"Trước mặt cấp trên, ngươi dám không làm tròn nhiệm vụ ư?" "Hạ quan cả gan hỏi đây là ý riêng của điện hạ hay là quân lệnh của Thái tử?" "Láo xược! Chẳng lẽ không có quân lệnh của cấp trên thì ngươi cũng không cần phải tra án nữa sao?" "Hồi bẩm điện hạ, không phải hạ quan không làm tròn chức trách của mình, mà là lời khai của tám mươi bảy người cũng không thể hỏi được hết.
Tùy tiện phạt roi, không chừng có lẫn người bị bắt nhầm, há chẳng phải hạ quan mang tiếng vu oan giá họa hay sao? Hơn nữa có lời khai cũng không thể vội định án, còn phải sai người bên dưới đi thăm dò làng trên xóm dưới và thân thích của người đó để tránh cho không nói dối, sau đó đem hồ sơ đi đóng dấu, đợi Tri phủ đại nhân xét duyệt một lần nữa mới có thể kết án.
Một quy trình từ trên xuống dưới, ít nhất cũng mất một tháng mới xong." Triệu Bạch Ngư vội vàng giãi bày: "Không phải hạ quan lười biếng, mà do Nha môn nhiều việc lại thiếu người, vừa phải xử lý hồ sơ các huyện Nha đưa tới, còn phải giữ trật tự trong Kinh Đô, phải tuần tra theo thông lệ, dập lửa hỏa hoạn...!Nhân sự không đủ dùng!" "Lý do lý trấu đùn đẩy chứ gì! Thiếu người thì cứ tuyển thêm người thôi?" "Không có tiền." "Ngươi!" "Có điều trước mắt đã kiểm tra tội danh của bảy người, tụ tập đánh bạc, phạm cấm đêm, chứng cứ đã xác thực, bây giờ có thể phạt! Tám mươi roi, một roi cũng không thể thiếu! Đánh chết rồi thì treo lên cửa Nha môn để tuyên bố với mọi người, xem ai còn cố tình phạm pháp!" Triệu Bạch Ngư xoay người, chỉ về phía bảy người Lý Đống: "Điện hạ! Chính là bọn họ!" Bảy người Lý Đống thấy vậy, bị dọa sợ lập tức quỳ xuống đất cầu xin tha thứ: "Điện hạ, điện hạ tha mạng cho ta đi điện hạ, cầu xin điện hạ mau cứu chúng tiểu nhân! Tiểu nhân làm chuyện này vì điện hạ —— " "Câm miệng!" Ngũ hoàng tử thét lên. Triệu Bạch Ngư lạnh nhạt nói: "Nói mới biết, cũng nhờ có điện hạ giúp đỡ, hạ quan mới đỡ cất công chạy một chuyến đến nhà bọn họ lấy chứng cứ.
Còn Lý Đống, chưa đánh đã khai, liên quan đến đồng bọn lơ là cương vị cũng coi là lập công nhỉ, chi bằng giảm bớt cho hắn hai mươi roi đi?" Lý Đống vừa nghe vậy liền vội dập đầu: "Cảm ơn Triệu đại nhân, Triệu đại nhân khoan dung độ lương tha cho tiểu nhân!" Những người khác trợn tròn mắt nhìn gã: "Lý Đống, cái tên tiểu nhân này, rõ ràng là ngươi mua chuộc lính canh để cho chúng đánh ngươi, còn bắt bọn ta giúp hãm hại Triệu đại nhân! Bây giờ ngươi bán đứng chúng ta để được giảm hai mươi roi ư? Ta đánh chết ngươi cái con rùa này!" Mấy người nhào tới bắt giữ Lý Đống, có một kẻ to cao ngồi phịch ngay xuống mông Lý Đống, gã hét thảm thiết một tiếng, đến khi nha dịch chạy tới kéo người ra, tình hình mới yên ổn lại một chút. Triệu Bạch Ngư tiến lên hai bước, biểu cảm nghiêm túc: "Thái tử điện hạ, Ngũ điện hạ, tiểu quận vương, còn có phó quan đại nhân đây đều nghe được rồi chứ ạ, Lý Đống tự biên tự diễn bôi nhọ hạ quan, còn sai người nhà đến Ngự sử đài, tố cáo hạ quan trước mặt bệ hạ.
