Dư Âm Vẫn Còn Thoảng Bên Tai

Chương 23



Gió ở Dương Thành thổi từ nam sang bắc, vẫn chưa hề yên tĩnh lấy một giây.

Tối 30 Tết năm đó, một gia đình giàu có ở thôn Tiểu Lương đốt pháo suốt đêm, Lục Nhã và Dư Tằng lần lượt gọi điện hỏi thăm hai ông bà. Có lẽ là vì năm mới, Dư Thanh cũng nói vài câu với bố mẹ.

Chỉ là khi Lục Nhã nhắc tới vẽ, cô bắt đầu chọn làm lơ.

Cách này là do bà ngoại dạy cô. Bà ngoại hiểu rõ tính tình của Lục Nhã, Dư Thanh cũng có vài điểm giống mẹ. Mỗi khi cô không muốn để ý, bà ngoại luôn dặn cô: “Nó nói gì thì con cứ dạ là được.”

Buổi tối ở trấn nhỏ không quá tấp nập.

Trời vừa tối, Lương Tự ra khỏi nhà, mang một thùng sữa và một chai rượu sang đây biếu ông bà ngoại. Cậu và ông ngoại vừa ăn đồ nhắm vừa xem gala ca nhạc, vừa nói những chuyện lớn lao của đất nước.

Dư Thanh và Lương Vũ chạy đi xem pháo hoa.

Nhà nào trong trấn cũng dán câu đối năm mới và Tần Quỳnh Kính Đức[1], trước cửa đầy những mảnh ni lông sau khi pháo nổ. Trên đường nhìn đâu cũng thấy có lớn có nhỏ trò chuyện rôm rả, có cậu nhóc vừa đi vừa ngâm nga ‘Vạn Lý Trường Thành mãi không đổ’.

Sau đó Lương Tự tìm thấy hai chị em.

“Này có gì đẹp lắm đâu.” Cậu nói.

Dư Thanh ngẩng đầu nhìn bầu trời, sặc sỡ muôn màu muôn vẻ như có muôn hoa bung nở. Cách đó vài bước, có mấy đứa trẻ nghịch ngợm, đứa này ném pháo vào chân đứa kia.

Cô nghĩ ra gì đó, chìa tay về phía cậu.

“Em bao lớn rồi?” Cậu hiểu ý ngay.

Lương Vũ cũng rướn cổ sang đây, hai cây chập lại cũng nên hòn núi cao. Hai cô gái chìa ra bốn bàn tay, đôi mắt mở to như chuông đồng. Dư Thanh ngẩng đầu phồng má, hỏi cậu có cho hay không cho đây.

“Cho.” Lương Tự bật cười, “Anh cho là được chứ gì.”

Cậu lấy hai chiếc bao lì xì từ trong túi áo, cho cô và Lương Vũ mỗi người một bao, người sau ngạc nhiên lắm vì không ngờ năm nay anh mình lại tốt bụng thế này, mở ra thấy một tờ màu đỏ[2] thì hết sức vui mừng.

Cậu mất tự nhiên ho khan vài tiếng.

Dư Thanh bán tín bán nghi liếc mắt nhìn, sau đó ngẩng đầu nhìn gương mặt cậu đang giả vờ giả vịt xem pháo hoa. Bên dưới, Lương Tự đã nắm tay cô, nhiệt độ cơ thể đó như trời 27 28 độ C có ngọn gió mát ùa đến.

Lúc đưa cô về nhà thì trời đã khuya.

Châu Đào và Chu Quân của đài Trung ương phối hợp ăn ý với nhau, đêm nay lại là một đêm khó quên. Lúc đó Thẩm Tú đang đan áo len, điện thoại bàn đổ chuông. Thẩm Tú bỏ áo len xuống đi nghe điện thoại, đã mấy phút trôi qua mà bên kia vẫn không có ai lên tiếng.

“Nói chuyện đi chứ.” Đột nhiên Thẩm Tú có chút không khống chế được cảm xúc.

