Đông Cung

Chương 40



Tôi biết tỏng Lí Thừa Ngân đang trừng trộ với mình, tôi cũng kệ. Hiền Phi dường như rất vui, ngay tắp lự đã sai A Mãn đến hầu bên bàn tôi. Tiệc tàn tầm nửa đêm, lúc xuất cung, bà ta còn có lòng chuẩn bị sẵn xe ngựa đưa tiễn A Mãn, theo sau xe tôi.

Tiệc tùng trong cung rặt hành con nhà người ta mệt lử cả người, đặc biệt là đội trên đầu cả 1 bộ trâm cài nặng trình trịch. Xe chạy chòng chành lắc lư, dễ sắp gãy cổ đến nơi, tôi bèn gỡ đống trâm cài đầu phiền hà xuống, đoạn buông tiếng thở dài, bụng ước ao cuộc sống kiểu này, từ nay về sau sẽ chấm dứt.

Sau cùng, xe dừng, rèm vén mở, thái giám đứng bên ngoài nhấc đèn lồng, kê ghế cho tôi xuống xe. Tôi vừa cúi người, Lí Thừa Ngân đã xuống ngựa, hằm hằm lao về đằng này, vung chân đá ghế chiếc lăn kềnh. Dọa đám thái giám thót mình giật lùi cả phía sau, quỳ từ tít xa.

“Chàng làm gì thế?” Tôi không nén được hỏi.

Thế mà chàng vươn tay, rồi như một con diều hâu quắp gà con, lôi tôi từ trong xe ra ngoài.

A Độ dợm xông lên cứu tôi, nhưng Bùi Chiếu chẳng nói chẳng giờ giơ tay chặn nàng ấy lại. Lí Thừa Ngân vác tôi trên vai, tôi chửi lấy chửi để, lúc bấy giờ A Độ đã đụng tay đụng chân với Bùi Chiếu, thân thủ của Bùi Chiếu trác việt vô cùng, nhất thời A Độ chưa thể bứt ra ngay được. Tôi vùng vằng mắng chửi cắn cấu Lí Thừa Ngân, ra sức véo vào lưng, ngọc trắng khảm trên thắt lưng thảy đều rơi rụng, song chàng vẫn chẳng nề hà dông tuốt về phía trước, vác tôi lao thẳng vào điện Lệ Chính.

“Phịch!”

Đầu tôi đập vào chiếc gối sứ, đau điếng người! Quả thực Lí Thừa Ngân quẳng tôi lên giường như quẳng một bị gạo. Tôi lập tức chồm dậy, chàng vươn tay đẩy tôi ngã ngửa xuống. Mấy tháng chưa đánh nhau, quả nhiên chân tay lừ đừ đi ít nhiều. Hai chúng tôi chỉ thiếu điều chưa đập cả tòa điện này thôi, nội thị từng đứng ngoài cửa thụt thò ngó ra ngó vào, thành thừ bị Lí Thừa Ngân ném một bình hoa, đánh choang một tiếng suýt thì trúng hắn, gã nội thị kia sợ quýnh người, vội rụt lại, không quên cả cài then cửa. Vật lộn một trận làm tôi thở hồng hộc không ra hơi. Sau cùng mệt lử, nằm liệt luôn một chỗ, chẳng buồn nhúc nhích. Tôi không còn vùng vằng nữa, nên Lí Thừa Ngân liền ôn tôn hơn rất nhiều.

Lí Thừa Ngân ôm tôi từ đằng sau, như thể chàng thích kiểu ôm này, tôi lại đang gối đầu lên cánh tay chàng, lúc nào cũng có cảm giác cồm cộm.

Thực ra có lẽ chàng cũng mệt lắm rồi, hơi thở từ mũi phả vào gáy tôi tê tê. Chàng thì thầm nói gì đó, đại để thì là dỗ ngon dỗ ngọt hòng lừa tôi.

Tôi không hé môi lấy nửa lời.

