Đại Đường Song Long Truyện

Chương 653: Phụ tử tình thâm



Đỗ Phục Uy ngồi trên chiếc ghế kê sát song cửa trong đại sảnh. Tay lão nâng chén trà thơm, nói chuyện con cà con kê với Nhâm Mỵ Mỵ, người đang tiếp đãi lão. Vị bá chủ từng chỉ huy đội quân tinh nhuệ Giang Hoài tung hoành Đại Giang Nam Bắc này mặc y phục bình thường, chiếc tẩu trúc quen thuộc gác trên đùi, phong thái vẫn kiểu độc lai độc vãng, nhàn nhã tự nhiên.

Lúc này vẫn còn nửa canh giờ nữa trời mới sáng. Có thể thấy vì sự tồn vong của Thiếu Soái quân mà người lãnh tụ là Khấu Trọng phải không quản ngày đêm cần mẫn xử lý công việc.

Nghe tiếng bước chân Khấu Trọng, Đỗ Phục Uy mỉm cười, nhìn gã đang từ cửa sau đi vào đầy vẻ quan tâm. Lão nói:

- Khấu Trọng con, không ngạc nhiên vì ta đến quá đường đột đấy chứ?

Trong lòng Khấu Trọng cảm thấy vô cùng ấm áp. Bỗng nhiên gã thực sự cảm thấy Đỗ Phục Uy như cha ruột của mình. Từ trước đến giờ, tuy gã cứ mở miệng ra là gọi Đỗ Phục Uy bằng cha, nhưng đa phần là mang tính trào phúng. Về phần mình, Đỗ Phục Uy lại tỏ ra thân thiết đặc biệt, điều đó quả thực làm gã vô cùng cảm kích. Tuy không thể gạt bỏ hết những ấn tượng ban đầu không tốt đẹp về lão, ví dụ như việc cưỡng bức trăm họ nhập ngũ, thủ hạ tốt xấu lẫn lộn, kỷ luật trong quân không nghiêm, nhưng lúc này tất cả những điều đó không còn là chướng ngại nữa.

Khấu Trọng rảo bước tiến lên, ôm chặt lấy Đỗ Phục Uy.

Tình phụ tử trào dâng trong lòng hai người như sóng Trường Giang Đại Hà. Nhâm Mỵ Mỵ nhẹ nhàng lui ra ngoài.

Khấu Trọng rưng rưng nước mắt cất tiếng gọi:

- Cha!

Đỗ Phục Uy cố gắng đè nén tâm trạng kích động, vỗ vỗ vai gã nhẹ giọng nói:

- Theo cha ra ngoài hoa viên nào.

Khấu Trọng gật đầu, theo Đỗ Phục Uy rời khỏi đại đường đến hoa viên. Cả hai chầm chậm thả bước dưới ánh trăng sao trên con đường rải sỏi.

Đỗ Phục Uy cất tiếng hỏi:

- Trọng nhi chống đỡ vất vả lắm phải không?

Khấu Trọng từ tốn trả lời:

- Quả thực là vô cùng gian truân. Điều đau khổ nhất là cảm giác ức chế khi con dùng lòng thành đối đãi nhưng lại bị người ta nghi ngờ.

Đỗ Phục Uy bước lên chiếc đình nhỏ giữa vườn. Hai tay chắp sau lưng lão đưa mắt nhìn dòng suối nhân tạo chảy qua bên dưới, điềm đạm hỏi:

- Phải chăng con nói về Đậu Kiến Đức?

Khấu Trọng gượng cười không đáp.

Xoay người lại ngưng thần nhìn Khấu Trọng, Đỗ Phục Uy trầm giọng:

- Lòng người hiểm ác, Trọng nhi không cần để tâm đến hành vi của người khác. Tối nay ta không quản đường xa ngàn dặm đến đây là vì có việc quan trọng cần thương lượng với con.

Khấu Trọng giật mình hỏi:

- Việc quan trọng khẩn cấp gì vậy?

Với một vẻ nhẹ nhàng như không, Đỗ Phục Uy ung dung đáp:

- Ta quyết định đứng về phía con.

