Duyên

Chương 22: Việc đời mừng tủi tuy vô định, Phật dạy buồn đau sẵn ngọn nguồn



Ngồi một mình trong thư trai mùa thu gửi Lạc Thiên[1] đồng thời trình lên đại phu Ngô Phương Chi.

Trai phòng trống trải bụi không vương,

Thang thuốc sách y xếp cạnh giường.

Lác đác cỏ gầy hơn tịnh thổ,

Lẻ loi chim nhỏ tựa khách vàng.

Việc đời mừng tủi tuy vô định,

Phật dạy buồn đau sẵn ngọn nguồn.

Cùng hướng Lạc Dương nhàn qua kiếp,

Chớ cho cảnh đẹp của người dưng.

Lưu Vũ Tích

[1] Tên chữ của Bạch Cư Dị.

Sớm cuối thu, lòng hoài niệm tiếng chuông ngân nga của chùa Nam Thiền, bèn thả bộ tìm đến. Tới chùa Nam Thiền, phải băng qua một con ngõ nhỏ lát đá xanh xưa cũ. Vì xưa cũ nên những người sinh sống trong ngõ đều là người lớn tuổi, đám thanh niên đã dời đến nhà lầu ở nơi náo nhiệt từ lâu. Mỗi lần đi ngang qua, đều thấy mấy người lớn tuổi ấy xách ghế trúc ra ngồi trước cửa, các ông cụ xúm lại một chỗ chơi cờ uống trà, còn các bà cụ thì tụ tập nhặt rau và chuyện phiếm. Gạch xanh ngói đen không ngăn được sự bào mòn của tháng năm, dần dần loang lổ, cỏ mọc xanh um. Bước vào con ngõ ấy, như thể bước vào một giấc mộng cũ Giang Nam còn đương mê mệt, mà tôi lại chẳng phải người có thể lay tỉnh quá khứ. Chỉ là một người khách qua đường, khẽ vén một góc ký ức của con ngõ nhỏ lên, người trong ngõ đều đã bị phong kín bên trong câu chuyện, còn tôi vĩnh viễn là một kẻ giở đọc câu chuyện của người khác.

Lúc này đây, có phải bạn cũng như tôi, đang nhớ tới một câu trong bài "Ô Y hạng" của Lưu Vũ Tích: "Én xưa nhà Tạ nhà Vương, lạc loài đến chốn tầm thường dân gia[1]." Nơi đây không phải ngõ Ô Y, nhưng cũng có lịch sử thăng trầm chẳng khác là bao. Ở Giang Nam có rất nhiều ngõ Ô Y, phú thương vọng tộc các đời đều xây nhà cửa trong ngõ sâu, những bức khắc đá khắc gỗ hoàn mỹ, hiển lộ sự phồn hoa và phong thái quý tộc. Chẳng bao lâu sau, vật cũ đã đổi sang chủ mới, những gia tộc cự phú một thời đã thành ra bách tính tầm thường. Một giấc mộng ngàn năm, hết thảy vinh hoa đều bị thời gian gột sạch, chỉ để lại tòa nhà cũ vắng tanh, đợi chờ trong ngõ nhỏ, buông tiếng than thở không lời. Còn trong ngõ Ô Y mà chúng ta canh cánh tưởng nhớ, lại có thể tìm được thứ gì đây?

[1] Ô Y hạng, bản dịch Tản Đà.

Thích nghe tiếng chuông chùa bởi âm thanh văng vẳng ngân nga ấy có thể đánh thức rất nhiều ký ức mơ hồ, khiến tâm hồn sầu não từ từ trở lại bình tĩnh. Tôi tự vấn mình cũng là người an tĩnh, có một trái tim an tĩnh, song vẫn thường bị những chuyện thế tục không tên quấy rầy. Tuy không tin Phật, song lại quen nếp tha thẩn trong chùa chiền hòng nhiễm chút Phật tính. Có điều lúc nào tôi cũng cảm thấy mình là một người khách lạ của Phật môn, dù có một tấm lòng thiền, song vẫn chỉ có thể đứng bên bờ giấc mộng mà ngóng vọng. Chỉ e cử động si mê nào đó lại làm Phật Tổ hiểu lầm, từ nay cắt đứt duyên nợ với hồng trần. Bởi thế lần nào như lần nấy đều vội vã bỏ những xốc nổi lại, đem theo một tiếng chuông ngân, một sợi khói hương, một phiến lá rụng rồi quay về tục thế, thong thả nhấm nháp dư vị.