Bẵng một lúc không nghe giọng chàng, tôi mới từ từ ngoái lại xem, thì ra chàng đã ngả đầu ngủ rồi.

Tôi giơ tay ấn mi mắt chàng, xem chừng ngủ rất sâu, không nhúc nhích.

Tôi cẩn thận nhổm dậy, trước tiên mặc áo váy tử tế, sau đó mở cửa sổ. A Độ lẳng lặng tiến vào, đưa tôi một cái kéo.

Tôi ngồi dưới đèn, bắt đầu cắt tỉa móng tay cho kỹ càng.

Thận trọng tránh để hơi thở của mình thổi bạt đống bột trắng dưới phao tay.

Loại thuốc mê của Đại Thực này quả nhiên lợi hại, tôi chỉ cào xước cánh tay Lí Thừa Ngân có tẹo thôi mà giờ chàng đã thở khò ra ngủ rồi.

Cắt xong xuôi thì rửa tay sạch sẽ, kiểm tra thuốc mê không bị sót lại rồi mới thay bộ quần áo màu đen.

A Độ đưa đao cho tôi, tôi trông Lí Thừa Ngâm đang say ngủ, chỉ muốn kề đao vào cổ chàng, cứa nhẹ một cái, thế là thảy những thù hận đều tan vào mây khói.

Chàng ngủ không yên, tuy thuốc mê phát tác hiệu quả, song chân mày vẫn hơi chau lại, mí mắt giật giật, dường như đang dở một giấc mộng nào đó. Tôi kề nhẹ lưỡi đao sắc bén mà lạnh ngắt vào cổ chàng, chàng không hề hay biết, chỉ cần tay tôi dùng sức một tẹo nữa thôi, là cổ họng chàng sẽ bị cứa làm đôi.

Khóe môi chàng khẽ giật, có vẻ đó là một giấc mơ đau khổ khôn cùng, tôi xích thanh đao từng chút từng chút một, lưỡi đao cứa trên da thịt mỏng như tờ, rướm một tia máu mảnh ngang sợi chỉ, chỉ cần ấn sâu thêm một chút nữa thôi… Dường như trong mơ chàng cũng cảm nhận được cơn đau này, cơ mặt bắt đầu co thắt, ngón tay hơi rung lên, tựa muốn chụp nắm thứ gì. Có lẽ chàng đang kêu la gào thét, thế nhưng những tiếng phát ra chỉ se sẽ, đến độ tôi hầu như chẳng nghe rõ.

Tay tôi run lên, thanh đao “cạnh” một tiếng đáp trên sàn, A Độ tưởng Lí Thừa Ngân đã tỉnh, liền hớt hải xông lên, trong khi hai tay tôi bưng lấy mặt.

Cuối cùng tôi đã nhớ ra, nhớ ra ba năm trước rơi xuống sông Quên, chàng nối gót nhảy xuống theo tôi, chàng kéo tôi, gió đưa chúng tôi lao xuống mỗi lúc một mau…. Chàng ôm tôi giữa vòng gió xoáy….nhiều lần toan chụp mỏm đá vách núi, nhưng chúng tôi rơi quá nhanh, đá vụn lả tả chung rơi cùng tôi và chàng, chẳng khác nào một chùm sao đáp xuống như mưa sa…. chẳng khác nào buổi tối hôm ấy ở ven sông, vô vàn đom đóm cất cánh vút bay từ ống tay áo, dường như có cơn mưa sao rực rỡ, soi tỏ khuôn mặt chàng và tôi… giữa đất trời này riêng có chàng đắm đuối nhìn tôi…

Biết bao lần cảnh ấy lặp lại trong mơ, tôi mơ hết giấc này đến giấc khác, song chẳng thể nào ngờ, người đó là chàng.

Cho đến khi nhớ lại chuyện 3 năm xưa kia, tôi vẫn không tài nào nhớ ra, tiếng gió vờn bên tai cùng lời chàng nói.

Thì ra chỉ một câu này: “Ta và nàng cùng quên.”

