Ba ngày sau Trần Dị mới đến tìm Miêu Tĩnh. Miêu Tĩnh mất ngủ, hoảng loạn, nhũn chân, mặt mày tái nhợt.
Cô không dám giấu con dao găm trong phòng ngủ, mà luôn buộc chặt vào người không rời nửa bước, nói dối là bụng mình đau.
Con gái bước vào thời kỳ dậy thì, thường xuyên có đứa xin nghỉ vì đau bụng.
Đánh bậy đánh bạ thế nào mà cũng được, chủ nhiệm lớp dặn Miêu Tĩnh ở phòng ngủ và lớp học nghỉ ngơi cho khỏe.
Bạn cùng phòng đưa cơm lấy nước giúp cô, Miêu Tĩnh vẫn làm ổ một chỗ như con chim cút. Tối, trên đường về phòng ngủ, Trần Dị tóm lấy cô, thầm đánh mắt ra hiệu với cô.
Miêu Tĩnh hiểu ý, bước đi theo anh và giữ một khoảng cách không xa không gần.
Hai người một trước một sau tới sân thể dục, cạnh đó có khoảng đất dự trữ cỏ dại mọc um tùm, rất dễ ẩn náu. Liên tiếp mấy hôm nay Trần Dị bị phạt đứng trong phòng hiệu trưởng xét hỏi.
Anh giả vờ ngây thơ vô tội.
Lãnh đạo nhà trường không bắt được thóp của anh, nửa tin nửa ngờ cho thả người.
Anh nghênh ngang ra khỏi văn phòng, quay về lớp, sắm vai học sinh vâng lời học tập. Miêu Tĩnh đứng sau bụi cỏ tạp nham, bên trong có một khoảng đất trống nhỏ có thể nấp mình.
Ngón tay Trần Dị ấn mái đầu quả dưa của cô để cô ngồi xuống, mình anh ra ngoài đi vòng một vòng, rồi trở về.
Hai người ngồi xổm, mặt đối mặt, trông khuôn mặt đối phương đều hóa mơ hồ. “Đồ đâu?” Con dao găm được cô buộc vào bụng bằng quần áo, giấu trong áo đồng phục rộng thùng thình.
Miêu Tĩnh hoảng sợ lấy món đồ đó ra, run run đưa cho anh.
Dưới quầng sáng nhạt nhòa, cổ tay cô nhỏ bé và yếu ớt hệt bông tuyết hiển hiện trước mặt anh.
Khi nhận lại món đồ kia, cũng thấy ấm áp thoải mái vì nhờ nhiệt độ cơ thể cô ủ ấm, thoang thoảng mùi hương thanh khiết của con gái.
Trần Dị cầm trong tay ước lượng, cặp mắt đen nhánh chứa nét cười rạng rỡ. “Cảm ơn.” Cô gái nhỏ nhếch bờ môi trắng bợt, không nói gì, giữa trán nom có vẻ tiều tụy, chẳng chút nào tươi tắn, rõ là sợ mất hồn vía rồi. Trần Dị nghĩ ngợi, bèn lục lọi túi đằng sau, xong đưa cho cô hai tờ tiền đỏ: “Cầm mua gì ăn đi, thiếu thì xin tao.” Miêu Tĩnh không đưa tay, sắc mặt vẫn xám ngoét, mấp máy môi, giọng trầm trầm: “Anh… anh sắp đi đánh nhau ạ?” “Mày quan tâm nhiều thế làm gì?” Anh hất cằm vô lại, giọng điệu cảnh giác, “Bớt lo chuyện vớ vẩn.” Miêu Tĩnh chả ham xen vào chuyện vớ vẩn.
Cô chống đầu gối chậm chạp đứng dậy, xoay gót toan đi. “Không cần tiền à?” Không cần, cô đực mặt lắc đầu, khom lưng dạt đám cỏ dại sang bên, muốn rời xa chốn khuất mắt hoang vắng này.
Trần Dị cuốn món đồ cho vào trong áo, cũng ưỡn lưng đứng lên, lạnh lùng cười giễu: “Cóc cần thì thôi.” Hai người vẫn đi một trước một sau, bên này chỉ có chút ánh sáng le lói dạ tới từ sân thể dục.
Miêu Tĩnh không nhìn rõ đường, cứ đi về trước bước thấp bước cao.
