Cô Thành Bế

Chương 8:



Mấy ngày sau đó, cuộc sống ở họa viện vẫn sóng êm gió lặng như thế, cũng không thấy nội cung có tin tức gì trọng đại truyền ra. Ta nhịn không được hỏi thăm đồng bạn nhỏ tuổi được điều vào Nhập nội nội thị tỉnh, họ nói với ta, quan gia long thể đang dần hồi phục, nghe nói Phúc Khang công chúa bái trăng cầu khấn, nguyện lấy thân thay cha khi ông bệnh ốm nên vô cùng cảm động, từ đó càng yêu thương công chúa hơn. Trương mỹ nhân tuy kiêu ngạo với người khác, song trước mặt quan gia thì lại rất biết đường xem mặt đoán ý, giờ thấy ông coi công chúa là con gái yêu, chẳng tiện nhắc lại chuyện vu cổ, hơn nữa bệnh tình của Ấu Ngộ đã có chuyển biến tốt đẹp, ả cũng tạm thời thôi kiếm chuyện với công chúa.

Ngày Thôi Bạch rời họa viện, ta tiễn gã tới cửa cung. Trước khi đi, gã dẫn ta tới chỗ yên tĩnh, lấy một quyển trục ra đưa cho ta bằng cả hai tay, hỏi: “Hoài Cát có thể thay ta tặng bức ‘Thu phố dung tân đồ’ này cho một người bạn chăng?”

Ta không chút suy nghĩ nhận lời, nhận tranh rồi mới cảm thấy kinh ngạc: Thì ra trong cung này, Tử Tây còn có bạn bè khác.

Mở ra xem, chỉ thấy gã vẽ mép nước bờ thu, hoa sen gãy nửa, phù dung nở rộ, đôi ba con chim chìa vôi lướt nước đậu giữa hoa lá, trong đó có một cặp nhạn thu kết đôi, một con nghển cổ về phía bên phải, một con giương cánh hướng sang bên trái, nối nhau bay liệng. Cảnh vật sống động có hồn, màu sắc thanh đạm nhã nhặn.

Ta không khỏi tán tụng, hỏi gã muốn tặng người nào.

Gã cười xán lạn, nói: “Năm trước quan gia từng lệnh cho người họa viện cùng vẽ một cuốn tranh sinh hoạt, chuẩn bị xong bản phác nền rồi quan gia lại không hài lòng, nói: ‘Kiểu dáng nhà cửa không tệ, nhưng phục sức cung nhân bên trong thì không hợp thời’, bèn phái nữ quan nội nhân Thượng phục cục và Sức ty tới giảng giải cho bọn tôi nghe về đặc điểm phục sức trong cung, cũng biểu diễn cách vấn tóc cho bọn tôi xem. Nội nhân chải đầu chia hai người một tổ, người này vấn tóc thêm mũ cho người kia. Trong đó có một tiểu cô nương mười hai, mười ba tuổi, dung mạo khả ái có duyên, chẳng biết tại sao mà vừa chải tóc vừa rơi lệ. Tôi lấy làm lạ, hỏi em nguyên do, em nói: ‘Sáng nay, con chìa vôi trắng em nuôi chết mất rồi’, giọng nói mềm nhẹ làm tôi thấy mà thương. Sau đó tôi hứa với em rằng ngày mai sẽ tặng em một con chim không bao giờ chết. Đêm đó vẽ ngay một con chìa vôi, hôm sau đưa cho em. Em rất mừng rỡ, cảm ơn rối rít. Nước da em trắng trong, khi ấy đôi gò má hây hây đỏ, lan rộng đến cả sống mũi cũng đượm một màu son thơ ngây, tựa phù dung sớm thu, rạng rỡ khôn xiết. Tôi bèn cười hỏi em: ‘Cô nương dùng son gì vậy? Kiểu trang điểm này có tên chăng?’ Em lại thẹn thùng không đáp, tôi cũng không truy hỏi nữa, chỉ xin em ngày sau tiếp tục trang điểm màu sắc này, tôi muốn họa em vào tranh sinh hoạt. Mấy ngày kế, em thực sự trang điểm y vậy, mãi cho đến khi tôi vẽ xong.”

Ta gật đầu: “Thượng phục cục và Sức ty phụ trách cao dầu tắm gội dưỡng da, khăn lược, y phục, trang sức, trang điểm hẳn cũng là một phần trong chức trách.”