Nước sông Quên xanh biếc mà lạnh buốt ùa đến bủa giăng chúng tôi, tôi thoi thóp thở giữa dòng chảy, xộc vào miệng là làn nước giá lạnh. Chàng nhảy xuống túm lấy tôi, sau cùng lại chỉ để nói với tôi một câu như thế.

“Ta và nàng cùng quên.”

Thảy những khó khăn gian nguy, toàn bộ sự việc, thì ra chàng cũng biết, chàng cũng thấy mình có lỗi với tôi.

Trên đỉnh núi con sông Quên, bấy giờ chàng không mảy do dự nhảy xuống theo tôi, thực chất chàng cũng như tôi, muốn quên đi tất cả.

Chàng cũng hiểu rõ rằng, Cố Tiểu Ngũ đã chết rồi, đôi ta đã chết chìm dưới đáy sông Quên.

Chúng tôi như cô hồn dã quỷ, chúng tôi chưa từng sống dậy. Tôi bám víu lấy 3 năm lãng quên, sống tạm bợ qua ngày, còn chàng, 3 năm lãng quên vừa qua, chàng đã gạt phăng tất thảy quá khứ.

Trên thế gian này, ai sống khổ hơn ai?

Trên thế gian này, lãng quên so với ghi nhớ xem chừng luôn là một điều hạnh phúc.

A Độ nhặt thanh đao lên, lại chuyển đến tay tôi.

Vậy mà tôi không có dũng khí để giết chàng.

Tôi ngắm nhìn khuôn mặt ấy, dù chỉ là trong mơ, mà chàng cũng lộ rõ vẻ khốn khổ. Hoàng tử bé mà chàng từng kể trước kia đã sống đáng thương nhường nào, cho đến ngày hôm nay, chàng ta vẫn vẻ đáng thương ấy, giữa chốn Đông Cung, chẳng hề có lấy một người thân, chung quy chàng vẫn cứ cô đơn lẻ loi tồn tại giữa cõi đời này, cô đơn lẻ loi tiến đến ngôi vị Hoàng đế, thảy những yêu thương, những tình nồng, những cảm thông và trân trọng trên con đường cần đi, chàng đều bỏ lại tất cả. Biết đâu sự quên lãng đối chàng mà nói lại là sự trừng phạt nghiêm khắc hữu ích hơn cả, chàng vĩnh viễn không bao giờ hay, tôi từng yêu chàng đến mấy.

Tôi kéo A Độ quay đầu bỏ đi.

Thoạt đầu Lí Thừa Ngân để Bùi Chiếu bố trí mười mấy tay cao thủ theo sát tôi, nhưng tối nay tôi và Lí Thừa Ngân gây gổ, tình hình có vẻ căng, nên đám người đó sớm đã biết điều lánh đi đằng xa, tôi cùng A Độ ra khỏi điện điện Lệ Chính trong suông sẻ.

Trốn khỏi Đông Cung này đối với tôi mà nói, lúc nào cũng chỉ là chuyện cơm bữa. Huống hồ lần này, chúng tôi đã vạch kế hoạch từ rất lâu, không chỉ nắm chắc trong tay lịch tuần tra của Vũ Lâm quân, mà còn nhân lúc tháng 6 là tháng nóng nhất, nội thị trong Đông Cung đổi ca, lúc ấy sẽ mở một cánh cửa phụ để lách ra ngoài. Tôi và A Độ nhớn nhác lẩn tránh suốt dọc đường, men theo bờ tường, luồn lách mấy lối rẽ, mới trông cánh cửa nhỏ kia gần kề ngay trước mắt, lúc bấy giờ bỗng nhiên A Độ kéo giật tôi lại.

Tôi thấy Vĩnh Nương đứng một mình gần đó, trên tay cầm đèn lồng, gió quạt qua lung lay chực tắt, thỉnh thoảng bà ấy lại đảo mắt ngóng xung quanh, như thể đang chờ ai đó.

Tôi và A Độ núp sau một bụi trúc xanh, qua hồi lâu mà Vĩnh Nương vẫn còn đứng đó.

