Địa Ngục Tầng Thứ 19

Chương 4: Tầng 4 địa ngục



[phần 1]

Bảy giờ sáng, Xuân Vũ từ từ thức dậy. Cô sờ lên đầu mình, đã rất lâu chưa ngủ một giấc say như thế này.

Cô trèo xuống giường, mới nhận ra không thấy Văn Nhã đâu. Cô thử sờ vào chăn đệm của Văn Nhã, vẫn còn hơi âm ấm.

Xuân Vũ nhíu mày, không chải đầu vội, chạy ra mở cửa phòng. Bên ngoài, hành lang giá buốt như đóng băng, gió lạnh sớm mai thốc vào y phục phong phanh của cô.

Bỗng có tiếng kêu thảm thiết từ phía nhà vệ sinh vọng lại, khiến Xuân Vũ nhói tim, cô nghiêng đầu nhìn về hướng ấy. Một bạn nữ đang hốt hoảng chạy từ trong đó ra, đầu tóc tả tơi trông thật đáng sợ. Lúc bạn này chạy đến cửa phòng Xuân Vũ thì cô ngăn lại.

Xuân Vũ nhận ra cũng là một bạn nữ học cùng chuyên ngành. Cô bạn nhìn thấy Xuân Vũ thì lại càng kêu thét hãi hùng hơn, cứ như là gặp ma. Bị người ta coi mình như kẻ chuyên mang đến điều rủi ro, thực không dễ chịu gì, Xuân Vũ cố nén đau khổ, nắm chặt bả vai cô bạn, hỏi: “Cậu nhìn thấy gì trong nhà vệ sinh?”

Cô gái mở to mắt, nói: “Trong… trong nhà vệ sinh có ma!”

Lẽ nào lời đồn đại nhà vệ sinh có ma lại là sự thật? Xuân Vũ buông lỏng tay, cô ta nhân đó vùng ra, chạy mất hút khỏi hành lang.

Xuân Vũ nhìn về phía khu vệ sinh, rồi khoác thêm áo, lao về phía ấy.

Cô đi gần như chạy trên tuyến hành lang giá lạnh buổi sớm mai, đến trước cửa khu vệ sinh, rồi gọi to: “Có ai trong đó không?” Nhưng bên trong không thấy có phản ứng gì, cô thận trọng bước vào.

Hình như không có ai cả, chỉ nghe thấy tiếng nước tí tách không ngừng. Có điều, cả 6 khoang nhỏ đều đang đóng cửa, chẳng rõ bên trong có gì không.

Cô thở hít thật sâu, để lấy lại bình tĩnh đã, rồi mở cánh cửa thứ nhất. Bên trong trống không.

Rồi cô lần lượt mở các cánh cửa, cũng không thấy có gì khác thường.

Chỉ còn cánh cửa cuối cùng.

Đứng trước cánh cửa gỗ cũ kỹ nham nhở, tim cô bỗng vô cớ đập rất nhanh, hình như “tiểu ma nữ Hanako” đang nấp trong đó.

Rồi cô cũng đánh bạo mở cánh cửa cuối cùng ra.

Một cô gái tóc dài đang ngồi đó.

Xuân Vũ không nhìn rõ mặt, chỉ thấy mái tóc rối bù xù, xõa che cả bộ váy ngủ màu trắng – cũng giống như trang phục mà Tố Lan ở phòng bên mặc lúc treo cổ tự tử.

Nếu ai đó ngẫu nhiên mở cửa ra nhìn thấy một người đang ngồi như thế này, chắc cũng phải sợ chết khiếp.

Người đó bỗng từ từ ngẩng đầu lên, tóc rã rượi che gần hết khuôn mặt, chỉ nhìn thấy một con mắt mà lòng trắng choán gần hết. Là con ác ma nhà vệ sinh hay sao?

Nhưng Xuân Vũ lập tức nhận ra không phải ma quỷ, mà rành rành là Hứa Văn Nhã.

Cô gọi to “Văn Nhã” nhưng vô ích, Văn Nhã vẫn ngồi im chỗ đó, lạnh lùng nhìn cô bằng một con mắt. Không chịu nổi nữa, cô kéo Văn Nhã đứng dậy, nhưng cái thân hình còm nhom ấy cứ co rúm lại, tóc xõa che kín, cứ như là không có mặt có đầu.

