Cô mặc một chiếc váy ngủ tơ tằm màu bạc, dưới chân là đôi dép lê màu hồng nhạt, như một cơn gió thổi phớt qua Túc Chinh, đi thẳng vào trong phòng tắm.
Hai giây sau, cửa lại mở ra, dặn dò Túc Chinh: “Nhớ phải gọi điện thoại cho lễ tân sửa lại máy nước nóng.”
Sau đó cô đóng cửa phòng lại, cả quá trình mất không đến nửa phút.
Đến khi nghe được tiếng nước vang lên, Túc Chinh mới hoàn hồn, nghe lời Yến Thanh Đường gọi điện thoại dặn dò lễ tân.
Thái độ của đối phương không tệ lắm, nói đang sửa, chừng mười lăm phút sau sẽ khôi phục lại bình thường.
Chờ đến khi Yến Thanh Đường tắm rửa xong, Túc Chinh chuyển lời của bên lễ tân lại cho cô, cô chỉ xùy một tiếng ra chiều không mấy tin tưởng: “Trước khi tôi đến phòng anh cũng đã gọi điện thoại rồi, họ cũng nói với tôi mười lăm phút sau là có thể sử dụng bình thường.”
Chỉ là mười lăm phút sau nước vẫn không nóng lên được, lúc này cô mới đi sang phòng Túc Chinh.
Bây giờ tính toán tỉ mỉ thì thời gian cô tắm rửa đã vượt qua mười lăm phút lâu rồi, cô cũng muốn xem là nó đã được sửa hay chưa.
Trong các loại đồ trang điểm và chăm sóc da mặt, cô chuẩn bị kem chống nắng là nhiều nhất.
Trừ cho cô, cô còn muốn cho cả Túc Chinh, nhưng không biết ngày thường anh có dùng hay không, bèn gửi tin nhắn cho anh: “Anh có dùng kem chống nắng không?”
“Không mang. Dù sao vẫn là mùa xuân, không cần dùng, cũng không quen dùng.” Túc Chinh từ chối thẳng thừng.
“Tia tử ngoại của mùa xuân cũng không yếu hơn mùa hè là mấy đâu.” Yến Thanh Đường nói, “Hơn nữa màu da anh…”
“Màu da của tôi thì làm sao?” Túc Chinh bị cô dẫn dắt, lần đầu tiên để ý đến màu da của mình.
“Màu da của anh, như hiện tại là vừa đẹp.” Yến Thanh Đường lấy thẩm mỹ của mình làm tiêu chuẩn, “Nhưng đừng phơi nắng để bị đen hơn, sẽ không đẹp nữa.”
Phơi nắng đen không đẹp?
Anh bôi kem chống nắng chỉ để đẹp hơn trong mắt Yến Thanh Đường?
Túc Chinh cười khinh khỉnh.
“Vậy nên ngày mai anh có muốn thoa hay không đây?” Yến Thanh Đường hỏi.
“…. Muốn.” Túc Chinh đáp.
Yến Thanh Đường ôm gối đầu nở nụ cười, cô biết anh đã đấu tranh lắm, nhưng vẫn lựa chọn thuận theo cô, ngẫm lại mà lòng thấy sảng khoái, không nhịn được gửi tin nhắn thoại qua cho anh.
Túc Chinh đã quen nhắn tin bằng văn bản, bỗng dưng nhảy ra một đoạn tin nhắn thoại, anh để sát vào tai, bật loa to lên.
“Ngoan, mai chị sẽ tặng em.”
Là tiếng cười của Yến Thanh Đường đi kèm những lời đó.
“Yến Thanh Đường.” Túc Chinh liền gọi điện thoại sang, đặc biệt nghiêm túc và đứng đắn ra chiều tranh luận với cô vì câu đó, “Đừng có tự xưng hô lung tung.”
