Từ lúc trở về Việt Nam đến giờ tôi chưa hề nhắn cho gia đình ở quê biết địa chỉ nhà trên thành phố. Mặc dù tôi luôn gửi tiền chu cấp về cho mẹ mỗi tháng, nhưng tôi không hề muốn gặp mặt bất kì ai cả, tôi chỉ muốn sống hướng về phía trước, cùng với bé Nhi của tôi mà thôi. Để gửi được tiền về quê được mà mẹ không biết là của tôi cũng thật khó khăn, nhưng nhờ Teddy- một nhân viên trong công ty đã giới thiệu một luật sư tên Thành cho tôi. Thành cũng bằng tuổi tôi nhưng trông có vẻ chín chắn hơn tuổi thật, dù chỉ tiếp súc có vài lần nhưng tôi thấy được ở con người có gì đó khiến cho tôi tin tưởng được. Thế là cứ mỗi tháng, Thành đến gặp mẹ tôi để gửi "tiền trợ cấp được hưởng từ một bà con xa của mẹ tôi". Dĩ nhiên cái lí do mập mờ ấy sẽ chẳng ai tin được nhưng do trình độ hiểu biết của bà cũng chỉ ở bậc tiểu học nên bà chỉ còn biết vui mừng nhận lấy số tiền trời ban ấy.
Tôi không giận mẹ, bà đã làm mọi thứ để lo cho tôi ăn học lúc ở dưới quê, chịu những trận đòn dã man của người cha thay cho tôi những lúc ông đi nhậu say về. Tôi chỉ không biết mình sẽ phản ứng ra sao khi gặp lại mẹ, gặp lại mọi người, liệu tôi có nước mắt ngắn dài sà vào lòng mẹ như ngày nào hay trở nên lạnh lùng vô cảm đúng với bản tính tôi đang cố tạo nên. Mà phải rồi, gia đình ở dưới quê, mẹ, các anh các chị, và cả người cha hay đánh tôi khi xưa, đó là một phần kí ức không thể nào quên, dù đẹp hay không đẹp thì nó cũng đã từng là tuổi thơ của tôi- những thứ không hề nắm bắt được trong tay.
Giờ đây mỗi đêm đứng trên sân thượng nhìn thành phố về đêm tôi luôn hướng ánh mắt về phía quê hương. Nơi tôi ở khi xưa từ làng nay đã được thăng cấp lên thành xã An Nhứt, chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 100 cây số, nhưng...gần hai năm ở Việt Nam tôi chưa hề về thăm quê một lần nào. Thế mà giờ đây tôi lại đưa Nhi cùng dạo bước trong mảnh đất Bàu Thành khi xưa, mà nó cũng chẳng còn là mảnh đất hoang nữa mà đã trở thành một trung tâm văn hóa khá nổi tiếng của tỉnh.
Tôi dẫn bé Nhi bước lên bãi đất bồi cao để có thể nhìn bao quát được Bàu Thành, chiêm ngưỡng được vẻ đẹp bình dị của hồ sen bên dưới. Tôi bước xuống ngắt cho con bé một đóa sen, mặc cho đôi giày bị dính chút bùn. Nhi lè lưỡi nhìn vào chân tôi nhưng cũng cười tít mắt khi nhận lấy đóa hoa sen trong tay.
Chạy chầm chậm trên con đường quốc lộ, tôi hạ kính cửa xe xuống, chỉ cho bé Nhi những khung cảnh những địa danh từng gắn liền một thời với mình. Dọc bên bờ cầu Mốc nay đã mở một đường đất khá rộng kề bên, tôi dẫn bé Nhi đến cây táo dại gần cái đập mà tôi vẫn hay đi câu cá cùng đám bạn thuở nhỏ. Cây táo ấy vẫn còn, nhánh có vẻ nhiều hơn nhưng lá đã rụng khá nhiều, dường như nó còn già cỗi hơn cả tôi. Tôi hái cho Nhi vài quả táo vàng xanh vừa chín tới, cười chảy nước mắt khi thấy con bé nhăn mặt vì vị chua của mấy quả táo dại.