Tiếng nước tí tách khiến người ta tâm trí rối bời, Xuân Vũ chỉ còn cách cố dìu Văn Nhã ra khỏi nhà vệ sinh. Có vài bạn nữ đứng lấp ló trước cửa nhìn thấy 2 cô, phát hoảng kêu rú lên và bỏ chạy.

Xuân Vũ gỡ đám tóc xõa của bạn, khuôn mặt như trẻ con của Văn Nhã hiện ra, đôi mắt mở to đầy sợ hãi đang chằm chằm nhìn cô, hình như đằng sau cô còn có một thứ gì đó.

“Con khỉ! Con khỉ!” Văn Nhã rú lên, tiếng kêu như xé phổi, âm thanh như không phải của cô mà là phát ra từ một không gian khác!

Xuân Vũ chợt nhớ đến cảnh tượng đáng sợ mình đã trải nghiệm cách đây nửa năm, lẽ nào Văn Nhã cũng…

Rồi Văn Nhã vận hết sức khua đôi tay lên, vùng ra khỏi tay Xuân Vũ, chạy về một phía của hành lang. Xuân Vũ nhìn theo thân hình loắt choắt ấy đang chạy như bay, thật giống một con khỉ. Một vài bạn nữ có lẽ bị thức giấc, lò dò bước ra cửa phòng, bị Văn Nhã xô phải, ngã dúi xuống đất.

Xuân Vũ kiệt sức không thể đuổi theo nữa, cô tựa vào cửa sổ nhìn theo bóng Văn Nhã chạy ra khỏi ký túc xá, vừa chạy vừa hét lên ghê rợn khiến các bạn nữ quanh đây đều sợ mất vía.

Khi chạy đến trước cửa nhà ăn, Văn Nhã gặp một thầy giáo. Đôi tay rắn chắc của thầy đã túm chặt lấy cô, dù vùng vẫy thế nào cô cũng không thể thoát ra được. Một đám đông sinh viên từ trong nhà ăn chạy ra, ngó nhìn cứ như xem một kẻ tâm thần.

Vài sinh viên giúp thầy giáo giữ chặt Văn Nhã rồi đưa cô đi. Xuân Vũ nhìn rõ tất cả.

Hứa Văn Nhã đã phát điên thật ư?

Xuân Vũ quay đầu lại nhìn hành lang, có nhiều bạn nữ đang thò đầu ra nhìn cô, chỉ trỏ bàn tán. Xuân Vũ chỉ còn biết cúi gằm mặt, nhưng cô không trở về phòng, mà quay lại nhà vệ sinh. Vì cô muốn tìm hiểu rõ lúc nãy trong đó đã xảy ra chuyện gì với Văn Nhã? Tại sao bạn ấy lại bất chợt trở nên đáng sợ như thế?

Quả nhiên cô thấy ở thềm xi măng bên rãnh nước chảy có một chiếc máy di động Siemens. Cô nhận ra đây là di động của Văn Nhã.

Cô xé vài mảnh giấy vệ sinh bọc vào chiếc máy rồi cầm lên, màn hình vẫn đang sáng, có một tin nhắn chưa đọc.

Ngón cái nhấn phím, cô run run đọc mẩu tin này:

“GAME OVER”.

[phần 2]

Hứa Văn Nhã đã phát điên thật.

Lúc sáng sớm, các thầy giáo đưa Văn Nhã đến phòng y tế của trường, cô cứ luôn miệng lảm nhảm và không ngớt kêu lên “con khỉ”. Nhà trường hết cách, đành đưa cô đi viện. Các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ Văn Nhã đã mắc chứng tâm thần phân liệt, phải nằm viện điều trị.

Các thầy lại đến tra hỏi Xuân Vũ, hỏi suốt một buổi sáng; tuy cô đã kể lại toàn bộ tình hình nhưng các thầy vẫn chưa thật hài lòng, không thể giải thích nổi tại sao Văn Nhã bỗng dưng phát điên. Thậm chí có thầy còn ngờ rằng, phải chăng nửa năm trước Xuân Vũ đã từng bị như thế, nên đã “lây nhiễm” chứng này sang Văn Nhã là bạn cùng phòng?

