, tay cầm cái gì đó. Ấy là giấy vệ sinh và khăn giấy tôi mua ở siêu thị. - Anh mua cái thứ này làm gì? - nàng hỏi, giọng mệt mỏi. Tay cầm chảo, tôi nhìn nàng. Rồi tôi nhìn xuống hộp khăn giấy và cuộn giấy vệ sinh. Tôi không hiểu nàng muốn nói gì. - Ý em là sao? Thì khăn giấy và giấy vệ sinh thôi mà. Mình cần chứ. Thật ra mấy thứ này ở nhà vẫn còn, nhưng có mua thêm thì để lâu một chút chúng cũng có mục ra đâu. - Dĩ nhiên là không. Nhưng việc gì anh phải mua khăn giấy màu xanh dương và giấy vệ sinh in hoa?
- Anh không hiểu, - tôi nói, cố trấn tĩnh. - Mấy thứ này bán hạ giá. Khăn giấy xanh có làm mũi em xanh lè ra đâu. Có gì to tát cơ chứ? - Có. Em ghét khăn giấy xanh và giấy vệ sinh in hoa. Anh không biết à? - Không, anh không biết. - tôi nói. - Sao em lại ghét? - Làm sao em biết được tại sao em ghét? Em không chịu được, có thế thôi. Anh thì ghét khăn phủ điện thoại, ghét mấy cái chai giữ nhiệt có trang trí hoa, ghét quần bò rách te tua có cúc bấm, ghét em làm móng tay. Anh cũng có nói được tại sao đâu. Đó là ý thích của mỗi người. Thực ra tôi có thể giải thích lý do tất cả những chuyện nàng vừa kể nhưng dĩ nhiên tôi chẳng giải thích gì. - Thôi được, - tôi nói. - Cứ cho đó là ý thích mỗi người. Nhưng liệu em có thể bảo anh rằng suốt sáu năm kể từ ngày mình lấy nhau chưa một lần nào em mua khăn giấy màu xanh hay giấy vệ sinh có in hoa không? - Không bao giờ. Không một lần nào. - Thật chứ? - Thật. Khăn giấy của em chỉ màu trắng, vàng hay hồng thôi. Và em không bao giờ mua giấy vệ sinh có vẽ này vẽ nọ. Em thật sự bị sốc vì anh đã sống với em suốt thời gian qua mà lại không biết chuyện ấy. Bản thân tôi cũng bị sốc khi nhận ra rằng suốt sáu năm qua tôi chưa một lần nào dùng khăn giấy màu xanh hay giấy vệ sinh có vẽ hình. - Và hễ đã nói thì để em nói nốt, - nàng tiếp. - Em ghét cay ghét đắng món thịt bò rán với ớt xanh. Chuyện ấy anh không biết à? - Không, anh không biết. - tôi đáp. - Phải, em ghét cay ghét đắng. Anh cũng đừng hỏi tại sao. Đơn giản là em không chịu nổi mùi của hai thứ nấu trong cùng một chảo. - Em muốn nói là suốt sáu năm qua chưa một lần nào em nấu thịt bò với ớt xanh? Nàng lắc đầu. - Ớt xanh làm rau trộn thì em ăn. Em rán thịt bò với hành. Nhưng em chưa bao giờ nấu thịt bò chung với ớt xanh cả. Tôi thở dài. - Anh chả bao giờ thấy chuyện đó là lạ sao? - nàng hỏi. - Thấy lạ á? Anh chưa bao giờ nhận ra điều đó, - tôi vừa nói vừa ngẫm nghĩ một chút: chẳng lẽ suốt từ khi lấy vợ tôi chưa bao giờ ăn món nào vừa có thịt bò vừa có ớt xanh. Dĩ nhiên là tôi không nhớ nổi. - Anh sống với em ngần ấy năm nhưng có mấy khi quan tâm tới em. Anh chỉ quan tâm tới bản thân mình thôi. - Khoan đã nào, - tôi vừa nói vừa tắt bếp và đặt chảo lên mặt bếp. - Mình không nên lạc đề. Có thể em nói đúng. Có thể anh đã không quan tâm đầy đủ tới những chuyện như khăn giấy hay giấy vệ sinh hay thịt bò và ớt xanh. Nhưng điều đó không có nghĩa là anh chẳng quan tâm gì đến em. Anh cóc cần biết khăn giấy anh dùng có màu gì. Nếu màu đen thì, ờ, chắc cũng hơi rợn một tí, nhưng trắng hay xanh... với anh có khác gì nhau đâu. Thịt bò với ớt xanh cũng vậy. Nấu riêng, nấu chung, việc gì tới anh chứ? Món thịt bò xào với ớt xanh có hoàn toàn biến khỏi trái đất này thì anh cũng chẳng quan tâm. Nó chẳng liên quan gì đến em, đến những gì là tinh tuý của em. Anh nói thế không đúng sao? Thay vì trả lời, nàng nốc hai ngụm hế cốc bia rồi nhìn chăm chăm vào cái chai rỗng. Tôi trút các thứ trong chảo vào thùng rác. Này thì thịt bò, này thì ớt xanh, hành tây, giá đỗ. Lạ thật: mới đây là đồ ăn, nhoáng cái đã thành rác. Tôi mở một chai bia rồi nốc từ cổ chai. - Sao anh làm vậy?