Khấu Trọng giật mình thốt:

- Cha…

Đỗ Phục Uy nhún vai:

- Có gì lạ đâu? Đây có thể coi là tâm trạng muốn nhìn thấy con mình thành đạt cũng được.

Khấu Trọng ngập ngừng:

- Nhưng mà…

Đỗ Phục Uy ngắt lời gã:

- Âu Dương Hi Di đã gặp cha vợ Tống Khuyết của con. Trên đường trở về Trường An, lão Âu cũng có đến gặp ta. Hà hà! Tống Khuyết đúng là Tống Khuyết. Âu Dương Hi Di chưa có cơ hội lên tiếng đã bị y diễn thuyết cho một tràng, khiến lão cũng không còn dám mở miệng chuyển lời cho Lý Uyên. Con nói xem Tống Khuyết đã nói gì? Trước tiên, y phân tích tình thế thiên hạ, chỉ ra rằng tranh chấp nội bộ trong Lý phiệt đã tới mức thủy hoả bất dung mà ngoại tộc lại như hổ rình mồi. Một khi để bọn chúng thừa cơ xâm nhập thì Trung Thổ sẽ bị gót sắt ngoại tộc dày xéo thê thảm. Lập luận của Tống Khuyết câu nào cũng bám sát thực tế, Âu Dương Hi Di còn gì mà nói nữa. Tống Khuyết cực kỳ bất mãn việc Lý Uyên ham mê nữ sắc đồng thời dung túng cho Lý Kiến Thành. Với sự cao ngạo của mình, y làm sao có thể thần phục trước loại người đó? Lý Uyên đánh giá mình quá cao rồi!

Đã sớm biết kết quả sẽ là như thế, Khấu Trọng hỏi:

- Nghe giọng điệu thì hình như cha cũng vô cùng bất mãn Lý Uyên?

Hai mắt Đỗ Phục Uy lấp loáng tinh quang, lão lạnh lùng đáp:

- Lý Uyên dùng kế giết chết Lý Mật, vô tình vô nghĩa khiến người ta nghiến răng căm hận. Lý Mật tuy không phải là hạng trung thần nghĩa sỹ gì, nhưng dù sao cũng đã chịu hàng. Lý Uyên hoàn toàn có thể không phê chuẩn việc xuất quan để Lý Mật hết hẳn hy vọng Đông Sơn tái khởi. Vậy mà hắn lại dùng thủ đoạn đưa Lý Mật vào tử địa, làm sao khiến thiên hạ tâm phục được, hơn nữa điều đó cũng cho thấy Lý Uyên không có lượng bao dung.

Khấu Trọng tỉnh ngộ. Thì ra Đỗ Phục Uy vì cái chết của Lý Mật nên mới sinh cảm xúc “thỏ chết cáo buồn”, cũng vì hoàn cảnh của lão và Lý Mật giống nhau, sau này có thể sẽ gặp vận mệnh tương tự. Lý Uyên quả không bì được Lý Thế Dân. Ở vị trí đó, Lý Thế Dân tất sẽ dùng quyền cao lộc hậu để đối đãi Lý Mật, không cho hắn có suy nghĩ lung tung. Lý tiểu tử cũng sẽ chẳng nghi ngờ Lý Mật đến mức bức lão phải sinh lòng phản bội.

Đỗ Phục Uy chuyển đề tài:

- Trọng nhi có đủ lòng tin sẽ chống chọi được tới lúc đại quân Tống Khuyết tới không?

Khấu Trọng cười khổ đáp:

- Hài nhi vẫn đang nghĩ cách đây.

Đỗ Phục Uy than:

- Tạm thời ta không thể phân thân để giúp con vì Phụ Công Hựu đã công khai trở mặt với ta. Được sự giúp đỡ của Tả Du Tiên, Phụ Công Hựu đã dấy binh tự lập ở Đan Dương. Hắn còn ngấm ngầm kết minh với Tiêu Tiễn và Lâm Sỹ Hoành hòng toan tính xâm phạm Lịch Dương của ta nữa.

