Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 10: Bữa cơm đạm bạc



Bên trong hỗn loạn, chẳng ai quản tới Tả Thiếu Dương, y liền tới bên cửa sổ, muốn nghe xem lang trung bên trong nghị luận chẩn đoán thế nào, nhưng bên ngoài phụ nhân kia mồm năm miệng mười bàn tán, không nghe rõ được, liền đặt ngón chỏ lên môi, suỵt nhỏ: - Các vị, bên trong đang cứu người, đừng quấy nhiễu.

Hỏa kế cũng chắp tay nói: - Đúng vậy, các vị lão thiếu gia, các vị đại nương đại thẩm, mọi người đừng nói chuyện nữa, đa tạ.

Thoáng cái trong phòng tĩnh hẳn xuống, Huệ Dân Đường có mấy lang trung tọa đường ( ngồi ở đại sảnh khám bệnh), vừa yên tĩnh lại tiếp tục công việc. Giọng già nua trong phòng truyền ra: - Ôi, tới muộn quá, thai chết trong bụng rồi.

- Con tôi...!

Tiếng khóc vang vọng khắp đại sảnh.

Giọng già nua kia quát: - Đừng khóc, lão hủ đang nghĩ cách lấy cái thai ra đây, nếu không là hai mạng người đấy.

Tiếng khóc càng lớn hơn, cầu khẩn lang trung mau cứu người.

Kết quả chưa biết thế nào thì bên ngoài có tiếng gõ chiêng, tới canh một rồi.

Luật Đại Đường là canh một đóng cửa hàng quán, hiệu thuốc cũng là thế. Nghe thấy tiếng chiêng báo giờ của binh sĩ, người bệnh chưa kịp xem bệnh trong hiệu tự giác đứng dậy đi về, hỏa kế đi ra đóng cửa. Trừ sáu cánh cửa của đại môn, bên cạnh còn có cửa nhỏ để dùng lúc khẩn cấp. Quy định từ canh hai tới canh năm toàn thành giới nghiêm, tất cả người không phận sự cấm chỉ đi lại. Nhưng cũng có ngoại lệ là người bệnh nguy cấp có thể đi tới hiệu thuốc, đương nhiên phải được binh giáp trực đêm đồng ý. Hiệu thuốc gặp tình huống bệnh khẩn cấp cũng được phép mở cửa cứu người, cửa nhỏ là để dùng cho trường hợp đó.

Hỏa kế lúc trước cười bồi với Tả Thiếu Dương: - Tả thiếu gia, chúng tôi sắp đóng cửa, thiếu gia có việc gì, mai lại tới được không.

Tả Thiếu Dương rời khỏi đại sảnh, ra ngoài không nghe thấy được gì bên trong nữa, chỉ biết lắc đầu, hai tay cho vào ống tay áo, cổ rụt lại, xông pha gió lạnh cắt da, rảo bước thật nhanh về nhà.

Cho dù cách thời gian giới nghiêm những một canh giờ nữa, nhưng sau khi chiêng báo canh gõ là trên phố chẳng còn người đi lại nữa rồi. Hàng quán hai bên đường đã đóng cửa, đèn đường đương nhiên chẳng có, chỉ có thể dựa vào ánh sáng leo lét từ ngọn đèn dầu hắt qua khe cửa để tìm đường, cửa sổ dán dấy hoặc dùng đủ thứ chỉ cần chắn được gió là đủ, mỹ quan à? Ai mà cần.

Trời lại bắt đầu có tuyết rơi, từng bông từng bông lác đác rơi xuống, được ánh đèn mờ làm chớp sáng chớp tối, giống như tiểu tinh linh bay múa khắp bầu trời đêm, rơi lên đầu, lên vai Tả Thiếu Dương, chẳng mấy chốc trắng xóa rồi.

Tả Thiếu Dương không rũ bông tuyết rơi xuống, cho dù lạnh tới hai răng đánh nhau, tai thì lạnh tới đau nhức, y vẫn không chạy, thậm chí là không đi nhanh, vẫn cứ cho tay vào ống tay áo, mắt nhìn bốn phía, ngắm thành trấn trong cảnh đêm, trong cảnh tuyết hoa đầy trời, mọi thứ với y đều đầy mới lạ.

Cuối cùng thì cũng về tới Quý Chi Đường, vừa mới gõ cửa một cái là cửa mở ra rồi, Hồi Hương lo lắng trách móc: - Sao giờ đệ mới về, chẳng biết nghĩ tới sức khỏe, đệ đi đâu? Vừa nói vừa phủi tuyết trên người y.

- Đệ nằm suốt mấy ngày rồi, nên đi dạo cho dưỡng gân cốt. Tả Thiếu Dương đứng ở bậc thềm, tay xoa xoa đưa lên miệng thổi hơi, cười toe toét:

- Hôm nay đệ bị ngã nữa đấy, nếu vết thương phát tác ngã xuống thì sao! Vào nhà mau.

Tả Thiếu Dương vào đại sảnh, vẫn chỉ có một cái đèn dầu leo lắt chập chờn phát ánh sáng tù mù, một cái bàn tròn đặt chính giữa, bên trên có bốn cái bát, một cái đĩa gốm lớn, một cái bát tô, trong đĩa là rau muối, còn trong bát là canh, lưa thưa mấy lá xanh nổi bồng bềnh.

Tả Quý vẫn ngồi sau cái bàn dài kia, đầu cúi xuống không biết nghĩ cái gì. Lương thị ngồi ở bên bàn tròn đang lau nước mắt, thấy con vào, đứng dậy: - Trung Nhi, tắt lửa tối đèn còn đi dạo lung tung cái gì hả! Ăn cơm đi, lão gia tới ăn cơm.

