Cô Thành Bế

Chương 23: Điền từ



Trước đây, mỗi lần kim thượng trực tiếp tuyên bố ý chỉ gì mà không qua thương nghị cùng chư thần, thế nào cũng sẽ có người phản đối. Chúng thần thường sẽ chia ra làm hai phái, một phái tán thành, một phái phản đối. Cũng có tình huống khác – hai phái cùng phản đối. Tuy nhiên, trong vấn đề chọn phò mã này, thái độ của chư thần lại bất ngờ nhất trí chưa từng có, hầu như tất cả mọi người đều dứt khoát tỏ vẻ bệ hạ anh minh, đã ra quyết định chính xác nhất. Đám gián thần trước kia quen thói dâng sớ chỉ trích kim thượng bước đi sai lầm cũng nhao nhao viết tấu ca ngợi, nói bệ hạ chọn Lý Vĩ kết duyên cùng công chúa, tôn vinh nhà cậu, là đền đáp công ơn dưỡng dục của hoàng thái hậu, “Thiên hạ nghe thấy, không ai là không thương cảm, bảo nhau phải biết làm tròn chữ hiếu”. Bởi vậy mà thái độ của kim thượng đối với mối hôn sự này càng thêm kiên định, không cho hậu cung xía vào, nhưng, có lẽ là để trấn an chiêu dung, ngài nâng bà lên làm vị thục nghi chính nhị phẩm thứ ba, không bao lâu sau, còn thăng chị em tốt Du tiệp dư của bà lên làm sung nghi.

Công chúa đương nhiên đã biết phụ thân đã chọn xong phò mã cho mình, nhưng trước mặt nàng, mọi người sẽ không nói đến khuyết điểm của Lý Vĩ, ta cũng không cho nàng hay Lý Vĩ chính là “con thỏ ngốc” nàng gặp ngày ấy. Hơn nữa, bấy giờ nàng còn chưa hiểu rõ lắm khái niệm hôn nhân, tựa hồ cảm thấy phò mã chỉ là người quản lý sự vụ trong dinh thự ngoài cung của nàng về sau. Thế nên, “Tỷ tỷ, lúc con xuất giáng (*), người có thể xuất cung sống cùng con không?” Nàng hỏi mẫu thân, đây là vấn đề nàng quan tâm nhất.

(*) Con gái hoàng đế lấy chồng thì gọi là xuất giáng, hay còn gọi là hạ giáng.

Miêu thục nghi buồn rầu nói: “Không được. Tỷ tỷ là nương tử của cha con, không thể ra sống ngoài cung.” Thấy công chúa thất vọng hết sức, bà lại mỉm cười ôm công chúa vào lòng, an ủi: “Cơ mà, vú nuôi và bọn Gia Khánh Tử, Tiếu Diệp Nhi của con đều có thể theo con ra ngoài, cuộc sống của con sẽ không có thay đổi gì quá lớn.”

“Hoài Cát cũng có thể đi theo con chứ ạ?” Công chúa hỏi.

Miêu thục nghi sửng sốt, nhưng ngay sau đó lại cười: “Ừ, đương nhiên, Hoài Cát đương nhiên là có thể theo con rồi.”

Công chúa yên lòng hí hửng, tựa vào lòng mẫu thân ngẫm nghĩ chốc lát, hỏi tiếp: “Thế con còn được ở lại bên tỷ tỷ bao lâu ạ?”

Miêu thục nghi cũng không biết chắc câu trả lời cho câu hỏi này: “Cái này phải xem ý cha con thế nào… Đợi đến khi con lớn lên đã.”

Công chúa lại hỏi: “Bao tuổi thì được coi là lớn ạ?”

Miêu thục nghi đáp: “Chừng mười lăm, mười sáu.”

“Vậy đến năm con mười lăm mười sáu nhất định phải xuất giáng ngay ạ?”

“Không nhất định, nếu cha con bằng lòng giữ con thì có thể ở lại thêm một khoảng thời gian nữa.” Miêu thục nghi vuốt ve hai má con gái, thở dài: “Nhưng mà muộn nhất không thể quá hai mươi… Qua hai mươi là bỏ lỡ hôn kỳ, thành gái lỡ thì rồi.”

“Hai mươi…” Công chúa tính số thời gian mình còn có thể ở lại bên mẫu thân, kết luận làm nàng hài lòng nở nụ cười: “Vậy còn mười năm nữa, dài lắm, từng ấy thời gian cũng đủ để con sống lại thêm lần nữa kia mà.”

Thời gian lâu dần, ít nhiều cũng có vài lời đàm tiếu về phò mã truyền vào tai nàng, thỉnh thoảng, nàng cũng hơi sầu lo.

“Nghe nói dung mạo Lý Vĩ không đẹp, còn rất ngốc nữa.” Nàng nói với ta. Nhắc đến phò mã đô úy phụ thân chọn cho mình, nàng vẫn luôn gọi thẳng tên không chút kiêng kỵ, “Mười ba tuổi rồi mà vẫn còn đang học ‘Thiên tự văn’, ngốc chết đi được!”

