Đàn Hương Hình

Chương 19:



Vầng trăng tròn vành vạnh treo giữa bầu trời như một người đẹp không mảnh vải che thân. Tiếng mõ canh ba vừa điểm, huyện thành im ắng. Gió mát đêm hè như tấm voan rộng mênh mông điểm xuyết bằng những chòm sao, trùm lên trời đất, đem theo mùi cây cỏ, cua cá, côn trùng. Aùnh trăng bàng bạc, soi tỏ Tôn Mi Nương đang đi dạo trong sân. Nàng cũng không mảnh vải che thân, lồ lộ dưới ánh trăng. Aùnh trăng như nước, nàng như con cá lớn màu nhũ bạc. Đây là một đóa hoa nở rộ, một quả đã chín tới, một cơ thể khỏe đẹp. Từ đầu đến chân, trừ bàn chân to, không một khiếm khuyết. Da mịn màng, chỉ một cái sẹo duy nhất khuất dưới mái tóc sau gáy.

Cái sẹo là vết cắn của một con lừa mõm nhọn. Khi đó, nàng vừa biết bò, nàng không biết mẹ nàng đã nuốt a phiến, nằm chết vắt ngang giường. Nàng bò lên mình mẹ ăn mặc chỉnh tề, như bò trên triền núi đẹp. Nàng đói muốn bú tí, không bú được, nàng khóc. Sau đó nàng ngã xuống đất, khóc rất to, không ai hỏi một câu. Nàng bò ra ngoài cửa. Nàng ngửi thấy mùi hoi của sữa. Nàng trông thấy con lừa con đang bú sữa. Con lừa mẹ tính nết dữ dằn, bị gia chủ cột vào cây liễu. Nàng bò đến bên con lừa mẹ, định bú tranh với lừa con. Lừa mẹ nổi giận, há miệng đớp vào gáy nàng, lắc mấy cái rồi lẳng nàng ra xa. Máu bê bết khắp người, nàng khóc thét kinh động hàng xóm. Bà hàng xóm tốt bụng bế nàng lên, rắc vôi bột vào vết thương sau gáy để cầm máu. Vết thương rất nặng, mọi người tin chắc nàng sẽ chết. Người cha phóng đãng cũng tin chắc nàng không qua khỏi. Vậy mà nàng sống. Mười bốn tuổi trở về trước nàng rất gầy, cái sẹo trên đầu bóng loáng. Nàng cùng gánh hát của cha đi khắp đó đây, nàng sắm vai trẻ nhỏ, vai tiểu yêu, vai mèo con. Năm mười lăm tuổi, nàng như cây lúa đói nước gặp cơn mưa rào, lớn nhanh như thổi. Năm mười sáu tuổi, tóc dài và mượt như cây thùy liễu chặt ngọn, những cành non mềm mại túa ra, rậm và khỏe khoắn. Suối tóc nhanh chóng che khuất cái sẹo sau gáy. Năm mười bảy tuổi, mỡ tích tụ nhiều dưới da, lúc này người ta mới biết nàng là con gái, còn trước đó, bởi chưng nàng có bàn chân to và mái đầu ngắn ngủn, ai cũng tưởng nàng là con trai. Năm mười tám tuổi, nàng trở thành cô gái đẹp nhất vùng Đông Bắc Cao Mật. Mọi người tiếc cho nàng: “Cô gái này nếu chân không to, thì vua phải tuyển làm quý phi!”.

