Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 225: Kế hoạch cứu tế



Lão trà khách nghe Tả Thiếu Dương mời Chúc Dược Quỹ tới nhà bàn chuyện thuốc men thì thở dài:

- Lúc này mà cậu ta còn tâm tư nghĩ chuyện bào chế thuốc nữa, nghĩ cách làm sao sống tiếp được đi.

Chúc Dược Quỹ lại thoải mái gật đầu:

- Được, lát nữa ta tới... Sống chết có số, lo làm gì? Chuyện kinh doanh vẫn phải làm. Ta đã quyết rồi, ta và lão bà tử sống đã đủ, từ mai mỗi ngày chỉ uống một bát cháo cầm hơi và ít canh sâm bảo mệnh. Tiết kiệm lương thực cho nhi tử và tôn tử, chúng còn sống là Chúc gia ta còn hi vọng.

Tả Thiếu Dương đứng dậy cáo từ, cùng Bạch Chỉ Hàn đi ra, tới bên quầy hỏi Tiểu Muội:

- Trà trong quán còn dùng được bao lâu?

- Khách ít thế này phải đủ dăm ba tháng...

Tiểu Muội có chút áy này, nàng cứ thấy mình làm chưa đủ tốt có lỗi với Tả Thiếu Dương:

- Vậy là ổn rồi.

Tả Thiếu Dương dặn dò:

- Từ giờ muội và Cầm tẩu ngoại trừ đi lấy nước thì đừng rời khỏi nhà, nếu hết trà thì báo với ta một tiếng, ban đêm kiểm tra cửa nẻo cho thật kỹ.

Thực ra chẳng cần y dặn, cơ bản thì phạm vi sinh hoạt của Tiểu Muội và Hoàng Cầm xưa nay cũng chỉ có từ quán trà ra giếng nước thôi, từ bé tới giờ chưa từng bước chân ra ngoài huyện Thạch Kính này, tuyệt đại đa số nữ nhân thời xưa là vậy.

Tả Thiếu Dương dặn dò như thế không chỉ vì an toàn của các nàng, còn vì không muốn để thảm cảnh nhân gian ngoài kia tác động tới tâm trạng hay thậm chí tính cách của họ, y muốn quán trà mãi là nơi mình có thể buông lỏng tách biệt khỏi lo toan cuộc đời, đó là chút tư tâm của y.

Con đường từ quán trà về Quý Chi Đường không thấy nhiều bóng dáng nạn dân, ngay cả bách tính sống ở đó cũng không xuất hiện, mọi người đều hạn chế hoạt động tối đa, nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, có lúc cảm giác như bước vào thành phố ma.

Đi qua ngõ ở chỗ ngã tư thấy một đội quan binh đang đi về phía cổng thành đông, Tả Thiếu Dương và Bạch Chỉ Hàn vội dừng lại bên đường đợi, quan binh đi thành hàng dài chỉnh tề.

Nghe thấy động tĩnh, bách tính mở cửa ra đường nhìn.

Một đại hán ăn mặc kiểu quan quân chắp tay với người dân vây quanh:

- Các vị hương thân phụ lão, chúng tôi sắp đi đánh huyện Song Hòe đây, mọi người yên tâm, lần này nhất định sẽ đoạt lại được huyện Song Hòe, tiêu diệt phản quân, lương thực sẽ mau chóng vận chuyển tới để mọi người có được cuộc sống bình yên tốt đẹp.

Bách tính hai bên đường reo hò vang dội, còn có người lấy nước lấy rượu trong nhà cho quan binh uống, nếu chẳng phải thực sự không còn lương thực nữa thì họ cũng mang cả lương thực ra ủy lạo rồi, binh sĩ vô cùng cảm động, ai nấy khí thế bừng bừng hô hào quyết tâm giết giặc.

Tả Thiếu Dương lần đầu tiên chứng kiến thế nào là tình quân dân cá nước, có lẽ nếu không được Phàn Mặt Đen nói trước trận đánh này chẳng hi vọng gì thì y cũng chạy về lấy cái bánh bao ra cổ vũ bọn họ cũng không biết chừng, giờ không muốn nhìn thêm, trở về nhà thấy cha mẹ cùng mẹ con Miêu gia cũng ra cả cửa ngóng, đang hưng phấn bàn tán với nhau.

Mấy thương binh thì vô cùng ủ rũ, nằm ngoẹo trên giường chả nhúc nhích, chẳng rời giường đi tiễn chiến hữu ra trận nữa.

….

Cùng lúc đó ở hậu hoa viên một đại trạch viện thuộc loại lớn nhất Hợp Châu, nơi này trước đây từng náo nhiệt đông đúc, bây giờ thưa thớt hơn nhiều, lại là hậu hoa viên càng không thấy bóng người, bốn bề im ắng. Nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy trong nhà kho để hé cửa có một đôi mắt sáng linh hoạt cảnh giác đảo xung quanh.

Chốc lát sau có tiếng bước chân nặng nhọc từ phía con đường rải đá, tiếng người thở phì phò, đôi mắt kia ánh lên niềm vui, rối rít thúc giục:

- Mau mau lên.

Cửa mở rộng hơn, một nam tử cao lớn ăn mặc kiểu nô bộc vác bao tải vào, ném uỵch xuống đất, sau đó ngồi bệt xuống đất, thở lấy thở để, cánh cửa nhanh chóng khép lại.

- Này uống đi, Vượng Tài trông ngươi cao to như vậy mà vác cái bao tải đã thở không ra hơi, thật vô dụng.