Ta hi vọng nàng nghĩ tích cực hơn: “Phò mã bây giờ chắc chắn đã học sang rất nhiều sách vở khác nữa rồi.”

Nàng tỏ vẻ tương lai không dung chứa lạc quan: “Cứ coi như hắn đã hì hục thuộc xong ‘Thiên tự văn’ rồi đi, hãy còn cả đống kinh thư Khổng Mạnh đang chờ hắn gặm đấy. Đầu óc hắn như thế, nói sao cũng phải học mất hai, ba mươi năm!”

Lật giở mấy quyển văn chương thi tập ta tìm về cho nàng xem, lướt mắt qua những câu tuyệt cú của các đại danh sĩ đương triều Án Thù, Phạm Trọng Yêm, Âu Dương Tu, Tô Thuấn Khâm, Mai Nghiêu Thần trong sách, nàng thở dài rất ư phiền muộn: “Chỉ tính kinh thư thôi đã đủ làm hắn chật vật rồi, khẳng định là chẳng có thời gian mà học đến thi phú… Chắc chắn là không thể ngâm thơ điền từ với ta được rồi.”

Ta không khỏi bật cười. Nàng nói câu cuối vô cùng nghiêm túc mà vào tai ta thì quả tình là rất khôi hài.

Nàng biết nguyên nhân ta cười, trừng ta: “Huynh cười ta không biết ngâm thơ điền từ đúng không?”

“Nào có,” Ta đáp trái lương tâm, “Công chúa thi từ song tuyệt.”

Đoán chừng vẻ mặt ta không được thành khẩn cho lắm, nàng quyết tâm tỷ thí với ta: “Huynh ra đề cho ta đi, ta làm ngay bây giờ cho huynh xem.”

Ta thấy nàng hứng thú dạt dào, cũng bèn tuân mệnh, chọn một tên điệu đơn giản cho nàng: “Vậy mời công chúa viết một bài ‘Ức Giang Nam’ nhé (*). Không cần phải viết cả bài, thần làm câu đầu tiên, công chúa đối tiếp hai, ba câu là được.”

(*) Tên điệu là tên quy cách của từ, quy cách từ khác với luật thơ, thơ có bốn kiểu quy cách mà từ thì có tổng cộng hơn một ngàn kiểu (gọi là từ phổ), để cho dễ nhớ, người ta đặt tên cho những quy cách này theo những làn điệu cổ; “Ức Giang Nam” là “Nhớ Giang Nam”. Các bản dịch thi từ trong truyện sẽ không hoàn toàn đúng luật bằng trắc, xin hãy thông cảm cho con dịch giả vốn từ nghèo nàn, thơ thẩn không tinh này.

Nàng gật đầu bằng lòng. Ta thấy nàng lúc này đang mặc một chiếc áo đơn bằng la nhẹ màu hồng, bèn tùy ý ngẩng đầu xướng: “Áo đơn mỏng… Câu tiếp theo công chúa có thể tự chọn vần chân (*).”

(*) Vân chân là vần ở cuối câu thơ.

“Áo đơn mỏng…” Nàng rì rầm nhắc lại, sau đó bấm ngón tay đếm đếm gì đó, lúc lúc lại nhìn lên trên, miệng lẩm bẩm.

Ta trông mà lấy làm lạ, bèn hỏi nàng: “Công chúa đang đếm gì đấy?”

“Đừng quấy rầy!” Công chúa bất mãn ta cắt đứt mạch suy nghĩ của mình, “Ta đang kiểm tra bằng trắc câu dưới.”

Thời gian chờ đợi rất dài, ta nhàn đến không biết làm gì khác, chỉ đành ngồi xuống, bắt đầu nấu nước châm trà.

“Có rồi!” Lúc nước trong ấm bạc nổi chuỗi bong bóng mắt cá đầu tiên, nàng rốt cuộc cũng nghĩ ra một câu: “Tay áo ôm chăn lạnh… Áo đơn mỏng, tay áo ôm chăn lạnh… Thế nào?”

Ấm bạc rung lên, tiếng nghe như mưa gió thoảng qua. Ta vừa nhấc ấm ra tráng nóng chén trà, vừa trả lời đúng sự thật: “Chỉ là niêm luật không tệ mà thôi.”

“Chỉ không tệ mà thôi?” Ánh mắt nàng tối xuống. Ngẫm nghĩ đôi chốc, vẫn khăng khăng đòi ta phải khen nàng, “Huynh thường nói với ta làm thi từ phải phát ra từ cảm xúc, ta phát ra từ cảm xúc thật mà. Hai câu này là ta chỉ buổi đêm lạnh lẽo lần trước hai ta trò chuyện dưới mái hiên, ta chỉ mặc áo trong, lạnh đến ôm chăn…”

Ta bỏ vụn trà xay vào trong chén, nghe nàng nhắc tới chuyện cũ, trong lòng rung động, động tác thoáng khựng lại, ngữ điệu nói với nàng mềm dịu hơn đôi chút: “Được rồi, câu này rất hay.”