- Em ghét món này lắm mà. - Nhưng lẽ ra anh có thể ăn chứ. - Tự nhiên anh không thích thịt bò xào ớt xanh nữa. - Tuỳ anh thôi, - nàng nhún vai. Nàng khoanh hai tay lên bàn rồi úp mặt vào, ngồi như vậy một hồi lâu. Rõ là nàng không khóc cũng chẳng ngủ. Tôi nhìn cái chảo rỗng trên bếp, nhìn Kumiko rồi nốc cạn cốc bia. Điên rồ quá. Việc gì phải ầm ĩ về chuyện khăn giấy, giấy vệ sinh và ớt xanh cơ chứ? Tôi lại gần vợ, đặt tay lên vai nàng. - Thôi được, - tôi nói. - Anh hiểu rồi. Anh sẽ không bao giờ mua khăn giấy xanh hay giấy vệ sinh in hoa nữa. Mai anh sẽ mang trả lại siêu thị và đổi hàng khác. Nếu họ không chịu đổi, anh sẽ đốt ở ngoài sân. Anh sẽ ném tro xuống biển. Cũng sẽ không bao giờ có món thịt bò và ớt xanh nữa. Không bao giờ nữa. Chẳng mấy chốc mùi cũng sẽ bay đi, và chúng mình cũng sẽ không bao giờ nghĩ tới chuyện này nữa. Đồng ý nhé? Nhưng nàng vẫn chẳng nói gì. Tôi ước gì có thể ra ngoài đi dạo chừng một giờ, trở về thì thấy nàng đã vui vẻ lại, nhưng tôi biết chuyện đó sẽ không xảy ra đâu. Tôi phải tự giải quyết chuyện này thôi. - Nghe này, em mệt rồi, - tôi nói. - Nghỉ một chút đi, rồi chúng mình đi đâu đó ăn pizza. Lần cuối mình ăn pizza là khi nào nhỉ? Ăn với cá trồng và hành. Mình sẽ gọi một suất chia đôi. Lâu lâu tự cho phép mình ra ngoài ăn hàng một lần thì cũng có sao đâu. Vẫn không ăn thua. Nàng vẫn gục mặt xuống hai cánh tay. Tôi chẳng biết nói gì nữa. Tôi ngồi xuống nhìn nàng từ phía bên kia bàn. Một tai nàng lộ ra qua mái tóc đen cắt ngắn. Nó có đeo một chiếc hoa tai mà tôi chưa bao giờ thấy, một cái hoa tai nhỏ bằng vàng hình con cá. Nàng mua ở đâu ra cái của này vậy? Tôi muốn hút thuốc. Tôi hình dung mình rút gói thuốc và bật lửa ra khỏi túi quần, lấy một điếu đút vào mồm, châm lửa. Tôi hít vào một hơi đầy phổi và đột nhiên cảm thấy cái mùi gắt của thịt bò xào rau. Tôi đói cồn cào cả ruột gan. Mắt tôi bắt gặp tấm lịch trên tường. Tấm lịch này cho biết các tuần trăng. Sắp đến tuần trăng tròn. Ừ thì dĩ nhiên: sắp đến kỳ kinh nguyệt của Kumiko. Chỉ từ khi thành người có vợ tôi mới thật sự ngộ ra rằng mình là một công dân của Trái đất, hành tinh thứ ba trong hệ mặt trời. Tôi sống trên trái đất, trái đất quay quanh mặt trời, và quay quanh trái đất là mặt trăng. Dù ta có muốn hay không, điều đó sẽ tiếp diễn vĩnh viễn (hay ít nhất là cái gọi là vĩnh viễn khi so sánh với cuộc đời tôi). Điều đã khiến tôi đâm ra nhìn sự vật theo cách đó chính là chu kỳ kinh nguyệt tuyệt đối chính xác của vợ tôi, hai mươi chín ngày, lại trùng khớp hoàn toàn với chu kỳ trăng khuyết trăng tròn. Những ngày có kinh của Kumiko luôn thật khổ sở. Từ mấy ngày trước đó nàng đã trở nên bất an, thậm chí trầm uất. Vì vậy chu kỳ của nàng cũng trở thành chu kỳ của tôi, mặc dù nó chỉ liên quan với tôi một cách gián tiếp. Tôi phải cẩn thận không gây những phiền phức không cần thiết vào những ngày đó trong mỗi tháng. Trước khi chúng tôi lấy nhau, tôi chả mấy khi nhận thấy chu kỳ của mặt