Ngày 28 tháng Mười là Quốc khánh Cộng hoà Séc. Mong ước bấy lâu của Hứa Qua đã thành sự thật khi cô diện chiếc váy đẹp nhất được mua bởi Lệ Liệt Nông, khoác tay anh dạo bước theo đoàn diễu hành trên phố cổ Prague.
Thời tiết hôm nay rất đẹp, bầu trời lúc hoàng hôn phản chiếu xuống mặt sông Vltava thật tráng lệ. Suốt quãng đường, Hứa Qua luôn nắm tay Lệ Liệt Nông không rời.
Khi qua cầu Charlie, họ ngang qua chiếc xe chở khách du lịch Trung Quốc, tụi trẻ thả vụn giấy sặc sỡ xuống đường. Từng mảnh giấy màu xanh lá, xanh nước biển, hồng, đỏ bay đầy trời khiến Hứa Qua vươn hai tay ra đón lấy.
Khi một mảnh giấy bị gió thổi đậu vào bàn tay, cô hào hứng quay đầu và gọi tên anh: “Ar…”
Artenza đâu rồi?
Bên cạnh cô là những khuôn mặt xa lạ. Người đàn ông luôn đi bên cạnh cô đã biến mất không dấu vết.
Cô đứng ngẩn ngơ ở đó, cố gắng tìm kiếm khuôn mặt anh qua những khe hở của đám đông. Lúc này cô mới cẩn thận nhớ lại, anh chẳng hề nói gì suốt quãng đường vừa rồi. Còn lúc ăn sáng hôm nay, anh đều ngắm cô không rời.
“Trên mặt em có gì ư?”
“Không có.”
“Có phải hôm nay em rất xinh không?”
“Em rất biết tự sướng đấy.”
Trong vô thức, Hứa Qua lùi bước về sau, cuối cùng cô đụng vào người một ai đó. Quay đầu lại, cô thấy Kim Nguyên.
Khi Hứa Qua và Kim Nguyên đi tới Quảng trường Phố cổ thì cũng là lúc mặt trời sắp lặn. Quảng trường Phố cổ là điểm thu hút du lịch nhất tại Prague, nó nằm trong khu phố cổ và kết nối với khu vực của người Do Thái sinh sống. Nơi đây cũng từng là trung tâm chính trị của Séc.
Giờ phút này, giữa quảng trường là đội kỵ sĩ mặc trang phục màu xanh, đỏ và trắng đứng thẳng một hàng, tay họ cầm giáo như kỵ binh thời Trung cổ. Trong tuần lễ Quốc khánh, sau đây sẽ là màn xuất hiện của đoàn xe ngựa diễu hành.
Nhưng xung quanh Hứa Qua lúc này không có ai. Khi cô vừa bước chân vào khu vực quảng trường, không gian vốn yên tĩnh bỗng nổi lên bản nhạc hùng hồn của dàn nhạc.
Theo tiếng nhạc ấy, đoàn kỵ sĩ bắt đầu thực hiện một loạt động tác nện bước gãy gọn. Cuối cùng, tất cả đều hướng mặt nhìn về Hứa Qua, làm động tác xin mời, khiến cô hơi giật mình, vô thức lùi về sau một bước.
Một cánh tay vươn ra, chỉ hướng cho Hứa Qua đi, Kim Nguyên nói: “Ngài Lệ đang đợi cô.”
Làn váy đung đưa theo mỗi bước chân của Hứa Qua, đội kỵ sĩ lần lượt thu cây giáo, tạo một đường thẳng tới toà nhà thị chính cũ.
Toà thị chính cũ nằm ở dưới chân Tháp Đồng hồ Thiên văn, ở đó có một người đàn ông mặc vest đen đang đứng. Người đàn ông như bị hấp dẫn bởi kiến trúc của chiếc đồng hồ, anh đứng im không nhúc nhích.
Cô bước từng bước lại gần anh. Khi cô dừng lại cũng là lúc Lệ Liệt Nông quay đầu.