Nếu như không phải điện hạ và tiểu quận vương sáng suốt uy vũ, nhìn rõ mọi việc, hạ quan có nhảy xuống sông hộ thành cũng không thể rửa sạch oan khuất trên người, cầu xin điện hạ làm chủ cho hạ quan!" Một câu cuối cùng lên giọng cực lớn. Mọi người xung quanh đều yên lặng, trong chớp mắt chỉ có Triệu tam lang không được điểm mặt là cảm giác được một nỗi bất công kỳ lạ, trong tiếng kêu oan của Triệu Bạch Ngư chợt nhớ lại, mới vừa nãy gã cũng là người không phân biệt được phải trái đúng sai mà mắng y, nhất thời rơi vào tình cảnh hết sức lúng túng. Thái tử nhìn Ngũ hoàng tử, người nọ ngượng ngùng cúi đầu, đã hơi muốn dẹp êm chuyện này xuống. Thái tử hắng giọng: "Theo như luật lệ Đại Cảnh, bôi nhọ phỉ báng người khác đều quy về tội bôi nhọ.
Lại bởi vì bôi nhọ mệnh quan triều đình nên tội thêm một bậc, phạt mỗi người sáu mươi trượng.
Gián quan, Ngự sử tuy tung tin thất thiệt nhưng không thêm tội.
Án này đã xong, không có việc gì nữa thì lui —— " "Rắc." Bất thình lình có một âm thanh vang lên dọa cho mọi người giật mình, cũng hấp dẫn ánh mắt của bọn họ về phía đó, vậy mà lại thấy Hoắc Kinh Đường đang cầm trên tay cái tay vịn ghế gỗ mà hắn mới tiện tay bẻ gãy, ném xuống mặt đất phát ra tiếng vang giòn tan. Hoắc Kinh Đường lẩm bẩm: "Không chịu nổi mà, đến cái ghế ngồi cũng bị mọt ăn thủng hết rồi, trở về nói với bệ hạ đi, đừng để đường đường là Nha môn phủ Kinh Đô lại tồi tàn như thế này nữa, làm ta tưởng như đang ngồi trong cái Nha môn nghèo nàn nào ở Tây Bắc ấy." Trở về nói với bệ hạ chuyện Nha phủ? Không phải cũng sẽ vạch trần sự việc hôm nay hay sao? Bảy người này đều làm việc dưới trước Hộ bộ, quan hệ với Ngũ hoàng tử không đơn giản, nếu bị hắn vạch trần thì sao? Thái tử nhanh chóng vỗ kinh đường mộc, nói: "Đám người tụ tập đánh bạc kia, cả tội phạm vào cấm đêm nữa, tính tội phạt hết, đem ra sân đánh chết đi!" Triệu Bạch Ngư chợt ngầng đầu, con ngươi co rút nhanh, bảy người sau lưng quỳ xuống dập đầu cầu xin tha thứ, bị kéo ra bên ngoài hành hình, tiếng roi xé gió hòa với tiếng kêu khóc thảm thiết, từ thê lương đến dần dần không còn âm thanh nào nữa, người lần lượt đi vào báo cáo phạm nhân đã chết, mà ai trong công đường cũng bày ra vẻ mặt đã thành thói quen. Ngay cả Hoắc Kinh Đường chỗ dựa của Triệu Bạch Ngư cũng tỏ vẻ thờ ơ, đến Kỷ tri phủ nhát gan sợ phiền phức nhất cũng trở nên dửng dưng. Môi Triệu Bạch Ngư giật giật, muốn nói thật ra bọn họ không đáng tội chết, y không muốn để bảy người kia đền mạng, lại nghĩ ngợi thêm nữa, thương tâm nhận ra mục đích Lý Đống bôi nhọ y chính là vì muốn đẩy y vào chỗ chết. Thái tử xuống khỏi bàn xử án, đi tới trước mặt Triệu Bạch Ngư nói: "Vụ án sáng tỏ rồi, ngươi cứ tiếp tục làm Thiếu doãn đi.