trăng. Nó có thể lọt vào mắt tôi khi tôi nhìn lên bầu trời, nhưng tôi không hề bận tâm đến hình dạng của nó vào lúc này hay lúc khác. Nay thì tôi luôn luôn để ý theo dõi hình dáng của mặt trăng. Tôi từng gần gũi vài phụ nữ trước khi gặp Kumiko, dĩ nhiên mỗi người đều có kỳ kinh nguyệt riêng. Ở vài người kỳ kinh nguyệt diễn ra rất nhọc nhằn, vài người khác thì nhẹ không, có người chỉ ba ngày là xong, người khác phải một tuần; có người đều đặn, có người lại muộn những 10 ngày khiến tôi sợ chết khiếp; người này khi có kinh thì đâm bẳn tính, người khác hầu như không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, trước khi cưới Kumiko, tôi chưa hề sống với một phụ nữ nào. Cho tới khi đó, vòng tuần hoàn của tự nhiên đối với tôi chỉ có nghĩa là bốn mùa thay đổi. Mùa đông tôi mặc áo khoác, mùa hè tôi đi dép lê. Từ khi lấy vợ, tôi không chỉ có một người chung sống mà còn có thêm một ý niệm mới về tính tuần hoàn: chu kỳ của mặt trăng. Chỉ có một lần nàng bị rối loạn kinh nguyệt trong vòng vài tháng; đó là khi nàng có thai. - Em xin lỗi, - nàng ngẩng lên nói. - Em không có ý trút hết mọi chuyện lên đầu anh. Em mệt quá, với lại tâm trạng không thoải mái. - Không sao đâu, - tôi nói. - Đừng nghĩ ngợi gì cả. Mỗi khi mệt mỏi thì cũng nên xả vào một ai đó. Rồi em sẽ thấy dễ chịu hơn. Kumiko chầm chậm hít vào một hơi dài, nén lại một lát rồi thở ra. - Còn anh thì sao? - nàng hỏi. - Thì sao là thế nào? - Mỗi khi anh mệt, anh chẳng bao giờ xả vào ai cả. Còn em thì có, tại sao vậy? - Anh chẳng bao giờ nhận ra điều ấy, - tôi lắc đầu. - Lạ thật.
- Chắc là bên trong anh có một cái giếng sâu, anh hét xuống giếng: "Nhà vua có tai lừa !", thế là mọi chuyện ổn cả. Tôi nghĩ một chút. - Có thể, - tôi đáp. Kumiko lại nhìn cái chai rỗng. Nàng nhìn chăm chăm vào nhãn chai, sau đó nhìn cổ chai, rồi xoay xoay cổ chai trong mấy ngón tay. - Em xắp có kinh, - nàng nói. - Có lẽ vì vậy mà em khó chịu. - Anh biết. Đừng lo nghĩ về chuyện đó. Em không phải là kẻ duy nhất đâu. Hàng lô ngựa cũng chết vào đêm trăng tròn đấy. Nàng nhấc tay khỏi chai, há hốc mồm nhìn tôi. - Này, sao tự dưng anh lôi chuyện ngựa nghẽo gì đó ra đây thế? - Hôm nọ anh đọc trong báo mà. Anh đã định kể cho em nghe nhưng quên mất. Đấy là bài phỏng vấn một bác sỹ thú y. Hóa ra, ngựa là loài bị ảnh hưởng ghê gớm bởi chu kỳ của mặt trăng, cả về thể chất lẫn tâm lý. Mỗi khi sắp đến kỳ trăng tròn, dao động não của chúng trở nên tán loạn, chúng lại còn bị đủ thứ triệu chứng khó ở. Thế rồi, vào đúng đêm trăng tròn, nhiều con ngã bệnh, nhiều con nữa lăn ra chết. Không ai biết vì sao, nhưng số liệu thống kê chứng minh là chuyện đó có. Vào các đêm trăng tròn, bác sỹ thú ý chẳng có thì giờ đâu mà ngủ vì nhiều việc quá. - Thú vị nhỉ, - Kumiko nói. - Nhưng nhật thực lại càng tệ hơn. Chẳng thiếu gì thảm kịch cho lũ ngựa. Em không thể hình dung số ngựa chết vào ngày nhật thực toàn phần đâu. Dù sao đi nữa, điều anh muốn nói là ngay lúc này