Vì cái khiếm khuyết chân to, hai mươi tuổi, nàng đã trở thành gái già, không lấy được chồng. Về sau, Tôn Mi Nương mặt hoa da phấn đành hạ mình lấy Triệu Tiểu Giáp con nhà đồ tể ở cửa Đông huyện thành. Lúc Mi Nương về làm dâu, mẹ Giáp Con chưa chết. Người đàn bà bó chân này ghét cay ghét đắng cô con dâu chân to, nghĩ ra chuyện quái đản là dùng dao gọt bớt chân cho Mi Nương. Giáp Con không dám gọt, mẹ chồng đích thân ra tay. Mi Nương từ nhỏ sống tự do trong gánh hát, không được dạy bảo về tam tòng tứ đức, chỉ biết đao thương cung kiếm nhào lộn tối ngày, đại để còn là cô gái hoang dã, đi làm dâu phải nín phải nhịn, tức lộn ruột. Mẹ chồng lạch bạch đôi chân bó, cầm dao xông tới. Lửa giận cố nén lâu ngày được dịp bùng lên. Nàng tung một cú đá thể hiện đầy đủ ưu thế của bàn chân to và công phu luyện tập ở gánh hát. Mẹ chồng vốn ngật ngưỡng vì chân bó, trụ sao nổi một phi cước? Bà ngã lăn quay, Mi Nương xông tới, cưỡi lên mình mẹ chồng, đấm lia lịa như Võ Tòng đả hổ, mẹ chồng kêu trời kêu đất, vãi đái ra quần. Sau trận đòn ấy, bà già mang hận sinh bệnh, chẳng bao lâu thì chết. Từ đó, Tôn Mi Nương được giải phóng, trở thành gia trưởng thực sự. Nàng mở một quán rượu ở phố bên, bán hoàng tửu và thịt chó luộc. Chồng đần, vợ lẳng lơ làm chủ quán, khách khứa dập dìu. Những tay ăn chơi phóng đãng trong thành đều muốn ăn thịt ngỗng trời, nhưng chưa anh nào thỏa nguyện. Tôn Mi Nương có ba biệt hiệu: Nàng Tiên Chân To, Người Đẹp Một Nửa, Tây

Thi Thịt Cầy.

Mười ngày sau cuộc đọ râu, người ta vẫn chưa thôi bàn tán về dung mạo phong tình và tấm lòng độ lượng của quan huyện, lại đã tới ngày treo đèn kết hoa xem mặt phu nhân.

Theo lệ, hàng năm đến năm mười tám tháng Tư, người ta mở cửa sảnh Ba là nơi thâm nghiêm kín cổng cao tường, đừng nói gì dân chúng, mà ngay cả nha dịch cũng không được tùy tiện ra vào, cho phụ nữ và trẻ con vào xem một ngày. Trong ngày ấy, phu nhân quan huyện, có quan ông ngồi cùng, từ sáng tinh mơ đã quần là áo lượt, ngồi dưới mái hiên sảnh Ba, mỉm cười luôn miệng, tiếp quần chúng. Đây là một cử chỉ gần dân, cũng là một lần tôn vinh lẽ đời phu quí phụ vinh.

Phong độ quan huyện thì mọi người đã được trông thấy; hoàn cảnh xuất thân và học vấn của phu nhân thì đã lan truyền tới tai đám phụ nữ. Họ nóng lòng chờ đợi ngày này. Họ đều muốn biết, quan huyện đẹp như người nhà trời, đã lấy một người đàn bà như thế nào? Những lời xì xầm như tơ nắng bay khắp chốn, có người nói, phu nhân mặt tươi như hoa, khuynh quốc khuynh thành; có người lại bảo, phu nhân mặt rỗ chằng rỗ chịt, tướng mạo như quỉ dạ xoa. Hai lời đồn trái ngược, khiến đán phụ nữ ngày càng tò mò. Các cô gái trẻ thì cho rằng, phu nhân quan huyện đương nhiên phải là người đẹp như hoa như ngọc; những cô lớn tuổi hơn, bằng vào kinh nghiệm phong phú của mình, lại cho rằng trên đời không bao giờ có sự hoàn mĩ. Họ rất tin câu ngạn ngữ “Chồng khôn vợ đụt, chồng xấu vợ xinh”. Họ lấy trường hợp quan huyện tiền nhiệm, chồng bẩn tướng, vợ hoa khôi, để chứng minh cho lập luận của mình. Nhưng đám thanh nữ, đặc biệt là các cô chưa chồng vẫn rất muốn cho rằng, phu nhân quan huyện phải là một tiên nữ giáng trần!