Thôi Bạch cười, nói: “Nhưng về sau tôi mới biết, má hồng nơi em không phải do vẽ mà ra… Ngày cuối cùng nội nhân Thượng phục cục đến Họa viện, em vắng mặt. Tôi hỏi đồng bạn em, họ cho tôi hay da em tuy trắng nõn, khác với người thường, song vô cùng nhạy cảm, thời tiết thay đổi hoặc ăn uống không hợp là sẽ xuất hiện hiện tượng mặt đỏ. Hôm tôi hỏi em về kiểu trang điểm, trước đó em đi chải đầu cho Miêu chiêu dung, Miêu chiêu dung tiện tay thưởng cho em một quả lựu bóc dở. Em vốn không ăn được đồ chua nóng, nhưng ngại thể diện chiêu dung nên đành phải ăn, sau đó hai gò má liền ửng hồng như thoa son.”

Ta hiểu được phần nào: “Mấy ngày kế đó là cô ấy cố ý ăn đồ chua nóng để duy trì má hồng cho huynh vẽ?”

Thôi Bạch gật đầu, thở dài: “Kết quả là khí nóng ứ đọng, khiến em khó chịu toàn thân, cuối cùng đổ bệnh. Từ đó về sau tôi không còn thấy em nữa. Tôi cứ áy náy mãi chuyện này, đến hôm nay thì vẽ bức tranh, muốn tặng cho em bày tỏ ân hận.”

Ta bèn hỏi họ tên cô nương này, Thôi Bạch nói: “Em họ Đổng, tôi nghe các nội nhân khác gọi em là ‘Thu Hòa’.”

Ta một lần nữa hứa hẹn nhất định sẽ tặng tranh tận tay. Bởi đã rất thân với gã nên thuận miệng nói đùa: “Vừa nãy thấy huynh lấy trục tranh ra tôi còn tưởng là tranh này tặng tôi kia đấy.”

Thôi Bạch cười to: “Sao tôi dám làm lơ trung quý nhân! Vốn định lựa một bức đặc sắc biếu cậu, tiếc rằng xem tới xem lui mà chẳng chọn được bức nào ra hồn. Nhưng tôi nhất định sẽ chú ý việc này, ngày khác sẽ vẽ một bức thật đẹp tặng cậu.”

Thôi Bạch đi rồi, ta lập tức đến Thượng phục cục tìm Đổng nội nhân, nhưng khi ấy cô không có mặt ở đó. Thượng phục cục giống các cục Thượng dược, Thượng uấn, Thượng liễn, đều nằm phía đông bắc cung thành, cách Nội thị tỉnh không xa. Sau đó ta lại đi mấy bận, song đều không tìm được cô. Nghe các nội nhân khác nói, Đổng nội nhân tâm tư ý nhị, tài nghệ rất khá nên tần ngự trong cung đều thích mời cô đến chải đầu, thường dây dưa mãi đến tận tối mịt mới về.

Ta tuy là nội thị nhưng đêm tối đi tìm một cung nữ cũng không hay, thay người ngoài cung tặng tranh cuốn lại dễ gây hiềm nghi trao nhận vụng trộm, cũng không tiện để lại tranh trục nhờ nội nhân chuyển hộ, việc này đành tạm thời bỏ ngỏ.

Một ngày nọ, hầu hạ trong họa viện xong, ta quay về chỗ ở ở Nội thị tỉnh, lúc đi tới cửa hông thông giữa Nội thị tỉnh, Thượng thư nội tỉnh và nơi hoàng đế phê duyệt tấu chương thì thấy đằng trước có một tiểu hoàng môn tuổi tầm tầm ta, một tay ôm một hộp gấm, tay kia ấn bụng, khom người từ từ dựa tường ngồi xổm xuống, vẻ mặt đau đớn chịu không thấu.

Ta vội đi tới, hỏi hắn khó chịu chỗ nào, hắn nói bụng đau như xoắn, sợ là bệnh đường ruột phát tác. Ta định dìu hắn đi Thượng dược cục, hắn lại cuống quít xua tay, nói: “Đại lý bình sự mới nhậm chức, trực giảng Quốc tử giám (*) Tư Mã Quang tài đức có tiếng nên quan gia vời y vượt cấp vào cung đàm luận, hôm nay sau khi nghe y giảng bài ở Di Anh Các, long nhan cả mừng, ban thưởng cho y một cái đèn lưu ly. Ý chỉ ban thưởng giao cho Hợp đồng bằng do ty xét duyệt mất một lúc lâu, đến mãi vừa rồi tôi mới lấy được đèn lưu ly từ trong kho ngự ra. Hiện giờ quan gia đã trở về Phúc Ninh Điện, Tư Mã tiên sinh hãy còn chờ ở Di Anh Các, tôi vốn định đi nhanh đưa cho y, không biết làm sao lại đột ngột phát bệnh… Huynh có thể mang đèn lưu ly qua đó giúp tôi không? Thượng dược cục ngay gần đây, tự tôi đi từ từ qua đó là được.”