Trần Dị dạt đám cỏ rậm rạp quanh người cô ra, lướt ngang qua cô, đi trước dẫn đường, im thin thít, bả vai co lên, vừa hay giấu cô sau lưng. Đi hai bước, anh giẫm lớp cỏ dưới chân, bĩu môi khinh khỉnh, lầm bầm một câu: “Này là đồ nhập khẩu, tao cầm đi bán lại, cũng chả đáng bao tiền… Ai khiến mày đem tiền qua đây? Rảnh rỗi sinh nông nổi…” Miêu Tĩnh hơi sững người. Anh bước đi rất nhanh, nhoáng cái đã chẳng thấy bóng dáng.
Miêu Tĩnh đứng ở rìa sân thể dục, gãi gãi cái cổ thấm mồ hôi, mặt dính đầy là những hạt cỏ, ngứa ngáy khó chịu phủi hoài không đi.
Cô quay người, đi về một hướng khác ngược hướng anh, lê bước chầm chậm về phòng ngủ, quăng người xuống giường, chớp lông mi, từ từ thở hắt một hơi, cuộn người nhắm mắt ngủ. Một khoảng thời gian từ đó về sau, cô và Trần Dị không có bất cứ tiếp xúc nào.
Nhưng vào cái hôm soát người, Trần Dị lớn tiếng gọi cô là em gái trước mặt cả lũ con trai, mối quan hệ này cũng dần lan truyền.
Có người hỏi cô là em gái họ hay em gái nuôi của Trần Dị, cũng có chị gái học lớp trên cố ý đến nhờ cô đưa thư tình hoặc móc nối quan hệ.
Miêu Tĩnh chịu hết thấu vì bị quấy rầy, bèn lắc đầu giả câm giả điếc.
Có lần nọ, cô bị mấy đứa con gái khối 9 bao vây gặng hỏi, đúng lúc Trần Dị đi qua trông thấy.
Anh đi sang, mặt lạnh tanh, quai hàm căng cứng, đôi mắt dữ tợn đảo quanh đám người kia, vặn vai Miêu Tĩnh, túm cô về lớp như túm con gà con.
Sau đó… Trần Dị nhận một hơi mười mấy cô nàng ở trường làm em gái nuôi, toàn trường đâu đâu cũng có nữ sinh gọi anh là anh trai. Miêu Tĩnh, đứa em gái chả hiểu lòi từ đâu ra, đột nhiên bị thất sủng. Còn mấy tháng nữa là thi cấp 3, Trần Dị bị thầy Lý giữ ở trường không cho trốn học, tiết tự học tối cũng phải điểm danh.
Lâu lâu tình cờ gặp nhau trong trường, anh dẫn theo một đám người, mặt vô cảm ra vẻ thờ ơ đi ngang qua, vai anh rộng, chân anh dài, bước đi như cơn gió.
Miêu Tĩnh hơi tránh sang bên, ngoan ngoãn cúi đầu, song vẫn có người để ý tới cô. “Em gái này trông quen lắm, có phải hồi trước gặp rồi không nhỉ?” “Đấy là em gái anh Dị, mày nghĩ gì đấy.” Trần Dị đạp một cú: “Nhìn đường đi, không nên nhìn mà mày cũng nhìn? Thích móc mắt không?” “Anh, anh Dị… em gái này lại là em gái nào thế? Rốt cuộc anh có bao nhiêu đứa em gái?” “Đếch liên quan đến mày.” — Tháng sáu năm nay thi chuyển cấp, thành tích của Trần Dị đã có, điểm số tuy không đủ đỗ vào trường điểm tốt nhất thành phố, nhưng đã cao hơn điểm chuẩn của trường điểm trong khu vực.
Thầy Lý xem điểm xong như trút được gánh nặng, dặn đi dặn lại Trần Dị, bảo anh học hành tử tế, đi con đường đúng đắn, đừng đi sai đường.
Cuộc đời hãy còn dài, tương lai anh vẫn chưa bắt đầu. Nghỉ hè, một lần hiếm hoi thấy Trần Dị về nhà.
Anh và Trần Lễ Bân đã không gặp mặt suốt mấy tháng trời, giờ đây không tay đấm chân đá với nhau nữa.
