Đại Đế Cơ

Chương 4:



Sau khi quyết định sẽ đem sự thật này nói cho Quách Hoài Xuân nghe, trong lòng Tiết Thanh cảm thấy thật nhẹ nhõm. Sau đó, nàng sẽ bắt đầu tìm hiểu về thế giới này và tính toán đến chuyện tương lai sau này.

Gió xuân đã bắt đầu dạo chơi nơi đây, những cơn gió nghịch ngợm nhẹ nhàng lướt từ phiến lá nhỏ này qua phiến lá nhỏ khác.

Tuy rằng sống nhờ vào họ Quách, lại được người ta hứa gả con gái cho con mình nhưng Tiết mẫu vẫn luôn chuẩn bị đường lui cho bản thân giống như bao người dân thường thấp cổ bé họng khác. Hằng ngày bà đều đi giặt đồ hoặc may vá thuê cho những người đang sống ở xung quanh khu vực phức tạp này.

Khi nhìn thấy Tiết Thanh đã có thể tự lo liệu cho bản thân, bà lại ra ngoài làm việc.

Hiện tại Tiết Thanh đã có thể xuống giường. Nàng ngồi trong sân, vừa nhìn Noãn Noãn nghịch cây cỏ vừa nói chuyện với cô bé.

“Hoàng đế gọi là gì?”

“Hoàng đế gọi là bệ hạ.”

“Năm nay là năm gì?”

“Là năm con thỏ.”

Một tiểu nô tỳ mới chỉ tám tuổi, làm sao có thể để ý đến mấy chuyện không hề dính dáng gì đến sinh hoạt hằng ngày.

“Làm sao có thể tùy tiện nói ra tên húy của Hoàng đế bệ hạ được hả? Tiết thiếu gia, mặc dù cậu sống nhờ ở nhà họ Quách nhưng cậu mang họ Tiết nên đừng có học thói xấu của những kẻ khác.”

Một âm thanh già nua từ ngoài cửa nói vọng vào.

Tiết Thanh quay lại nhìn thì thấy một cụ già tầm sáu mươi tuổi bước vào, đi theo sau ông là một tiểu đồng (1) đang xách hòm thuốc.

“Dương đại phu.” Nàng vội càng đứng dậy hành lễ.

Đây là đại phu Dương Tịnh Xương nổi tiếng của thành Trường An này, tổ tiên của ông đã từng làm ngự y trong cung. Ông chữa trị rất mát tay và còn là một người rất tốt bụng nên dân chúng trong thành Trường An rất kính trọng ông.

Nhưng nghe câu nói vừa rồi thì đã hiểu rõ thái độ không mấy thiện cảm của ông đối với nhà họ Quách, mà chuyện này lại có liên quan tới Tiết Thanh.

Chuyện này bắt nguồn từ khi Tiết Thanh bị thương, Quách Hoài Xuân vì quá lo lắng nên một hai đòi Dương đại phu phải túc trực cả ngày bên giường bệnh. Đại phu chỉ là người xem bệnh bốc thuốc, còn lại thì phải dựa vào số mệnh của người bệnh, làm gì có chuyện lúc nào cũng túc trực bên cạnh bệnh nhân như thế, ông cũng chẳng phải người hầu kẻ hạ gì của bọn họ.

Vì vậy với thân phận là một đại phu, đương nhiên Dương Tịnh Xương không đồng ý. Nhưng Quách Hoài Xuân lại sử dụng các loại thủ đoạn cứng rắn ép ông làm theo. Tuy rằng lương y như từ mẫu, ông cũng tận tình chữa trị cho Tiết Thanh nhưng lại luôn mặt nặng mày nhẹ với Quách Hoài Xuân.

Sau khi Tiết Thanh tỉnh lại liền chủ động mời Dương đại phu trở về, lời nói vừa lễ phép vừa biết điều, khiến Dương đại phu có ấn tượng rất tốt.

Hôm nay là ngày tái khám.

“Cảm ơn đại phu, thuốc cháu vẫn còn uống nhưng ngoại trừ những vết thương ngoài da ra thì còn lại đều đã tốt rồi.” Tiết Thanh nói rồi sai Noãn Noãn đem thêm ghế cho Dương đại phu ngồi.

