Cọ Xát

Chương 25: Ước nguyện



Đôi chân của Hàn Cẩm Thư bị giày mới cọ vào làm phồng rộp mấy chỗ, mỗi bước đi, vết phồng rộp bị cọ đau điếng người. Thấy Ngôn Độ chủ động đề nghị muốn cõng mình, mặc dù cô trăm lần không muốn nhưng cũng không có lựa chọn nào khác tốt hơn.

Bà cô cùng mấy bác lớn tuổi tình cờ gặp mặt kia đều đã bỏ xa bọn họ, nói không chừng cũng sắp sửa đến cổng chùa.

Bà cô ở bên ngoài một mình, không quen thuộc nơi này, vì đảm bảo an toàn cho bà cô, cô cần phải mau chóng đuổi kịp.

Không còn cách nào khác.

Hàn Cẩm Thư thở dài trong lòng, sau đó đành nhắm mắt vươn hai tay ra, nhẹ nhàng ôm lấy cổ Ngôn Độ từ phía sau, thân thể nghiêng về phía trước, nằm trên lưng anh.

Lưng Ngôn Độ rất rộng, cơ bắp dưới lớp áo vô cùng săn chắc và rắn rỏi.

Cảm nhận được nhiệt độ cơ thể cô đến gần, anh thu tay về ôm chặt lấy cô, giữ chặt cô, nhẹ nhàng đứng dậy, cõng cô tiếp tục lên núi.

Lúc này không có gió, Tây Sơn thanh u, tĩnh mịch như tranh vẽ, cành lá cây cối cũng lười biếng chẳng buồn lay động.

Hàn Cẩm Thư nằm sấp trên lưng Ngôn Độ, nhìn đông nhìn tây ngắm phong cảnh, ma xui quỷ khiến thế nào lại nhớ đến đoạn Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh trong “Tây Du Ký”.

Trong phần phim đó, Bạch Cốt Tinh vì muốn ly gián quan hệ giữa Đường Tăng và Tôn Ngộ Không mà biến hóa ba lần, dùng quỷ kế đa đoan để lừa Đường Tăng.

Khi còn nhỏ, Hàn Cẩm Thư xem bản truyền hình năm 1987, cô ấn tượng nhất là hình ảnh yêu quái biến thành ông nội. Tôn Ngộ Không giả vờ bị lừa, cõng yêu quái đi lên cao, sau đó thẳng tay ném yêu quái xuống núi.

Lúc này, Hàn Cẩm Thư nhìn chằm chằm vào phía sau gáy của Ngôn Độ, cô bỗng nhiên suy nghĩ: Có khi nào anh cũng ném cô xuống núi không.

Bên ngoài bậc đá có hàng rào bảo vệ, được bảo trì quanh năm, cực kỳ kiên cố.

Phía ngoài lan can là núi rừng, mây mù lượn quanh, vực sâu vạn trượng.

Những ý nghĩ vụt qua trong đầu Hàn Cẩm Thư, cô bị thứ suy đoán quỷ quái của chính mình hù dọa, hai tay cô vô thức thu lại, dùng sức ôm chặt Ngôn Độ.

Ngôn Độ bị cô siết chặt khó thở, nghiêng đầu liếc mắt về phía sau: “Em làm sao vậy?”.

Hàn Cẩm Thư căng thẳng nhìn trái nhìn phải, thấp giọng nói: “Anh đi cẩn thận một chút, chỗ này đã là đỉnh núi, nếu anh ngã một cái hoặc trượt tay ném em ra ngoài thì em sẽ tan xương nát thịt mất”.

Ngôn Độ: “Tại sao anh lại ném em ra ngoài?”.

Hàn Cẩm Thư: “Có thể anh muốn mưu sát em?”.

Nghe xong lời nói mơ hồ của cô, giọng điệu và sắc mặt Ngôn Độ vẫn rất bình tĩnh. Anh nói: “Trên đời chỉ có hai loại người giết vợ của mình, một là kẻ điên, hai là kẻ bi3n thái. Em cảm thấy anh là loại nào?”.

Hàn Cẩm Thư im lặng, nghĩ thầm: “Em nghĩ anh là cả hai”.

Hai người nói chuyện phiếm với nhau câu được câu chăng. Đúng lúc này, một ông lão lớn tuổi gánh đòn gánh từ trên bậc đá phía đối diện đi xuống.

