Tầm mắt bốn phía đều tập trung vào người thiếu niên này.
Thiếu niên kia không nhìn chỗ nào khác, mà chỉ nhìn Khang Vân Cẩm, lúc này chỉ nhìn người đề ra câu hỏi, nói: "Đề thi được lựa chọn như thế nào, mọi người đều biết. Làm sao có thể như lời ngươi nói. Ai lại có bản lĩnh thao túng Hàn đại nhân được."
Chờ đúng lúc này. Người nọ bước lên một bước: "Ai có bản lĩnh như vậy? Tiết Thanh, vì sao trước khi thi ngươi lại kết giao với người Tây Lương và Tần Mai?" Không đáp mà hỏi ngược lại, nhưng câu hỏi này lại chính là câu trả lời, ai có bản lĩnh như vậy? Tần Đàm Công.
......
"Ôi chao Thất Nương ơi." Tác Thịnh Huyền đứng ở hiên bên kia, nghe được câu này thì giơ tay vỗ Tần Mai bành bạch: "Chúng ta liên luỵ hắn rồi."
Tần Mai rung vai hất tay hắn ra, hứ một tiếng, nói: "Là hắn liên luỵ tới chúng ta, cái tên tiểu nhân này."
Tác Thịnh Huyền nắm chặt lan can, nhìn thiếu niên kia nói: "Có thể liên luỵ người khác cũng là bản lĩnh, nếu không những kẻ khác thử liên luỵ chúng ta xem." Mắt lại tỏa sáng: "Lần này liệu Thanh Tử thiếu gia có thể thoát thân an toàn không?"
Tần Mai ôm tay, nhíu mày cười khẩy: "Tiểu nhân chưa bao giờ làm việc không chắc chắn."
......
Những lời hàm súc của người đọc sách thì người đọc sách đều hiểu. Nhưng có không ít người thuộc nhóm rảnh rỗi thì lại nghe không hiểu, ồn ào hỏi han.
"Nói tới ai đó?"
"Tần Đàm Công. Người Tây Lương với Tần Mai rất thân thiết với nhau, mà Tần Mai là cháu của Tần Đàm Công."
"Tần Đàm Công à... Đúng rồi, trước khi thi Tiết Thanh hay đi chơi cùng người Tây Lương..."
"Tần Đàm Công lại có thể lấy được đề thi à?"
"Tần Đàm Công càn rỡ tới mức đó ư?"
"Vương tướng gia, Trần tướng gia không quản được sao?"
"Đáng sợ thật..."
Tiếng ồn ào dần lớn trong lâu. Khang Vân Cẩm bình tĩnh nhìn, trong ánh mắt lại xuất hiện vẻ mừng thầm.
"Tiết Thanh, ngươi nói vì sao ngươi và người Tây Lương đi lại thân thiết như vậy." Mấy thí sinh cất giọng chấn vấn: "Chẳng lẽ ngươi đã quên ai đã bức tử Thanh Hà tiên sinh sao?"
Hình bộ, Hắc Giáp vệ, không ai là không biết. Kết giao quyền quý thì còn hiểu được nhưng vong ân phụ nghĩa, nhận giặc làm cha thì sẽ bị người ta phỉ nhổ...
Tiết Thanh vẫn không hề bối rối, vẫn nhìn người đặt câu hỏi, cất cao giọng: "Chuyện như thế này ngươi không nên nói lung tung. Căn bản là ngươi không có chứng cứ."
Chứng cứ? Chì cần có thể điều tra, là sẽ có chứng cứ. Người nọ hưng phấn, bước lên một bậc thang, đang định nói tiếp thì thiếu niên kia tiếp tục nói.
"Nhưng ta có chứng cứ việc không gian lận trong khoa cử." Tiết Thanh nói, áp đảo sự ồn ào, truyền vào tai từng người một cách rõ ràng.
Chứng cứ việc không gian lận? Đại sảnh lập tức yên tĩnh.