Cứ thế mà đến xế trưa bọn tôi mới đến được xã An Nhứt. Đúng như tôi nghĩ, cuộc sống ở đây đã hiện đại hơn khi xưa, những con đường trải nhựa kéo dài hun hút, những căn nhà như biệt thự nhỏ mọc lên san sát nhau. Đi lòng vòng một hồi tôi cũng có thể xác định được căn nhà cũ của mình ở đâu. Con hẻm làm bằng hàng rào dúi gai vẫn xanh tốt như ngày nào, nhưng cái sự sung túc của chúng đã cản trở chiếc Innova của tôi tiến vào trong.
Sau khi giao chìa khóa xe cho Mạnh- một người bạn thưở nhỏ nhưng không nhận ra tôi, giờ nó đang là chủ cơ sở sữa chữa xe ở đây, tôi kéo lấy chiếc vali nặng chịch cố đi thêm vài bước dưới cái nắng gay gắt. Bé Nhi lẽo đẽo theo phía sau, có đôi lúc nó ngẩn ngơ đứng nhìn khung cảnh xung quanh một chút, rồi lại giật mình chạy nhanh theo tôi. Chỗ sữa xe chỉ cách cái hẻm dẫn vào nhà tôi gần 100m nhưng do trời nóng, lại thêm đống hành lý kia nên cả hai bố con mồ hôi túa ra như tắm.
Tôi hỏi:
- Con đói bụng chưa?
Con bé lắc đầu. Tôi nghĩ có lẽ do nó quá phấn khích khi lần đầu về quê nội nên quên mất đi cảm giác đói. Mà thật là từ sáng đến giờ cả hai bố con có gì vào bụng đâu chứ. Đúng là tôi cũng không thấy đói, nhưng có gì đó khiến tôi phải chần chừ khi bước vào con hẻm đó, liệu tôi phải ăn nói sao với các anh em, với mẹ của tôi đây. Đối với họ thì có lẽ tôi đã chết ở cái nơi đất lạ quê người từ lâu rồi.
Nhi tò mò khi thấy tôi chần chừ đứng trước con hẻm.
- Sao ba không đi tiếp? Ba quên đường rồi à?
- Ừ, có lẽ. Cũng gần hai mười năm rồi còn gì.
Con bé ôm lấy cánh tay tôi, có thể hiểu như một lời an ủi. Tôi xoa đầu bé Nhi rồi dẫn nó vào một tiệm tạp hóa kế bên con hẻm trước khi con nhỏ kịp than vãn vì phải phơi mình dưới anh nắng ban trưa gay gắt. Cái tiệm tạp hóa này đã có từ trước lúc tôi sinh ra, chủ quán là vợ chồng chú Sáu Nháy ( sở dĩ gọi là Sáu Nháy vì ông có tật hay nháy mắt thường xuyên), 18 năm sống ở đây có hết 15 năm tôi chạy qua đây ăn "ké" nhà thím Sáu. Thím có 4 người con nhưng chỉ có một người con trai duy nhất, và người ấy lại là 1 trong ba người bạn thân nhất của tôi khi ấy. Bởi vậy thím lúc nào cũng xem tôi như con cháu trong nhà, lúc nào cũng cho quà bánh ăn phủ phê.
Thấy tôi bước vào tiệm, thím Sáu liền bước ra hỏi khách cần dùng gì. Tôi hơi bất ngờ vì ngần ấy năm mà thím chẳng hề thay đổi là mấy. Ở cái tuổi lục tuần này có lẽ thím cũng chỉ hơi còm người xuống một tí, tóc cũng đã lấm tấm bạc, nhưng vẫn là người thím hiền hậu khi xưa.