Ta thấy hai năm nay thành tích của ngươi không tệ, lúc tại vị làm việc cũng vô cùng cẩn thận, trở về ta sẽ cất nhắc ngươi với bên trên, cho ngươi đến bộ Hình làm việc dưới trướng ta." Triệu Bạch Ngư: "Tạ điện hạ ân điển." Thái tử gật đầu, xoay người đối mặt với Hoắc Kinh Đường: "Tử Uyên nói không sai, Nha môn đúng là có hơi tồi tàn, về truyền cho bộ Hộ, phân phát một khoảng bạc xuống để bọn họ tu sửa lại." Hoắc Kinh Đường quấn vòng Phật châu vào cổ tay, đứng dậy vươn người nói: "Còn lại tám mươi mốt người kia có thấm vấn hay không?" Hắn nhìn Ngũ hoàng tử rồi hỏi: "Hoàng tử có muốn để lại quân lệnh ở đây không, lệnh cho Triệu Bạch Ngư thẩm tra kết quả trong vòng mấy ngày gì đó?" Ngủ hoàng tử vui mừng: "Có chứ!" Thái tử cau mày: "Ngũ đệ!" "Nhị ca, huynh cũng khen thành tích của hắn nổi bật mà, ta đây không phải cho hắn một cơ hội lập công để được điều đi bộ Hình sao?" Ngũ hoàng tử sai Triệu Bạch Ngư: "Ta bảo bộ Hộ cho ngươi năm mươi ngàn lượng bạc, ngươi dùng nó tu sửa Nha môn, tuyển thêm nhân công, trong vòng bảy ngày thẩm tra được kết quả! Bảy ngày sau bổn điện hạ tự mình tới xem hình phạt." Triệu Bạch Ngư mặt không gợn sóng đáp ứng, nhưng nội tâm thì bùng nổ tức giận, vì ân oán cá nhân mà lấy tính mạng dân thường làm thương giáo, dù có giỏi nhẫn nhịn đến mức nào thì cũng không thể nào cứ thế ra tay được. Sắc mặt Thái tử hòa hoãn gọi Ngũ hoàng tử đi. Triệu Ngọc Khanh đi chậm lại phía sau, không đồng tình lắm với thái độ hùng hổ dọa người của Ngũ hoàng tử, thấp giọng nói với Triệu Bạch Ngư: "Ngũ hoàng tử chỉ là muốn ngươi ăn bực tức chịu thua thiệt, ta đi cầu tình giúp ngươi, sau này ngươi cứ việc cố gắng làm việc thật tốt để đền tội, bọn họ cũng sẽ bỏ qua chuyện này thôi." Triệu Bạch Ngư: "Cảm ơn.
Khỏi cần." "Ngươi!" Triệu tam lang thấy ánh mắt Triệu Bạch Ngư lạnh như băng, vừa chột dạ vừa nổi nóng: "Coi lòng tốt thành ý xấu, nếu ngươi không phải người Triệu gia thì ai thèm quan tâm đến ngươi?"
