Cuộc Sống Xuyên Việt Khoái Hoạt Của Nông Phu

Chương 17



Tiếp tục hướng lên núi, Đỗ Vĩ Minh lục tục hái một ít nấm hương và mộc nhĩ, Lưu Cảnh Nguyên cực kỳ hứng thú đối với những thứ này, hắn không biết, những cây nấm này thì ra sinh trưởng dưới gốc cây. Lưu Cảnh Nguyên phát hiện trên núi có thỏ rừng, trong nhà Đỗ Vĩ Minh cũng có thỏ, nhưng chỉ có hai con, Đỗ Vĩ Minh để nuôi chứ không làm thịt, hắn còn chờ bọn nó sinh thỏ con. Khó có cơ hội, hắn muốn bắt vài con thỏ tặng Đỗ Vĩ Minh. 

Ở ven đường kiếm hơn chục cục đá, giấu trong lòng bàn tay, xa xa thấy mấy con thỏ đang ăn cỏ, hắn liền chọi đá, hụt, lại ném, lại hụt, chục lần sau cuối cùng cũng trúng, bắt được ba con thỏ con và hai con chim trĩ. Đỗ Vĩ Minh cũng được nhìn thấy thứ gọi là võ công.

Trước đây hắn vẫn cho rằng võ công chỉ có trong tiểu thuyết kiếm hiệp, đều là lừa gạt, không ngờ tới bây giờ lại được nhìn thấy. Kỳ thật, thỏ trong nhà Đỗ Vĩ Minh đều là thỏ cái, Đỗ Vĩ Minh không rõ vì sao thỏ nhà mình mãi không sinh con, sau đó Trương đại thẩm xem dùm hắn, hai thỏ cái làm sao sinh thỏ con nha. 

Lưu Cảnh Nguyên bắt được một thỏ đực, Đỗ Vĩ Minh mang về nhà nuôi, phần còn lại trở thành bữa ăn tối. Võ công của Lưu Cảnh Nguyên kì thật cũng bình thường thôi, nhưng tại sao lại ném trúng nhiều như vậy, có hai nguyên nhân, một là mùa đông vừa qua, động vật trên núi đều chui khỏi hang tìm thức ăn. Còn nguyên nhân thứ hai, mọi người tự suy nghĩ đi.

Hai người xem như thắng lợi trở về. Sau khi về nhà, chuyện đầu tiên là phải đem gốc ô liu ra sân sau trồng. Đỗ Vĩ Minh quyết định quan sát một thời gian, nếu không có vấn đề gì liền lên núi nhổ thêm cây về trồng. Đem con thỏ đực kia nhốt vào lồng, mấy con khác thì đều đưa Cảnh Nguyên làm thịt. Hai con chim trĩ đem ướp rồi phơi khô, món chính hôm nay là thịt thỏ. 

Thịt thỏ kho tàu, thỏ xào, thỏ nấu khoai tây, xương thỏ hầm nấm và một dĩa cải trắng, Còn dư hơn nửa con thỏ, Đỗ Vĩ Minh mang tặng nhà thôn trưởng, Trương đại thẩm cực kì vui vẻ. Một bàn thức ăn bị hai người tiêu diệt sạch sẽ, Lưu Cảnh Nguyên nấc một cái to, ngại ngùng sờ sờ đầu. Đỗ Vĩ Minh dọn dẹp chén bát, Lưu Cảnh Nguyên nhìn hắn bận rộn như vậy, dâng lên cảm giác hạnh phúc.

Một thời gian sau, Lưu Cảnh Nguyên cũng đi theo Đỗ Vĩ Minh làm ruộng, hai người thay phiên nhau xới đất chuẩn bị cho vụ xuân. Đỗ Vĩ Minh lấy tất cả hạt giống ra phơi nắng. Lưu Cảnh Nguyên thấy kì lạ, chưa từng thấy ai đem phơi hạt giống, nhưng vẫn làm theo yêu cầu của Đỗ Vĩ Minh. Hai khối đất trước và sau nhà, Đỗ Vĩ Minh chăm sóc rất cẩn thận, chuẩn bị gieo hạt.

Ngâm hạt giống, thúc mầm, ươm giống, mỗi một bước Đỗ Vĩ Minh đều làm rất cẩn thận. Đặc biệt là khi ươm giống, Đỗ Vĩ Minh mỗi ngày đều tưới nước hai mảnh đất trước và sau nhà, nhìn những cây con nho nhỏ, Đỗ Vĩ Minh rất vui vẻ. Những cây ô liu trồng ở sân sau cũng không có dị chứng gì, thế là hắn lên núi di chuyển hết những cây con về.