(*) Đại lý bình sự là chức quan phụ trách xử án, trực giảng là chức quan hỗ trợ giảng dạy nghiên cứu ở Quốc tử giám.

Ta hơi do dự, hắn lại thúc giục không ngừng, dáng điệu sốt ruột, cuối cùng ta đồng ý, nhận lấy hộp gấm, chuyển hướng đi Di Anh Các.

Trong gác có một vị tiên sinh gầy gò đang thẳng lưng ngay ngắn ngồi chờ. Gương mặt rất trẻ, hẳn còn chưa tới tuổi thành gia lập thất, nhưng thần sắc nghiêm túc, già giặn từng trải. Thấy ta đi tới, y ngước mắt nhìn ta, hai mắt sáng ngời có thần.

Ta ngập ngừng gọi khẽ “Tư Mã tiên sinh”, thấy y gật đầu mới yên lòng đến gần, khom người dâng hộp gấm cho y.

Y xoay người về phía Phúc Ninh Điện, bái tạ đúng nghi thức rồi mới tiếp nhận, chậm rãi mở hộp gấm ra.

Trong chớp mắt khi nắp hộp mở ra, y bỗng giật mình. Ta thấy thần sắc y khác thường, bèn thò đầu ngó vào hộp, thình lình như bị sét đánh, ngây người tại chỗ, luống cuống không biết làm sao.

Đèn lưu ly trong hộp sắc men trong vắt, rực rỡ óng ánh, song, đã nứt thành hai nửa.

Trong đầu phút chốc trống không, tiếp đó ùa vào vô vàn ý nghĩ lộn xộn rối rắm: Không phải ta, không phải ta, suốt dọc đường ta bưng hộp gấm rất vững, chưa từng đánh rơi… Ban nãy lại quên không hỏi tên tiểu hoàng môn kia… Tìm được hắn cũng vô dụng, ta căn bản không thể chứng minh đèn lưu ly vỡ trước khi giao cho ta…

Đúng lúc này, cửa gác bỗng bật mở, vài nội thị đi vào, người cuối cùng tiến tới là phó đô tri Nhập nội nội thị tỉnh Nhậm Thủ Trung.

Nhậm Thủ Trung chắp hai tay sau lưng, chậm rãi bước đến cạnh ta.

“Ranh con giỏi lắm, làm vỡ vật báu ngự tứ của quan gia…” Ông ta sầm mặt nói, chợt nghiêng đầu, đánh mắt ra hiệu cho nội thị đi theo, lập tức có người tiến lên ấn ta quỳ xuống mặt đất.

Nhậm Thủ Trung lại khom người với Tư Mã Quang, nói: “Theo lệ trong cung, nội thị làm hỏng vật ngự tứ đại thần sẽ để tùy đại thần xử trí. Thằng nhóc này cần đánh hay đuổi, tiên sinh phân phó một câu là được.”

Ta hoàn toàn không cách nào biện giải. Cảm giác như trở về lần bị nhốt trong phòng tối khi còn bé, tầm mắt nhạt nhòa, suy nghĩ phai mờ, không khí hít vào tràn ngập hơi thở chết chóc, ta cúi đầu đờ đẫn nhìn trân trân ánh tà dương hắt từ cửa sổ, chẳng rõ còn có thể thấy ánh mặt trời ngày mai hay không.

Đợi hồi lâu, cuối cùng, có tiếng nói vang lên.

“Thả cậu ta ra đi.” Tư Mã Quang bảo.

“Gì cơ?” Nhậm Thủ Trung sững sờ, ngờ rằng mình nghe lầm.

“Thả cậu ta ra.” Tư Mã Quang lặp lại, giọng thêm phần rõ ràng, ngữ khí bình tĩnh khác thường.

Nhậm Thủ Trung nhíu mày, vẫn không sao tin được: “Cứ thế thả nó đi? Làm hỏng vật ngự tứ, có xử tội chết cũng chẳng quá đáng.”