Triệu Bạch Ngư hoài nghi: "Vậy có bao giờ ngươi xem ta như đệ đệ của ngươi không?" "Ta —— " Triệu tam lang nghẹn họng, hậm hực bỏ đi. Hoắc Kinh Đường lặng lẽ đi đến bên cạnh Triệu Bạch Ngư làm y giật mình, lúc bấy giờ mới phát hiện Kỷ tri phủ và cả Thôi phó quan đều không còn ở đây nữa, trên công đường chỉ còn lại y và hắn. Triệu Bạch Ngư lui về sau hai bước, chấp tay vấn an nhưng Hoắc Kinh Đường không đáp lại, mắt lưu ly hờ hững khiến y không thể giải thích được cảm giác hoảng sợ khi bị một vị Bồ Tát nhân từ nhìn không chớp mắt. Hoắc Kinh Đường: "Ngươi không sợ cũng chẳng vui, hình như hơi tức giận nhỉ." Triệu Bạch Ngư giương mắt: "Không có." Hoắc Kinh Đường hỏi: "Là vì bảy người mới vừa bị đánh chết, hay là lo lắng bảy ngày nữa không thể báo cáo công việc?" Triệu Bạch Ngư cau mày, yên lặng mấy giây rồi buồn bực nói: "Ta có mạo hiểm liều mạng mất chức cũng sẽ bảo vệ bá tánh cho bằng được." Hoắc Kinh Đường không nhịn được cong khóe môi nhưng lại nhanh chóng hạ xuống, trầm ngâm chốc lát rồi nói: "Bảy ngày hẳn là đủ để các đại thần kia bàn bạc xong về vấn đề bãi bỏ cấm đêm, theo sự hiểu biết của ta về bệ hạ thì hẳn là ông ấy sẽ nghiêng về mở chợ đêm.
Huống chi phần đề án kia viết không tệ, đã xác thực tỉ mỉ những ưu nhược điểm việc mở chợ, tất cả mọi mặt cũng đều được cân nhắc phù hợp, về cơ bản là sẽ không có nhiều người phản đối." "Vậy ý ngài là vẫn sẽ có người phản đối ư?" "Lệnh giới nghiêm từ xưa đã có, mở cửa chợ đêm là một quyết định ngoạn mục nghìn năm mới có, các phương diện hỏa hoạn, trị an chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng sẽ có kẻ nhân cơ hội này kết bè kết phái, tìm cớ gây sự, nhiễu dân, làm hại đến an ninh quốc gia mới là vấn đề lớn.
Nước láng giềng cứ luôn lom lom cái miếng đất Đại Cảnh mình, quân đội cũng thường gặp nhau ở biên giới, một khi mở cửa chợ đêm, nhất định có người lợi dụng lẻn vào Kinh Đô, làm hại Thiên tử.
Cho nên ta đoán sẽ có kẻ mượn lý do này để ra sức ngăn cản bệ hạ bãi bỏ giới nghiêm." Triệu Bạch Ngư có điều suy nghĩ: "Ngài nói xem...!Có thể nhờ vụ án này thúc đẩy bãi bỏ giới nghiêm hay không?" Con ngươi Hoắc Kinh Đường động đậy, ý bảo y nói thử hắn nghe. Triệu Bạch Ngư: "Ta hy vọng Ngũ hoàng tử có thể tố cáo ta một phen trên ngự tiền." Dường như Hoắc Kinh Đường còn suy nghĩ nhiều hơn y, nhưng vẫn gật đầu đáp: "Được." Đáp xong thì khựng lại một chút, cởi chuỗi vòng Phật ra đeo vào cổ tay Triệu Bạch Ngư nói: "Vòng này cao tăng đã làm phép, có thể trừ tà, xua đuổi hết tất cả quỷ yêu lẫn chuyện không may lại gần người." Nói xong liền đi ngay. Triệu Bạch Ngư ngây người nhìn tràng hạt quấn quanh tay mình, trong lòng nảy ra một ý nghĩ, chẳng lẽ Hoắc Kinh Đường cho rằng y sợ oan hồn của bảy phạm nhân bị đánh chết kia nửa đêm đến tìm y đòi mạng? Nhưng đợi đã, những lời hắn mới vừa rồi sao lại giống như nội dung trong đề án y trình lên vậy? Hay vì đề án là do Kỷ tri phủ đưa lên, cho nên hắn tự mặc định y là cấp dưới của Tri phủ nhất định sẽ biết về nó? *** Bảy ngày sau, cuối cùng cũng thẩm vấn ra kết quả, tổng cộng tám mươi mốt người, mỗi người bị phạt tám mươi roi, Ngũ hoàng tử đích thân tới xem hành hình, dĩ nhiên là chỉ ở trong công đường quan sát từ xa mà thôi.