Nên trồng ô liu ở nơi nào, điều này làm hắn cân nhắc rất lâu, nếu trực tiếp trồng ở ba mẫu ruộng nhà hắn, phỏng chừng có người tưởng hắn có bệnh, ở đây chẳng ai trồng loại cây này. Hơn nữa nếu trồng ở đồng ruộng thì mục đích quá rõ ràng, những món ô liu hắn làm dễ bị người ta biết. 

Suy nghĩ nửa ngày, Đỗ Vĩ Minh thấy trồng ở khối đất sau nhà là an toàn nhất. Không dễ bại lộ, với lại nằm sau nhà nên cũng tiện chăm sóc, đây đúng là nơi lý tưởng nhất. Khối đất kia cũng không lớn lắm, để cây có không gian sinh trưởng nên phải trồng thưa một chút, bằng không sẽ khó lớn. Đỗ Vĩ Minh quyết định mở rộng khối đất đó, sau khi hoàn thành, đất đã lớn gấp ba lúc đầu, trồng mấy chục cây chắc cũng đủ.

Trời vừa tờ mờ sáng, Đỗ Vĩ Minh và Lưu Cảnh Nguyên đã lên núi, đem cây đào ra, mỗi người bê hai ba cây mang về, thừa dịp mọi người còn chưa thức dậy, hai người đi tới đi lui cũng chuyển được hơn mười cây nhỏ. Ăn sáng xong, vội vàng đem cây con đi trồng. 

Thời gian còn lại hì hụi nghiêm cứu ba mẫu đất kia. Liên tiếp vài ngày, hai người cũng hoàn thành việc nhổ cây ô liu về trồng, nhưng Đỗ Vĩ Minh và Cảnh Nguyên đều mệt rã rời. Vì không muốn thôn dân phát hiện, cả hai đều phải lén lút như kẻ trộm. Đến khi trồng xong ô liu, cây con ở sân trước cũng đến thời điểm cấy mạ.

Trước khi cấy mạ, phải bón phân trên đất, cái này gọi là bón lót, bằng không hoa màu sẽ sinh trưởng kém. Lưu Cảnh Nguyên đối với chuyện này dốt đặc cán mai, nhưng làm vài ngày cũng chậm rãi thuần thục, không hiểu thì hỏi. Phân bón lót dùng chính là phân tro, để bón lót ba mẫu ruộng cũng tốn vài ngày, cuối cùng là cấy mạ. Đỗ Vĩ Minh dành một mẫu đất trồng ngô, một mẫu trồng lúa, mẫu còn lại trồng rau. 

Lúc trước có hai khối đất trước và sau nhà, hiện tại khối phía sau trồng ô liu, đằng trước thì trồng cây ăn quả, nên hắn quyết định trồng rau ngoài ruộng.

Bận bịu như con quay gần hai tháng, cuối cùng cũng trồng xong ba mẫu đất. Thân thể nhỏ bé của Đỗ Vĩ Minh so với hồi mới tới đây cũng rắn chắc hơn, may mà lần này có Cảnh Nguyên hỗ trợ, bằng không một mình hắn làm mãi không xong. Lưu Cảnh Nguyên tuy làm việc không nhanh nhẹn như Đỗ Vĩ Minh, nhưng sức lớn, thân thể cũng cường tráng. 

Còn Đỗ Vĩ Minh làm một lúc, nghỉ một lúc, nếu không thì sớm đã ngã quỵ, còn Cảnh Nguyên thì chỉ nghỉ ngơi lúc ăn cơm. Sau khi trồng xong, Đỗ Vĩ Minh quyết định nghỉ ngơi hai ngày. Mấy ngày nay đều vội vàng làm việc, cơm mỗi ngày đều nấu qua loa. Nhà người khác có nhiều người, nam ra đồng làm việc còn nữ ở nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Nhà bọn họ chỉ có hai người, may mà đất không nhiều lắm, không thôi làm đến mệt chết. Ai, mai mốt mình có tiền, chắc chắn sẽ thuê người làm mấy việc này.

Đỗ Vĩ Minh lấy một con gà phơi khô lần trước, quyết định hôm nay làm một bữa hoành tráng khao Cảnh Nguyên. Gần đây đều bận làm ruộng nên không có lên trấn mua thêm đồ, nhìn gia vị trong nhà, chỉ còn một ít, xem ra phải lên trấn một lần. Cũng không biết tình hình buôn bán như thế nào.

Thịt khô cắt thành lát, xếp trên măng khô hắn tự phơi, trực tiếp cho vào nồi chưng là được. Còn nửa con gà chặt thành miếng, phía dưới lót cải trắng rồi đem hấp. Đỗ Vĩ Minh muốn Cảnh Nguyên nghỉ ngơi cả ngày, nên không kêu hắn nhóm lửa, đến bữa cơm trưa làm hắn ngạc nhiên một phen, thịt khô nấu măng, gà hấp, miến xào trứng chim, hương cô thái tâm, kim chi, thịt khô xào củ từ, thêm một tô canh trứng chim và nấm. Đây là bữa cơm phong phú nhất trong khoảng thời gian này, thế là cả hai hì hụi tiêu diệt sạch sẽ đồ ăn trên bàn.