Tóc anh được chải và vuốt lên gọn ghẽ. Người đàn ông trong bộ vest chỉn chu, đứng giữa kiến trúc cổ kính của Quảng trường Phố cổ không khác gì một vị vương tử vừa bước xuống cỗ xe ngựa thếp vàng.
Cô đứng ngẩn ngơ. Dưới ánh hoàng hôn, khuôn mặt người đàn ông bừng sáng bởi niềm hạnh phúc, anh lẩm bẩm: Hiện tại anh chỉ có thể làm được những thứ này vì em.
“Hứa Qua.”
Cô nhỏ giọng đáp lại.
Anh nói tiếp, “Sau này, có lẽ có một đứa trẻ hiếu kỳ, cầm tờ tiền in chìm hình bông hoa hướng dương bước tới và hỏi anh, ngài Lệ, người phụ nữ trên tờ tiền này là ai? Khi đó, nếu xung quanh không có ai, anh sẽ nói cho đứa bé đó biết, đó là người anh yêu.”
Cô ngơ ngác nhìn anh, từ giây phút đội kỵ sĩ biểu diễn đến khi đứng trước mặt anh, cô cảm giác có một điều gì sắp xảy ra.
Sự im lặng của cô khiến người đàn ông nhíu mày, anh quơ tay trước mặt cô: “Sao mặt em dài như cổ ngỗng vậy?”
Dù trong đầu cô rất muốn phản bác lại anh nhưng miệng lại không thốt nên lời. Thời gian như quay lại lúc cô hai mươi tuổi, lúc ấy cô chỉ có thể đứng từ cầu Charlie nhìn anh đứng giữa vạn người.
Thấy cô chẳng chút phản ứng, anh nhỏ giọng: “Haiz, để anh để tóc lại như ngày thường.”
Mắt thấy anh chuẩn bị gạt tóc xuống, cô vội giữ chặt tay anh. Trang phục đẹp như này mà để tóc ngày thường thì hỏng hết phong cách.
Người đàn ông trước mặt nở một nụ cười thật đẹp.
Cô buông tay anh, nắm đấm giơ lên đập vào vai người đàn ông: “Lệ Liệt Nông, ai cho anh biến mất không nói một lời hả?”
Anh doạ cô sợ muốn chết.
Nắm đấm của cô bị anh nắm lại: “Không phải em cũng không ư hử gì xong biến mất sao?”
“Em không có…”, Hứa Qua không biết nói gì thêm. Nhìn nụ cười của anh, cô ngu ngốc nói: “Artenza, anh thật đẹp trai.”
“Đương nhiên, bộ vest này vét sạch ví tiền anh đó”, anh kéo kéo cổ tay áo thở dài.
Hứa Qua xích lại gần ngắm nghía, thương hiệu đúng là này đắt muốn chết.
“Anh nói này”, giọng Lệ Liệt Nông mang vẻ ghét bỏ, “Em đừng để nước miếng dính vào quần áo anh. Anh đang nghĩ nếu chẳng may túng quẫn quá, anh sẽ quay lại bán đó. Người bán nói rằng nếu giữ gìn tốt thì nó vẫn được giá.”
Nhà lãnh đạo 1942 đúng là một người tiết kiệm.
Hứa Qua cuống quýt lau miệng, nhưng cô vẫn không nhịn được mà vụng trộm nhìn anh với vẻ đắc chí: “Bỗng nhiên anh biến mất rồi xuất hiện bất ngờ với hình tượng này là có kế hoạch từ trước à?”
Lệ Liệt Nông trước nay không phải kiểu người như vậy. Lúc trước cô cũng chỉ thuận miệng nói thôi, thật không ngờ anh lại…
“Đúng vậy.”
Cô không kiềm chế được, hé miệng: “Ar…”
“Mau khép miệng, che tay lại.”
Cô lại ngốc nghếch hỏi: “Vì sao chứ?”
Ánh mắt Lệ Liệt Nông lại hướng lên mặt đồng hồ phía trên: “Vì hôm nay là một ngày đặc biệt của người du hành thời gian.”