Nhìn thấy thím chào hỏi ân cần, dù chỉ là xã giao với khách, nhưng sao tôi lại không thể kìm được nước mắt của mình. Tôi lắp bắp:
- Thím...thím Sáu! Con đây! Con là Đông đây! Thằng Đông ngày xưa vẫn thường hay sang vòi kẹo dừa của thím đây.
Thím hơi sững người lại một chút, đôi mắt vẫn còn chút trong trẻo khẽ nheo lại, và tôi thở phào khi thấy đôi mắt ấy dãn ra. Thím nắm lấy tay tôi, vẫn cái giọng ân cần khi xưa dù có đôi chỗ hơi lấp lửng.
- Con về rồi đấy à? Cũng đã hai chục năm rồi ấy nhỉ? Thiệt tình, lớn rồi sao mà còn khóc, mày thiệt khác với hồi đó quá. Hồi ấy má đánh quá trời mà mày có thèm nhỏ giọt nào đâu chứ?
Tôi mỉm một nụ cười rạng rỡ.
- Vì con biết nếu con khóc thì thím sẽ không cho kẹo nữa.
- Thế con có ghé qua nhà chưa? Mà hình như tuần trước đám ma ba, thím không thấy mày về.
Tôi ấp úng.
- Con mới về lại Việt Nam đây thôi. Khi nào rãnh... con sẽ kể cho thím nghe sau.
Tôi ngước lên trời khụt khịt vài cái cho ráo đi nước mắt. Bé Nhi ở phía sau cứ tròn xoe mắt, có lẽ nó sẽ nhớ mãi cái hình ảnh ngày hôm nay bởi từ nhỏ đến lớn đây là lần đầu tiên tôi khóc trước mặt con bé. Tôi quay sang hỏi thím.
- Vậy anh Đen giờ khỏe không hả thím? Con muốn gặp ảnh.
Thím chỉ vào một căn nhà lầu mới xây ở bên cạnh.
- Nhà nó ở bên ấy đó. Giờ này con qua là gặp nó thôi.
- Dạ, vậy để con qua thăm ảnh trước.
- Ừ. Con qua đi. Từ lúc con đi nó cứ nhắc con mãi. Thiệt tình, lúc đám cưới nó có viết thiệp ghi tên con nhưng không biết gửi đi đâu, rồi tối đêm tân hôn nó cứ nhìn mãi cái thiệp ấy đến nỗi con vợ nó còn phải ghen đó. Con đi đi, thấy con chắc nó cũng khóc như con thôi.
Tôi cười.
- À, đây là Nhi, con gái của con.
Thím cười thật tươi,
- Ừ, con bé dễ thương lắm. Năm nay con học lớp mấy rồi.
Nhi cúi đầu lễ phép.
- Dạ, con đang học lớp 11.
- Ừ, ngoan. Thôi hai bố con đi sớm rồi còn về thăm nội tụi bây nữa. Thiệt tình.
Có khách bước vào quán, thím Sáu lại tất tả, cố gắng bước thật nhanh vào quầy. Tôi muốn nói thêm với thím nhiều điều nhưng rồi lại thôi. Cái tôi quan tâm bây giờ là sang thăm lại anh Đen-người bạn thân nhất thưở nhỏ của mình. Cái nhà mới cách tiệm tạp hóa chỉ vài chục bước chân mà tôi vác vali bước đi như đang chạy, hối hả không thua gì chuẩn bị gặp mặt người yêu lâu ngày xa cách...Và một trong những "người yêu" đó của tôi thình lình xuất hiện với tư thế quét bụi trước nhà, giữa trời trưa nóng gay gắt. Chỉ nhìn thoáng qua tôi đã nhận ra cô em họ của mình, giờ đã là nàng dâu đảm của thím Sáu. Con bé ấy sau ngần ấy năm vẫn chẳng thay đổi nhiều, vẫn kiểu tóc ấy, điệu bộ ấy, có khác chăng là thêm một thằng cu hai, ba tuổi chạy lon ton phía sau.
