Đại Đường Tiểu Lang Trung

Chương 376: Nhờ bóng quan lớn (2)



- Lão thái gia cứ nghe Tả Quý nói hết đã, hậu ý của lão thái gia, Tả gia tâm lĩnh rồi, lão thái gia yên tâm, dù Chỉ Nhi có là tỳ hay thiếp thì cả nhà cũng coi nó như con, tương lai ai là thê tử cũng không để Chỉ Nhi phải thua thiệt. Còn muốn mua trạch viện cũng là tiện phải cầu tới lão thái gia, chuyện là thế này...

Tả Quý đem chuyện Chúc Dược Quỹ kiến nghị lên kinh kiếm nhi tức phụ kể ra:

- Lão thái gia cũng biết đấy, ta chưa bao giờ lên kinh, tuy nói có thư tiến cử của Chúc chưởng quầy, nhưng rốt cuộc là không quen không biết, còn lão thái gia sống ở kinh thành lâu năm, nếu có thể se chỉ luồn tơ, giúp khuyển tử có được lương phối, đó không chỉ là may mắn của Tả gia, cũng là vì tương lai của Chỉ Nhi, thế nên chúng tôi cũng mong lão thái gia sớm phục nguyên chức để thuận tiện tác thành việc này, mua trạch viện cũng là để tạ ơn làm mai.

Ý tứ Tả Quý rất rõ ràng, mua trạch viện này là giúp ông vào kinh phục hồi nguyên chức, lúc đó ông giúp Tả gia kiếm được nhi tức phụ môn đăng hộ đối để giao hoán, hai bên cùng có lợi.

Cù lão thái gia trầm ngâm rất lâu, cuối cùng chắp tay:

- Đa tạ Tả lang trung, phiên này dù phục nguyên chức hay không, cũng không dám quên ân.

Cái ông bận tâm không phải là làm quan hay quyền thế, mà mang cái danh có tội cách chức này luôn là điều ông thấy hối tiếc, nay tuổi đã cao, con cái chả còn, đâu ham gì nữa, chỉ mong phục hồi thanh danh là thỏa nguyện.

- Lão thái gia nặng lời rồi, có câu dưới cây lớn được hưởng bóng râm, lão thái gia vào kinh làm quan, Tả gia cũng được hưởng phúc trạch, nếu như theo lão thái gia cùng vào kinh thì không thể tốt hơn, không biết ý lão thái gia thế nào?

- Ha ha ha, Tả lang trung, Tả lang trung, ai cũng nói ông cổ hủ thực thà, lão hủ giờ mới nhận ra, ông là bậc đại trí giả ngu.

Cù lão thái gia cười ha hả:

- Lão hủ còn nói không được sao, được, chúng ta lên kinh, có cha con ông đi cùng, lão hủ cũng yên lòng.

Cù lão thái thái mừng khôn siết, rơm rớm nước mắt, đưa khăn tay lên thấm.

- Tốt rồi, tốt rồi.

Tả Quý xoa xoa tay:

- Ta cũng đã đi hỏi han, trạch viện này tường cao sân rộng, lại vừa vặn phù hợp với ý "đại ẩn vu thị", giữa phố xá tấp nập, kiếm được chốn tiên cảnh thanh bình này không dễ, ít gia cũng phải 500 quan.

Cù lão thái gia xua tay:

- Không đúng, cái trạch viện này tuy tốt, nhưng cũ rồi, nhiều phòng ốc để không đã xuống cấp, tối đa chỉ được bốn trăm quan mà thôi.

- Lão thái gia không biết đấy, trạch viện Hợp Châu ta lần trước bị phản quân đốt không ít, muốn khôi phục lại cũng cần một thời gian, hơn nữa dù xây dựng lại, làm sao so với sự cổ kính nơi này, chỉ trả được 500 quân cũng thấy mình chiến lợi nhiều rồi.

Cù lão thái gia cũng không muốn vì vài đồng mà nói nhiều, hơn nữa trong tay có tiền, chuẩn bị hồi môn cho tôn nữ, cuối cùng cũng là về Tả gia, cho nên không từ chối nữa:

- Hôn sự của lệnh lang, lão hủ sẽ dốc sức tương trợ.

- Chuyện này tới lúc đó chỉ e khiến lão thái gia hao tổn tâm thần, chạy mỏi cả chân, nói khô nước bọt, các loại trở ngại, đâu phải có tiền mà làm được? Nếu có thể kiếm được giai ngẫu như ý cho khuyển tử, Tả gia mang ơn vô cùng.

- Đây còn là chuyện liên quan cả đời Chỉ Nhi, kỳ thực ta còn nóng ruột hơn ông ấy chứ.

Cả hai cùng bật cười, chuyện tới đây coi như xuôn xẻ một nửa rồi.

Đến trưa Tả Thiếu Dương từ Hằng Xương dược hành trở về, Tả Quý lại nói cho nhi tử biết Cù lão thái gia có cơ hội phục nguyên chức:

- … Cù lão thái gia dù sao cũng có tuổi rồi, vào kinh không rõ có lo được việc không, cũng không biết là mất bao lâu, cần có người chăm sóc dọc đường, chạy giúp việc vặt, thế nên cha con ta vào kinh giúp Cù lão thái gia hoàn thành nốt tâm nguyện cuối đời này, con thấy sao?

- Nếu được vậy thì quá tốt, con đồng ý.

