Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 172: Chỉ có nhân sâm mới cứu được



Thấy đôi bên có xu thế cãi nhau ngày một lớn, dần mất kiểm soát, Cù lão thái thái phải đứng dậy tới khuyên giải tôn nữ, Lương thị kéo Tả Thiếu Dương sang một bên, nói:

– Trung Nhi, đừng cãi nhau nữa, cứu người quan trọng hơn, nhà người ta như thế, suy nghĩ không được chu toàn.

Tả Thiếu Dương thấy mẹ nói phải, hít sâu vài hơi lấy lại bình tĩnh, y cũng muốn cứu người lắm chứ, nhưng mạng Cù lão thái gia đã nguy trong sớm tối, phải hồi dương cố nghịch, không có sâm già thượng hạng làm sao chữa được, lần trước chỗ sâm mà Nghê đại phu mang tới, Tả Thiếu Dương chỉ thấy có một củ thích hợp thôi, số còn lại tuy đều là sâm thượng hạng song vẫn kém một chút, giờ số sâm này hẳn đã vào tay Âu Dương thứ sử cả rồi, chẳng lẽ còn có thể tới xin ông ta?

Cù phu nhân nghe hai người cãi nhau tin vài phần, vừa khóc vừa đi tới nhún eo thi lễ:

– Tả công tử, thiếp thân cầu xin công tử cứu công công ta.

Tả Thiếu Dương vừa mới bình tĩnh lại một chút đã muốn điên, đấm đầu nói:

– Phu nhân, trước đó người ta đáp ứng, dù ta cứu được hay không cũng không trách ta, giờ ép ta thế này, ta.. ta …

Cù phu nhân chỉ biết khóc, nào có nghe vào tai, rồi Long thẩm cũng theo quỳ xuống, khóc lóc ầm ĩ, cuối cùng khiến Lương thị vốn mau nước mắt cũng khóc theo.

Tả Thiếu Dương không thể chịu đựng nổi nữa, bất chấp trước mặt toàn là bậc trưởng bối của mình, rống lên:

– Không phải là ta không muốn cứu, mà chỉ có nhân sâm lâu năm mới cứu được … Nghe rõ không, là sâm già lâu năm, chứ không phải sâm thường. Nhà các ngươi mà có thì mang ra đây, ta cứu ngay, không có sâm thì ta chịu thua, các người muốn khóc muốn chửi tùy các ngươi, muốn kiện lên quan cũng được, ta chiều tất.

Cả nhà bị tiếng quát của Tả Thiếu Dương làm giật mình nín khóc, ngây ra nhìn y. Tả Thiếu Dương phát tiết ra được, cũng nguôi giận phận nào, lẩm bẩm:

– Đương nhiên, có sâm cũng chưa chắc ích gì, bệnh đã quá nặng rồi … Song không có sâm thì chắc chắn không cứu nổi.

Cù lão thái thái há miệng nhìn Tả Thiếu Dương, lắp bắp:

– Chỉ nhân sâm có thể cứu lão gia nhà ta?

– Nhân sâm có thể ích khí cố thoát, giữ cho lão thái gia còn chút dương khí, tiếp đó ta mới dùng thuốc, có lẽ là còn chút hi vọng, nếu không có nhân sâm thì hoàn toàn hết hi vọng rồi … Hơn nữa sâm thường lúc này e không đủ dược hiệu, mà là sâm lâu năm, các vị có không?

– Thế này, thế này phải làm sao?

Mấy người Cù gia đưa mắt nhìn nhau:

– Nhà có cái gì đáng tiền đều bán hết, biết sao đây …

Cù phu nhân lẩm bẩm, cuối cùng cắn răng nói:

– Bà bà, hay là bán nhà đi?

– Không được.

Cù lão thái gia mếu máo:

– Lão gia lúc trước có nói, tổ trạch này là do tổ tiên truyền lại, tuyệt đối không thể hủy trong tay mình, nếu không chết xuống suối vàng cũng không thể nhìn mặt tổ tiên, có chết cũng không tha cho chúng ta …

– Nhưng chả lẽ cứ nhìn công công chết sao?

Tả Thiếu Dương nhìn mà thở dài, chợt nhớ chuyện Lý đại nương bị trúng phong đưa tới các y quán, họ đều nói không chữa được chứ không nói là cần nhân sâm mới có thể chữa được, bây giờ y mới hiểu, nếu nói ra là vô nhân đạo, vì người nhà bệnh nhân không có khả năng đó, nói chỉ khiến người sống thêm gánh nặng mà thôi, không ích gì cả.

Cứu người đương nhiên là thiên chức của y giả, nhưng vì cứu một người mà đẩy nhiều người vào khốn cùng thì có đúng không? Bản thân đương nhiên chẳng thể bỏ tiền ra cứu người được, trái phải đều khó, nói không chữa được lại là tốt nhất, nghề này thực sự nhiều éo le khi gặp rồi mới hiểu, nhìn góc độ người ngoài đưa ra phán xét thì dễ lắm, song thế là không công bằng.

Long thẩm đang khóc, đột nhiên nhớ ra một chuyện, buổi tối ngày hôm đó Cù lão thái gia trẹo chân, bà tới Quý Chi Đường mua thuốc về dán, vừa vặn gặp Nghê đại phu ôm mấy cái hộp đứng ngoài cửa, mình làm ông ta giật mình rơi hộp xuống đất, trong đó có nhân sâm cực phẩm. Mình nấp ở sau cửa nhìn thấy Nghê đại phu ôm hộp sâm vào Quý Chi Đường.

