Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 238: Khi đi thì đứng, khi về lại nằm (2)



Có người nhận ra được thanh niên đang nằm thiêm thiếp trên cáng kia chính là tiểu lang trung của Quý Chi Đường, thời gian qua Tả Thiếu Dương thành một danh nhân nho nhỏ rồi, từ sự kiện mời huyện lệnh tới nhà cho đến phương pháp chữa bỏng chữa thương mới mẻ hiệu quả, không ít người học theo dùng nước lạnh để chữa bỏng thay cho cách truyền thống, hiệu quả thấy rõ mà không thấy di chứng gì, một đồn mười mười đồn trăm, gần như cả thành chuyển sang dùng nước lạnh, tuy người nhận ra y là số ít, song nghe tới danh tiếng của y rất nhiều.

Thấy Tả Thiếu Dương mặt không ra sắc người, toàn thân máu me nằm trên cáng không nhúc nhích, cho rằng y đã chết, người thì thương cảm, than ông trời bất công, sao để một tài hoa của Hợp Châu chết trẻ như thế, người thì líu ríu nghị luận, người thì chạy đi loan tin, người thì bám theo xa xa đằng sau.

Thế là dần dần thành hàng ngũ dài kéo tới Quỹ Chi Đường.

Lương thị suốt cả một đêm không ngủ, nhấp nhổm đứng ở cửa hóng tin nhi tử, cả Miêu mẫu, Nhị Thảo cũng ở bên cạnh, Đại Tử và Nhị Tử phối bò, lại chúa ham ngủ nên đang ngủ trong nhà, Tam Thảo quá nhỏ chưa hiểu chuyện. Nghe những người khác bàn tán thì có vẻ trận chiến này diễn ra ngoài thành, địch bị bao vây, nên Lương thị cũng yên tâm phần nào, có điều chừng nào nhi tử chưa về thì lòng chưa yên.

Đột nhiên nhác thấy đầu ngõ có đoàn người lố nhố ở đầu đi tới, có cả binh sĩ hộ tống, định tránh qua bên nhường đường, song hai nữ tử đi đầu trông giống Bạch Chỉ Hàn và Miêu Bội Lan, nhi tử không thấy đâu, lòng nổi lên linh cảm không lành, chạy vội tới xem.

Chỉ thấy hai binh sĩ khiêng một cái cáng, người trên đó nửa nằm nửa ngồi, toàn thân máu me, nhất là ở chân, không khác gì mò từ ao máu lên, tuy mặt nhợt nhạt, môi thì sưng như ong đốt, ăn mặc cũng khác lúc rời nhà, song là người mẹ, bà nhận ra ngay, là nhi tử không sai được, Lương thị sợ tới chân nhũn cả ra, nhào tới ôm chầm lấy Tả Thiếu Dương:

- Trung Nhi, Trung Nhi, con tôi làm sao thế này...

Hai bàn tay nhăn nheo đầy vết trai sờ mặt lại sờ người tìm kiếm vết thương, còn run như cầy sấy.

Tả Thiếu Dương chỉ lờ mờ nhận ra mẹ mình, mẹ y thì nói líu lưỡi lại chẳng nghe ra gì, y thì yếu tới mức tới nói cũng không muốn, chỉ mỉm cười trấn an mẹ.

Có điều nụ cười Tả Thiếu Dương không thành công lắm, lọt vào mắt Lương thị giống như nhăn mặt vì đau đớn, càng thương, quay đầu về phía hiệu thuốc kiệt lực kêu lên:

- Lão gia! Lão gia, không xong rồi, mau ra đây! Trời sắp sập rồi... Mau mau ra đây đi...

Miêu mẫu chân có tật nên chạy chậm hơn, thấy nữ nhi bình an, còn chưa kịp thở phào thì nghe thấy Lương thị kêu gào, trượt chân ngã oạch một cái ngã ra đất, Nhị Thảo vội đỡ dậy, song Miêu mẫu nhũn hết cả người, thôi xong rồi, nếu tiểu lang trung có bề gì, nhà mình bị đuổi đi là cái chắc, giờ đang chiến tranh loạn lạc, mẹ góa con côi bọn họ biết sống thế nào?

Chưa kế thời gian qua ở Quý Chi Đường, công việc nhà hạ, cơm thì lúc nào cũng ăn no bụng, giữa lúc cả thành chết đói mà nhà mình cuộc sống còn thoải mái hơn cả khi ở Mai thôn, Tả lang trung tuy ít nói, song không làm cao như vị tiên sinh già trôn thôn, rất hiền lành, Lương thị thì tính tình không khác bà là bao, thi thoảng lại cùng nhau tâm sự chuyện nhà.

Hài lòng nhất là tiểu lang trung, khỏi nói cũng biết có ý với khuê nữ quê mùa của mình, đối đãi với mấy đứa đệ muội vô cùng tốt, rảnh rỗi còn chỉ dạy chúng học chữ học y, tiếc là mấy đứa này không có thiên phận, chỉ có sức khỏe, học trước quên sau, dầu thế chỉ cần khuê nữ gả cho Tả gia, bất kể là làm lớn hay làm nhỏ thì nửa đời còn lại cả nhà không lo gì nữa rồi.

Thế nên nhìn thấy thảm trạng của Tả Thiếu Dương, Miêu mẫu hoảng không thua kém gì Lương thị.

Miêu Bội Lan cũng rất áy náy, nàng vốn đi theo bảo vệ Tả Thiếu Dương, vậy mà người cần bảo vệ suýt nguy tới tính mạng, bản thân thì lành lặng, không dám ngẩng đầu nhìn Lương thị.

Bạch Chỉ Hàn nói thay Tả Thiếu Dương:

- Thái thái, thiếu gia bị thương ở chân, không sao...

