Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 370: Ông trời trêu ngươi



Tang phụ và Tiểu Muội đang dọn bàn ghế, nghe thấy trong nhà ầm ĩ, không hiểu chuyện gì, chạy vào hậu viện chỉ kịp nhìn thấy Hoàng Cầm ngã từ trên gác xuống, Tiểu Muội vừa thét lên thì Tang Oa Tử chạy từ phòng ra rồi ngã theo.

Hai người vội vàng chạy tới, chỉ thấy Tang Oa Tử đầu ngoặt sang một bên, người cong lên, hắn ngã phải cái ghế đá dưới sân, còn Hoàng Cầm nằm co quắp trong vũng máu đỏ sậm, không ngừng co giật.

Tang mẫu lảo đảo rời giường, nhìn thấy cảnh này thì khuỵu ngay tại chỗ.

Tiểu Muội cuống cuồng chạy tới Quý Chi Đường cầu cứu, nhưng không cách nào cứu vãn được nữa.

Hoàng Cầm xảy thai rồi.

Tang Oa Tử chấn thương cột sống, liệt nửa trên.

Tả Thiếu Dương hay tin ôm đầu chửi bởi ông trời một hồi, mọi chuyện đang hết sức tốt đẹp làm sao lại thành ra như thế này? Ông trời cũng quá độc ác, chẳng lẽ thấy người ta hạnh phúc thì chướng mắt hay sao?

Nhưng chuyện đã xảy ra rồi, có chửi mắng trời đất cũng phỏng ích gì.

Chấn thương cột sống dẫn tới lượt nửa thân trên ngay cả với điều kiện y học tiên tiến cũng khó mà khắc phục được, ở thời Đường này, Tả Thiếu Dương càng không có bất kỳ một biện pháp nào, đời này, Tang Oa Tử định sẵn phải nằm trên giường rồi.

Không ai biết trước khi ngã xuống bọn họ đã nói cái gì, cả Tang Oa Tử và Hoàng Cầm đều im lặng.

Chỉ là sau khi được Tả Thiếu Dương cứu chữa, nàng trở thành người trầm mặc, không còn nụ cười có chút điêu ngoa trên môi nữa, cũng không khóc, suốt ngày ngồi ngây ra một mình.

Tả Thiếu Dương cũng chịu thua, vết thương tâm lý này y không chữa được.

Chuyện xui xẻo xảy ra liên tiếp với Tang gia, Tang mẫu biết tin nhi tử bị liệt, tôn tử mong đợi bao lâu cũng không còn, bệnh tái phát dữ dội, vật vã được vài ngày chết trong đau đớn.

Trước khi chết, Tang mẫu vì toàn thân phù lên, yết hầu cũng sung huyết, không thể nói chuyện, cho nên không để lại được một câu di ngôn nào.

Lúc Tang mẫu hấp hối, Tả Thiếu Dương nhờ tỷ phu tới làm chứng và trung gian, cùng Tang phụ ký văn khế bán nữ nhi làm thiếp, lấy quán trà Thanh Hương và ba mươi lăm quan tiền làm tiền sinh lễ, Tiểu Muội thủ hiếu ba năm sẽ quá môn.

Nghĩa tử là nghĩa tất, người chết bao oán hận vui buồn không còn liên quan, Tả Thiếu Dương đặt phòng khế quán trà và giấy nợ vào tay Tang mẫu, nói với bà ta, sau này mình sẽ chiếu cố thật tốt Tiểu Muội, phụng dưỡng Tang phụ và chăm sóc cho Tang Oa Tử, Hoàng Cầm, hi vọng có thể an ủi Tang mẫu phần nào.

Tang mẫu mắt nhìn Tả Thiếu Dương chằm chằm, nước mắt giàn dụa, lúc đó bà ta không kêu đau nữa, không vật vã nữa, tay nắm chặt phòng khế và giấy nợ, rất muốn nói gì đó, nhưng cái môi cứ mấp máy mà không sao nói lên lời, cứ thế dần dần lạnh người mà đi.

Từ khi biết Tang mẫu tới giờ, Tả Thiếu Dương chưa thấy bà ta làm được chuyện gì tốt, chỉ có trước đó bà ta giả vờ sắp chết lừa y, nói ra những lời dối trá đẹp đẽ kia, không ai biết điều đó ngoại trừ y, Tả Thiếu Dương sẽ giữ kín điều này, để Tiểu Muội tin rằng mẹ mình đã tỉnh ngộ hối hận mà lưu giữ chút ký ức tốt đẹp về bà ta.

Cuộc đời! Tả Thiếu Dương chỉ biết bất lực thốt lên như thế.

Ngày tháng không vì bất hạnh xảy ra trên đời mà ngừng lại, cỏ trong ruộng vẫn mọc lên tươi tốt.

Tả Thiếu Dương cùng Miêu Bội Lan và huynh đệ Lý gia ra ruộng trừ cỏ, vì quảng bá kỹ thuật mới, Tả Thiếu Dương mời tới rất nhiều người, có nông hộ làm thuê cho nhà y, có nông hộ khác, còn có cả Chúc chưởng quầy, Phàn Mặt Đen, Hầu Phổ và một số người nữa của nha môn.

Công cụ đã được y nhờ Lý Đại Tráng và thợ rèn quen làm xong, bọn họ cũng đã thử nghiệm trước đó cho quen tay.

Phóng mắt nhìn tới, ngoại trừ mấy chục mẫu ruộng Tả gia và Lý gia vẫn còn cỏ và lúa mọc quá bờ rộng, những ruộng khác chỉ còn nhìn thấy nước là nước, đều đã cắt cả cỏ lẫn lứa sau đó dẫn nước vào rồi.

