Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 113: Tân dược cứu người (5)



Tiết lang trung nhìn tờ giấy, phải đun trước nửa canh giờ, chưa bao giờ nghe thấy, cầm một miếng lên xem, thấy màu vàng sậm, hơi phồng, ngửi thơm, khác hẳn với bình thường.

Cho dù Hằng Xương dược hành có tiếng tăm, có chữ tín, song thứ thuốc này quá mới mẻ, suýt nữa thì Tiết lang trung còn nhầm với thuốc khác, nên không dám dùng ngay, có điều bệnh tình Đổng thị xấu đi, nhi tức khóc lóc sụt xùi, nhi tử hùng hổ thúc giục, ông ta chỉ đành cắn răng nói đúng một chữ:

– Dùng.

Diêm lang trung vâng lời, cho vào phương thuốc Quế chi phụ tử thang, định sắc chung, Tiết lang trung ngăn lại:

– Trên giấy viết thứ này cần đun trước nửa canh giờ tới một canh giờ.

– Sư phụ, lâu quá, bệnh nhân đau đớn thế kia, mà đun trước hay đun cùng cũng thế.

– Nói bừa, làm nghề y là phải tỉ mỉ chính xác, sao có thể nói cũng thế được, ở đây ghi rõ phải đun trước, thì cứ thế mà làm, cái tính tùy tiện qua loa của ngươi phải sửa, nếu không chẳng nên được trò trống gì đâu. Mau đi đi, vi sư châm cứu giúp lão nhân gia giảm đau tạm thời.

Diêm lang trung vội đi sắc thuốc, Tiết lang trung thi châm, hiệu quả rất tốt, Đổng thị đỡ đau nhiều, nhưng cách châm cứu này chỉ là tạm thời giúp bệnh nhân giảm đau đớn, không trị được bệnh, vẫn phải dựa vào thuốc.

Trời đã sáng, bên ngoài có bệnh nhân tới gọi cửa xem bệnh, dược đồng đành phải mở cửa cho người bệnh vào. Tiết lang trung nửa đêm không ngủ, nhưng với người hành y chuyện này cũng thường gặp, nên cho người chuẩn bị canh giúp tỉnh táo, vừa khám bệnh vừa nóng ruột đợi đun thuốc.

Thuốc sắc xong, Tiết lang trung bảo Diêm lang trung thay mình khám bệnh, tự mình cho Đổng thị uống thuốc, ông chỉ cho uống một nửa, đợi một lúc, không hề có triệu chúng chóng mặt nôn mửa, mới cho uống hết.

Nhưng không lâu sau Đổng thị đột nhiên la hét ầm ĩ, tựa hồ đau đớn vô cùng.

Nhi tức phụ hoảng hốt:

– Tiết lang trung, làm sao bây giờ, bà bà ta đau quá rồi.

Đổng Tập rống lên:

– Không được, thế này mẹ ta chết trong tay các ngươi mất, đi. Tới Huệ Dâng Đường.

– Không được.

Diêm lang trung đang khám bệnh nghe thấy trong này ầm ĩ bỏ đó chạy vào:

– Lão nhân gia đã trúng độc rồi, lại yếu như thế, chết giữa đường thì sao? Hơn nữa sư phụ ta mà không trị nổi, chẳng lẽ Nghê lang trung trị được à?

Suy tính của hắn không phải thế, đối với y quán hiệu thuốc mà nói, trị không được bệnh, ép người bệnh đi nơi khác cầu y là chuyện đả kích lớn, hơn nữa lần này do chính sư phụ y chữa trị, ngoài kia lại có rất nhiều bệnh nhân đang nhìn vào, để truyền ra thanh danh sư phụ y còn gì nữa.

Đổng Tập ngây người, nhìn mẫu thân nằm trên giường, tuy kêu la đau đớn, nhưng khí lực rõ ràng suy yếu nhiều, đặc biệt là câu “đã trúng độc” làm hắn càng không dám làm gì.

Thấy hắn do dự, Diêm lang trung thở phào, nói vội:

– Để sư phụ ta chữa trị, yên tâm lão nhân gia chuẩn bị cách giải độc rồi.

Nói xong chuẩn bị đi lấy thuốc.

– Không cần.

Tiết lang trung nãy giờ trấn tĩnh theo dõi mạch Đổng thị, nói:

– Không phải hoảng lên như thế, đây là phản ứng bình thường khi thuốc phát huy hiệu lực, do phụ tử hành tẩu trong da, xua phong hàn, chính tà giao phong, hàn tà chưa trừ mới khiến người bệnh đau đớn. Thêm bốn lạng quê chi, ôn kinh thông dương …

Tới trưa Đổng thị không kêu la nữa, thần trí tỉnh táo hoàn toàn, Tiết lang trung càng vững tin, tăng thêm liều lượng phụ tử. Buổi tối mặt và môi Đổng thị chuyển dần từ tím sang hồng, chân tay hết tê, hông cũng đỡ đau, có thể xoay người nằm ngửa nói chuyện rồi.

Cả nhà lúc này có nói có cười, liên tục khen Tiết lang trung y thuật như thần, quên hết lời không hay trước kia, đó là điều bắt đắc dĩ của người hành y.

Quan sát Đổng thị không còn gì đáng ngại nữa, có điều phương thuốc này dùng tân dược, Tiết lang trung còn chưa hoàn toàn yên tâm, dù sao lần đầu tiên dùng, tuy hiệu quả rõ ràng, nhưng Tiết lang trung vẫn không yên tâm, phải giữ ở bên cạnh xem xét.

