Lý Dục Thần xem qua một lượt, lập tức hiểu thấu ý đồ của Bạch Kính Đình muốn thử anh.
Anh cười khẽ một tiếng, cầm một cây kim châm lên, chậm rãi đâm vào huyệt Thần Đình của Tang Cát.
Bạch Kính Đình kinh ngạc, vừa bắt đầu đã đâm ngay vào huyệt Thần Đình, đúng là to gan, hơn nữa thủ pháp hết sức đặc biệt, không phải châm pháp mà y gia thường dùng. Người khác nhìn vào chỉ nghĩ là anh tiện tay cắm vào nhưng Bạch Kính Đình là người có chuyên môn, ông ta nhìn một cái là biết ngay vừa rồi là một châm cực kỳ xuất sắc.
Sau đó, Lý Dục Thần đâm tiếp châm thứ hai, châm thứ ba…
Bạch Kính Đình càng xem càng giật mình, xem say sưa tới mức quên bẵng cả thân phận của mình, áp sát lại gần như một học sinh đang nghiêm túc xem giáo viên làm mẫu.
Cho tới khi Lý Dục Thần cầm cây châm cuối cùng – cây châm dài hai mươi phân mảnh như sợi tơ lên.
Sợi tơ vàng trên tay anh mềm oặt, không cứng hơn một sợ tơ thật sự là bao.
Những người đứng vây xem gần nhất đều nhìn thấy rõ cây châm này, trong lòng không khỏi nghĩ xem làm thế nào để có thể đâm cây châm mảnh như vậy vào trong người?
Kể cả Bạch Kính Đình cũng thấy hiếu kì.
Bởi vì trước nay, ông ta chưa bao giờ dùng cây châm này.
Năm xưa, ông ta cũng chỉ mới thấy bố mình dùng nó một lần. Mặc dù thủ pháp khi đó như thế nào ông ta vẫn còn nhớ rất rõ nhưng dù đã tập luyện suốt mấy chục năm rồi mà vẫn không học được.
Ông ta đã từng hỏi bố mình cách sử dụng cây châm này nhưng bố ông ta lại nói rằng thủ pháp của mình vẫn chưa hoàn toàn thành công.
Bố ông ta còn nói rằng: “Người có thể khống chế được cây kim châm dài này để cứu người thì có thể nói là bàn tay thần!”
Bộ kim châm này có tổng cộng bảy mươi hai chiếc, Bạch Kính Đình không ngờ Lý Dục Thần lại gần như dùng hết tất cả.
Mỗi một châm cắm xuống đều rất tài tình, khiến người ta phải vỗ bàn khen ngợi.
Tới lúc này, chỉ còn sót lại một cây châm cuối cùng.
Trong lòng Bạch Kính Đình chợt nảy sinh đôi chút mâu thuẫn, ông ta vừa hy vọng Lý Dục Thần có thể đâm châm này thành công, để cây thần châm bị chôn vùi mười mấy năm được nhìn thấy ánh mặt trời nhưng đồng thời lại không muốn Lý Dục Thần thành công, bởi vì điều đó có nghĩa là chẳng những y thuật của Lý Dục Thần giỏi hơn ông ta mà thậm chí rất có thể còn giỏi hơn cả bố ông ta, Bạch Cảnh Thiên.
Ông ta nín thở, nhìn Lý Dục Thần không chớp mắt.
Lý Dục Thần buông sợi tơ vàng ra, để nó rủ xuống trước trán của Tang Cát.
Ánh mắt Bạch Kính Đình lộ vẻ khó tin, bởi vì ông ta trông thấy đầu sợi tơ vàng mềm oặt đó đã cắm vào giữa trán của Tang Cát, hơn nữa phần tơ vàng ngay ngắn còn kéo căng.
Làm thế nào mà làm được như vậy?
Điều làm Bạch Kính Đình càng khiếp sợ hơn nữa chính là chuyện xảy ra tiếp theo.
Lý Dục Thần buông ngón tay ra, đẩy một cái, sợi tơ vàng lập tức trườn như một con cá chạch vào giữa trán của Tang Cát, thoắt cái đã không còn thấy đâu nữa.
Những người đứng gần vây xem không hẹn mà cùng ồ lên.
Những người đứng ở vòng ngoài không nhìn thấy rõ nên không biết xảy ra chuyện gì, cũng không dám hỏi, sợ quấy rầy quá trình chữa trị thần thánh này.
Lúc Lý Dục Thần thi châm, anh hết sức tập trung, khí thế tỏa ra từ người anh khiến người ta cảm nhận được sự nghiêm túc và trang trọng, dường như ngay cả ánh nắng cũng cực kỳ ưu ái cho anh, phủ lên người anh một vầng sáng thánh khiết, cực kỳ sáng sủa.