Tiếp đó lại nghe Nghê Nhị chữa bệnh chết người bị ra công đường, may tiểu lang trung làm chứng gì đó mới giảm nhẹ tội thoát nạn, Long thẩm xâu chuỗi sự việc lại, suy đoán số sâm kia hiện ở trong tay Quý Chi Đường, nhất định hôm đó Nghê đại phu mang nhân sâm tới nhờ Tả gia lên công đường giúp đệ đệ ông ta, bọn họ có nhân sâm, nhưng mà tiếc của cho nên mới không lấy ra cứu người.

Nghĩ tới đó Long thẩm bò tới bên Bạch Chỉ Hàn thì thầm nói chuyện này.

Nghe xong mặt Bạch Chỉ Hàn vốn đầy đau thương u ám trở nên lạnh băng, mắt như dao quét lên người nhà Tả gia, nàng hiểu chuyện này không thể nói ra, nếu không Quý Chi Đường sẽ mất mặt, thẹn quá hóa giận dứt khoát phủ nhận không có thì chuyện này hết hi vọng. Một cô nương mười mấy tuổi phải chống đỡ cả nhà, đương nhiên không thể hiền lành ngây thơ được, nàng gặp quá nhiều lừa lọc gian trá, nên luôn nghi ngờ đề phòng người khác.

Bây giờ chỉ có thể lấy lợi làm họ động lòng thôi, nhà mình thì có tổ trạch không thể đụng vào, còn một thứ “lợi” khác khiến đối phương động lòng, chính là mình.

Bạch Chỉ Hàn cực kỳ tự tin vào dung mạo của mình, từ nhỏ đã xinh đẹp tuyệt luân, nàng đẹp tới mức khiến tất cả nữ tử xung quanh ghen tị, vì thế họ luôn tìm cách đặt điều bôi xấu, vu oán đệ hạ thấp nàng, vì vậy tính nàng cô độc ít bạn bè.

Nữ nhân thì thế, còn nam nhân nhìn thấy nàng là si dại, thậm chí phát cuồng, không biết bao nhiêu hào môn vọng tộc, thế gia quan hoạn, phú hào thương cổ, danh lưu nhã sĩ thông qua nhiều con đường cầu thân, thậm chí trong họ tộc cũng có kẻ mưu đồ bất chính với nàng.

Với Bạch Chỉ Hàn mà nói, dung mạo này là niềm tự hào cũng là gánh nặng của nàng.

Thế rồi cha mẹ nối nhau qua đời, nàng lấy để tang không nói chuyện cưới gả đóng cửa cự tuyệt người khác, nhưng nào có yên, thấy nàng không có chỗ nương tự, không ít kẻ rắp tâm bất lương, may nhờ ngoại tổ phụ đón tới sống cùng. Ngày tháng yên binh chưa bao lâu thì ngoại tổ phụ mất chức về Hợp Châu tinh thần sa xút, người trong kẻ ngoài nhòm ngó, cữu tử vào tù, trong nhà chỉ còn mình nàng lo liệu, có thể nói nàng chỉ có tuổi thơ hạnh phúc rất ngắn ngủi, sau đó toàn sóng gió gập ghềnh.

Bây giờ gặp phải Quý Chi Đường thấy chết không cứu, nàng cũng chẳng trách người ta không nể tình mấy năm hàng xóm láng giềng, ngoại tổ phụ nàng thi thoảng khen ngợi nhân phẩm vị Tả lang trung kia, bởi vì, trong mắt nàng tất cả đều là giả dối. Lý trí suy tính, rõ ràng trong nhà họ có nhân sâm không chịu dùng, mục đích không phải mưu hại ngoại tổ phụ, vậy chỉ có thể là nhắm vào mình.

Tên tiểu lang trung kia là kẻ háo sắc, lần đầu gặp mình ở nha môn đã lợi dụng tình thế đụng chân đụng tay rồi, lần này đưa ngoại tổ phụ tới khám bệnh, bề ngoài y tỏ ra không để ý, nhưng không ít lần dùng khóe mắt nhìn khắp cả người mình, làm sao qua mắt được nàng.

Nghĩ thông chuyện đó, Bạch Chỉ Hàn ra quyết định, nếu như y đã thèm khát dung mạo của mình, vậy chỉ còn cách hi sinh mới có thể cứu mạng ngoại tổ phụ.

Bạch Chỉ Hàn vẫn quỳ dưới đất, quay sang Tả Thiếu Dương:

– Ngươi không tin kiếp sau ta làm trâu làm ngựa báo đáp phải không?

Nhìn người nhà họ như thế, lòng có chút tức giận cũng bay biến hết rồi, Tả Thiếu Dương kiên nhẫn giải thích, giọng nhỏ nhẹ hết sức:

– Cô nương, ta nói rồi, bệnh này cần có nhân sâm, nhà ta không có, nhà cô không kiếm được, vậy thì ta đành chịu thôi. Cứu chữa người là bổn phận ngươi hành y chúng ta, nếu cứu được nhất định sẽ cứu, không cần kiếp này kiếp sau làm ngựa báo đáp.

Giả nhân giả nghĩa, nếu không phải mình biết nội tình, nhất định sẽ bị những lời chân thành này của y lừa gạt, quả nhiên lòng người hiểm ác, Bạch Chỉ Hàn cười thảm:

– Nếu ngươi không tin kiếp sau ta báo đáp, vậy kiếp này ta báp đáp ngươi, chỉ cần ngươi cứu được ngoại tổ phụ ta, ta nguyện làm nô tỳ cho quý đường.