Tôn Mi Nương mong cái ngày này hơn tất cả những người khác. Nàng đã hai lần trông thấy mặt quan huyện. Lần thứ nhất là vào một đêm mưa phùn lất phất đầu xuân, nàng đuổi đánh con mèo ăn vụng cá, đụng phải kiệu quan huyện, dẫn đến chuyện quan huyện vào quán của nàng. Qua ánh nến sáng trưng, nàng thấy quan huyện tướng mạo đường hoàng, cử chỉ khoan thai như từ trong bức họa bước ra. Ông lớn nói nằng hòa nhã, thái độ dịu dàng, tuy chuyện vãn đôi câu nhưng ông đã tỏ ra thân tình khác thường. Người đàn ông nay so với người chồng giết chó mổ lợn của nàng… không, không thể so sánh như thế! Kỳ thực, trong trái tim nàng khi ấy hoàn toàn không có hình ảnh người chồng Giáp Con. Nàng cảm thấy bước chân nhẹ tênh, tim đập như trống làng, mặt nóng bừng. Nàng nói quá nhiều những câu xã giao và chân tay cứ quýnh lên vì săn đón để che giấu sự hoảng loạn của con tim, nhưng tay áo vẫn gạt vỡ bát rượu; chân vẫn va phải ghế băng. Tuy ông lớn phải làm ra vẻ nghiêm trang trước mặt mọi người, nhưng từ giọng ho một cách không tự nhiên và cặp mắt long lanh của ông lớn, nàng cảm nhận được tình cảm nảy sinh trong lòng ông. Lần gặp thứ hai là hôm đọ râu, nàng đảm nhiệm vai trò trọng tài có tiếng nói quyết định thắng thua. Nàng không những nhìn rõ hơn dung mạo, mà còn ngửi thấy mùi hương trên người ông lớn. Bím tóc đen mượt và cái gáy phẳng phiu của ông lớn kề sát làn môi nàng, ôi chao, gần ơi là gần… Nàng nhớ nước mắt mình rơi trên cổ ông lớn, chắc chắn là ông có biết nước mắt mình đã rơi trên cổ ông… Ông lớn thưởng cho nàng một lượng bạc để ghi nhận thái độ vô tư của nàng. Khi nàng đến lĩnh bạc, viên thơ lại có bộ râu dê nhìn nàng từ đầu đến chân bằng cặp mắt khác thường, ánh mắt dừng lại rất lâu trên hai bàn chân của nàng, khiến nàng đang từ mây xanh rơi xuống vực thẳm. Qua ánh mắt, nàng đoán ra tâm trạng của viên thơ lại. Nàng kêu thầm: Trời ơi, đất ơi, mẹ ơi, cha ơi, con tàn đời vì đôi chân này! Nếu mẹ chồng có thể gọt bé chân nàng bằng dao chọc tiết lợn, thì cứ để bà gọt, đau mấy nàng cũng chịu được! Nếu gọt bé chân mà phải chết sớm mười năm, nàng tình nguyện chết sớm mười hai năm! Nghĩ đến đây, nàng hận cha không để đâu cho hết! Cha ơi, ông đã hại mẹ tui lại hại cả tui, ông chỉ biết có ong bướm mà không lo toan gì cho con gái của ông, ông chỉ biết nuôi tui lớn lên mà không mướn người bó chân cho tui, cha ơi là cha!… Dù rằng bộ râu của ông có đẹp hơn râu của quan huyện thì tui cũng phán cho ông thua, huống hồ râu ông không đẹp bằng râu quan huyện!

