Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 348: Trên đường đi Long Châu (2)



- Đơn thuốc đó chủ yếu dùng Bạch Chỉ, cũng giống như cô lần trước xuất hiện làm thương binh trong hiệu thuốc quên cả đau đớn vậy.

Có nữ nhân nào không thích khen xinh đẹp, lại còn khen khéo léo qua câu chuyện như thế, Bạch Chỉ Hàn má ửng hồng, lườm y một cái:

- Thiếu gia, kể chuyện nữa đi.

- Được, lần này kể câu chuyện về người bằng hữu thích thi ca của ta nhé.

Bạch Chỉ Hàn mắt hơi nheo lại, trong lòng nàng đã tin người đó không có thật:

- Là người bạn đó?

- Ừ, hắn có có rất nhiều câu chuyện, trong đó vài chuyện liên quan tới thuốc.

- Hẳn là chuyện về thiếu gia đúng không?

Tả Thiếu Dương cười:

- Chuyện về hắn rất đáng thương, ta không đáng thương như vậy.

- Thế sao? Vậy Thiếu gia kể đi.

Đôi mắt đan phượng chớp chớp, Bạch Chỉ Hàn nhìn y chăm chú, nàng muốn phân biệt thật giả trong đó:

- Được vị bằng hữu ta sống rất nghèo khó, thậm chí có thể nói là cực khổ, ăn một bữa không biết có bữa sau không, hắn từng làm bài thơ tự trào, trong đó có vài câu là " Triêu khấu phú nhi môn, mộ tuỳ phì mã trần. Tàn bôi dữ lãnh chá, đáo xứ tiềm bi tân. "

Nhà giàu sớm gõ cửa

Ngựa béo chiều theo chân

Rượu thừa, miếng chả nguội

Nuốt tủi đã bao lần?

- Thật bi ai.

Bạch Chỉ Hàn rất dễ bị thi ca làm xúc động:

- Thiếu gia có nhớ cả bài thơ không?

- Bài thơ đó rất dài, ta chỉ nhớ vài câu, trong đó còn có câu “Phủ tích thiếu niên nhật, tảo sung quan quốc tân. Độc thư phá vạn quyển, hạ bút như hữu thần.”

Phủ tôi lúc trẻ tuổi

Sớm dự khoa thi xuân

Sách đọc nát muôn quyển

Hạ bút như có thần

- Oa, hay cho câu "Độc thư phá vạn quyển, hạ bút như hữu thần", khi đó hắn vào kinh đi thi phải không?

Bạch Chỉ Hàn đưa cánh tay thon thả vỗ nhè nhẹ, đôi mắt trong sáng mở to, dáng vẻ cô cùng khả ái, háo hức không khác gì trẻ lên ba:

- Đúng.

Tả Thiếu Dương thích đọc thơ cho nàng nghe cũng là vì muốn nhìn ngắm biểu cảm sống động này của Bạch Chỉ Hàn, lần này ngạc nhiên:

- Làm sao cô biết?

Bạch Chỉ Hàn hào hứng, giọng nhanh hơn thường ngày đôi phần:

- Trong thơ có nói mà "tào sung quan quốc tân", câu này bắt nguồn từ Chu Dịch "Quan quốc chi quang thượng tân dã", hắn tự xưng là quốc tân, lại sống gian nan như vậy, tất nhiên không phải là quốc tân thực sự, văn tài như thế, hẳn là cống sinh đi thi rồi.

*** Giải thích điển cố này hơi phiền, đại khái hồi xưa xửa xừa xưa, thời mà chưa có thi cử, ai nghĩ mình có tài thì tự đến tiến cử với vua, được đãi theo hàng tân khách, quốc tân, chờ ngày bổ nhiệm.

Tả Thiếu Dương giơ ngón tay cái lên:

- Phân tích hay lắm, đáng tiếc, hắn tài hoa ngút ngàn, tham vọng lớn nhất cuộc đời là có được một chức quan để giúp đất nước, nhưng lại thi trượt hết lần này tới lần khác, kết quả vạ vật ở kinh thành suốt ba mươi năm ròng.