“Vật thưởng ngoạn há lại quý hơn mạng người.” Tư Mã Quang bình thản nói, “Vị trung quý nhân này hãy còn nhỏ tuổi, vô ý đánh rơi làm vỡ đèn lưu ly cũng không coi là tội nặng.”

Nhậm Thủ Trung lấy làm khó xử: “Nhưng, quan gia…”

“Nếu quan gia hỏi đến, xin hãy đáp bằng hai câu này.” Tư Mã Quang thoáng dừng lại rồi nói: “Cầm ngọc tước (*) chớ nên vung vẩy, trong lễ nghi dẫu nghe là vậy; mây ráng chiều chóng tản dễ tan, sự đã rồi khoan thứ đi thôi.”

(*) Tước là cốc uống rượu ba chân thời cổ.

Đại lý bình sự là chức quan sơ đẳng trong kinh thành, chỉ đứng hàng bát phẩm, đối với thủ lĩnh nội thị Nhậm Thủ Trung đã nhìn quen đại thần tể chấp (*) mà nói, e rằng căn bản chẳng đáng để vào mắt. Giọng Tư Mã tiên sinh bình thản, sắc mặt cử chỉ nhũn nhặn, cũng không ỷ thế hiếp người, song dăm ba câu ít ỏi lại có sức mạnh kỳ diệu, nghe vào chỉ cảm thấy lời đã nói ra không dung kháng cự.

(*) Danh từ gọi chung tể tướng và quan chấp chính – những chức quan quan trọng đứng đầu triều đình.

Nhậm Thủ Trung quan sát Tư Mã Quang dăm bảy lượt, mấy phen muốn nói lại thôi, cuối cùng hậm hực rút đi.

Trong gác chỉ còn lại ta và Tư Mã tiên sinh, ta rưng rưng vái dài: “Ơn cứu mạng của Tư Mã tiên sinh, Hoài Cát cảm kích khôn xiết, trọn đời khắc ghi.”

Hai tay y đỡ ta dậy, mỉm cười: “Không cần phải vậy… Có điều sau này phải cẩn thận hơn.”

Ta gật đầu: “Hoài Cát xin ghi nhớ lời tiên sinh dạy bảo.”

“Hoài Cát?” Y trầm ngâm, ngay sau đó hỏi, “Cậu là trung quý nhân Lương Hoài Cát của Hàn lâm thư nghệ cục?”

“Phải ạ, tôi từng làm việc ở thư nghệ cục mấy năm, sau được điều sang Hàn lâm họa viện.” Ta trả lời, lại kinh ngạc nói, “Sao tiên sinh biết…”

“Ta nghe Tôn Chi Hàn tiên sinh nhắc đến.” Y đáp, ánh mắt nhìn ta càng thêm hiền hòa.

Mùa đông năm đó ta vẫn còn nhậm chức ở Hàn lâm thư nghê cục, một trong số các công việc là sao chép lại tấu sớ của chư thần trước kia, đưa cho Bí các (*) chỉnh lý cất kho lưu trữ. Gián quan Tôn Phủ (tự Chi Hàn) vì trời đổ tuyết đỏ, trong nước lại gặp họa động đất nên từng dâng sớ tâu vua, chỉ thẳng rằng Trương mỹ nhân chịu sủng ái mà phóng túng bừa bãi, gây họa lại ỷ được che chở, coi thường cách biệt địa vị trưởng thứ, dùng vật lạm quyền, dẫn đến thiên biến cảnh báo.

(*) Bí các là nơi lưu trữ bản gốc thư tịch của Sử quán, Chiêu văn quán, Tập hiền viện và tranh cổ, thiếp tranh thư pháp cung đình.

Trong sớ, ông trích dẫn lời tể tướng Trương Hành Thành can gián Đường Cao Tông tránh xa nữ sắc tiểu nhân trong “Đường thư”: “Khủng nữ yết dụng sự, đại thần âm mưu, nghi chế vu vị ấm.” (*), nhất thời viết nhầm chữ Yết (谒) thành chữ Át (遏), lúc ta sao chép phát hiện ra, lén lút sửa lại chữ này, về sau Bí thư tỉnh thẩm tra lại nguyên văn và bản sao, thấy bị sửa đổi, hỏi ý kiến Tôn Phủ, Tôn tiên sinh liền xưng “hổ thẹn”, thừa nhận là mình lỡ bút, đối với việc ta tự tiện chủ trương sửa chữ ông viết không chỉ không cho là ngang ngược mà còn rất đỗi tán dương, đề cập với không ít người.

