Dưỡng Tính

Chương 69: Ngoại truyện: Một lòng thanh khiết, định mệnh là người



Cũng phải sánh bước với Đường Thi đến nửa đời người, Kỳ Bạch Nghiêm mới cảm nhận được một cách sâu sắc rằng một khi Đường Thi đã che giấu một bí mật nào đó, thì đến khi mình xuống mồ cũng sẽ không biết được. Giữ kín như bưng, chưa từng nhắc đến.

Hôm nay Kỳ Bạch Nghiêm có học sinh đến thăm, ba người đàn ông, cũng đã hơn năm mươi.

Đường Thi pha trà cho họ, sau khi nhận được tiếng gọi “Cô” một cách tôn trọng, chu đáo để lại không gian phòng làm việc cho họ.

Nói được một lúc lâu, mọi người nhớ lại cuộc sống tự do phóng khoáng thời đại học.

Ông Khang đeo mắt kính cười nói: “Lúc đó lão Mạnh ăn chơi nhất, mấy cô nàng xinh đẹp của trường mình qua tay cậu ấy hết cả, mà chết là mấy cô đó chỉ chấm cái kiểu thư sinh trắng trẻo này thôi, cứ mười người là hết tám chín người vào tay cậu ấy.”

Ông Mạnh đến giờ vẫn thích sửa soạn và ăn mặc nho nhã, nghe vậy thì chỉ mỉm cười. Người đẹp sẵn, lớn tuổi thì trở thành một quý ông điển trai. Bây giờ ông không ong bướm nữa, nhưng các bà vẫn thích tìm ông. Cũng xem như một loại báo ứng.

Ông Đỗ mập mạp ngồi cạnh cũng nói theo: “Lại chả, còn là tài tử khoa tiếng Trung, tinh thông đủ thơ từ ca phú, viết mấy câu thơ, đọc vài bài từ, làm mấy cô của khoa khác mê như điếu đổ! Tôi ganh tị chết đi được!”

Ông Mạnh xua tay, như có vẻ bùi ngùi, cười nói: “Lúc còn trẻ làm nhiều chuyện hèn mọn, bây giờ nhắc lại làm gì nữa? Nói chung là lúc đó hormone tràn đầy, phụ lòng rất nhiều người.”

“Bây giờ còn dám phụ lòng không?” Ông Khang cười trêu, “Đâu phải không có báo ứng, chỉ là chưa tới lúc thôi.”

Ông Mạnh cười, “Cuối cùng vẫn phải bị ai kia quản lý đấy.” Gọi ai kia trong nhà một cách tôn trọng lẫn thân mật.

“Mọi người nói vụ này, làm tôi nhớ tới một chuyện thú vị.” Ông Đỗ cười nói, “Lão Mạnh, cậu còn nhớ hồi năm ba, cậu thích một đàn em khoa mình, nghĩ là nếu đã cùng khoa tiếng Trung thì theo đuổi bằng cách “văn nghệ” không?”  

Ông Mạnh nhớ lại một lúc, nói: “Còn nhớ.” Có lẽ là nhớ đến chi tiết nào đó, thở dài, “Đúng là quá xấu hổ.”

Ông Khang lại không nhớ chuyện này, nghe vậy thì thấy hào hứng, hỏi: “Vụ gì?”

Ông Đỗ nói: “Hồi năm ba cậu ấy để ý một đàn em năm hai, chôm một bài thơ tình trong sách, viết trên cùng tờ giấy viết thư, tranh thủ lúc đàn em đó đi vắng kẹp vào sách của người ta. Lúc đàn em đó học xong ra về thì để lại giấy viết thư, trả lời thế này: ‘Thời vô anh hùng, khiến tôi tớ thành danh.’ Nghe như là biết danh lão Mạnh, còn biết tình sử của cậu ấy, coi thường muối mặt luôn.”

Ông Mạnh nói: “Lúc đó tôi đâu chịu thua, còn chạy tới đối chất như thằng ngốc, kết quả bị chặn họng nói không nên lời, sau này mới biết bút danh của cô ấy, lên mạng tìm thử, đọc tác phẩm của người ta, từ đó về sau không dám múa rìu qua mắt thợ nữa. Ngọa hổ tàng long [1] của khoa tiếng Trung, đó là cô gái đầu tiên từ khi vào đại học mà tôi bội phục đến mức không dám đến gần nữa.” 