Tại sao có thể có chứng cứ việc không gian lận chứ? Khang Vân Cẩm nhíu mày, ăn nói vớ vẩn à?
Tiết Thanh lại tiếp tục nói.
"Mọi người nghi ngờ ta không làm được bài văn có thể đứng đầu bảng đúng không? Vậy thì hãy kiểm tra học vấn của ta đi. Nói là ta biết đề thi trước, vậy các ngươi hãy ra đề cho ta ngay tại đây. Nói giám khảo thiên vị, vậy hãy mời mọi người tới bình xét bài của ta."
"Ta có tài học hay không, có làm được hội nguyên hay không, giữa ban ngày ban mặt, dưới cái nhìn của mọi người, rõ ràng và thật sự, đây chính là chứng cứ của ta."
Trước mặt mọi người, ra đề, đáp luận, bình xét.
Đây chính là cái gọi là làm thơ trong bảy bước à?
To gan thế đó...
Thiếu niên đứng trên bậc thang đảo mắt nhìn qua phòng. Ánh sáng đủ mọi màu sắc từ những hoa lụa treo trong sảnh hắt xuống mặt hắn, làm người ta thấy hoảng hốt.
Đại sảnh lặng ngắt như tờ. Tất cả đều nhìn thiếu niên kia. Thiếu niên giơ tay.
"Xuân Hiểu, giấy và bút mực." Tiết Thanh nói.
"Có ngay."
Giọng nữ tử đầy đáng yêu vang lên trong Túy Tiên lâu yên tĩnh, y phục cũng vui sướng như nàng mà phất phới bay.
......
"Luận khảo ngay trước mặt mọi người!"
Khang Đại xuống xe ngựa khi chạy tới Túy Tiên lâu, nghe được người canh gác chỗ này báo lại như vậy mà chân mềm nhũn, suýt thì quỳ rạp xuống đất. May mà người hầu bên cạnh nhanh tay lẹ mắt đỡ lấy.
"Hiện giờ, ngay tại chỗ, làm ra ngay lập tức à?" Ông ta hỏi, dường như không thể tin được, hỏi lại lần nữa.
Tùy tùng gật đầu: "Vâng." Lại bổ sung: "Mà còn muốn làm những bài văn xuất sắc không người so được."
Khang Đại vịn chặt lấy hắn, lần này không phải chân nhũn ra nữa mà là người qua đường huých phải. Người trên đường chạy ào ào tới Túy Tiên lâu, kèm theo tiếng kêu la.
"Mau đến xem này."
"Tiết Thanh kia định làm văn trước mặt mọi người."
Nam nữ, già trẻ, lớn bé ùa tới đều tò mò và kích động. Nhưng chỉ là như vậy. Bọn họ không hiểu viết văn ngay trước mặt mọi người có ý nghĩa như thế nào. Người không hiểu thì không biết nó khó như thế nào. Khang Đại là người đọc sách, là kẻ đã trải qua khoa cử nên ông ta hiểu được.
Viết văn trước mặt mọi người có lẽ không khó như làm thơ nhưng Tiết Thanh lại nói là làm được bài văn tốt nhất do người trong thiên hạ nhận xét. Đúng là lao đầu vào chỗ chết.
Hiện giờ, lời mạnh miệng đã nói ra, sao có thể thu hồi? Thu hồi như thế nào? Tên Tiết Thanh này! Khang Đại đẩy thị vệ ra, vọt vào Túy Tiên lâu.
Tiết Thanh!
Thiền Y như không đứng vững được trong đám người, nhìn người chạy qua chạy lại, nắm tay thật chặt.
Tiết Thanh muốn viết văn trước bàn dân thiên hạ để chứng nhận tài đứng đầu.
Nàng không nghi ngờ việc hắn đứng đầu bảng! Nàng không hề lo lắng! Nàng chỉ muốn đi xem hắn, đứng ở sau nhìn hắn khiến cả kinh thành này phải khiếp sợ.