Khấu Trọng vô cùng ngạc nhiên hỏi:

- Chẳng phải Tiêu Tiễn đang đánh nhau với Lâm Sỹ Hoành sao?

Đỗ Phục Uy nói:

- Dưới sự uy hiếp của Lý phiệt và Tống phiệt, lại thêm người trong Ma Môn luồn kim dẫn chỉ, chẳng có cớ nào hai tên đó không thể khôi phục quan hệ hòa hảo được. Trước đây, ta còn có thể cùng với Lý Tử Thông vốn đã trở thành quan của nhà Đường giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng nay Lý Tử Thông lại bị con đánh cho suy yếu đến mức thân mình còn khó giữ, thế nên ta chỉ còn cách dựa vào bản thân mình mà nghĩ biện pháp ứng phó.

Khấu Trọng hiểu rõ hơn bất kỳ ai câu “tự thân mình khó giữ” của lão. Cũng giống như hiện giờ gã không có năng lực giúp Đỗ Phục Uy nếu phía lão có gì bất trắc.

Nắm chặt hai vai gã, Đỗ Phục Uy thấp giọng nói:

- Ta không tiện lưu lại lâu, chỉ đến để nói rõ tâm ý trong lòng cho con biết. Từ giờ phút này trở đi, ta và nhà Đường không còn quan hệ gì nữa. Nếu Lý Thế Dân giết chết Khấu Trọng thì Đỗ Phục Uy này tất sẽ liều chết để báo thù, bởi vì Trọng nhi chính là con trai của Đỗ mỗ.

o0o

Trước khi hai cánh quân chi viện của Lý Nguyên Cát và Khuất Đột Thông tới kịp, doanh trại trên đồi cao có tính chiến lược quan trọng nhất và sức uy hiếp nhất mặt Nam thành Lạc Dương của quân Đường đã bị hãm trong biển lửa.

Do chiến lược ban đầu được vạch ra là nhằm để đối phó trại trên cao, ai ngờ sự tình lại phát triển một cách lý tưởng ngoài dự liệu. Việc xây dựng trại lũy cố thủ bên ngoài thành không còn ý nghĩa thực tế nữa, đồng thời chiến thuật rời thành đột kích lại phát huy tác dụng tốt nhất, cho nên Dương Công Khanh lệnh cho toàn thể quân lính sau khi thu hoạch được thắng lợi huy hoàng lùi nhanh vào trong thành.

Tuy có thể nói đã giành đại thắng nhưng từ đầu phe thủ thành đã phải chật vật chiến đấu lấy ít địch nhiều. Phía quân Đường đương nhiên thương vong nặng nề, tử trận hơn ngàn, lại mất cả chủ tướng, nhưng phe thủ thành cũng chết trận hơn hai trăm người, bị thương bốn trăm. Chiến thắng giành được không hề dễ dàng.

Thương binh nằm la liệt tại quảng trường phía Nam thành được đội ngũ quân y sơ cứu tại chỗ. Từ Tử Lăng và Bạt Phong Hàn không ngừng vận khí chữa trị cho những người bị thương nặng. Hai gã bận rộn đến giữa trưa mới có cơ hội ra một góc nghỉ ngơi chốc lát.

Bạt Phong Hàn dựa vào tường thành kiên cố cạnh cửa Nam rồi than thở:

- Cao thủ giao đấu thắng bại chỉ cách một đường tơ. Không ngờ trên chiến trường cũng y hệt như vậy. Nếu mũi tên đó không trúng đích thì ngươi và ta có thể đã chẳng còn mạng mà ngồi đây vừa nghỉ ngơi vừa hưởng thụ ánh mặt trời ấm áp mùa thu rồi.

Từ Tử Lăng đưa mắt nhìn quảng trường la liệt thương binh và xác chết. Đội cứu thương đang đem những người bị thương vào các điểm cấp cứu và điều dưỡng trong thành. Từng đống khôi giáp tơi tả bị vứt lại không ai để ý tới. Trên tường thành vang lên tiếng di chuyển của những cỗ Bát Cung Nỗ Tiễn đã lập đại công tối qua, tiếng điều động quân đội, tiếng ngựa hý không ngớt.