Dương đại phu cũng không khách sáo mà ngồi xuống, nhìn Tiết Thanh kiếm cớ đuổi Noãn Noãn ra ngồi chơi. Ông cầm tách trà trên bàn lên nhấp một ngụm.

“Mùi vị trà này có hơi khác.” Ông lại ngửi ngửi rồi ngạc nhiên nói: “Hồ đào (2)?”

“Ha ha, chỉ là cháu thấy thèm nên làm uống chơi thôi ạ.” Tiết Thanh cười nói.

Dương Tịnh Xương lại nhấp nhẹ một ngụm.

“Có cho thêm đường và mật” Ông nói: “Còn có rượu, lại có cả bổ cốt chi (3).”

Nói xong ông nhìn Tiết Thanh.

“Xem ra Tiết thiếu gia đã mời được danh y khác, hôm nay lão phu (4) đã đến quấy rầy rồi.”

“Dương đại phu đúng là danh y có khác.” Nàng nói: “Mới chỉ ngửi và nếm một chút đã đoán được toàn bộ phương thuốc.”

Với lời khen của nàng, Dương đại phu chỉ “hừ” một tiếng rồi đặt tách trà lên bàn.

“Cháu không có mời đại phu khác.” Tiết Thanh nói tiếp: “Đây là do cháu tự tay làm ra.”

“Chẳng lẽ cậu cũng là đại phu.” Dương Tịnh Xương nhíu mày: “Chẳng lẽ y thuật của ta lại kém hơn cậu sao? Nếu vậy cậu tìm đại phu trị bệnh làm gì hả?”

“Đây là phương thuốc cha cháu năm đó đã dùng.” Tiết Thanh tìm cớ nói: “Năm đó, cha cháu đi lính bị thương đến gân cốt, được người ta cho phương thuốc thần kỳ này, hằng năm đều dùng để bồi bổ gân cốt và lưu thông mạnh máu. Lần này cháu ngã bị thương ở đầu nên mới dùng tới nó, không phải là cháu không tin ông đâu.”

Dương Tịnh Xương “ừm” một tiếng, không tiếp tục hỏi thêm nữa. Ông bảo tiểu đồng mở hòm thuốc lấy mạch chẩn ra. Tiết Thanh nhờ ông xem mạch và xem lại vết thương trên đầu.

“Tuy đã tốt lên rồi nhưng thân thể vẫn còn suy nhược, xương cốt còn yếu, thuốc…” Ông nhìn tách trà trên bàn: “Tiếp tục uống thêm đi.”

Không biết ông đang nói tới phương thuốc ông viết hay cái gọi là phương thuốc cha để lại kia.

Tiết Thanh cảm ơn và đứng dậy tiễn ông ra cửa.

Dương Tịnh Xương liếc nàng một cái.

“Năm nay là Kiến Hưng năm thứ nhất.” Ông nói: “Xem ra Tiết thiếu gia quên chuyện này nhưng những chuyện trước đây lại nhớ rất rõ.”

Tiết Thanh bật cười, lão đại phu này rất nhạy bén. Thật ra là nàng quên rằng mẫu thân đã nói với ông ấy là nàng bị mất trí nhớ, vậy mà bây giờ lại có thể nhớ chính xác phương thuốc mà người cha quá cố đã dùng.

Nàng cũng không giải thích thêm, chỉ cười trừ với ông, rồi tiễn ông ra cửa.

Trong lòng Dương Tịnh Xương khá sửng sốt. Chàng thiếu gia họ Tiết này vì được hứa hôn với tiểu thư nhà họ Quách mà trở nên nổi tiếng, xuất thân của cậu ta lại không tốt nên có khá nhiều lời ra tiếng vào. Theo lời bàn tán của mấy người hầu nhà họ Quách thì ông biết được chàng Tiết thiếu gia này là một người chẳng làm nên trò trống gì, luôn nhát gan và sợ gặp phải phiền phức, tính cách này đúng là tính cách của một người được nuôi dưỡng trong hoàn cảnh nghèo khó mà thành.

Nhưng từ khi chàng thiếu gia này tỉnh lại, ông chẳng nhìn ra được điểm nào gọi là nhát gan và sợ phiền phức của cậu ta cả.