Đương nhiên, cách nghĩ này thật là buồn cười, vì bệnh tâm thần không phải bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, tâm trạng sợ hãi của con người thì đúng là có thể lây lan. Liệu có phải Thanh U tự sát đã khiến Văn Nhã hết sức khiếp sợ, rồi dẫn đến tâm thần phân liệt? Tuy khả năng này là rất lớn, nhưng nhiều người đều tin rằng còn có nguyên nhân khác. Nguyên nhân ấy tựa như u linh ẩn náu ở một góc nào đó trong khu ký túc xá nữ sinh, khiến họ phải lo âu kinh hãi.

Đến chiều các thầy đã ra về, Xuân Vũ giống như phạm nhân vừa được tha, cô nhoài bên thành cửa sổ hít thở thật mạnh, cứ như bị mất tự do từ rất lâu.

Lúc này trong bệnh viện, Văn Nhã đang làm gì? Có phải vẫn đang kêu lên “con khỉ” hay là đang đi men tường trong phòng? Xuân Vũ chẳng muốn nhớ lại những chuyện mình đã trải qua, nhưng đâu dễ gì mà quên nổi?

Xuân Vũ có thể lý giải, có thể hiểu tại sao Văn Nhã lại hóa điên. Tuy nhiên, điều bí ẩn duy nhất là: tin nhắn cuối cùng trên di động của Văn Nhã “GAME OVER”, nó có vai trò gì?

Còn đối phương gửi tin này, là số máy mà Xuân Vũ rất quen:

Số xxxxx741111.

Cô đờ người ra, rồi lập tức tra lại các tin nhắn khác trong máy này, thì không có tin nào được lưu lại, chỉ còn độc một tin nhắn cuối cùng.

Giờ này, chiếc di động ấy đang nằm trong tủ cùng với các vật dụng khác, để nhà trường bàn giao lại cho gia đình Văn Nhã.

Nỗi lo lắng của Xuân Vũ đã trở thành sự thật. Trong cái đêm Thanh U qua đời, Xuân Vũ cũng nhìn thấy trong di động của bạn có mẩu tin nhắn như thế. Hôm qua, anh sĩ quan công an cho cô biết trong di động của Tố Lan để lại cũng có dòng chữ “GAME OVER”.

GAME OVER = trò chơi kết thúc.

Đúng rồi, Thanh U chết tức là GAME OVER, nay Văn Nhã hóa điên cũng là GAME OVER, tiếp theo sẽ là ai phải GAME OVER?

Rõ ràng là các tin nhắn đều gửi từ cùng 1 máy di động có số xxxxx741111. Có thể suy ra rằng, cái chết của Thanh U, Tố Lan, và Văn Nhã phát điên đều có mối liên quan mật thiết với số máy này.

Chính Xuân Vũ lại đêm đêm bị số máy này đưa vào “địa ngục”, chơi các GAME từa tựa như “tin nhắn”. Nghĩ đến đây, người cô run lên bần bật, quay lại nhìn căn phòng. Cả phòng có 4 nữ sinh, đã chết một cô, nay một cô lại hóa điên. Một thứ không khí đáng sợ như một trận dịch hạch đang tràn ngập khắp nơi này.

Xuân Vũ nhìn thấy cuốn sách trên đầu giường cô: cuốn sách mượn ở thư viện “Truyền thuyết về địa ngục sơ kỳ văn minh nhân loại”.

Mấy hôm nay xảy ra ngần ấy chuyện đáng sợ nên chẳng còn tâm trí nào mà mở ra đọc. Bây giờ thử lật vài trang, quả là không sao đọc nổi. Cô nhớ đến lời hứa hôm đó, có người đang chờ để đọc, mình đã không đọc thì nên đưa cho người ta đọc.

Cô đương nhiên không thể quên người ấy.

Cao Huyền, khoa Mỹ thuật.

Xuân Vũ gắng gạt bỏ những chuyện không vui sáng nay, cô cầm cuốn sách bước ra khỏi phòng.

[phần 3]

Trường đại học này có vài chục khoa với hàng vạn sinh viên. Toàn khu nhà trường cứ như một mê cung. Xuân Vũ chưa bao giờ đến khoa Mỹ thuật nên dọc đường cô phải hỏi thăm mấy lần, mất hơn nửa giờ mới tìm ra khoa này ở một khu vực khá xa.

