Sau khi Nhan Việt và Vương Triều Lượng nói ổn thỏa, thì trưa ngày hôm sau Trịnh Tân Hà đã chạy đến Phượng Thành.
Trong tay ông cầm tập tài liệu mà Vương Triều Lượng gửi cho, suốt dọc đường đều nhìn chằm chằm số liệu trên đó, tâm trạng lên cao xuống thấp như lúc đi tàu lượn vậy, những cảm xúc thấp thỏm, nghi ngờ, mong mỏi khiến ông không thể nào bình tĩnh lại được.
Là chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu trúc của Trung Quốc, có thể nói Trịnh Tân Hà đã dùng nửa đời mình để cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu trúc. Lúc còn nhỏ, Trịnh Tân Hà sinh ra ở một thôn nhỏ hẻo lánh vùng Thục Xuyên. Ở sau thôn có một rừng trúc xen lẫn với các loại cây khác. Lúc đó nhà bọn họ nếu muốn dựng hàng rào, rào chuồng heo đều đi đến rừng chặt mấy cây trúc về. Trịnh Tân Hà cảm thấy lạ, sao mọi người không chặt cây gỗ mà lại chặt trúc? Người trong thôn không nói được mấy cái lý luận kia, chỉ dựa vào kinh nghiệm mà làm việc. Người nhà nói với Trịnh Tân Hà, cây gỗ để cao được như vậy phải mất mười mấy năm, mà trúc thì với độ cao như vậy chỉ cần mấy tháng. Dù sao dù là cây gỗ hay là trúc đều có thể dùng, nhưng tính ra thì chặt trúc có lợi hơn.
Trịnh Tân Hà từ chuyện này liền bắt đầu có hứng thú với trúc, là sinh viên đầu tiên của thôn bọn họ, ông đã chọn đại học Lâm nghiệp ở Trung Kinh, chính thức nghiên cứu về trúc. Mấy năm nay thành quả nghiên cứu của Trịnh Tân Hà có không ít, càng nghiên cứu ông càng phát hiện trúc đúng là toàn thân đều là bảo. Ăn, mặc, ở, đi, dùng, trúc đều có thể phát huy được tác dụng. Nhất là mấy năm gần đây hệ sinh thái bị phá hủy rất nhiều, nhiều rừng cây đều bị chặt hầu như không còn, lúc này loài thực vật phát triển nhanh, sinh sôi mạnh như trúc đã trở thành lựa chọn tốt nhất để thay thế rừng cây, bảo vệ khí hậu, hấp thu khí CO2. Mọi người ngày càng hiểu rõ tính thực dụng của trúc, nhưng như vậy còn chưa đủ, Trịnh Tân Hà còn muốn nhiều hơn thế nữa.
Ông dời mắt sang tài liệu trong tay, siết chặt, ông có dự cảm rằng, bản tài liệu này có thể sẽ hoàn thành được hy vọng của ông, hoàn toàn thay đổi vận mệnh của nền công nghiệp Trung Quốc.
Ôm ấp ý nghĩ nhiệt huyết này, Trịnh Tân Hà gặp được Lục Lăng Tây. Từ chỗ Vương Triều Lượng ông đã biết Lục Lăng Tây không lớn tuổi lắm, nhưng không ngờ lại nhỏ tuổi như vậy, thậm chí nhìn như còn là vị thành niên. Không đợi Trịnh Tân Hà thu lại vẻ kinh ngạc trên mặt, Vương Triều Lượng đã cười cười giới thiệu, "Tiểu Tây, đây là người bạn mà chú đã nói với cháu, cháu gọi ông ấy là chú Trịnh là được".
"Chú Trịnh". Lục Lăng Tây rất khách khí.
Trịnh Tân Hà trước mắt nhìn khoảng hơn năm mươi, vóc người không cao, có hơi béo, có lẽ là do dùng trí não quá nhiều nên tóc trên đầu chỉ còn lại mấy sợi, tạo thành kiểu tóc Địa Trung Hải.
Nghe thấy tiếng của Lục Lăng Tây, Trịnh Tân Hà hồi hồn, ông kiềm chế vẻ kinh ngạc, tự giễu cười cười, "Đúng là hậu sinh khả úy, nhìn thấy Tiểu Tây chú mới biết là mình đã già rồi". Dù là lần gặp mặt đầu tiên, nhưng Trịnh Tân Hà rất tự nhiên gọi hai chữ Tiểu Tây như Vương Triều Lượng, lấy đó để kéo gần khoảng cách hai bên.