Nàng nhìn tòa tửu lâu ở phía trước, mơ hồ thấy được trong ánh mặt trời, lại nhìn đám nam nữ già trẻ chạy qua bên người. Người nào cũng có, xen lẫn trong đám người sẽ không bị phát hiện.
Nhìn hắn! Tận mắt thấy hắn vào giờ khắc này! Thiền Y buông nắm tay ra, bước nhanh đi, chen vào trong đám người để vào Túy Tiên lâu.
Người tấp nập trong Túy Tiên lâu còn náo nhiệt hơn cả ngắm đèn năm mới nhưng không ồn ào hò hét gì, mà yên tĩnh như chỗ không người. Một người mới vào, không cẩn thận bị đụng đến, thế là kêu lên. Ngay sau đó người xung quanh trừng mắt, suỵt, cảnh cáo.
"Đừng có ồn!"
"Khi viết văn cần yên tĩnh!"
Người bị đụng phải lập tức cảm thấy như mình làm sai, vội nuốt tiếng hô đau xuống, cẩn thận nhìn phía trước.
Dây thừng lụa màu được sử dụng làm thứ ngăn cách đại sảnh ra làm hai. Một bên là dân chúng đang xem náo nhiệt, một bên là người đọc sách. Ở trên đài ca múa thì có bày hai bình phong.
Lúc này trên bình phong có treo hơn mười tờ giấy. Tờ đầu chỉ có một câu, là đề thi. Còn hơn mười tờ còn lại thì đầy chữ viết. Trên một bình phong khác tạm thời chỉ có tờ giấy ghi đề thi.
"Còn có ai muốn giấy bút không?"
Người tiếp khách của Túy Tiên lâu đi trong đám người đọc sách, tay cầm giấy bút.
"Đề thi của đợt này là Tử vị Nhan Uyên viết: Dụng chi tắc hành, xá chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phu. (1) Người ra đề là Diệp Huệ Quân ở Phương Châu."
Nếu ra đề viết văn trước mặt mọi người, mà Tiết Thanh lại còn nói là viết tốt hơn tất cả mọi người, tất nhiên những người đọc sách ở đây cũng viết cùng. Đương nhiên có người không phục nên chủ động tham gia, cũng có người bị động vì sĩ diện nên mới tham gia. Còn có kẻ do dự không biết có nên tham gia không...
Một dãy các chiếc bàn được đặt quanh đài cao. Có một số đang múa bút hành văn, có một số lại nhíu mày suy tư. Một số khác thì tập trung lại bàn tán xì xào.
Thiền Y kiễng chân, tầm mắt lướt qua đám người này, nhìn thiếu niên kia. Thiếu niên kia đang đứng ở lối vào cầu thang của tầng hai, có thể thấy rõ từng hành động một.
Thiếu niên kia cũng cúi người cầm bút viết xuống bàn. Tuy cách khá xa nhưng nhờ phòng sáng rõ, Thiền Y có thể thấy mặt bên của hắn, thanh tú, bình tĩnh và rất chăm chú. Hắn không nhíu mi, cũng không hề suy nghĩ, nhanh chóng nhấc bút rồi đứng thẳng người.
"Tiết Thanh viết xong rồi." Xuân Hiểu yểu điệu đứng một bên lập tức hô, giơ hai tay nâng tờ giấy lên.
Một người tiếp khách chờ ở một bên lập tức giơ tay nhận lấy, chạy bịch bịch xuống lầu. Đám người đọc sách dưới lầu tự động tách ra, nhìn người tiếp khách cầm bài văn đi lên đài, dừng lại trước bình phong thứ hai, cẩn thận treo lên trên, sát với tờ đề thi.
"Tiết Thanh lại là người thứ nhất." Bên này cũng có người tiếp khách, hô to, rồi ra hiệu cho người bên cạnh: "Lão Hàn, làm việc đi."
