Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 277: Hòa thượng không từ bi?



- Được, cũng tới giờ lão nạp tụng kinh, nhưng trước đó, lão nạp muốn nói với thí chủ chuyện này đã.

Lão hòa thượng này nói chuyện với y mà mặt lại quay sang hướng khác, Tả Thiếu Dương không quen chút nào:

- Đại sư cứ nói.

- Hôm qua thí chủ đi tế cháo phải không?

- Đại sư đúng là tú tài không ra khỏi cửa cũng biết chuyện thiên hạ, ta chỉ nấu thùng cháo nhỏ đi tiếp sức cho những nạn dân nguy cấp thôi.

Tả Thiếu Dương không lấy làm lạ, y nhờ chẳng phải giống Kiều Xảo Nhi bịt mặt phát cháo, mà còn mời cả quân sĩ đi theo bảo hộ, Trí Không hẳn vẫn theo lời Tiêu Vân Phi dặn để ý nhà mình, thở dài:

- Nếu không phải sợ quan binh nghi ngờ ta đã cứu tế nhiều người hơn rồi.

- Tả thí chủ, nghe lão nạp khuyên một câu, đừng tùy ý bố thí lương thực cứu tế người khác nữa.

Tả Thiếu Dương kinh ngạc há hốc mồm:

- Đại sư, Phật gia chú trọng từ bi, nhớ năm xưa Phật tổ cắt thịt nuôi chim ưng, hiến thân cho hổ, sao bây giờ đại sư là môn đồ Phật gia lại khuyên ta làm trái ngược như vậy?

- A di đà phật! Thiện tai, thiện tai! Tả thí chủ lòng dạ thiện lương thật là hiếm có.

Trí Không niệm phật hiệu:

- Thế nhưng đó không phải chân nghĩa của Phật gia, cắt thịt nuôi ưng, xá thân cho hổ nếu không phải trí tuệ bồ tát đừng làm, lĩnh ngộ lòng từ bi Phật gia cũng không thể học theo một cách máy móc, nếu không sẽ trái với bản ý từ bi.

Tả Thiếu Dương tựa hiểu tựa không:

- Đại sư có thể nói rõ hơn một chút được không?

- Vậy để lão nạp kể cho thí chủ một câu chuyện nhé.

- Xin rửa tai lắng nghe.

Tả Thiếu Dương ngồi thẳng dậy:

- Năm xưa khi còn trẻ, lão nạp chu du thiên hạ, một lần đi qua khu vực hoang vắng, trăm dặm không có bóng người, lão nạp chỉ có thể dựa vào nước sông, rau dại sống qua ngày, đói khát kiệt quệ. Thế rồi đi qua một vườn quả sai trĩu cành, lão nạp dừng lại hỏi ai là chủ vườn quả đó, muốn xin một ít ăn đỡ đói, nhưng hỏi ba lần không ai đáp, chủ nhân nơi đó không có nhà, lão nạp đành đi tiếp, không hái một trái quả nào. Đi được một quãng, lại gặp một nhóm thợ săn, bọn họ bắt được con hươu, đang xẻ thịt nướng ăn, thấy lão nạp kiệt sức liền vội mang rượu thịt tới mời...

Trí Không nở nụ cười hiếm hoi:

- Thí chủ đoán xem, lão nạp có ăn không?

Theo lý mà nói thị đệ tử Phật gia không ăn thịt uống rượu, tất nhiên không kể thành phần sư hổ mang như Lỗ Chí Thâm, ông già này trước đó chỉ vì vườn quả vắng chủ không xin phép được nên không hái ăn, có vẻ là người cực kỳ tuân thủ giáo huấn Phật môn chứ không phải sư hổ mang, nhưng theo chiều hướng phát triển câu chuyện, Tả Thiếu Dương linh cảm ông ta sẽ ăn, ướm thử lời:

- Đại sư ăn phải không?

- Đúng, bần tăng cảm tạ bọn họ ngồi xuống ăn uống ngon lành, cho nên bây giờ mới có thể ngồi ở đây nói chuyện với thí chủ.

