Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 334: Đây mà là lưỡi cày à?



Lần này đi hái thuốc này của Tả Thiếu Dương mục đích rõ ràng, trừ xích thược trị bệnh ra, còn cố gắng tìm kiếm dược liệu mà triều Đường chưa dùng, đào cả rễ đem về.

Còn mục đích phụ không kém phần quan trọng, y muốn tạo điện kiện Bạch Chỉ Hàn và Miêu Bội Lan thân thiết hơn, Tả Thiếu Dương đã ngầm thừa nhận Bạch Chỉ Hàn làm thê tử tương lai rồi.

Tất nhiên việc này Tả Thiếu Dương chỉ cần nói với cha mẹ một câu, Bạch Chỉ Hàn sẽ không phản đối, nhưng Tả Thiếu Dương không muốn vậy, y muốn khi thời điểm chín muồi sẽ cầu hôn nàng trước, Bạch Chỉ Hàn đồng ý mới nói với cha mẹ.

Nhưng nha đầu Răng Thỏ này không dể chơi, tới giờ Tả Thiếu Dương không hiểu tiêu chuẩn của nàng, Bạch Chỉ Hàn là nữ nhân truyền thống đặt trách nhiệm trên tình cảm, muốn dùng tình cảm đánh động nàng không nhiều ý nghĩa, thi ca cũng chỉ giúp hai người bọn họ có thêm đề tài nói chuyện mà thôi, một bài thơ hay dễ dàng làm nàng ngây ngất song cảm xúc qua đi, vẫn chẳng có gì tiến triển, như con cá vàng vậy thoắt cái đã quên, khiển Tả Thiếu Dương cảm giác mình "làm thơ" mua vui cho nha đầu đó vậy, vả lại dùng mấy bài thơ đi ăn trộm đó chinh phục Bạch Chỉ Hàn sao, tự tôn của Tả Thiếu Dương không cho phép.

Gần đây Tả Thiếu Dương cũng mập mở cho Bạch Chỉ Hàn thấy ý tứ của mình để quan sát phản ứng của nàng ra sao, kết quả nàng chỉ càng thêm thận trọng, nhất là ban đêm, đi ngủ cài cả then bên trong.

Đành thong thả vậy, dù sao nha đầu này giờ là nô tỳ của mình, còn chạy thoát được hay sao, có thể cố tình làm khó y cũng chỉ vì muốn giữ tôn nghiêm trước vận mệnh không tránh được thôi, nha đầu đó rất kiêu ngạo.

Biện pháp Tả Thiếu Dương dạy cho người bệnh nhanh chóng truyền tai nhau, bọn họ làm theo, tuyệt đại đa số không phát bệnh, chỉ có số ít quá mẫn cảm, nhưng chỉ cần tránh ánh mặt trời bệnh liền đỡ nhiều, danh tiếng Quý Chi Đường ngày càng cao.

Năm ngày sau thuốc Tả Thiếu Dương cần đã được dịch trạm mang về, lập tức phối chế thuốc, ngay tối hôm đó toàn bộ bệnh nhân ở Quý Chi Đường có chuyển biến rõ rệt, sáng hôm sau không sưng ngứa nữa, uống thuốc thêm một ngày là khỏi hoàn toàn.

Bệnh nhân ở hiệu thuốc khác nghe tin ùn ùn kéo tới, mười mấy cái giường của Quý Chi Đường không đủ chứa người bệnh, phải trải chiếu ra đại sảnh hiệu thuốc, người bệnh quá đông, vì thế không cho người nhà ở lại chăm sóc nữa, do Miêu mẫu, Lý Đại Nương và Long thẩm cùng Đinh Tiểu Tam phụ trách chiếu cố.

Chữa khỏi bệnh đương nhiên được tôn kính, nhưng Tả Thiếu Dương dạy mọi người cách phòng bệnh còn được bách tính ca ngợi nhiều hơn.

Không phải nói những lang trung khác không dạy người ta phòng bệnh để người bệnh đến còn kiếm tiền, mà đích thực đây là thiếu sót của Trung y, không chú trọng phòng bệnh lắm, vì thế một vị y thánh như Trương Trọng Cảnh lại không có nhiều danh tiếng, do lý luận chữa bệnh của ông lại thiên hướng về ngăn ngừa hoàn cảnh phát sinh bệnh, tới thời hiện đại thì việc phòng bệnh mới được để ý nhiều hơn, song ở cái thời ăn chưa đủ no đó thì khó khăn rồi.

Biết nguyên nhân, hiểu cách chữa, có thuốc men, bệnh nhân từng người từng người bình phục rời đi, Tả Thiếu Dương cũng thở phào.

Trong thời gian nửa tháng đợi lúa non lên nhà Lý đại nương không cần vất vả nữa, nhờ Hầu Phổ mua cho một mảnh đất 500 đồng ở Hà Than thôn, mấy huynh đệ bọn họ rỡ căn nhà ở Mai thôn, chuyển về chỗ mới dựng nhà.

Nhà Miêu gia vẫn để đó, ngoài đống củi của Miêu Bội Lan thì nói thật chẳng còn cái gì giá trị hết.

Bệnh nhân đi hết, Tả Thiếu Dương lại rảnh rỗi quay về đồng ruộng, gần đây y hứng thú với nông nghiệp, hơn nữa tương lai kiếm tiền làm giàu ở đây, chứ y xác định rồi, với tính cách của y, mở hiệu thuốc cùng lắm chỉ không lo cơm ăn áo mặc thôi, chứ muốn cẩm y ngọc thực thì quên đi.