“Sao vậy? Nhỏ hơn anh thì không được gọi là chị ư?” Yến Thanh Đường không hề hài lòng chút nào với phong cách cổ lỗ sĩ của anh, còn cố ý đối nghịch với anh, “Vậy tôi gọi anh là anh trai nhé, anh Túc.”
“Muốn gọi đó. Anh Túc anh Túc anh Túc…” Yến Thanh Đường lặp đi lặp lại, đúng là muốn khiến Túc Chinh phải khó chịu, nhưng kêu mãi, vừa mệt vừa buồn ngủ, làm âm thanh kéo dài thườn thượt, như thể còn đượm thêm cả tình cảm của bản thân cô.
Túc Chinh sao mà chịu nổi, hệt như bị mèo cào vào lòng, đổi sang thế tiến công: “Ồ, em Đường.”
Yến Thanh Đường dừng lặp lại, nheo mắt, biết anh gọi thế không phải xuất phát từ tình cảm, mà đơn thuần chỉ là để cho đối xứng với câu gọi của cô thôi, hoàn toàn không phù hợp với mong đợi của cô, vậy là lạnh giọng cảnh cáo anh: “Anh rút lại cho tôi.”
“Như vậy mới xứng đôi.”
Quả nhiên, Túc Chinh đã trả lời lại như thế.
“Không cần.” Yến Thanh Đường lại lạnh nhạt xa cách, “Ai lại muốn xứng đôi với vệ sĩ chí công vô tư như anh chứ?”
“Yến…” Túc Chinh mở miệng muốn nói gì đó, nhưng đầu bên kia lại trực tiếp ngắt máy.
Thật ra cô rất quyết đoán và dứt khoát, khiến Túc Chinh phải đoán mò tâm tư của cô, không biết là cô có mất hứng không, hay chỉ đơn thuần là muốn đấu võ mồm thôi.
Đến sáng ngày hôm sau, Yến Thanh Đường gõ cửa phòng anh, ném một lọ kem chống nắng cho anh.
“Nhanh lên.” Cô thúc giục anh, “Nửa tiếng sau chúng ta xuất phát.”
Túc Chinh đón được kem chống nắng, nhìn thấy sắc mặt của cô như bình thường, nói xong thì bỏ đi, đoán chừng là tối qua cũng không có mất hứng gì.
Thế mà anh đã sợ bóng sợ gió mãi.
Bọn họ đã bàn bạc xong, hôm nay đến thành phố Cổ Kashgar mua sắm, nhân tiện làm giấy chứng nhận biên giới để không bị ngăn cản khi đến các khu vực trong Kashgar.
Khách sạn mà bọn họ ở nằm trong trung tâm thành phố, cách thành phố cổ Kashgar không xa, đi xe chừng mười lăm phút là có thể đến được địa điểm đã chọn.
Thành phố Cổ Kashgar Cát Nhĩ này đã có hai ngàn năm lịch sử, là một trong những công trình kiến trúc bản địa có quy mô lớn nhất còn tồn tại trên thế giới.
Khu vực này được xây dựng thành khu thành phố cổ du lịch cấp 5A quốc gia, với diện tích chiếm 4,25 km vuông, là thành phố duy nhất ở Trung Quốc mang văn hóa Hồi giáo với kiến trúc như mê cung.
Dù cho bão cát ăn mòn mấy ngàn năm, song di tích vẫn còn tồn tại, dân cư vẫn an cư lạc nghiệp.
Lượng mưa ở Kashgar hàng năm rất ít ỏi, dựa vào kết cấu những ngôi nhà của dân cư, mái nhà nghiễm nhiên trở thành một thành phần mở rộng quan trọng trong khu sinh hoạt của dân.
Mái nhà của từng hộ gia đình cũng thường được dùng với các mục đích không giống nhau. Phơi quần áo, tận dụng bóng mát, phơi thảm dê, mỗi nhà một kiểu, mà lại không hoàn toàn độc lập.
