Đi theo con ngõ về đến nhà, tôi vào buồng tắm đánh răng. Mặt tôi lởm chởm râu mấy ngày chưa cạo. Tôi trông cứ như một nạn nhân đắm tàu vừa được cứu sống. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi để râu mọc dài đến vậy. Tôi chợt nghĩ vẩn vơ không biết có nên để dài vậy không, nhưng rồi ngẫm lại tôi quyết định cạo. Chẳng hiểu vì lý do gì, tôi cảm thấy cứ để nguyên khuôn mặt như lúc Kumiko bỏ đi thì hơn.
Tôi làm mềm râu bằng khăn tắm nhúng nước ấm rồi thoa lên râu một lớp kem dày. Sau đó tôi bắt đầu cạo, chậm rãi, cẩn thận, cố tránh làm xước mặt: đầu tiên là cằm, kế đó là má trái, rồi đến má phải. Sau khi cạo xong má phải, điều tôi nhìn thấy trong gương làm tôi nghẹn thở. Trên má phải tôi có một vết xanh đen không hiểu là gì. Thoạt tiên tôi nghĩ chắc mình ngẫu nhiên bị một vết bẩn. Tôi lau sạch chỗ kem cạo râu còn sót lại rồi rửa mặt kỹ bằng xà bông và nước, đoạn lấy vải nỉ xát lấy xát để lên chỗ bẩn. Nhưng vết bẩn không chịu đi. Dường như nó đã ăn sâu vào da. Tôi đưa ngón tay miết lên. Chỗ da đó nghe như ấm hơn một chút so với những chỗ còn lại trên mặt, ngoài cái đó ra thì chẳng có cảm giác gì đặc biệt. Nó là một vết bầm. Tôi đang mang trên má một vết bầm đúng ở nơi tôi đã cảm thấy nóng khi còn ở dưới giếng.
Tôi đưa mặt sát vào gương, xem xét vết bầm hết sức cẩn thận. Nó nằm ngay gần xương hàm, kích thước bằng bàn tay đứa trẻ sơ sinh. Nó có màu xanh dương thẫm gần như đen, giống màu mực Mont Blanc xanh đen mà Kumiko luôn dùng.
Có thể giải thích rằng đây là do dị ứng da. Hẳn tôi đã tiếp xúc với một cái gì đó ở dưới giếng khiến da rộp lên. Nhưng ở dưới đáy giếng kia làm gì có một thứ nào có thể gây chuyện ấy chứ? Tôi đã dùng đèn pin kiểm tra cẩn thận từng li từng tí một dưới đáy giếng, ở đó ngoài nền đất và vách giếng ra nào có gì đâu. Vả lại, có bao giờ dị ứng hay viêm da mà lại thành một vết bầm hình thù rõ rệt như thế không?
Một cơn hoảng loạn nhẹ trùm lấy tôi. Trong khoảnh khắc tôi mất hết cảm giác về phương hướng, như một cơn sóng lớn dập lên ta trên bãi biển cuốn ta đi vậy. Khăn mặt rơi khỏi tay tôi. Tôi va phải cái sọt rác, vấp chân vào cái gì đó trên sàn, lẩm bẩm một hồi những âm tiết vô nghĩa. Nhưng rồi tôi cố trấn tĩnh, tựa người vào bồn rửa mặt, cố bình tĩnh suy nghĩ xem phải đối phó ra sao với sự kiện này.
Việc tốt nhất tôi có thể làm trước mắt là đợi xem sao. Đi bác sĩ thì lúc nào chẳng được. Có thể đây chỉ là một tình trạng nhất thời, tự nó sẽ khỏi, giống như da bị rộp vì gặp véc ni vậy. Nó chỉ mới hình thành cách đây mấy hôm, nên có khi nó cũng sẽ biến mất nhanh vậy thôi. Tôi xuống bếp pha ít cà phê. Tôi đói, nhưng cứ hễ thử ăn gì đó là cảm giác thèm ăn lại biến mất như nước trong tay vậy.
Tôi duỗi dài trên sofa, nhìn mưa bắt đầu rơi. Chốc chốc tôi lại xuống buồng tắm nhìn vào gương, nhưng chẳng thấy vết bầm có thay đổi gì. Nó đã nhuộm chỗ đó trên má tôi thành một màu xanh thẫm, gần như là đẹp.