- Ăn thịt không phải cũng tương đương với sát sinh à?

Trí Không đều đều nói:

- Thí chủ lại máy móc rồi, con hươu đó không phải do lão nạp giết, người ta cũng không giết nó cho lão nạp ăn, vì sao lại gọi là sát sinh? Còn đã gọi là đi khất thực, được cho gì thì ăn nấy, nếu còn kén chọn, sao phải đạo chứ?

Tả Thiếu Dương gật đầu tán đồng, trước nay y luôn có thành kiến với tôn giáo, biết hời hợt vài thứ bên ngoài lại thường lấy ra mỉa mai, giờ mới hiểu kẻ ngu ngốc chính là mình, nghiêm túc suy ngẫm câu chuyện Trí Không kể, phải chẳng ông ấy muốn nói những người chết đói kia không phải lỗi của mình, dù có hay không có mình kết cục của họ vẫn thế? Nghĩ mãi không cảm thấy đây là câu trả lời chính xác, định hỏi Trí Không thì ông ta nhắm mắt tụng kinh rồi.

Nghe tiếng mõ kêu tốc tốc một hồi, chẳng thấy thanh tịnh hơn mà còn phiền lòng, Tả Thiếu Dương không muốn làm phiền Trí Không nữa, đứng dậy đi về, nhưng trước khi đi còn thành kính hướng về phía tượng đất vái một cái.

Tả Thiếu Dương tay chống quải trượng, tay cầm ô, tập tễnh đi về nhà, y chưa tới cái tuổi suy ngẫm triết lý cuộc đời, nghĩ không ra là bỏ, nhưng dù chưa có bất kỳ câu trả lời nào những y thấy nói chuyện với Trí Không một hồi mà lòng nhẹ nhõm hơn nhiều lắm, tới cửa sau, không ngờ cửa vẫn mở, một bóng hình yểu điệu thướt tha đứng bên cửa đợi, không phải là Bạch Chỉ Hàn là ai, tim đập thịch một cái.

Tâm thái đã thay đổi rất nhiều, Tả Thiếu Dương chẳng muốn che dấu làm bộ làm tịch gì nữa, đưa tay phủi tuyết trên tóc nàng, nhẹ nhàng nói:

- Bên ngoài tuyết lớn như thế, vừa cảm xong lại chạy lung tung là sao?

Bạch Chi Hàn hơi ngỡ ngàng trước hành động bất ngờ này của y, không tránh, nhoẻn miệng cười đáp:

- Đợi thiếu gia.

- Vậy vào thôi, ta về rồi.

- Thiếu gia, Chỉ Nhi có chuyện muốn nói, chúng ta vừa đi vừa nói đi.

Hôm nay sao lắm người muốn nói chuyện với mình thế, nha đầu này không biết có chuyện gì, cả hôm nay cứ bất thường, Tả Thiếu Dương gật đầu:

- Vậy chúng ta vừa đi dạo vừa nói.

Bạch Chỉ Hàn cầm lấy ô che cho cả hai, thời tiết chẳng khá hơn, tuyết lất phất, con phố vẫn không một bóng người, hai bọn họ sóng vai đi bên nhau, thi thoảng Tả Thiếu Dương chẳng hiểu vô tình hay cố ý chạm khẽ vào cánh tay nàng, cảm giác ngọt ngào êm ái mới lạ, làm khuôn mặt băng sương của nàng thi thoảng lại ửng hồng.

Tả Thiếu Dương lần đầu chạm vào bờ vai nàng là tránh chỗ tuyết trơn, nhưng lần thứ hai thứ ba, y không dám chắc nữa, chỉ thấy lòng gợn lên từng cơn sóng nhỏ, con ngõ nhỏ đìu hiu quạnh quẽ vốn bỗng trở nên bừng bừng sinh cơ, chỉ muốn hai người cứ đi mãi thế này.

