Hẹn hò với Mr. Tô không bao lâu, tôi phát hiện trên ngực trái của mình phát triển một khối u hay trượt qua trượt lại.
Tôi vốn định giấu Mr. Tô, tự tới bệnh viện kiểm tra, song lại bắt gặp anh ngay cửa phòng khám. Tôi còn chưa bịa lý do gì thoả đáng, anh đã xách tôi ra khỏi cả một "đại đội" dài ngoằng đang xếp hàng.
Nhìn thấy tôi đăng ký khám ở khoa Vú, nét mặt anh có phần căng thẳng, hỏi tôi bị làm sao.
Thật ra tôi cũng rất ngại kể anh nghe, bèn ấp a ấp úng nói: "Chỗ đó... mọc lên một khối u nhỏ."
Anh kéo tôi tới chỗ khoa Vú. Bác sĩ Mã khám cho tôi là bạn đại học của anh. Anh nói rõ bệnh tình của tôi cho bác sĩ Mã. Bác sĩ Mã ngó vào trong phòng khám, phát hiện có quá đông người, bèn xắn tay áo lên nói: "Đi nào, chúng ta đi tìm một chỗ không có người để tôi nắn thử."
Rõ ràng là sử dụng từ ngữ rất chuyên ngành, nhưng tôi lại cảm thấy xấu hổ, cười gập bụng xuống, không thể đứng dậy nổi. Bác sĩ Mã nhìn Mr. Tô với vẻ mặt vô tội và nói: "Anh chứng kiến nhé, em không hề chọc ghẹo chị dâu, tại chị dâu dễ cười quá thôi."
Sắc mặt Mr. Tô sa sầm như gặp phải ngày âm u vậy, anh đáp một câu: "Có dễ cười cũng là chị dâu của cậu."
Nếu ngực mọc khối u thì cũng phải dùng tay sờ nắn, bởi vì từ độ to nhỏ, vị trí và hình dạng của khối u, bác sĩ sẽ phán đoán được có cần phải làm phẫu thuật hay không.
Hôm đó, bác sĩ Mã đưa tôi tới phòng bên cạnh, Mr. Tô thì đứng kế bên, khoanh tay trước ngực quan sát.
Tôi vén áo, bác sĩ Mã vừa định dùng tay thì tiếng của Mr. Tô đã vang lên: "Găng tay đâu? Đạo đức nghề nghiệp của cậu đâu cả rồi?"
Bác sĩ Mã nghiêm túc trả lời: "Đeo găng tay sờ nắn không chính xác đâu."
Sắc mặt Mr. Tô lạnh hẳn đi: "Chắc chắn là chỉ có sờ nắn không chính xác chứ?"
Bác sĩ Mã bị anh hỏi đến dở khoc dở cười, buộc phải quay về tìm găng tay. Anh ấy vừa ra khỏi cửa. Mr. Tô đã quay đầu nói với tôi: "Lần sau còn tới đây nữa, anh sẽ mang cho em một đôi găng tay."
Lần này tới lượt tôi không biết nên khóc hay nên cười.
Tôi hỏi bác sĩ Mã: "Ngày nào anh cũng phải làm việc ở khoa Vú, xem bệnh cho các bệnh nhân nữ, anh không sợ bạn gái tương lai để ý ư?"
Bác sĩ Mã hạ thấp giọng nói: "Tôi coi cô là người nhà nên mới nói cho cô đấy nhé. Khoa của anh Tô bình thường xem qua ảnh chụp CT, nhưng khi lên bàn mổ cũng sẽ nhìn thấy nửa người trên của bệnh nhân, cô không ngại sao?"
Tôi tự tưởng tượng ra khung cảnh đó trong đầu, rồi lại nhớ tới lần đầu tiên gặp Mr. Tô giúp tôi lấy ven máu ở bắp chân trong lòng bỗng dưng thấy không vui.
Buổi tôi trở về nhà, tôi hỏi Mr. Tô: "Nếu có một bệnh nhân nữ xinh đẹp hơn em, dáng chuẩn hơn em, khi lấy ven máu hoặc làm phẫu thuật cho người ta, liệu anh có suy nghĩ gì khác không?"
Mr. Tô hỏi người lại tôi: "Vậy trước kia em cũng bị bệnh, cũng từng gặp các bác sĩ nam khác, liệu em có suy nghĩ gì khác không?"
Tôi nói: "Đương nhiên là không, lúc bị bệnh em lo cho mình còn chẳng kịp, làm gì có tâm tư nghĩ đến chuyện khác chứ."
Anh nhún vai: "Anh cứu người còn chẳng kịp, sao nghĩ được đến chuyện khác?"
Tôi: "Vậy đối với anh, em là sự cố ngoài ý muốn hay sao?"