Cậu thiếu niên này cách nói chuyện không nóng cũng không lạnh, thái độ bình tĩnh và ung dung, khi bị ông gặng hỏi thì trả lời rất thoải mái và khi bị ông lật tẩy lời nói dối của mình thì cậu không có chút hoang mang nào, cũng không phản bác hay cố giải thích thêm gì mà chỉ cười trừ.

Điều này làm cho ông có cảm giác như ngậm phải bồ hòn, mà nếu hỏi tiếp thì lại giống như ông đang cố tình gây sự.

“Tiết thiếu gia từng đi học chưa?” Dương Tịnh Xương hỏi, ông cũng không từ chối việc Tiết Thanh tiễn ông ra cửa.

Một già một trẻ chậm rãi bước đi trên đường.

Tiết Thanh cũng không rõ Tiết Thanh ở thế giới này có từng đi học hay chưa, trong phòng cũng không có giấy và bút mực, lại từng nghe Tiết mẫu bảo hoàn cảnh gia đình không mấy thấm khá, xuất thân của Tiết phụ là một người từng đi lính…

“Chỉ biết được mấy chữ thôi ạ.” Nàng mỉm cười nói.

Ý câu này có thể hiểu là chưa từng đi học hoặc cũng có thể là đang khiêm tốn. Một câu nói vô thưởng vô phạt.

Không biết là Dương Tịnh Xương hiểu theo nghĩa nào, chỉ thấy ông gật đầu như đang suy ngẫm gì đó.

“Bây giờ Tiết thiếu gia có tính toán gì chưa?” Chợt ông ấy cất tiếng hỏi.

Sau khi nói xong, Dương Tịnh Xương có hơi hối hận. Bọn họ cũng chẳng thân thiết gì cho cam, sao ông lại nói ra một cách tự nhiên như vậy chứ? Là vì tò mò?

Hiện giờ, cả thành Trường An này đều biết Quách tiểu thư vì muốn từ hôn mà suýt chút nữa đã hại chết Tiết thiếu gia. Như vậy thì cuộc hôn nhân này làm sao có thể tiếp tục được? Cho dù lời của phụ mẫu, con cái không thể không nghe theo nhưng Tiết Thanh cũng sẽ cảm thấy xấu hổ.

Nhưng cảm giác xấu hổ so với vinh hoa phú quý, tài sản bạc triệu có là gì đâu?

“Năm đó cha cháu cứu bác trai không phải vì muốn người ta báo đáp mình.” Tiết Thanh không hề cảm thấy Dương Tịnh Xương hỏi những thứ này có hơi thiếu tế nhị, nàng nghiêm túc trả lời: “Mà bác trai hứa hôn cho cháu cũng không phải là báo ân, đều là vì có lòng tốt, nhưng nếu muốn tốt thì phải là cả hai bên đều tốt mới là tốt thực sự, nếu như một bên bị thiệt thì cần gì phải miễn cưỡng lẫn nhau.”

Cậu thiếu niên này nói chuyện thật láu cá, Dương Tịnh Xương “ừm” một tiếng.

“Vậy Tiết thiếu gia cũng không đồng ý hôn sự này?” Ông hỏi thẳng.

“Mới có bây lớn, bây giờ nói đến chuyện hôn nhân thì còn sớm quá.” Tiết Thanh cười nói.

Nếu từ chối quá quả quyết thì người bên ngoài sẽ đồn đãi rằng Tiết Thanh bị dọa, bị uy hiếp buộc phải từ hôn. Vị Quách tiểu thư kia sẽ bị mang tiếng là kiêu căng và hung dữ. Cái danh này đối với một nữ nhi ở thời cổ đại mà nói, thật sự không hề tốt đẹp gì.

Bây giờ Quách tiểu thư mới chỉ mười hai tuổi, chỉ cần nói rằng trẻ con không biết chừng mực mà đùa giỡn quá trớn là được.

Dương Tịnh Xương thầm nghĩ nếu cậu bớt đi ít chữ thì đúng hơn đấy. Rõ ràng cậu ta cũng chỉ là một đứa nhóc, mà cứ xem người khác là trẻ con còn cậu ta là một người lớn. Nói chuyện cũng khéo đưa đẩy như vậy.