Thái độ của ông thân thiện dí dỏm, ấn tượng của Lục Lăng Tây với ông rất tốt, Vương Triều Lượng lại giới thiệu Nhan Việt bên cạnh Lục Lăng Tây, Trịnh Tân Hà giữ vững tinh thần, trong lòng biết so với Lục Lăng Tây kinh nghiệm xã hội chẳng là bao, thì Nhan Việt mới là người khó đối phó.
Trò chuyện vài câu đơn giản, rồi dời sang chuyện cây trúc. Lục Lăng Tây hiểu biết không ít về hoa cỏ, nhưng nói về trúc, tuy không nói là ù ù cạc cạc, nhưng cũng chỉ biết đại khái một vài thứ mà thôi. Trịnh Tân Hà nhìn thấu Lục Lăng Tây hứng thú với đề tài này, nên chủ động nói về nó. Ông là chuyên gia trong mặt này, nói về trúc rất rõ ràng mạch lạc. Từ măng ăn rất ngon đến tạo giấy từ trúc, còn nói ở nước ngoài gần đây còn làm xe đạp bằng trúc nữa, nói mấy chuyện vụn vặt rồi mới nói về chuyện chính. Ông hy vọng rằng có thể phát huy được đặc tính của trúc, tạo thành một vật liệu công nghiệp mới để thay thế cho sắt thép.
Nói đến đây, Trịnh Tân Hà sợ Lục Lăng Tây và Nhan Việt không tin, liền nói về kỹ thuật đã hoàn thiện hiện nay, đó là dùng điện cao áp để dính nhiều mảnh tre lại với nhau, để mật độ kết cấu của trúc đã qua gia công được tăng lên gấp trăm lần, khiến độ bền đạt đến tiêu chuẩn dùng trong xây dựng.
Người phát minh ra kỹ thuật này chính là Trịnh Tân Hà, ông kích động nói: "Chú luôn tìm kiếm cách cải tiến kỹ thuật này, nhưng vì hạn chế về nguyên liệu, nên hiệu quả cải tiến không được rõ ràng. Bây giờ có loại trúc mà Tiểu Tây cháu phát hiện, kỹ thuật này sẽ có thể mở rộng vận dụng vào thực tế rất nhanh".
Lục Lăng Tây bị cuốn hút bởi giọng điệu của ông, cảm xúc cũng dâng trào theo. Cậu tin rằng những nhiệt huyết mà Trịnh Tân Hà nói lên không phải là giả vờ, mà là sâu từ tận đáy lòng ông cho rằng đây là những chuyện cần làm trong sự nghiệp của ông.
Trịnh Tân Hà thấy Lục Lăng Tây nghe rất nghiêm túc thì càng vui hơn, phấn khởi nói tiếp, "Chú mong muốn trúc không chỉ thay thế thép trong xây dựng, mà còn dùng trong nhiều lĩnh vực khác nữa. Tất nhiên trong khoảng thời gian ngắn thì chúng ta không thể nào để trúc thay thế sắt thép được, nhưng chỉ cần chúng ta chịu đi bước đầu tiên, từng chút một thay đổi thói quen sử dụng của mọi người, thì về lâu dài chúng ta sẽ thay đổi toàn bộ cơ cấu công nghiệp Trung Quốc".
Lúc này Trịnh Tân Hà không còn vẻ điềm tĩnh như lúc mới gặp bọn họ nữa, mà cả người lộ ra một vẻ cuồng nhiệt. Lục Lăng Tây thấy hình bóng của Vương Triều Lượng trên người ông, Vương Triều Lượng cười khổ lắc đầu, "Bệnh nghề nghiệp, không có cách nào nữa".
Bởi vì Trịnh Tân Hà thẳng thắn bày tỏ, nên bọn họ thân thiết rất nhanh. Sau khi đi theo Lục Lăng Tây đến vườn hoa xem trúc, thì Trịnh Tân Hà chính thức bàn với Lục Lăng Tây về chuyện hợp tác. Ông hy vọng Lục Lăng Tây có thể cung cấp nguyên liệu, còn ông cung cấp kỹ thuật cùng nhau phát triển loại vật liệu mới được ông đặt tên là trúc cứng.
"Thế nào?".