đây, ngựa đang chết ở khắp nơi trên thế giới. So với chuyện đó thì chuyện em trút nỗi bực dọc lên người khác chẳng có gì là ghê gớm cả. Vì vậy đừng bận tâm làm gì. Hãy nghĩ về lũ ngựa bất hạnh kia. Hãy hình dung chúng nằm trên ổ rơm chuồng ngựa dưới ánh trăng tròn, sùi bọt mép, mồm ngáp ngáp trong cơn hấp hối. Nàng có vẻ nghĩ ngợi một chút về những con ngựa đang chết trong chuồng. - Thôi được, - nàng nói với giọng nhượng bộ. - Em phải thừa nhận là anh có thể thuyết phục bất cứ ai về bất cứ chuyện gì. - Vậy em thay đồ đi, rồi mình đi ăn pizza. Đêm đó, nằm bên Kumiko trong căn phòng ngủ tắt đèn, tôi nhìn lên trần nhà và tự hỏi mình thực sự biết những gì về người phụ nữ này. Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng. Nàng đang ngủ say. Trong bóng tối, tôi nghĩ về những cái khăn giấy màu xanh dương và giấy vệ sinh in hoa, về thịt bò và ớt xanh. Tôi đã sống với nàng suốt thời gian qua mà không hề biết nàng ghét những thứ đó đến nhường nào. Tự thân chúng chẳng có gì quan trọng hết. Thật ngu xuẩn. Lẽ ra phải cười xòa rồi quên đi, đừng nên chuyện bé xé to. Toàn những điều vặt vãnh, chỉ hai ba hôm là ta sẽ quên béng đi ngay. Nhưng chuyện này thì khác. Có cái gì đó mới mẻ, không bình thường, nó làm tôi bứt rứt như một mẩu xương cá hóc trong cuống họng. Có thể - chỉ là có thể thôi - chuyện này quan trọng hơn tôi tưởng nhiều. Hoàn toàn có thể là một cái gì đó thật nguy hại. Hay thậm chí đây chỉ mới là khởi đầu ột cái gì đó thật sự nghiêm trọng và bi thảm. Có thể tôi đang đứng trước ngưỡng cửa một cái gì đó lớn lao mà trong đó là một thế giới chỉ thuộc về Kumiko thôi, một thế giới mênh mông mà tôi chưa hề biết. Tôi thấy nó như một căn phòng rộng, tối tăm. Tôi đứng đó tay cầm một cái bật lửa, ngọn lửa bé tí của nó chỉ soi cho tôi thấy một phần rất nhỏ của căn phòng. Liệu có thể nào tôi nhìn thấy phần còn lại không? Hay là cho đến già, đến khi xuống lỗ tôi vẫn chẳng bao giờ thực sự biết được vợ mình? Nếu quả thật đời tôi sẽ thế thì cái cuộc sống vợ chồng này có ý nghĩa gì cơ chứ? Cuộc đời tôi có ý nghĩa gì nếu suốt đời tôi ngủ chung giường với một người đàn bà xa lạ vẫn hoàn xa lạ. ° ° ° Đó là những gì mà suốt đêm đó tôi nghĩ miên man và sau đó thỉnh thoảng vẫn tiếp tục miên man nghĩ. Chỉ rất lâu sau tôi mới vỡ ra rằng mình đã tìm được đường đến tận cốt lõi của vấn đề. 3 Cái mũ của Malta Kano ♦ Màu kem quả, Allen Ginsberg và các hiệp sĩ Thập tự chinh Tôi đang làm bữa trưa thì điện thoại reo. Tôi vừa cắt hai lát bánh mì, phết bơ và mù tạc, kẹp mấy lát cà chua và pho mát vào giữa, đặt cả lên thớt và đang sắp sửa dùng dao cắt làm đôi thì chuông điện thoại vang lên. Tôi để điện thoại reo ba tiếng rồi mới cắt chiếc sandwich làm đôi. Sau đó tôi đặt hai nửa bánh vào đĩa, lau sạch dao, đặt vào ngăn để dao, rồi rót một cốc cà phê vừa mới đun. Điện thoại vừa reo. Dễ đến mười lăm lần. Tôi chịu thua, đành ra nghe máy. Tôi chẳng thích trả lời, nhưng nhỡ người gọi là Kumiko thì sao.