Nghĩ lại, tôi thấy chỉ một chuyện duy nhất có thể là nguyên nhân gây ra cớ sự này, ấy là trong cơn ảo giác như giấc mơ trước bình minh khi tôi còn ở dưới giếng, lúc người đàn bà trên điện thoại đi trước dắt tay tôi, tôi đã đi xuyên qua tường. Cô ta đã kéo tôi xuyên qua tường để chúng tôi thoát khỏi kẻ nào đó nguy hiểm vừa mở cửa và đang bước vào phòng. Đúng khoảnh khắc đi qua tường, tôi đã có cảm giác rõ rệt rằng má mình nóng ran lên, ở chính nơi mà bây giờ có vết bầm. Dĩ nhiên, giữa việc tôi đi qua tường với việc hình thành vết bầm trên má tôi có mối liên hệ nhân quả nào thì chưa giải thích được.
Gã đàn ông không mặt đã nói với tôi nơi tiền sảnh khách sạn. "Đây không phải lúc," hắn đã cảnh cáo tôi. "Ông không nên có mặt ở đây". Nhưng tôi đã lờ đi lời cảnh cáo của hắn mà cứ dấn tới. Tôi đang căm giận Wataya Noboru, giận chính cơn bối rối của mình. Và có lẽ hậu quả là tôi mang vết bầm này.
Trên vết bầm này có thể có một dấu triện mà giấc mơ hay cơn ảo giác hay cái gì gì đó để lại. Đây không phải là giấc mơ, chúng nói với tôi vậy qua vết bầm. Chuyện đó thật sự đã xảy ra. Từ nay trở đi, mỗi khi nhìn vào vết bầm, mi sẽ buộc phải nhớ đến nó.
Tôi lắc đầu. Quá nhiều chuyện chưa giải thích nổi. Điều duy nhất tôi hiểu rõ, đó là tôi tuyệt không hiểu gì hết. Một cơn giần giật âm ỉ bắt đầu nổi lên trong đầu tôi. Tôi không thể nghĩ ngợi gì nữa. Tôi chẳng thấy muốn làm bất cứ việc gì. Tôi nhấp một ngụm cà phê âm ấm rồi lại nhìn ra ngoài mưa.
° ° °
Chiều hôm đó tôi gọi điện thoại cho cậu tôi để tán chuyện. Tôi cần phải nói chuyện với ai đó - bất kỳ ai cũng được - về cảm giác hiện giờ của tôi, rằng mình đang bị kéo xa dần khỏi thế giới thực tại.
Khi ông cậu hỏi Kumiko dạo này thế nào, tôi nói nàng vẫn khỏe, rồi thôi. Sau đó tôi nói thêm rằng nàng đang đi công tác ngắn hạn. Thật ra tôi cũng có thể kể thật sự tình với ông, nhưng diễn đạt có đầu có đuôi cho người khác hiểu về một chuyện vừa mới xảy ra là việc bất khả thi. Chính mình cũng chưa rõ lắm thì làm sao giải thích cho người khác rõ được? Tôi quyết định tạm thời chưa nói sự thật cho ông cậu biết.
- Cậu đã từng sống trong căn nhà này phải không ạ? - tôi hỏi.
- Có chứ, - ông đáp. - Sáu bảy năm gì đó. Khoan đã nào... Cậu mua cái nhà ấy hổi cậu ba mươi lăm tuổi rồi sống ở đấy đến năm bốn mươi hai tuổi. Vậy là bảy năm. Đến khi lấy vợ thì cậu chuyển sang căn hộ bây giờ. Suốt bảy năm đó cậu sống có một mình.
- Cháu đang tự hỏi không biết có chuyện gì chẳng lành xảy ra với cậu trong thời gian sống ở đây không?
- Chuyện chẳng lành? Kiểu như chuyện gì?
- Tỉ như là cậu bị bệnh hay phải chia tay cô nào đó chẳng hạn.
Cậu tôi phá lên cười ha hả.