Ngoài công đường, người dân bị tiếng khóc của người nhà phạm nhân thu hút, kéo đến vây lại xem, mới đầu còn chỉ chỉ chõ chõ nói đùa, sau đấy nhìn thấy thi thể đắp vải trắng được khiêng ra liên tiếp nhau, cảm xúc trong lòng hỗn loạn, ánh mắt hướng về Nha môn tràn ngập sự sợ hãi. Ba mươi bảy người chết, máu hòa vào vải trắng, chảy xuống đọng lại trong cái hố trũng nhỏ trên đường, tiếng khóc thanh ai oán vang lên ngập trời cứ như thế giới chẳng còn ánh sáng nữa vậy. Ngũ hoàng tử ngồi xem toàn bộ sự việc, vỗ vai Triệu Bạch Ngư một cái nói: "Nghe lời đấy." Triệu Bạch Ngư: "Điện hạ đảm bảo có thể dìu dắt hạ quan đến bộ Hình, vậy khi nào thì hạ quan có thể đến đó báo cáo?" Ngũ hoàng tử cười to, cười Triệu Bạch Ngư hóa ra cũng chỉ là một kẻ trần tục chạy không thoát khỏi h am muốn thăng quan: "Chờ tin đi." Nói xong liền bỏ đi. Triệu Bạch Ngư đưa mắt nhìn theo bóng lưng Ngũ hoàng tử, thay đổi nét mặt, ánh mắt lạnh lùng trong vắt, nha dịch bèn tới gần hỏi: "Đại nhân, có một nhóm người thân thích của người chết chặn ở bên ngoài Nha môn, có cần phái người đuổi đi không ạ?" "Không cần." Triệu Bạch Ngư nói: "Cứ để họ khóc đi! Khóc cho lớn vào, quậy cho tan tành!" Nha dịch không rõ ý lắm nhưng chẳng dám chống lại mệnh lệnh, để mặc cho đám người thân đó ngày đêm gào khóc ở ngoài Nha môn, lúc buồn bã kích động thậm chí đánh luôn cả quan sai, theo đúng luật phải bắt giam lại nhưng đều bị Triệu Bạch Ngư ngăn cản. Nha môn phủ Kinh Đô là bộ mặt của kinh kỳ, là một nơi đại diện cho pháp trị công chính của Hoàng triều.
Cửa Nha môn bình thường luôn yên tĩnh, nay bị tiếng khóc chấn động rung trời, tất nhiên gây được sự chú ý của Ngự sử đài. Lần trước lúc Ngự sử đài tố sai Triệu Bạch Ngư đã chú ý đến người này, nay được Ngũ hoàng tử ra hiệu, ngay khi lâm triều lần nữa tố cáo Triệu Bạch ngư: "Ba mươi bảy người bị đem ra đường phạt roi đến chết, bên ngoài Nha môn già trẻ trai gái kéo đến chính mắt thấy người thân bị đánh sống dở chết dở, lục phủ ngũ tạng như bị thiêu cháy, đau thương tột độ, quỷ khóc thần gào, ngày đó trời như sập xuống, sương giăng mịt mù! Mà ba mươi bảy người này đều là dân thường, là chủ một nhà, mất đi người trụ cột trong gia đình, người già trẻ nhỏ trong nhà biết dựa vào ai? Nhưng không lẽ chỉ chết ba mươi bảy mạng sao? Còn có vợ con, cha mẹ già không thể tiếp tục sống như thế, chết đâu nữa chừng trăm người! Bệ hạ nhân từ thương dân, quan triều cũng yêu dân như con, vậy mà bá tánh ngay dưới mắt chúng ta lại bị hành hạ tàn nhẫn đến thế! Bệ hạ! Quan lại tiền triều vô cùng tàn nhẫn, tán tận lương tâm, tàn sát người vô tội tạo thành biết bao nhiêu án oan đại ngục cho hơn ngàn người, nắm trong tay đại quyền sinh sát dung túng cho kẻ xấu mưu phản.