[1] Ngọa hổ tàng long: nghĩa đen là chỉ con hổ đang nằm và con rồng đang ẩn náu, lúc đó sẽ không ai nhận ra con hổ dữ tợn ra sao và con rồng có sức mạnh thế nào; nghĩa bóng để chỉ những người tài giỏi nhưng giấu tài, không muốn cho người khác biết. 

Ông Khang hoàn toàn không có chút ấn tượng nào, nghe vậy thì thấy cực kỳ thích thú với câu chuyện cũ này, hỏi: “Còn nhớ bút danh không?”

Ông Mạnh lắc đầu, “Chuyện lâu lắm rồi, quên mất rồi.” Rồi nghĩ ngợi, nói với giọng điệu không chắc chắn lắm, “Hình như….. hình như là cái gì đó Nhất Khúc? Ba chữ, gì đó Nhất Khúc……”

Kỳ Bạch Nghiêm lắng nghe toàn bộ câu chuyện, nghe đến đây thì giật mình, vẫn bình tĩnh quan sát học sinh của mình, nói: “Nếu là sinh viên khoa tiếng Trung trường mình, có tài văn chương khiến em khâm phục, có lẽ tôi sẽ biết.”

Ông Mạnh lắc đầu, “Sau này em mới biết cô ấy không học trường mình.”

Ông Đỗ mập mạp ngạc nhiên, “Không phải dân trường mình?” Rồi nghĩ ngợi, “Không thể nào! Lúc đó tôi thấy cô ấy đến khu Văn Uyên học mà.”

Ông Mạnh nói: “Cô ấy chỉ học ở trường mình một năm, nghe nói cô ấy là sinh viên của đại học F đến học học kì trao đổi, học hết năm hai, hết hạn trao đổi là về lại trường chính thức.”

“Đại học F?” Kỳ Bạch Nghiêm hỏi.

“Vâng, sinh viên xuất sắc của đại học F.”

Mọi người lại nói sang chuyện khác. Sau khi tiễn học sinh về vào buổi trưa, Kỳ Bạch Nghiêm rút ra một quyển sách trên giá sách, tên của quyển sách là «Đồ», tác giả là Tư Nhất Khúc. 

Nhìn vào bìa sách và nội dung trong sách, có thể biết ngay đây là văn phong của một tác giả nữ. Lối hành văn có phần non nớt, nhưng lời văn bay bổng, câu chữ mượt mà, logic chặt chẽ, với một cô gái độ tuổi đôi mươi thì đã là rất giỏi. Khi đó bạn học Mạnh ngưỡng mộ một cô gái như vậy cũng không có gì lạ.  

Nhưng phẩm chất thế này, có thể làm bạn học Mạnh cúi đầu bái phục, nhưng với Kỳ Bạch Nghiêm thì không. Thế nhưng, quyển sách này lại nằm trong phòng làm việc ở nhà. 

Vì sao?

Vì đây là sách của Đường Thi.

Là Đường Thi của năm hai mươi tuổi, còn nuôi ước mơ làm nhà văn, đăng tác phẩm ở khắp nơi, cuối cùng tổng kết thành quyển «Đồ». Đường Thi đặt trên giá sách, Kỳ Bạch Nghiêm từng đọc, biết lúc vợ mình còn trẻ từng có bút danh như thế. 

Nhưng hoàn toàn không biết về “chuyện thú vị” mà bạn học Mạnh đã kể, càng không biết chuyện vợ mình từng học ở đại học C.

Khi Đường Thi vào dọn dẹp, thấy Kỳ Bạch Nghiêm đang đọc quyển sách mình của thời trẻ không biết tự lượng sức từng viết, quý bà xinh đẹp hờn dỗi: “Có gì hay đâu?”

Kỳ Bạch Nghiêm hỏi: “Em từng học ở đại học C?”

Đường Thi ngạc nhiên.

Kỳ Bạch Nghiêm nói: “Hôm nay có bạn học Mạnh đến, chắc là em không nhớ chuyện này nữa. Lúc em học trao đổi ở đại học C, cậu ấy từng viết thư tình cho em, bị em chế nhạo đáp lại, lúc nãy họ nhớ lại chuyện thời đại học, nói đến chuyện này.” 