Tôn Mi Nương cầm lượng bạc được thưởng về nhà, nhớ lại ánh mắt tình tứ của ông lớn mà lòng rạo rực, nhớ lại ánh mắt mà như lột da người ta của viên thơ lại mà lòng lạnh như băng! Ngày xem mặt phu nhân đã tới gần, đám phụ nữ trong thành bận rộn mua sắm phấn son, may quần may áo, làm như chuẩn bị về nhà chồng, nhưng Tôn Mi Nương thì vẫn bàng hoàng, chưa quyết định nên đi hay không? Dù rằng, chỉ gặp nhau mới có hai lần, ông lớn chưa hề nói nửa câu đường mật, nhưng nàng khăng khăng cho rằng, nàng và ông lớn đã cảm thông, sớm muộn hai người sẽ là một cặp uyên ương. Khi mọi người ra sức mà đoán về dung mạo của phu nhân, và vì thế mà bình luận không dứt, thì mặt nàng đỏ bừng, làm như họ bàn tán về người trong nhà nàng. Nàng quả thực cũng không rõ ràng hi vọng phu nhân đẹp như tiên, hay xấu như quỉ dạ soa? Nếu là đẹp như tiên thì nàng đừng hòng tơ tưởng! Nếu xấu như quỉ dạ soa thì buồn cho ông lớn! Nàng mong, đồng thời lại sợ cái ngày gặp mặt phu nhân quan huyện.

Gà gáy một, nàng đã tỉnh giấc, đợi mãi trời mới sáng. Chẳng còn bụng dạ nào thổi cơm, chẳng còn bụng dạ nào trang điểm. Nàng đi đi lại lại từ trong nhà ra ngoài sân, từ ngoài sân vào trong nhà, ngay cả chàng Giáp Con ngốc nghếch chỉ biết giết chó mổ lợn, cũng phát hiện nàng không bình thường. Giáp Con hỏi:

- Vợ ơi, vợ làm sao thế? Ngứa bàn chân hay sao mà đi ra đi vào mãi thế? Nếu ngứa chân thì để tớ lấy xơ mướp cọ là hết ngứa.

Thế nào là ngứa bàn chân? Trong bụng bồn chồn, không đi lại không chịu được! Nàng dấm dẳn nạt nộ Giáp Con, rồi ngắt một bông hoa lựu đỏ rực trên cây lựu bên bờ giếng, thầm khấn: Nếu là chẵn thì đi gặp phu nhân, nếu là lẻ thì không đi và cái tình với ông lớn cũng hết.

Nàng rứt từng cánh hoa, một cánh hai cánh ba cánh… mười chín cánh. Số lẻ. Trong lòng bỗng trở nên băng giá, tình cảm suy sụp. Không tính, vừa rồi mình không thành tâm khi khấn, vậy lần này không tính! Nàng lại ngắt một bông thật to, nâng bằng hai tay, nhắm mắt khấn thầm: Lạy thần trên trời, lạy tiên dưới đất, hãy chỉ bảo cho tui… Rồi, rất trịnh trọng nàng ngắt từng cánh hoa, một cánh hai cánh ba cánh… hai mươi bảy cánh, số lẻ. Nàng vò nát những cánh hoa ném xuống đất, đầu gục trước ngực. Giáp Con muốn lấy lòng, thận trọng hỏi:

- Vợ ơi, vợ định cài hoa phải không? Để tớ ngắt cho.

- Xéo, đừng quấy rầy người ta! – Nàng giận dữ gào lên, quay vào trong nhà nằm vật xuống giường, kéo chăn trùm kín đầu.

Sau khi khóc một trận, trong lòng thanh thản hơn. Nàng rửa mặt, chải đầu, lôi từ trong hòm chiếc đế giầy mới đột được một nửa, ngồi xếp bằng tròn trên giường, cố nén những ý tưởng bất chính, lúi húi đột tiếp, mặc cho tiếng nói cười lao xao ngoài đường của đám phụ nữ. Giáp Con chạy tới, hỏi:

- Vợ ơi, người ta đi xem mặt phu nhân, vợ có đi không?