Trọng dụng quan ác, để mặc chúng hoành hành chính là lý do tiền triều suy sụp đấy ạ!" Có một viên quan bước ra khỏi hàng tấu lên: "Triệu Bạch Ngư đánh chết ba mươi bảy người ở công đường, thủ đoạn ác liệt, tâm tính tàn nhẫn, tuy không thể so với quan ác tiền triều nhưng vẫn có hình bóng của bọn chúng.
Huống chi Nha môn ta là mặt mũi của kinh kỳ, càng cần phải duy trì hình tượng pháp trị công chính, đồng thời thể hiện khía cạnh nhân từ của triều ta." Lại có quan khác bước ra khỏi hàng: "Thần xin bệ hạ hỏi tội Triệu Bạch Ngư!" Mấy tên quan kia cũng từng người bước ra bẩm: "Thần xin bệ hạ hỏi tội Triệu Bạch Ngư!" Quan triều xin hỏi tội, Nguyên Thú đế chỉ đành đồng ý triệu kiến Triệu Bạch Ngư đến ngự tiền hỏi tội. Chỉ trong một tháng ngắn ngủi, một tiểu quan thất phẩm lại lên ngự tiền hai lần, hai lần diện kiến Hoàng đế, đó là một vinh dự có thể đem đi khoe khoang đến hết đời. Triệu Bạch Ngư chắp tay quỳ xuống đấp, đối mặt với chất vấn của quan triều đáp lại từng câu đúng mực: "Tám mươi phạm nhân đều phạm vào luật cấm đêm, theo lý phải phạt tám mươi roi, hạ quan chấp pháp công bằng, đã sai chỗ nào?" Ngự sử đài: "Thủ đoạn tàn nhẫn, chết mấy chục mạng, ngươi còn cảm thấy chưa sai sao?" Triệu Bạch Ngư: "Người phạm pháp tất bị trừng trị, có luật phải theo, chấp pháp phải nghiêm, vậy ta sai ở đâu?" Ngự sử đài: "Tục nói pháp lý không thể bỏ qua lẽ phải, lại nói pháp bất trách chúng, tám mươi người là chúng, người già yếu và phụ nữ trẻ con đều có, cũng có quá nhiều đàn ông tráng niên, là sức lao động duy nhất của gia đình, nhận lấy hình phạt tám mươi roi, không chết cũng bị thương, tàn tật suốt đời, mất đi sức lao động, mất đi nguồn kinh tế, cả nhà đói bụng còn có thể xuất hiện tình trạng chết đói, thử hỏi cớ sao mà lại ra nông nỗi này?" "Chỉ biết nghiêm khắc chấp pháp, quên mất lẽ phải, không biết châm chước, không biết vu vi, không thông cảm với nhân dân gian khổ, vậy thì có khác gì đồ vật lạnh lùng vô tri vô giác?" Một quan viên nói. " Hàn Phi Tử có nói: Thị phi đi với thưởng phạt, nặng nhẹ gắn với cân nhắc, không trái với lẽ trời, không làm tổn thương tình cảm và tính cách.