- Alô, - ở đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ mà tôi chưa hề nghe. Không phải giọng Kumiko, cũng không phải giọng người đàn bà lạ đã gọi tôi hôm nọ khi tôi đang nấu dở món spaghetti. - Chẳng hay có phải tôi đang nói chuyện với ông Toru Okada không ạ? - giọng kia nói, như thể chủ nhân của nó đang đọc thành tiếng một văn bản đã soạn sẵn. - Đúng rồi, - tôi đáp. - Ông là chồng của Okada Kumiko phải không ạ? - Đúng, Okada Kumoko là vợ tôi. - Và anh trai của bà Okada là Wataya Noburu? - Lại đúng nữa, - tôi nói, tỏ ra tự chủ đến đáng khâm phục. - Wataya Noburu là anh trai của vợ tôi. - Thưa ông, tôi tên là Kano. Tôi đợi cô ta nói tiếp. Việc cô ta bất ngờ nhắc tới anh trai của Kumiko khiến tôi phải cảnh giác. Tôi lấy cái đầu cùn của cây bút chì đặt cạnh điện thoại mà gãi sau cổ. Năm giây hay hơn thế trôi qua, người đàn bà im lặng. Hoàn toàn không có âm thanh gì phát ra từ ống nghe, như thể người đàn bà kia đã lấy khăn tay bịt ống nói để nói chuyện với người bên cạnh. - Alô, - tôi nói, giờ đã hơi bồn chồn - Xin ông thứ lỗi, - giọng nói lại bật lên. - Trong trường hợp đó tôi xin phép được gọi lại ông sau. - Này, đợi đã, - tôi nói. - Đây là... Ngay khi đó cô ta gác máy. Tôi nhìn cái ống nghe, rồi lại áp vào tai. Chẳng nghi ngờ gì nữa: người đàn bà đã gác máy. Cảm thấy bất mãn một cách mơ hồ, tôi trở lại bàn bếp uống cà phê, ăn bánh sandwich. Trước khi điện thoại reo tôi đang nghĩ về chuyện gì đó, nhưng giờ thì chịu không nhớ nỗi là chuyện gì. Ban nãy khi cầm dao sắp sửa cắt bánh làm đôi, nhất định là tôi đang nghĩ về một điều gì đó. Một điều rất quan trọng. Một điều mà đã bao lâu nay tôi cố nhớ nhưng hoài công. Nó đã nảy ra trong đầu tôi đúng vào khoảnh khắc tôi sắp cắt bánh làm đôi, nhưng giờ nó đã lại biến mất. Tôi vừa nhai sandwich vừa ra sức khơi lại điều đó, nhưng vô ích. Nó đã quay về vùng âm u trong ký ức tôi, nơi nó vẫn hằng nằm yên cho đến khoảnh khắc đó. ° ° ° Tôi vừa ăn xong và đang rửa bát thì điện thoại lại reo. Lần này tôi nhấc máy ngay. Một lần nữa tôi lại nghe giọng nữ nói "Alô", nhưng lần này là Kumiko. - Anh sao rồi?, - nàng hỏi. - Ăn trưa chưa? - Rồi. Em thì ăn gì? - Chẳng ăn gì cả, - nàng đáp. - Bận túi bụi. Chắc em sẽ mua sandwich sau vậy. Anh ăn gì? Tôi mô tả cái sandwich của mình. - Hiểu rồi, - nàng nói, không một chút ghen tị. - À, tiện thể, có chuyện này suýt nữa em quên bảo anh sáng nay. Hôm nay sẽ có một cô Kano nào đó gọi điện cho anh. - Cô ta gọi rồi, - tôi nói. - Vừa gọi xong. Cô ta chỉ toàn kể tên nhà mình - tên anh, tên em, tên ông anh trai em. Chẳng nói cô ta muốn gì. Thế là thế nào vậy? - Cô ta gác máy à? - Bảo là sẽ gọi lại. - Nghe này! Khi nào cô ta gọi lại, em muốn anh làm tất cả những gì cô ta bảo. Điều này thật sự quan trọng đấy. Em nghĩ là anh sẽ phải đi gặp cô ta.