Một ông già ngồi bên cạnh lập tức đứng lên, giơ tay vuốt râu, nhìn tờ giấy trên bình phong rồi đọc: "Thánh nhân hành tàng chi nghi, sĩ năng giả nhi thủy vi kỳ chi dã. Cái thánh nhân chi hành tàng, chính bất dịch quy, tự nhan tử kỷ chi, nhi thủy khả dữ chi ngôn hĩ..." (2)
Rung đùi đắc ý, đầy nhịp điệu và chính đạo.
"Ông ta cũng là người đọc sách à? Đọc hay thật." Dân chúng bên ngoài tán thưởng và kính nể. Tuy nghe không hiểu đang đọc cái gì nhưng những gì không hiểu được thường có vẻ như rất lợi hại.
Một người lập tức xùy một tiếng: "Người đọc sách cái gì chứ, là nhân viên phòng thu chi của Túy Tiên lâu đó." Lại cười khì một tiếng: "Đám người làm công tại Túy Tiên lâu lại có ngày múa văn múa bút đây!"
Bên kia ông ta đọc càng say sưa, không biết đã đọc bao nhiêu lâu rồi... Nhưng những người đọc sách thì có không ít người nghe hiểu. Một số dừng bút lại, nhìn bài văn của mình, vẻ mặt lo âu. Có người thở dài, vo tờ giấy lại rồi ném đi.
Thiếu niên trên bậc thang kia không quan tâm những động tĩnh trong phòng, cầm bút nhìn qua, nói: "Đề tiếp theo."
Người đọc sách trong sảnh im lặng.
Thiếu niên này, cả âm thanh, cả biểu cảm đều bình tĩnh như trước, không có động tác dư thừa, nhưng ba chữ này kèm theo chiếc bút chưa đặt xuống, như một vị tướng dũng mãnh cưỡi ngựa vung đao, hét to đầy khiêu khích.
Khang Vân Cẩm đặt bút xuống, ngẩng đầu lên nói: "Bách tính túc, thục dữ bất túc." (3)
Tiết Thanh nhìn xuống từ trên cao, gật đầu. Quay người lại rồi tiếp tục cúi xuống, chấm mực rồi nhấc bút. Ống tay áo của nàng đã được buộc lên, không còn kiểu thả ống đầy văn nhã của người đọc sách, mà trông như người lao động thô kệch... Viết rất lưu loát.
Nhanh quá! Thậm chí còn chẳng cần suy nghĩ! Làm cho người ta sợ hãi!
Còn ở bên kia, người tiếp khách vừa mới thông báo đề thi thứ ba, lại vội vàng viết rồi treo lên bình phong thứ ba. Bình phong này trống không. Còn trên bình phong thứ hai chỉ có bài của Tiết Thanh.
Nhìn cảnh này, bàn tay cầm bút của Khang Vân Cẩm run lên. Hắn hít sâu một hơi, tiếp tục cúi đầu viết.
......
"Còn ai muốn giấy bút không? Còn ai cần giấy bút không?
"Quân tử bất trọng tắc bất uy, học nhi bất cố, chủ trung tín, vô hữu bất như kỷ giả, quá tắc vật đạn cải." (4)
"Đề thứ ba, Tiết Thanh làm xong đầu tiên..."
"Bài này: Quân tử chi vu học, quý hữu kỳ chất nhi tất tẫn kỳ đạo dã, cái chất phi uy trọng, sở học tất bất năng cố dã. Nhiên đạo hoặc vị tẫn, diệc khởi năng hữu thành tai?"
Tiếng ồn ào càng lúc càng lớn. Tiếng hỏi, tiếng đáp của người tiếp khách. Lão nhân phòng thu chi cất cao giọng đọc đầy nhịp điệu. Người lên đài sao chép bài văn ngày càng nhiều.
"Không được, không được tự tiện vào đây."
"Bà chủ nói rồi, phải thu tiền chép văn của Tiết hội nguyên..."