Nếu như anh không nhắc, Hứa Qua dường như đã quên khoảng thời gian bốn năm cô không có chút ký ức kia, quên luôn chuyện cô ở tuổi hai sáu với ký ức của tuổi hai mươi.
Anh nắm lấy vai cô, cùng cô đứng sóng vai trước tháp Đồng hồ Thiên văn.
Tháp Đồng hồ Thiên văn là một biểu tượng đặc biệt của Prague. Với người dân nơi đây, nó tồn tại như một sự vật tự nhiên, như Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất, từ khi họ còn là những đứa trẻ, cho đến khi lớn lên, rời xa quê hương, và khi trở về nhà.
Tháp Đồng hồ ở đó khi họ buồn bã, đau khổ, khi họ hạnh phúc, tràn ngập tình yêu, tới khi họ già đi. Và khi họ không còn trên thế gian này, Tháp Đồng hồ sẽ cùng con cháu họ trải qua một đời người như vậy.
“Hứa Qua.”
“Vâng.”
“Anh sẽ luôn ở đây.”
“Vâng.”
“Hứa Qua”, Lệ Liệt Nông chỉ lên mặt đồng hồ: “Em đã nghe qua chuyện xưa về tháp Đồng hồ chưa?”
“Em chưa”, Hứa Qua đáp.
Câu chuyện về Tháp Đồng hồ Thiên văn lan truyền khắp thế giới, Hứa Qua đã từng nghe nhưng lúc này, cô lại muốn Artenza kể cho mình nghe.
Cô chắc chắn phiên bản mà anh kể sẽ không giống bất kỳ lần nào cô từng nghe trước đây, bởi vì cô yêu anh.
Tất cả mọi điều liên quan tới người đàn ông cô yêu đều là vô cùng đặc biệt, là duy nhất trên thế giới này.
Màn đêm buông xuống, anh kể cô nghe câu chuyện lan truyền khắp đầu đường cuối ngõ: Năm 1410, kể từ khi chiếc Tháp Đồng hồ Thiên văn được hoàn thành và nổi tiếng khắp nơi, vẻ đẹp của nó khiến cả thế giới ngả mũ thán phục.
Lúc đó, vị vua của đất nước rất ích kỷ, không muốn người thiết kế tạo ra chiếc đồng hồ thứ hai cho những nơi khác nên cố tình làm mù mắt ông ấy. Nhà thiết kế quá căm phẫn, cuối cùng ông đã tự tử bằng cách nhảy vào bánh răng bên trong tháp đồng hồ do chính mình thiết kế.
Sau một hồi im lặng, anh nhẹ nhàng lau nước mắt trên khuôn mặt cô: “Đồ ngốc, sao em đã khóc rồi?”
Đâu phải, cô đã nghe câu chuyện này không dưới mười lần, lần nào cô cũng không khóc, cũng chẳng có cảm giác gì cả. Cô không quen biết nhà thiết kế kia, cũng chẳng có tình cảm gì với toà thị chính cũ này.
Nhất định là vì cách kể chuyện của Artenza, như anh nhắc cô về nước gội đầu mùi cây cỏ, về chiếc bánh mì hình đoàn tàu.
Anh lau sạch nước mắt trên mặt Hứa Qua: “Hứa Qua.”
“Vâng.”
“Trên thế giới này, một số người cũng giống nhà thiết kế đồng hồ kia, dùng phương thức cực đoan như vậy để thể hiện tình yêu của mình.”
Không biết có phải vì trời đã tối, hay vì linh hồn của nhà thiết kế đáng thương vấn vít trong từng bánh răng đồng hồ, Hứa Qua hơi run lên vì cảm giác lạnh lẽo. Cô lắp bắp: “Artenza… Chẳng lẽ anh cũng muốn nhảy vào bánh răng đồng hồ?”
Có tiếng cười khẽ vang trên đỉnh đầu cô: “Bà Lệ, gần đây ông Lệ có thêm vài tật xấu.”