Những người đi qua đều cung kính thi lễ với hai gã. Nét mặt của họ tuy mệt mỏi nhưng không giấu được vẻ phấn chấn, có điều bản thân Từ Tử Lăng lại không thể hòa chung niềm vui đó.

Chiến tranh đối với gã chỉ là một chuỗi ác mộng. Việc duy nhất mà gã có thể làm là vùng vẫy trong đó, tránh chết tìm sống, hy vọng ngày mình được tỉnh mộng đến càng sớm càng tốt. Thắng lợi của bên này chính là thất bại của bên kia, là sự hy sinh, đổ máu, mất mát và đau khổ. Cái chết là tổn thất không thể bù đắp.

Từ Tử Lăng than:

- Hiện giờ toàn thân ta bãi hoải. Lúc đầu còn có chút cảm giác vì lý tưởng mà phấn đấu, nhưng giờ thì hoàn toàn mất hết rồi! Chém giết thật không có một chút ý nghĩa gì, chỉ cho thấy bản năng tàn bạo của chúng ta mà thôi.

Bạt Phong Hàn cười khổ:

- Đó chính là chỗ phân biệt giữa ngươi và ta hoặc giữa ngươi và Khấu Trọng. Chẳng có ai trời sinh ra đã có trái tim sắt đá cả. Nhưng vì tin tưởng sâu sắc vào lý tưởng của mình, bọn ta sẽ phải bỏ qua hết thảy, tiến thẳng tới mục tiêu đã định. Đó chính là yếu tố để so sánh xem ai ngoan cường hơn, ai cương quyết hơn. Thử nghĩ về Lang quân đang sẵn sàng chờ đợi ở biên cương phương Bắc của chúng ta mà xem, nếu để chúng xâm nhập Trung Thổ thì sẽ phát sinh cục diện thế nào? Giết người phóng hoả, gian dâm cướp bóc là những việc mà chúng coi là lạc thú. Sự thù hận của chúng đối với người Hán là điều Tử Lăng khó mà hiểu được, giống như Hiệt Lợi tuyệt không rõ sự thù hận của ta đối với hắn vậy. Tin ta đi, tất cả những gì sắp xảy ra chỉ trong nháy mắt sẽ biến thành phù vân. Chúng ta chỉ có cách kiên định với lý tưởng của mình cho tới lúc đánh ngã mọi đối thủ thì lý tưởng mới có thể biến thành sự thật.

Phía xa xa bên ngoài thành không ngừng vọng lại tiếng vó ngựa rầm rập, tiếng đuổi bắt và chém giết rầm trời. Từ sáng tới giờ, Vương Thế Sung và các đại tướng thủ hạ thay phiên nhau đột kích từ phía cửa Nam làm Lý Nguyên Cát không thể rảnh rỗi mà xây dựng cứ điểm dừng chân ở mặt nam Lạc Dương.

Việc trại trên cao bị phá hủy là một đả kích và trở ngại nghiêm trọng, bức quân Đường phải bỏ các trận địa tiễn lâu, bởi vì nó không còn sức chống đỡ sự tấn công có thể xảy ra từ bất kỳ phương hướng nào của bên thủ thành.

Vấn đề lớn nhất của Lý Nguyên Cát là không thể rút hết quân phòng thủ ở các doanh trại khác mà chỉ có thể điều quân dưới quyền mình để tăng cường binh lực cho các trại còn lại bên ngoài mặt Nam thành. Khuất Đột Thông đã dẫn năm ngàn quân bày trận phía sau trại trên cao để đề phòng quân thủ thành theo cửa khẩu đột vây.

Nhìn vào đôi bàn tay trắng trong như ngọc của mình, Từ Tử Lăng trầm giọng:

- Đạo lý đó chẳng phải ta không hiểu. Mặc dù biết là như thế, nhưng hai bàn tay này đã nhuốm đầy máu tanh lại là sự thật không thể chối cãi. Chỉ nghĩ tới việc chồng, cha và con của người khác đã chết dưới tay mình, ta không khỏi cảm thấy ghê sợ chiến tranh, càng thêm chán ghét bản thân mình. Trên chiến trường, mỗi con người đều trở thành công cụ chém giết cực kỳ vô tình.