"A, Túy Tiên lâu các ngươi giờ không bán xuân mà lại bán văn à? Quá đáng quá."
Tiếng tranh chấp trong sảnh càng lúc càng lớn. Không khí căng thẳng khiến người ta cảm thấy khó thở không còn tồn tại, thay vào đó là sự sung sướng và thoải mái... Nhưng đám người đọc sách lại không cảm thấy như vậy. Không phải vì tiếng tranh cãi ầm ĩ mà là vì vị thiếu niên vẫn luôn đứng trên tầng hai, quay lưng lại, cầm bút, rồi quay người lại, lại viết.
"Tiết Thanh viết xong rồi!"
"Tiết Thanh lại là người thứ nhất!"
"Lão Hàn, mau đọc đi!"
"Đề tiếp theo!"
Giọng nữ yêu kiều vang lên. Tiếng bước chân bịch bịch của người tiếp khách trên cầu thang. Tiếng lão nhân phòng thu chi đọc văn. Tiếng hỏi lạnh nhạt của người thiếu niên. Không hề ngừng nghỉ, cứ vang vọng bên tai.
Ngày càng có nhiều bình phong được đặt trên đài cao. Nhưng các bài văn được dán trên đó thì lại ngày càng ít. Số người viết văn dưới đài cũng ít dần đi.
Một tiếng vang nhỏ, một nho sinh ném chiếc bút trong tay đi, khiến tờ giấy vốn chi chít chữ lập tức bị hoen bẩn. Người tiếp khách giơ tay chờ đón ngay bên cạnh kêu lên.
"Ngươi... Ngươi còn chưa giao bài mà?" Hắn không chút vui vẻ.
Nho sinh kia nói: "Vẽ bùa trước cửa Lỗ Ban, tự rước lấy nhục." Nói xong giơ tay áo che mặt rồi chen qua đám người mà bỏ đi.
Người tiếp khách lắc đầu, nhìn mà không thể trách, nói: "Còn ai..." Nói tới đây thì ngừng lại. Những chiếc bàn bên cạnh đã không còn một ai... Ôi chao, hắn còn chơi chưa đã mà. Giương mắt nhìn cách đó không xa, còn có một người. Chỉ là nho sinh kia cầm bút không viết gì, trên giấy không một chữ.
Cấu tứ đã cạn. Nãy giờ đã làm liên tục sáu bài... Cho dù thi hội thì tối đa cũng chỉ làm hai bài văn thôi. Bàn tay cầm bút của Khang Vân Cẩm đã run rẩy, không thể khống chế được. Hắn quay đầu nhìn bình phong. Văn hắn viết ra còn không hay bằng Tiết Thanh.
Sao lại có thể như vậy?
Đó là Tiết Thanh! Tiết Thanh! Làm sao lại có thể như vậy được!
Khang Vân Cẩm ngẩng đầu nhìn tầng hai. Thiếu niên kia còn đang viết, động tác và vẻ mặt vẫn như lúc ban đầu, không hề thay đổi, vung bút lưu loát viết, không hề ngừng lại...
"Tiết Thanh viết xong rồi!"
Bịch bịch bịch bịch.
"Tiết Thanh, bài thứ chín, người đầu tiên."
"Bài này viết, thánh nhân vu tâm chi hữu chủ giả, nhi quyết kỳ tâm đức chi năng toàn yên... Khụ, khụ... Lấy nước cho ta, đau họng không chịu nổi rồi..."
"Đề tiếp theo."
Tiếng ồn ào bên tai kéo tới nhưng Khang Vân Cẩm không nghe được. Chỉ thấy thiếu niên kia cầm thẳng bút, còn bên cạnh hắn đã không còn ai. Nghe thiếu niên kia lại nói ra ba chữ kia, nhìn ba chữ đó như những tảng đá lớn lăn rầm rầm xuống. Đám người đọc sách đứng ở bốn phía của đài lập tức lùi ra sau. Dường như chậm một cái là sẽ bị ép phải ra đề.