Nói đến Lưu Vũ Tích, liền nhớ tới Phật duyên của ông. Nhà thơ thời Đường được xưng tụng là "Thi hào" này, sinh ra trong nhà môn đệ thư hương, đời đời có truyền thống Nho học. Ông chủ trương cải cách về chính trị, trên quan trường tuy bị trích biếm song không hề trầm luân, mà vẫn giữ được sự tích cực lạc quan trong buồn khổ. Tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng của hai vị thiền sư và Thi tăng trứ danh thời Đường là Giảo Nhiên và Linh Triệt, nên tả cảnh non nước thì tĩnh mịch không linh, tả dân ca lại thẳng thắn tự nhiên. Phong cách thơ ông súc tích trôi chảy, giàu nội hàm sâu xa, đạt tới cảnh giới phóng khoáng cởi mở. Lưu Vũ Tích rất tin Phật giáo, đắc tam muội[1], ông từng nói, người làm thơ phải "vài lời đã tỏ muôn ngàn ý, ngồi yên cũng khiến vạn cảnh đi."

[1] Đắc tam muội nghĩa là chú tâm vào một chỗ, một cảnh. Khi người tu hành thiền định, chú tâm vào một đối tượng Chính pháp, không để lòng tán loạn, giữ gìn an tĩnh, trạng thái này gọi là Tam muội.

Tôi ưa nhất đôi câu thơ đầy chất thiền do ông viết: "Việc đời mừng tủi tuy vô định, Phật dạy buồn đau sẵn ngọn nguồn." Cõi đời hỗn loạn này có quá nhiều biến số, dù chúng ta biết xem bói tính quẻ, cũng không cách nào thực sự dự liệu được kết cục là mừng rỡ hay đau khổ. Chẳng ai biết được ngày nào tháng nào sẽ có sự bất ngờ giáng xuống mình, giữa cuộc đời mịt mù này, điều duy nhất chúng ta có thể làm là nỗ lực sống thật tốt từng ngày. Dù không hạnh phúc, cũng phải tìm ra một cái cớ để hạnh phúc. Song nhà Phật lại tin vào nhân quả, cho rằng mọi chuyện đều có nhân quả luân hồi. Những gì bạn làm ngày hôm nay, sẽ có kết quả trong một tương lai không xa. Bởi vậy những người tin Phật phần lớn đều giữ một tấm lòng từ bi thanh khiết, đứng trước nạn tai và kiếp số, bọn họ có thể đạt được sự bình tĩnh mà người thường không sao làm được.

Trong những năm tháng bị giáng chức chuyển đến nơi khác, Lưu Vũ Tích đã nếm đủ hoạn nạn và đau khổ. Có lẽ vì thời trẻ hay viếng thăm hai vị cao tăng Giảo Nhiên và Linh Triệt nên tâm hồn ông trước sau vẫn giữ được sự thấu triệt và thanh tịnh. Biết bao tia sáng hỗn loạn trên đời luôn cứa vào trái tim đa cảm, nếu không tìm một chốn thanh tịnh để bản thân nương nhờ, hẳn khó tránh rơi vào xốc nổi, chẳng thể lãng quên. Không phải cứ sở hữu quyền thế vinh hoa là tâm hồn phong phú, bao nhiêu trang sức hoa lệ trên thế gian, đều chỉ là thứ giả tạo để che mờ tâm trí chúng sinh mà thôi. Kẻ không vượt qua được dụ hoặc thường sẽ lầm đường lạc lối, hoang mang theo đuổi một kết quả, song đáp án tất nhiên là sai lầm.