Bạt Phong Hàn gật đầu:

- Chiến tranh chính là như thế, nó không cho ngươi được phép lựa chọn. Một là giết người, hai là bị người giết, đều là bất đắc dĩ và dường như không có lí do. Lại thử nghĩ một tình huống khác, thất bại là chúng ta, Lạc Dương bị Lý Nguyên Cát chiếm được. Một khi trở thành công thần lớn nhất trong cuộc chiến Lạc Dương, dưới sự thao túng cũng như ủng hộ của Ma Môn, Lý Nguyên Cát sẽ trở thành chủ soái đội quân chinh Đông. Nếu sự việc thực sự phát triển như vậy thì sẽ có cục diện gì? Nhân từ đối với địch không chỉ là tàn nhẫn đối với bản thân và những người đi theo mình, mà còn có thể gây họa cho trăm họ ở Trung Nguyên nữa. Lý Thế Dân đã nhìn thấy rõ điều này, trong chiến tranh không phải bạn tức là địch. Muốn giành thắng lợi thì không dễ dàng, mà muốn kiên trì như thế cũng khó khăn chẳng kém.

Từ Tử Lăng chán nản gật đầu, không nói gì nữa.

Đúng lúc này Ma Thường vội vã đi tới trước mặt hai gã báo cáo:

- Quân ta thừa thế phản kích, liên tục xuất chiến, phá hủy tất cả tiễn lâu của địch bên ngoài thành. Địch nhân đóng cửa trại phòng thủ, Khuất Đột Thông vẫn án binh bất động. Nếu chúng ta có thể đánh tan cánh quân của Khuất Đột Thông thì thế bao vây của địch cũng sẽ tan vỡ.

Bạt Phong Hàn trầm giọng hỏi:

- Đã sai người báo cho Thiếu Soái chưa?

Ma Thường đáp:

- Lính truyền tin đã lên đường đến Trần Lưu sáng sớm hôm nay. Nếu không có gì thay đổi thì Thiếu Soái có thể nắm được tình hình của chúng ta trước hoàng hôn.

Bạt Phong Hàn nhìn Từ Tử Lăng hỏi:

- Tử Lăng có cao kiến gì không?

Từ Tử Lăng lại hỏi Ma Thường:

- Ma tướng quân thấy sao?

Ma Thường nghiêm mặt đáp:

- Tiểu tướng vốn rất muốn thừa thắng tấn công nhưng lại ngấm ngầm cảm thấy đây là một cái bẫy. Có thể Khuất Đột Thông phụng mệnh Lý Nguyên Cát dụ chúng ta xuất kích. Trải qua một đêm khổ chiến, bên ta người ngựa đều mỏi mệt, tạm thời khó tiến hành xuất kích toàn diện quy mô lớn. Vì quân lực bên địch vẫn mạnh hơn gấp đôi, chúng ta lại không cách nào nắm rõ bố trí của chúng bên trong trại, thế nên nếu miễn cưỡng xuất kích tất bại không sai. Cách sáng suốt nhất là hy vọng Thiếu Soái có thể kịp thời dẫn quân tới cứu viện. Trong đánh ra ngoài đánh vào thì có thể đánh thủng quân vây thành mặt này của địch.

Bạt Phong Hàn đồng ý:

- Cứ làm theo ý Ma tướng quân đi. Tốt nhất là tướng quân hãy ngủ một giấc thật ngon, bồi dưỡng tinh thần để ứng phó cuộc đại chiến sắp tới.

Ma Thường dạ lớn rồi vui vẻ bước đi.

Từ Tử Lăng nói:

- Chắc chắn là hắn không đi ngủ đâu.

Chăm chú nhìn theo sau lưng Ma Thường, Bạt Phong Hàn nói:

- Ma Thường là một trong những đại tướng chủ lực xuất sắc nhất của Thiếu Soái quân. Chỉ có Khấu Trọng mới có thể dùng được nhân tài kiệt xuất như thế này. Nếu không phải Lý phiệt sản sinh được một Lý Thế Dân thì ai là đối thủ của Khấu Trọng đây?