Thấy tôi đứng ngẩn ngơ trước sân, Ngân- đứa em họ ngày nào mới ngạc nhiên hỏi thăm.
- Anh tìm ai à?
- À...ừ...Cho hỏi đây là nhà anh Tân (tên thật của anh Đen) phải không?
- Dạ phải. Anh tìm chồng em có việc gì không ạ?
Tôi ngoắt Nhi đến cạnh mình.
- Tôi là bạn cũ của anh Tân. Hôm nay tôi dắt con gái về đây chơi sẵn ghé đây thăm anh Tân luôn. Thế Tân có nhà không chị?
- Anh ấy đi làm chắc cũng sắp về. Anh với cháu vào nhà ngồi chơi chờ ảnh một chút ạ.
Tôi cười dẫn Nhi bước vào nhà, không quên "khen" bà chủ một câu.
- Em lớn rồi mà vẫn vậy nhỉ? Ai em cũng tra khảo người ta ngoài nắng một hồi rồi mới chịu cho vào nhà như vậy à?
Ngân mang hai ly nước lạnh lên cho chúng tôi, miệng đon đả.
- Dạ đâu có. Tại em chưa gặp anh bao giờ nên cũng hơi ngờ ngợ. Mà anh có xuống chơi nhà em bao giờ chưa...em thấy anh quen quen.
Tôi trả lời đầy ẩn ý:
- Nhà nào? Nhà chú Bảy Lang hay nhà anh Đậu Đen đây?
- Ủa! Anh cũng biết ba em nữa à?
Tôi thở dài tháo cặp kính cận của mình xuống.
- Buồn em quá Đậu Be! Có được chồng như ý rồi là quên người anh này à? Nhớ hồi đó anh hỏi mày có ưng thằng Đậu Đen hay không, mày lắc đầu lia lịa kia mà. Sao? Nhớ ra anh chưa?
Ngân cố lục lọi lại cái trí nhớ đầy những tính toán chợ búa tiền nong bạn hàng, cuối cùng nó cũng tròn xoe mắt lên, đưa hai tay lên che lại cái miệng cũng đang há hốc kinh ngạc của mình.
- Anh...anh Đông! Là anh Đông thật sao?
Tôi gật đầu, dang rộng hai tay ra như chứng minh thằng tôi là thật trăm phần trăm.
- Ừ, anh đây.
Đúng như tôi, con bé đã ba mươi mấy tuổi đầu rồi mà con như con nít, nó nhảy vào ôm chầm lấy tôi mừng mừng tủi tủi. Không hiểu sao gặp lại cái khung cảnh sướt mướt mùi mẫn như thế này mà tôi lại không hề nhỏ lấy một giọt nước mắt. Lúc này tôi cũng đang vui, vui vì gặp lại được thêm một người thân, vui vì mọi người vẫn còn quan tâm đến mình. Nhất là giờ đây tôi càng "vui" hơn khi anh Đen xuất hiện trước nhà, cũng đỏ mặt tía tai khi thấy vợ mình ôm một thằng đàn ông khác mà khóc mùi mẫn. Có lẽ anh Đen không thể nào tin được khi thấy anh mà cô vợ còn mỉm cười như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đúng là anh Đen của tôi ngày nào, hiền lành và chất phác.
Ngân chạy ra hâm hở khoe với chồng.
- Anh Tân ơi anh Tân! Anh Tân! Nhìn kìa...nhìn xem ai về kìa.
Sợ anh Đen lại nổi cơn ghen nên tôi nhanh chóng đứng dậy.
- Anh Đen! Lâu quá rồi anh em mình mới gặp lại. À không, giờ chắc phải gọi anh là em rể rồi chứ hả?
Cũng giống như Ngân lúc nãy, giờ chính anh Đen lại sững người ra nhìn tôi, đôi mắt của người bạn nhìn thẳng vào tôi như muốn nói biết bao điều, bao ấm ức, bao nhớ mong mà anh giữ trong lòng không thổ lộ cùng ai hết. Hai anh em tôi nhìn nhau thật lâu rồi lại ôm chầm lấy nhau, cùng cười ha hả một cách sảng khoái...giống như ngày nào...
