Cô Thành Bế

Chương 15: Thiếp thơ



Đoan Ngọ hằng năm, chư văn thần sẽ dâng vào cung những câu thơ mới sáng tác như khi lập xuân để cung nhân dán ở tẩm điện của đế hậu và cửa gác của các phu nhân, bài từ xuân được gọi là thiếp xuân tiến vua hoặc chỉ đơn giản là thiếp xuân, bài từ Đoan Ngọ thì gọi là thiếp Đoan Ngọ.

Ba ngày trước Đoan Ngọ, Tào hoàng hậu bày thiếp của chư thần ở Nhu Nghi Điện, cho mời tần ngự hậu cung và công chúa tới tham quan bình phẩm, đồng thời phân chia ban thưởng cho mọi người.

Công chúa xem một lượt rồi cười hỏi hoàng hậu: “Nương nương cảm thấy thiếp của ai hay nhất?”

Hoàng hậu khẽ buông mi, ánh mắt như đang thở dài: “Năm nay không có của Phạm tướng công và Tô Tử Mỹ, đương nhiên là Âu Dương Tu chiếm ngôi độc tôn rồi.”

Hai người vắng mặt bà nhắc đến là nguyên tham tri chính sự (*) Phạm Trọng Yêm và nguyên giám Tiến tấu viện, Đại lý bình sự, Tập hiền hiệu lý (**) Tô Thuấn Khâm, hai người này đều là bậc thầy thi từ tài hoa. Trong những năm Khánh Lịch, Phạm Trọng Yêm rất tích cực thúc đẩy cải cách triều chính, cũng làm gia tăng cạnh tranh giữa các đảng phái trong triều, sau lần lượt bị giáng chức điều ra ngoài cùng những đại thần ủng hộ tân chính bao gồm Đỗ Diễn, Hàn Kỳ, Phú Bật. Tô Thuấn Khâm vốn được Phạm Trọng Yêm tiến cử, tuy không phải trọng thần chấp chính nhưng tuổi còn trẻ đã lừng danh thiên hạ tài thi văn, chủ trì sự vụ Tiến tấu viện, bị bọn quyền quý chèn ép. Mùa thu năm ngoái, Tiến tấu viện cử hành tế bái từ đường thần linh, Tô Thuấn Khâm theo tiền lệ dùng tiền bán giấy cũ của Tiến tấu viện mở tiệc thết đãi khách khứa, kết quả bị phe cánh Ngự sử trung thừa Vương Củng Thần quy cho tội biển thủ, cuối cùng gặp họa xóa tên biếm trích.

(*) Tức chức phó tể tướng.

(**) Tiến tấu viện có thể hiểu như văn phòng chính phủ của triều đình cổ đại, giám tức điều hành, giám sát; Đại lý bình sự là chức quan xử án; Tập hiền hiệu lý là chức quan hiệu đính, chỉnh lý kinh thư, sáng tác học thuật ở Tập hiền điện.

Thiếp Đoan Ngọ trước mắt tất nhiên chẳng thiếu gì công phu tinh xảo, nhưng nội dung đa phần đều là văn chương nịnh hót, ca tụng công đức, thiếu Phạm tướng công và Tô Tử Mỹ là thiếu hẳn tứ thơ ngầm ý khuyên can. Xem hết một lượt từng tấm, quả thực Long đồ các trực học sĩ, hữu chính ngôn Âu Dương Tu là xuất chúng nhất. Y ngang hàng với Thái Tương, Dư Tĩnh, Vương Tố, là một trong tứ đại gián quan được kim thượng trọng dụng.

“Âu Dương Tu? Con biết y.” Công chúa chỉ vào một trong số các tấm thiếp, nói, “Con cũng nhận được chữ của y. Lúc trước lập xuân, cha cầm một tấm thiếp xuân tiến vua đọc đi đọc lại, rất yêu thích, bèn hỏi người bên cạnh là ai viết, được hay tác giả là Âu Dương Tu, cha lập tức sai người đi lấy toàn bộ thiếp xuân chia cho các lầu gác trong cung do y viết, tỉ mỉ xem từng tấm, còn bảo con học thuộc, nói bài nào bài nấy chủ đề rõ ràng, đưa bút không quên khuyên nhủ, xứng đáng là bề tôi giữa tùy tùng.”

Hoàng hậu mỉm cười gật đầu, dõi mắt nhìn tấm thiếp công chúa chỉ, lại cầm lên xem kỹ, tỏ vẻ cảm khái.