Trịnh Tân Hà nói xong liền nhìn Nhan Việt, chuyện liên quan đến việc đàm phàn hợp tác Lục Lăng Tây không nhúng tay vào, mà ném hết cho Nhan Việt. Nhan Việt không lập tức đưa ra câu trả lời ngay, mà là trầm ngâm một lúc rồi hỏi Trịnh Tân Hà đã tìm được bên đầu tư thích hợp hay chưa.
Trịnh Tân Hà cười nói, "Tôi đã nghiên cứu trong mảng này rất lâu, cũng quen biết được vài người, chuyện đầu tư cậu Nhan đừng lo".
Ông tưởng là Nhan Việt lo lắng không tìm được đầu tư cho nhà máy và cửa hàng buôn bán, nên rất tự tin về chuyện này. Nào ngờ Nhan Việt lắc đầu, "Tôi không có ý này, mà là muốn tự chúng tôi đầu tư".
"Cái gì?".
Trịnh Tân Hà ngẩn người, theo bản năng nhìn về phía Vương Triều Lượng, dùng mắt hỏi tình hình của Vi Viên Nghệ.
Nhan Việt đoán được băn khoăn của ông, cười nhẹ nói, "Nếu chủ nhiệm Trịnh lo về mặt tài chính, thì có thể yên tâm được rồi".
Trịnh Tân Hà nhìn Nhan Việt thật sâu, "Đầu tư này không phải là một số tiền nhỏ".
"Tôi biết". Nhan Việt nhẹ nhàng nói: "Thực ra hiện nay Phượng Thành đang có một hạng mục giúp đỡ khoa học công nghệ, tôi cảm thấy chúng ta rất thích hợp, có chính phủ nâng đỡ thì việc mở rộng trúc cứng cũng thuận lợi hơn".
Nghe Nhan Việt nói có thể kéo được quan hệ với chính phủ, Trịnh Tân Hà chỉ ngẫm nghĩ một lúc rồi đồng ý với đề nghị của Nhan Việt. Nếu thực sự có thể hợp tác với chính phủ, vậy thì bọn họ sẽ bớt được rất nhiều phiền phức.
Hai người nói ổn thỏa xong rồi quyết định chuyện này. Việc hợp tác với chính phủ do Nhan Việt ra mặt, Lục Lăng Tây bất đầu nhân giống trúc tiến hóa. Về mặt này, Trịnh Tân Hà còn để bụng hơn Lục Lăng Tây nữa.
Nói chung, việc nhân giống trúc chủ yếu là dùng các cách truyền thống như hom gốc, hom cành, thân ngầm, nhưng trong tay Lục Lăng Tây chỉ có một cây trúc tiến hóa, nếu làm theo cách truyền thống thì không biết đến lúc nào. Đúng lúc bên cạnh cậu có chuyên gia là Trịnh Tân Hà, nên Lục Lăng Tây quyết định dọn trống phòng thí nghiệm bên vườn hoa Khâu Điền để bắt đầu nuôi cấy ươm giống trúc. Theo Trịnh Tân Hà nói thì nếu như gây trồng mầm, thì một mầm một năm mọc ra ít nhất một vạn cây con. Cách này vừa nhanh, lại mọc thêm nhiều, hơn nữa chất lượng còn tốt, trong một khoảng thời gian ngắn có thể có được cây có cùng chất lượng với cây gốc ban đầu.
Sau khi Trịnh Tân Hà ươm giống, liền hỏi Lục Lăng Tây định tạo rừng trúc ở đâu. Ý của ông là đưa trúc sào đến nơi sản sinh nhiều như vùng Thục Xuyên, ông phát hiện là dù là trúc sào biến dị, nhưng hoàn cảnh sinh trưởng không khác nhau quá nhiều, tốt nhất là bọn họ tạo rừng trúc ở Thục Xuyên, nhưng Lục Lăng Tây không muốn rời khỏi Phượng Thành lắm, muốn tạo rừng trúc ở vùng ngoại thành Phượng Thành. Cậu vừa nói vậy Trịnh Tân Hà liền thấy cậu đang làm ẩu tả.
"Trúc sào có yêu cầu về đất cao hơn loại trúc khác, điều kiện ẩm ướt vừa đủ lại không thể có nước tù đọng, Phượng Thành sao thích hợp để trồng rừng trúc chứ?".
"Mấy cây trúc trồng trong vườn hoa bây giờ vẫn đang rất tốt, đất ở Phượng Thành chưa chắc đã không thích hợp cho trúc sào sinh sống". Lục Lăng Tây nghiêm túc nói. Cậu biết Trịnh Tân Hà là chuyên gia về trúc, nhưng cậu rất tin tưởng về đất sau khi tinh lọc. Hơn nữa nếu tạo rừng trúc ở bên Thục Xuyên thì cách Phượng Thành quá xa, không tiện trong nhiều chuyện.