Mấy năm nay Trần Dị có những thay đổi chóng mặt, anh sắp cao bằng Trần Lệ Bân.
Hai bố con ngồi cạnh bàn ăn, vẫn lẳng lặng ăn cơm như ngày trước, chẳng ừ chẳng hử, mạnh ai nấy ăn. Nói tới chuyện thi cấp 3 và trường cấp 3 năm nay, Trần Lễ Bân rót chén rượu, ngẫm nghĩ, uống một ngụm rượu, chậm rãi lên tiếng. “Cấp 3 học trường nào? Tiền học với các chi tiêu linh tinh ba năm cần bao nhiêu? Từ nhỏ đến lớn mày gây chuyện hại người khác chưa đủ, người quen có ai không chửi mày là con sâu làm rầu nồi canh.
Vào trường học nữa, học sinh trong đấy đứa nào cũng đàng hoàng gương mẫu, mày gây gổ đánh nhau, làm hư con cái nhà người ta, phá hoại kỷ cương trường học, mày định sinh sự rồi hại bao nhiêu người nữa? Con nợ cha đền, tao đền nổi không?”
Trần Lễ Bân cầm chén rượu hớp một hớp, sắc đỏ bừng kỳ dị hiện trên gương mặt nhã nhặn: “Học trường nghề đi, tao đã nhờ người nộp hồ sơ cho mày, chuyển học bạ của mày qua đó.
Trường có dạy nghề cơ điện tử đấy, mày học mấy năm xong ra, tao cho mày vào trạm cấp điện làm thợ điện là được.
Mày phải nhớ kỹ, mình sợ cái gì, thế thì mới không gây chuyện nữa.” Trần Dị sợ điện. Anh ngồi cứng người ở ghế, bờ xương hàm trông như dây cung bị kéo căng sắp đứt, cả người hệt pho tượng đông thành đá, ngập tràn ác khí.
Miêu Tĩnh và Ngụy Minh Trân ngồi ở đầu khác của bàn ăn, dừng đũa không dám thở mạnh.
Đôi con ngươi đen kịt sâu thẳm của anh đụng phải cô, thình lình lóe lên thứ ánh sáng lạnh lẽo sắc lẹm, sau đó anh bất ngờ lật đổ bàn ăn.
Bát đũa đĩa trên bàn ăn rơi xoang xoảng, Trần Dị nhấc cái ghế tựa phang về phía Trần Lễ Bân.
Mặt Trần Lễ Bân xanh mét, kéo ghế né qua một bên, đâm trúng vai Ngụy Minh Trân.
Hai mẹ con thét một tiếng, trơ mắt nhìn hai bố con kia xô xát lẫn nhau. “Mả cụ ông sao ông không đi chết đi? Ông ép mẹ tôi chết chưa đủ à, thằng cặn bã, thằng điên…” Hai mắt Trần Dị đỏ quạch, nắm tay như quả đấm sắt nện liên tục, “Từ nhỏ đến lớn… rồi sẽ có ngày ông đây giết chết ông…” “Thằng súc vật, đồ chó lộn giống, đồ con hoang, tao đẻ mày, nuôi mày… ông đây mới là ông mày… Mày, mày mang họ Trần của tao, đời này mày đừng hòng… Tao có nuôi chó nuôi mèo nuôi súc vật, thì cũng không nuôi mày…” Vụ ẩu đả chỉ kết thúc khi láng giềng vây xem và người hiểu chuyện gõ cửa khuyên giải.
Hai bố con trở mặt thành thù.
Một khoảng thời gian rất dài, việc này đã thành chủ đề đàm tiếu trong những buổi trà dư tửu hậu của hàng xóm. Trần Dị đá cửa ra khỏi nhà, gương mặt anh đầy sự ngang bướng, người chi chít vết thương, từ đó trở đi không còn thấy anh quay trở về căn nhà này nữa. — Mùa hè này Miêu Tĩnh sẽ lên lớp 8.
Cô học tốt, ít bạn bè, tính cách hướng nội, mỗi ngày chủ yếu dành thời gian ở nhà học bài.
Nhưng luôn có phần sợ hãi, sợ Trần Lễ Bân.
Một người điềm đạm ôn hòa như thế, nói chuyện cũng có tình có lý, trông thì hiền lành dễ gần, nhưng lại có những hành động khác một trời một vực.