Nếu cậu ta thật sự không muốn cuộc hôn nhân này, không tham lam vinh hoa phú quý thì còn đỡ, nếu như cậu ta thật sự muốn thì e rằng nhà họ Quách muốn thoát khỏi cậu ta cũng khó.

Dương Tịnh Xương cười cười, lấy cớ rằng thân thể của Tiết Thanh vẫn chưa khỏi hẳn để nàng không tiễn ông nữa rồi dẫn theo tiểu đồng rời đi.

Lúc này nàng đã đi ra đến đầu ngõ, cái sân này không nằm trong đại trạch của nhà họ Quách, ra khỏi cửa là ra tới ngõ nhỏ, ra bên ngoài một chút là một con đường cái náo nhiệt. Đứng ở cửa, Tiết Thanh vẫn nghe được âm thanh ồn ào náo nhiệt từ bên ngoài con đường ấy truyền vào… Nàng xoay người quay về.

Trong cái sân này, bình thường cũng không có nhiều người. Nương nhờ nhà họ Quách nghĩa là có được một nơi có thể che nắng che mưa, ngày tết đi qua chào hỏi và nhận được tiền mừng, còn những lúc khác thì việc ai người nấy làm.

Tiết Thanh bước đi trên những mảnh đá vụn được lắp thành một con đường không mấy bằng phẳng. Kiến Hưng năm thứ nhất, cách ăn mặc của mọi người vừa giống thời Tống lại vừa giống thời Minh, vừa thật lại vừa như giả, xem ra là một triều đại không có trong lịch sử.

Vậy là không ổn rồi, vậy thì làm sao có cơ hội biết trước các sự kiện tương lai để làm giàu chứ.

Mới bước được vài bước thì một tiếp “bộp” vang lên, một vật lăn đến bên chân nàng, hóa ra là một quả bóng.

“Ca ca, chơi xúc cúc (5) lại đi.”

Một giọng nói trẻ con vang lên.

Tiết Thanh nhìn thấy mấy đứa bé khoảng bốn, năm tuổi đang chảy nước mũi và đứng trên một bãi đất trống cách đó không xa. Trong đám nhóc đó có cả bé trai lẫn bé gái, quần áo trên người bọn nhóc khá bẩn, có vẻ như chúng là con của các gia đình sống cùng sân này vậy.

Bọn nhóc đang chơi xúc cúc sao? Tiết Thanh nhìn thấy một cây trúc bên trên có gắn cầu môn được đựng ở sân.

Túc cầu là một trò giải trí thường thấy ở cổ đại.

Tiết Thanh nhìn quả bóng dưới chân, tính ham chơi lại nổi lên, nàng lập tức cầm tà trường bào lên rồi nhấc chân đá qua.

Quả bóng vẽ một đường cong thật đẹp trên không trung, rồi dưới những ánh mắt nhìn trừng trừng của đám nhóc mà lọt vào cầu môn.

“Giỏi quá.”

Mấy đứa nhóc vừa hô to vừa vỗ tay không ngừng.

Nhưng mà giọng nói này có chút không giống trẻ con lắm. Tiết Thanh quay đầu lại nhìn, không biết từ bao giờ bên kia đường hẻm xuất hiện một cậu thiếu niên, vừa cười vừa vỗ tay.

Thấy Tiết Thanh nhìn mình, cậu ta lại mỉm cười.

“Đá hay lắm.” Cậu ta nói.

***

(1) Tiểu đồng: đứa bé trai nhỏ tuổi theo hầu những người quyền quý thời phong kiến.

(2) Hồ đào: cách gọi khác của quả óc chó.

(3) Bổ cốt chi: còn có nhiều tên gọi như phá cổ chỉ, hắc cổ tử, hạt đậu miêu,… dùng để chữa chứng liệt dương, hoạt tinh, đau lưng, mệt mỏi,…

(4) Lão phu: Cách xưng hô của những người đàn ông lớn tuổi ngày xưa.

(5) Xúc cúc: Là một loại hình đá bóng xuất hiện từ thời cổ đại ở Trung Quốc.