Đỗ Vĩ Minh và Lưu Cảnh Nguyên ngồi ưỡn bụng ở sân trước phơi nắng, nói chuyện phiếm tiêu thực.

“Cảnh Nguyên, ngày mai chúng ta lên trấn đi, vài thứ trong nhà đã hết.”

“Được, từ lúc xem hoa đăng đến giờ cũng đã lâu, vừa lúc đi mua sắm.”

“Mua thêm ít vải, mấy ngày nay trời nóng, ngươi không thể mặc áo bông mãi được.”

Chuyện đồng áng nhà thôn trưởng còn chưa xong, nên lần này không đi. Không có xe bò, nên hai người phải đi bộ lên trấn. Đỗ Vĩ Minh từ sáng sớm đã dậy làm ít bánh bột ngô mang theo ăn dọc đường, còn xách thêm túi nước, Cảnh Nguyên lưng đeo giỏ trúc, hai người liền xuất phát. Vừa đi vừa trò chuyện, thời gian trôi qua rất nhanh. Khi đến Bình Phước trấn, Đỗ Vĩ Minh đầu tiên đi đến cửa hàng của Phòng chưởng quầy. Vừa bước vào, Phòng chưởng quầy đã vui vẻ mời hai người vào trong.

“Tiểu huynh đệ, ngươi còn xà phòng và dầu ô liu không? Hàng lần trước ngươi gửi, ta đã bán hết rồi, hai ngày nay có rất nhiều người đến hỏi mua.”

“Dầu ô liu còn một ít, xà phòng cũng thế. Hay là ngày mai cháu nhờ người mang tới năm bộ trước, lần sau gặp cháu sẽ giao hai mươi bộ cho thúc.”

“Còn vị này là?”

“Đây là biểu ca của cháu, mấy thứ này đều do huynh ấy dạy cháu.”

“À, thì ra là biểu ca của Lý Nhị, nên xưng hô như thế nào?”

“Tại hạ Cảnh Nguyên.”

Phòng chưởng quầy thanh toán tiền mười bốn bộ xà phòng và dầu ô liu cho Đỗ Vĩ Minh, trong đó bốn bộ là hàng khuyến mãi, 55 văn tiền một bộ, còn lại đều dựa theo giá gốc, 80 văn tiền một bộ, tổng cộng là 1020 văn tiền, trừ đi hoa hồng của Phòng chưởng quầy là 102 văn, Đỗ Vĩ Minh còn lại 918 văn tiền. Sau đó mua thêm muối và gia vị ở chỗ Phòng chưởng quầy hết 80 văn, còn mua thêm một lốc bình sứ nhỏ, lần này được Phòng chưởng quầy giảm giá mỗi cái 4 văn tiền, mua năm mươi cái hết 200 văn. 

Cảnh Nguyên nhìn trúng một bộ trà cụ, khá đắt tiền, nên mượn của Đỗ Vĩ Minh 100 văn, khiến hắn có chút xót của, nhưng vẫn quyết định mua. Lần này hàng hóa không gửi ở cửa hàng mà trực tiếp bỏ vào giỏ trúc trên lưng Cảnh Nguyên.

Đỗ Vĩ Minh mua giấy bút, thứ này so với đồ ăn đắt hơn, Đỗ Vĩ Minh chi 200 văn mua khá nhiều giấy tuyên thành loại bình thường nhất, Cảnh Nguyên biết chữ, về sẽ nhờ hắn dạy mình. Hai người ăn trưa tại Thiên Hương lâu, đây là lần đầu tiên Đỗ Vĩ Minh ăn cơm ở nơi như thế này, ông chủ tặng Đỗ Vĩ Minh một đĩa bồ câu quay, hắn chọn thêm ba món ăn, không gọi rượu, cũng không quá mắc, hết 40 văn tiền. Ông chủ dặn Đỗ Vĩ Minh lần sau giao thêm dưa muối ô liu và ô liu ngào đường, Đỗ Vĩ Minh đáp ứng. 

Tiếp theo là đến tiệm vải, Đỗ Vĩ Minh mua cho mình loại vải rẻ nhất, chọn cho Cảnh Nguyên vải loại trung, lại tốn thêm 200 văn. Kế đến là đi chợ, mua ba cân thịt heo. Lại dạo một vòng phố Tây, mua cho Cảnh Nguyên một đôi giày mới, mua chút điểm tâm, nhìn thời gian cũng không còn sớm, hai người quyết định trở về.