Tòa nhà của khoa Mỹ thuật trông vô cùng bề thế, từ kiểu dáng thiết kế cho đến vật liệu kiến trúc đều theo phong cách tân kỳ, phía trước bày rất nhiều tượng và phù điêu hiện đại, nam thanh nữ tú ra vào nơi này đều rất có chất “nghệ sĩ”. So với họ, khoa của Xuân Vũ có vẻ quá đơn sơ, mộc mạc.

Lúc này cô thoáng chút hối hận, lẽ ra mình nên ăn mặc sáng sủa hơn một chút, để phù hợp với “đẳng cấp” nơi này. Cô cúi đầu, bước vào tòa nhà. Phía trước đang treo tấm áp-phích quảng cáo triển lãm. Thì ra ở đây đang có cuộc triển lãm của sinh viên, sinh viên được vào xem miễn phí.

Tòa nhà này thiết kế quá mới mẻ, Xuân Vũ không tìm ra lối đi, có lẽ chỉ còn cách đi qua đại sảnh đang bày triển lãm mới vào trong được.

Từ nhỏ cô đã rất thích vẽ, hồi học trung học đã xem nhiều tranh hoạt họa, cũng rất mê các thiếu nữ trong phim hoạt hình. Khi vào đại học cô bỗng thấy mình thật ấu trĩ, nên không bao giờ để ý đến chúng nữa. Đối với “nghệ thuật cao nhã” của khoa Mỹ thuật, thì cô lại càng “kính nhi viễn chi”! (coi trọng nhưng tránh xa)

Xuân Vũ chầm chậm bước vào đại sảnh, trên tường treo rất nhiều tranh, chúng đều được bố trì đèn rọi ánh sáng dìu dịu, phía dưới là lời giới thiệu ngắn gọn. Triển lãm này có vẻ khá bài bản.

Thực tình cô không hiểu những bức tranh này, nội dung đa phần quá trừu tượng, chỉ là đủ thứ màu sắc vô nghĩa tập hợp với nhau, hình như “hễ không thể hiểu nổi thì mới là nghệ thuật”!

Lúc này, phòng triển lãm thực quá vắng vẻ, có thể là vài hôm trước người ta đã đến xem rồi, cho nên chỉ thấy lác đác vài người. Xuân Vũ có thể nghe thấy tiếng bước chân của mình. Cô không muốn xem tiếp, bèn đi thẳng vào phía trong, hình như có thứ gì đó vừa lọt vào tầm mắt. Cô từ từ ngoảnh nhìn sang bên, thấy một bức tranh treo trên tường…

Đó là 1 bức tranh sơn dầu mỗi chiều khoảng 1 mét, vẽ những đám mây đen, dưới mây là núi xám, đỉnh núi cao nhọn hoắt như mũi dao, sườn núi có lẽ là rừng cây um tùm màu tối, cảnh tượng lạnh lẽo âm u theo lối châu u giữa thế kỷ. Khoảng giữa bức tranh là hơn chục cây to thân cành khô héo không một chiếc lá, chúng khẳng khiu uốn rẽ thành những hình thù quái dị vươn lên trời, có vài người đang bị treo trên mấy cành cây, đều là người u, phần lớn đều không mặc quần áo, biểu hiện cái đẹp truyền thống của mỹ thuật thể hình châu u. Dưới gốc cây là những đống lửa đang cháy ngùn ngụt, những người bị treo trên cây đang đau đớn vì ngọn lửa thiêu đốt, có người đã bị thui mất chân, có người đã bị đốt chỉ còn trơ bộ xương.

Xuân Vũ nhìn thấy ở góc phải bên dưới bức tranh có mấy cô gái người u bị treo trên cây, hai tay bị trói ngoặt lại, mái tóc vàng rũ rượi, lửa đang đốt dưới chân họ.

Chính là bức tranh này!

Xuân Vũ vội mở di động để xem bức ảnh màu đêm qua cô nhận được bằng tin nhắn. Cô đối chiếu với bức ảnh đang treo. Đúng, bức ảnh màu trong máy chính là một phần ở góc phải bức tranh này. Giống hệt nhau, chắc là đã được chụp từ đây.