Hơn nữa ông ta bắt đầu nốc rượu khi đang chơi máy tính, càng uống mặt càng trắng, càng uống trông mặt mũi càng nhã nhặn. Cô không dám ở nhà một mình với ông ta, vì luôn thấy lòng lo sợ.
Ngụy Minh Trân biết Miêu Tĩnh nhát gan nên thỉnh thoảng cũng đưa cô đến phòng trà.
Phòng trà nơi bà làm việc nằm gần phố đi bộ, cửa hàng có hai tầng, gồm cả phòng riêng để uống trà nói chuyện và phòng chơi bài.
Miêu Tĩnh nhận làm bán thời gian, công việc là bổ trái cây xếp vào đĩa, tự kiếm tiền tiêu vặt cho mình. Nhưng rất nhanh Miêu Tĩnh đã phát hiện ra bí mật của Ngụy Minh Trân từ một số manh mối.
Có một người đàn ông trung niên thường xuyên vào cửa hàng tìm Ngụy Minh Trân.
Hai người một trước một sau ra ngoài, rồi lại quay về cùng nhau, bị Miêu Tĩnh bắt gặp.
Ngụy Minh Trân chẳng hề bối rối, thẳng thừng giới thiệu là người tình, dặn Miêu Tĩnh giữ bí mật. Có dạo nọ, từ việc nhiều lần cãi cọ với Trần Lễ Bân, cùng tâm thái ai đi đường nấy, Ngụy Minh Trân đã quen người đàn ông khác khi chơi mạt chược.
Hai người liếc mắt đưa tình, Ngụy Minh Trân bèn mượn cớ đi làm ở ngoài rồi lén qua lại với người này. Tính cách Miêu Tĩnh từ nhỏ đã có đôi chút lạnh nhạt và trưởng thành, cứ như là hũ nút, ai tiếp xúc cũng có cảm giác xa cách.
Cô chưa bao giờ tạo được độ thân thiết trong tình cảm mẹ con với Ngụy Minh Trân, nên nghe bí mật ấy xong, cô vẫn ung dung bình tĩnh. “Bị phát hiện thì làm sao ạ?” “Con không nói thì ai phát hiện, phát hiện mẹ cũng chả sợ.” Nói tới tình cảnh hiện giờ, Ngụy Minh Trân hết sức bất mãn.
Tuổi bà đã ở ngưỡng ba lăm, ba sáu, tuy sức quyến rũ còn đó, nhưng hiển nhiên là không thể so bì với hồi trẻ.
Thêm việc cuộc sống chung đầy mâu thuẫn với Trần Lễ Bân, khiến trái tim nay vẫn lửng lơ trống rỗng. “Con sắp sửa lên lớp 8 rồi, còn học thêm 5 năm nữa, mai mốt học đại học con muốn đi đâu thì đi, mẹ cũng được nhẹ nhàng.” “Trong tay mẹ không có tiền gì, mẹ cũng chẳng muốn tiếp tục sống kiểu thế này nữa.
Nếu mẹ chia tay Trần Lễ Bân, chúng ta dọn khỏi nhà Trần Lễ Bân, con thấy được không?” “Ở nhà thuê sao mẹ?” Miêu Tĩnh gật đầu, “Được ạ.” “Mẹ cũng nghĩ vậy đấy.
Con phải đi học, mình mẹ không nuôi nổi hai miệng ăn, tiền lương của phòng trà chỉ đủ cho mỗi mẹ dùng.” Ngụy Minh Trân thở dài, “Người bạn này của mẹ… là người rất tốt, nhưng công việc bình thường, không nuôi thêm hai người được…” Vẫn chẳng thể buông bỏ đồng tiền. Miêu Tĩnh không tiêu nhiều tiền, nhưng chi phí ăn uống và tiền học đều do Trần Lễ Bân chi trả. Trần Lễ Bân bây giờ mặc kệ sự đời, chỉ cần Ngụy Minh Trân không bị phát hiện, tạm thời duy trì tình trạng hiện tại có vẻ cũng khá ổn. — Tháng chín khai giảng, Miêu Tĩnh về trường điểm danh.
Nghe nói Trần Dị đã học trường nghề, bên đó không chỉ có mình anh, mà lũ bạn hồi cấp 2 cũng có mặt.