Tả Thiếu Dương lắc đầu thở dài, sau đó dùng công cụ vân trảo làm mẫu nhổ cỏ ra sao mà vẫn giữ lại được lúa.

Mặt trời rất gắt, tất cả mọi người đều mồ hôi mồ kê nhễ nhại, Tả Thiếu Dương càng vất vả, vừa làm mẫu vừa giảng giải, lưng thì mỏi miệng thì khát khô.

Nhưng sự vất vả của y không mang lại kết quả như kỳ vọng, tuy nông cụ y theo trí nhớ đời sau làm ra rất hữu dụng, tốc độ Miêu Bội Lan và ba huynh đệ Lý gia khá nhanh, nhưng có lão nông nói một câu đại biểu cho tiếng lòng rất nhiều người, làm mộng tưởng phổ biến kỹ thuật mới của Tả Thiếu Dương tan vỡ:

- Nhiều ruộng như thế, cách trừ cỏ tốn công như vậy, làm tới bao giờ mới xong, chẳng bằng cứ cứ cắt cả, cho nước vào đỡ tốn công, năm nào trời hạn may ra có thể xem xét.

Có thêm mấy người nữa gật đầu phụ họa, nông hộ Tả gia thuê không nói gì, nhưng họ im lặng vào lúc này đã đủ thấy họ cùng chung suy nghĩ. Chúc Dược Quỹ, Phàn Mặt Đen không hiểu chuyện nhà nông, thấy nhà khác trừ cỏ nhanh gọn, còn cách Tả Thiếu Dương lại tốn công, lại còn làm nông cụ phiền phức, nên mỉm cười thiện ý lắc đầu.

Tả Thiếu Dương nhận ra, tiến bộ phải đặt dưới áp lực, hiện nhân khẩu Đại Đường ít, đất đai thì quá nhiều, với phương pháp canh tác cũ, nông dân chỉ cần chăm chỉ là có đủ lương thực thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, cho nên công cụ giúp nâng cao sản lượng không có động lực thúc đẩy phát triển, chỉ khi nào đất chật người đông, may ra họ mới tìm cách cải tiến công cụ lao động.

Có điều mấy chục mẫu ruộng hai nhà vẫn làm cỏ cách thức của Tả Thiếu Dương, y vẫn hi vọng dùng minh chứng ruộng sản lượng cao tuyên truyền công cụ mới, dù biết thời cơ thời cơ thích hợp còn lâu mới tới.

Hôn sự giữa Tả Thiếu Dương và Bạch Chỉ Hàn cũng tiến hành song song.

Chọn được ngày tốt, Lương thị và Cù lão thái thái dẫn Thảo Nhi tới chùa Long Tuyền bài phật hoàn nguyện, mời Vương bà tới hợp hôn.

Sinh thần bát tự của cả hai rất hợp, là thượng thượng đại cát, xem ngày xong, quyết định bảy ngày sau thành thân.

Hai nhà vui mừng tạ ơn bà mai trở về, tới cửa Quý Chi Đường liền thấy một cái kiệu quan từ Cù gia trạch viện đi ra, có nha dịch gõ chiêng đi trước mở đường.

Lương thị nhận ra đó là kiệu của Tiền huyện lệnh đã từng tới nhà mình, nói với Cù lão thái thái, cả hai đều không hiểu Tiền huyện lệnh tới có việc gì, bái phỏng Cù lão thái gia? Trước nay Tiền huyện lệnh tới đúng hai lần, lần đầu khi Cù lão thái gia mới trở về, lần thứ hai là sau khi bắt nhi tử nhà họ, lần thứ ba này, chỉ e là có chuyện lớn rồi.

Hai người đi nhanh về nhà, không ngờ Quý Chi Đường đóng cửa, linh cảm không lành càng mạnh, Lương thị đập cửa, Đinh Tiểu Tam chạy ra nói:

- Lão thái thái, lão gia và thiếu gia ở trạch viện, nên không mở cửa hiệu.

Lương thị và Cù lão thái thái tới trạch viện, Long thẩm đang định đóng cửa chính, thấy vậy giữ cửa cho họ vào.

Cù lão thái thái hỏi:

- Huyện lão gia tới nhà ta làm gì?

- Nô tỳ không biết, tới tìm phụ tử Tả lang trung và lão gia nói chuyện, nói một lúc rồi đi.

Long thẩm do dự nói thêm:

- Theo nô tỳ thấy chỉ sợ lần này huyện lão gia tới không phải chuyện tốt.

Cù lão thái gia lẫn Lương thị đều hỏi vội:

- Vì sao?

- Nô tỳ ở ngoài không rõ, chỉ nghe thấy họ nói chuyện một lúc, Tả công tử quát tháo gì đó, rồi có tiếng đổ vỡ, tiểu thư liền dìu Tả công tử đi, chân chảy máu. Sau đó không lâu lão gia và Tả lang trung tiễn huyện lão gia về, mặt đầu âm trầm.

Hai lão phụ nhân đều hoảng hốt, mỗi người đi tìm trượng phu của mình.

Lương thị tới tiểu viện phía tây, Tả Quý đang ngồi trên thái sư ỷ, mặt âm u, cảm tưởng chẳng mấy chốc nữa sẽ thành Bao Công mặt đen.

- Lão gia, Trung Nhi làm sao, sao lại chảy máu.

Lương thị rối rít hỏi:

- Còn huyện lão gia tới nhà ta làm gì?

Tả Quý không nói không rằng, mất một lúc lâu mới thở dài, đầy vẻ không cam lòng:

- Trung Nhi nó đá cái ghế nên chân bị thương nhẹ, không hề gì. Còn huyện lão thái gia tới nói, Chỉ Nhi không thể làm tức phụ của Trung Nhi, tối đa chỉ có thể làm thiếp thất thôi.