- Không đúng.

Bạch Chỉ Hàn đang nghe say sưa chợt cắt ngang:

- Đại Đường ta khai quốc tới nay, tính tròn mới được mười năm, vì sao bằng hữu của thiếu gia có thể vì khảo thí mà ở kinh thành ba mươi năm? Nếu nói là tham gia hội khảo của triều Tùy cũng không đúng, khi đó thiên hạ đại loạn, không tiến hành cống cử nữa rồi.

Tả Thiếu Dương toát mồ hôi hột, đây là minh chứng rõ ràng vì sao nam nhân không thích nữ nhân quá thông minh, vì hại não, nếu là Miêu Bội Lan lúc này đã giống Bi Vàng tròn xoe mắt nghe rồi:

- À, mười ba năm thì phải, ta không nhớ chính xác lắm, chỉ thuận miệng kể thôi, hì hì nói quá chút nghe cho nó thảm.

Bạch Chỉ Hàn chấp nhận cách giải thích này:

- Vậy về sau thì sao?

- Hắn không đi thi nữa trở về quê nhà, may mắn còn có đạt quan quý nhân nhìn trúng văn tài của hắn, thường xuyên tiếp tế cho, nên mới có "Tàn bôi dữ lãnh chá" duy trì cuộc sống.

- Tội nghiệp quá.

Bạch Chỉ Hàn thương xót nói:

- Đúng thế, rồi một hôm hắn đem cháo thừa hôm trước để lại đem nấu ăn, cháo đã thiu, ăn xong hắn nôn mửa không thôi, bụng đau dữ dội, nhưng hắn không có tiền mà chữa bệnh. May thay có lão ông tóc trắng đi ngang qua nhà nhìn thấy, khám cho hắn xong liền hái một thứ cỏ dại mọc lông màu trắng, đun thuốc cho hắn uống, uống xong bệnh lành.

- Hắn cảm kích lắm gọi loại cỏ dại kia là "Bạch đầu ông", gặp ai cũng nói loại cỏ này chữa được bệnh đau bụng. Còn chuyên môn làm cho loại cỏ này một bài thơ " thân vốn tầm thường trong cỏ dại, thanh tư há chịu thua muôn hoa, ông trời có ý ban nhân thế, để cho bạch ông cứu thiếu lăng."

Bạch Chỉ Hàn trầm tư:

- Thơ thật hay, lấy thơ thí dụ người, vị bằng hữu này của thiếu gia có một tấm lòng yêu thương bách tính.

Tả Thiếu Dương cảm thán:

- Đúng thế, thơ ca của hắn thâm trầm u buồn, luôn đầy thương cảm với nỗi khổ của bách tính.

- Giống thiếu gia vậy, nhìn thấy người ta khổ cực là không chịu được, hoặc nói như lão gia và thái thái, dù mình đói tới phù người vẫn cứu tế người khác.

- Ta không thể so với hắn được.

- Thiếu gia khiêm tốn rồi.

Bạch Chỉ Hàn nghĩ một chút nói:

- Bằng hữu của thiếu gia tên Phủ, tự Thiếu Lăng, phải không?

Tả Thiếu Dương chấn kinh vô cùng:

- Cô biết Đỗ Phủ sao, không thể nào...

Nói tới đó mới nghĩ lại những câu thơ mình đọc, hiểu ra, người ta nói chuyện thường để ý nội dung nha đầu chú ý tới từng từ từng chữ, thật kinh dị:

- Đó không phải là tự, mà là hiệu, hắn tự xưng là Thiếu Lăng dã lão, vì hắn sống bên lăng mộ Trường An, còn tự là Tử Mỹ, họ Đỗ, nên bình thường bọn ta trêu hắn là Đỗ Tử ( cái bụng).

Bạch Chỉ Hàn cười khích khích:

- Mọi người thật nghịch ngợm, lại trên người ta như thế, Đỗ Phủ, Đỗ Tử Mỹ, hẳn tuổi nhiều hơn thiếu gia đúng không?

Đỗ Phủ phải trăm năm nữa mới xuất hiện, mình nhiều tuổi hơn hắn mới đúng, Tả Thiếu Dương gật đầu:

- Ừ, coi như vậy!