Tôi kéo tay áo A Độ, A Độ hiểu ý, liền từ từ tuốt đao, lặng lẽ tiến gần Vĩnh Nương.

Bất thình lình, lúc này Vĩnh Nương chợt thở dài một tiếng, đỡ đầu gối ngồi xuống đất.

A Độ quay sống đao, điểm vào huyệt vị trên người Vĩnh Nương, cả cơ thể bà ấy ngay tức khắc trở nên cứng đờ, không còn động đậy được nữa.

Tôi vươn tay, ôm cơ thể đã cứng ngắc của Vĩnh Nương, khẽ giọng bảo: “Vĩnh Nương ơi, ta đi đây, nhưng mà ta sẽ nhớ bà lắm đấy.”

Ở Đông Cung này, chỉ có mình Vĩnh Nương với A Độ là hết mực quan tâm tôi chu đáo.

Khóe môi Vĩnh Nương hơi nhích lên, huyệt câm cũng bị điểm rồi, bà ấy không tài nào thốt ra tiếng. Tôi lại ôm chặt hơn, mới nhận ra trước ngực bà ấy phồng lên, cồm cộm chọc vào người hơi đau, không biết là thứ gì, tôi liền rút ra xem, hóa ra là một bọc vàng lá. Con ngươi của Vĩnh Nương vẫn chăm chú nhìn tôi, trong đôi mắt chớp chớp dần trào nước, tôi thấy mũi mình cay xè, chợt hiểu, thì ra bà ấy đang đợi mình.

Bọc vàng này, bà ấy cũng chuẩn bị cả cho tôi.

Tôi không biết nên nói gì mới phải, trước kia bà ấy luôn ngày ép tôi đọc sách, ép tôi học phép tắc, ép tôi làm cái này làm cái nọ, ép tôi lấy lòng Lí Thừa Ngân…

Thế nên lúc vạch kế hoạch chạy trốn, tôi từng đề cao cảnh giác với bà ấy.

Chẳng ngờ bà ấy đã sớm nhận ra, vậy mà cũng không hề đi bẩm báo với Lí Thừa Ngân. Nếu như bà ấy kể với Lí Thừa Ngân thật, thì chúng tôi mãi mãi chẳng bao giờ thoát nổi.

Ở Đông Cung này, thì ra cũng có người thật lòng tử tế với tôi.

A Độ kéo tay áo tôi, tôi biết càng nấn ná càng có nguy cơ dễ bị người ta phát hiện. Tôi nén nước mắt, ôm Vĩnh Nương thật chặt, rồi kéo A Độ, lẳng lặng lỉnh qua cánh cửa phụ.

Cánh cửa này dành cho người hầu qua lại, phía bên kia cánh cửa có một con hẻm nhỏ, chúng tôi trèo qua hẻm, luồn qua nhiều nhà dân, đi ngang qua các con phố chợ Đông, đi một mạch đến khi trời tờ mờ sáng, mới chui tọt vào quán rượu củaMễ La.

Mễ La đang đợi chúng tôi. Tỷ ấy khẽ bảo: “Cổng thành phía Tây thế nào cũng kiểm tra gắt gao, chỉ e không dễ chuồn khỏi thành. Hôm nay có một đội buôn nhân sâm người Cao Ly đang chuẩn bị lên đường rời thành, đáng nhẽ bọn họ đi về hướng đông bắc, nhưng tỷ mua chuộc tay dẫn đoàn rồi, mấy đứa sẽ theo họ rời thành. Thân hình đám người Cao Ly ấy thấp bé còi cọc, hai đứa lách ở giữa cũng không khiến người khác sinh nghi đâu.” Tỷ ấy sớm đã chuẩn bị cho chúng tôi y phục của người Cao Ly, thậm chí cả mũ và râu giả, tôi cùng A Độ rục rịch hóa trang, thay quần áo, dán râu, sau cùng đội mũ kiểu dân Cao Ly, lúc soi gương đồng, quả nhiên giống hệt hai gã dân buôn Cao Ly nhỏ thó.