- Còn nói là không sao! Khi đi thì đứng, khi về lại nằm là thế nào hả?

Lương thị thường ngày luôn đứng về phía Bạch Chỉ Hàn mắng nhi tử, thời khắc này con mình đương nhiên là nhất, vừa ôm nhi tử như gà mẹ bảo vệ trứng, vừa khóc vừa gào nát lòng:

- Lão gia, lão gia... Nhanh lên kẻo không kịp nữa rồi.

Tả Quý đang ngồi trong nhà uống trà, nghe thấy thê tử hô hào cũng hoảng, đoán chắc liên quan tới nhi tử, rơi cả cốc trà xuống, nước nóng bắn lên chân, ông cũng kệ, chạy vội ra ngoài:

- Làm sao, làm sao, xảy ra chuyện gì.

- Lão gia, không xong rồi... Hu hu hu, Trung Nhi... Nhiều máu, nhiều máu lắm... Toàn thân toàn là máu thôi.

Tả Thiếu Dương bị mẹ hết ôm chặt lấy lại kêu gào bên tai, tình táo lại, nhìn thấy cha một tay vén áo bào chạy phăm phăm tới, cha y trước nay làm gì cũng đủng đỉnh thong thả, chưa bao giờ tốc độ như lúc này, chỉ là vạt áo ướt một mảng, ở ngay giữa hai chân, không biết làm sao ra nông nỗi này, chỉ thấy buồn cười:

- Cha, mẹ, đừng lo, con... Con không làm sao đâu mà.

Tả Quý vịn lấy cáng, ông trấn tĩnh hơn thê tử, nhìn Tả Thiếu Dương một lượt, mặc dù toàn thân máu me nhưng vẫn lành lặn, không có thương tích nào lớn, đoán chừng chỉ chân bị thương thôi. Hành y mấy chục năm, tuy chẳng có thành tựu gì, nhìn vết thương cũng nhận ra không đến nỗi trí mạng, đã được băng bó rồi, bắt mạch cho nhi tử, phát hiện khí huyết bạo thoát, thần trí suy kiệt, nói:

- Nhanh, nhanh, mau đưa vào trong nhà.

Hai binh sĩ khiêng Tả Thiếu Dương vào Quý Chi Đường, cẩn thận đặt y xuống giường bệnh, sau đó cáo từ, trong nhà đang rộn cả lên, cũng quên cả cám ơn, song họ vừa ra ngoài lập tức được bách tính vây lấy hỏi han nguồn cơn, cả những binh sĩ bị thương nằm ở tiệm tạp hóa cũng đi ra.

Mấy binh sĩ này cũng có biết mấy đâu chỉ nhận lệnh đưa Tả Thiếu Dương về thôi, ăn sóng nói gió là bản tính của người nhà binh, thêm mắm thêm muối kể Tả Thiếu Dương quên mình xung phong chiến tuyến cứu chữa thương binh thế nào, bị địch bắn tên xuyên đùi vẫn không đổi sắc mặt, một tấc lên tận trời.

Người nghe xuýt xoa tán thưởng không thôi, thi thoảng nghe lão tiên sinh hay thuyết thư kể truyện anh hùng hảo hán thời xưa, tuy thán phục nhưng mà xa vời, lại toàn là người chết từ thời tám hoánh nào rồi, bây giờ mới thấy tấm gương sống đích thực, hào hứng đến nỗi chẳng nghe hết chuyện vội đi kể cho người khác, dù gì có đề tài mà nói cũng vẫn hơn cả ngày kêu đói...

Ở bên trong Quý Chi Đường, Lương thị không ngừng lau nước mắt trách bản thân:

- Đều tại thiếp, thiếp không giữ được nó, đáng lẽ không để cho nó đi, nếu nó có mệnh hệ gì thì sống làm sao đây...

- Nín đi, cho nó nghỉ ngơi, muốn nó chết thì cứ khóc to vào!...

Tả Quý quát câu này hiệu nghiệm ngay, Lương thị đưa cả tay bịt mồm không cho tiếng khóc phát ra, ông lấy kéo cắt rộng chỗ vết thương, quan sát một hồi, gọi Bạch Chỉ Hàn tới:

- Thiếu gia lúc tỉnh có dặn gì không?

Bạch Chỉ Hàn vốn sức yếu, cho dù Miêu Bội Lan đã gánh cho nàng phần lớn trọng lượng, nhưng về tới nhà vẫn sống dở chết dở, Tả Thiếu Dương đặt xuống giường, nàng cũng ngồi bịch xuống ghế thở, mặt trắng nhợt nhạt, nghe Tả Quý hỏi mới gượng đứng dậy đi tới trả lời:

- Lão gia, thiếu gia nói chỉ cần rửa lại vết thương, sau đó khâu lại rồi băng bó.

Sát trùng và làm sạch vết thương Tả Thiếu Dương đều đã dạy cho Tả Quý rồi, cái này không cần kiến thức sâu xa gì, Tả Quý cùng nhi tử cứu chữa thương binh nhiều rồi nên rất thông thạo, đồng thời bảo thê tử đi nấu cháo thuốc, luận về phương thuốc điều dưỡng, Tả Quý dựa vào nhiều năm kinh nghiệm còn trên nhi tử.

Tả Quý rửa vết thương, sau đó Bạch Chỉ Hàn theo kinh nghiệm trước đó khâu vết thương lại, sau đó rắc thuốc, băng bó.

Xử lý xong vết thương thì cháo cũng nấu xong, đích thân Lương thị đút cho nhi tử từng thìa, đến một giọt dây ra ngoài cũng không có, chỉ sợ thiếu đi một chút ảnh hưởng tới sự hồi phục của nhi tử.