Ông lão chắc là người địa phương ở đây, khoảng chừng 70 tuổi, miệng ngậm một điếu thuốc lá cuộn, đầu đội mũ rơm, chân mang giày rơm, quanh năm dãi nắng dầm sương khiến làn da ngăm đen và thô ráp. Một tay ông đặt lên đòn gánh, một tay cầm lấy chiếc khăn vắt trên vai lau mồ hôi, hai cái sọt lớn treo ở hai đầu đòn gánh nặng trịch chứa đầy các loại hàng hóa.

Có đồ uống, đồ ăn vặt, hoa quả đóng hộp đã cắt sẵn, còn có một ít mũ rơm, dép rơm và gậy leo núi.

Thấy Hàn Cẩm Thư và Ngôn Độ đi ngang qua, ông lão lập tức nhìn thấy cơ hội làm ăn, bèn lên tiếng: “Ôi trời, cô bé này bị giày làm đau chân đúng không? Mua đôi dép rơm cho dễ đi, tất cả đều được làm thủ công, chất lượng hết ý, đi vào đảm bảo thoải mái”.

Ngôn Độ nghe tiếng, dừng bước.

Ông lão buông đòn gánh xuống, ân cần cầm lấy một đôi dép rơm đưa tới trước mặt hai người, vẻ mặt tươi cười: “Tây Sơn thường xuyên có du khách đi nhầm giày đến leo núi, dép rơm này chính là đặc biệt chuẩn bị cho các vị đấy”.  

Ngôn Độ: “Bao nhiêu tiền?”.

Ông cụ: “Vốn bán 40 tệ, giờ bán cho cậu 35 tệ thôi”.

Ngôn Độ trả tiền mua một đôi. Chờ ông lão vui vẻ đi xa, anh đỡ Hàn Cẩm Thư đến ngồi trên một chiếc ghế đá, sau đó khom lưng, gập một đầu gối ngồi xổm xuống, chuẩn bị thay dép cho cô.

Hàn Cẩm Thư ngắm nghía đôi dép đan bằng rơm trong tay Ngôn Độ, có chút chần chừ: “Dép này thì tốt rồi, nhưng có vẻ không hợp với trang phục hôm nay của em?”.

Ngôn Độ nghe thấy bèn liếc cô một cái: “Vị tiểu thư này, em đi lễ phật chứ không phải đi thảm đỏ”.

Hàn Cẩm Thư vẫn do dự: “Nhỡ đâu có người cười em không biết ăn mặc thì sao?”.

Ngôn Độ một tay cầm dép rơm, một tay nắm lấy cổ chân trắng nõn tinh xảo của cô, đặt chân cô lên đùi đang gập của mình, vừa thay dép cho cô vừa thản nhiên nói: “Ở đây người quan tâm em nhất chính là chồng em, người nhìn em nhiều nhất cũng chính là chồng em”.

Hàn Cẩm Thư: “…”.

Ngôn Độ: “Anh không cười em”.

Hai chiếc dép rơm được mang vào chân Hàn Cẩm Thư. Cô bám vào cánh tay Ngôn Độ đứng lên, thử đi vài bước, ánh mắt lộ vẻ kinh ngạc: “Đế dép rất êm, đi thật sự rất thoải mái”. Nói xong, theo phản xạ ngẩng đầu nhìn Ngôn Độ, ánh mắt lấp lánh: “Đẹp không?”.

Ngôn Độ nhìn thẳng đôi mắt sáng lấp lánh kia, khóe miệng bất giác nhếch lên một nụ cười yếu ớt, đáp lại cô: “Em lúc nào cũng đẹp”.



Thay dép rơm xong, hai chân Hàn Cẩm Thư bị tra tấn một thời gian dài giờ đã được giải thoát, bước chân thoáng chốc đã trở nên nhanh nhẹn hơn. Lúc cô và Ngôn Độ đi vào chùa Trường Cát, bà cô đã đến đó được một lúc, bà đang nói chuyện gì đó với trụ trì.

Thì ra, thiên điện của chùa Trường Cát đang chờ tu sửa, bà cô biết được nên muốn quyên góp chút tiền cho chùa để hồi hướng công đức và tích phúc cho cháu ngoại sắp thi đại học.

Sau khi tìm hiểu quy trình cụ thể quyên góp công đức, Ngôn Độ đi theo trụ trì làm thủ tục.

Hàn Cẩm Thư cùng bà cô tiếp tục đi lễ Phật.