Hôm đó trời gà vừa mới gáy là Tả Thiếu Dương đã dậy, không bực tức chửi bới chúng như mọi khi mà hăm hở thay quần áo, oai phong dẫn trâu đi tới gõ cửa nhà Miêu Bội Lan, vừa gõ một cái thì cửa đã mở ra rồi, cứ như Miêu Bội Lan nấp sau cửa vậy, một tay vác cày trên vai, một tay cầm hai cái cuôc, lưng còn đeo một cái sọt, mang lương khô và nước.

Miêu Bội Lan nhìn thấy Tả Thiếu Dương mặc áo vải gai, đầu đội nón, chân đi giày cỏ, quần sắn tới gối, tay dắt con trâu thì phì cười.

Giỏi lắm, nha đầu này được mình chiều quen, giờ dám trêu chọc mình nữa, Tả Thiếu Dương vờ sừng sộ:

- Cười cái gì, có gì không ổn à?

Miêu Bội Lan chẳng sợ, xua tay cười:

- Không, không, chỉ tại muội thấy ca mặc trường sam quen rồi, giờ đột nhiên mặc đoản sam trông quai quái.

- Đi làm ruộng là phải ăn mặc thế này.

- Vậy một con trâu nữa đâu?

- Một con nữa, thêm một con nữa làm gì?

Tả Thiếu Dương không hiểu:

Miêu Bội Lan càng không hiểu:

- Ca, vậy huynh dắt trâu đi làm gì?

- Cày ruộng.

- Một con thì làm sao mà cày?

- Cần tới hai con sao, mà muội vác cái gì trên vai đó, lưỡi cày à?

Tả Thiếu Dương nhìn thứ kỳ quái trên vai Miêu Bội Lan.

- Đúng rồi.

Miêu Bội Lan cho rằng Tả Thiếu Dương chưa bao giờ làm đồng nên không biết cày là cái gì, đặt xuống cho y xem:

Tả Thiếu Dương ngồi nhìn cái cày, chỉ biết cười khổ:

- Dùng cái cày này chẳng trách cần tới hai con trâu.

Ở toàn bộ thời Đường, nông dân đều dùng thứ cày tròn thẳng, gần giống như xẻng thời sau, tới tận cuối triều Đường mới có lưỡi cày cong, gọi là cày Giang Đông, nông cụ canh tác từ đó có bước nhảy vọt lớn.

Loại cày thẳng này cần tới hai con trâu, trâu đi song song đeo cái ách, cày nối trực tiếp với cái ách, cho nên rất nặng, hơn nữa còn khó rẽ, mà còn không cày được sâu, cày cũng không vững vàng, nông sâu không đều, có trâu có công cụ đã thế, đám binh sĩ chỉ có đao kiếm kia tất nhiên càng không thể so được, nên hôm nay họ mới phải cày lại ruộng.

- Ca không làm ruộng không biết, đi cày tất nhiên phải dùng hai con trâu.

- Được rồi, hôm nay không ra ruộng nữa, ta về làm lưỡi cày mới, tiện dụng hơn cái này nhiều.

Tả Thiếu Dương không thông thạo chuyện nhà nông thật cũng đủ cải tiến cái thứ không thể gọi là lưới cày này:

- Chắc là mất cả sáng đấy, ăn trưa xong chúng ta lại đi, giờ ta tìm Lý đại ca và thợ rèn làm cày đã.

Miêu Bội Lan không tin tưởng lắm:

- Muội cứ ra đồng làm chừng nào hay chừng đó vậy, ngồi không lòng cứ như có mèo cào ấy, không yên.

- Vậy muội ra hậu hoa viên chăm lũ gà vịt tạm đi, không cày vội cho tốn công tốn sức.

- Nhưng huynh định sửa cày làm sao?

Miêu Bội Lan vẫn không yên tâm:

Tả Thiếu Dương mô tả:

- Thì giống như đinh ba của Trư Bát Giới ấy.

- Trư Bát Giới là cái gì?

Tả Thiếu Dương vỗ đầu, Tây Du Ký tới thời Minh mới có, Miêu Bội Lan không biết được, hoa chân múa tay một hồi nàng không hiểu, đành nói:

- Đợi ta làm xong là muội biết.

Rồi giao con trâu cho nàng chạy mất.

Lý Đại Tráng mấy ngày qua đang bận làm nhà, nhà không thể xong trong một sớm một chiều, cho nên ở tạm Cù gia, Tả Thiếu Dương tìm được hắn thì Lý Đại Tráng vừa húp xong một bát cháo rau lớn, vỗ bụng chuẩn bị cùng ba huynh đệ làm nhà.

- Lý đại ca, hôm nay giúp ta làm một thứ được không, dùng để cày ruộng.

- Được!

Lý Đại Tráng chưa hỏi làm gì đã đồng ý ngay, lần trước làm ra guồng nước làm hắn cực kỳ phấn khích, đó là thứ ý nghĩa nhất từ trước tới nay Lý Đại Tráng từng làm, bây giờ vẫn đang nghiền ngẫm làm sao cải thiện guồng nước tốt hơn, vì mới làm lần đầu nên nhiều thứ hắn chưa hài lòng, song bận rộn làm nhà đành tạm gác lại.

Tả Thiếu Dương lấy giấy bút ra vẽ hai tấm bản thảo, một là cày lưỡi cong, một thứ là công cụ vỡ đất, gọi là sao, giống như đinh ba của Trư Bát Giới, song nhiều răng hơn, không cán, thay vào đó là hai cái dây thừng, buộc vào người trâu, giống lưỡi cày, làm nát đất trong ruộng nước.