Bức ảnh màu nhận bằng tin nhắn đêm qua, là “phần thưởng” cho cô sau khi đã đi qua mê cung. Tại sao đối phương lại chọn phần này của bức tranh?

Phát hiện bất ngờ này khiến con tim Xuân Vũ đập liên hồi.

Cô lại nhìn kỹ bức tranh đang treo trên tường, màu sắc và khung cảnh đều toát ra một không khí âm u. Dưới những nét vẽ màu dầu, mỗi nhân vật đều đang phải chịu đựng đau khổ, tạo cho người xem một ấn tượng thị giác rất mạnh, hoặc ít ra là Xuân Vũ, cô thấy kinh ngạc sững sờ.

Cả đại sảnh triển lãm càng trở nên tĩnh lặng, xung quanh hầu như chẳng còn ai, Xuân Vũ lặng lẽ thở ra một hơi dài rồi bước lại gần bức tranh.

Phía dưới có mấy chữ giới thiệu vắn tắt:

“Tầng 3 địa ngục”, Mazolini (Ý). Vẽ lại: Cao Huyền.

[phần 4]

Xuân Vũ bỗng hít vào một hơi thật sâu, bức tranh này đặt tên là “Tầng 3 địa ngục”, còn cô, đêm qua vừa đi qua tầng 3 địa ngục trong chuỗi tin nhắn. Thảo nào họ trao giải cho cô là một phần của bức tranh này.

Mazolini (Ý), chắc là tác giả, nhưng cô chưa từng nghe nói đến nhà họa sĩ này.

Mấy chữ “Vẽ lại: Cao Huyền” khiến cô cảm thấy bất ngờ. Cô đến khoa Mỹ thuật để tìm Cao Huyền, có phải là người này không?

Bức tranh này là do chàng trai cô mới quen ở thư viện vẽ lại hay sao? Cô không rõ mình đang kinh ngạc hay là vui mừng. Cô đưa tay bưng miệng, sợ mình sẽ kêu to, phá vỡ sự tĩnh mịch ở nơi đây.

Xuân Vũ không nén nổi đưa tay ra sờ vào bức tranh. Khi ngón tay cô vừa chạm vào, cô bỗng cảm thấy như có luồng điện từ bức tranh truyền vào tay rồi lan khắp cơ thể.

Mọi bức tranh sơn dầu đều có bề mặt hơi gợn nham nháp, là do các lớp thuốc vẽ dày mỏng không đều tạo thành. Chúng như làn da của người già với những nếp nhăn, dấu ấn của thời gian.

Khi cô đang sờ tay vào bức tranh, thì phía sau lưng có tiếng chân bước lại, một giọng nói cất lên:

“Cô ơi, không được sờ vào tranh!”

Giọng nói của một nam giới trẻ tuổi, khá điềm đạm ôn hòa.

Xuân Vũ lập tức rụt tay lại, ngượng nghịu cúi đầu. Đúng thế, cô đã quên mất quy tắc khi vào xem triển lãm tranh: “Không được sờ vào hiện vật!”

Anh ta đã đi đến bên cô, dừng lại rồi nói: “Xin lỗi, nếu tôi không nhớ nhầm thì hình như tôi đã gặp cô?”

Xuân Vũ chưa hiểu rõ ý, cô từ từ ngẩng đầu lên, và đã nhận ra đôi mắt sâu thẳm hình như có 2 đồng tử ấy.

Chính là anh – người mà cô đã gặp ở thư viện, chàng trai có đôi bàn tay nuột nà và khuôn mặt sáng sủa, cùng đôi mắt sáng đầy sức hấp dẫn.

Anh là Cao Huyền.

Cao Huyền nhìn Xuân Vũ, mỉm cười: “Thì ra là em? Sao lại có hứng thú đến xem triển lãm tranh của bọn anh thế?”

“Xin lỗi… em không cố ý sờ vào tranh…” Không hiểu sao Xuân Vũ bỗng thấy rất hồi hộp, cô chỉ vào bức tranh sơn dầu “Em chỉ bất chợt không nén được… quên mất quy định cấm đụng vào hiện vật!”

“Thôi, không sao. Chỉ là bức tranh sao chép, có đáng gì đâu. Nhưng nếu là một tác phẩm quý giá, thì em có thể sẽ bị phiền hà to!”