Nhưng Ba Tử bảo Trần Dị chỉ đi điểm danh chứ không thấy vào trường học hành gì, suốt ngày lang thang ở ngoài. Sau khi biết bí mật của Ngụy Minh Trân, Miêu Tĩnh cảm thấy sớm muộn gì cái nhà này cũng tan nát, cũng linh tính có chuyện chẳng lành xảy ra.
Con người có bản nặng chạy theo điều lợi, tránh điều hại, cô càng ngày càng không thích nhà họ Trần.
Hồi lớp 7 mỗi tuần sẽ về nhà một lần, nhưng giờ một tháng mới về một lần. Trần Lễ Bân làm ca đêm về là phải uống rượu.
Không biết do ai bày vẽ, Ngụy Minh Trân rất thích mua rượu cho ông ta uống, chén rượu nhỏ đặt cạnh máy tính, cứ chuốc từng chén từng chén cho ông ta, tốt nhất là khiến Trần Lễ Bân uống say mèm, rồi hỏi xin ông ta ít tiền.
Đã không cách nào trông cậy vào Trần Dị, nếu bà có thể chịu đựng, ắt sẽ được hưởng một phần từ khoản tiền tích góp to lớn của Trần Lễ Bân, còn nếu không thì xin được chút nào hay chút ấy.
Truyện Thám Hiểm Trần Dị không hề về nhà, chiếc giường đơn và số đồ đạc lặt vặt ngoài phòng khách bị vứt đi sạch.
Cả năm trời Miêu Tĩnh không gặp Trần Dị, gần như chẳng còn nhớ mặt anh nữa, cũng rất ít khi nhớ.
Cô dần lớn lên, chiều cao tăng vọt, đã mặc áo lá, dáng người mảnh mai, nhỏ nhắn ít nói, trở thành đối tượng thầm thương trộm nhớ của bao đứa con trai trong lớp. Có những chuyện diễn ra một cách rất bí ẩn.
Chẳng hạn như việc cầu được ước thấy, hay như sợi tơ nhện vô hình dẫn đi về phía trước, ai biết lúc nào thì đụng trúng tấm mạng trong suốt, sau đó số phận bỗng dưng xoay chuyển, tạo nên thời vận không ngờ. Khi đang học tiết tiếng Anh, chủ nhiệm lớp chợt gọi Miêu Tĩnh ra ngoài.
Trong nhà gọi điện tìm cô, báo rằng người nhà gặp chuyện.
Tim Miêu Tĩnh đập thịch một cái, nhận điện thoại, là tiếng khóc nức nở xen lẫn một sự thoải mái của Ngụy Minh Trân, nói Trần Lễ Bân đang nằm trong phòng ICU, bảo cô tới bệnh viện xem. Vội vã chạy đến bệnh viện, Miêu Tĩnh thấy toàn thân Ngụy Minh Trân nguyên vẹn không sứt mẻ gì, sắc mặt sa sút, nước mắt đầm đìa, cặp mắt với nếp nhăn bé xíu lại sáng rực rỡ, như thể đang kìm nén thứ gì.
Cô nhìn Trần Lễ Bân trên giường bệnh, phải dùng máy thở, người cắm ống dẫn.
Nguyên nhân tai nạn do đi đường bị ngã từ trên cầu thang xuống dưới, quả là trùng hợp lạ lùng, cũng có người nói là một điều rủi ro không đúng lúc.
Trần Lễ Bân luôn rất xui.
Buổi tối Ngụy Minh Trân còn ở ngoài chưa về, chai rượu trong nhà đã uống hết nửa, Trần Lễ Bân xỏ đại đôi giày ra ngoài.
Xách chai rượu từ siêu thị về, lúc lên cầu thang không nhìn kỹ đường, bất cẩn ngửa ra sau rồi lăn xuống, gáy bị va đập, lâm vào hôn mê và được hàng xóm đưa đi bệnh viện.
Kết quả là tổn thương tủy sống, hô hấp suy yếu và xuất huyết não, được đưa thẳng vào ICU. Nhà họ Trần không có họ hàng gần gũi gì, Trần Lễ Bân có đứa em trai sống ở vùng khác, nhưng quan hệ hời hợt.