Từ Tử Lăng cười nhăn nhó:

- Ta lại không hề tin tưởng mười phần vào Khấu Trọng như ngươi.

Bạt Phong Hàn nở nụ cười đầu tiên trong ngày, gã nói:

- Tiểu huynh đệ Khấu Trọng của bọn ta đang tự trau dồi và trưởng thành trong chiến tranh. Khi hắn trở thành tàn độc giống như ta, khi hắn hiểu rõ thắng lợi là mục đích duy nhất của chiến tranh, khi hắn có thể dung nhập đao pháp vào binh pháp, áp dụng phép Tỉnh Trung Nguyệt của mình vào trong chiến lược thì khắp thiên hạ này sẽ không còn ai là địch thủ của hắn nữa, kể cả Lý Thế Dân. Vấn đề là tạm thời hắn vẫn chưa làm được như thế, chưa đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu của ta đối với hắn.

o0o

Vào lúc hoàng hôn, Khấu Trọng nhận được tin tức về cuộc chiến bên ngoài thành Lạc Dương. Gã vô cùng vui mừng triệu tập thủ hạ, cử hành hội nghị quân sự.

Trong nội đường, các lãnh tụ Thiếu Soái quân quây quần xung quanh bàn thương nghị. Tham gia có Hư Hành Chi, Tuyên Vĩnh, Bốc Thiên Chí, Trần Trường Lâm, Lạc Kỳ Phi và Trần Lão Mưu.

Trước tiên, Khấu Trọng công bố tin Lô Quân Ngạc tử trận và doanh trại trên đồi cao bị phá hủy. Sau đó, gã lần lượt hỏi ý kiến mọi người.

Tuyên Vĩnh lên tiếng:

- Đây là cơ hội tốt cầu còn chưa được. Nếu chúng ta lập tức xuất quân đến Lạc Dương, chắc chắn Lý Thế Dân sẽ lo sợ chúng ta hội sư với quân trong thành ở bên ngoài mặt Nam, phá hủy triệt để quân vây thành của Lý Nguyên Cát. Thế nên hắn tất sẽ lệnh cho Lý Thế Tích huy động hết quân tướng thủ hạ để chặn đường ngăn cản. Một mặt chúng ta có thể giả vờ dẫn quân đi Lạc Dương, mặt khác bố trí phục kích quân của Lý Thế Tích. Chỉ cần tránh đường thủy thì đội thủy sư hùng mạnh hơn chúng ta rất nhiều của Lý Thế Tích sẽ không còn đất dụng võ.

Mọi người nhao nhao tán thành đề nghị của Tuyên Vĩnh. Chỉ riêng Hư Hành Chi là nhíu mày không nói gì.

Khấu Trọng ngạc nhiên hỏi:

- Dường như Hư quân sư có nhận xét khác về việc đó. Sao ông không nói ra để mọi người hiểu rõ?

Hư Hành Chi đáp:

- Nếu thuộc hạ là Lý Thế Tích thì tuyệt sẽ không mạo hiểm đánh chặn đường mà chỉ dẫn thủy sư xuôi Nam thẳng tới Trần Lưu. Chúng ta sẽ lâm cảnh đầu đuôi không lo được cho nhau, tiến thoái đều không được.

Nhâm Mỵ Mỵ nói:

- Hiện giờ Trần Lưu được xây dựng đầy đủ công sự phòng thủ, lại có trại lũy kiên cố ngăn sông, phối hợp với Phi Luân thuyền luân phiên tuần tra. Chỉ cần một vạn quân thủ thành thì Lý Thế Tích cũng đừng hòng có thể đánh chiếm Trần Lưu trước tháng mười được.

Hư Hành Chi liền nói:

- Dụng binh phải biến hóa! Nếu Lý Thế Tích đóng quân bên ngoài Trần Lưu, lại phái kỵ binh tinh nhuệ vòng qua Trần Lưu thâm nhập vào nước ta đánh phá Bành Thành đang xây dựng thì sao?

Nhâm Mỵ Mỵ lập tức không trả lời được.