Lúc ấy trời đã hửng sáng, trên phố dần đông người qua, quán trọ cũng dậy tiếng ồn ào, cửa hàng cách vách đã gỡ ván lát, bà chủ bên đó cầm nhánh liễu đánh răng, ông chủ phốp pháp làm một cái ngáp dài, nói đãi bôi với Mễ La. Đám người Cao Ly vừa xuống lấu, họ nói chất giọng Cao Ly vừa nhanh vừa xoắn xít. Từ lúc vị đại tướng quân Bùi Huống dũng mãnh bình định Cao Ly xong, vấn đề thông thương giữa Trung Nguyên và Cao Ly hóa lại càng trở nên nhộn nhịp, chung quy bọn dân buôn thường hám lợi, bao nhiêu đồ ngon vật lạ ở Trung Nguyên, đã trở thành thứ thường ngày không thể thiếu đối với người Cao Ly.

Chúng tôi cùng những thương nhân người Cao Ly lấy bánh ăn sáng, sau đó thu vén hành trang chuẩn bị lên đường. Đội buôn này có tầm trăm con ngựa thồ nhân sâm và dược liệu từ Cao Ly đến, sau đó lại mua tơ tằm cùng lá chè ở Trung Nguyên để trở về Cao Ly. Ngựa đứng trong sân chờ chất hàng, hòm xiểng lần lượt được bốc lên lưng ngựa. Cổ đàn ngựa ấy thắt chuông đồng rung leng keng leng keng… chen giữa thứ tiếng Cao Ly nói như cãi nhau, vừa ồn ào vừa om sòm.

Tôi và A Độ mỗi người một con ngựa, trà trộn vào giữa đoàn người, theo bọn họ rời thành. Đầu cổng thành quả nhiên truy hỏi rất riết róng, có người kể với chúng tôi rằng thiên lao trong thành sổng mất tội phạm, nên chín cổng thành giờ đây tăng cường kiểm soát, gắt gao nhất đương nhiên là cổng thành hướng Tây, nghe nói hôm nay những ai ra khỏi thành Tây tất phải bị soát người, chỉ cần có kẻ hơi khả nghi thôi, lập tức sẽ bị giữ lại, đưa đến nha môn Kinh Triệu Doãn. Tôi và A Độ nơm nớp lo sợ, những tội phạm bỏ trốn mà họ gọi kia, rất có thể là chỉ tôi và A Độ.

Ai ai cũng bị vặn hỏi, nên những người đợi đến lượt mình trước cổng thành càng xếp càng dài, tôi sốt ruột chờ đợi. Bao lâu sau mới đến lượt chúng tôi, tay hiệu úy giữ thành chăm chú kiểm tra giấy tờ thông hành, đếm số người một lượt, gã vội chau mày: “Sao lại dôi ra hai người?”

Gã Cao Ly dẫn đoàn khoa tay múa chân một hồi, cộng với thứ tiếng Trung Nguyên bập bõm, mới giải thích để lính canh cổng hiểu được, chuyện là bọn họ ở Thượng Kinh gặp hai người đồng hương, trước lúc đánh nhau đã cư ngụ ở Thượng Kinh, giờ nghe nói chiến sự ổn định rồi, nên định rủ nhau quay về.

Kẻ đó bảo: “Không được, trên giấy thông hành ghi mười bốn người là mười bốn người, không được phép dôi ra dù chỉ một người.”

Đột nhiên tôi tinh ý, trỏ vào tôi và A Độ, bắt chước chất giọng Trung Nguyên gượng gạo của dân Cao Ly, bảo: “Hai chúng tôi, ở lại. Các cậu, đi.”

Gã hiệu úy nhìn chúng tôi dò xét một lúc, ngẫm ngợi, đoạn trả giầy thông hành cho trưởng đoàn, sau đó trỏ vào hai người Cao Ly đứng sau tôi, bảo: “Hai người này ở lại. Những kẻ còn lại có thể đi.”