Duyên

Chương 11: Kết một đoạn trần duyên giữa mây mù



Tìm ẩn sĩ mà không gặp

Cội tùng tìm hỏi trẻ,

"Thầy hái thuốc nơi xa."

Chỉ trong vòng núi ấy,

Mây thẳm khó tìm ra.

Giả Đảo

Hồi còn nhỏ, đã từng đọc bài thơ này trong sách giáo khoa. Tuy sau này khi đọc sách chẳng gặp lại nữa, nhưng vẫn nhớ rõ từng chữ, mở miệng là có thể đọc ra:

"Cội tùng tìm hỏi trẻ,

"Thầy hái thuốc nơi xa."

Chỉ trong vòng núi ấy,

Mây thẳm khó tìm ra".

Trong ký ức tôi, bài thơ này là một bức họa biết di động, mây mù trong núi, mờ mịt mông lung, nhưng lại thanh khiết như được gột rửa. Một cội tùng dáng dấp giản đơn, cậu nhỏ ngồi dưới gốc đang phe phẩy cây quạt hương bồ, quạt lò pha trà. Một ông lão, trông không hề có vẻ phong trần, mày như gió mát, ánh mắt toát lên vẻ điềm đạm, hỏi thăm cậu nhỏ: "Sư phụ đâu rồi?" Cậu nhỏ đáp: "Thưa, đi hái thuốc." Ông lão lại hỏi: "Hái thuốc ở đâu vậy?" Cậu nhỏ một tay cầm quạt, một tay chỉ vào mây mù trong núi, đáp: "Ngay trong núi này thôi, song mây mù dày đặc, chẳng biết là ở đâu."

Một chốn khiến người ta ngưỡng mộ nhường ấy, tuy thuở thiếu thời tôi không hiểu được ý cảnh trong thơ, nhưng lòng vẫn thầm hướng tới. Mỗi khi đứng trên lầu gác sau cơn mưa, nhìn về phía dãy núi xa xa mây giăng mịt mờ, lại ngốc nghếch nhủ thầm, a, kia hẳn là nơi ở của thần tiên tóc trắng. Giờ này có lẽ người đang địu sọt tre hái thuốc bên vách núi, hoặc đánh cờ thưởng trà với khách phương xa dưới cội tùng, hay ngồi bên lò đan luyện thuốc. Những tưởng tượng ngày nhỏ đơn thuần mà ngây thơ, nhưng tôi luôn trân trọng giữ gìn ký ức ấy. Bởi tôi vẫn tin rằng, trong nội tâm mỗi người, đều có một góc nhỏ tĩnh lặng mà mềm yếu, cất giấu nỗi bi ai của một cánh hoa rơi, vẻ mỹ lệ của một ráng mây chiều, niềm cảm động của một giọt sương đọng.

Bấy giờ, sống trong ngôi làng nhỏ phía Nam, chỉ có mấy chục hộ gia đình, xung quanh là núi sông bao bọc, cuộc sống rất mộc mạc giản dị. Thường thích thơ thẩn một mình trên lầu gỗ, mơ mộng những thuần chân. Lại ưa lang thang theo đường núi quanh co, chọn lấy vài nhành lá rụng, đem về kẹp vào sách vở, để kỷ niệm chút tâm tình mông lung. Cũng hay hái một chiếc lá sen làm ô, che mấy hạt mưa bụi hay một tia nắng ấm. Tháng năm ruổi ngựa vụt qua, những ngày tháng ấy đã thành ra núi xa sông dài, không sao quay trở lại. Nếu có thể, tôi mong rằng đầu thu này sẽ vào trong núi, hái một bó cúc mới chớm nụ về nhà, cắm vào bình sứ Thanh Hoa, nhìn nó lặng lẽ nở ra, như một quãng tuổi hoa từng trải nào đó. Dù những đóa cúc ấy chẳng thay thế được niên thiếu, không thay thế được thanh xuân, nhưng cả đời chúng cũng chỉ nở một lần này, chỉ một lần, để tôi ghi nhớ lấy vẻ duyên dáng của chúng, sự tươi đẹp của chúng.