- Cậu đã chia tay không chỉ một cô, chuyện đó thì chắc rồi. Nhưng không phải chỉ khi cậu sống ở đó. Hà, cậu thấy chuyện đó có gì là chẳng lành đâu. Nói thật với cháu, cậu chả tiếc cô nào cả. Còn bệnh ấy à... Chà. Không, bệnh cũng không. Có chăng là cái bướu gì đó mọc sau cổ, phải mổ lấy ra, nhưng chỉ thế thôi. Cậu đi cắt tóc, thợ họ phát hiện ra và bảo phải mổ ngay cho an toàn. Thế là cậu đi bác sĩ, nhưng hóa ra chẳng có gì ghê gớm hết. Đó là lần đầu cậu đi bác sĩ trong suốt thời gian sống ở nhà đó, mà cũng là lần cuối. Có khi cậu phải đòi lại tiền bảo hiểm y tế ấy chứ!
- Vậy là cậu chẳng có ký ức không vui nào về cái nhà này phải không?
- Không, không, - cậu tôi nghĩ một chút rồi nói. - Nhưng sao bỗng dưng cháu hỏi thế?
- Không có gì đâu ạ, - tôi đáp. - Hôm nọ Kumiko có gặp một thầy bói, ông ta kể cho cô ấy chẳng biết bao nhiêu chuyện về cái này, nào là nó xui xẻo, xúi quẩy, kiểu kiểu thế, - tôi nói dối. - Cháu thì nghĩ toàn là bốc phét thôi, nhưng cháu đã hứa sẽ hỏi cậu xem sao.
- Hừm... Người ta gọi là gì nhỉ? Phong thủy hay địa mạch gì gì ấy... Cậu chả rành mấy chuyện đó đâu. Nhưng cậu đã sống ở nhà đó, thấy mọi chuyện đều ổn, chẳng có vấn đề gì. Dĩ nhiên nhà Miyawaki thì khác hẳn, nhưng cháu thì ở khá xa nhà ấy mà.
- Sau khi cậu dọn đi thì đã có những ai đến sống ở đây hở cậu? - tôi hỏi.
- Xem nào, sau cậu thì có một thầy giáo cùng gia đình ở đấy trong ba năm, sau đó thì một cặp vợ chổng trẻ ở trong năm năm. Anh chồng kinh doanh gì đó, nhưng cậu không nhớ là ngành gì. Cậu không dám chắc ai cũng sống vui vẻ hạnh phúc trong căn nhà đó, bởi cậu có một đại lý bất động sản chuyên quản lý căn nhà đó thay cho cậu mà. Cậu chẳng bao giờ gặp những người đó, cũng không biết vì sao họ dọn đi, nhưng cậu chưa bao giờ nghe có chuyện gì chẳng lành xảy ra với ai. Cậu chỉ nghĩ chắc tại nhà hơi nhỏ đối với họ nên họ muốn xây nhà riêng cho mình, thế thôi.
- Có người bảo cháu rằng dòng chảy của nơi này bị ngăn trở. Nghe thế cậu có đoán ra gì không ạ?
- Dòng chảy bị ngăn trở á?
- Cháu cũng không hiểu nói thế nghĩa là thế nào. Người ta bảo thế thôi.
Cậu tôi ngẫm nghĩ một chút.
- Không, cậu không đoán ra gì cả. Nhưng cái ngõ mà người ta rào cả hai đầu lại thì có lẽ chẳng hay gì. Đường đi mà đầu vào chẳng có đầu ra cũng không thì lạ lắm, cứ nghĩ mà xem. Nguyên lý cơ bản của đường đi hoặc sông ngòi là phải chảy. Ngăn lại là chúng sẽ ngưng trệ ngay.
- Cháu hiểu, - tôi nói. - Giờ có một chuyện nữa cháu muốn hỏi cậu. Cậu có bao giờ nghe tiếng kêu của con chim vặn dây cót trong khu này không?
- Chim vặn dây cót? - cậu tôi hỏi. - Nó là cái gì vậy?
Tôi liền giải thích cho cậu về con chim vặn dây cót, rằng nó hay đậu trên cây sau nhà mỗi ngày một lần mà kêu nghe như đang vặn dây cót.
- Cậu không biết, - ông nói. - Cậu chả bao giờ nhìn hay nghe thấy cái gì như vậy cả. Cậu vốn thích chim, lúc nào cũng luôn chú ý nghe chúng hót, nhưng đây là lần đầu tiên cậu nghe nói về cái giống chim ấy. Ý cháu là nó có liên hệ gì đó với căn nhà à?
- Không, liên hệ thì cũng không hẳn. Cháu chỉ muốn biết cậu đã bao giờ nghe tiếng nó không thôi.