Một lúc sau đi được nửa quãng đường tới ngõ Thanh Phong, qua cả cái giếng khô bọn họ dấu lương thực, tiếp tục đi nữa thì hoặc rẽ phải vào chùa, hoặc ra đường lớn thôi, lúc này Bạch Chỉ Hàn mới nói:

- Thiếu gia, Kiều gia tới nhà ta tương thân, không biết điều kiện họ đưa ra là gì?

Tả Thiếu Dương đang lâng lâng như đi trên mây, rơi oạch xuống đất:

- Làm sao cô biết?

- Hôm nay Chỉ Nhi bị cảm nằm trên gác nghỉ ngơi, lão thái thái không biết nên cùng Nghê lão phu nhân đi vào nói chuyện.

Đúng là tai vách mạch rừng, hết Miêu Bội Lan nghe thấy cha mẹ nói chuyện với mình, giờ thêm Bạch Chỉ Hàn nữa, cơ mà nha đầu này vì sao lại hỏi thế? Hôm nay nha đầu này quai quái, chẳng lẽ thấy nguy cơ rồi à, Tả Thiếu Dương tim đập mạnh, dò hỏi:

- Bọn họ muốn nhà ta cung cấp lương thực giúp nhà họ vượt qua giai đoạn này, ý cô thế nào?

Bạch Chỉ Hàn lúc đó chùm chăn, Lương thị và Nghê mẫu có những đoạn gần như thì thầm với nhau cho nên nàng không nghe rõ, có điều thông minh như nàng không khó đoán ra, người lương thực người ta chẳng cần cầu cạnh gì tới Tả gia, chữa bệnh rõ là cái cớ nàng quan sát thấy khi Tả Thiếu Dương xử lý vết thương cho Kiều Xảo Nhi thì Kiều lão gia đứng ngồi không yên, nhẹ nhàng nói:

- Chỉ Nhi chỉ là một nô tỳ, làm sao có ý kiện trong chuyện của thiếu gia.

- Vậy cô muốn nói gì với ta?

- Thiếu gia, nô tỳ thấy trước tiên chúng ta phải đảm bảo khẩu lương chừng một năm rưỡi trở lên mới yên tâm được.

Bạch Chỉ Hàn thay đổi đề tài quá bất ngờ, Tả Thiếu Dương nhất thời không phản ứng kịp:

- Một năm rưỡi, cô nghĩ trận chiến này kéo dài tới mức đó sao?

- Không phải chiến loạn, mà nạn đói ở một dải Hợp Châu này e rằng kéo dài chừng đó.

- Ý cô là.

Bạch Chỉ Hàn khẽ thở dài:

- Trận chiến này đã làm chúng ta lỡ xuân canh rồi, mùa thu năm nay coi như không có thu hoạch, mùa xuân sang năm nếu thời tiết như ý nguyện, thuận lợi cày cấy thì cũng mùa thu sang năm mới có lương thực.

Tả Thiếu Dương vỗ trán, lần trước bàn chuyện thuê nông hộ với Miêu Bội Lan đã nói rồi, vậy mà quên mất, chỉ nghĩ không thuê nông hộ nữa mà không nghĩ xa, đầu thời Đường toàn quốc đa phần đều hoang lương, nhân khẩu thiếu hụt lớn, không có người cày cấy, thêm vào giao thông lạc hậu, muốn nhanh chóng chuyển lương thực tới là không hiện thực.

Xem ra hôn sự này có muốn cũng phải từ chối thôi, mà Bạch Chỉ Hàn ý gì đây? Tả Thiếu Dương nghi ngờ, tuy phát hiện bí mật trên khuôn mặt nàng, nhưng nha đầu này vẫn rất khó nắm bắt:

- Vậy cô muốn ta từ chối?

- Thiếu gia, Chỉ Nhi đã nói rồi, Chỉ Nhi chỉ là nô tỳ, mọi quyết định là của thiếu gia.

Bạch Chỉ Hàn dừng bước, bọn họ đã sắp đi hết ngõ:

- Chúng ta về thôi.

Nói rồi xoay người, che dấu nụ cười tủm tỉm trên môi.