Giám đốc vườn thú đưa cho viên trung uý bản danh sách cần "loại bỏ khẩn cấp" mà ông đã lập ra theo chỉ thị, cùng với một tấm bản đồ vườn thú. Viên bác sĩ thú y có vết bầm trên má cùng hai công nhân người Trung Hoa được giao nhiệm vụ đi cùng đội hành quyết. Viên trung uý liếc bản danh sách và nhẹ cả người khi thấy nó ngắn hơn y tưởng. Tuy nhiên, trong số các con vật bị ghi là cần loại bỏ có hai con voi Ấn Độ. Voi à? Viên trung uý cau mày nghĩ. Làm thế quái nào bọn tôi giết voi được kia chứ? Cứ theo tấm bản đồ thì con vật đầu tiên cần loại bỏ là hổ. Thôi thì dù sao voi cũng được để sau cùng. Tấm biển trên chuồng hổ cho biết cặp hổ này đã bị bắt ở Mãn Châu, trong vùng núi Đại Khingan. Viên trung uý phân công bốn người bắn một con hổ, và bảo đám lính nhắm vào tim, tuy nhiên tim nằm ở đâu trên mình hổ thì chính y cũng chẳng biết. Nhưng không sao, ít nhất thì trong bốn viên ắt có một viên trúng đích. Khi tám người cùng gạt đòn bẩy những khẩu Model 38s và nặp băng đạn vào ổ đạn, tiếng lách cách khô khốc đầy điềm gở làm thay đổi hẳn toàn bộ bầu không khí nơi này. Nghe tiếng động, hai con hổ đứng dậy. Để phòng xa viên trung uý rút khẩu súng lục tự động của y ra, tháo chốt an toàn. Để tự trấn an, y hắng giọng. Có gì đâu, y cố tự nhủ. Ai mà chẳng có lúc phải làm những việc thế này. Đám lính quỳ xuống, nhắm cẩn thận rồi theo lệnh viên trung uý bóp cò. Lực giật lại làm vai họ rung bần bật, và trong một khoảnh khắc tâm trí họ trở nên trống hoác, như là bị thổi phăng mất. Tiếng gầm của ngần ấy phát bắn cùng một lúc vang vọng qua vườn thú không người, dội từ nhà này sang nhà khác, tường này sang tường khác, cắt qua những vạt rừng, rạch qua những mặt nước, đâm thấu vào tim bất cứ ai nghe thấy nó, như tiếng sấm ở xa. Lũ thú nín thở. Ngay cả ve sầu cũng thôi kêu. Mãi lâu sau khi tiếng vọng của những phát súng đã lắng đi ở đằng xa, vẫn không có một âm thanh nào. Như thể vừa bị một người khổng lồ vô hình quật ột phát chí tử bằng một cây gậy khổng lồ, hai con hổ dựng đứng lên một khoảnh khắc trong không khí, sau đó đổ ụp xuống sàn chuồng, quằn quại hấp hối, mồm hộc máu. Đám lính đã không thể hạ thủ được lũ hổ chỉ bằng một phát súng. Bừng tỉnh khỏi cơn mê, họ lại kéo đòn bẩy, vứt vỏ đạn vừa bắn đi, rồi lại ngắm đích. ° ° ° Viên trung uý ra lệnh ột người trong đám lính vào chuồng kiểm tra xem có chắc là lũ hổ đã chết chưa. Trông thì có vẻ chết thật rồi mắt nhắm, răng nhe ra, không nhúc nhích. Nhưng điều quan trọng là phải kiểm tra cho