Nàng cười hí hửng: “Câu tiếp theo ta cũng nghĩ xong rồi… Gác ngọc cột gió thơm quyến luyến. Huynh đối tiếp câu này đi.”

Ta rót nước nóng vào chén, đặt ấm lại lò đun trà rồi ước lượng vừa đủ lượng trà vụn, trong lúc đó nhớ đến mảnh trăng thượng huyền, nghĩ ra một câu: “Trăng bạc vờn sương bóng nao nao.”

Dứt lời, kiến nghị công chúa: “Câu cuối cùng chỉ có năm chữ, công chúa đối đi.”

Nàng cũng ưng thuận, cụp mi trầm ngâm. Rất nhanh sau đó, hơi nước bốc lên từ ấm đun, chuỗi bong bóng mắt cá bắn tung tóe, chính lúc này, nàng một lần nữa mở to mắt nhìn ta chằm chằm, tủm tỉm cười muốn mở miệng.

Ta nhanh chóng dậy lên cảm giác hoài nghi sâu sắc với câu nàng sắp đối, chặn lời nàng nói trước: “Công chúa nghĩ ra thật rồi à? Câu cuối mặc dù ngắn nhưng lại là nét bút vẽ rồng điểm mắt của ‘Ức Giang Nam’, nhất định phải lời ít ý đủ mới được.”

Nàng gật đầu lia lịa: “Đủ mà, đủ lắm luôn. Câu này của ta hoàn toàn có thể khái quát trọn tinh hoa đêm đó. So với câu này thì mấy câu trước chỉ toàn là nói nhảm.”

Ta nhấc ấm cầm lấy chổi đánh, chuẩn bị rót nước đánh tan vụn trà, nghe nàng nói thế bèn thuận miệng đáp: “Nếu đã vậy, thần xin dỏng tai lắng nghe.”

“Gác ngọc cột gió thơm quyến luyến, trăng bạc vờn sương bóng nao nao…” Thoạt tiên nàng lặp lại hai câu trước lấy ngữ cảm, tiếp đó dương dương đắc ý công bố nét bút vẽ rồng điểm mắt sau cùng của mình: “Dưới hiên khoai sọ tròn!”

Tay run lên, nước rót từ ấm vãi ra đôi giọt, ta buồn cười, dứt khoát buông trà cụ, phá ra cười.

Thấy ta phản ứng vậy, nàng dẩu miệng nhíu mày vẻ giận dỗi, đập bàn mắng: “To gan! Huynh dám cười nhạo công chúa? Hôm đó ta nhớ nhất là khoai sọ, viết vào từ có gì không đúng!”

Ta cười hồi lâu rồi mới miễn cưỡng nín xuống, đứng lên khom lưng xá công chúa, làm bộ nghiêm túc, nói: “Thần không dám cười nhạo công chúa, chẳng qua là cảm thấy khoai sọ không được tròn cho lắm thôi ạ.”

“Không phải là để gieo vần sao…” Nàng giải thích, hãy còn đang cần mẫn suy nghĩ, “Hay là ta đổi chữ khác… Còn chữ nào phối được với khoai sọ nhỉ?” Nàng nhìn ta, cẩn thận thăm dò, “Ngọt? … Mặn? … Chua?”

Cưỡng ép mình kiềm chế ý cười chỉ chực trào lên, ta nghiêm trang đáp: “Bẩm công chúa, nếu khoai sọ tròn và khoai sọ chua không thể gộp chung thì thần thà bỏ khoai sọ chua lấy khoai sọ tròn còn hơn.”

Công chúa mừng rơn: “Ta đã bảo rồi mà, hạ bút thành văn là tốt nhất.”

Tuy rằng cơ hồ muốn bất tỉnh, song ta vẫn gắng hết sức cầm cự, cúi người nói với nàng: “Thần còn một chuyện nữa muốn khởi bẩm, mong công chúa chuẩn tấu.”

Nàng rất chi là hào phóng vung tay: “Nói đi.”

“Thần…muốn cười…” Ba chữ vừa bật ra, ta đã ngồi sụp xuống, dựa bàn cười sằng sặc.

Nàng như phát cáu, nhào tới đánh ta, nhưng chỉ đập mấy cái không nhẹ không nặng rồi chính mình cũng không nhịn được phì cười, kéo ống tay áo ta che mặt, cười khúc khích không ngừng.

Mỗi ngày đều nhìn nàng nói cười rạng ngời như thế, chỉ cảm giác thời gian bịn rịn, năm tháng tươi đẹp, cuộc sống không biết buồn lo này như có thể kéo dài đến vô tận. Đôi lúc ta cũng sẽ nghĩ tới chuyện nàng đã lập hôn ước, nghĩ tới ngày nàng xuất giáng có khả năng sẽ là điểm kết cho cuộc sống tốt đẹp này, nhưng khi ấy ta cũng như nàng, cảm thấy mười năm dài đằng đãng, dài như thể ngày đó sẽ không bao giờ đến.