Lương Tự đang bưng một đĩa hạt dưa đứng ở cửa, mẹ ở trong nhà vừa khóc nấc vừa mắng mỏ. Cậu đứng tại chỗ trong chốc lát, nghe thấy mẹ liên tục nói “Alo alo alo”. Tiếng pháo hoa vẫn còn vang vọng trong đêm đen, Lương Tự đặt cái dĩa bên bệ cửa sổ, bỏ tay vào túi quần, ra khỏi nhà.

Cậu ngồi xổm ngoài cửa nhà, hút bốn năm điếu.

Trong trí nhớ của cậu, Lương Binh bỏ đi lúc cậu mới mười tuổi, tất cả những tấm ảnh liên quan đến ông trong căn nhà này đã bị Thẩm Tú cất hết. Cậu chỉ nhớ hôm Thẩm Tú dắt cậu đến nhà tù ở Dương Thành thăm bố, người đàn ông đó như già đi hai chục tuổi.

Bốn năm sau ra tù, không bao giờ quay về nữa.

Trong đêm đen, chỉ có ánh sáng nhàn nhạt đang lấp ló đằng xa, đốm lửa ở đầu ngón tay cực kỳ chói mắt. Hút xong điếu thuốc cuối cùng, Lương Tự dụi đầu thuốc xuống đất, sau đó đứng lên đi về hướng nhà Lý Vị.

Đến mùng 4 Tết, tuyết đã tan hết.

Hôm đó thời tiết trong xanh, Lương Tự phải chở ông nội về Bãi Xanh. Từ khi bà nội qua đời, năm nào Thẩm Tú cũng sẽ bảo cậu đón ông nội lên trấn ăn tết vài hôm. Ông cụ đã quen yên tĩnh, chỉ mong ngóng được về quê ngồi tán dóc với mấy ông bạn già.

Lúc về đến thôn, nắng chiều ấm áp.

Lương Tự ngồi ngoài cửa nhà hồi lâu, lúc chuẩn bị về, Hứa Kính bước vào nhà. Cô xách túi lớn túi nhỏ trông như định đi xa, hỏi ra mới biết Hứa Kính muốn nhờ cậu chở mình tới Dương Thành.

“Bố chị còn tưởng chị về trường.” Sau khi ông nội ra khỏi nhà, Hứa Kính cười tự giễu.

“Chú Thúc không thiếu chút tiền này của chị.” Lương Tự ngậm điếu thuốc, “Khách sạn ở đó lắm người, tốt hơn hết là đừng đi.”

“Cậu thế này là đang quan tâm chị?”

Lương Tự nhàn nhạc liếc Hứa Kính một cái, rồi ngoảnh đi nhìn ra ngoài cửa, Hứa Kính thì cười thầm. Cô nhìn theo tầm mắt của cậu, thấy có mấy cành cây khô nhô ra từ trong sân của bức tường đối diện.

“Này.” Hứa Kính hỏi, “Cô bạn gái nhỏ của cậu tên gì?”

Lương Tự không nhìn nữa: “Dư Thanh.”

Hai người không nói gì thêm, Hứa Kính nghiền ngẫm hai con chữ đó đến tận khi lên xe cậu ngồi. Không biết Hứa Kính biết chuyện cậu tham gia cuộc thi demo của H&B từ đâu, hỏi cậu trên đường đi, ánh mắt cậu trở nên lạnh lùng.

“Bây giờ không có mối quan hệ thì không làm được gì hết.” Hứa Kính nói, “Cậu có nghĩ tới sau này đi thế nào chưa?”

“Tới rồi.” Cậu nói.

Nghe thấy vậy, Hứa Kính nhìn ra ngoài cửa sổ, không ép buộc cậu trả lời nữa. Cô nhấc hành lý xuống xe, chưa kịp đứng vững thì Lương Tự đã lái xe bỏ đi. Hứa Kính chậm rãi nheo mắt lại, miệng lẩm bẩm “Oắt con”.

Từ kính chiếu hậu, Lương Tự thấy một người đàn ông đến gần Hứa Kính.