(*) Câu này có nghĩa là “E nữ nhân nắm quyền, đại thần mưu toan, cần phải hạn chế, không thể bao che.”

“Trung quý nhân từng đọc ‘Đường thư’?” Tư Mã tiên sinh hỏi ta, giọng ẩn chứa ý tán thưởng.

Ta hơi do dự rồi cúi đầu đáp: “Lúc Giả tướng công biên sửa thư tịch trong Tư thiện đường có giảng kinh sử tử tập (*) cho nội thị Hàn lâm viện, tôi từng đi dự thính, mượn đọc một hai bộ sách mà chư thần thường nhắc đến khi dâng sớ…”

(*) Cách phân loại nội dung sách vở thời xưa: kinh là kinh thư tức tác phẩm kinh điển của nho gia, sử là lịch sử, tử là chư tử tức sáng tác của các trường phái học thuật thời Tiên Tần, tập là văn tập tức thi từ tổng hợp.

Tư thiện đường là nơi hoàng tử quốc triều học bài, tể tướng Giả Xương Triều trong lúc biên soạn thư tịch Tư thiện đường từng triệu tập một số văn thần giảng bài cho nội thị Hàn lâm viện, muốn để họ tham dự vào công tác biên sách. Nhưng sau đó gián quan Ngô Dục dâng tấu phản đối, nói hành động này là “giảng dạy nội thị”, dễ gây ra họa thiến hoạn tham gia vào việc triều chính, kim thượng bèn cho dừng khóa dạy nội thị.

Kể từ đó, nên bồi dưỡng nội thị thành nho sinh, văn nhân vui thú đọc sách hay để họ giữ nguyên trạng thái làm đầy tớ nhà thiên tử dốt đặc cán mai vẫn luôn là một đề tài gây tranh luận giữa hai phái trong triều.

Nghe ta nhắc lại chuyện này, nụ cười Tư Mã tiên sinh hơi sững, im lặng chốc lát mới nói: “Sách không cần đọc nhiều. Nhiệm vụ chủ yếu của hoạn giả là hầu hạ thiên gia, chữ biết dăm ba, đủ để cung ứng trong cung đình là được rồi.”

Ta gật đầu đáp phải. Y nhìn ta chăm chú, lại hỏi: “Cậu bao tuổi rồi?”

“Năm nay mười bốn ạ.” Ta trả lời.

Y tỏ vẻ cảm khái, khẽ gật đầu, than: “Đáng tiếc.”

Ta đương nhiên biết “Đáng tiếc” là có ý gì. Nếu không phải ta đã tịnh thân làm nội thị thì y chắc chắn sẽ khuyên ta đọc nhiều sách, sau này làm rường cột quốc gia, đáng tiếc, khi ta bước chân vào cửa cung cũng là lúc cuộc đời định sẵn, vô vọng với nước nhà.

Ta nghĩ Nhậm Thủ Trung hẳn là đã bẩm tấu với quan gia, nhưng chưa thấy quan gia hạ lệnh trừng phạt ta cái gì, Nội thị tỉnh chỉ trừ của ta ba tháng bổng lộc coi là khiển trách, điều này đối với ta gần như không chút ảnh hưởng, bởi ta ở trong cung đã nhiều năm, về cơ bản chẳng có chỗ đâu mà dùng đến tiền. Bổng lộc mấy năm nay dành dụm được cũng không ít, có đôi khi ta sẽ ngẩn người ngồi đực trước tráp tiền đầy ắp, hồi tưởng kiếp sống ngày trước và tương lai, cảm thấy mình căn bản là trắng tay, nghèo đến mức chỉ còn mỗi tiền.

Ta kể chuyện đèn lưu ly với bạn thân Trương Thừa Chiếu. Trương Thừa Chiếu đó giờ vẫn làm việc ở thư nghệ cục, nghe tận tai thấy tận mắt nên hiểu khá tường tận tính khí các vị đại thần, nghe xong tấm tắc than: “Cũng may cậu gặp được Tư Mã Quang, người này từ nhỏ đã biết đập vò cứu người (*), có tiếng người tốt, nếu gặp phải cái loại ba gai như Ngô Dục thì không chết cũng rớt một lớp da. Lần trước ông ta lại tranh chấp với Giả tướng công trên triều, hai người ầm ĩ gay gắt lắm, chỉ thiếu điều xắn tay áo lên nhào vào đánh nhau. Làm quan gia sốt ruột đến độ ba phen mấy bận định xuống khỏi ngai ngự đi khuyên giải, sau lại bị Nhậm đô tri ngăn cản…”

(*) Đây là một tích về Tư Mã Quang, rằng khi ông còn nhỏ, chơi cùng một đám trẻ con trong đình, một đứa bé trèo lên trên lu lớn, trượt chân rơi vào lu bị nước ngập đầu, những đứa trẻ khác đều chạy mất, chỉ có Tư Mã Quang cầm đá đập lu, nước chảy ra, đứa bé mới sống được.