Cho dù hiệu thuốc hẩm hiu, cuộc sống gian nan, nhưng Tả Quý kiêu hãnh bởi dòng dõi thư hương, cho nên Lương thị lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi cung kính gọi lão gia.

Tả Quý lúc này mới ngẩng đầu, đủng đà đủng đỉnh đi tới bàn cơm.

Tả Thiếu Dương chú ý trong bát, hai cái bánh bao đen xì xì, đưa tay bóp, hơi cứng, cầm lên định ăn thì "chát" một cái, trời lạnh tay đau rụng rời, cái bánh rơi bộp xuống, chỉ thấy Lương thị nghiêm mặt mắng: - Trung Nhi, con làm cái gì? Cha con chưa đụng đũa, còn vội gì chứ?

- Dạ. Tả Thiếu Dương ngoan ngoãn rụt tay lại:

Tả Quý cũng nhìn y, chậm rãi nói: - Ra ngoài thế nào, đi quanh phố xá có nhớ thêm được gì không?

Tả Thiếu Dương trả lời qua loa: - Một số chuyện còn nhớ ạ, một số thì không.

Tả Quý đưa tay bắt mạch cho y: - Mạch rất bình thường.

Lương thị nói vào: - Thong thả nó sẽ nhớ ra thôi, sức khỏe không sao là tốt rồi. Ăn đi, không nguội cả.

Tả Quý thong thả cầm lấy một cái bánh bao, cho lên miệng cắn một miếng nhỏ, lại gắp một miếng dưa cho vào mồm, nhai rất tư văn nho nhã.

Thấy trượng phu động đũa rồi, Lương thị mới bảo Hồi Hương và Tả Thiếu Dương: - Ăn đi, ăn đi.

Tả Thiếu Dương cầm bánh bao lên cắn một cái, có vị gì đó đăng đắng, lại còn có sạn nhỏ như cát, mặt nhăn như khỉ ăn ớt cố nhai, kín đáo cầm nửa cái bánh bao soi dưới ánh đèn, phát hiện bên trong thêm vào một ít sợi nhỏ màu vàng, rút một sợi ra đặt lên đầu ngón tay nhìn, dễ dàng nhận ra được đó là vỏ cây dâu cùng tỷ tỷ mang về từ Thiên Nhận Sơn.

Cái loại vỏ dâu này lột đi phần dầy bên ngoài, phần non bên trong phơi khô, thái thành sợi, là thứ thuốc dùng để giảm ho. Chuyện thời đói kém lột vỏ cây để ăn thì Tả Thiếu Dương nghe kể, đọc được nhiều lắm rồi, không ngờ tới một ngày được thưởng thức.

Giờ thì y hiểu rồi, vì sao trong gùi của Hồi Hương quá nửa là vỏ dâu, thì ra là Hồi Hương hái thuốc chỉ là thứ yếu, chủ yếu là lấy vỏ dâu làm thức ăn.

Tả Thiếu Dương ba người trong nhà, không ai thấy khó nuốt, ngược lại còn ăn có vẻ ngon lành, ai nấy đã ăn sắp hết cái bánh thứ hai rồi mà Tả Thiếu Dương còn nguyên một cái trong bát, tay còn già nửa bánh.

Lương thị thấy y ăn vất vả, thương xót nói: - Trung Nhi, uống chút canh đi. Rồi múc cho y một thìa canh lớn đổ vào bát: - Chấm bánh vào canh, như thế dễ ăn hơn.

Bụng Tả Thiếu Dương đã biểu tình ầm ầm rồi, chỉ là cái bánh bao nhân vỏ dâu này quá khó ăn, mấy ngày qua bị ốm được húp cháo loãng, chẳng có trứng hay thịt gì còn nghĩ rằng họ sợ y ốm không tiêu hóa được mới cho ăn thanh đạm, ai dè đó là hưởng thụ rất cao rồi, chỉ sợ cuộc sống về sau cái bánh bao đen này sẽ là thức ăn chính, không ngon cũng phải ăn, nghĩ thôi mà nản lòng. Cho bánh bao vào nước canh, dùng đũa nguấy nát ra, coi như bịt mũi đổ vào miệng như uống thuốc.

Quả nhiên là cho thêm nước dễ nuốt hơn nhiều, y cắm đầu làm liền một hơi hết sạch hai cái bánh bao, bụng coi như được lấp đầy, dù mùi vị vẫn chẳng ra làm sao.

Lương thị hỏi: - Trung Nhi, trước đó con nói với Tam Nương để cô ấy khoan hạn cho vài ngày kiếm tiền, con kiếm đâu ra tiền?

Suy tính lúc đó của Tả Thiếu Dương là bán xạ hương đi kiếm tiến, bây giờ mộng đẹp tan vỡ rồi, y cũng không biết kiếm tiền đâu ra, ỉu xìu xìu nói: - Con.. Con cũng chỉ dùng kế hoãn binh thôi, chẳng phải có câu xe tới trước núi ắt có đường sao?

Lương thị vốn chỉ ôm hi vọng nhỏ nhoi mà thôi, quay sang hỏi Tả Trung: - Lão gia, làm sao bây giờ, hay là thuê ruộng trồng cấy? Nếu không khai hoang cũng được, nghe Hầu Phổ nói, triều đình khuyến khích khai hoang, giảm thuế ba năm, ba năm sau giảm một nửa.