Bởi vì Lục Lăng Tây kiên trì, nên Trịnh Tân Hà đành phải theo cậu chạy mấy chuyến xuống vùng ngoại ô Phượng Thành, tự mình đo thành phần đất ở đó, chắc chắn rằng đất này hợp cho trúc sào sinh trưởng. Kết quả đo được khiến Trịnh Tân Hà rất kinh ngạc, không chỉ là vì đất rất phù hợp cho trúc sào sinh sống, mà là bởi vì đất không bị ô nhiễm gì cả, không giống những loại đất mà ông đã thấy lắng đọng rất nhiều kim loại nặng và chất hóa học.
"Ở chỗ này...". Trịnh Tân Hà nghi hoặc nhìn xung quanh, trong suy nghĩ của ông Phượng Thành luôn là khu vực bị ô nhiễm rất nặng, sao lại có đất sạch như vậy được? Ông không thể hiểu được hiện tượng này, do dự nhìn Lục Lăng Tây mấy lần, nhưng lại nghĩ Lục Lăng Tây mới mấy tuổi, ông không nghĩ là Lục Lăng Tây biết chuyện này, nên nén lại thắc mắc không nói gì cả.
"Chú Trịnh, có được không ạ?". Lục Lăng Tây thấy Trịnh Tân Hà cứ nhìn chằm chằm bản báo cáo kiểm tra thành phần đất mãi, không nhịn được mở miệng hỏi.
Trịnh Tân Hà cố kìm xuống thắc mắc gật gật đầu.
Sau khi xác định đất ở đây phù hợp, Lục Lăng Tây và Nhan Việt về thôn Linh Thủy một chuyến. Hai người vừa ý hai ngọn núi nhỏ ở phía Bắc thôn Linh Thủy. Bởi vì muốn tạo rừng trúc, nên ở thung lũng, chân núi, sườn núi cũng có thể trồng được, không cần chiếm dụng đất cày ruộng trong thôn. Hơn nữa so với đất trồng trọt, thì nhận thầu cả ngọn núi rẻ hơn nhiều. Lục Lăng Tây đã xem qua rồi, hai ngọn núi này ở trong phạm vi tinh lọc của quần thể sinh thái cây liễu, vừa hợp để trồng rừng trúc.
Cậu nói vậy với Lý đại gia, Lý đại gia rất quan tâm đến. "Tiểu Tây muốn trồng trúc là chuyện tốt, nhưng chỗ này có thể trồng được sao? Nếu không mọc lên được lại bù tiền vào thì không hay".
"Có thể trồng ạ". Lục Lăng Tây chắc chắn nói, "Cháu đã xem qua rồi".
Lý đại gia thở phào một hơi, mang hai người đến tìm trưởng thôn Lý Đại Dũng. Lý Đại Dũng nghe bọn họ nói muốn nhận thầu núi để trồng trúc, đầu tiên là sửng sốt một lúc lâu, khi phản ứng lại thì câu đầu tiên là, "Đất ở đây có thể trồng được sao? Đừng có trồng không được lại đền tiền vào". Hơn nửa năm quen biết, Lý Đại Dũng đã xem Nhan Việt và Lục Lăng Tây là người trong thôn. Điều đầu tiên ông nghĩ không phải là hai người nhận thầu núi thì thôn sẽ kiếm được tiền, mà là lỡ như đền tiền vào thì sao?
Nhan Việt biết Lý Đại Dũng có ý tốt, chủ động giải thích: "Không sao đâu ạ, đã mời chuyên gia ở Trung Kinh xem rồi, đất ở đây có thể trồng được trúc".
Vừa nghe nói là đã có chuyên gia xem qua, Lý Đại Dũng liền yên tâm. Người trong thôn chính là như vậy, có tin tưởng mù quáng với chuyên gia ở Trung Kinh.
Hai người làm thủ tục xong, lại nhờ Lý đại gia tìm mấy người thành thật hiền lành trong thôn. Chăm sóc rừng trúc cần có người, chỉ trông chờ vào mấy người bọn họ thì không đủ.
"Được, chuyện này cứ giao cho ông".
Lý đại gia đồng ý ngay. Vi Viên Nghệ trả tiền công không ít, không ít người trong thôn đều muốn làm, tìm người không phải là việc gì khó.