Đường Thi hơi chột dạ.

Kỳ Bạch Nghiêm nói: “Chưa từng học lớp của anh?” Kỳ Bạch Nghiêm nhớ được hết tất cả sinh viên học lớp mình. 

“Một tiết.” Càng chột dạ hơn nữa.

Kỳ Bạch Nghiêm khựng lại.

Hai người nhìn nhau. Đã nắm tay nhau qua vài thập niên, đã hiểu tính cách của nhau rõ như lòng bàn tay. Kỳ Bạch Nghiêm chưa từng hỏi những chuyện trước khi Đường Thi gặp mình. Những lúc hai người trò chuyện, nói đông nói tây, có thể gắn kết được đại khái tất cả mọi chuyện trước năm 26 tuổi của Đường Thi. Nhưng cả một năm hai đại học đó, đã bị Đường Thi bỏ qua hoàn toàn. Đường Thi từng học lớp của mình, trước khi bắt đầu mối duyên ở chùa Pháp Định, thì ra đã từng gặp mình. Nhưng Đường Thi chưa bao giờ nhắc đến.

Những điều này dường như chỉ về một hướng – Đường Thi có một bí mật.

Có lẽ, còn là liên quan đến mình.

Chiều hôm đó, đôi vợ chồng già đến Phong Hoa Tuyết Nguyệt uống trà, góc mái chùa Pháp Định đứng lẳng lặng phía xa. 

Đường Thi cứ tưởng rằng chuyện này sẽ cùng mình xuống mồ, chính vì nhân duyên, cuối cùng cũng phải nói cho Kỳ Bạch Nghiêm biết.

Thật ra chỉ là một câu chuyện rất đơn giản, Đường Thi đã thích Kỳ Bạch Nghiêm từ trước.

Đúng là Đường Thi từng học trao đổi ở đại học C, học hết năm hai. Thế nhưng trong lúc cô học ở đại học C không phải muốn học môn nào cũng được, mà chương trình học của cô ở đại học C phải liên kết với chương trình học ở đại học F, sau này quay lại còn phải đổi tín chỉ, vì vậy Đường Thi phải chọn những môn mà cả hai trường cùng có, tùy theo tính chất của khóa học và yêu cầu về tín chỉ, rồi cộng thêm chút hứng thú của bản thân, Đường Thi chọn thêm vài môn khác. Không may là, môn ‘Nhập môn văn hóa Phật giáo’ của Kỳ Bạch Nghiêm không nằm trong sự lựa chọn của Đường Thi.  

Đường Thi từng nghe nói đến Kỳ Bạch Nghiêm. Học ở khoa tiếng Trung đại học C, không nghe thấy cũng khó. Thế nhưng, giống như cô từng viết cho bạn Mạnh – “Thời vô anh hùng, khiến tôi tớ thành danh”. Cô nàng Đường Thi phơi phới sắc xuân và còn có chút cậy tài khinh người này chẳng có hứng thú về “Kỳ tiên sinh” trong lời đồn, thậm chí còn xem nhẹ. 

Còn vì sao sau này lại có một tiết học đó, Đường Thi nói: “Đột nhiên có hứng.” 

Khi học kỳ 2 năm hai sắp kết thúc, một hôm Đường Thi không có tiết, dự định đến thư viện đọc sách, khi ra khỏi ký túc xá, chợt nhìn thấy bốn cô gái đang chạy trối chết, vừa chạy vừa nói: “Nhanh lên! Hết chỗ rồi kìa!”, “Lẹ lên lẹ lên, lớp của Kỳ tiên sinh nhiều người lắm!”

Đường Thi nhìn đồng hồ, 1 giờ 30 chiều. 2 giờ mới vào tiết mà 1 giờ 30 đã hết chỗ?

Cũng hơi quá rồi đấy.

Tuy vậy, chân lại di chuyển theo hướng mà bốn cô gái vội vã chạy đi, còn lấy điện thoại ra, đăng nhập vào hệ thống giáo vụ, tìm được phòng học của môn ‘Nhập môn văn hóa Phật giáo’, nghĩ: Đến một bận, học thử một tiết của nhân vật trong truyền thuyết, nghe thử cũng được.

Đường Thi đến lớp, còn dư đúng một vị trí cuối cùng – chỗ ngoài cùng của hàng cuối cùng. Chậc, đúng là khoa trương thật đấy.