Viết bài đã không được, ngay cả liên tục ra đề cũng ra không nổi.
Làm sao có thể.... giỏi như vậy được?
Khang Vân Cẩm đứng ngây ra đó, như khúc gỗ.
Mà đám nho sinh trong đại sảnh không còn cái vẻ căm tức hay khinh thường như lúc trước, thay vào đó là khiếp sợ. Giống như cái lúc nghe Tiết Thanh nói muốn viết văn để chứng minh ngay tại chỗ này. Khiếp sợ. Không tin được. Nhưng những gì xảy ra ở đây, bọn họ đều tận mắt chứng kiến. Không thể không tin. Thậm chí trên đời này còn có cách làm văn như vậy.
"Đề tiếp theo."
Câu này được nói lên lần thứ tư mà không ai đáp lại. Tiết Thanh hạ tay xuống, đảo mắt khắp sảnh.
"Còn ai không tin ta không?"
Không ai trả lời. Im lặng. Tin hay không tin, mặc kệ trong lòng nghĩ sao, không ai dám nói ra.
Tiết Thanh nói: "Không sao. Hôm nay quá vội nên mọi người không kịp nghĩ ra nhiều đề. Ngày sau tới tìm ta, lúc nào cũng được."
Sau này, bất cứ lúc nào đều có thể tìm hắn để ra đề?
Trước kia ngay cả làm thơ hắn cũng không chịu mà. Một thí sinh Quốc Tử Giám nghĩ tới điều đó, giờ lại nói ra lời này, vì sao cuồng vọng như vậy?
"Bởi vì thứ mọi người nên nghi ngờ là tài học của ta, chứ không nên nghi ngờ sự công bằng của thi hội, hay nghi ngờ nhân phẩm của chủ khảo. Cho nên, có nghi ngờ gì, hãy tới gặp ta."
…...
Tần Mai phất tay áo hứ một tiếng.
"Cái tên gian trá này." Hắn nói rồi quay người bước nhanh ra ngoài.
Tác Thịnh Huyền hãy còn kích động và hưng phấn, mắt tỏa sáng nhìn Tiết Thanh, thấy Tần Mai đi thì ngẩn ra, kêu ôi ôi: "Thất Nương, Thất Nương, sao không xem nữa?"
"Xem cái gì, xem hắn đắc chí như thế nào à?" Tần Mai không hề quay đầu.
Tác Thịnh Huyền nhìn thiếu niên đang khoanh tay đứng trên lầu hai, lại nhìn người kia đang sải bước, quần áo phất phới, cuối cùng lưu luyến lắm nhưng vẫn đuổi theo.
"Văn này hay thật... Về ta phải đi học lại mới được..."
…...
"Đừng có phá hủy tâm huyết của hơn ba trăm thí sinh thi hội. Đã gian khổ học hành tới ngày hôm nay, họ vô tội."
Thiếu niên trên lầu nói, lại chắp tay sau lưng.
Một tiếng lạch cạch vang lên.
Không phải Tiết Thanh ném bút mà là bút trong tay Khang Vân Cẩm rốt cuộc rơi xuống. Xong rồi, hắn nghĩ.
Đám người trong đại sảnh xôn xao. Lại một đám người đọc sách khác đi tới.
Chẳng lẽ lại tới khiêu chiến nữa? Người đọc sách phiền phức thật, Xuân Hiểu bĩu môi, chẳng ai đáng yêu như Thanh Tử thiếu gia cả.
Người dẫn đầu tuổi đã hơn bốn mươi, giơ tay với thiếu niên trên lầu hai rồi lại xoay người đối mặt với mọi người, nói: "Ta đứng vị trí thứ hai của kỳ thi hội này, ta nguyện nhận lấy sự nghi ngờ của mọi người. Xin hãy ra đề đi."
Cái gì?