Thoắt cái, lòng nàng lại rối như tơ vò.

- Vợ ơi, nghe nói người ta tung trái cây, vợ dẫn tớ đi cướp, được không?

Nàng thở dài, lên giọng mẹ dạy con: Giáp Con, anh đâu còn là trẻ con? Xem mặt phu nhân là công việc của phụ nữ, đàn ông đến đó làm gì? Chẳng lẽ anh không sợ đám công sai lấy gậy đập cho nát đít sao?

- Tớ muốn cướp trái cây.

- Thích ăn trái cây thì ra phố mà mua.

- Mua không ngon bằng cướp!

Tiếng cười của đám phụ nữ cuộn vào nhà như một quả cầu lửa, khiến nàng đau rát. Nàng nghiến răng ấn mạnh chiếc dùi vào đế giày. Chiếc dũi gãy. Nàng quẳng dùi và đế giày, thân mình cũng theo đà ngã sấp trên giường. Tâm trạng rối bời, nàng nắm tay đấm vào thành giường.

- Vợ ơi vợ, vợ lại đầy bụng phải không? – Giáp Con có vẻ sợ, hỏi.

Nàng nghiến răng nghiến lợi, gào lên:

- Ta phải đi, phải đi để xem mặt mũi phu nhân nhà ông thế nào?

Nàng tung mình nhảy xuống giường, quên luôn cả chuyện bói hoa lúc nãy, làm như chưa bao giờ do dự trong chuyện đi xem mặt phu nhân quan huyện. Nàng múc nước rửa mặt lần nữa, ngồi trang điểm trước gương. Trong gương, nàng má phấn môi son, dù mắt hơi mọng một tí, nhưng vẫn hiển nhiên là người đẹp. Nàng lấy trong hòm số quần áo thực ra đã chuẩn bị từ trước, thay ngay trước mặt Giáp Con. Anh chàng trông thấy bộ ngực nàng, liền đòi sờ ti. Nàng dỗ như dỗ trẻ: Giáp Con ngoan nào, cứ ở nhà, tui đi cướp trái cây về cho mà ăn!

Tôn Mi Nương trên mặc áo chẽn đỏ, dưới mặc quần xanh lục, bên ngoài, lồng chiếc váy cũng màu xanh lục, vậy là một đóa hoa mào gà rực rỡ đi trên phố. Nắng đẹp, gió nam ấm áp đưa tới hương thơm lúa tiểu mạch sắp chín. Gió nam vuốt ve, tiết xuân ấm áp, đúng là thời tiết của những phụ nữ đa tình! Nàng sốt ruột, chỉ tiếc không thể một bước tới huyện lị, chiếc váy quẩn chân, khiến nàng không thể đi nhanh. Sốt ruột nên sợ bước chậm, sốt ruột nên sợ đường dài. Nàng không ngần ngại xốc cao váy để bước nhanh, vượt lên đám phụ nữ bó chân lạch bạch đằng sau.

- Chị Hai Triệu, vội gì thế?

- Chị Hai Triệu, đi chữa cháy đấy à?