Núi trải dài liên miên, nằm ngủ như Phật, đất đá là tính tình của núi, cây cỏ là linh hồn của núi, chim chóc là tiếng nói của núi. Những sự vật bình phàm đó, đều toát lên thiền ý, dù chúng chỉ thờ ơ sinh trưởng, chẳng liên quan tới con người. Chẳng một ai thay đổi được số mệnh của đất đá, cũng chẳng ai ngăn trở được sự lan tràn của cỏ cây. Mà chim chóc cũng như người, đều phải trải qua luân hồi sinh lão bệnh tử. Song tôi chẳng biết tự lúc nào đã trở thành một đám mây trôi dạt cuối trời, dù chúng ta dừng lại dưới cùng một vòm trời, nhưng tôi cứ ảo tưởng rằng, mình cũng giống như Giả Đảo đời Đường, lưng đeo bọc hành lý giản đơn, bên trong chỉ có một cái ô cũ, một bộ đồ để thay đổi, mấy cuốn sách đóng gáy chỉ, ngoài ra chẳng còn gì khác. Đi vào tận núi sâu rừng thẳm, tìm một ẩn sĩ lánh đời, cùng chơi một ván cờ, uống một ấm trà, nói mấy câu chuyện phiếm. Tiếc rằng, ngay cả cậu nhỏ để hỏi thăm cũng tìm không thấy, mây mù thăm thẳm, chỉ có một mình đơn độc, trò chuyện với linh hồn.

Đường đến đường đi, đều ở triều Đường. Sau này tôi mới biết, nhà thơ đi vào trong núi tìm ẩn sĩ ấy, quả nhiên đã kết duyên với Phật.

Ông tên Giả Đảo, lúc trẻ tuổi nghèo túng từng xuất gia làm hòa thượng tại một ngôi chùa không rõ tên, pháp danh là Vô Bản. Vô Bản, hàm nghĩa không chằng không rễ, không hư tịch diệt. Có lúc một cái tên, lại định sẵn vận mệnh cả đời. Tuy ông ưa cảnh Phật thanh tịnh, nhưng lại không quên được trời xuân hồng trần có bướm bay rợp rợp đầu cành. Ông là kẻ si thơ, thường chỉ vì một chữ trong bài thơ mà khổ sở suy tư, đắn đo không ngớt.

Nghe nói, năm xưa vào một đêm trăng, Giả Đảo cưỡi một con lừa còm ra ngoại ô thành Trường An thăm người bạn là Lý Ngưng. Cảnh đêm thanh khiến lòng thơ ông xao động, ngẫu hứng ngâm một bài "Đề căn nhà ở chốn u tịch của Lý Ngưng". Lúc ngâm đến câu "chim đậu cây bờ ao, sư dưới trăng đẩy cửa", không biết chữ "đẩy" hay chữ "gõ" hay hơn, ông cứ ngồi trên lưng lừa trăn trở nghĩ mãi, vô tình đụng phải đội xe của Kinh Triệu Doãn Hàn Dũ. Hàn Dũ bấy giờ là kẻ hô mưa gọi gió trên thi đàn, tiếc tài như mạng. Biết được nhà sư trẻ trước mặt là một kẻ yêu thơ, bèn nhận xét rằng chữ "gõ" hay hơn. Giả Đảo cũng nhờ ơn tri ngộ lần ấy của Hàn Dũ mà bước chân vào thi đàn Trường An, bắt đầu nổi danh.