Trước mắt chỉ có Ngụy Minh Trân, hàng xóm lâu năm, đồng nghiệp và lãnh đạo ở đơn vị, cùng mấy người bà con xa là có thể quan tâm bệnh tình chút ít. Đương nhiên còn có Trần Dị. Trần Dị đi vào bệnh viện, bước trên con đường hành lang dài.
Miêu Tĩnh ngồi ở cửa phòng ICU, cảm giác hình như anh cao thêm, che khuất hoàn toàn ánh sáng sau lưng.
Mái tóc húi cua của anh dài thêm, anh mặc áo phông đen và khoác ngoài là chiếc áo sơ mi họa tiết.
Anh đeo trên cổ chiếc vòng màu bạc phát ra tiếng đing đang, phong cách hiphop vô cùng trẻ trung.
Miệng nhai kẹo cao su, có lẽ do thức đêm nên mắt díp lại một vẻ bực dọc, mùi thuốc lá nồng nặc xộc tới theo bước chân. Miêu Tĩnh không quen, dường như anh… đã biến thành người khác hẳn. Thấy cô ngơ ngác nhìn chằm chằm, Trần Dị hơi khom lưng, cúi đầu nhìn người trước mặt, ánh mắt u ám giá lạnh chiếu vào mặt cô.
Miêu Tĩnh quay mặt đi, nhìn cánh cửa phòng ICU. Anh hỏi giọng mệt nhọc: “Sao thế?” Ngụy Minh Trân đi qua đón trong làn nước mắt tuôn lã chã, giải thích tình cảnh hôm đó cho Trần Dị nghe, rồi bảo anh vào thăm Trần Lễ Bân.
Đây đã là ngày thứ ba, ông ta vẫn chưa tỉnh. Trần Dị vào xem, mặt người đàn ông cao lớn nhã nhặn trắng bệch, hốc mắt trũng sâu, nằm im trên giường mặc ai làm gì thì làm.
Anh đứng dửng dưng, vài phút đồng hồ trôi qua, anh quay lại ngồi xuống cái ghế tựa, lưng tựa mạnh vào lưng ghế, mặt cáu kỉnh, nhai kẹo cao su không nói năng gì. Đây là bố anh, Ngụy Minh Trân và Miêu Tĩnh phải dựa vào mối quan hệ của những người khác.
Hằng ngày cần có người trông cửa ICU, tất nhiên Trần Dị phải tới trông.
Về phần cuộc trị liệu tiếp theo phải giải quyết ra sao, người có tỉnh lại được không, phí ICU ba ngàn một ngày, cũng là vấn đề yêu cầu Trần Dị suy xét. Ngụy Minh Trân khóc sướt mướt nói những lời ấy.
Cặp mắt sâu hút của Trần Dị đảo quanh gương mặt bà, buông tiếng hừ lạnh: “Giờ bà mới để mắt đến tôi à.” Anh chưa thành niên, năm nay mới mười sáu tuổi. “Người nhà cả, chúng ta hãy cùng nghĩ cách vượt qua khó khăn.” Ngụy Minh Trân đẩy Miêu Tĩnh lên trước, “Ông ấy là trụ cột gia đình, phải thắp hương bái Phật, bất cứ giá nào cũng phải khiến ông ấy tỉnh lại.” Trần Dị là người trông phòng ICU.
Hai ngày sau Miêu Tĩnh sẽ thi cuối kỳ, thi xong cô cũng tới trông chung.
Hai người ngồi trên băng ghế dài.
Trần Dị móc chiếc điện thoại mới trong túi ra cúi đầu chơi game, Miêu Tĩnh thì cầm cuốn sổ từ vựng tiếng Anh.
Hai người phân chia rõ ràng, không ai can thiệp ai. Ngụy Minh Trân xin bảo hiểm y tế, xin nghỉ phép cho Trần Lễ Bân, cầm thẻ ngân hàng và căn cước của Trần Lễ Bân đến ngân hàng rút tiền và thanh toán hóa đơn. Trần Lễ Bân ở phòng ICU bảy ngày, vẫn không có dấu hiệu hồi phục.
Người nhà ký giấy ngưng trị liệu, Ngụy Minh Trân và Trần Dị đều ký, cuối cùng chuyển vào phòng bệnh thường. Mọi người như thở phào một hơi nhẹ nhõm. (còn tiếp).