Bành Thành nằm ở trung tâm Thiếu Soái quốc. Nếu để địch nhân chiếm được thì toàn bộ Thiếu Soái quốc sẽ rệu rã, không đánh cũng tan.

Trần Trường Lâm lên tiếng:

- Việc này tuy mạo hiểm nhưng rất đáng. Giả sử bên ta có thể hội quân thì sẽ đánh bại đại quân vây thành của Lý Nguyên Cát, đồng thời chặt đứt đường lùi của Lý Thế Dân. Chúng ta lại tiến lên phía Đông, cùng quân Đậu trước sau giáp kích Lý Thế Dân thì tiểu tử này chỉ còn đường chạy thục mạng về Quan Trung. Khi đó, sự uy hiếp của Lý Thế Tích tự động được giải trừ, thế nên chúng ta có thể không cần lo lắng.

Tuyên Vĩnh lắc đầu nói:

- Quân vây thành của Lý Nguyên Cát khoảng từ sáu đến tám vạn người, lại có lũy cao hào sâu phòng thủ. Nếu chúng ta nhất quyết tấn công tất sẽ tử thương nặng nề. Nếu tạo thành thế giằng co thì từng tòa thành của chúng ta sẽ bị Lý Thế Tích đánh chiếm, đây không phải là việc bậc trí giả nên làm. Lời Hư quân sư chúng ta không thể coi thường.

Một lần nữa Khấu Trọng lại đối mặt với quyết định trọng đại quan hệ tới sự tồn vong của Thiếu Soái quốc. Không mạo hiểm thì sợ lỡ mất cơ hội tốt, nhưng nếu mạo hiểm thì có thể sẽ phải trả giá bằng tính mạng toàn quân.

Với binh lực vào khoảng hai vạn ở Trần Lưu, căn bản là không đủ để ứng phó với hai mặt trận gian khổ quyết liệt như vậy. Từ đây có thể thấy Lý Thế Dân dùng binh cao minh chừng nào. Hắn chỉ cần sai Lý Thế Tích tới đóng ở Khai Phong là ép luôn Thiếu Soái quân không động đậy gì được.

Đúng lúc này một thủ hạ thần sắc hoang mang chạy vào báo cáo:

- Đã phát hiện tung tích quân địch. Một cánh quân Đường đang thiết lập doanh trại trên một ngọn núi phía Bắc cách Trần Lưu khoảng mười dặm. Quân số khoảng năm ngàn người, chính là quân điều từ Khai Phong tới.

Mọi người đồng loạt biến sắc.

Toàn thân Khấu Trọng như rơi vào hố băng, xương sống ớn lạnh, có cảm giác như mình bị địch nhân treo lơ lửng trên không, chẳng có chỗ mà dùng lực vậy.

Cuối cùng gã cũng được nếm mùi thủ đoạn của Lý Thế Tích. Hắn chiếm hết tiên cơ, không phô trương dùng thủy sư Nam hạ mà lại dùng kỳ binh ngấm ngầm ép tới, gây áp lực lên Trần Lưu vào thời khắc quan trọng nhất. Chẳng cần nói cũng biết đại quân thủy sư cũng đã bắt đầu khởi hành. Trong tình hình này, gã sao dám chia quân đi Lạc Dương để cùng với quân thủ thành đột phá vòng vây mặt Nam?

Hai đại danh tướng của Thiên Sách phủ là Lý Thế Tích và Lý Tịnh. Do Lý Tịnh có quan hệ mật thiết với bọn gã làm Lý Thế Dân bất đắc dĩ phải lệnh cho y lưu lại Trường An. Nếu không, cả hai người bọn họ đều ra tiền tuyến làm thành hai gọng kìm thì Thiếu Soái quân của gã sẽ thua càng mau càng thảm hơn nữa. Chỉ một nước cờ này của Lý Thế Tích đã lập tức làm Khấu Trọng trận cước đại loạn, kế đánh chiếm Tương Dương để lưu lại đường lùi cũng khó mà thực hiện. Vận mệnh trong tương lai càng thêm đen tối, gã phải làm sao đây?

(