Bạch Chỉ Hàn kỳ quái nhìn y, thầm nghĩ tuổi tác nhiều hơn là hơn, ít hơn là ít, "coi như vậy", là cái lý gì:

- Nhưng bằng hữu thiếu gia tự xưng hạ bút như có thần, Chỉ Nhi cũng ở kinh thành mười mấy năm vì sao chưa bao giờ nghe nói tới?

Ánh mắt dập dờn của Bạch Chỉ Hàn làm Tả Thiếu Dương chột dạ, biết càng nói nhiều càng hố, giở bài cùn:

- Người cô chưa nghe nói tới còn nhiều lắm, có gì mà lạ.

Rồi lười biếng dựa vào thành xe, quay đầu nhìn ra ngoài, điều chỉnh hướng con trâu một chút, nói:

- Ta nói nhiều mệt rồi, giờ tới lượt cô đọc thơ cho ta nghe, thơ hay ta thưởng một nụ hôn.

Quanh đi quẩn lại vẫn giờ trò này, Bạch Chỉ Hàn bực mình làm mặt quỷ với y:

- Thơ nô tỳ chán lắm, không so được với người ta.

Tả Thiếu Dương cười toét miệng, nha đầu này thích ứng cũng nhanh quá:

- Việc gì phải so sánh với người khác, đó là thành quả lao động của cô, lớn hay nhỏ đều đáng tự hào, không nên tự xem thường bản thân.

- Ừm... Được rồi..

Bạch Chỉ Hàn nghĩ một lúc rồi nói:

- Chỉ Nhi đọc một bài thơ năm ngoái.

- Vì sao không đọc thơ năm nay?

- Năm nay phải làm nô tỳ, lại gặp binh tai làm gì có thời gian ngâm thơ làm phú.

Tả Thiếu Dương ra chiều ngẫm nghĩ:

- Nói cũng phải, đợi tương lai gả vào Tả gia làm thiếu nãi nãi là có thời gian rồi.

- Thiếu gia lại nói linh tinh.

Bạch Chỉ Hàn hừ một tiếng, nhưng trong đầu không khỏi suy nghĩ, thậm chí nghĩ tới một ngày sẽ sinh con cho Tả Thiếu Dương, tim đập loạn xạ, mặt nóng bừng như mới uống hai vò rượu, vội vén rèm xe nhìn ra ngoài che dấu, bên ngoài mưa càng lúc càng lớn, trắng xóa, bốc lên tầng vụ mỏng, giống như tấm bạch sa tiên nữ buông xuống khi tắm rửa.

Tả Thiếu Dương cũng kích động, giọt mưa li tí ngoài bắn vào, mát lạnh, chẳng hiểu sao lại liên tưởng tới nước mắt của Miêu Bội Lan, ở triền dốc hôm đó, mình bị thương, nước mắt của nàng cũng lạnh như vậy.

Trong lòng dâng lên nhu tình nồng đậm, giống như làn vụ kia, quấn quanh người, xua không đi.

Vì sao cứ tới lúc chia cách mới học được nhớ nhung.

Tại sao mình lại nghĩ như thế, nếu một lúc nào đó phải chia cách nàng sao?

Nghĩ tới đó, lòng rầu rĩ, cảm xúc giống lúc bi hoan ly hợp trăng tròn trăng khuyết, ngồi dậy nhích tới, ôm lấy Bạch Chỉ Hàn từ sau lưng.

Bạch Chỉ Hàn người khẽ run lên, tựa hồ cảm thụ được tâm tình Tả Thiếu Dương, lòng ấm áp, quay đầu nhìn y, đôi mắt mông lung như màn mưa bên ngoài.

Hai người chỉ cứ thế ôm nhau, hai gò má áp sát, nhắm mắt lại, quan đạo đã trở nên lầy lội, con trâu chẳng hề để ý tới cơn mưa như trút, vẫn vững vàng dẫm lên bùn, tiến từng bước về phía trước, như tránh ảnh hưởng tới giây phút êm đêm của họ.