Ta đứng sau lưng bà phóng mắt nhìn qua, chỉ thấy tấm thiếp là viết cho gác của hoàng đế, thơ rằng: “Sở nghe gièm pha trục Khuất Nguyên, chung thân chầu vua đà khôn nhẽ. Nguyện nhân bánh ú thành tập tục, chứng giám xảo ngôn chúa cả ngờ.” (*)

(*) Tết Đoan Ngọ có một tích liên quan đến nhà thơ, nhà chính trị Khuất Nguyên thời Chiến quốc, ông bị gian thần hãm hại, Sở vương nghe lời gièm pha mà ghét bỏ ông, đày ra Giang Nam, ông thất chí, lại gặp cảnh quân Tần giày xéo nước mình, lòng đau như cắt, sau khi viết tác phẩm cuối cùng “Hoài sa” thì ôm đá nhảy xuống sông tự tử, dân chúng địa phương biết tin lập tức chèo thuyền đi cứu, song đến thi thể ông cũng không vớt được, dân chúng lại sợ tôm cá dưới sông rỉa xác ông, bèn nhao nhao thả cơm nắm vào sông, tránh cho tôm cá làm hư hại thi thể Khuất Nguyên, sau trở thành tập tục ăn bánh ú vào tết Đoan Ngọ.

Công chúa thấy hoàng hậu cứ để ý tấm thiếp này mãi, không khỏi hiếu kỳ, hỏi bà: “Nương nương, bài thơ này có chỗ nào diệu ạ?”

“À, không có gì. Thiếp này viết chữ rất khá nên ta nhìn nhiều chút thôi.” Hoàng hậu không giải thích cặn kẽ cho công chúa hiểu, nhẹ nhàng buông tấm thiếp, lại hòa ái hỏi công chúa: “Huy Nhu, con thích bài nào?”

“Câu này thể nào về cha cũng sẽ hỏi con, con phải chọn một bài thật ngắn, thật dễ thuộc trước mới được.” Công chúa cười chỉ vào bài từ Âu Dương Tu viết cho gác hoàng hậu, đọc: “Tiêu phòng (*) thừa ơn nặng, Nhu Nghi gương cung tần. Nay tằm nhả tơ kén, kéo chỉ nối mệnh ngân.”

(*) Cung thất của hậu phi thường trộn tiêu vào bùn trát vách tường nên tiêu phòng có ý chỉ hậu phi.

Đọc xong lại tự nhặt lấy một tấm khác, đưa cho Miêu chiêu dung, hỏi: “Tỷ tỷ xem bài này có hay không?”

Bài thơ này viết cho lầu gác của phu nhân: “Bồng bềnh non tiên khói sông Ngân, quạt lụa đưa gió hương lục huệ. Cửa cấm nào hay hơi nóng bức, đài ngọc gác vàng thủy tinh cung.”

Miêu chiêu dung cũng khen hay, cười bảo: “Đọc bài này mà mát rượi cả người, chẳng cần phải uống nước đá nữa.”

Hoàng hậu thuận thế ban thưởng bức thiếp cho bà, lại tiếp tục chia thiếp thưởng cho chúng phi. Trương mỹ nhân mấy nay vẫn ủ dột không vui, hoàng hậu cũng không hỏi nhiều, tự lựa mấy tấm sai người mang sang cho ả.

Người cuối cùng lĩnh thiếp là hai mỹ nhân lạ mặt. Miêu chiêu dung không biết là ai, bèn hỏi hoàng hậu: “Hai vị nương tử này mới vào cung gần đây ạ?”

Hoàng hậu đáp: “Phải. Họ là do Kỳ quốc công Vương Đức dâng lên, mong có thể hầu hạ quan gia dài lâu, vì quan gia khai chi tán diệp. Quan gia đã nhận về bên người, chỉ còn đợi nghị định danh vị.”

Miêu chiêu dung tiến lên, kéo tay hai vị tiểu nương tử cẩn thận ngắm nghía, khen ngợi không ngớt, lại hỏi tên họ, đồng thời tháo hai sợi dây hợp hoan ngũ sắc Đoan Ngọ (*) trên cổ tay xuống đeo cho họ. Hai mỹ nhân từ chối, Miêu chiêu dung cười, bảo: “Đáng lý lần đầu gặp gỡ hai vị muội muội, phải chuẩn bị lễ hậu mới đúng, nhưng hôm nay vô tình gặp mặt, không kịp chuẩn bị gì, đành lấy sợi dây hợp hoan này tặng các em cầu chút cát lợi. Muội muội không nhận ắt là chướng mắt chút quà mọn này của ta rồi.”