Túy Tiên lâu yên tĩnh hẳn. Đây là ý gì? Nhưng không ai hỏi, bởi vì càng có nhiều người đọc sách đứng bên người kia hơn.
"Ta đứng thứ năm. Nếu ai nghi ngờ thành tích của ta, ta cũng nguyện lấy văn chương để chứng minh."
"Ta đứng thứ tám..."
"Ta đứng thứ mười hai... Tuy ta thi không được tốt... Nhưng cũng nguyện ý tự chứng minh."
Những tiếng nói có già, có trẻ, có điềm tĩnh, có ngây ngô liên tục vang lên giữa sảnh. Mà vẫn chưa hết, bên ngoài Túy Tiên lâu cũng vang lên những tiếng nói khác.
"Ta đứng vị trí số một trăm tám mươi ba... Ta cũng tự chứng minh..."
"Ha ha, Phàn huynh, ngươi tự chứng minh lỡ như không bằng ta thì sao?"
"Sợ ngươi chắc. Vẫn hơn ngươi một bậc thôi."
"Nghi ngờ chúng ta thì được nhưng đừng có nghi ngờ thi hội, đừng phá hổng khoa cử của chúng ta..."
Tiếng kêu, tiếng hô như sóng triều lao tới, tràn vào trong Túy Tiên lâu.
Đám người đọc sách ban đầu ở trong Túy Tiên lâu tái nhợt mặt mày, không còn vẻ căm giận đầy khí thế lúc trước. Còn Chu Minh Đức thì đã sớm bỏ chạy ra ngoài.
Đám người Khang Đại chỉ cảm thấy như mình đang lơ lửng giữa tầng mây, như mộng như thật.
"Đại nhân, đại nhân, nên nói gì đây?" Người hầu bên cạnh vội hỏi: "Thừa lúc loạn này chúng ta có thể quát bọn họ."
Quát cái gì?
Khang Đại nói: "Không cần quát gì hết." Vung tay áo: "Còn có gì để nói nữa!"
…...
Tiết Thanh quay người. Xuân Hiểu cầm khăn tay bọc tay hắn lại, không rút bút ra mà nhẹ nhàng lau. Cầm bút lâu như vậy, tay đã cứng ngắc cả rồi. Tiếng ồn ào trong đại sảnh không ngừng vang lên. Nhưng lại như xa không thể chạm tới.
Mặc dù là người đọc sách, tuy cầm bút viết chữ nhưng cảnh tượng này lại không hề kém đám võ tướng anh dũng, giơ đao giết địch, một kẻ làm quan, cả họ được nhờ.
Nghĩ gì?
Tiết Thanh quay đầu, nhìn đám người đang ồn ào náo loạn trong sảnh. Rút tay ra, giơ lên.
Cạch, một tiếng vang nhỏ. Chiếc bút lướt qua đầu Xuân Hiểu, vững vàng rơi xuống cạnh nghiên mực trên bàn.
"Ta là nhân vật chính, chớ đấu với ta." Nàng nói, khoanh tay cất bước đi vào trong hành lang: "Xuân Hiểu, dâng rượu."
***
(1) Dịch nghĩa: Khổng Tử nói với Nhan Uyên: "Dùng ta thì ta giúp làm nên sự nghiệp, không dùng thì ta ở ẩn. Chỉ có ta và ngươi có thể làm được điều này mà thôi.
(2) Tác giả là trạng nguyên Hàn Thảm đỗ vào năm thứ 12 của Khang Hi, Thanh Triều.
(3) Dịch nghĩa: Bách tính thấy đủ, vua chẳng lẽ còn không thấy đủ?
4) Dịch nghĩa: Khổng Tử nói: Quân tử, không trang trọng thì không có uy nghiêm; Học tập có thể khiến cho con người hết bế tắc; Cần lấy trung tín làm chủ, đừng kết bạn với người không đồng đạo với mình; Có lỗi, đừng sợ cải chính.