Anh Đen hồ hởi dắt tôi vào nhà. Anh mới đi làm về, mồ hôi túa ra ướt đẫm cả áo nhưng anh vẫn ngồi xuống trò chuyện với tôi, không quên bảo Ngân đi dọn cơm mời hai bố con tôi. Tôi không nỡ từ chối, vả lại giờ cũng đói lắm rồi, toàn người nhà cả mà. Nhi vui vẻ chạy xuống giúp cô nó dọn cơm, chỉ còn tôi với anh Đen ngồi trò chuyện với nhau.
- Anh cứ ở đây ăn cơm với vợ chồng em. Lâu lắm anh em mình mới sum họp như vầy, không say không về hỉ?
- Thôi cho em xin. Chút còn phải về thăm nhà nữa, để chiều tối anh em mình "tâm sự" sau.
- Thế cậu Đông đi đâu mà lâu thế đến bây giờ mới chịu mò về, không thèm liên lạc với ai cả.
- Em đi công tác ở nước ngoài đến tận 6 năm, mới về nước gần đây thôi.
- À. Thế vợ con sao rồi. Được mấy đứa.
Tôi thở dài.
- Em chỉ được đứa con gái đó thôi ạ?
- Con bé bao nhiêu tuổi rồi?
- Mười bảy! Đang học lớp 11.
Anh Đen giật mình đứng dậy.
- Cái gì? Cậu mới đi có khoảng 20 năm thôi mà đã có con lớn chừng đó rồi à?
- Anh bình tĩnh. Chuyện dài lắm từ từ em kể cho anh nghe.
- Ừ ừ, mà kể ra cậu cũng có phước quá nhỉ. Cưới được vợ đẹp, nay lại được con xinh thế này. Mà sao không ráng kiếm thêm một thằng cu nữa.
Câu nói của anh khiến tôi ngạc nhiên.
- Vợ đẹp? Anh biết "mẹ con bé" à?
- Ừ. Hình như cô ấy đang ở nhà cậu đó. Sao hai vợ chồng không về cùng nhau luôn? Tội nghiệp, cô ấy bận thế mà vẫn thường về đây thăm bà cụ lắm.
Ngân bưng mâm cơm từ nhà dưới bước lên, không quên chen vào giữa câu chuyện.
- Con bé giống mẹ thật. Hèn gì em mới nhìn mà đã thấy ngờ ngợ. Mà sao anh không về cùng với chị Hân?
Hết anh Đen rồi tới Ngân cứ đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khiến đầu óc tôi quay cuồng.
- Hân?... là sao?
Ngân trố mắt nhìn tôi cười.
- Anh hỏi gì lạ vậy? Thì chị Hân, vợ anh đó. Hôm qua em gặp chỉ ở nhà anh, thấy đang trò chuyện với bà cụ coi bộ vui lắm. Mà anh sao vậy, hai anh chị đang giận nhau à?
- Tại ba lo công tác hoài nên mẹ giận bỏ về đây trước đó cô.
Nhi đặt tô canh chua nóng hổi xuống mâm, nhìn tôi cười, nụ cười lạ lùng, tôi thấy ẩn hiện trong đó có tí gì "ma quái". Nó tiếp tục, giọng chẳng có vẻ gì là đang đùa.
- Ba lo chuẩn bị đi gặp "mẹ" đi! Mẹ biết hôm nay ba về đây đó.
Con bé như đưa tôi vào một mê lộ không lối thoát, tôi cố bình tĩnh hỏi lại:
- Con đang nói chuyện gì vậy? Con đang đùa phải không?
Nhi im lặng không nói. Có tiếng guốc lách cách sau lưng rồi im bặt. Một giọng nói quen thuộc cất lên mà tôi không thể tin được là người ấy lại xuất hiện ở đây.