Cậu đạp chân ga, lái đi xa khỏi con đường đó, Dương Thành dần biến mất trong tầm mắt. Lúc đó Dư Thanh đang trong bếp phụ bà ngoại thổi cơm, cô bạn Phương Dương chăm chỉ nhất thôn Tiểu Lương ôm một xấp bài thi chạy sang đây hỏi bài cô, hai cô gái ở lì trong phòng suốt buổi chiều.

Chủ đề của hai cô không còn nhẹ nhàng như trước nữa.

Từ thảo luận về đề thi đại học mô phỏng cho đến những tin nóng của xã hội gần đây có thể dùng khi làm văn, năng lượng của Phương Dương thực sự như bùng nổ khắp vũ trụ. Nhớ hồi còn nhỏ, hai cô cùng mặc đầm phồng công chúa, Phương Dương chỉ vào người đang làm thủ ngữ ở góc trái trên kênh tin tức hỏi cô người này đang làm gì, cô cũng sẽ ngáo ngơ phát âm Thủy Hử Truyện (shuǐ hǔ zhuàn) thành Thủy Hứa chuan.

“Phải chi giờ tao vào đại học rồi thì tốt hơn biết mấy.” Phương Dương than thở.

Dư Thanh cảm thấy câu hỏi này cũng cùng loại với phỏng đoán Goldbach[3], cô cũng không biết phải trả lời thế nào. Phương Dương uể oải nằm dài ra bàn, đáy mắt hiện lên cảm xúc phức tạp khó thấy.

“Đại học chưa chắc sẽ tốt hơn.” Cuối cùng cô nói, “Có thể còn mệt hơn bây giờ.”

Lúc còn học ở Tây Ninh, cô hiếm khi thấy Dư Tằng về nhà trước mười giờ. Tất cả sinh viên của Dư Tằng như được bơm máu gà, ngày đêm làm dự án, lúc đó hình như họ vừa hoàn thành bản vẽ thiết kế một đoạn đường sắt nào đó.

Bà ngoại ngoài sân gọi hai cô ra ăn trái cây.

Điện thoại bị Dư Thanh nhét trong chăn vang lên, cô nhân lúc Phương Dương ra ngoài mới lấy ra bắt máy. Lương Tự trong điện thoại bảo cô ra ngoài, Dư Thanh cúp máy, trong đầu nghĩ đủ các cớ để trốn ra.

“Dư Dư ơi.” Bà ngoại gọi cô, “Bưng chút ít qua cho dì hai con.”

Cô như trút được gánh nặng, nhận việc rồi lập tức chạy ra khỏi nhà. Nhiều mái nhà vẫn còn đọng cả mảng tuyết trắng xóa, ánh nắng rọi xuống, sóng nước trong veo. Dư Thanh cầm đĩa đầy quýt vàng và táo tàu đỏ, đứng trong con hẻm sâu và tĩnh mịch, khẽ gọi.

Cậu xuất hiện từ phía sau làm cô hết cả hồn.

Dư Thanh nhìn cậu tiện tay lấy một trái quýt trong đĩa, lột hết bỏ rồi cho vào miệng. Sau lưng cậu là bức tường cao đầy dây leo trinh đằng khô cằn rủ dài xuống, hai người lén la lén lút đứng xích vào trong.

“Tìm em làm gì á?” Cô hỏi.

“Đàn ông tìm phụ nữ thì còn làm gì nữa.” Cậu ăn hết quýt, quẳng vỏ quýt trong tay, “Tất nhiên là không kìm được muốn làm chuyện xấu rồi.”

“…” Dư Thanh sốc trước chuyện cậu nói mấy câu bậy bạ này hết sức bình thản, “Anh biết Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh không?”

Lương Tự vốn định trêu cô tiếp, nhưng bị hỏi thế thì khựng lại. Có gió lạnh từ hai bên ngõ thổi qua, Dư Thanh phải làm chuyện chính là bưng quýt. Cô đang định đi thì bị cậu giữ lại, hỏi người đó là ai.