Nói đến đây, hắn chợt nhướng mày, ý thức được một vấn đề: “Cậu vừa kể là, Tư Mã tiên sinh vừa mở hộp ra, Nhậm đô tri đã dẫn người vào?”

Ta đáp phải, cũng mơ hồ cảm thấy chỗ này có gì đó không đúng.

“Làm gì có chuyện trùng hợp như vậy! Nhậm đô tri cũng có phải áp ban Di Anh Các mà ở đó cả ngày đâu, nhưng vì sao hai người vừa phát hiện ra đèn lưu ly bị vỡ, ông ấy đã dẫn người đến bắt cậu rồi? Rõ ràng là có người gài bẫy cậu.”

Ta lặng thinh, Trương Thừa Chiếu lại hỏi: “Có phải gần đây cậu đắc tội với ai không?”

Có ư? Nghĩ tới nghĩ lui, có thể gọi là đắc tội cũng chỉ có Trương mỹ nhân.

Ta kể việc Phúc Khang công chúa ra, Trương Thừa Chiếu kinh hãi trợn tròn hai mắt: “Cậu làm Trương mỹ nhân bẽ mặt, còn so sánh bà ta với Triệu Phi Yến? Trong cung ai mà chẳng biết bà ta là một vị chủ tử có thù tất báo!”

Ta nói: “Tôi đã thấy tình hình khi đó như thế, không nói sự thật ra, chẳng lẽ lại để mặc Trương mỹ nhân đổ oan cho công chúa?”

Trương Thừa Chiếu thở dài: “Công chúa là ái nữ của quan gia, chưa kể chuyện không phải do cô ấy làm, dù cho cô ấy có hại Trương mỹ nhân thật thì cậu nói xem quan gia có thể thế nào với cô ấy? Chủ tử tranh đấu tới lui, thua thiệt luôn là kẻ dưới, những tình huống như vậy cậu cứ im lặng đi.”

Ta cụp mắt thụ giáo, cũng không phản bác, chỉ nói: “Tôi không nghĩ được nhiều vậy.”

Trương Thừa Thiếu nhìn ta bất đắc dĩ, vẻ mặt thương hại: “Hèn chi cậu ở trong cung càng lăn lộn càng hỏng việc.”

Ý hắn chỉ việc ta bị “giáng chức” từ thư viện xuống họa viện, đồng thời khẳng định ta về sau sẽ còn bị chèn ép, nhưng kết quả tiếp đó lại khiến hắn giật mình: Một tháng sau, ta được điều đến ban nội thị Xu mật viện, làm công tác chỉnh lý và chuyển giao công văn.

Xu mật viện nằm ở phía tây nam cung thành, cùng với Trung thư môn hạ và Tam ty, là những cơ quan trung ương quan trọng nhất, Trung thư chủ dân, Xu mật viện chủ binh, Tam ty chủ tài vật, làm việc chữ nghĩa cho các trọng thần triều đình ở những nơi ấy gần như là nguyện vọng của tất thảy nội thị biết chữ trong Hàn lâm viện, thế nên lần điều chuyển này chẳng khác nào là ta được thăng chức.

Sau nữa ta được biết, là Tư Mã Quang tiên sinh đề bạt ta với phó sứ Xu mật viện Bàng Tịch mà y quen biết, nói Xu mật viện chủ trì sự vụ quân cơ trọng yếu, chữ nghĩa càng không thể có sai lầm, mà bản lĩnh của ta thì không tệ, đủ để đảm nhiệm công việc tương quan.

Do đó, ta càng thêm dạt dào cảm kích Tư Mã tiên sinh, lòng biết ơn và sùng bái y duy trì suốt rất nhiều năm, dẫu cho về sau có một ngày, y phê bình ta trước mặt hoàng đế là “tội ác như núi, đáng bị tru diệt”, ta vẫn chẳng mảy may hận y.