Ngày đầu không có vấn đề, ngày thứ hai Đổng thị đã có thể rời giường đi lại, Tiết lang trung mới để phu thê Đổng tập đưa bà ta về nhà dùng thuốc, nhưng dặn dò cẩn thận cách đun thuốc, còn kê sẵn cả thuốc giải độc.

Qua năm ngày, Đổng thị dẫn nhi tử nhi tức tới tận nơi tạ ơn, nói sức khỏe tốt hơn trước, muốn trả tiền thuốc, Tiết lang trung dứt khoát không nhận. Tiếp đó có người bệnh cần dùng tới phụ tử, Tiết lang trung đều dùng tân dược do Hằng Xương cung cấp, còn cẩn thận lưu lại địa chỉ từng người bệnh, đích thân tới nhà xem hiệu quả, tất cả bệnh nhân đều khỏi bệnh nhanh, không ai có triệu chứng trúng động.

Tâm tình Tiết lang trung cực tốt, thuốc miễn phí đã dùng hết, liền tới Hằng Xương đặt mua, lần này mua liền mười cân.

**********

Có nhà vui thì có nhà buồn, Quý Chi Đường không sao vui lên được.

Cho dù tiền nhà đã trả hết, nhưng Quý Chi Đường trải qua một ngày Tết nguyên tiêu ảm đạm nhất từ trước tới giờ, vốn tình hình khám bệnh có chút khởi sắc, nhưng sau lần chủ nợ đại náo Quý Chi Đường, bệnh nhân né tránh không tới chỗ họ khám bệnh nữa, suốt ba ngày sau đó mới có người bệnh đầu tiên, làm Tả Quý rất buồn bực.

Lương thị và Hồi Hương đem vải Giả tài chủ tặng làm hai bộ áo, cho cha con Tả Quý.

Tả Thiếu Dương mặc áo tơ lại thêm vào áo chẽn bên trong của Tiểu Muội, buổi tối đi ngủ không còn bị lạnh tới nửa đêm thức giấc bào chế thuốc như ma làm nữa.

Không điện đóm, không TV, không điện thoại, không có nhiều mối quan hệ xã hội lằng nhằng, cuộc sống thời xưa rất đơn giản, thậm chí có phần đơn điệu tẻ nhạt, song Tả Thiếu Dương sau khi dần thích nghi với sự thiếu thốn phương tiện cuộc sống lại thích nó. Không phải y lười, Tả Thiếu Dương chịu khó chăm chỉ, chỉ là không muốn tốn thời gian giao tiếp xã hội thôi, y là người sống có phần cô độc khép kín, hiện mỗi ngày báo chế thuốc bốn canh giờ, không thể cùng cha đi làm linh y, cho nên giống trước kia, Tả Quý lại ngồi như tượng giữa đại sảnh vắng tanh.

Tuy một ngày bào chế thuốc tới 4 canh giờ, tức là tương đương 8 tiếng, thực chất Tả Thiếu Dương tương đối nhàn nhã, mấy công đoạn làm sạch, ngâm, thay nước, phơi khô đều do mẹ y làm, Hồi Hương cũng thường bỏ việc nhà chạy sang giúp đệ đệ, theo như lời nàng nói, chừng nào đệ đệ chưa thành gia lập thất thì nàng chưa yên lòng, Tả Quý đành kệ. Thế nên Tả Thiếu Dương ngoài mấy công đoạn chính thì chủ yếu phụ trách giám sát.

Người của Hằng Xương dược hành mỗi ngày đều tới lấy thuốc, hỏi bọn họ tiêu thụ ra sao, hỏa kế chỉ lắc đầu không đáp. Tả Thiếu Dương bắt đầu bất an, nếu thuốc không bán được, hiệu thuốc lại vắng vẻ thế này thì về sau sống bằng cái gì đây?

Mỗi ngày Tả Thiếu Dương vẫn đi lấy nước, Tiểu Muội và Hoàng Cầm cũng thế, có điều người khác thấy hai bọn họ ở cùng một chỗ ánh mắt cứ quai quái, lại còn cười trộm. Sau sự kiện kia, dù không mấy người biết rằng Tiểu Muội cầm đồ của hồi môn giúp Tả gia, nhưng vẫn có nhiều lời xì xào nói nàng “trâu đi tìm cọc”. Tả Thiếu Dương chẳng hiểu gì, thấy Tiểu Muội cứ né tránh mình, đợi mình lấy nước xong mới tới còn rầu rĩ một thời gian, cho rằng nàng thực sự được hứa gả rồi nên tránh mình. Về sau Hoàng Cầm giải thích mới hiểu, thế là mỗi ngày cố ý thời gian Tiểu Muội lấy nước, để người ta không cười nàng, tuy vậy hai người vẫn từ xa xa trao đổi ánh mắt với nhau.

Hôm đó Tả Quý dậy, Lương thị định pha trà cho ông, Tả Quý xua tay bảo Tả Thiếu Dương:

– Đi, tới quán trà uống.

Uống trà giống uống rượu, chú trọng cái không khí, giống như câu “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu vậy”. Với trà khách và tửu khách mà nói, tuy ở nhà có rượu có trà, nhưng uống không sao có đủ tư vị, phải tới quán trà quán rượu uống mới được.

Chuyện không vui lần trước Tả Quý hoàn toàn không để trong lòng, chủ yếu vì ông hoàn toàn không biết chuyện thê tử nhờ người tới Tang gia làm mai. Nên khi đó lời Tang mẫu chỉ coi là người ta thuận miệng nói thế thôi, bà nương đó xấu tính không lạ gì nữa, còn trách bản thân quá mẫn cảm. Thời gian qua hiệu thuốc đang tốt đẹp đột nhiên đi xuống, lòng không vui, nên muốn đi uống trà giả khuây