(*) Người cổ đại đến tết Đoan Ngọ sẽ đeo một sợi dây ngũ sắc lên cổ tay hoặc cổ chân, gọi là dây hợp hoan, với mong muốn khẩn cầu chiến tranh và dịch bệnh không xảy ra(hợp hoan có nghĩa là đoàn tụ)

Hai mỹ nhân bèn nhận lấy dây hợp hoan. Chúng phu nhân chứng kiến cũng sôi nổi đi qua tặng lễ gặp mặt cho hai người. Hai vị tiểu nương tử nhận mà vừa mừng vừa lo, ngó quanh rồi lại phấn khởi hẳn lên, sắc mặt hoan hỉ.

Chẳng ngờ bên này chị chị em em chuyện trò đương vui, bên kia lại thấy nội thị thân cận của kim thượng Vương Chiêu Minh vội vội vàng vàng đi từ Sùng Chính Điện sang, bẩm: “Quan gia vừa mới phân phó, ban cho hai nữ nhân Vương Đức dâng lên mỗi người ba trăm quan tiền, lập tức xuất cung qua Nội Đông Môn, không được chậm trễ.”

Mọi người trong điện đều vô cùng kinh ngạc. Hoàng hậu cũng rất bất ngờ, hỏi: “Sao quan gia lại truyền khẩu dụ thế?”

Vương Chiêu Minh đáp: “Tri gián viện Vương Tố biết chuyện Vương Đức dâng nữ nhân, hôm nay gặp vua can gián, nhất định đòi quan gia trả tiểu nương tử nhà họ Vương về. Quan gia nói hai nữ tử ấy theo bên hầu hạ đã rất gần gũi, lại thử hỏi dò Vương Tố có thể để mình giữ họ lại không. Vương Tố nghiêm mặt đáp: ‘Chính vì sợ bệ hạ gần gũi với họ nên thần mới phải lên tiếng.’ Quan gia không nói gì thêm nữa, gọi thần tới mệnh thần mau chóng đi truyền khẩu dụ, muốn hai tiểu nương tử phải lập tức rời cung. Lời còn chưa dứt, quan gia đã rơi nước mắt.”

Chúng phu nhân nghe xong đánh mắt nhìn nhau, ít nhiều đều có vẻ hả hê. Hoàng hậu vẫn y như xưa nay, lúc trầm mặc nhìn không ra tâm trạng, lát sau mới nói: “Quan gia thấy gián thần nói có lý cũng đâu nhất thiết phải hạ lệnh gấp như thế. Cớ sao không cho nhập cung trước rồi từ từ phái họ ra sau?”

Vương Chiêu Minh đáp: “Vương Tố cũng bẩm quan gia thế, nhưng quan gia lại nói, ngài tuy là vua nhưng về mặt tình cảm thì không khác gì dân. Nếu cho nhập cung trước, gặp cảnh các tiểu nương tử khóc lóc không muốn rời đi, chỉ sợ mình không đành lòng đuổi họ ra ngoài nữa.”

Hoàng hậu nhếch miệng cười, nói: “Được, đã biết.”

Hai mỹ nhân vừa nghe đã tự biết đường cung cấm đứt đoạn, sắp bị đuổi ra khỏi cung, lập tức òa khóc, liên tục dập đầu xin hoàng hậu khai ân giữ họ lại.

Vương Chiêu Minh thấy vậy thúc giục: “Xin hoàng hậu sớm đưa họ ra khỏi cung, Quan gia còn đang giữ Vương Tố ở Sùng Chính Điện chờ tin, thần thấy họ đi rồi mới có thể quay về phục mệnh.”

Hoàng hậu gật đầu, cho gọi Nhậm Thủ Trung. Nhậm đô tri không cần hoàng hậu phải mở miệng lần nữa, đã sớm ra lệnh sai người kéo hai mỹ nhân ra ngoài.

Một lúc sau, Trương tiên sinh của Nội Đông Môn ty bảo nội thị đến báo lại, nói hai nữ nhân đã xuất cung, sau đó Vương Chiêu Minh trở về Sùng Chính Điện báo cáo. Mọi người đợi thêm một lát, thấy kim thượng chậm rãi trở về, thần sắc buồn bã, trong mắt còn vương ngấn lệ.