chắc. Viên bác sĩ thú ý mở khoá chuồng và tay lính trẻ (mới tròn hai mươi tuổi) bước vào, nơm nớp sợ, tay lăm lăm lưỡi lê chìa ra đằng trước. Điệu bộ gã đến là buồn cười. Gã lấy gót giày đá nhẹ vào chân sau một trong hai con hổ. Con vật vẫn bất động. Gã lại đá đúng chỗ đó, lần này mạnh hơn một chút. Con hổ đã chết, không nghi ngờ gì nữa. Con hổ kia (con cái) cũng nằm không cục cựa. Tay lính trẻ cả đời chưa đến vườn thú bao giờ, cũng chưa một lần nào thấy một con hổ thật. Một phần vì vậy mà gã vẫn chưa hoàn toàn tin nổi họ vừa giết chết một con hổ thật, đang sống sờ sờ đó. Gã chỉ cảm thấy gã vừa bị lôi vào một nơi chẳng liên quan gì đến gã. Đứng trong một biển máu đen kịt, gã nhìn trân trân xuống xác hai con hổ, nhìn như bị thôi miên. Khi đã chết, lũ hổ trông to hơn nhiều so với khi còn sống. Sao thế nhỉ? Gã lấy làm lạ tự hỏi. Sàn chuồng bằng bê tông nồng nặc mùi khắm lặm của nước tiểu loài mèo lớn trộn lẫn với mùi máu âm ấm. Máu vẫn đang ộc ra từ những lỗ thủng toang hoác trên thân thể lũ hổ, làm thành một cái hồ đen sịt dinh dính quanh chân gã. Đột nhiên, khẩu súng trường trong tay gã nghe nặng trịch, lạnh ngắt. Gã muốn quẳng súng đi, gập người xuống, nôn kỳ hết tất cả những gì có trong dạ dày gã ra sàn chuồng. Giá làm vậy được thì nhẹ người biết bao! Nhưng không thể nôn được - tay chỉ huy sẽ dần gã dập mặt mất. (Dĩ nhiên, người lính này hoàn toàn không biết rằng mười bảy tháng sau gã sẽ chết khi một tay lính gác Liên Xô ở một khu mỏ gần Irkutsk dùng xẻng đập toác sọ gã). Gã lấy lưng cổ tay lau mồ hôi trên trán. Chiếc mũ trận gã đội đè nặng xuống gã. Một con ve sầu, rồi một con nữa lại bắt đầu kêu, như thể mới hồi sinh. Chẳng mấy chốc hoà vào tiếng ve sầu còn có tiếng kêu của một con chim - một tiếng kêu khác hẳn, nghe như tiếng vặn một sợi dây cót:Quick... quick... Năm lên mười hai tuổi tay lính trẻ đã từ một làng vùng núi Hokkaido cùng gia đình vượt biển đến Trung Hoa, cả nhà cùng canh tác một mảnh đất ở làng biên giới Bắc An cho tới năm ngoái thì gã bị động viên vào quân đội. Mặc dù gã biết rõ tất cả các loài chim ở Mãn Châu, nhưng con chim có tiếng kêu đặc biệt này thì gã chưa hề gặp. Có lẽ đó là một loài chim nhập từ một vùng xa, nó đang kêu trong lồng ở một khu vực khác của vườn thú. Thế nhưng tiếng kêu hình như phát ra từ những cành cây cao ở đâu đó gần đây. Gã ngoái đầu nhìn về phía tiếng kêu nhưng chẳng thấy gì. Một cây du sừng sững có tán lá rậm dày hắt cái bóng sắc nét, mát rượi xuống mặt đất bên dưới.