Xuân Vũ đỏ mặt. Cô giơ cuốn sách ra: “Em đến để đưa cuốn sách này cho anh đọc!”

“À, cuốn sách này… suýt nữa thì anh cũng quên mất!” Anh đón lấy cuốn “Truyền thuyết về địa ngục sơ kỳ văn minh nhân loại”. “Em tài thật, đã đọc xong nhanh thế kia à? Sách này đâu có hợp với các cô gái…”

Nghe xong câu này, mặt Xuân Vũ càng đỏ bừng: “Thực ra, em không thể đọc hiểu nó, em cho rằng anh cần nó hơn.”

Cao Huyền lại mỉm cười, cái lúm đồng tiền hiện lên rất rõ. Tim Xuân Vũ càng đập mạnh hơn.

Cô chợt nhớ đến một điều gì đó, cô chỉ vào bức tranh: “Anh đã vẽ nó à?”

“Hồi ở châu u, anh đã chép lại nó ở Viện mỹ thuật. Tác phẩm đó của họa sĩ người Ý tên là Mazolini.”

Anh ấy đã từng đi vẽ ở châu u! Xuân Vũ thầm trầm trồ thán phục, nhưng không thể hiện ra giọng nói: “Tại sao lại đặt tên là Tầng 3 địa ngục? Cái tên này nghe mà sợ!”

“À, cũng có nguyên nhân đấy, nhưng nói ra thì dài, để lần sau anh sẽ kể cho mà nghe.”

Lại có lần sau? Xuân Vũ khẽ gật gật đầu, chắc chắn là còn có lần sau.

Cao Huyền nhìn thẳng vào mắt Xuân Vũ, nói: “Thực ra anh đã đứng xa nhìn em rất lâu rồi. Anh thấy em lặng lẽ đứng trước bức tranh, chiếc áo khoác màu đen trang trọng của em rất phù hợp với gam màu trầm lắng của bức tranh này. Có lẽ em không để ý rằng ánh sáng hắt từ bên cạnh em ở góc này, sẽ tạo nên hiệu quả đặc biệt, tựa như có một lớp sáng kỳ lạ của sơn dầu bao bọc lấy khuôn hình của em. Ánh mắt em đang chăm chú nhìn vào tranh rất giống những thiếu nữ trong tranh sơn dầu thời kì Phục hưng – cổ điển, trầm tĩnh nhìn vào nhà họa sĩ. Tác phẩm của các bậc thầy, đều nhờ vào ánh mắt đẹp mê hồn của các người mẫu mà sáng tạo nên.”

Nghe Cao Huyền thao thao bất tuyệt một hồi, Xuân Vũ càng thấy bẽn lẽn ngượng ngùng, mọi ngày cô cũng từng nghe người khác đánh giá về mình, nhưng đứng trước chàng trai này cô như đã biến thành người khác. Cô hấp tấp nói: “Xin lỗi, em đã đưa anh cuốn sách, em có thể về được chưa?”

“Tất nhiên rồi!” Cao Huyền đưa tay gãi gãi đầu. “Hình như anh đã nói hơi nhiều, xin lỗi nhé. Có lẽ vì anh quá mải mê với tranh sơn dầu, nên mỗi khi gặp cô gái nào, anh thường hay tưởng tượng đến cảnh họ ngồi trước giá vẽ. Dáng vẻ em đứng xem tranh lúc nãy, rõ ràng là một kiệt tác tranh sơn dầu.”

“Cảm ơn anh. Chưa từng có ai khen ngợi em như thế đâu!”

Xuân Vũ mỉm cười, rồi quay người bước ra phía ngoài đại sảnh.

Cao Huyền đi theo phía sau: “Xin lỗi, anh chưa biết tên em?”

“Em là Xuân Vũ ạ.”

Cô không ngoảnh lại, trả lời rồi bước tiếp.

“Nghĩa là ‘mưa xuân lất phất’ phải không?”

Câu này của Cao Huyền khiến cô hơi sững sờ. Anh ấy diễn tả tên mình cứ như đọc thơ, không thể không cảm thấy rung động. Nhưng cô vẫn cúi đầu đi tiếp, rồi rảo bước ra khỏi tòa nhà của khoa Mỹ thuật.

Lúc này có 2 nữ sinh xinh tươi bước vào khu nhà, và thấy ngay Cao Huyền. Họ mừng rỡ cất tiếng: “Chào thầy Huyền ạ!”