Nàng không trả lời, cắt đường đi tắt từ ngõ nhà họ Đới sang cổng bên của huyện. Nửa cây mận nhà họ Đới vươn qua tường nở đầy hoa. Hương thơm thoang thoảng, tiếng ong vo ve, chim yến thủ thỉ. Nàng giơ tay ngắt một bông hoa mận cài lên mái tóc. Con chó nhà họ Đới thính tai, sủa gâu gâu. Nàng phủi bụi tuy rằng không có bụi, thả váy xuống, bước vào huyện nha. Tên lính lệ nhìn nàng gật đầu, nàng mỉm cười đáp lại. Chỉ một thoáng, nàng đã mồ hôi đầm đìa trước sảnh Ba. Đứng gác sảnh Ba là một anh chàng mày rậm mắt sâu, nói giọng tỉnh ngoài. Mi Nương đã từng trông thấy anh ta hôm đọ râu, biết anh là người thân tín của quan huyện. Người thanh niên gật đầu chào, nàng vẫn dùng nụ cười mỉm để đáp lại. Trên sân chật kín phụ nữ, bọn trẻ con len lỏi giữa đám người. Nàng lách mình, rẽ bằng tay mấy lần là đã lên tận cùng phía trước. Nàng trông thấy dưới mái đao cong vắt của sảnh Ba, kê chiếc kỷ hình chữ nhật, phía sau kỷ là hai chiếc ghế bày song song, ghế bên trái quan huyện ngồi ngay ngắn, ghế bên phải phu nhân quan huyện ngồi ngay ngắn. Phu nhân đội mũ phượng, lưng thẳng đuỗn, chiếc áo đỏ như ráng chiều rực lên dưới nắng. Phu nhân che mặt bằng một tấm mạng mỏng, chỉ lờ mờ khuôn mặt, không thể nhìn rõ dung nhanh. Mi Nương lập tức cảm thấy nhẹ nhõm. Lúc này, nàng đã hiểu, nàng sợ nhất là phu nhân mặt hoa da phấn. Phu nhân đã không chịu lộ diện cho mọi người trông thấy, chứng tỏ bộ mặt phu nhân không đẹp. Tự nhiên Mi Nương đứng thẳng, trong lòng bùng lên ngọn lửa hy vọng. Lúc này, nàng mới ngửi thấy mùi hoa đinh thơm gắt. Nàng trông thấy hai bên góc sân, hai cây tử đinh hương cao to, hoa nở trắng một khoảng trời. Nàng còn trông thấy từng dãy tổ yến dưới mái hiên sảnh Ba, đàn yến bận rộn tíu tít bay ra bay vào, yến con há miệng màu vàng kêu chiếp chiếp. Truyền rằng, chim yến không làm tổ nơi công đường, mà chọn mái nhà của những nhà nông lành hiền. Nay từng đàn chim yến làm tổ ở huyện lị là điềm lành, là hồng phúc do quan huyện đem lại, chứ không phải do quan bà che mặt, chắc hẳn thế! Nàng chuyển ánh mắt từ phu nhân sang quan huyện, hai luồng ánh mắt gặp nhau, nàng cảm thấy sự ái mộ trong cái nhìn của ông lớn, vậy là lòng nàng như mê như say. Ông lớn ơi ông lớn, không nghĩ rằng một ông tiên lại lấy một phu nhân không dám để người ta xem mặt! Mặt bà ấy rỗ chăng? Bà ấy mắt hiếng mũi tẹt chăng? Bà ấy có hàm răng đen chăng? Ông lớn, thật buồn cho ông… Mi Nương đang nghĩ ngợi lung tung chợt nghe phu nhân ho lên một tiếng. Quan huyện chuyển luồng mắt theo tiếng ho, rồi nghoảnh sang nói với phu nhân điều gì đó. Một a hoàn tóc rẽ giữa, bê một sọt táo đỏ và lạc củ, nắm từng vốc tung về phía dân chúng. Bọn trẻ tranh cướp nhau, gây nên cảnh hỗn loạn. Mi Nương trông thấy phu nhân nhân hình như vô ý nhếch váy lên một cái, lộ ra hai gót sen vàng nhòn nhọn. Đám người đứng sau nàng ồ lên tán thưởng. Bàn chân phu nhân quả là đẹp, nàng Mi Nương chân to chỉ muốn độn thổ. Tuy đã có váy dài che khuất, nhưng nàng nghĩ rằng phu nhân đã biết chân nàng to, chẳng những biết chân nàng to, mà còn biết nàng si mê quan huyện. Phu nhân lộ hai gót sen vàng là để làm nhục nàng, giáng cho nàng một đòn. Nàng không định xem không muốn xem, nhưng hai mắt cứ dán vào bàn chân nhỏ bé của phu nhân. Bàn chân của phu nhân cong cong như củ ấu. Giày của phu nhân thật đẹp, đoạn xanh thêu hoa đỏ. Bàn chân của phu nhân như có phép màu, Mi Nương nhà họ Tôn đầu hàng ngay lập tức! Nàng cảm thấy hai ánh mắt diễu cợt xuyên qua tấm mạng, nhìn vào mặt nàng. Không, không phải thế, cái nhìn như xuyên thủng vậy, soi dọi đôi bàn chân nàng. Mi Nương hình như cảm thấy phu nhân khẽ nhếch môi, nụ cười cao ngạo trên khuôn mặt. Mi Nương biết nàng đã thua, thua thảm hại. Khuôn mặt nương nương mà đôi chân con ở! Nàng hốt hoảng rút lui, sau lưng hình như có tiếng cười nhạo. Lúc này, nàng mới phát hiện ra mình tác hẳn lên phía trước, độc diễn trước mặt ông lớn và phu nhân. Càng thấy xấu hổ, càng luốn cuống, chân giẫm phải váy, váy rách toang, nàng ngã chổng bốn vó.