Sức nặng của Thiền trong lòng mỗi người mỗi khác, hàm nghĩa mỗi người lý giải cũng khác nhau. Trong lòng Lưu Vũ Tích, Thiền là thông linh thấu tỏ, mỗi lúc nản lòng, ông lại nhớ đến sự bình thản khoáng đạt của các vị cao tăng, bản thân ông cũng theo đuổi sự cao nhã trong cõi tục. Bài "Lậu thất minh" của ông khắc họa rõ nét thú ẩn dật, thanh bần mà vui đạo. Một căn nhà đơn sơ rêu mọc tràn lan, chẳng bài trí xa hoa cầu kỳ, chỉ có cỏ xanh um tùm và mấy cây trúc biếc. Người sống tại đó thường gảy cây thất huyền cầm cũ kỹ, giở đọc kinh Phật. Rời xa tranh chấp và dục vọng, ngộ được hạnh phúc giản đơn trong cảnh thanh bần, những thăng trầm nhỏ nhặt trong quá khứ đều tan tác thành tro bụi. Nếu có thể sống trong căn nhà đơn sơ ấy, bạn bầu cùng những đồ vật cũ kỹ, bốn mùa thấm thoắt, chớp mắt đã trời tàn đất tận.

Đều nói khi một người ngồi thiền sẽ rơi vào ảo cảnh, quên hết thời gian. Không biết đói khát, chẳng hay nóng lạnh, chẳng còn mừng giận hay tạp niệm, họ sẽ quên mình từ đâu tới, thậm chí quên hết mọi thứ liên quan đến mình. Trong suy nghĩ chỉ còn thiền cảnh bồ đề, chỉ thấy mình đang tĩnh tọa trên mây, lòng bình thản mà trống rỗng. Rất nhiều hòa thượng thiền định mấy chục ngày, chỉ uống rất ít nước, mặc áo mỏng ngồi giữa trời tuyết, tuyết xung quanh đều tan hết, còn họ vẫn bình thản tọa thiền. Bậc cao tăng đạt đến cảnh giới tối cao, sẽ tọa hóa Niết Bàn, nhục thân của họ không hề thối rữa mà trường tồn cùng trời đất. Đối với họ, quá trình mà chúng ta vất vả tìm kiếm mỗi ngày đều là hư không. Bao thứ từng đòi hỏi từ cuộc sống, lúc rời đi đều phải hai tay hoàn trả đủ.

Đó chính là nợ, những gì thiếu nợ, đều phải hoàn trả. Còn nhớ đôi câu của Lưu Vũ Tích: "Bao độ người đời thương chuyện cũ, như xưa bóng núi gối sông sâu[1]." Ngàn cánh buồm sớm đà qua hết, năm tháng vẫn như nước xuôi dòng, chuyện cũ tang thương trong đời người có nhiều tới đâu chăng nữa, so với thiên nhiên ngàn đời bất biến, cũng chỉ là mây khói thoảng qua, chớp mắt liền tan biến. Hối hả theo đuổi danh lợi phù hoa, chi bằng ở trong gian nhà đơn sơ đọc kinh tham thiền, xem như một kẻ dạn dày gió bụi rốt cuộc đã tìm được gian nhà trọ để chắn gió che mưa. Dù bạn vẫn muốn đi xa, xin hãy uống một chén trà nóng, sưởi ấm người đi đã, có vậy mới không sợ đao gió kiếm sương trên đường trần. Phật Tổ thương xót hết thảy sinh mạng, khi bạn khóc lóc hay buồn đau, đều có một cặp mắt đang quan sát bạn. Lại nhớ đến tên chữ của Lưu Vũ Tích, Mộng Đắc. Có lẽ ông cũng là người thích nằm mộng, có điều ông lại mơ thấy tỉnh thức. Nếu có thể, để tôi tìm một gian nhà đơn sơ, khép lại khung cửa sổ cuối thu, mơ một giấc mộng thiền. Trong mộng, ông cũng chẳng cần biết tôi là ai, còn tôi chỉ ngâm cho ông nghe đôi câu này: "Việc đời mừng tủi tuy vô định,

Phật dạy buồn đau sẵn ngọn nguồn."

[1] Nghĩ lại chuyện xưa ở núi Tây Tái, bản dịch Lâm Trung Phú.