Anh chỉ mỉm cười gật đầu. Hai cô gái trìu mến nhìn theo anh, nhưng anh đã trở lại vẻ nghiêm túc, khiến 2 cô có phần hẫng hụt rảo bước bước đi. Xuân Vũ cũng nhìn thấy “cái màn” này, cô vốn ngỡ Cao Huyền đang là một nghiên cứu sinh, không ngờ anh lại là thầy giáo của khoa Mỹ thuật. Chưa biết chừng còn là một họa sĩ của trường phái học viện cũng nên.

Xuân Vũ nhớ lại hôm cùng với Thanh U đến “nhà ma”, thì Văn Nhã và Tiểu Cầm nói là “đi ngắm anh chàng điển trai”, có nhắc đến “thầy Cao Huyền”, chắc chính là Cao Huyền này! Thảo nào anh ta rất có duyên với các thiếu nữ.

Nhưng lúc này… tại sao mình lại toàn nghĩ ngợi lan man? Xuân Vũ tự chế nhạo mình. Trời còn chưa tối hẳn. Cô rảo bước, rời tòa nhà khoa Mỹ thuật.

[phần 5]

Buổi tối.

Một mình Xuân Vũ ngồi trong phòng ký túc xá, ngẩn ngơ nhìn 2 cái giường hai bên bỏ trống – giường của Thanh U và Văn Nhã. Cô bỗng nhớ đến Tiểu Cầm. Lúc này bạn ấy đi đâu?

Cửa phòng bất chợt bị mở ra, một cô gái cao và gầy bước vào.

“Tiểu Cầm!”

Vừa nghĩ đến, Tiểu Cầm đã xuất hiện ngay, Xuân Vũ thấy rất bất ngờ. Nhưng hôm nay xảy ra bao chuyện, lúc này cô không biết nên nói gì cho phải. Tiểu Cầm sắc mặt nặng nề bước vào, nhìn chiếc giường của Văn Nhã, nói: “Tớ đã biết chuyện về Văn Nhã.”

“Xin lỗi, mình…”

“Cậu khỏi cần giải thích. Chuyện đó không ai có thể giải thích nổi. Có lẽ sẽ mãi mãi là điều bí ẩn, như chuyện ở tòa nhà ma.” Tiểu Cầm nhìn Xuân Vũ bằng ánh mắt hiền hòa hơn. “Chúng ta nên dọn khỏi căn phòng này, mình thấy nơi này chẳng mấy sạch sẽ, chắc chắn là đang có hồn ma gì đó ẩn nấp.”

Các cô sinh viên đại học thường hay kể cho nhau nghe đủ các loại chuyện ma, Tiểu Cầm luôn rất tin vào những điều ấy. Nhưng Xuân Vũ đã trải qua sự kiện ở thôn vắng, nên cô lắc đầu: “Không, mình không thể đi khỏi đây. Vì Thanh U và Văn Nhã, mình nhất định phải tìm cho ra điều bí ẩn.”

“Bí ẩn nào?”

“Địa ngục tầng thứ 19 là gì?”

Vẻ mặt Tiểu Cầm bỗng ngây ra, cô cũng nhớ ra cái đêm hôm nọ Thanh U đi vòng quanh trong phòng rồi nói cái câu này. Cô lại nhìn vào giường Thanh U, nói: “Ý cậu là, câu hỏi đó có liên quan đến cái chết của Thanh U à?”

“Đúng! Ít hôm nay mình vẫn nghĩ ngợi, tầng 19 địa ngục – thực ra là gì?”

“Bình thường người ta vẫn nói đến 18 tầng địa ngục, chứ chưa ai nói là địa ngục có 19 tầng. Nếu cậu cứ muốn tìm câu trả lời thì chỉ còn cách đi xuống địa ngục một chuyến!”

“Thì Thanh U đã xuống đấy rồi thôi!”

“Đừng nói vớ vẩn nữa!” Tiểu Cầm ngắt lời Xuân Vũ, rồi trèo lên giường của mình. “Tớ thu dọn vài thứ đồ đạc. Mấy hôm nữa tớ xin nghỉ vài ngày, tớ sẽ về nhà tớ. Nhà tớ rất gần trường, nếu tiếp tục ở lại đây, sớm muộn gì tớ cũng sẽ bị bệnh tâm thần như Văn Nhã mất thôi!”