Khi Yến Thanh Đường và Túc Chinh đi ngang qua một ngồi nhà, ngửi được một mùi thịt cừu xào với thì là thơm phức, ngẩng đầu tìm theo hướng mùi hương, ra là một gia đình bản xứ đang nấu cơm trên nóc nhà.
Người dân nơi đây vẫn duy trì mối quan hệ láng giềng truyền thống, có thể trò chuyện phiếm về những câu chuyện hàng ngày vụn vặt trên nóc nhà như thể không gì cản trở được.
Đi dạo trong thành phố cổ Kashgar, thi thoảng Yến Thanh Đường lại ngẩng đầu nhìn lên, sẽ thấy có những đàn bồ câu bay theo đàn ngang qua bầu trời xanh thẳm.
Nghe Túc Chinh kể, người Uyghur trong Kashgar có thói quen nuôi bồ câu, nuôi rất nhiều, một nhà có thể nuôi từ ba đến bốn mươi con bồ câu.
Người địa phương nuôi bồ câu được gọi là “Kaputaiwazi”, thói quen chăn nuôi sẽ không hề giống với các nơi khác.
“Không giống thế nào?” Yến Thanh Đường hỏi.
Túc Chinh chỉ lên mái nhà với những thanh gỗ dài nằm ngang, Yến Thanh Đường nhìn thấy những đồ vật hình cái bát được cột trên tường và trên cột, thật sự không biết để dùng làm gì.
“Thế nào là bắt bồ câu ngoại lai?” Yến Thanh Đường không hiểu, từ nhỏ đến lớn, đương nhiên là cô đã từng gặp qua bồ câu nhà nuôi, nhưng chỉ nghe nói về việc làm tổ cho chim bồ câu về lại nhà mình, chứ chưa từng nghe đến hành động bắt bồ câu ngoại lai.
“Đây là quy tắc bất thành văn của dân bản xứ.” Túc Chinh cười nói, “Dù có là bồ câu nhà ai, một khi bay đến nhà người khác mà bị bắt lại, thì nó sẽ trở thành của nhà đó. Chủ cũ của bồ câu cũng không được có ý kiến gì.”
“Như vậy cũng được à?” Yến Thanh Đường cực kỳ kinh ngạc.
Hành động này rất ngang ngược, nhưng nếu đó là phạm trù dân tộc thì cô chỉ có thể tôn trọng, không tiện đánh giá tốt hay xấu, chỉ lẳng lặng nói: “Vậy thì phải bảo vệ cho tốt chim bồ câu nhà mình, đừng để bị người ta bắt cóc. Những con bồ câu bị lạc đáng thương quá.”
Họ đến gần mái nhà, lúc này có một người địa phương đang đung đưa cây sào gỗ có mảnh vải buộc, dường như đang gọi chim bồ câu về.
Không lâu sau có bồ câu bay về, không ngừng kêu inh ỏi.
Yến Thanh Đường nở nụ cười thoải mái, vui vẻ nói: “Thật may là chúng nó tự tìm được đường về nhà, không bị bắt cóc.”
Túc Chinh nhìn cô, hỏi vặn lại: “Sao cô biết được đây là nhà của chúng nó?”
“Ơ?” Ý cười trên gương mặt của Yến Thanh Đường nhất thời cứng đờ.
Lại thấy Túc Chinh cúi đầu cười mới nhận ra là anh đang chọc ghẹo cô, cô nắm chặt bàn tay huých anh vài cái.
Anh không thấy đau, còn cúi thấp người để cho Yến Thanh Đường có thể đánh anh được dễ dàng, điều này khiến cho Yến Thanh Đường phải chấm dứt chiến tranh, rụt tay về.
“Có điều cô nói có chỗ đúng, cũng có chỗ không.” Túc Chinh nói, “Tất cả bồ câu đều bay dưới cùng một bầu trời, việc thay đổi chủ quyền sở hữu, chẳng qua chỉ là góc nhìn của nhân loại.”