Tả Thiếu Dương nghĩ làm được việc này Bạch Chỉ Hàn hẳn rất vui, tuy nàng nói không để ý y có tham gia khoa cử vào sĩ đồ không, song lời đó không hoàn toàn thật lòng, mình không làm được, vậy giúp Cù lão thái gia phục chức, bù đắp phần nào tiếc nuối của nàng:

- Cha cũng không cần đi, chuyện này con và Chỉ Nhi đi cùng là được mà.

- Ài, cha cũng muốn lên kinh thành một chuyến.

Tả Quý đã chuẩn bị sẵn câu trả lời, đấm đấm lưng nói:

- Nhân lúc tay chân còn cử động được, đi thăm lão hữu, vài năm nữa e không còn cơ hội.

- Cha có bằng hữu ở kinh thành sao?

Tả Thiếu Dương rất bất ngờ, y chưa bao giờ nghe cha nói tới.

Tả Quý hơi đỏ mặt, già đầu thế này rồi còn đi nói dối con:

- Ừm, Bảo chưởng quầy của Tế Thế đường là bằng hữu cũ của cha đó.

- Con từng nghe Chúc lão bá nói tới Tế Thế đường, ở kinh thành họ là dược hành rất lớn, không ngờ Bảo chưởng quầy lại là bằng hữu của cha.

Tả Quý vuốt râu cười ha hả không nói.

Lương thị bấy giờ mới nghĩ ra một chuyện:

- Lão gia, nhà ta lấy đâu ra nhiều tiền như vậy chứ? Trung Nhi chuyến này đi Long Châu về có thêm 30 quan tiền, trong nhà còn 78 quan mấy trăm đồng, còn xa mới đủ, lại phải chuẩn bị hành trang đi đường nữa.

- Chúng ta còn ruộng mà.

- Hả? Bán ruộng sao?

- Đúng thế, ruộng riêng nhà ta tới 170 mẫu, hiện giá mỗi mẫu đã lên tới sáu quan, người mua xếp hàng dài ấy chứ, chẳng sợ không bán được, cái này nhờ cô gia giúp, bán đi khoảng 80 tới 100 mẫu là đủ rồi. Trước kia không hiểu vì sao Trung Nhi đồng ý đổi ruộng chứ không cần tiền.

Cha y ghét việc đồng áng, cho nên nói bán dễ không, chẳng suy nghĩ gì, Tả Thiếu Dương phản đối, đó là công cụ làm giàu của y, không thể bán được:

- Cha, nông hộ nhà người ta đến nhà mình thuê ruộng cũng nói rồi, không phải không thuê được ruộng, mà muốn báo ân Tả gia, hai nữa là muốn làm ruộng cho nhà ta, bây giờ chúng ta bán cho nhà khác nửa chừng rất không hay.

- Không bán thì lấy đâu ra tiền.

- Bán lương thực ạ.

Tả Thiếu Dương trình bày tính toán của mình:

- Nhà ta có gần nghìn mẫu ruộng, theo giá lương thực bây giờ một lượng một đấu gạo, bán hết đi nhà ta phải kiếm được nghìn quan, cho dù năm nay mưa thuận gió hòa, bách tính được mùa, giá lương hạ xuống chỉ tới 500 đồng là nhiều, nhà ta vẫn kiếm được 500 quan. Chúng ta nghĩ cách vay tiền, hai tháng nữa thu hoạch bán lương thực trả nợ là được.

Tả Quý gật gù:

- Con nói có lý lắm, vậy vay ở đâu đây, 500 quan tiền không phải nhỏ? Chẳng lẽ vay Chúc lão chưởng quầy?

- Chúc gia rất nhiều tiền, song cần trung chuyển cũng nhiều, lượng tiền mặt thực có không bằng với Dư gia, vay Dư lão bá là được.

Dư chưởng quầy rất sảng khoái, nghe Tả gia muốn vay tiền liền gọi nhi tử đi lấy luôn, nguyên rương bạc đầy ăm ắp, nói mang đi kinh thành thì tiền đồng không tiện. Không cần ký giấy, không cần thế chấp, cũng không cần lấy lãi, dọa Tả gia mà ý kiến thì đi nhà khác vay, sau đó tuyệt giao.

Xưa nay chưa bao giờ nghe chuyện đi vay kỳ lạ hơn thế, Tả gia mừng rỡ tạ ơn, đem tiền tới Cù gia trạch viện, lúc này trời vẫn còn sáng.

Cù lão thái thái không ngờ Tả gia lại có tiền nhanh như thế, vô cùng cao hứng, lấy văn khế ra, nhờ lý chính làm trung gian, viết giấy bán nhà, một tay thu tiền, một tay giao giấy, tới đây trạch viện Cù gia đã chính thức thuộc về Tả gia. Có điều Tả gia cũng gánh khoản nợ lên tới 500 lượng.

Trước kia nợ mỗi 9 quan mà tới mẫy năm trời chẳng trả hết, ba mươi tết suýt nữa bị đuổi khỏi nhà, bây giờ nợ tới 500 lượng, Tả Thiếu Dương chẳng hề gì, phu thê Tả Quý thì lo nơm nớp, cũng may là có nghìn mẫu ruộng tốt, có một tòa trạch viện để bán.

Làm xong thủ tục, hai nhà thương lượng ngày lên kinh thành.