- Này cháu, nếu cháu thật sự muốn biết rõ về những chuyện này - tỉ như ai đã sống ở nhà đó sau cậu hay gì gì đó - thì hãy đi hỏi già Ichikawa, đại lý bất động sản ở gần nhà ga ấy. Đó là Công ty bất động sản Setagaya Dai-ichi. Cứ bảo ông ấy là cậu giới thiệu cháu đến. Ông ấy trông coi cái nhà ấy cho cậu đã nhiều năm nay. Ông ấy sống ở khu này từ lâu lắm rồi, nên có thể kể với cháu bất cứ chuyện gì cháu muốn biết. Chính ông ấy kể cho cậu nghe chuyện nhà Miyawaki mà. Ông ấy là kiểu người già ham chuyện, cháu nên đến gặp ông ấy đi.
- Cám ơn cậu, cháu sẽ đến, - tôi nói.
- Thế chuyện tìm việc thì ra sao rồi?
- Chưa ra sao cả ạ. Thú thực với cậu, cháu cũng không cố tìm lắm. Kumiko đi làm, cháu thì lo việc nhà, tạm thời vẫn xoay xở được.
Cậu tôi hình như ngẫm nghĩ gì đó một chút. Rồi ông nói:
- Khi nào có chuyện gì cháu không giải quyết được thì cho cậu biết. Có thể cậu sẽ giúp được cháu một tay.
- Cám ơn cậu, - tôi nói. - Cháu sẽ làm thế.
Đến đây cuộc trò chuyện chấm dứt.
Tôi đã định gọi điện cho ông già làm đại lý bất động sản để hỏi về lai lịch căn nhà này và những người từng sống ở đây trước tôi, nhưng nội nghĩ đến chuyện vớ vẩn đó thôi cũng đã thấy buồn cười rồi. Tôi quyết định thôi không gọi nữa.
Mưa rơi rả rích suốt buổi chiều, làm ướt những mái nhà, ướt cây cối ngoài vườn, ướt đất. Tôi ăn trưa bằng bánh mì với xúp rồi suốt buồi chiều chỉ nằm trên sofa. Tôi muốn đi mua sắm chút đỉnh, nhưng nghĩ đến vết bầm trên má tôi lại do dự. Tôi lấy làm tiếc đã không để râu cứ mọc dài ra. Tôi vẫn còn ít rau củ trong tủ lạnh, một ít đồ hộp trong chạn. Tôi còn gạo, còn trứng. Nếu không đòi hỏi gì nhiều thì tôi vẫn đủ cái ăn trong hai ba ngày nữa.
Nằm trên sofa, tôi không nghĩ gì hết. Tôi đọc sách, nghe nhạc cổ điển, ngắm mưa rơi ngoài vườn. Khả năng tư duy của tôi hình như đã tụt xuống mức thấp chưa từng có, hẳn vì tôi đã tập trung suy nghĩ quá cao độ một thời gian dài dưới đáy giếng tối bưng. Cứ hễ tôi cố nghĩ đến điều gì đó một cách nghiêm túc là trong đầu lại đau âm ỉ, cứ như bị kẹp vào giữa một cái êtô có đệm mút vậy. Còn mỗi khi cố nhớ lại một cái gì đó là từng cơ bắp, từng dây thần kinh trên người tôi lại như kêu ken két vì phải gắng sức. Tôi cảm thấy như mình đã biến thành gã người thiếc trong truyện Phù thuỷ xứ Oz1, các khớp tôi đang han gỉ cần phải tra dầu.
Chốc chốc tôi lại đến bồn rửa mặt kiểm tra vết bầm trên mặt, nhưng nó vẫn không thay đổi. Nó không lan ra cũng không co lại. Màu xanh đen của nó không thẫm hơn cũng không nhạt hơn. Mãi tôi mới nhận ra mình đã bỏ sót không cạo một ít râu nơi môi trên. Vì quá bối rối khi phát hiện vết bầm trên má phải, tôi đã quên cạo nốt cho xong. Tôi lại rửa mặt, phết kem rồi cạo hết chỗ râu còn lại.
Trong những lần đi soi gương như vậy, tôi nghĩ đến những gì Kano Malta đã nói qua điện thoại: rằng tôi phải cẩn thận, rằng qua kinh nghiệm ta đi đến chỗ tin rằng hình ảnh trong gương là thật. Để cho chắc, tôi vào phòng ngủ soi mặt mình trong tấm gương to bằng thân người mà Kumiko vẫn dùng mỗi khi thay đồ. Nhưng vết bầm vẫn ở đó. Vậy không phải vì gương mới thành vết bầm.