Ánh đèn duy nhất trong phòng chiếu lên gương mặt thiếu nữ tuổi chừng mười bốn mười lăm, mặc chiếc váy kép hồng đào, không nhìn rõ lắm dung mạo của nàng, song đôi mắt sáng lấp lánh hoạt bát kia rất dễ gây ấn tượng, nàng đưa cho nam bộc kia cái bầu nước, giọng nói mang chút âm điệu trẻ con:

- Được bao nhiêu?

Nam bộc nhận lấy bầu nước tạ ơn, chưa uống vội mà trả lời:

- Chừng ba đấu ạ.

Thiếu nữ nhíu mày:

- Chỉ ít thế thôi sao? Hay ngươi sợ nặng nên không lấy thêm...

- Tiểu thư, oan quá, tiểu thư cũng biết hiện giờ kho lương nhà ta canh giữ nghiêm ngặt thế nào, tiểu nhân mất cả ngày theo dõi hoạt động của họ mà không tìm sơ hở lẻn vào lấy trộm, may mắn nghe nói bên ngoài quan binh chuẩn bị đi đánh phản quân ở huyện Song Hoè, đông lắm, mọi người đều đi xem náo nhiệt nên tiểu nhân mới thừa cơ lẻn vào được, cơ hội rất nhỏ, nếu lấy nhiều, đi chậm, thế nào cũng bị phát hiện...

Nam bộc oan ức phân bua:

- Rồi rồi, ta biết không dễ dàng, song thế này không đủ.

Thiếu nữ chống tay lên bao gạo, mím môi lại trầm tư, đúng lúc này ngoài cửa có tiếng gọi:

- Tiểu thư, mở cửa cho nô tỳ.

Nam bộc lật đật đi ra mở cửa, một nha hoàn nhanh nhẹn lách mình vào, nàng cũng vác một cái bao lớn, song tỏ ra rất nhẹ nhàng, mang vào đặt lên cái bàn lớn trong góc, ở đó cũng có bao lớn bao nhỏ, còn có cả mẹt rau, giỏ đồ khô.

Thiếu nữ tử trong trầm tư tỉnh dậy, nhìn đống lương thực mình cùng hai nô bộc thân tín tích góp được mấy ngày qua, có chút tự hào, vỗ tay quyết định:

- Thôi, thế này cũng được rồi, Vượng Tài, Hà Tử các ngươi đem rau củ thái nhỏ ra, nấu thành cháo, thế cũng cứu được rất nhiều người! Vả lại chúng ta chỉ cấp cứu, không cứu đói, như thế càng cứu được nhiều người hơn.

Vượng Tài là nam bộc, Hà Tử là nha hoàn, hai người nhìn nhau, hỏi:

- Tiểu thư, thế nào là chỉ cấp cứu, không cứu đói.

- Ta tính rồi, chúng ta nấu cháo xong sẽ đẩy xe vào ngõ nhỏ, chuyên môn phát cho những nạn dân thoi thóp, để bọn qua được ải tử vong, có lẽ sống được.

- Nô tỳ hiểu rồi.

Hà Tử gật đầu ồ lên:

- Tức là chúng ta chỉ cứu những người sắp chết đói thôi, đó gọi là cấp cứu, còn những nạn dân có thể hoạt động, đào rau củ ăn qua ngày thì tạm thời không cứu.

- Đúng thế đấy, nếu không chỗ lương thực ít ỏi này của chúng ta chẳng khác gì muối bỏ biển, không thực hiện kế hoạch này nữa cho rồi.

Vượng Tài hỏi chen vào:

- Nhưng làm sao biết được là ai sắp chết?

Thiếu nữ ngoẹo đầu sang một bên, ra chiều ngẫm nghĩ:

- Phiền nhỉ, ai cũng đói tới da bọc xương cả, làm sao phán đoán chuẩn xác ai cần cứu tế đây?

- Nô tỳ có cách này tiểu thư xem có được không nhé?

Hà Tử hớn hở góp ý:

- Chúng ta nấu hai nồi cháo, một cái nồi lớn thật loãng, cho nhiều rau dại hơn, một cái nồi nhỏ nhiều gạo hơn. Tới nơi cứu tế liền gõ thùng bố thí cháo, nếu là người còn xếp hàng xin cháo được là chưa tới mức sắp chết, cho họ ăn cháo loãng, còn những người không bò dậy xin cháo được, chúng ta sẽ múc thùng cháo nhỏ cho họ ăn.

Thiếu nữ tán thưởng:

- Thông minh, cách này vừa nhanh vừa chuẩn xác, chúng ta cứ làm thế đi.

Vương Tài lo lắng hói:

- Chúng ta đi bố thí cháo bị người quen nhận ra thì sao, lão gia mà biết tiểu nhân lấy trộm lương thực trong nhà sẽ đánh chết tiểu nhân mất.

Hà Tử bĩu môi:

- Ngươi đúng là đồ ngốc, tất nhiên là chúng ta bịt mặt rồi.

- Hà Tử nói phải, chúng ta thi ân không cần báo đáp, là anh hùng hiệp khách cứu dân tế thế.

Thiếu nữ vẫn còn mang tính tình trẻ con, tưởng tưởng cảnh mình cầm thìa lớn múc cháo đổ vào bát, phía dưới nạn dân người rưng rưng nước mắt, người húp cháo xì xụp, đã thấy hưng phấn:

Hà Tử bị tiểu thư nhà mình kích động, rối rít nói:

- Nhanh nhanh, thực hiện ngay lập tức.

Vượng Tài là người duy nhất không hào hứng gì với kế hoạch này, tiểu thư muốn thế, hắn chỉ còn cách tuân theo thôi.

Trời sắp tối cẩn phải nhanh chóng thực thi kế hoạch, Vượng Tài phụ trách việc bắc bếp lấy nước, Hà Tử và thiếu nữ thái nhỏ các loại rau dại.