Chính giữa Đại Hùng bảo điện có một tượng Phật khổng lồ được sơn son thếp vàng, vô cùng lộng lẫy và uy nghiêm.

Bà cô quỳ trên tấm đệm dập đầu thành kính, miệng lẩm bẩm, Hàn Cẩm Thư cũng học theo quỳ bên cạnh bái lạy.

Cứ như vậy, hai bà cháu bái lạy tất cả tượng thần phật trong đại điện, một già một trẻ lại đi tới hậu viện của chùa Trường Cát, vừa đi dạo tản bộ vừa vui vẻ nói chuyện phiếm.

Đang nói đến chuyện nhà, đột nhiên bà cô chuyển chủ đề, đột ngột nói: “Cẩm Thư, tình cảm của cháu với Ngôn Độ thế nào?”.

Hàn Cẩm Thư hơi giật mình, không biết tại sao bà cô lại nhắc tới chuyện này, cẩn thận trả lời: “Rất tốt ạ”.

Bà cô nhìn chằm chằm khuôn mặt trẻ trung xinh đẹp của cháu gái, nở nụ cười, nói: “Bà cô nhìn ra Ngôn Độ thích cháu, nhưng hình như cháu không thích cậu ấy lắm”.

Hàn Cẩm Thư không biết vì sao bà cô lại đưa ra kết luận “Ngôn Độ thích cô”. Cô cũng không phản bác, vẫn mỉm cười ngọt ngào: “Đâu có, tình cảm của chúng cháu rất tốt, cháu rất thích anh ấy”.

Bà cô ăn muối còn nhiều hơn Hàn Cẩm Thư ăn cơm nên nháy mắt đã nhìn thấu tâm tư của đứa cháu gái nhỏ, nhưng bà không nói thẳng ra mà chỉ thở dài, chân thành nói: “Con bé này, mười năm tu mới được ngồi chung thuyền, trăm năm tu mới được chung gối. Hai con người xa lạ vượt qua biển người mênh mông đến với nhau là một duyên phận rất lớn lao”.

Hàn Cẩm Thư chỉ gật đầu: “Dạ”.

Bà cô tiếp tục: “Ngôn Độ là một đứa trẻ ngoan, một người đàn ông tốt, một người chồng tốt. Bà cô hy vọng hai đứa con sẽ luôn luôn hòa thuận”.

Khóe miệng Hàn Cẩm Thư cong lên, nhẫn nại nghiêm túc nghe bà cô nói chuyện.

Nói chuyện không biết bao lâu, Ngôn Độ quay lại báo cho bà cô tất cả thủ tục quyên công đức tu sửa thiên điện đều đã làm xong.

Ánh mắt bà cô nhìn Ngôn Độ, long lanh hiền từ: “Vất vả cho cháu”.

Ngôn Độ nở nụ cười nhạt: “Bà không cần phải khách khí đâu ạ”.

Bà cô vui vẻ hớn hở nhìn Ngôn Độ giây lát, bỗng nhiên dường như nhớ tới chuyện gì đó, nói với Hàn Cẩm Thư: “À, đúng rồi, ban nãy bà nghe trụ trì nói, đi dọc theo con đường nhỏ này mười mấy phút là đến sau núi. Ở đó có một cây cầu nguyện, treo thẻ ước nguyện lên cành cây, cầu cái gì sẽ được cái đó, linh nghiệm cô cùng. Cẩm Thư, bà cô mệt rồi nên ngại đi, hay là con và Ngôn Độ đi treo giúp bà nhé?”.

Nói xong, bà cô lấy thẻ ước nguyện trụ trì đưa, cười tủm tỉm giao vào tay Hàn Cẩm Thư.

Hàn Cẩm Thư gật đầu: “Vâng, bà đừng đi lung tung, cứ ở đây đợi chúng cháu”.

“Được”.

“Có chuyện gì thì gọi điện thoại cho cháu”. Hàn Cẩm Thư cố ý bày ra vẻ mặt nghiêm túc, dặn đi dặn lại: “Tuyệt đối không được đi lung tung”.

“Biết rồi, bà có phải trẻ con đâu”.

Hàn Cẩm Thư cúi đầu nhìn tấm thẻ ước nguyện trong tay, đột nhiên sửng sốt, bối rối hỏi: “Hả? Tại sao lại có ba tấm thẻ?”.