Cân nhắc vào tình thế nặng hay nhẹ mà lẽ trời, lẽ phải, pháp lý đều không được thiếu thứ nào, pháp luật ngăn cản đúng sai thị phi, lẽ trời thuật nhân nghĩa lễ trí, lễ ở trước pháp, trước hình, tám mươi phạm nhân phạm tội trong cùng một đêm, theo luật phải phạt.
Nhưng mọi việc đều có nguyên nhân, phạm nhân phần lớn là dân thường, mạo hiểm vì mấy lượng bạc vụn để nuôi già trẻ gái trai trong nhà, ấy là có thêm nhân tố bên ngoài, Đại Cảnh ta khích lệ thông thương, tình hình trong nước cũng bị thúc giục nhưng chế độ ở các chợ phường lại tụt ở phía sau, áp chế sự phát triển mua bán hàng hóa trong Kinh đô, dân thường nghèo khổ nên đuổi theo cái lợi, mạo hiểm phạm cấm đêm âu cũng là chuyện thường tình.
Có câu nói: Tình cảm con người khác xa tình thường, trước khi hạ pháp cần phải nghĩ đến lẽ phải." Không ai ngờ Trần Sư Đạo lại bước ra khỏi hàng, nói đúng trọng tâm lại tựa như chẳng đứng về phía Triệu Bạch Ngư.
"Nhưng quốc có quốc pháp, gia có gia quy, lễ và phép gắn liền với nhau, hỗ trợ lẫn nhau từ trong ra ngoài, không thể bỏ cái nào.
Chỉ có lệnh phải làm mới có thể chấm dứt tất cả.
Mặc dù nguyên nhân của vụ án này xuất phát từ lẽ phải, nhưng cũng không thể nói xử phạt theo luật là sai, mục đích chấp pháp không sai, luật pháp cũng không sai, mà là chế độ chợ phường lạc hậu bị luật pháp ảnh hưởng thụt lùi phía sau! Vậy nên mới tạo ra thảm kịch ngày hôm nay!" "Thà rằng phá lệ cũ lập lệ mới, tránh cho thảm kịch xảy ra lần nữa, còn hơn là truy cứu Triệu Bạch Ngư chấp pháp mà không hiểu lẽ phải." Quan triều phản đối Triệu Bạch Ngư nghe đến đây đều biến sắc, còn tưởng rằng Trần thị lang này công chính liêm minh, thật sự chuẩn bị đại nghĩa diệt thân, ai ngờ ông ta chỉ chờ có thế này đâu! Muốn đẩy phải kiềm, lạt mềm buộc chặt đúng không? Đáng tiếc sai lầm rồi, hôm nay bọn họ chính là muốn ép cho Triệu Bạch Ngư mang tiếng quan ác, không tin rằng cả triều văn võ mà không làm gì được một tên quan thất phẩm bé tí như tôm tép! Có chiếc thuyền mang tên Trịnh quốc công, một viên quan muốn nhân cơ hội này trả thù bước ra khỏi hàng, chưa kịp mở miệng, lại thấy Trần Sư Đạo chợt quỳ xuống đất, dập đầu phát ra tiếng vang lớn, lão bị dọa cho sợ đến nỗi quên mở miệng, bỡ lỡ một cơ hội tốt, giọng nói của Trần Sư Đạo vang lên mạnh mẽ, bẩm: "Thần xin bệ hạ hủy bỏ giới nghiêm, mở cửa chợ đêm, bãi bỏ luật lệ cấm đêm!" Trừ một vài đại thần, những người còn lại đều không khỏi ngạc nhiên, chẳng hiểu vì sao từ vụ án chinh phạt Triệu Bạch Ngư lại nhanh như gió chuyển thành nghị sự hủy bỏ giới nghiêm, mở cửa chợ đêm, căn bản không phải cùng một việc...!Mặc dù nó có hơi liên quan thật. Nhưng mà —— Một bước này quá nhanh, bọn họ không theo kịp! Công bộ Thị lang Phạm Văn Minh bước ra khỏi hàng: "Trần thị lang nói có lý, huống chi nên lấy lý do gì để buộc tội Triệu thiếu doãn? Nếu như Triệu thiếu doãn có tội, vậy có phải là nói quốc pháp sai rồi không? Cứ mãi vạch lá tìm sâu không bằng giải quyết vấn đề trước mắt.