Gã nhìn về phía viên trung uý như để xin chỉ thị. Viên trung uý gật đầu, lệnh cho gã ra khỏi chuồng, đoạn lại trải bản đồ ra. Với bọn hổ thế là xong. Giờ đến lượt báo. Sau đó có thể là chó sói. Ta còn phải xử lý lũ gấu nữa. Voi thì để thanh toán xong những con khác sẽ tính sau, y nghĩ. Rồi y mới nhận ra trời nóng như thiêu. "Nghỉ chút đi", y nói với thuộc hạ. "Uống chút nước". Họ lấy bi đông ra uống. Rồi họ lại quảy súng lên vai, đứng thành đội hình, đi về phía chuồng báo. Trên một cây cao, con chim lạ có tiếng kêu khẩn thiết vẫn tiếp tục vặn dây cót. Ngực và lưng áo lính ngắn tay của đám đàn ông đen nhẹp mồ hôi. Đội quân súng ống tận răng này diễu đến đâu, tiếng lách cách của đủ thứ vận dụng kim loại làm bật lên đến đó những tiếng vang rỗng hoác khắp trong vườn thú không người. Lũ khỉ bấu chặt lấy chấn song chuồng rít lên những tiếng xé tai, cuống cuồng cảnh báo sự chẳng lành với tất cả những con vật khác trong vườn thú, đến lượt mình những loài khác hoà vào dàn đồng ca theo cách của riêng chúng. Lũ sói nghếch mõm lên trời hú từng tràng dài, bọn chim góp lời bằng cách đập cánh như điên, vài con vật lớn ở đâu đó vật mình rầm rầm vào vách chuồng như buông lời đe doạ. Một cụm mây hình thù như nắm đấm chẳng biết từ đâu xuất hiện che khuất mặt trời trong chốc lát. Vào buổi chiều tháng Tám đó, người, vật, tất cả đều nghĩ đến cái chết. Hôm nay những người này sẽ giết lũ thú, ngày mai quân đội Liên Xô sẽ giết những người này. Có lẽ. ° ° ° Hai chúng tôi luôn luôn ngồi đối diện nhau ở cùng một bàn đó, trong cùng nhà hàng đó mà trò chuyện. Bà ta là khách quen ở đó, và dĩ nhiên lần nào bà cũng trả tiền. Phần sau của nhà hàng được chia thành những ngăn riêng biệt, ngồi ở bàn này trò chuyện thì bàn bên không nghe thấy được. Mỗi ngăn như vậy được dành riêng cho khách suốt cả buổi tối, nghĩa là chúng tôi có thể ngồi nói chuyện bao nhiêu tuỳ thích, đến khi nhà hàng đóng cửa thì thôi, không bị bất cứ ai quấy rầy kể cả bồi bàn - họ chỉ đến để bưng món ăn lên hoặc dọn đi. Bà ta luôn luôn gọi một chai Burgundy lâu đúng ngần ấy năm và luôn luôn chừa lại nửa chai không uống. - Một con chim vặn dây cót? - đang ăn, tôi ngẩng đầu lên hỏi. - Một con chim vặn dây cót? - Nhục đậu khấu nói, lặp lại đúng từng từ tôi vừa nói, đoạn cong môi lên một thoáng. - Tôi không hiểu cậu đang nói gì. Cậu đang nói về cái gì thế? - Có phải bà vừa nói gì đó về một con chim vặn dây cót không?
Bà ta chầm chậm lắc đầu. - Hừm. Giờ thì tôi không nhớ được. Hình như tôi chẳng nói về chim chóc gì cả. Tôi đành chịu thua. Bà luôn luôn kể chuyện mình như vậy. Tôi cũng chưa hỏi bà về vết bầm nữa. - Vậy là bà sinh ra ở Mãn Châu? - tôi hỏi. Bà lại lắc đầu.
- Tôi sinh ở Yokohama. Cha mẹ tôi mang tôi sang Mãn Châu năm tôi mới ba tuổi. Cha tôi vốn dạy ở một trường thú y, nhưng khi chính quyền thành phố Tân Kinh muốn tìm một người từ Nhật sang làm bác sĩ thú y trưởng cho vườn thú mới mà họ sắp xây dựng, cha tôi đã tình nguyện đi. Mẹ tôi không muốn rời bỏ cuộc sống vốn đã yên hàn ở Nhật để đến một xứ khỉ ho cò gáy, nhưng cha tôi vẫn khăng khăng. Có lẽ ông muốn tự thử mình ở một nơi lớn lao hơn, rộng mở hơn là Nhật Bản. Hồi ấy tôi còn bé nên đi đâu cũng được, nhưng quả thật sống trong vườn thú tôi rất thích. Sống trong vườn thú thật tuyệt. Thân thể cha tôi lúc nào cũng có mùi thú vật. Tất cả những mùi khác