Về sau, nàng nhiều lần nhớ lại, khi nàng ngã, ông lớn đã đứng phắt dậy. Nàng quả quyết sắc mặt ông lớn tỏ ra thương cảm và quan tâm đến nàng. Chỉ có những người chung trái tim khối óc mới biểu hiện như thế. Nàng còn quả quyết rằng, nàng tận mắt trông thấy, khi ông lớn định bước qua cái kỷ chạy tới nâng nàng dậy, phu nhân đã đá rất mạnh vào bắp chân ông lớn. Ông lớn sững người, rồi từ từ ngồi xuống. Khi phu nhân làm động tác trên với ông lớn, bà vẫn ngồi thẳng như không hề có chuyện xảy ra.

Mi Nương đứng phắt dậy trong tiếng cười diễu của đám phụ nữ.

Nàng sửa lại váy, không còn thì giờ chú ý đôi bàn chân to vừa nãy đã để lộ trước mặt ông lớn và phu nhân, quay người len vào đám đông. Nàng cắn chặt môi cố ghìm tiếng khóc, nhưng nước mắt thì tuôn ra như suối. Ra khỏi đám người, vẫn nghe những người đàn bà bàn tán sau lưng, người cười khúc khích, người lại bắt đầu tán dương đôi chân nhỏ của phu nhân. Nàng hiểu, phu nhân làm như vô ý, thực ra là cố ý phô bày cặp chân mình. Đúng là một đẹp che trăm xấu, phu nhân chưng ra một cặp chân đẹp, để người ta quên đi dung mạo của mình. Trước khi rời đám người, nàng lại nhìn ông lớn, và thật kỳ lạ, luồng mắt hai người lại gặp nhau. Nàng cảm thấy cái nhìn của ông lớn buồn rười rượi như là để an ủi nàng, cũng có thể là biểu thị sự đồng tình với nàng. Nàng lấy tay áo che mặt chạy khỏi sảnh Ba, vừa rẽ vào ngõ nhà họ Đới, nàng cất tiếng khóc thê thảm.

Mi Nương hớt hải trở về nhà, Giáp Con sán lại đòi trái cây. Nàng gạt Giáp Con sang một bên, bước vào trong buồng, nhào lên giường nằm khóc. Giáp Con đứng sau lưng, thấy nàng khóc cũng ồ ồ khóc theo. Nàng ngồi dậy, vớ lấy cái cán chổi quật vào chân mình. Giáp Con sợ quá, giữ chặt tay nàng lại. Nàng nhìn chằm chằm vào khuôn mặt vừa xấu vừa ngây ngô của Giáp Con, bảo: Giáp Con, anh lấy dao gọt bớt chân đi cho tui.