Tôi không thấy gì khác thường về vật lý ngoại trừ vết bầm. Tôi đo thân nhiệt mình, thấy vẫn bình thường. Ngoài chuyện tôi không đói lắm dù đã gần ba ngày không có gì vào bụng và ngoài chuyện thỉnh thoảng hơi buồn nôn (có lẽ chỉ là tiếp diễn triệu chứng tôi đã bị từ lúc ở dưới giếng) thì thân thể tôi hoàn toàn bình thường.
Buổi chiều thật êm ả. Điện thoại không hề reo. Chẳng có thư nào đến. Không ai bước xuống ngõ. Chẳng giọng hàng xóm nào quấy rầy sự tĩnh mịch. Chẳng con mèo nào băng qua vườn, chẳng con chim nào tới hót. Thi thoảng có con ve sầu kêu, nhưng không rền vang như mọi khi.
Chưa tới 7 giờ tôi bắt đầu thấy đói, bèn làm bữa tối gồm thức ăn đóng hộp và rau. Tôi nghe tin buổi chiều trên radio, đã lâu lắm rồi tôi không làm chuyện này, nhưng chẳng có gì đặc biệt xảy ra trên thế giới. Có vài trẻ vị thành niên nào đó chết vì tai nạn ô tô trên đường cao tốc, người lái xe của bọn họ cố vượt một xe khác nhưng không được nên đâm luôn vào tường. Giám đốc và nhân viên chi nhánh một ngân hàng lớn bị cảnh sát điều tra vì một vụ cho vay bất hợp pháp. Một bà nội trợ ba mươi sáu tuổi ở Machida bị một thanh niên dùng búa đánh chết ngoài phố. Nhưng tất cả chỉ là những sự kiện từ một thế giới khác, xa xôi. Điều duy nhất đang diễn ra trong thế giới của tôi là mưa rơi ngoài vườn. Vô thanh. Dịu nhẹ.
Khi đồng hồ chỉ 9 giờ, tôi chuyển từ sofa lên giường, đọc hết chương sách đang đọc dở rồi tắt đèn đi ngủ.
Nửa đêm tôi giật thót mình thức dậy giữa chừng một giấc mơ nào đó. Tôi không nhớ được chuyện gì đang xảy ra trong mơ, nhưng có điều chắc rằng giấc mơ đầy căng thẳng, vì tim tôi đang đập thình thịch. Phòng vẫn tối như mực. Tôi thức dậy một hồi mà không nhớ nổi mình đang ở đâu. Phải lát sau tôi mới nhận ra mình đang ở nhà mình, nằm trên giường mình. Kim đồng hồ báo thức cho thấy chỉ mới hơn 2 giờ sáng. Thói quen ngủ bất thường của tôi khi còn ở dưới giếng hẳn là nguyên nhân của cái chu kỳ ngủ rồi lại thức không sao đoán trước được này. Khi đã hết bần thần, tôi thấy buồn tiểu. Có lẽ vì uống bia. Giá như có thể thì tôi chỉ muốn ngủ lại, nhưng không cách nào ngủ lại được. Khi rốt cuộc tôi đành chấp nhận thực tế đó mà ngồi dậy trên giường, tay tôi chạm phải làn da người đang ngủ cạnh tôi. Điều đó chả làm tôi ngạc nhiên. Bao giờ Kumiko cũng ngủ ở đó. Nhưng rồi tôi sực nhớ Kumiko không còn ở với tôi nữa. Nàng bỏ đi rồi. Một người khác đang ngủ cạnh tôi.
Tôi nín thở bật đèn ngủ. Đó là Kano Creta.
- -------------------------------
1The Wizard of Oz, tác phẩm lừng danh viết cho thiếu nhi của L. Frank Baum, minh họa của W. W. Denslow, ấn hành lần đầu năm 1900. Chuyện kể về cuộc phiêu lưu của cô bé Dorothy ở xứ sở hư cấu Oz. Từng được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhiều lần được dựng thành nhạc kịch và phim trong đó có bộ phim vào hàng kinh điển dựng vào thời "hoàng kim" của Hollywood (1939). ND.