Chỉ lát sau Tiểu Cầm đã trèo xuống, cầm theo một cái bọc to. Cô bước ra cửa, nói: “Cậu đừng gọi di động cho tớ! Nhìn thấy số máy của cậu, tớ sợ lắm!” Xuân Vũ định nói câu gì đó nhưng Tiểu Cầm đã quay ra, đi luôn, chỉ còn làn gió lạnh lùa vào phòng.

“Họ đã đi cả rồi…”

Chỉ còn một mình ngồi trong phòng, Xuân Vũ ôm đầu khóc thút thít, chẳng khác gì đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi. Lúc này cô quá mong có người cùng trò chuyện. Nỗi cô quạnh là kẻ thù lớn nhất trong những đêm dài dằng dặc. Bỗng nhiên cô nhớ đến đôi mắt của Cao Huyền.

Không! Xuân Vũ lắc đầu thật mạnh. Mình hãy quên đôi mắt ấy, mình phải mau đi ngủ, đừng nghĩ lan man nữa.

Xuân Vũ sạc pin cho máy di động, rồi nhanh chóng tắt đèn đi ngủ. Có lẽ vì hôm nay quá mệt, chỉ lát sau cô đã ngủ ngay.

Chẳng rõ bao lâu sau, tiếng chuông di động vang lên khiến cô thức giấc. Từ từ mở đôi mắt ngái ngủ, nhìn lên trần nhà đen kịt, Xuân Vũ cảm thấy hơi váng đầu. Cô xem màn hình di động, quả nhiên vẫn là số máy kia.

Số xxxxx741111.

Lúc này đúng 12 giờ đêm. Nhìn cái số điện thoại bí hiểm này, Xuân Vũ thở dài có phần tuyệt vọng, lẽ nào nó thật sự là cơn ác mộng cứ bám riết lấy mình?

Cô dừng ngón cái, nghĩ ngợi. Có nên đọc tin nhắn nữa không? Hay là xóa luôn? Do dự mất một lúc, ngón cái của cô đã trả lời – cô lại mở ra xem.

“Bạn đã bước vào tầng 4 địa ngục, đã đi qua Phủ tiến sĩ rất thuận lợi. Hãy lựa chọn: 1. Lâu đài Dracula; 2. Chùa Lan Nhược; 3. Khách sạn Jamaica; 4. Quán trọ U Linh.”

Đọc tin nhắn này, Xuân Vũ thật sự không ngờ mình đã suôn sẻ đi qua cái Phủ tiến sĩ cực kì đáng sợ ấy.

Có điều, lúc này cô phải đối mặt với 4 địa điểm có thể còn đáng sợ hơn cả Phủ tiến sĩ. Nhưng cô không còn lối thoát nữa. Sau một lát chần chừ, cô chọn “3. Khách sạn Jamaica.”

Cũng như mấy hôm trước, rất nhanh, Xuân Vũ đã nhận được tin trả lời, nó dẫn cô đến miền Nam Anh Quốc hồi đầu thế kỷ 19, có một khách sạn nằm bên bờ biển vắng. Nơi này xung quanh toàn là rừng núi hoang vu, đầm lầy hãi hùng, những khối đá xa xưa còn sót lại, và bọn hải tặc giết người không chớp mắt.

Mẩu tin nhắn chỉ dẫn: Xuân Vũ trong vai chính của cuốn tiểu thuyết, Mari Yellen, một thiếu nữ Anh 23 tuổi, một mình đi đến khách sạn Jamaica tìm người cô của mình. Lúc này dường như Xuân Vũ đã lần ngược trở lại không gian thời gian quá khứ, đang bước đi trên cánh đồng hoang đáng sợ, vào lúc 12 giờ đêm gõ cửa khách sạn Jamaica.

Khách sạn Jamaica đã khai trương ở địa ngục.

Đêm nay Xuân Vũ vào nghỉ ở khách sạn Jamaica…

Sau nửa giờ, khi ngón cái của Xuân Vũ đau đến tê dại, cô đã nhận được tin nhắn:

“Bạn đã đi qua tầng 4 địa ngục, bước vào tầng 5”.