Ông hoàn tục, cởi lớp áo thầy tu, trở thành một thư sinh nho nhã. Được sự khích lệ của Hàn Dũ, ông lều chõng đi thi, nhưng mãi không đỗ, cuối cùng cũng chỉ là một thi khách bất đắc chí trong thành Trường An. Ông cùng bạn là Mạnh Giao, Hàn Dũ mượn rượu tìm thú tao nhã, về sau hai người kia lần lượt lâm bệnh qua đời, chỉ còn lại mình Giả Đảo say ngất ngư trong một góc tối tăm nào đó trên đường phố Trường An. Thực ra, câu chuyện của văn nhân mặc khách xưa nay đa số đều như vậy, phần nhiều không được quân vương hân thưởng, đầy một bụng học vấn nhưng lại chán nản bất đắc chí, đành lưu lạc lang thang, lãng đãng giang hồ. Kẻ kiên định thì tiếp tục ở lại kinh thành, đánh đổi thanh xuân để hoàn thành tâm nguyện cao xa, còn kẻ nản chí đành lựa chọn quy ẩn núi rừng, trồng một cội mai, cắm một gốc liễu, nuôi một con hạc, bầu bạn cùng già.

Khi thấy nhàm chán trước cuộc sống đơn giản ấy, là bạn còn chưa tham thấu được bí ẩn của vận mệnh. Tới chừng thấy áo vải cơm chay là niềm vui thanh đạm đẹp đẽ nhất trên đời, bấy giờ bạn mới hiểu được dưới ánh mặt trời chẳng có chuyện gì mới mẻ. Cả đời Giả Đảo, ở cửa Thiền lại nhớ nhung cõi tục, làm người phàm tục lại khó rũ lòng thiền. Cuộc sống hiu quạnh cửa Không khiến ông luôn tơ tưởng những phồn hoa chốn kinh kỳ, nhưng khi đã ở nơi phố thị, ông lại hoài niệm vẻ thanh tịnh của cảnh chùa trong núi. Năm ấy ông đi tìm ẩn sĩ mà không gặp, lúc quay về, có phải cũng hoa mắt vì phồn hoa? Bằng không cánh thuyền nhẹ bên bờ liễu kia, sao có thể băng qua muôn sông ngàn núi?

Cuối cùng Giả Đảo vẫn chậm một bước, bị bỏ lại giữa hồng trần, một đời bất đắc chí, dốc hết tài hoa mà chỉ cầu được một chức quan nhỏ, bổng lộc chẳng đủ nuôi thân. Ngày ông qua đời, trong nhà không có một đồng, chỉ có một con lừa ốm, một cây đàn cổ, được táng cùng ông tại một gò núi ở ngoại thành. Người nhớ đến ông có lẽ rất nhiều, nhưng rốt cuộc chỉ là tưởng niệm và hồi ức mà thôi.

Từng có lần, tôi đứng trên lầu cao, dưới ánh mặt trời, xé giấy tung xuống dưới. Nhìn những mẩu giấy nhỏ bay tan tác trong gió như từng cánh bướm trắng, đẹp mà tịch mịch thê lương. Giờ đây tuổi hoa đã trôi theo gió biệt tăm, đến mẩu giấy nhỏ cũng chẳng còn. Bất luận thời gian trôi được bao xa, bất luận chúng ta có từng vứt bỏ bản thân hay không, thì mọi thứ vẫn ở nguyên chỗ cũ, hoa nở giữa mùa xuân, nước trong giữa mùa hạ, lá rụng lúc vào thu, tuyết rơi khi đông đến. Tôi chỉ là một con sâu cái kiến vờ bận bịu, hoặc một đóa hoa gắng gượng tươi cười, nếm đủ phong trần mà thôi. Không phải bởi tôi hờ hững, mà vì tháng năm như gió cuốn, tôi sao để tâm hết được những dòng người chen vai thích cánh ấy.

Nếu có thể, tôi muốn làm một ngọn cỏ yếu ớt, lặng lẽ mọc dưới chân tường, chẳng cần e sợ ánh mắt người khác. Hoặc làm một cây leo xanh biếc, bò lan trên tường ngôi nhà cổ, trông giữ một đoạn chuyện cũ thời niên thiếu giùm người chủ khi xưa. Càng mong được làm một con hồ ly trắng tu luyện trong núi sâu rừng thẳm, đợi một nhà sư trẻ nào đó đi tìm ẩn sĩ, cùng kết một đoạn trần duyên.