Bà cô: “Tấm có viết chữ kia là của bà. Hai tầm thẻ trắng là bà xin giúp hai đứa”.

Sau khi cảm ơn bà cô, Hàn Cẩm Thư và Ngôn Độ rời khỏi hậu viện chùa Trường Cát, dọc theo con đường nhỏ mà bà cô chỉ đi về phía sau núi.

Câu nói Tây Sơn nổi tiếng thế giới không hề phóng đại chút nào.

Từ trên cao phóng tầm mắt ra xa, núi non trùng điệp, xanh um tươi tốt. Hai bên đường mòn trồng một loại cây nào đó không biết tên, bầu trời trong xanh như vừa được gột rửa, hoa lá đung đưa trong gió, cảnh tượng này chắc chỉ trên trời mới có, nhân gian khó mà được gặp mấy lần.

Dọc theo đường đi, Hàn Cẩm Thư say mê cảnh đẹp trước mắt. Cô lấy điện thoại ra chụp chỗ này chỗ kia, căn bản không hề để ý nói chuyện với Ngôn Độ.

Ngôn Độ từ đầu tới cuối đều đi phía sau cô, thấy cô chụp này chụp kia cũng không lên tiếng.

Vòng qua một con suối róc rách, thế giới trước mắt rộng mở. Giữa núi rừng hiện ra một khu nhà tường trắng ngói xanh cổ kính. Cách khu nhà khoảng mười mét, trên bãi đất trống có một cây cổ thụ cao lớn đứng sừng sững, cành lá đan xen, tán xum xuê, thân cây treo đầy thẻ ước nguyện và những sợi chỉ đỏ thắt nút đồng tâm dùng để cầu nhân duyên. Màu đỏ trên cây làm rực một góc trời, hoành tráng mà đẹp đẽ.

Hàn Cẩm Thư ngắm nghía một hồi, sau đó lấy một tấm thẻ ước nguyện đưa cho Ngôn Độ.

Hàn Cẩm Thư: “Cho anh này, tấm này là của anh”.

Ngôn Độ nhận lấy tấm thẻ.

Hàn Cẩm Thư lấy bút ký màu đen mang theo bên người viết lên tấm thẻ nhỏ:

Mong bố mẹ con khỏe mạnh bình an, bà cô sống lâu trăm tuổi, chị họ tìm được hạnh phúc, sự nghiệp của con ngày càng phát triển. Cả nhà mọi việc đều thuận lợi!

Ký tên: Hàn Cẩm Thư cầu nguyện.

Viết xong, cô tiện tay đưa bút sang bên cạnh.

Ngôn Độ nhận lấy bút, im lặng cụp mắt, đặt vài nét bút vào chỗ trống trên thẻ.

Cuối cùng, Hàn Cẩm Thư lấy lại tấm thẻ ước nguyện của Ngôn Độ, gập lại, giơ tay treo cả ba tấm thẻ lên cành cây.

Một cơn gió mát từ từ thổi tới.

Tấm thẻ đã gấp lại bị thổi mở ra, ánh mắt cô đảo qua số chữ ít ỏi trên tấm thẻ ước nguyện của anh, lập tức ngơ ngẩn.

Trên đường về chùa Trường Cát, hai người vẫn đi cạnh nhau không nói gì.

Đi tới một căn đình hóng mát, Hàn Cẩm Thư rốt cuộc cũng mở miệng phá vỡ sự im lặng. Cô hắng giọng, thản nhiên hỏi: “Anh đã ước gì?”.

Vẻ mặt Ngôn Độ lãnh đạm, thờ ơ nói: “Không ước gì”.

Ngôn Độ: “Anh chưa bao giờ tin vào thần thánh”.

Hàn Cẩm Thư cũng không nói nữa, đầu óc rối bời, bất giác nhớ đi nhớ lại những nét chữ trên tấm thẻ vừa bị gió thổi bay:

[Nguyện cho vợ tôi Cẩm Thư mọi sự đều như ý. Ngôn Độ thành tâm cầu nguyện]

Không hiểu sao, trong lòng Hàn Cẩm Thư cảm thấy hơi căng thẳng.

Trong rất nhiều ước nguyện của cô, người chồng Ngôn Độ này của cô không chiếm lấy nửa chữ mà chỉ được cô xếp chung vào phạm trù “cả nhà”.

Vậy mà điều ước của anh lại là hy vọng “Vợ tôi Cẩm Thư”, mọi sự đều như ý…