Dư Thanh: “Tự anh tìm đi.”

Lương Tự: “…”

Cậu nhíu mày nhìn cô đi xa, đến tay cô cậu còn chưa sờ được. Lương Tự xụ mặt đi ra ngược lại đầu hẻm, sau đó khởi động xe đang đậu bên đường, lái về nhà.

Lúc này không có nhiều người, Thẩm Tú đã đóng sạp hàng.

“Sao về trễ vậy?” Thẩm Tú hỏi.

“Dạ.” Cậu đi tới giúp cất thùng hàng, “Gặp Hứa Kính, sẵn hộ tống một đoạn.”

Dọn xong hàng, Lương Tự về phòng ngủ một giấc ngon lành, rồi thức dậy trước khi trời chưa tối hẳn. Cậu kéo quần xuống đi vệ sinh, nhớ tới tiếu tiếu sinh gì gì đó mà cô nói.

Cậu ngồi ở bậc thềm, lên Google tìm.

Tốc độ mạng không tốt, tốc độ load trang trên điện thoại quá chậm. Con mèo nhà hàng xóm nhảy tới lui trên đầu tường, cạnh mái hiên có một tổ chim én. Tuyết trên mái hiên tan thành nước, từng giọt rơi dọc theo từng viên ngói, một giọt rơi xuống điện thoại.

Cậu đã thấy đáp án mà mình mong ngóng bấy lâu [4].

Tiếng cười như bật ra từ trong lồng ngực, đôi ngươi đen láy nhìn chằm chằm mấy con chữ đó nửa buổi. Ngoài cửa, Lương Vũ ngâm nga tung tăng bước vào, Lương Tự lập tức ấn tắt điện thoại. Cô bé vung tay này tay kia, cậu nhìn thấy một món trên cổ tay em mình.

“Đồng hồ đó ở đâu ra vậy?” Cậu hất cằm.

Lương Vũ đứng lại tại chỗ: “Chị Dư Thanh cho.” Nói xong, như sợ cậu không tin, còn nói thêm: “Chị ấy cho em trước hôm hai người đi xem đèn lồng rồi.”

Chim én cất tiếng, cây ngô đồng rung rinh.

Chưa hết Tết, họ đã phải về trường vào mùng 7 để học tiết tự học buổi tối. Thời gian Lương Tự xuống tầng hầm dần ít đi hẳn, cậu thường xuyên đi theo Dư Thanh để học thêm ở khu nhà cũ.

Ngày tháng yên bình nhưng thú vị.

Thỉnh thoảng bàn trước bàn sau trong lớp tán dóc với nhau, Trần Bì cứ trố mắt nhìn cậu bằng vẻ mặt ‘Thằng này tính thi vào Thanh Hoa à’. Bình thường Lương Tự chỉ cười nhạt, hoặc trực tiếp cho cậu bạn một cước.

Hết thi học kỳ rồi lại đến thi thử.

Vào một buổi chiều nắng rất đẹp, lớp 10 và 11 có cuộc thi kéo co diễn ra ở sân trường, Lương Tự chạy từ khu ban Tự nhiên sang đây dắt cô đi xem. Những thiếu niên thiếu nữ đầy sức sống đó trở thành tâm điểm chú ý của toàn trường.

Hôm đó là một ngày nắng hiếm hoi ở thôn Tiểu Lương.

Tối đó cả hai cùng trốn học, cậu đạp xe chở cô chạy như bay trên con đường ruộng nhỏ. Xa xa có khói bếp lượn lờ, có đèn đóm lấp lánh, gió tháng ba thổi quần áo bay phấp phới.

“Muốn thế này cả đời quá.” Cô ngồi ở yên sau.

Phía trước là một con dốc xuống, Lương Tự bóp thắng xe từ từ đi xuống. Cô núp sau lưng cậu, không bị gió ập vào, xuống hết dốc thì tóc tai đã rối bù.

“Mới đánh có tí rắm.” Lương Tự cười, “Mà đã dám nói cả đời.”