Hủy bỏ giới nghiêm, mở cửa chợ đêm là hành động vĩ đại nghìn năm mới có, người xưa đã không thể hoàn thành sự nghiệp muôn đời, thần xin bệ hạ bãi bỏ luật lệ cấm đêm và giới nghiêm!" Sau đó có vài triều thần cũng bước ra khỏi hàng, cùng bẩm lên thỉnh Hoàng đế hủy bỏ giới nghiêm. Ngũ hoàng tử xem cả quá trình không lên tiếng nhưng sắc mặt đã rất khó coi, Thái tử mím môi cau mày, mới vừa bước một chân ra chuẩn bị phản đối, đã thấy Triệu Bá Ung cũng bước ra khỏi hàng bẩm lên, tinh thần không khỏi chấn động, rồi hắn chợt ngẩng đầu lên nhìn Nguyên Thú đế, quả nhiên không tìm thấy được chút cảm giác bất ngờ hay tức giận nào. Phản ứng này nói rõ phụ hoàng đã sớm có ý bãi bỏ cấm đêm, đại thần bên cạnh cũng đều đoán được Thánh ý, khổ nổi không bắt được thời cơ thuyết phục triều thần, vừa hay có vụ án của Triệu Bạch Ngư được đưa lên, tranh cãi về dùng pháp không độ lượng và ân huệ tình lý trái lại dẫn đến bãi bỏ giới nghiêm, như vậy vừa hợp lý bãi bỏ luật cấm đêm, vừa ngăn chặn thảm án tương tự xảy ra, có thể nói là một lần vất vả, nhàn nhã suốt đời. Nói như thế vụ án này cũng nằm trong dự liệu của phụ hoàng và cả các Tể tướng sao? Trần Sư Đạo rời hàng bẩm báo là ngẫu nhiên thuận theo Thánh ý, hay là được người khác chỉ điểm? Triệu Bạch Ngư có biết hay không —— không, y hẳn là không biết, vụ án này dù sao cũng là do Ngũ đệ xúi giục, không có ai dẫn dắt, không ai thúc đẩy, chẳng lẽ tất thảy đều là trùng hợp sao? Trùng hợp liên tục như thế? Sao lại kì lạ quá vậy? Thái tử nghĩ mãi mà chẳng ra, nhanh chóng bị lo lắng chiếm đoạt tinh thần, sao các đại thần biết được tâm tư của Nguyên Thú đế, còn hắn lại chẳng phát hiện được gì? Đại thần góp lời tất nhiên sẽ ra hiệu, nhưng vì sao mà đến tiếng gió hắn cũng chẳng thể nghe thấy? Tim Thái tử đập rộn không dứt, còn Ngũ hoàng tử thì nổi nóng rồi, gã muốn ra lên án mạnh mẽ Triệu Bạch Ngư, nhưng Lý Đống - lý do lần trước dùng để tố y lại là người của bộ Hộ, nếu nói ra thì ý nhắm vào Triệu Bạch Ngư là quá rõ ràng. Đương lúc do dự, giọng nói tấu thỉnh hủy bỏ giới nghiêm trên triều càng lúc càng nhiều, dĩ nhiên không phải không có phản đối, hai phe nói có sách mách có chứng, giằng co cãi vã, nhanh chóng quên mất chuyện của Triệu Bạch Ngư. Ngũ hoàng tử tức giận trừng mắt nhìn Triệu Bạch Ngư, lại thấy y nhìn hắn nở nụ cười khiêu khích, nhất thời giận mà không có chỗ phát tiết nên chỉ đành nhịn lại.