“Sao cơ… tật xấu gì ạ?”
“Mỗi khi bà Lệ nói cái gì ngốc nghếch, ông Lệ lại muốn hôn cô ấy một cái, khiến môi cô ấy sưng lên, hôn tới khi cô ấy không nói nổi một lời thiếu não nào nữa.”
Từ khi nào anh sến như vậy?
Nhìn xem, con gái ông chủ tiệm kim khí giờ cũng biết xấu hổ.
“Artenza, em thích anh sến như này lắm.”
“Vậy em còn không mau nhắm mắt lại?”
Trong bóng tối, cô ngoan ngoãn nhắm mắt lại. Anh thật sự đã hôn đến nỗi môi cô sưng lên. Không chỉ vậy, anh còn khiến não cô trống rỗng, đầu óc ngẩn ngơ.
Cho đến khi một cái búng hạ xuống trán cô, “Em thật sự cho mình là người phụ nữ đẹp nhất trên đời à?”, người đàn ông nói như thể không ai thèm nhìn cô nên anh phải miễn cưỡng làm người tốt.
Cô đương nhiên không phục, ưỡn ngực: “Khiến anh mê đến mất hồn mất vía thì đương nhiên là đẹp rồi.”
Anh kéo tay cô bước trên đường, từ đầu đường này đến con phố khác. Đây thật là một buổi tối lạ kỳ, suốt đường họ đi đều không một bóng người.
“Artenza, anh nói xem tối nay mọi người đi đâu hết rồi?”
“Vấn đề này còn cần anh phải trả lời sao? Bởi vì hiện tại, nhà vua và hoàng hậu đang du hành trên đường, mọi người đương nhiên phải ở trong nhà.”
Cô làm mặt quỷ với anh.
“Ta nói, thưa hoàng hậu, xin ngài hãy chú ý lễ nghi của mình. Thần dân đang trốn sau cửa sổ để nhìn trộm, mà trẻ con trong thành phố đều xem hoàng hậu là chuẩn mực đó.”
À, ra là vậy. Cô hơi cụp mắt rồi lại mở mắt thật to, khuôn mặt rạng rỡ. Tay cô giơ lên, vẫy tay một cách ưu nhã nhất với những khung cửa sổ hai bên phố.
==
Chuyên mục đi du lịch Séc:
Quảng trường Phố cổ (tiếng Séc: Staroměstské náměstí) là một trong những quảng trường lịch sử tuyệt đẹp và nổi tiếng, tọa lạc ở Phố Cổ Praha, Cộng hòa Séc. Quảng trường Phố cổ nằm giữa quảng trường Václav và cầu Karl. Đây là một di sản văn hóa quan trọng của thủ đô Praha, hoạt động như một địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, thu hút rất đông khách du lịch vào mùa hè cũng như vào các dịp lễ hội. (Nguồn Wikipedia)
Đồng hồ thiên văn Praha (tiếng Séc: Pražský orloj [praʃskiː orloj]), nằm tại thủ đô của Cộng hòa Séc. Đồng hồ được lắp đặt lần đầu vào năm 1410, là đồng hồ thiên văn cổ thứ ba và cổ nhất vẫn còn hoạt động trên thế giới.
Đồng hồ thiên văn được đặt tại bức tường phía nam của Tòa thị chính Thành Cổ ở Quảng trường Thành Cổ. Đồng hồ này về mặt kỹ thuật thì bao gồm ba gồm ba bộ phận chính: mặt đồng hồ thiên văn, tượng trưng cho vị trí của Mặt Trời và Mặt Trăng trên bầu trời và hiển thị các chi tiết thiên văn khác nhau; “Bước chân của các Tông đồ”, một bộ máy đồng hồ hiển thị mỗi giờ một nhân vật trong các Tông đồ và các nét điêu khắc chuyển dịch khác- đáng chú ý là một nhân vật của Cái chết (đại diện là một bộ xương); và một mặt đồng hồ lịch với các mề đay đại diện cho các tháng. (Nguồn Wikipedia)