1 giờ 55 phút, tiếng nói chuyện nhỏ dần; 1 giờ 59 phút, lặng ngắt như tờ; 2 giờ, Kỳ Bạch Nghiêm vào lớp.

Đàn ông thực sự có chất lượng không thể được khen bằng từ “đẹp trai”, dùng từ “đẹp trai” đối với kiểu đàn ông này, càng như đang xem thường vẻ ngoài của họ. Thần thái, khí chất, học thức, phẩm cách, dù là phương diện nào cũng sẽ hấp dẫn hơn ngoại hình. Kỳ Bạch Nghiêm bước lên bục giảng, cử chỉ nào cũng toát ra vẻ tao nhã và phong độ, sao có thể dùng một từ “đẹp trai” để miêu tả chứ? Hết sức hời hợt!

“Cảm ơn mọi người đã đến tiết học cuối cùng của học kỳ này.”

Tim Đường Thi run lên.

Trong buổi học cuối cùng, anh nói về tự tính của vạn vật.

“……Tôi nói những điều này, có thực sự là đang nói những điều này? Mọi người đang nghe, có thực sự đang nghe những gì tôi nói không?….. Đừng nghĩ rằng mình đang nói chuyện, mà là lời đang nói mình; đừng nghĩ rằng mình đang nghe, mà là mình đang được nghe…”

“Mưu cầu điều gì, chết vì điều đó.”

“Hình thành tự tính, sẽ bị chính nó ràng buộc.”

Tinh vi uyên thâm, cao vút tận trời.

“Đây là tiết học cuối cùng của học kỳ này, một tuần sau sẽ thi, chúng ta nói về chuyện thi cử. Tôi để bài học về ‘tự tính’ ở tiết cuối cùng, chính vì mong mọi người ghi nhớ —— loại bỏ tự tính. Câu chữ trên sách chưa chắc đã đúng, những gì tôi giảng cũng chưa chắc đã đúng. Câu chữ trên sách, những gì tôi giảng cộng với suy nghĩ và hiểu biết của chính mọi người, mới là đúng. Cho dù là giải thích danh từ, tôi cũng mong mọi người đừng dựa vào sách vở….”

Tiết học kết thúc, mấy cô gái ùa lên vây quanh anh líu ríu.

Đường Thi sững sờ.

Tài tình, lý lẽ, ngôn từ, đều là những điều lần đầu tiên Đường Thi thấy được ở một giáo viên. «Nhạc Phủ thi tập» do Quách Mậu Thiến của thời Tống biên soạn gồm có 18 bài thần huyền khúc, dùng để ca ngợi thần linh, trong đó có một bài tên «Khúc Bạch Thạch Lang», lời rằng: “Như đá tích thành ngọc, như thân tùng biếc xanh, chàng đẹp đẽ tuyệt trần, thiên hạ nào ai sánh.” [2]

[2] Hán Việt: Tích thạch như ngọc, liệt tùng như thúy, lang diễm độc tuyệt, thế vô kỳ nhị.

Chỉ có thể nghĩ đến người này.

Từ đó, một hạt giống mến mộ được gieo trồng, gió vàng sương ngọc gặp được nhau, đất trời từ đó thôi đơn sắc.

Nhưng người ấy quá đỗi cao vời xa xôi, cho dù sau này không có hứng thú với tất cả những người đàn ông khác tiếp cận mình, Đường Thi cũng chưa từng nghĩ mình phải điên cuồng thế này thế nọ. 

Mối tình chớm nở của cô, hầu như chỉ diễn ra trong âm thầm.

Âm thầm quyết định học lên thạc sĩ và tiến sĩ, âm thầm quyết định làm giảng viên đại học, âm thầm nhận lời mời giảng dạy ở đại học C, bất ngờ gặp lại anh ở chùa Pháp Định. 

Hạt giống đó, ngay trong khoảnh khắc vừa gặp lại anh, chui lên khỏi mặt đất, lớn lên thành cây cao khuất trời, còn cứng cáp và vững chắc hơn cả cây hạnh nhân ngoài hai trăm tuổi trước Đại Hùng Bảo Điện.

Lần đầu tiên cô quỳ trước Phật tổ, thầm nghĩ: Từ nay về sau, con là tín đồ của người.