nhau của nhiều loài vật trộn lẫn với nhau thành một mùi, và cái mùi ấy mỗi ngày mỗi khác đi một chút, như khi ta thay đổi các thành phần trong công thức một thứ nước hoa vậy. Mỗi khi cha về nhà, tôi hay trèo lên lòng cha, bắt cha ngồi im để tôi hít ngửi khắp mình cha. Nhưng rồi chiến tranh ngày càng chuyển biến theo hướng xấu, tình hình trở nên nguy hiểm, thế nên cha tôi quyết định để mẹ tôi và tôi trở về Nhật trước khi quá muộn. Mẹ con tôi đi cùng với nhiều người khác, đáp xe lửa từ Tân Kinh đến Triều Tiên, ở đó có một chiếc tàu đặc biệt đón chúng tôi. Cha tôi thì ở lại Tân Kinh. Lần cuối cùng khi tôi nhìn thấy cha, ông đang đứng trên sân ga vẫy mẹ con tôi. Tôi thò đầu ra cửa sổ nhìn ông cứ nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi biến mất trong đám đông trên sân ga. Không ai biết chuyện gì xảy ra với ông sau đó. Tôi nghĩ chắc ông đã bị người Liên Xô bắt làm tù binh rồi đưa đến Siberia buộc lao động cưỡng bức và chết ở đó, như nhiều người khác. Hẳn là ông đã vùi xác nơi mảnh đất cô đơn lạnh lẽo nào đó, thậm chí chẳng có lấy một cái gì để đánh dấu nấm mồ ông. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in vườn thú Tân Kinh, nhớ rõ từng chi tiết. Tôi có thể hồi tưởng tất cả trong tâm trí - từng lối đi, từng con vật. Gia đình tôi sống ở tư dinh của bác sĩ thú y trưởng, trong khuôn viên vườn thú. Công nhân vườn thú ai cũng biết tôi, họ cho tôi muốn đi đâu cũng được, kể cả khi vườn thú đóng cửa vào các ngày lễ. Nhục đậu khấu nhắm mắt, hồi tưởng lại quang cảnh đó trong tâm trí. Tôi không nói gì, đợi bà kể tiếp chuyện. - Thế nhưng tôi không chắc liệu cái vườn thú như tôi hồi tưởng lại có thật sự như thế không. Nói sao nhỉ? Đôi khi tôi cảm thấy nó sống động quá mức, không biết nói thế cậu có hiểu chăng... Mà khi đã chớm nghĩ như vậy thì càng nghĩ, tôi càng không dám chắc bao nhiêu phần trong cái sống động kia là thực còn bao nhiêu phần là do trí tưởng tượng của tôi tạo ra. Tôi thấy như mình đang lạc vào mê cung vậy. Đã bao giờ cậu gặp chuyện như vậy chưa? Tôi thì chưa.
- Bà có biết vườn thú đó vẫn còn ở Tân Kinh không? - tôi hỏi. - Tôi không biết nữa, - Nhục đậu khấu nói, tay chạm vào đuôi hoa tai. - Tôi nghe nói sau chiến tranh nơi đó đã bị đóng cửa, nhưng không biết đến giờ có còn đóng cửa không. ° ° ° Suốt một thời gian rất dài, Akasaka Nhục đậu khấu là người duy nhất trên đời mà tôi có thể trò chuyện. Tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau một, hai lần, ngồi hai bên bàn mà trò chuyện với nhau. Sau khi đã gặp nhau như vậy mấy lần, tôi khám phá ra rằng bà là người có khả năng lắng nghe thật khác thường. Bà rất sáng trí, biết cách dẫn dắt câu chuyện bằng những câu hỏi và trả lời khôn khéo. Để tránh làm phật ý bà, tôi luôn luôn sửa soạn hết sức chu đáo mỗi lần đi gặp bà, sao cho quần áo tôi chỉnh tề, sạch sẽ đâu ra đó. Tôi luôn mặc áo sơ-mi sạch bong vừa lấy ở hiệu giặt là về rồi chọn chiếc cà vạt nào hợp nhất. Giày tôi luôn bóng loáng, tịnh không một hạt bụi. Mỗi lần gặp nhau, việc đầu tiên bà ta làm là kiểm tra tôi từ đầu đến chân, bằng cặp mắt của anh đầu bếp chọn rau. Nếu có gì làm bà không hài lòng, bà sẽ đưa tôi đến thẳng một cửa hàng đặng mua cho tôi ngay thứ cần phải có. Nếu có thể, bà ta bắt tôi thay đồ mới ngay lập tức, ngay tại chỗ. Gì chứ về chuyện quần áo thì bà luôn luôn đòi hỏi sự hoàn hảo.